Nhân Văn Giai Phẩm phần XI : Trần Dần
Trần Dần từ "Giai Phẩm" (1956) đến "Thơ" (1987) Về Nhân Văn Giai Phẩm, có những sự việc đã bị chôn sống. Có những sự thực đã bị bóp méo đến độ dị dạng. Người ta đã quen sống với những quái thai dị đạng đó: những xuyên tạc, bôi nhọ được học tập, đề cao. Ngờ đâu, những con chữ trong hòm lại có ngày đứng dậy, thuật lại truyện mình. Nhật ký Trần Dần ghi là những dòng chữ của người dưới mộ gửi về để lấp những trang trắng của một thời kỳ văn học sử đã bị xoá sổ.
Trong 40 năm sau Nhân Văn, Trần Dần đã chỉ thấy những hòm bản thảo của mình: 2/3 bị tiêu tán, mục nát, 1/3 còn lại bị kết án chung thân trong trạng thái nằm. Vậy mà vẫn viết. Viết đều. Bởi ông cho rằng viết hay ghi là phương pháp duy nhất nói chuyện với mình khi không thể nói được với ai. Từ 1958, "ghi trở nên một hình phạt", người thanh niên 32 tuổi ấy đã bị "đòn ngấm quá cuống tim rồi". Tác phẩm chịu chung số phận với người: gần 30 tập thơ, 3 cuốn tiểu thuyết, và không biết bao nhiêu bản thảo đã bị mối mọt.
Chúng tôi tổng hợp một số tài liệu khác nhau để dựng lại một tiểu sử, một con người, được nhìn từ nhiều phía, rút từ chính văn bản của Trần Dần và những thông tin thu lượm chủ yếu trong các tài liệu sau đây: Con người Trần Dần của Hoàng Cầm (Nhân Văn số 1, 20/9/1956); Sự thực về con người Trần Dần của Vũ Tú Nam (Văn Nghệ Quân Đội số 4, tháng 4/1958); Vạch thêm những hoạt động đen tối của một số cầm đầu trong nhóm phá hoại Nhân Văn Giai Phẩm của Từ Bích Hoàng (VNQĐ, số 5, tháng 5/1958); Con đường đi của Phùng Quán, con đường sai lầm điển hình của một người viết văn trẻ của Nguyên Ngọc (VNQĐ, số 4, tháng 4/1958); Nhật ký Trần Dần ghi (Phạm Thị Hoài, biên soạn, nxb Văn nghệ, Cali 2001); Những ngày thử thách, trích hồi ký của Vũ Tú Nam (chép lại 25/10/2006, tạp chí Nhà Văn số 3/2007, in lại trên Talawas.)
Nhà thơ Trần Dần
(Ảnh : Dương Minh Long)
Trần Dầntên thật là Trần Văn Dzần, sinh ngày 23/8/1926 tại Nam Định trong một gia đình giàu có. Mất ngày 7/1/1997 tại Hà Nội. Đậu Thành chung ở Nam Định, rồi lên Hà Nội, học tiếp, đậu bằng Tú tài. Năm 1946, cùng với Đinh Hùng, Trần Mai Châu, và Vũ Hoàng Địch (em ruột Vũ Hoàng Chương) chủ trương nhóm Dạ Đài. Trần Dần, Trần Mai Châu và Vũ Hoàng Địch cùng ký tên vào bản "Tuyên ngôn tượng trưng" trên Dạ Đài số 1 (16/11/46), nhưng Đinh Hùng mới thực là "chủ soái", bởi thơ Trần Dần, Trần Mai Châu, Vũ Hoàng Địch, và Nguyễn Văn Tậu chịu ảnh hưởng sâu xa thơ Đinh Hùng.
Bài Về nẻo thanh tuyền của Trần Dần có giọng rất Đinh Hùng:
Đời bỏ ta nằm dưới Thủy Cung
Mờ đi! ơi ánh nguyệt vô cùng
Hồn ta qua xứ ma làm loạn
Nên thác trong đường trận hỏa công
(Thơ Mới 1932-1945, phụ lục, Lại Nguyên Ân sưu tập, nxb Hội nhà văn, 1999).
Năm 1947, Trần Dần về Nam Định, tham gia kháng chiến, làm công tác thông tin. Được kết nạp vào đảng ngày 19/8/1948 [Vũ Tú Nam, Sự thật về con người Trần Dần (STVCNTD)].
Năm 1951, sau khi dự lớp chỉnh huấn "có kết quả", Trần Dần được phụ trách huấn luyện đoàn Văn công quân đội. Vì "đả kích cán bộ sáng tác" nên bị kỷ luật và bị chuyển về Tuyên huấn. Làm việc trong tuyên huấn đến 1953 (Vũ Tú Nam, STVCNTD).
1954 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, viết tiểu thuyết Người người lớp lớp (nxbQuân Đội Nhân Dân, 1954). 10/10/54 được cử đi Trung Quốc viết thuyết minh cho phim Điện Biên Phủ. 10/12/54 trở về Hà Nội. 24/12/ 54 bắt đầu tổ chức các cuộc thảo luận đòi thay đổi chính sách văn nghệ quân đội.
Tháng 2/55, Trần Dần viết bản Đề nghị Chính sách Văn nghệ.
Trong tháng 3 và 4/55, Trần Dần và Tử Phác tổ chức Phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu và tiểu thuyết Vượt Côn Đảo của Phùng Quán.
Tháng 4/55: Bản Đề nghị Chính sách Văn nghệ không được Tuyên huấn thông qua.
23/4/55: Trần Dần quyết định viết đơn giải ngũ, dự định đến đường cùng sẽ ra đảng và kết hôn với cô Bùi Thị Ngọc Khuê, bất chấp quân kỷ (Trần Dần ghi).
16/5/1955: Trần Dần gửi đơn xin ra khỏi bộ đội và ra Đảng. Hoàng Tích Linh xin ra khỏi bộ đội (Hồi ký Vũ Tú Nam).
13/6/1955: Tất cả các tổ Đảng ở Cục Tuyên huấn phê phán lá thư xin ra khỏi Đảng và quân đội của Trần Dần là chống đối, phá hoại tổ chức Đảng (Hồi ký Vũ Tú Nam).
13/6 đến 13/9 Bị giam 3 tháng trong trại, Trần Dần ghi trong nhật ký "Ba tháng bị giữ lại kiểm thảo", "Nọc bệnh: anarchiste" "Khi xưa phản đối xã hội cũ bằng symbolisme [Tuyên ngôn tượng trưng], "Bây giờ phản đối những cái sai trong lãnh đạo văn nghệ bằng loạn ẩu". Sáng tác Nhất định thắng, đưa cho Lê Đạt giữ (Hoàng Cầm, Con người Trần Dần).
21/6/1955: Liền trong một tuần, từ thứ 2 đến thứ 7, chi bộ khai trừ Trần Dần và Nguyễn Anh Chấn [Tử Phác]. Về Nguyễn Anh Chấn, tổ chức quyết định đình chỉ công tác và sinh hoạt Đảng để kiểm điểm (Hồi ký Vũ Tú Nam).
Từ 3/11 đến giữa tháng 2/56 Trần Dần, Tử Phác phải đi "tham quan Cải cách ruộng đất đợt 5" ở Yên Viên (Bắc Ninh), thỉnh thoảng được về Hà Nội hoặc Hoàng Cầm, Lê Đạt lên thăm. Trong thời gian này, Trần Dần ghi lại bi kịch kinh hoàng Cải Cách ruộng đất trong nhật ký, với những chi tiết, những con số, những màn đấu tố, những cảnh giết người. Đó là một tài liệu lịch sử và xã hội vô cùng quý giá. Khi biên tập Trần Dần ghi, Phạm Thị Hoài cho biết, chị chỉ đưa một phần, còn để lại dành cho cuốn riêng về Cải cách ruộng đất. Nhưng cho tới nay, vẫn chưa thấy tác phẩm này ra đời, cũng như phần lớn các di cảo khác của Trần Dần vẫn còn nằm trong hòm.
Cùng trong thời gian này, Hoàng Cầm Lê Đạt tổ chức Giai phẩm mùa xuân, có bàn với Trần Dần đưa bài thơ Nhất định thắng ra in, Trần Dần đồng ý (Trần Dần ghi).
Cuối tháng 1/56 Giai phẩm mùa xuân vừa ra đời, bị tịch thu.
Đầu tháng 2/56 Lê Đạt bị Tố Hữu gọi tên tuyên huấn kiểm thảo 15 ngày. Trần Dần, Tử Phác bị bắt ở Bắc Ninh. Bị đưa giam ở một nơi kín. Sợ bị thủ tiêu, Trần Dần lập kế dùng mince lame cắt cổ cho chảy máu. Được đưa vào bệnh viện.
Chân dung nhà thơ Trần Dần với vết sẹo trên cổ do họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ năm 1956 và đăng trên Nhân Văn số 1.
(Nguồn : Tư liệu G.Boudarel)
Ngày 21/2/56, Trần Dần viết một lá thư dài 15 trang, phân trần với tướng Nguyễn Chí Thanh (Vũ Tú Nam, STVCNTD). Hội Văn Nghệ tổ chức phê bình Nhất định thắng.
