mercredi 23 novembre 2011

Máu và Nước Mắt Trên Lưng Trường Sơn -  P00

Nhân đọc Nhật Ký Đặng Thùy Trâm


Chủ trương:
Hải Triều/Nhóm Nhà Văn Quân Đội

Điều hợp và thực hiện tác phẩm:
Hải Triều

Phụ bản:
Trần Trung Đạo, Triết Đức Chính, Phạm Tín An Ninh, Ngọc Lan, thơ và các trích dẫn…

Bản Anh Ngữ: do nhóm thân hữu của Thư Viện Toàn Cầu thực hiện

Bản quyền:
Hải Triều Lê Khắc Hai

Trình bày/Edit: Lê Khắc Anh Hào
Bìa: Hy Phạm

Tủ sách Việt Nam 2007
Xén nửa vầng trăng trời Thăng Long
Soi nghiêng thành quách dấu Tiên rồng
Miếu đền ủ mục mầu hoang phế
Hà Nội cúi đầu em biết không?


Lê Khắc Anh Hào

***


một

Nhập đề

Tôi đọc tập Nhật Ký Đặng Thùy Trâm khi quyển sách này lọt ra nước ngoài. Tập sách do Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn Hà Nội in và phát hành năm 2005, phát hành gấp rút, vội vã, ào ạt với một chiến dịch quảng cáo ồn ào trong toàn đảng, toàn dân, toàn nước. Tập Nhật Ký Đặng Thùy Trâm như một cơn mưa bất chợt trong cơn nắng hạn mà chế độ Hà Nội mong chờ, và khi có được, họ tung ra trong nhu cầu tuyên truyền sau 25 năm lộ hiện nguyên hình là một chế độ không tự lo nổi cơm áo cho dân, “độc lập, tự do, hạnh phúc” thành cái bánh vẽ của một thiểu số độc tài, tham nhũng, coi hạnh phúc của muôn dân và biên thổ của tổ tiên như cỏ rác…

Hạnh phúc của muôn dân, ngoài cơm áo sinh sống và mái nhà che thân, nó còn cả những thứ tự do để con người được là con người, trong đó quan trọng hơn hết là tự do tư tưởng. Chính trị, tôn giáo và báo chí nằm trong lãnh vực của tự do tư tưởng. Những thứ này hầu như bị chế độ Hà Nội khước từ, chà đạp.
Trong những năm gần đây, về mặt kinh tế, vì nhu cầu sống còn, chế độ Hà Nội phải đối mặt với thực tế và nới lỏng cho dân được sinh sống hạn chế dưới cái khung tư bản, và nhờ đó, người dân mới có được chút sinh khí để sống.
Chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa Mác Lê, tư tưởng Hồ Chí Minh… không đóng bất cứ vai trò tích cực nào trong việc người dân trong nước sống khá hơn so với hai thập niên đầu khi Cộng Sản chiếm miền Nam. Và nên nhớ, cũng nhờ cái khung tư bản “nửa nạc nửa mỡ định hướng xã hội chủ nghĩa” đó mà tập đoàn thống trị cả nước ở Việt Nam trở thành những nhà tư bản đỏ bạc tỷ, bạc triệu đô la.

Thế nhưng, để bảo đảm những cái gì chế độ Hà Nội hưởng dụng, họ phải duy trì hệ thống cai trị độc tài, độc đảng, độc quyền; họ phải kiềm chế quyền tự do tư tưởng của muôn dân, vì đây chính là lãnh vực có thể làm nổ tung ra một cuộc cách mạng dân tộc tự phát hay tác động dây chuyền từ những yếu tố kinh tế hay xã hội, mà hậu quả dẫn đến sự sụp đổ hay xóa sạch chủ nghĩa hay hệ thống cộng sản tại Việt Nam, từ đó, bao nhiêu tài nguyên, của cải, vật chất mà tập đoàn thống trị Cộng Sản Việt Nam vơ vét được từ 1975 đến nay có thể trở thành không cánh mà bay, trở thành tro bụi trong cơn lốc uất hận của muôn dân.

Đó là lý do tại sao sau khi lên tới vai trò thủ tướng, và sau Hội Nghị Thượng Đỉnh APEC
bế mạc, nhận chỉ thị của Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng đã ký chỉ thị chính phủ số 37 CP nhằm kiểm soát và khống chế khắc nghiệt truyền thông báo chí trong nước dưới mọi hình thức trong đó, họ tuyệt đối cấm tư nhân ra báo. Tại sao họ sợ khi họ cầm chìa khóa nhà tù, làm chủ những khẩu AK của quân đội và công an? Họ sợ tiếng nói tự do có thể dẫn đến một cơn bão vuột khỏi tầm tay chắn gió của của đảng Cộng Sản Việt Nam.