7/3/56 Bắt đầu chiến dịch đánh Trần Dần trên báo với bài của Hoài Thanh.
Ngày 5/5/56, Trần Dần được thả với điều kiện phải viết "một bản kế hoạch sửa chữa sai lầm sáu tháng cuối năm". Sau đó được chuyển sang Hội Văn Nghệ (Vũ Tú Nam, STVCNTD).
Từ tháng 8/56, tham gia Nhân Văn Giai Phẩm và bị kỷ luật cùng điều kiện như Lê Đạt.
Tác phẩm:
Về nẻo thanh tuyền (Dạ đài) 1946.
Phạm Thị Hoài trong bài Trần Dần: cuộc đời, tác phẩm, thời đại (in trong Trần Dần ghi) ghi lại những tác phẩm sau đây:
1954: Anh đã thấy, Tiếng trống tương lai (trường ca).
1955: Cách mạng tháng Tám, Nhất định thắng (bản Hoàng Văn Chí, in lại trong Trần Dần thơ, nxb Nhã Nam Đà Nẵng, 2007)
1957: Hãy đi mãi, Đi! Bài thơ Việt Bắc (trường ca), (nxb Hội Nhà Văn 1991)
1959: Sắc lệnh 59 (thơ), Con tàu xã hội (thơ), 17 tình ca (thơ).
1959-1960: Cổng tỉnh (thơ), (nxb Hội Nhà Văn 1994)
1961: Đêm núm sen (tiểu thuyết)
1963: Jờ Joạc (thơ) (in trong Trần Dần thơ, 2007)
1964: Mùa sạch (nxb Văn học 1997), Những ngã tư và những cột đèn (tiểu thuyết)
1965: Một ngày Cẩm Phả (tiểu thuyết)
1967: Con trắng (thơ văn xuôi, in trong Trần Dần thơ, 2007)
1968:177 cảnh (hùng ca lụa)
1974: Động đất tâm thần (nhật ký thơ)
1978: Thơ không lời - Mây không lời (thơ - hoạ)
1979: Bộ ba: Thiên Thanh - 77- Ngày ngày
1980: Bộ ba: 36 - Thở dài - Tư Mã dâng sao.
1987: Thơ Mini. (in trong Trần Dần thơ, 2007)
Nhưng kê khai trên đây có lẽ chưa phải là tất cả, vì trong cuốn Trần Dần thơ (nxb Nhã Nam, Đà Nẵng, 2007), do Vũ Văn Kha biên tập, còn có những tập thơ khác. Vũ Văn Kha cho biết "phần lớn di cảo thơ Trần Dần vẫn tiếp tục số phận nằm".
Hình bìa hai tác phẩm của Trần Dần : Cổng Tỉnh (1994) và Thơ (2007)
Trần Dần thơ, ngoài những tác phẩm tạm gọi là classique đã in như Bài thơ Việt Bắc và Cổng Tỉnh, còn có những tác phẩm mới hơn. Những thử nghiệm thơ độc âm Mùa sạch, biến tấu âm con OEE, và thơ bè Con I, còn nhiều cường điệu và nệ hình thức, hoặc lập dị như Jờ Joạcx. Ngược lại, với Sổ bụi và thơ Mini, Trần Dầnthực sự đã thành công, hai tác phẩm này xác định tinh thần cách tân thơ của Trần Dần, khác với Đặng Đình Hưng và Lê Đạt. Vậy lần công bố này, tầm quan trọng và sự độc đáo nằm trong Sổ bụi, và thơ Mini. Sổ bụi, tập hợp lối ghi chép đặc biệt Trần Dần: đó là những bài thơ văn xuôi cô đọng, mới, đầy biến ảnh, thể hiện cái mỹ học khổ đau của ông một cách toàn diện. Thơ Mini, là những triết luận thu gọn đến cạn kiệt. Một Trần Dần đi từ thực tại thi nhân để đến với tâm linh hiền triết.
Từ kháng chiến đến Nhân Văn Giai Phẩm
Dạ Đài ra đời ngày 16/11/46 đúng lúc chiến tranh bùng nổ: Ngày 16/11/46, Tự vệ Hải Phòng được lệnh chuẩn bị chống Pháp. 30/11/46, quân Pháp và Tự Vệ xung đột ở Đồ Sơn. 7/12/46, Võ Nguyên Giáp ra lệnh sửa soạn tấn công. 8/12/46, Hà Nội đào hầm, đục tường xuyên nhà nọ sang nhà kia. 10/12/46, dân chúng Hà Nội bắt đầu tản cư. 20/12/46, lệnh kháng chiến từ Hà Nội, ban hành ở Nam Bộ.
Đạo diễn Trần Vũ kể lại : Ban đầu, Trần Dần làm công tác tuyên truyền cùng Vũ Khiêu và Vũ Hoàng Ðịch. 1948, khi thành lập khu 14 ở Tây Bắc, Trần Dần cùng Vũ Khiêu, Vũ Hoàng Ðịch lên Tây Bắc. Một thời gian sau, khu 14 bị giải thể. Trần Dần tham gia quân đội, nhận công tác địch vận của trung đoàn Sơn La từ 1948 đến 1950. (RFI, chương trình tưởng niệm Trần Dần, tháng 1/1997)
Hồ Phương kể lại: "Ở nhóm văn nghệ Tây Bắc có Trần Thứ (nay là Trần Vũ), Trần Dần và Hoài Niệm... Tờ Sông Ðà của nhóm này cũng là một tờ báo được trình bày khá đẹp, nghiêng về sáng tác thơ văn. Hồi ấy Trần Dần hay làm thơ leo thang, bài thơ thường được trình bày khá kiểu cách. Dòng thì in chữ nhỏ, dòng lại in chữ to, thiên về hạng theo mốt." (Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học, tập II, nxb Tác Phẩm Mới, 1987, trang 140).
Theo Vũ Tú Nam: Trong nhóm văn nghệ Sông Đà, Trần Dần "làm thơ bí hiểm, vẽ theo lối lập thể, bị quần chúng bộ đội phản đối". Năm 1951, sau khi dự "một lớp chỉnh huấn có kết quả", Trần Dần được điều về phụ trách đoàn Văn công quân đội. (Vũ Tú Nam, STVCNTD).
Theo Hoàng Cầm, "tới trại hè năm 1951, các đoàn văn công nỗ lực tập luyện để phục vụ một chiến dịch lớn. Trần Dần phụ trách huấn luyện cho mấy trăm anh chị em: sáng tác đạo diễn và diễn viên." (Con người Trần Dần)
Vũ Tú Nam cho rằng vì "có ít nhiều thành tích" trong việc luyện tập Văn Công, Trần Dần "đâm ra chủ quan độc đoán, đả kích cán bộ sáng tác", "bị thi hành kỷ luật rồi điều về cục Tuyên huấn công tác, bất mãn ngấm ngầm" (Vũ Tú Nam, STVCNTD).
Nếu Vũ Tú Nam viết đúng sự thực, thì việc Trần Dần về Cục tuyên huấn, không phải là một thăng tiến mà là một hình phạt.
Đầu năm 1954, Trần Dần tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ cùng với Đỗ Nhuận. Hoạ sĩ Tô Ngọc Vân chết trong chiến dịch này. Tiểu thuyết Người người lớp lớp được sáng tác ở Điện Biên Phủ, hoàn thành cuối tháng 9/54.
Đầu tháng 10/54, Trần Dần được cử điTrung quốc 2 tháng để viết bản thuyết minh cho phim Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, cùng đi trong đoàn có Đỗ Nhuận. Ngày 10/10/54 khởi hành, 14/10 đến Nam Ninh, 20/10 đến Bắc Kinh, ông hoàn thành bài thơ Tiếng trống tương lai tại Bắc Kinh, và trở lại Hà Nội ngày 10/12/54.
Hoàng Cầm viết: "Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Trần Dần thức thâu đêm suốt sáng để viết bản thảo lần thứ ba cuốn truyện về những người đã tạo ra chiến thắng lịch sử lớn lao đó. “Nhưng cái hướng chính của tôi không phải là tiểu thuyết. Hướng đi của tôi là thơ. Tôi sẽ tìm tòi trong thơ và cố gắng tạo ra một lối diễn tả riêng biệt -không phải lập dị- nhưng độc đáo. Trần Dần đã nói với tôi như vậy sau khi anh viết xong "Người người lớp lớp". Hồi đó, anh có đưa tôi xem tập thơ làm đã lâu: "Tiếng trống tương lai"" (Hoàng Cầm, bđd).
Trong nhật ký, Trần Dần chỉ ghi sơ lược về chuyến đi Trung Quốc, nhưng có lẽ ông đã thuật lại cho Hoàng Cầm. Hoàng Cầm ghi:
"Viết xong Người người lớp lớp, Trần Dần được phân công viết thuyết minh cho cuốn phim Chiến thắng Điện Biên Phủ và anh được cử sang Trung Quốc làm nhiệm vụ đó. Nhưng đi kèm bên cạnh anh là một cán bộ chính trị có quyền tối hậu quyết định. Anh cán bộ này, đáng lẽ phạm vi công tác là góp ý kiến vào nội dung bản thuyết minh và bảo đảm cho nó không phạm những sai lầm về đường lối chính sách của Đảng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, thì đã lợi dụng uy quyền của mình đi quá xa vào phạm vi văn học, bắt Trần Dần phải viết như ý mình, từng câu từng chữ, lạm dụng danh từ chính trị khô khan rỗng tuếch để nhét cho kỳ được vào bản thuyết minh.
Đầu tiên, Trần Dần rất phục tùng người cán bộ chính trị khi dự thảo thuyết minh, và hoàn toàn theo sát những vấn đề chính trị sẽ đặt ra khi thuyết minh. Đến khi thấy anh cán ấy “lên gân” và thọc bàn tay cứng lạnh vào phạm vi viết văn thì Trần Dần bắt đầu có phản ứng. Nhưng anh vẫn bình tĩnh, đề nghị cấp trên xét lại vấn đề. Đến khi “anh cán bộ vẫn là tối hậu quyết định cả từng câu chữ” thì Trần Dần thôi không làm công việc đó nữa, nhường cả phần “văn chương” cho đồng chí cán bộ.
Sau việc này sự mâu thuẫn giữa văn nghệ sĩ và cán bộ chính trị bắt đầu phát triển khá mạnh trong con người Trần Dần. Anh vẫn cố dẹp đi, nhiều lúc anh thẫn thờ ít cười ít nói nhưng vốn là con người chân thực – cái chân thực nhiều khi đến thô lỗ - lắm khi anh đã cục cằn, thốt ra những lời gay gắt thiếu lịch sự. (...)
Đó là động lực thúc đẩy Trần Dần, rồi đến Tử Phác, Đỗ Nhuận, Hoàng Cầm, Trúc Lâm, Hoàng Tích Linh, và rất đông anh em công tác văn nghệ trong bộ đội dự thảo ra bản “Đề nghị Chính sách Văn nghệ” trình bày với cấp trên hồi đầu năm 1955, tại Hà Nội." (Hoàng Cầm, bđd).
Nhà thơ Trần Dần thời trẻ. Chân dung do Nguyễn Sáng vẽ năm 1956 và in trên Nhân Văn số 1
(Ảnh : DR)
Qua lời Hoàng Cầm, chúng ta hiểu rõ tại sao, từ khi đi Trung Hoa về, thái độ phản kháng của Trần Dần mãnh liệt hơn. Sự chống đối này không do ảnh hưởng Hồ Phong, như trong các bản cáo trạng buộc tội Trần Dần, khiến Boudarel và nhiều người khác tin theo, mà trực tiếp đến từ cung cách giáo điều của cán bộ chính trị. Đó là một trong những lý do, khiến khi về nước, Trần Dần bắt tay ngay vào việc tổ chức đấu tranh trong quân đội, soạn thảo bản Đề nghị (cải tổ) Chính sách Văn nghệ một cách quy mô và quyết liệt.
Tranh đấu trong quân đội, đầu năm 1955
Từ Bắc Kinh trở về Hà Nội, Trần Dần ghi trong nhật ký ngày 20/12/54:
"Về Hà Nội được đúng 10 ngày (...)
Cơ quan văn nghệ chưa có gì thay đổi. Vẫn những tư tưởng: "coi rẻ lao động nghệ thuật", "đơn giản coi văn nghệ bộ đội là bộ đội", không tin văn nghệ". Vẫn những chính sách gò bó, mệnh lệnh và máy móc "quân sự hoá văn nghệ". Đời tôi chìm chết trong chính sách này, cũng như những anh em khác. Khó lắm. Nhưng tôi nghe nhiều tiếng cất lên. Phản đối. Bàn cãi. Mỉa mai. Và cả chửi bới. Cái đó có nghiã là tiếng trống báo tử của những tư tưởng và chính sách áp chế văn nghệ bộ đội.
Những ngày gần đây sao mà tôi buồn. Buốt óc lắm. Và bực tức.
Cơ quan và chính sách. Hội văn nghệ đánh mất bản thảo Người người lớp lớp (phần 4 và 5).
Món nợ chính phủ, những kỷ niệm ngày bé, chua chát và mãnh liệt, những uất ức của 9 năm chiến tranh. Thơ tôi người ta không chê nhưng cũng không sốt sắng in. Những dự định khó thực hiện vì chính sách gò bó: tích lũy cuộc sống mới thì phải được tự do, v.v... Tôi bị bao vây. Chặt quá. Ép quá (...)
Tôi muốn những gì?
- một chính sách văn nghệ mở rộng ra, cho nó đúng đắn.
- một cuộc sống sáng tạo. Cái cũ thì trút ra. (...)
24/12: Đêm Noel (...) Bước quanh Bờ Hồ. Trời tôi tối. Còn vẳng tiếng hát micro nhà thờ buông trầm trầm. Hai thằng đi. Tôi và Lê Đạt. Buồn quá. Đây là những lúc người tôi hẫng lắm. Rỗng lắm. Tôi còn đầy dư vị những câu chuyện trao đổi đêm nay về chính sách văn nghệ. Dư vị chua, đắng, nhạt thếch." (Trần Dần ghi, trang 63 và 65).
Như vậy, những cuộc thảo luận đổi mới chính sách văn nghệ quân đội đã xẩy ra từ Noël 1955, trong không khí chán nản, "dư vị chua, đắng, nhạt thếch" như lời Trần Dần. Không khí này được Từ Bích Hoàng mô tả trong bài buộc tội Trần Dần, như sau:
"Từ Trung Quốc về, Trần Dần còn mang theo một bài thơ dài “Tiếng trống tương lai” trong đó Trần Dần gọi cán bộ chính trị là “người bệnh”, “người ròi”, “người ụ”. Đó chỉ có thể là cách nhìn của bọn thù địch đối với cán bộ của Đảng. Đủ biết sự hằn học của Dần lúc bấy giờ đã nặng đến thế nào! Không ngạc nhiên khi thấy Dần mới bước về Phòng Văn nghệ Quân đội đã đả kích luôn lãnh đạo, rồi nhân một số thắc mắc của anh em về công tác, Dần lợi dụng phát động từng người và biến thành một cuộc đấu tranh đối lập với lãnh đạo, lấy “áp lực quần chúng” hòng buộc lãnh đạo phải chấp nhận những yêu sách thoát ly chính trị, thoát ly quân đội như ta đã biết. Chính Trần Dần đã thú nhận tính chất hoạt động này của họ.
Cục Tuyên huấn bảo anh em nghiên cứu lại bản đề nghị, Dần không chịu, bỏ mặc và phá phách ngày một dữ hơn. Dần lôi kéo được một số phá phách theo mình. Trần Công quá khích ăn nói lung tung: “Sống trong vòng K.50 (ý nói trong doanh trại, bên ngoài có bộ đội gác) nghẹt thở quá!” Những luận điệu vô kỷ luật này rất phù hợp với chủ trương “phải phá mà ra” của Trần Dần và mở đường cho bọn Dần càng đi sâu vào cạm bẫy của tư sản" (Từ Bích Hoàng, Vạch thêm những hoạt động đen tối của một số cầm đầu trong nhóm phá hoại Nhân Văn Giai Phẩm, VNQĐ, số 5, tháng 5/1958bđd)
Trần Dần, Người-phá, Anarchiste
Ngày 10/3/55 Trần Dần ghi trong nhật ký:
"Chính sách tính lại thử xem có những gì? - Vài cái bàn. Vài cái đèn điện lạnh và vàng. Thêm một bàn hành chính. Tờ báo ra nhưng khổ và tên SHVN [tức là tờ Sinh Hoạt Văn Nghệ, do Tử Phác làm thư ký toà soạn] cũ. Người ta sợ đổi khổ là tính chiến đấu của nó [cũng đổi đi]. Có vậy thôi. Tôi không nói ngoa. Người ta quan niệm chính sách là như vậy. Đấy. Cái thông minh của người lãnh đạo năm 1955 tới cái mức ấy. Vậy là quá đáng lắm rồi. Còn đòi hỏi cái gì? Văn nghệ được thế là "chiếu cố", là "châm chước" tột độ rồi. Đáng lẽ chúng mày không có bàn, có điện, có báo nữa. Đáng lẽ chúng mày không được thức khuya hơn 9 giờ. Không được ra ngoài trại. Đằng này còn cho đi lại một chút. Vậy là rộng rãi lắm rồi còn gì!
Nhưng tôi nghĩ, những ông Cương [Võ Hồng Cương, Cục phó Cục Tuyên huấn] ông Thanh [Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị] gì đó không đáng trách (...) Đáng trách là cả một cái HỆ THỐNG! Nó nặng như núi... Nó ở trên có, ở dưới có. Ở ngang có. Đằng trước, đằng sau đều có nó. Hệ thống gì? Đó là hổ lốn: sợ hãi cúi đầu, làm thân con sên, con tầm gửi, -hò hét mệnh lệnh, làm ông sấm, ông sét. Đảng ở đâu? (...)