Nói chung, tất cả từ tư tưởng trong đầu con người đến cây bút trong tay ký giả đều gom chung trong tay đảng Cộng Sản Việt Nam. Sự ra đời của tập Nhật Ký Đặng Thùy Trâm cũng nằm trong số phận này. Nhật Ký Đặng Thùy Trâm hoàn toàn là công cụ tuyên truyền của nhà cầm quyền Hà Nội như ngày xưa, Đặng Thùy Trâm bị đẩy vào chiến trường miền Nam mà Cộng Sản gọi là “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Đảng Cộng Sản Việt Nam đã mù lòa và mê muội hóa cả một thế hệ thanh thiếu niên miền Bắc, cả một núi máu xương của hàng hàng lớp lớp tuổi trẻ miền Bắc Việt Nam đã đổ ra cho cuộc xăm lăng phi nghĩa cưỡng chiếm miền Nam. Đặng Thùy Trâm là một trong những trẻ tuổi yêu nước nồng nhiệt bị lợi dụng trong cơn mê muội chủ nghĩa đó.

Trong tập “Thép Đã Tôi Thế Đấy!” hay “How the steel was tempered”, nhân vật Pavel Korchagin là hình ảnh của nhà văn trẻ của nước Nga dưới thời Stalin: Nikolai Ostrovsky, cuồng nhiệt tin tưởng vào chủ nghĩa Cộng Sản cũng như có những lần Đặng Thùy Trâm tin vào đảng CSVN và Hồ Chí Minh. Điểm chung là cả hai đều bị Cộng Sản, Stalin và Hồ Chí Minh, lợi dụng triệt để. Điểm chung là cả hai đều chết trước khi thấy sự tàn hại của chủ nghĩa Cộng Sản và mặt thật của đảng Cộng Sản: Dối trá, phản trắc, dã man và tàn bạo. Không biết nước Nga có bao nhiêu Pavel, và miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa có bao nhiêu Đặng Thùy Trâm!?

“Máu và nước mắt trên lưng Trường Sơn” của hàng hàng lớp lớp thế hệ trẻ miền Bắc Việt Nam xa lìa quê hương miền Bắc để đi B vô chiến trường miền Nam, chắc chắn cũng nhiều như những cơn mưa rừng đổ xuống những núi đồi trùng điệp trên lưng “Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây” dọc biên giới Lào Việt. Nhưng khi chạm trán với sự thật trên chiến trường miền Nam, những giọt nước mắt đổ xuống lưng Trường Sơn Đông, đổ xuống lưng Trường Sơn Tây của những người bộ đội hoàn toàn không giống nhau. Nước mắt của người bộ đội tên Huyền Trân trong bài thơ “Gửi Mẹ” rõ ràng là không giống những giọt nước mắt của Đặng Thùy Trâm ở núi rừng Đức Phổ, Quảng Ngãi...
Tác phẩm “Máu và Nước Mắt Trên Lưng Trường Sơn” ra đời nhắm vào đảng cộng sản Việt Nam và nhà cầm quyền Hà Nội sau khi chúng tôi đọc tập "Nhật Ký Đặng Thùy Trâm". Đặng Thùy Trâm là nạn nhân của chế độ Cộng Sản. Đặng Thùy Trâm không là đối tượng “tấn công” của chúng tôi. Về mặt nhân bản và dân tộc, chúng tôi trân trọng tình cảm, hoàn cảnh và lòng chân thật của Đặng Thùy Trâm. Chúng tôi chỉ muốn ngăn chận tác động giả trá của tập Nhật Ký Đặng Thùy Trâm về mặt tuyên truyền, xâm nhập vào công luận Hoa Kỳ khi tác phẩm này được Hà Nội và phản chiến Mỹ chuyển ngữ sang tiếng Anh.

Chúng tôi cố gắng “lật mặt nạ” đảng Cộng Sản Việt Nam để thế giới và người Hoa Kỳ biết sự thật và mặt thật của chế độ Hà Nội. Đó là lý do tại sao chúng tôi cho phát hành tác phẩm “Máu và Nước Mắt Trên Lưng Trường Sơn” bằng cả tiếng Anh, tiếng Pháp lẫn tiếng Việt để người Tây phương và thế hệ Viêt Nam sinh ở hải ngoại có thể tìm đọc được những cái gì xẩy ra trên quê hương cha mẹ các em… Từ mục đích và hoài bão trên, chúng tôi hy vọng tác phẩm “Máu và Nước Mắt Trên Lưng Trường Sơn” sẽ giúp mở ra một cánh cửa nhỏ để từ đó, hy vọng công luận Hoa Kỳ và giới trẻ Việt Nam trên toàn thế giới, sinh sau 1975, nhận ra phần nào nỗi đau thương nghiệt ngã của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến năm xưa, và kéo dài đến hôm nay … có từ gốc rễ cội nguồn từ đâu: đó chính là sự ra đời và tồn tại của đảng cộng sản Việt Nam trong dòng lịch sử hàng hàng lớp lớp máu xương trên phần đất kéo dài từ Nam Quan tới Cà Mâu.

Và sau cùng, nếu có ai cho rằng tác phẩm này có những định kiến và chữ nghĩa kết án quá nặng nề ông Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam, thì so ra, dường như nó vẫn còn nhẹ hơn những gì mà Dương Thu Hương, Bùi Minh Quốc, Trần Khải Thanh Thủy và Lê Thị Công Nhân… viết về cái đảng mà một thời mà họ đã lớn lên, sống chết và phục vụ từ tuổi ấu thơ đến hôm nay dưới khung trời xã hội chủ nghĩa miền Bắc Việt Nam.

Dưới ánh sáng của văn minh và sự thật, lịch sử sẽ mở ra khi con người đã thức tỉnh…

Hải Triều
***




Máu và Nước Mắt Trên Lưng Trường Sơn -  P01



Xẻ dọc Trường Sơn em vào Nam
Vượt rừng, bạt núi, rét căm căm
Em đi quên tháng quên năm
Tuổi xuân tan nát giữa hầm đạn bom!


Xẻ dọc Trường Sơn giải phóng ai
Ôi em oan nghiệt tấm hình hài
Hồn em trong gió thở dài
Xác em Hà Nội hay ngoài gió trăng?

Lê Khắc Anh Hào

***



Đảng cộng sản Việt Nam: bóng dáng những vết đen đậm nét...
1.

“Một sai lầm khổng lồ đã giết hại hàng chục ngàn dân vô tội. Hàng ngàn cô nhi quả phụ đeo khăn trắng, từ các làng mạc xa xôi. Đã đến văn phòng luật sư của tôi, yêu cầu tôi phục hồi danh dự cho vong linh người đã chết và đặt vấn đề trách nhiệm của Đảng, của những thủ phạm…”
(nguyên văn tiếng Pháp: Une erreur colossale a couté la vie à des dizaines de milliers d'innocents. Des milliers de veuves er d'orphelins enturbants de blanc sont venus mon cabinet d'avocat, de tous les coins du pays, pour me demander de faire rhabiliter la mémoire des victimes et de soulever la responsabilité du Parti, des coupables)

(Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đọc tham luận trước trước Đại Hội Mặt Trận Tổ Quốc của cộng sản ngày 30/10/1956 đã có nhắc tới tội ác của cộng sản trong cuộc gọi là “cải cách ruộng đất”. Và gần 40 năm sau, năm 1992, trong quyển “Un Excommunié”, xuất bản tại Paris của ông, ông cũng đã kể lại tội ác này trong một đoạn văn được trích dẫn như trên)

2.
Vì ấu trĩ, thờ ơ ngu tối
Vì muốn an thân, vì tiếc máu xương
Cả nước đã qui về một mối
Một mối hận thù, một mối đau thương
Hạnh phúc, niềm mơ, nhân phẩm, luân thường
Đảng tới là tan nát cả.
Lịch sử sang trang, phủ phàng tai họa
Nào đâu chính nghĩa thắng gian tà!?

...

Nguyễn Chí Thiện



3.

Mục sư Nguyễn Công Chính nói: "Đảng Cộng Sản này vi phạm luật pháp nhiều nhất. Nhân dân nghèo, nhân dân không biết luật, nhưng nhân dân không vi phạm luật. Trong khi đó, đảng Cộng Sản thì viết ra luật nhưng lại vi phạm luật vô số kể.... Công an Việt cộng gồm một bọn ma cô, lưu manh, côn đồ, mafia, không phẩm chất đạo đức. Bọn chúng chỉ biết ngụy biện nhằm để cướp bức bóc lột. Cộng Sản Việt Nam chỉ tạo cho người dân nỗi kinh hoàng sợ hãi..."
(Mục sư Nguyễn Công Chính phát biểu trực tiếp từ Việt Nam qua điện thoại phỏng vấn từ hải ngoại và được post trên các hệ thống internet trong tháng 12/2006.)

4.

Chỉ có loài thú vật mới quay lưng lại với nỗi đau của đồng loại, mà chỉ lo chăm sóc bộ lông của mình.
Karl Marx
(Marx phát biểu điều này với cả một tấm lòng, và lời phát biểu này gần 100 năm sau ứng nghiệm thực tế vào đảng cộng sản Việt Nam: một tập đoàn cộng sản đã và đang quay lưng lại với nỗi đau của đồng bào mình, mà chỉ lo chăm sóc quyền lực và những đồng đô la của riêng mình trên nỗi khổ hận của đồng loại…/ Hải Triều)
Máu và Nước Mắt Trên Lưng Trường Sơn -  P02

·  Nhật Ký Đặng Thùy Trâm, đảng Cộng Sản Việt Nam giết Đặng Thùy Trâm lần thứ hai.


Tôi, người quyết định tiến hành thực hiện tập “Máu và Nước Mắt trên lưng Trường Sơn”, là một cựu sĩ quan miền Nam, một người cầm bút, hiện đang sống lưu vong trên đất khách sau những năm tháng tù đày trên quê hương mình sau năm 75, là người cùng thế hệ của Đặng Thùy Trâm, nhưng mỗi kẻ ở mỗi bên chiến tuyến khác nhau. Tôi sinh ngày 23 tháng 11 năm 1942, ba ngày trước khi Trâm ra đời. Đặng Thùy Trâm, theo như trong tập Nhật Ký Đặng Thùy Trâm thì Trâm sinh ngày 26 tháng 11 năm 1942, nhỏ hơn tôi 3 ngày.