Tôi nghĩ và tôi làm: Đảng ở tôi. Tôi phá HỆ THỐNG. Làm sao tới Hội Nghị Văn Thơ tôi phải làm được một số việc: vượt khỏi các ước lệ, điều lệ, thành kiến mà làm bằng được. (...)
Độ này có hai chiến trường khá sôi sục:
1) Vượt Côn Đảo
2) Thơ Tố Hữu
Tôi thích những cuộc tranh luận này. Không phải vì bản thân những quyển sách và những tác giả ấy. Mà vì ý nghiã nó rộng ra nhiều mặt khác. Phát huy phê bình tự do (...)
Tại sao bọn giả mạo được tin hơn người thực thà? Tại sao loài bò sát lại được dùng nhiều. Tại sao chúng nó có mặt ở thời đại này? Ở trong Đảng? Ở cách mạng?- Lạ lùng nhất là tại sao không vạch mặt chúng ra?
Văn thơ tôi sẽ balayer bọn ấy. Quét! Quét! (...)
Tất cả những cái gì, nguyên tắc gì trở ngại cho nguyên tắc lớn của tôi là tôi xoá hết! Mặc! Tôi chỉ còn một nguyên tắc mà thôi! Sống và viết để đánh bọn giả mạo, bọn ỳ ạch, bọn mốc xì, bọn người-bệnh, bọn người-dòi, bọn người-ụ. Anarchiste?
Nếu vậy gọi là anarchiste thì tôi rất muốn là anarchiste (...) Tôi không có khả năng công chức, khả năng người-ụ. Khả năng tôi là khả năng người-phá." (Trấn Dần ghi, sđd, trang 73-75)
Chủ đích của Trần Dần rất rõ: Làm Người-phá, phá toàn bộ HỆ THỐNG trói buộc văn nghệ sĩ. Trần Dần xác định mình là Anarchiste và ông đã dịch chữ Anarchiste rất tài tình là Người-phá (chữ này thường được dịch là vô chính phủ, chỉ đúng trong nghiã chính trị (nghiã gốc), nhưng nói rộng ra, anarchiste còn có nghiã là quậy, phá, loạn, không chịu bất cứ một thứ kỷ luật sắt nào). Văn nghệ sĩ thường hay có thái độ anarchiste.
Trần Dần thực hiện tinh thần Người-phá, phá cái HỆ THỐNG, cái cơ chế toàn trị áp đặt lên Văn nghệ sĩ, qua ba "chiến trường":
- Đề nghị cải tổ Chính sách Văn nghệ Quân đội.
- Phê bình tập truyện Vượt Côn Đảo của Phùng Quán.
- Phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu.
Ba "mặt trận" này diễn ra song song, từ tháng 2 đến tháng 5/55 trong quân đội, do Trần Dần và Tử Phác cầm đầu. Nên nhắc lại là các văn nghệ sĩ lúc ấy phần lớn theo kháng chiến và ở trong quân đội. Những người đắc lực trong nhóm gồm Hoàng Cầm, Đỗ Nhuận, Hoàng Tích Linh, Trúc Lâm, thêm "mưu sĩ số 1" Đặng Đình Hưng, [Tử Phác (Nguyễn Văn Chấn) là "mưu sĩ số 2"] và Lê Đạt. "Nhóm" này quy tụ được gần 30 văn nghệ sĩ (theo Hoàng Cầm). Vũ Tú Nam và Từ Bích Hoàng cũng "cùng chí hướng" (theo hồi ký Vũ Tú Nam), sau đổi hướng. Đỗ Nhuận là người trong nhóm "chủ trương", sau quay lại viết bài đánh NVGP.
Từ Bích Hoàng viết: "Lúc đó, Tử Phác đang làm thư ký toà soạn tờ Sinh hoạt văn nghệ, Tử Phác đã lợi dụng tờ báo của quân đội để Dần nổ ra hai cuộc phê bình Vượt Côn Đảo và tập thơ Việt Bắc, với một dụng ý rất xấu. Trần Dần “bốc” thơ Hoàng Cầm lên để đẩy Cầm cùng mình và Lê Đạt đả tập thơ Việt Bắc, thông qua tập thơ đó đả vào đồng chí Tố Hữu lãnh đạo văn nghệ, “hạ thần tượng” như bọn Dần đã nói. (...)
Suốt thời gian này, Trần Dần, Tử Phác, Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh, Trúc Lâm và cả Lê Đạt, luôn luôn bỏ việc đến tụ họp rượu chè trai gái ở nhà tư sản, đầu độc cho nhau những luận điệu phản động và bàn cách tấn công lãnh đạo trong quân đội. Hoàng Cầm càng đồi trụy trong lối sống đầy thèm khát thú tính của tư sản, lối sống rất quen thuộc với Cầm thời trước cách mạng, thì những tư tưởng quan điểm thù địch càng thấm sâu vào người, và Cầm biến chất rất nhanh. Bọn họ bàn nhau “tập trung giải ngũ” để bắt bí lãnh đạo. Thấy không xong, lại bàn “phân tán giải ngũ”. Bọn họ đã thực hiện chủ trương này. Trần Dần đi tiên phong làm một lúc hai lá đơn xin ra Đảng, quân đội, có tính chất tấn công vào Đảng, quân đội như ta đã biết.
Chính những hoạt động chống đối của Trần Dần, Tử Phác và sự hùa theo càng ngày càng có ý thức của số người kể trên đã gây tình trạng rối loạn hoàn toàn, một thời gian, trong Phòng Văn nghệ Quân đội, cầm đầu hồi này là Trần Dần và Tử Phác". (Từ Bích Hoàng, bài đã dẫn)
Bản đề nghị cải tổ chính sách văn nghệ quân đội
Tháng 2/55: Trần Dần viết bản Đề nghị Chính sách Văn nghệ. Với sự góp ý của Tử Phác, Đỗ Nhuận, Hoàng Cầm, Trúc Lâm, Hoàng Tích Linh.
Bản Đề nghị, dài 12 trang đánh máy, được đưa ra thảo luận, điều đình, thêm bớt, trong các cuộc họp của Phòng Văn Nghệ quân đội từ tháng 2 đến tháng 4/55.
Vũ Tú Nam, cháu tướng Nguyễn Chí Thanh, được ông Thanh giao toàn bộ hồ sơ Trần Dần (bản Đề nghị, thư xin ra Đảng, thư xin giải ngũ, thư cầu cứu sau khi bị bắt lần thứ hai, bị giam kín, phải lập mưu cứa cổ để thoát, vv...) để có đủ tài liệu viết:
- Những ngày thử thách, trích hồi ký của Vũ Tú Nam, chép lại ngày 25/10/2006 (in trên tạp chí Nhà văn số 3/2007), đăng lại trên Talawas. Nếu bài này viết đúng sự thật, thì Vũ Tú Nam và Từ Bích Hoàng đã "cùng nhóm" với Trần Dần khi tranh đấu. Nếu bài này được sửa lại sau này, cũng như nhiều "nhật ký" hoặc "hồi ký" xuất hiện những năm gần đây, chúng ta nên thận trọng khi sử dụng.
- Sự thực về con người Trần Dần, in trên Văn Nghệ Quân Đội số 4, tháng 4/1958, là tài liệu gốc, tuy viết với mục đích "đánh" Trần Dần, nhưng có nhiều thông tin hữu ích, về tiểu sử Trần Dần, về nội dung bản Đề nghị cải tổ do Trần Dần viết tháng 2/1955. Sự trích dẫn của Vũ Tú Nam có thể do thiện ý muốn để lại dấu vết bản Đề nghị này cho mai sau.
Vũ Tú Nam viết:
"Cuối năm 1954 sang đầu năm 1955, các đồng chí trong Phòng Văn nghệ quân đội đều thắc mắc muốn cải tiến tổ chức, chính sách cho hợp với tình hình mới, muốn đề đạt lên cấp trên nghiên cứu, giải quyết. Trong một cuộc họp với đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Trần Dần hùng hổ yêu sách mấy điểm, tự ý thêm thắt, không thật trung thành với những điều đã bàn với một số anh em trong Phòng:
1- Trả lãnh đạo văn nghệ cho văn nghệ sĩ.
2- Thành lập trong quân đội một chi hội văn nghệ trực thuộc Hội văn nghệ, không qua Cục Tuyên huấn và Tổng cục chính trị.
3- Bỏ mọi "chế độ quân sự hiện hành" trong văn nghệ quân đội...
Nghe xong, đồng chí Nguyễn Chí Thanh dặn dò anh em phải coi chừng, đó là quan điểm tư sản, phi Đảng, phi giai cấp, phi chính trị. Hồi đó, anh em chưa vỡ lẽ ra, còn ấm ức, cho là cấp trên không thông cảm. Trần Dần và một vài người khác thì lồng lộn, chửi bới, reo rắc hoài nghi, chán nản, muốn giải ngũ. Tháng 2/1955, trong Phòng Văn nghệ quân đội có tình trạng lỏng lẻo, rã rời, buông thả đến cao độ. Có đồng chí [Từ Bích Hoàng] phải thốt ra lời than thở "Anarchie totale!" (vô chính phủ hoàn toàn) [nên dịch là Loạn!]