Tôi đọc Nhật Ký của Đặng Thùy Trâm với một cảm giác tội nghiệp cho Trâm, và bỗng có cảm tưởng phải chi hai tập nhật ký viết tay của Trâm bị mục rã hay bị đốt cháy tại chiến trường Quảng Ngãi, tan biến theo số phận của Trâm thì ngày nay, tôi không có trong tay tập Nhật Ký Đặng Thùy Trâm để thấy những trang nhật ký và tên của Trâm bị đảng Cộng Sản lợi dụng cho mục đích tuyên truyền.

Phải chi Trâm còn sống, với cái tâm ấy, với tấm lòng ấy, với nhiệt tình ấy, không chừng Trâm, một người con gái có học, con một bác sĩ ở Hà Nội, không thuộc giai cấp bần nông, không thuộc thành phần Cộng Sản sắt máu trong đấu tranh giai cấp… thì có thể hôm nay, Trâm nhận ra mặt thực của đảng Cộng Sản Việt Nam, Trâm có thể là một Dương Thu Hương, một Trần Khải Thanh Thủy hay một Lê Thị Công Nhân… đấu tranh không khoan nhượng cho dân chủ Việt Nam cũng không chừng.

Đặng Thùy Trâm, đảng Cộng Sản Việt Nam và người Mỹ...

Để chuẩn bị cho cuộc chiến xâm lược miền Nam, đảng Cộng Sản Việt Nam tuyên truyền, nhồi nhét, bóp méo miền Nam thành hình ảnh một nửa nước bị áp bức, tù đày, đói khổ để đến nỗi đồng bào miền Bắc phải hạt muối cắn làm hai, hạt gạo cắn làm ba để tiếp tế cho đồng bào và chiến trường miền Nam, để thanh niên và thế hệ trẻ miền Bắc phải “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” với quyết tâm “sinh Bắc tử Nam”, ra đi không hẹn ngày về. Cả một thế hệ thanh niên miền Bắc bị tẩy não để hàng hàng lớp lớp vùi thân dọc giải Trường Sơn trên ba vùng biên địa Việt Miên Lào.

Trong cơn mê loạn lịch sử xâm lược miền Nam đầy gian trá của Cộng Sản miền Bắc, người lính miền Nam bị Cộng Sản miền Bắc gọi là “ngụy” tay sai đế quốc với vô số tật xấu, đối với người lính Mỹ là “Ôi! Giặc Mỹ chồng bao tội ác của bay đã chất đầy như núi. Còn sống ngày nào, tao thề chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để trả được mối thù vạn kiếp đó.”

(Bản gốc Nhật Ký Đặng Thùy Trâm bị Hà Nội cắt ở phân đoạn đầu trang 196, không thấy xuất hiện trong bản do Hà Nội in và phát hành. Đây có lẽ là một sự cố ý của Hà Nội không muốn đoạn văn chống Mỹ nặng nề này tác động vào người Mỹ khi họ đang bang giao và cần Hoa Kỳ...)

Một đoạn khác, Đặng Thùy Trâm viết: “Đường ơi! Mỗi lần nhớ đến em là lòng chị lại trào dâng một mối căm thù ngạt thở đối với lũ giặc cướp nước. Phải bắt chúng đền tội, phải trả thù cho em và bao nhiêu đồng chí của ta và bao nhiêu đồng chí đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu ác liệt này. (NKĐTT trang 104, phân đoạn đầu/ Nhà xuất bản Hội Nhà Văn Hà Nội)

Ghi chú: Lũ giặc cướp, theo Đặng Thùy Trâm là quân đội Mỹ.

Thêm một vài đoạn nữa cho thấy trong đầu Đặng Thùy Trâm thì cuộc chiến tranh Cộng Sản đưa vô Nam là cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước: “Hôm nọ, gặp mấy chàng trinh sát, trẻ măng, nước da trắng dưới lớp lông măng trên má, chắc rằng đó là những học sinh cấp hai mới rời cây bút để nhận khẩu súng lên đường đi chống Mỹ cứu nước. Vậy là cả nước lên đường.” Và “Trắng một đêm chiến đấu liên tục, ta diệt 14 tăng, 1 HU-A, 15 xe nhà binh, diệt 150 tên Mỹ. Một du kích hy sinh, hai đồng chí bị thương...” (Phân đoạn 2 trang 186/NKĐTT/Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn Hà Nội.)

Đoạn văn trong nhật ký này cho thấy dưới mắt Đặng Thùy Trâm thì du kích VC phải đối đầu, phải đánh toàn là Mỹ, song sự tuyên truyền phi lý đã rất là lộ liễu y hệt đài Hà Nội và các chuyên viên lừa bịp trong hàng ngũ Cộng Sản, đó là một trận đánh mà quân Mỹ chết và tổn thất nặng nề như vừa nêu trên mà VC chỉ có một chết và 2 bị thương, điều này chỉ xẩy ra trong mấy cái đầu không tưởng của những kẻ bị nhồi sọ đến mù quáng trong nhận thức.