Trần Dần vẫn được tín nhiệm giao cho công tác phụ trách Ban Văn, chuẩn bị triệu tập hội nghị ngành Văn toàn quân vào tháng 4/1955. Bản báo cáo do chính Trần Dần viết (tháng 2/1955). Vì tư tưởng cán bộ trong Phòng Văn nghệ lúc đó lệch lạc nhiều, vì nội dung bản báo cáo có nhiều điều nguy hiểm, Cục tuyên huấn quyết định đình việc chuẩn bị cuộc họp ngành Văn lại, Trần Dần càng bất mãn, càng u uất hơn". (Vũ Tú Nam, STVCNTD).
Về Nội dung bản đề nghị, xin chép lại những đoạn đã được Vũ Tú Nam trích, những chỗ in đậm là do chúng tôi nhấn mạnh:
Về trách nhiệm của người cầm bút, Trần Dần viết:
"Biểu hiện cao nhất của trách nhiệm người viết là thái độ tôn trọng, trung thành với sự thực. Đó là tiêu chuẩn cao nhất đánh giá tác giả và tác phẩm... Tôn trọng, trung thành với sự thực vừa là trách nhiệm, - vừa là lập trường, - vừa là phương pháp làm việc của người viết".
Thế nào là sự thực đối với một nhà văn? Trần Dần viết:
"... Thế nào là trung thành với sự thực? Đầu tiên, sự thực là gì?
"Có sự thực của vũ trụ, của lịch sử, của thế giới, của cách mạng. Lại có sự thực trong nước, từng địa phương, -từng ngành, từng giới, từng nghề, từng gia đình và từng người một nữa. Trong mỗi người cũng lại có triệu vấn đề, mỗi vấn đề là một sự thực.
"Có sự thực hôm qua. Sự thực hôm nay và ngày mai.
"Có sự thực toàn quân. Sự thực xung kích. Của pháo binh. Của cơ quan.
"Tức là: những vấn đề, hiện tượng của xã hội, của con người là sự thực."
Nhà văn phải phục tùng sự thực hay phục tùng chính sách, chỉ thị, phục tùng tuyên huấn? Trần Dần trả lời:
"... Sự thực lớn gấp triệu triệu lần bất cứ chỉ thị, lý luận nào... Nếu như sự thực ngược lại chính sách chỉ thị, thì phải viết sự thực chứ không phải là bóp gò sự thực vào chính sách. Không bao giờ được biến chính sách, chỉ thị thành định kiến "đinh ninh"... (...)
"... Người viết chỉ viết do thôi thúc của thực tế. Những chân lý lớn, nhỏ, anh ta tự giác thấy ở cuộc sống, ở quân đội. Không phải viết để vừa lòng Tuyên huấn, vừa lòng cấp trên. Để có cái danh phục vụ kịp thời. Một triệu lần, không có mùi mè giác ngộ, phục vụ gì cả! Cái áo không thể che được mùi thối trong ruột. Cách mạng không cần những người vỗ tay hoan hô nhắm mắt. Những anh hót ca chính sách. Thậm chí những anh "thày cúng chính sách", leng keng bóp méo, nghèo nàn... (...)
"... Liệu cứ viết như một anh thày cúng ê a căm thù yêu nước xông lên, có phải là trách nhiệm không?..."
Trần Dần mô tả bộ mặt thực của văn học kháng chiến như sau:
"... Có thể nói văn chương hiện nay nhiều cái giả tạo (giả trá nữa). Gọi đúng tên nó là chủ nghiã công thức, giản đơn, sơ lược. Tức là người viết đặt ra một cái khuôn nhất định, rồi gò ép mọi sự thực vào đó.
"Tả anh hùng chả hạn thì là: căm hờn, vào bộ đội rồi anh dũng lập công. Đối trên thì phục tùng kỷ luật (chưa nói trong tổ chức tính đó có nhiều rơi rớt phong kiến). Lệnh gì là làm ngay không thắc mắc, hoặc có thắc mắc thì phê bình sau (rồi cũng chả thấy phê bình gì cả!) - Đối bạn thì giúp đỡ, thân ái phê bình, ai ai cũng mến (có người nào như vậy không?) Đối với đảng thì mở mồm là biết ơn. Đối với dân thì yêu mến giúp đỡ.
Đó là cái khuôn cho anh hùng. Cái kiểu anh hùng không khuyết điểm (hoặc tí khuyết điểm lặt vặt không quan trọng) ấy thực chất là kiểu iêng hùng gì? Có mùi mè gì của người anh hùng quần chúng không? Có mùi mè gì của nhân văn chúng ta không? Và có thực như vậy không?
"... Vậy mà qua cái khuôn trên kia dập ra thì thành ngòi bút, chậu thau giống nhau cả. Thật là lối sản xuất kỹ nghệ định đem vào sản xuất con người và sản xuất nghệ thuật!
"... Tại sao không viết về cơ quan chẳng hạn? Tại sao sợ viết về tình yêu chẳng hạn? Mà viết tình yêu thì y như đưa ra ái tình hy sinh vì Tổ quốc!... Tại sao cứ xuất thân công nông mới đáng viết?...
"... Phải nói lại rằng người viết tự do chọn vấn đề, chọn đề tài, chọn sự thực nào mình muốn. Chủ nghĩa hiện thực không cấm đoán, mà còn khuyến khích tự do...
"... Tùy sức mình, biết chắc cái gì hãy nói cái ấy. Phản đối lối nói bừa, kịp thời ẩu... Không phải để có tiếng phục vụ kịp thời. Không phải vì bị ép kịp thời mà viết..."
"... Ngày nay, trong văn chương, kẻ thù ghê tởm là chủ nghiã công thức, giản đơn sơ lược. Phải nói trắng ra là nó ở cả người viết, ở cả xã hội... Cho nên chống công thức giản đơn sơ lược không phải là chỉ làm ở người viết mà được đâu. Nó phải là một mặt trận lan ra cả xã hội...
"... Thực thà chỉ có một con đường:
Đấu tranh tàn khốc với chủ nghiã công thức giản đơn sơ lược trong bản thân và chung quanh" (Trích theo STVCNTD của Vũ Tú Nam),
Và Vũ Tú Nam cho biết:
"Bản báo cáo Trần Dần viết, không được Cục tuyên huấn thông qua, và cuộc họp ngành Văn Thơ toàn quân phải đình lại. Trần Dần càng bất mãn, gây gổ, thường thường bỏ doanh trại bộ đội ra ngoài phố ở, giao du rộng rãi, tự do". (STVCNTD).
Theo Hoàng Cầm, tình hình phức tạp hơn, ban đầu đã có nhiều ý kiến thuận. Hoàng Cầm viết: "Bản dự thảo sắp được thông qua. Một vài cán bộ cao cấp trong quân đội tỏ ý tán thành những điểm chính trong bản đề nghị đó, và nhất là hoan nghênh tinh thần xây dựng của bản đề nghị".(Hoàng Cầm, Con người Trần Dần)."Một vài cán bộ cao cấp trong quân đội" mà Hoàng Cầm nhắc đến ở đây, có thể là ba vị tướng lãnh cao cấp trong Tổng Cục chính trị lúc bấy giờ: Lê Liêm, Lê Quang Đạo và Trần Độ.
Về buổi họp chính, mang tính quyết định, Hoàng Cầm kể lại không khí như sau:
"Đến ngày họp bàn về dự thảo chính sách, Trần Dần được anh em cử ra trình bày. Nguyện vọng của bao nhiêu văn nghệ sĩ trong quân đội. Làm thế nào để sáng tác hay, phục vụ được sâu sắc. Anh nói say mê, nhiệt tình. Trong cách nói nhiều khi bốc. Mặt anh khi đỏ gay, khi tái lại:
“Giả văn nghệ cho anh em văn nghệ sĩ! Phân rõ ranh giới giữa cán bộ chính trị và văn nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ phải có sự lãnh đạo của Đảng, nhưng không thể biến thành cái máy v.v…”
Đột nhiên trong không khí hào hứng của gần ba mươi anh em văn nghệ sĩ đang sẵn sàng cởi mở hết để xây dựng một trong những chính sách lớn của Đảng, bỗng có một câu quật lại:
“Tinh thần bản đề nghị này chính là một thứ tư tưởng tự do của tư sản. Nó chứng tỏ tư tưởng tư sản đã bắt đầu tấn công vào các đồng chí!”
Giá câu nói ấy ở mồm một người thường thì cũng sẽ thường thôi. Nhưng lại ở một cán bộ có đủ thẩm quyền xét lại hay bác bỏ những đề nghị của văn nghệ sĩ, thì bắt đầu có một sự động cựa lớn. Những người trước kia tán thành bản dự án thì bắt đầu trở nên hoang mang" (Hoàng Cầm, Con người Trần Dần).
Người nói câu đó là Tướng Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Vũ Tú Nam xác định: "Nghe xong, đồng chí Nguyễn Chí thanh dặn dò anh em phải coi chừng, đó là quan điểm tư sản, phi Đảng, phi giai cấp, phi chính trị" (STVCNTD).
Huyền Kiêu viết: "Khi thấy Trần Dần đưa ra cái "đề án chính sách văn nghệ" sặc mùi tư sản của Dần, đòi "trả lãnh đạo văn nghệ cho văn nghệ sĩ (...) đồng chí Nguyễn Chí Thanh nhìn rõ cái thực chất tư sản của bản dự án ấy nên nghiêm khắc giải thích và ân cần dặn dò anh em phải đề phòng. Hoàng Cầm tả lại như thế nào?: "Đột nhiên trong không khí hào hứng của gần ba mươi anh em văn nghệ sĩ đang sẵn sàng cởi mở hết để xây dựng một trong những chính sách lớn của Đảng, bỗng có một câu quật lại". Rồi Hoàng Cầm tiếp với giọng láo xược: "Giá câu nói ấy ở mồm một người thường thì cũng sẽ thường thôi". Nói tới đồng chí Trung ương như vậy, Hoàng Cầm có từ [nể mặt] Trung ương đâu?" (Huyền Kiêu, "Con người Trần Dần", Một thủ đoạn chính trị bất lương của nhóm Nhân Văn, Văn Nghệ số 11, tháng 4/1958). Lối viết của Huyền Kiêu, thể hiện tính cách khiếp nhược của số đông văn nghệ sĩ trước lãnh đạo.
Trần Dần phê bình Vượt Côn Đảo
Theo Vũ Tú Nam, có ba buổi phê bình Vượt Côn Đảo của Phùng Quán:
"7/3/1955: Chiều thứ bảy, mình và Dần,… xin phép không họp chi bộ để đi thảo luận về Vượt Côn Đảo. Ông Tú Mỡ hoàn toàn khen. Mình nói lại rằng Vượt Côn Đảo có những nhược điểm. Anh em bộ đội nói nhiều nhất. Ra về, mình dồn anh Lưu Trọng Lư rằng lãnh đạo cần phải thay đổi, quan liêu và trì trệ quá".
"14/3/1955: Tranh luận về Vượt Côn Đảo lần ba ở trường Nguyễn Trãi, vì CLB Đoàn kết mắc bận. Họp tới 11 h, vẫn găng hai ý kiến. Trần Dần phê phán: “Nhân vật trong Vượt Côn Đảo là người cụt đầu, không óc không tim” (?!). Ông Hoài Thanh phát biểu trân trọng về cuốn sách. Lê Đạt rất bốc." (Hồi ký Vũ Tú Nam).
Theo những lời trên đây, Vũ Tú Nam cùng lập trường với Trần Dần, khác hẳn với luận điệu trong bài Sự thực về con người Trần Dần viết tháng 3/1958.
Chủ trương phê bình tự do, chống lại phê bình ca tụng một chiều, Trần Dần đưa hai cuốn sách tiêu biểu của nền văn học cách mạng lúc bấy giờ, ra để phê bình, về văn xuôi: Vượt Côn Đảo của Phùng Quán và về thơ: Việt Bắc của Tố Hữu.
Phùng Quán vừa nổi tiếng với tác phẩm đầu tay, bán rất chạy, trong vòng một năm tái bản bốn lần: Tiểu thuyết Vượt Côn Đảo (Nxb QĐND, Hà Nội 1954) ca tụng sự can trường của các chiến sĩ cộng sản tổ chức vượt ngục Côn Đảo, theo đúng lối văn tuyên truyền của cách mạng.
Trần Dần chủ trương viết, bất cứ chủ đề gì, cũng phải viết thực. Về cuốn Người người lớp lớp, ông ghi trong nhật ký:
"Tôi vừa viết xong cuốn Người người lớp lớp. Viết về chiến tranh ở Điện Biên Phủ đấy. Nhưng mà tôi chán rồi. Tại vì rằng tôi ít thấy sự thực của chiến tranh trong đó quá. Và vì rằng tôi ít thấy sự thực của bản thân tôi trong đó quá. Chưa phải là chiến tranh, chưa phải là tôi. Cho nên tôi viết tới hơn 300 trang mà không thích bằng một bài thơ tôi cũng mới làm về chiến tranh: "Anh đã thấy" (mes douleurs) trên dưới có 6 trang!" (Trần Dần ghi, trang 47)
Trần Dần là người đầu tiên đòi hỏi nhà văn khi viết về chiến tranh, phải viết sự thực, không tô hồng, không nói dối, không nặn ra những anh hùng giả, toàn tim mà không có óc. Trước Nguyễn Minh Châu 30 năm, Trần Dần đã đòi hỏi nhà văn phải viết sự thực về chiến tranh, một cách quyết liệt và toàn diện.
Người người lớp lớp, viết xong cuối tháng 9, đầu tháng 10 Trần Dần đi Trung quốc. Khi ông trở về sách đã in, nhưng Hội văn nghệ đánh mất bản thảo Người người lớp lớp (phần 4 và 5) (Trần Dần ghi). Như vậy cuốn sách đã in không có phần 4 và phần 5. Có nghĩa là 2 phần này viết "không đúng đường lối" chăng?
Ngoài ra, chính Trần Dần, cũng không bằng lòng với cách viết của mình, và như vậy, chúng ta càng hiểu rõ vì sao ông phê bình khe khắt lối viết ca tụng anh hùng của Phùng Quán trong Vượt Côn Đảo, bởi qua tác phẩm của Phùng Quán, ông muốn phê phán cả một tầng lớp nhà văn chính thống, từ Nguyễn Đình Thi trong Xung kích, Vỡ bờ... đến Hoài Thanh, Xuân Diệu... đã nhắm mắt ca tụng Việt Bắc. Lý do thứ hai, vì Trần Dần, Phùng Quán cùng chung một nhóm, cho nên việc Trần Dần, Lê Đạt, phê bình sách của Phùng Quán, một nhà văn đàn em, cùng với sách của Tố Hữu, chứng tỏ tính "không bè phái", không chỉ chê người đối lập, mà còn chê cả người trong nhóm, nếu có tác phẩm dở.
Trần Dần phê bình Vượt Côn Đảo như thế nào? Nguyên Ngọc viết:
"Bấy giờ Phùng Quán còn choáng mắt lên vì sự thành công của mình. Quán đang tin ở tài năng của mình và chưa kịp bình tĩnh suy nghĩ gì về những nhược điểm, khuyết điểm còn lại. Thì giữa lúc đó Trần Dần viết bài "Bạn đã đọc kỹ Vượt Côn đảo chưa?" đăng trên tạp chí Sinh Hoạt Văn Nghệ (của quân đội) ra ngày 1/4/1955 [theo Vũ Tú Nam bài này đăng trên SHVN số 36 tháng 3/1955]. Dưới danh nghiã "vì trách nhiệm đối với quân đội... quan tâm tới số mệnh của văn chương và càng quan tâm gấp bội tới việc xây dựng tâm hồn người lính", với một giọng khinh quần chúng ra mặt, một giọng kẻ cả, Trần Dần lật ngược tất cả những nhận định trước nay về Vượt Côn đảo, thẳng tay đập tơi bời cuốn sách đầu tay đó của Phùng Quán. Trần Dần nhận định:
Về cốt chuyện "tinh thần chung của nó là hỏng. Mới xét qua cốt chuyện đã thấy nó là một quyển sách ca tụng chủ nghiã anh hùng cá nhân, ca tụng kiểu quân sự bạo động, tình cảm sốc nổi và phiêu lưu".
Về nhân vật trong chuyện: "về nhân vật quần chúng thì tôi không hiểu tác giả mắc bệnh gì mà mỗi khi tả quần chúng thì tả họ ngây ngô... cái nhân vật quần chúng đã bị bôi nhọ quá nhiều".
Về những nhân vật khác, Trần Dần cho là: "tác giả đưa lên những người toàn tim cả mà không có óc. Hay chỉ có một chút xíu". Nói về cái chết của những người anh hùng trong tác phẩm của Phùng Quán, Trần Dần viết một cách vô lương tâm: " tôi đã không khóc mà lại còn muốn nói rất nhiều về những cái chết mù quáng như vậy. Không phải cứ mang cái chết ra mà cảm động được chúng ta đâu!... Tôi không rỏ một giọt nước mắt nào cho những con người chết như thế. Đó là cái chết của những con người khờ dại... đảng viên ấy không phải là đảng viên, chiến sĩ ấy không phải là chiến sĩ..." (...)
Suốt cả bài ấy Trần Dần dùng một lối văn đả kích bằng cách chơi chữ, lập lờ, một thứ "thủ đoạn văn chương" mà sau này ta đã tìm thấy lại trên báo Nhân văn, trong các tập Giai phẩm và Đất Mới của nhà xuất bản Minh Đức. Ví dụ chê một chỗ tác giả đưa lên một khó khăn quá ngây thơ, Trần Dần viết: "lần này là khó khăn con chó".
Một tháng sau Lê Đạt cũng viết một bài phê bình Vượt Côn đảo (Sinh hoạt văn nghệ, số 39 ra ngày 19/5/1955) ý kiến không có gì khác Trần Dần lắm. (...)