Hơn thế nữa, lính VC gây thiệt hại ghê gớm như thế lại là du kích mà thôi! Du kích VC không phải là loại quân chính quy, và một trận đánh tổn thất như thế phải là một cuộc đụng trận ít nhất phải từ cấp quân số tiểu đoàn tới trung đoàn của cả hai bên. Sự cường điệu mang tính tuyên truyền, xuyên tạc sự thật một cách trắng trợn qua các dòng chữ viết của Đặng Thùy Trâm cho thấy Cộng Sản đã thành công trong nghệ thuật tẩy não thế hệ trẻ miền Bắc.

Về mặt chiến lược tuyên truyền, rõ ràng là Hà Nội cố ý muốn tạo ra cho đồng bào, thanh niên miền Bắc và cả thế giới có cái cảm tưởng Hoa Kỳ xâm lăng và chiếm cứ toàn miền Nam. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, một quân lực chính thống với gần cả triệu quân dưới cờ đối đầu với với Bắc quân để bảo vệ miền Nam tự do trước khi quân Hoa Kỳ vào Miền Nam, và sau khi Hoa Kỳ rời miền Nam, bị coi như phụ thuộc không quan trọng, gần như không có bóng dáng trong tập NKĐTT mà Hà Nội xuất bản.

Chế độ Cộng Sản và những người Cộng Sản lãnh đạo chế độ miền Bắc, đã mị dân một cách có hệ thống, đã tiêm vào đầu cán binh miền Bắc là vào Nam chống Mỹ cứu nước để dễ dàng vận động tâm lý thanh niên, và Đặng Thùy Trâm là một trong hàng triệu người trẻ miền Bắc bị tiêm nhiễm lối suy nghĩ rập khuôn do đảng Cộng Sản Việt Nam nhồi nhét vào đầu họ từ thời thơ ấu còn quàng khăn đỏ ở bậc tiểu học. Gần như toàn bộ tập NKĐTT, cuộc chiến tại miền Nam long trời lỡ đất không hề thấy bóng dáng người lính Việt Nam Cộng Hòa, và chính QLVNCH là những đơn vị gây tổn thất nặng nề cho Bắc quân trong suốt cuộc chiến, nhất là trận tổng công kích Mậu Thân 1968 và Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Trong góc nhìn đó, chúng ta hãy đọc những dòng nhật ký Đặng Thùy Trâm viết:

5.5.70
Cuộc chiến tranh lan rộng trên dải đất Đông Dương, thằng chó đểu Ních-xơn đã liều lĩnh điên cuồng mở rộng thêm cuộc chiến. Chúng ta sẽ phải đương đầu với một khó khăn ghê gớm hơn nữa đây. Nhưng tao đã thề cùng các đồng chí của tao rồi, dù có chết cũng đánh cho đến cùng...

Ôi căm thù đến bầm gan tím ruột. Tại sao cũng là con người mà lại có những con người độc ác tàn tệ muốn lấy máu đồng bào để làm nước tưới cho gốc cây vàng của nó như vậy?”

(NKĐTT trang 241, phân đoạn 3. NXBHNV Hà Nội)

... Gần một đêm thức trắng, sáng hôm sau bọn mình ra đi khi trời vừa mờ sáng. Lại ra đi. “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước còn có thể kéo dài, đồng bào ta còn có thể hy sinh nhiều của nhiều người hơn nữa, song dù sao chúng ta nhất định thắng lợi...”

Bác Hồ ơi, di chúc của Bác còn vang bên tai con và lúc này lời ấy vang lên át tiếng bom đạn, con mang nó trong lòng và ra đi.

(NKĐTT trang 247, phân đoạn 3. NXBHNV Hà Nội)

Bất giác mình đọc khẽ câu thơ:
Bây giờ trời biển mênh mông
Bác ơi có thấu tấm lòng trẻ thơ.
..
NKĐTT trang 256, phân đoạn 3. NXBHNV Hà Nội)

Trận Mậu Thân, Bắc quân được trang bị vũ khí tối tân vượt hẳn vũ khí cũ thời thế chiến 2 mà người Mỹ trang bị cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và bị tấn công bất ngờ khi quân số các đơn vị VNCH trên toàn lãnh thổ chỉ còn khoảng 30% có mặt tại đơn vị trong ngày Tết, thế nhưng hàng trăm ngàn quân chính quy Bắc Việt gần như bị QLVNCH quét sạch. Trận Mậu Thân là một thảm bại nặng nề đối với Bắc quân về mặt quân sự, đã làm rúng động chế độ Hà Nội. Điều này Đặng Thùy Trâm không biết, và đảng CSVN cố tình dấu kín.