Sau khi đã đập Phùng Quán tơi bời bằng một bài phê bình trên báo, sau khi đã làm cho Phùng Quán hoang mang suy nghĩ về tài năng, về trình độ mọi mặt của mình, Trần Dần lại nói riêng vói Phùng Quán: "Tao đập là đập bọn chúng nó ngu dốt không biết gì chứ có phải đập mày đâu". Ý muốn nói với Phùng Quán rằng: mày vẫn là thằng có tài, chỉ có bọn người trước nay vẫn phê bình mày là ngu dốt. Thế là Trần Dần hoàn thành cái thủ đoạn của mình một cách khôn khéo, bắn một phát trúng nhiều mục tiêu: qua phê bình Vượt Côn đảo mà thoá mạ những chiến sĩ cộng sản, qua Phùng Quán mà chửi quần chúng là ngu dốt, tâng bốc Phùng Quán, đưa Phùng Quán đến chỗ đối lập lại quần chúng độc giả và lãnh đạo, lôi kéo Phùng Quán. Trần Dần đã thành công trong việc đó thật.
Về sau này, Phùng Quán thường hay rêu rao là "độc lập suy nghĩ, độc lập tư tưởng". Thực ra thì kể từ ngày đó, cái gọi là "độc lập tư tưởng" của Phùng Quán chỉ cón là "độc lập tư tưởng" theo kiểu Trần Dần. Phùng Quán đã trở thành cái bóng của Trần Dần, nhiều khi Trần Dần rất khôn khéo đã nhờ cái miệng huênh hoang của Phùng Quán để nói toạc ra những quan điểm sai lầm và chống đối của mình về nghệ thuật và cả về chính trị" (Nguyên Ngọc, Con đường đi của Phùng Quán, con đường sai lầm điển hình của một người viết văn trẻ, VNQĐ, số 4, tháng 4/1958)
Phê bình Việt Bắc
Phê bình tập thơ Việt Bắc là ngòi nổ đầu tiên của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Việt Bắc của Tố Hữu được tôn sùng như cuốn "thánh kinh" của văn học cách mạng. Từ khi tác phẩm ra đời cuối năm 1954 cho đến ngày nay, bao nhiêu giấy bút đã dành cho sự ca tụng nó. Hiếm có nhà phê bình nào, dám viết một câu phạm thượng về Việt Bắc. Đúng như Lê Đạt nhận xét: "Ở Việt Nam người ta chưa quen chê anh Tố Hữu bao giờ".
Sở dĩ việc phê bình thơ Tố Hữu, không chỉ khép kín trong các buổi họp nội bộ quân đội, mà thoát ra ngoài, nhờ hai người: Tử Phác làm tổng thư ký báo Sinh Hoạt Văn Nghệ, tung trên Sinh Hoạt Văn Nghệ trước. Lê Đạt phụ trách báo Văn Nghệ, đưa lên Văn Nghệ sau.
Vũ Tú Nam viết:
"Ngày 4/3/1955, nổ ra cuộc họp đầu tiên tranh luận phê bình tập thơ Việt Bắc, Trần Dần gọi thơ Tố Hữu là "tí ti la haine, tí ti l'amour" (tí ti căm thù, tí ti tình yêu) một cách hằn học, đểu cáng. Ngày 7/3/1955, bắt đầu tranh luận phê bình Vượt Côn Đảo của Phùng Quán, Trần Dần gọi những chiến sĩ Côn Đảo trong truyện là những "người cụt đầu", "toàn tim", mù quáng (...)
Bài phê bình Vượt Côn Đảo của Trần Dần lệch lạc nguy hiểm như vậy, nhưng cũng có một số đồng chí trong quân đội không nhận ra, viết bài hưởng ứng. Cuối tháng 3/1955, khi duyệt những bức thư bạn đọc chung quanh việc phê bình Vượt Côn Đảo để in báo Sinh hoạt Văn nghệ, Cục Tuyên huấn quyết định bỏ bớt một số bài tán thành Trần Dần. Lúc này, Trần Dần phản ứng rất mạnh, gọi lãnh đạo là "répression policière!" (đàn áp kiểu cu-lít). Và đầu tháng 4/1955, mượn cớ đau óc, Trần Dần xin nghỉ dài hạn, bỏ công tác, bỏ doanh trại bộ đội, tự tiện ra ngoài phố ở." (Vũ Tú Nam, STVCNTD)
Về không khí các buổi phê bình thơ Tố Hữu, Vũ Tú Nam ghi trong hồi ký, như sau:
5/3/1955: Tối qua, tranh luận về thơ Tố Hữu ở Cửa Đông, anh Nguyễn Chí Thanh tới (...) anh em đông lắm, cả Hồ Dzếnh. Hoàng Yến trình bày vấn đề “khả năng hiện thực trong thơ Tố Hữu – Tố Hữu có tiêu biểu cho thời đại không?” Trần Dần, Lê Đạt nói bốc nhất. Hoàng Trung Thông, Nguyễn Xuân Sanh ngồi ghi mà không nói gì. Tố Hữu không tới, Xuân Diệu không tới. [Theo Từ Bích Hoàng, Nguyễn Hữu Đang cũng có mặt trong buổi đầu tiên này].
8/4/1955: Đêm 7-4, phê bình thơ Việt Bắc ở 51 Trần Hưng Đạo đến 12 h khuya. Dần tâm sự khi anh đi xe đạp có hai bộ đội theo dõi (?). Tối vào nhà bạn, lúc ra Dần bị bộ đội giữ mấy tiếng. Mình báo cáo sự việc với chi ủy. Trần Việt nói: Dần vào 69 Quán Thánh, nhà Hoàng Cơ Bình cũ, nên có thể bị theo dõi.
15/4/1955: Đêm qua, thảo luận về thơ Việt Bắc đến 12 h đêm. Hoàng Yến, Trần Dần, Hoàng Cầm nói gay gắt. Trương Tửu tranh luận rất phản khoa học. Huy Cận ngồi im. Tạ Hữu Thiện nói nhiều suy diễn, ví dụ cho đoạn nào là giống Kiều… Hoàng Cầm dẫn thơ Hồ Xuân Hương để chứng minh “chất sống” và “hồn thơ” của nữ thi sĩ. (Hồi ký Vũ Tú Nam)
Trong bài Cách nhìn sự vật của nhà thơ Tố Hữu, viết tháng 5/55, Trần Dần viết:
"Nói chung thơ Tố Hữu có rất nhiều cái lười biếng. "Ý lời tầm thường (...), rất nhiều cái kiểu "lòng ta xao xuyến, rung rinh", - "chúng bay chỉ một đường ra, một là tiêu diệt hai là tù binh", - hoặc "đời vẫn ca vang núi đèo", hoặc "Cụ Hồ sáng soi". Không phải là thiên lệch trích ra một số câu như vậy, hãy đọc lại cả tập Việt Bắc xem, ta thấy nhan nhản những lối lười, nhạt, cả lảm nhảm nữa (...) Phá đường: "Nhà neo việc bận vẫn đi" - làm thì thi đua -, thi đua kết quả thì rồi mai địch chết. Ta đi tới: đủ cả Bắc Nam, Việt, Miên, Lào, Itsala, Itsarắc... xem ra thì có vẻ đúng chính trị. Nhưng xét sâu xem? (...) Tố Hữu nhìn sự vật nó chính trị công thức quá, lười tìm tòi quá. Chỗ nào hay thì là lập lại Nguyễn Du, Tản Đà. ca dao... Tố Hữu chưa đem tới một cái nhìn mới mẻ gì. (Trần Dần ghi, trang141)
Tiễn đưa Trần Dần, Nguyễn Hữu Đang ghi trong sổ tang:
"Lần đầu gặp anh trong cuộc phê bình tập thơ Việt Bắc, đến nay dù hơn bốn mươi năm, biết bao là gian nan, trong những cố gắng chung để tìm cho văn nghệ Việt Nam một con đường phát triển thuận lợi nhất. Đúng hay sai, hôm nay tôi vẫn chưa dám khẳng định... Dù sao thiện chí của chúng ta chỉ có kẻ ác ý mới cố tình phủ nhận.
Tiễn đưa anh về cõi vĩnh hằng, có lẽ tôi chỉ có thể nhắc lại cùng anh vế đối của Ngô Thì Nhậm nói cái lẽ tất yếu: Gặp thì thế, thế thì phải thế. (...)
Cả nước biết lúc nào anh cũng có tư tưởng Nhất định thắng, dù cho ý chí ấy anh không đạt được thì cũng vẫn là phẩm giá cao đẹp của một con người." (Trần Dần ghi, trang 460)
Trần Dần ghi
Về Nhân Văn Giai Phẩm, có những sự việc đã bị chôn sống, tưởng rồi sẽ tan trong lòng đất. Có những sự thực đã bị bóp méo đến độ dị dạng. Trong hơn nửa thế kỷ, người ta đã quen sống với những quái thai dị đạng đó: những xuyên tạc, bôi nhọ được đề cao như những chân lý. Ngờ đâu, những con chữ trong hòm lại có ngày đứng dậy, thuật lại truyện mình. Tập Trần Dần ghi 1954-1960 (VănNghệ, Cali, 2001) là một trong những tư liệu hòm, tự khai, tự quật. Tác phẩm chìa ra những dòng chữ đầu tiên để lấp những trang còn trắng về một thời kỳ văn học sử, còn chưa được biết, còn chưa được viết.
Tập Trần Dần ghi 1954-1960 là ba quyển sách gồm một: Phần đầu là những suy nghĩ về sáng tạo. Phần thứ nhì chụp lại thời kỳ đấu tố với những hình ảnh khủng khiếp kinh hoàng. Phần thứ ba viết về cuộc sống con người trong những năm kỷ luật. Với một lối viết tốc ký, ngắn gọn, thể hiện cái mỹ học đớn đau của Trần Dần.
Chuyện đi cải tạo thực tế sau Nhân Văn, nằm trong lối tốc ký ấy:
"9/9/58 [...]Ðêm, tôi thiếp đi trong mộng ác. Tay mưng, đau nhất là ở những chỗ đã thành chai mà lại mưng tái lại. Mọi bắp thịt suốt đêm lọc acide, và chôn cất những tế bào chết vì lao lực quá sức... Lục đục suốt đêm vậy trong toàn bộ xác thịt tôi.
10/9/58[...] Gió khiếp quá. Hàng sư đoàn gió bấc trèo qua núi lúc nào đổ xuống đồng cỏ. Suốt buổi sáng, mùa hè bị đánh tan nát. Nắng bị gió may thổi mát đi, nguội lửa.
Gió tốc mái, rứt mấy lá gồi chuồng bò. Cây cành bị túm tóc, vật vã kêu gào, gió vẫn không tha. Các tàu chuối bị tước xơ ra. Có tàu rách mướp, trông hệt một con rết xanh khổng lồ, hàng nghìn chân xanh ngọ ngoạy điên cuồng, cào trong không khí, cái đuôi nó bị giữ rịt ở thân, nó lồng lộn ngang ngửa, không thoát [...]
Các nón lá bị gió nó hất chụp mặt. Nó kéo ra sau, quai nón xiết cổ như thừng thắt cổ! Bụi phả vào mắt chúng tôi, chưa dụi xong, gió đã ném thêm. Bọn tôi đào gốc, đã nhọc, còn bị lũ gió may kia trêu chọc. Nó đùa dai chứ... Có lúc tôi cuốc đất, mắt nhắm tịt, một anh mù làm việc." (trang 334-335).
Về những sôi động ở Thái Hà ấp, ngày 16/4/1958, Trần Dần ghi:
"Hiện nay Nguyễn Hữu Ðang, Thụy An, Minh Ðức đã bị bắt, chẳng bao lâu sẽ ra tòa. Báo chí vẫn tiếp tục diệt đánh Nhân Văn Bộ 6 Giai Phẩm Mùa Xuân [Hoàng Cầm, Văn Cao, Lê Ðạt, Trần Dần, Sỹ Ngọc, Tử Phác]. Bộ 6 đã buông nhau ra. Bọn Nhân Văn Giai Phẩm cũng ô-rơ-voa nhau hết [...] Sỹ Ngọc đóng cửa, miễn tiếp khách. Bản thân tôi, do chỗ đã tự giác đình bản tư tưởng thù địch (thứ tự giác kết quả của áp lực...) nên mọi mặt khác, tôi cũng đình bản cả giao du, đình bản cả việc viết lách. Có nên đi gặp những đồng chí lãnh đạo để hỏi những việc cần phải làm không? Ði thì lại sợ bị hiểu lầm. Nhưng nếu ngồi nhà, tiêu cực đợi, có khi còn bị hiểu lầm gấp bội. [...]
Bọn Ðang - Minh Ðức - Thụy An thân thì bị cầm tù, tội ác thì đem bêu đầu trên báo chí. Vai trò của bọn chúng trong các vụ phá hoại 3 năm đang được vạch trần. Phan Khôi thì đóng cửa, nằm khàn, không đọc báo. Trương Tửu, Trần Ðức Thảo làm gì? Còn cả loại B chúng tôi hiện ra sao? Làm gì? Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Ðạt đang tiếp tục kiểm thảo ở cơ quan, cùng với những Quang Dũng, Trần Lê Văn, v.v...
Chúng tôi đi sâu vào kiểm điểm sáng tác hơn nữa. Kiểm điểm sáng tác cho sâu mới thật là khó sao! Cứ như phải rứt bỏ một mảng thịt của mình. [...] Tôi chịu cái hình phạt ấy, nhẫn nại và đau khổ. Hình phạt của một người bị bung dừ [...] Tôi vừa là một tội nhân, vừa phải cố tách mình ra, làm một đao phủ thủ, hành hạ cái chủ nghĩa xét lại có thực trong tôi và đám Nhân Văn." (trang 244, 245- 260)
Phải nhận tội, phải cắt bỏ những mảng thịt của mình, phải tự chửi rủa mình, phải tìm gặp lãnh đạo, phải tố cáo bạn bè để xin một chút ơn huệ thừa, nhưng rồi cũng không ai thoát được guồng máy, không ai tránh khỏi bị ninh rừ.
Con người nhất định thắng ấy, sau trận đánh Thái Hà, đã thua, đã hàng, đã nhận tội, đã ly khai những lý tưởng ngày trước, đã phải đứng về phía bên này, để nhìn "bọn" bên kia: gồm những "tên thủ lĩnh chủ nghiã xét lại" Nguyễn Hữu Đang, "tên phá hoại" Minh Đức, "con mụ gián điệp" Thụy An... đã xuống đến nấc thang cuối cùng của sự "giẻ rách hoá" con người.
10/12/ 59, Trần Dần ghi:
"Sớm mai tòa án xử Thụy An gián điệp và Nguyễn Hữu Ðang phá hại, cả hai: hiện hành. Tôi không có giấy gọi cho dự, có lẽ vì không có vị trí gì ở đó. Không phải là nhân chứng, cũng không phải là đại biểu của nhân dân...
Người có một cái gì văng vắng. Tôi đã có đứng với nhóm Ðang cầm đầu. Tôi đã ly khai với "lý tưởng" đó. Cả khi đứng ở đó, cả khi ly khai, cả bây giờ, tôi vẫn cứ rớm máu. Chao ơi! Con đường để đi đến chỗ "Đúng" mới nhiều máu làm sao? Tương lai có để dành cho tôi nhát dao nào nữa không? Đang đã nhìn thấy cái sai lớn của Đang chưa?[...].
Ngoài trời mưa bụi. Rét xoàng. Không có gió. Ðôi lúc vài tiếng chuông xe đạp. Năm nay rét muộn. Ðang ra tòa cuối năm. Tôi cũng không thể nào nhởn nhơ với sự kiện này. Chao ôi! Con đường để đi tới chỗ "Ðúng" mới nhiều máu làm sao!" (Trần Dần ghi, trang 376)
Từ lâu "ghi trở nên một hình phạt". Nhưng vẫn ghi. Cuốn sổ 1958 ghi lại con đường của những người muốn ngoi lên để đi đến chỗ "Đúng". Ai cũng muốn tìm một đường "máu" để thoát thân: biết đâu Đảng chả đoái thương mà nghĩ lại? Phương tiện nào cũng tốt kể cả "khai". Cả "tố". Bao nhiêu khuôn mặt đã bước trên con đường "nhiều máu "ấy? Trần Dần ghi. Bao nhiêu khuôn mặt đã vo ve sự "Đúng" ấy? Trần Dần ghi. Bao nhiêu tên tuổi đã đạt được sự "Đúng" ấy? Trần Dần ghi. Bao nhiêu khuôn mặt đã "Sai." Trần Dần ghi. Cả đúng lẫn sai đều lầm than, đều dần dần đi tới chỗ tha hóa. Họ tan tác cả. Họ chia tay. Có những oán hận, căm thù. Chính quyền đã thành công trong sự "giẻ rách hoá" con người, như lời Lê Đạt.
Thành công lớn nhất của guồng máy là đã đánh vào những yếu tố thiêng liêng nhất của con người, đánh vào tình bạn, tình người, đánh tan tác hết.
Những người "Nhân Văn" không chết, nhưng họ bị rút máu, rút gân, rút dần sinh lực. Họ đều rời rã, đều muốn đầu hàng. Nhiều người đã đầu hàng, trong đó có Trần Dần. Họ muốn được lãnh đạo thương xót, họ muốn được lãnh đạo đoái thương. Họ đã xuống đến đáy vực thẳm, họ chịu hết nổi. Họ sẵn sàng "chút lòng trinh bạch từ nay xin chừa" nhưng người ta vẫn lạnh lùng quay đi. Người ta vẫn không cho ngoi lên. Cái phận người nhỏ nhoi. Cái phận người Nhân Văn phải đi vào sa lầy, phải lún xuống, phải chịu nhận cái thời không nhân văn của dân tộc mình. Câm và điếc. Như đã chết. Và điều đó chỉ có mỹ học khổ đau của Trần Dần mới viết nên được.
Hết phần thứ XI