Theo như lời giới thiệu của Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn nơi trang 5 NKĐTT thì “Thùy Trâm xung phong vào công tác ở chiến trường B, sau 3 tháng hành quân từ miền Bắc, tháng 3 năm 1967, chị vào đến Quảng Ngãi và được phân công về phụ trách bệnh viện huyện Đức Phổ, một bệnh viện dân y nhưng chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh...” (NKĐTT trang 5 phân đoạn 2).

Như vậy Trâm đã có mặt tại chiến trường miền Nam gần 1 năm trước cuộc tổng công kích Mậu Thân toàn miền Nam năm 1968, theo đó, các cuộc phản công gây thiệt hại khủng khiếp cho Bắc quân đa số là do các đơn vị VNCH đảm nhiệm. Vậy tại sao Đặng Thùy Trâm chỉ thấy có lính Mỹ trên khắp nẻo chiến trường, tại sao trên trời chỉ thấy máy bay và tiếng pháo của Mỹ mà không hề thấy bóng dáng của máy bay và quân lực VNCH trong các cuộc hành quân truy lùng Cộng Sản?

Qua vài ghi nhận và trích đoạn vừa trình bày ở trên, chúng ta nhận thấy rõ nét là sách lược tuyên truyền và lừa mị đồng bào miền Bắc và dư luận thế giới của Cộng Sản miền Bắc để thuyết dụ cho người ta tin:

- Nhân dân và thanh niên miền Bắc tin rằng Hoa Kỳ đã xâm lược và chiếm đóng toàn miền Nam Việt Nam.

- Nhân dân miền Nam đói khổ, bị áp bức và cần miền Bắc giải phóng...

- Toàn tập Nhật Ký Đặng Thùy Trâm chỉ có những trận đánh giữa VC và quân đội Hoa Kỳ mà họ được dạy căm thù tận xương tủy, quân lực VNCH gần như vắng mặt, không có. Và trong những cuộc đụng trận, quân Mỹ lúc nào chạm du kích Cộng Sản và cũng bị tổn thất nặng nề. Hàng chục sư đoàn chính quy của Bắc Việt hầu như vắng bóng trên chiến trường miền Nam.

- Quân Mỹ vô cùng tàn ác...(?)

Từ những ghi nhận trên, chúng ta thấy Đặng Thùy Trâm cũng như thế hệ Đặng Thùy Trâm và nhân dân miền Bắc bị tuyên truyền, bị tẩy não sai lạc về quân đội Hoa Kỳ, về miền Nam và sùng bái Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam đến gần như mù quáng, và từ những khởi điểm đó, chế độ Cộng Sản miền Bắc đã tung toàn lực cuộc chiến tranh vô Nam mà họ gọi là cuộc chiến tranh “Chống Mỹ cứu nước…”

Có vài điều khó kiểu hiện ra trong tác phẩm NKĐTT mà chúng ta không thể bỏ qua.

- “Có một điều chắc chắn là chị tôi hy sinh trong tư thế đương đầu với giặc. Một vết đạn sâu hoắm, ghim ngay giữa trán chị - điều này khi mẹ và tôi lên lên vùng núi Ba Tơ để đưa chị về, tôi đã nhìn thấy. Anh Tâm, bí thư huyện ủy Đức Phổ hiện nay cho biết anh được nghe kể lại trước khi hy sinh chị còn hô vang “Chủ Tịch Hồ Chí Minh muôn năm. Đả đảo đế quốc Mỹ”. Tôi cũng không rõ đó có phải là sự thật hay chỉ là một huyền thoại mà người dân Đức Phổ yêu thương chị kể lại cho thế hệ sau nghe về một nữ bác sĩ Hà Nội trẻ trung, xinh đẹp đã chiến đấu và nằm lại trên quê hương họ- trên mảnh đất Đức Phổ mà chị đã coi là quê hương thứ hai của mình.

(NKĐTT trang 258, phân đoạn 1/ Đặng Kim Trâm/Chương “Đàng sau cuốn nhật ký”)
Phần trích đoạn trên đây không do Đặng Thùy Trâm viết, mà do người em, Đặng Kim Trâm viết như một phần phụ lục theo nhu cầu tuyên truyền của đảng Cộng Sản Việt Nam, bất chấp tính phi lý của sự việc. “Một vết đạn sâu hoắm ghim ngay giữa trán chị” thì làm sao Đặng Thùy Trâm lại còn có thể sống mà hô “Chủ Tịch Hồ Chí Minh muôn năm! Đả đảo đế quốc Mỹ”?

Quân đội Hoa Kỳ chiến đấu ở Việt Nam sau 1968 dùng súng M16, mà đạn M16 là loại đạn công phá ở lổ ra mục tiêu, loại đạn mà trên chiến trường gọi là “đạn bác sĩ chê”, trúng xương giò là cưa giò, trúng xương tay là cưa tay, trúng xương sọ là vỡ sọ, người bị trúng đạn chết tức khắc, hoặc xuống địa ngục, hoặc lên thiên đàng trong một sát na khoảnh khắc, làm gì có chuyện bị một vết đạn sâu hoắm mà còn sống để hô khẩu hiệu! Đặng Kim Trâm dù cẩn thận viết “không rõ đó có phải là sự thật hay chỉ là một huyền thoại mà người dân Đức Phổ yêu thương chị kể lại cho thế hệ sau nghe...” thì chính Đặng Kim Trâm và những người Cộng Sản chủ trương tung tập sách này ra công luận cũng mắc cái tội cường điệu và coi thường nhận thức của độc giả và thế hệ mai sau. Bất cứ ai bị đạn M16 bắn vào đầu là vỡ sọ chết liền, chỉ có về sau đảng Cộng Sản Việt Nam hô khẩu hiệu thế Đặng Thùy Trâm trên giấy. Đặng Thùy Trâm không thể và không hề hô khẩu hiệu!

- Một đoạn nhật ký chống Mỹ tàn mạt được Đặng Thùy Trâm viết trong bản chính của quyển số 1 mà nội dung hoàn toàn giống ngôn ngữ chống Mỹ của đài phát thanh Hà Nội trong hai thập niên 60 và 70 lại “bị” Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn Hà Nội cắt bỏ khi in vào tập sách để phát hành:

“Và cũng giờ này bao nhiêu gia đình không nhà không cửa, con cháu nheo nhóc ở vào đâu?” (NKĐTT trang 196, phân đoạn 1/ NXBHNV Hà Nội).

Dòng chữ trong bản chính của Đặng Thùy Trâm viết còn lưu giữ tại Việt nam Center, Lubbock, Texas, Hoa Kỳ cũng như trong CD bản copy gia đình Đặng Thùy Trâm nhận được, còn nguyên một đoạn dài tiếp ngay sau dòng chữ ở trên: “Ôi giặc Mỹ, chồng bao tội ác của bay đã chất đầy như núi. Còn sống ngày nào tao thề chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để trả được mối thù vạn kiếp đó!

Chế độ Hà Nội đã dạy cho thanh niên miền Bắc căm thù Mỹ mà những dòng chữ trên đây đã đạt tới những gì mà Hà Nội mong muốn, tại sao họ cắt bỏ đoạn này? Tập Nhật Ký Đặng Thùy Trâm ra đời năm 2005, thời điểm mà Hà Nội cần vô WTO, chuẩn bị đón ông TT Bush ở Hà Nội trong hội nghị thượng đỉnh APEC tháng 11/2006, cần được Mỹ bỏ Hà Nội ra khỏi danh sách “quốc gia cần quan tâm CPC”... nên họ không muốn dân Mỹ đọc được câu này? Tại sao họ không in lại nguyên những gì Đặng Thùy Trâm viết trong tập nhật ký của cô? Cắt bỏ đoạn này vì nhu cầu cần Mỹ lúc này có xúc phạm Đặng Thùy Trâm không? Theo tôi là có!

Qua hành động này, quả tình Hà Nội đã xúc phạm Đặng Thùy Trâm, nếu không nói là đã giết Đặng Thùy ở dưới mồ vì nhu cầu chính trị hiện nay của đảng CSVN. Những gì Đặng Thùy Trâm viết từ lòng thù hận, hậu quả của những kỷ thuật và tháng năm tẩy não của đảng CSVN về người Mỹ và về miền Nam Việt Nam, theo tôi cần được giữ nguyên để giữ tính trung thực về những gì Đặng Thùy Trâm suy nghĩ và viết ra…

Có một điều mà người viết không thể không nhắc tới, đó là vai trò của các giới truyền thông và phim ảnh thiên tả của Mỹ chống chiến tranh Việt Nam. 90% sản phẩm loại này ra đời trong thập niên 1970 đã đâm sau lưng người lính Mỹ và người lính VNCH, tiếp tay cho Cộng Sản Việt Nam trên báo chí và các hệ thống truyền thông Mỹ trong cuộc chiến xâm lược của chế độ Hà Nội từ bên kia vĩ tuyến 17. Và chính họ cùng với phong trào phản chiến đã khuyến khích Cộng Sản Hà Nội tuyên truyền bịa đặt để đẩy hàng hàng lớp lớp thanh niên miền Bắc lên đường vô Nam, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” để “sinh Bắc tử Nam” cho cuồng vọng của những người Cộng Sản theo chủ nghĩa Mác Lê. Đặng Thùy Trâm là một trong những người bỏ mình trong cuộc chiến phi nghĩa đó. Vì thế, Hà Nội đã từng tuyên bố thẳng là họ “thắng Mỹ ngay trên đường phố và trong các trường đại học tại Hoa Kỳ!”
***

Thân mất nước cuối đời nghẽn lối
Đêm dường nghe tiếng gọi quê hương
Ta như cỏ mọc bên đường
Vẫn như còn ngấm đoạn trường oan khiên (LKAH)

Máu và Nước Mắt Trên Lưng Trường Sơn -  P03


·  Những cuộc thảm sát dã man quân miền Nam: Một vấn đề đặt ra cho lương tâm và chính nghĩa giả trá của cuộc xăm lăng từ miền Bắc.


Dưới ảnh hưởng của tuyên truyền và bưng bít do đảng CSVN và Hồ Chí Minh chủ trương trong quá trình cưỡng chiếm miền Nam, những đoàn quân rời miền Bắc, “xẻ dọc Trường Sơn” vô Nam “cứu nước” chỉ có trong đầu những hình ảnh to tướng của quân thù là quân Mỹ, bóng dáng người lính VNCH chỉ là những cái gì bàng bạc, không quan trọng. Thế nhưng khi đụng với thực tế, họ nhận ra là chính những lực lượng quân sự bảo vệ miền Nam gây tổn thất chính cho họ là người miền Nam, là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Do được dạy căm thù, huấn luyện căm thù, khi dùng biển người và nội gián chiếm được một đơn vị VNCH, họ thẳng tay tàn sát bất cứ ai trong căn cứ, kể cả đàn bà, con nít… Và các sĩ quan, hạ sĩ quan, họ ít khi bắt làm tù binh, họ dùng mã tấu chém bay đầu, chém nát thân thể binh sĩ và những sĩ quan miền Nam. Hành động dã man này chính là chủ trương và bản chất của người cộng sản Việt Nam của thế hệ Hồ Chí Minh. Công ước quốc tế Geneve về tù binh chỉ là mảnh giấy lộn đối với cộng sản, dù trước khi vô Nam, họ có học sơ qua. Các hàng binh cộng sản hồi chánh QLVNCH cho biết như vậy.
Tháng 7 năm 1973, vị trí một đơn vị QLVNCH cấp Tiểu đoàn của Sư đoàn 9 BB/VNCH đóng quân trên vùng trên lãnh thổ tiểu khu Chương Thiện ( TĐ3/Trung đoàn 53/SD 9BB) đã bị cộng quân tấn công tràn ngập đơn vị, nguyên nhân do nội tuyến. Địch đánh hai mặt, từ bên trong và từ bên ngoài. Bộ chỉ huy Tiểu Đoàn bị vỡ, và thay vì cộng quân bắt đi các sĩ quan VNCH, họ thẳng tay tàn sát bằng mã tấu, từ vị Tiểu Đoàn Trưởng trở xuống đều bị chém đứt đầu, trong đó có sĩ quan thám báo tiểu đoàn Vũ Đình D… xuất thân khóa 9/72 Thủ Đức, Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương…

Cuộc tàn sát dã man này của cộng sản cho thấy mức độ mất nhân tính của một đạo quân do Hồ Chí Minh và tập đoàn đảng Cộng Sản Việt Nam dựng nên để làm phương tiện cho chủ nghĩa cộng sản quốc tế. Yếu tố con người và dân tộc dường như không có trong chiêu bài đi giải phóng. Điều này hoàn toàn khác với những gì người lính miền Nam đối xử với tù binh Việt cộng.
( Xin đọc phần phụ lục bài viết “Ở cuối hai con đường”, một chuyện có thật của tác giả Phạm Tín An Ninh.)

Các sĩ quan VNCH sống sót đều bị chặt đầu trong cơn say máu của Bắc quân cho thấy cái gọi là “giải phóng”, lòng nhân đồng loại, công ước quốc tế Geneve về tù binh… chỉ là thứ cỏ rác đối với đảng cộng sản Việt Nam, tác giả xin viết để nhấn mạnh một lần nữa.

Đặng Thùy Trâm và các thế hệ thanh niên miền Bắc bị lùa vô Nam trong cuộc chiến tương tàn không tim óc này làm sao biết được cái tâm ác độc của ông Hồ và đảng CSVN. Lịch sử dần dần sẽ mở ra những cánh cửa để người Việt Nam “sau cơn mê loạn lịch sử” sẽ thấy Hồ Chí Minh và đảng CSVN không yêu thương gì miền Nam, họ cũng chẳng  yêu thương gì những cán bộ cộng sản miền Nam… mà chỉ yêu thương giấc mơ thống trị cả nước dưới lá cờ đỏ mà thôi. Cái chết của phó thủ tướng VC Phạm Hùng hiện còn đang là một nghi vấn cho câu hỏi phải chăng Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam muốn khống chế và tàn diệt những người cộng sản gốc miền Nam để dọn đường hay lót đường cho sự cai trị của tập đoàn cộng sản gốc Bắc sau khi gồm thu cả nước dưới mầu cờ đỏ, và điều này đang hiện thực tại Việt Nam, tại miền Nam hiện nay!

Chưa hết, xin độc giả đọc những dòng sau đây:
Bác sĩ Vincent d'Athis Mons, người Việt 100%, có quốc tịch Pháp, thuộc đoàn "bác sĩ không biên giới" trong Phái Bộ Y Tế do nước Pháp gởi sang Việt Nam, nên ý kiến rất là tự do và trung thực. Không cần biết đầu óc ông ta nghĩ như thế nào trước đó, khi tất cả phái bộ của ông được khoản đãi linh đình ở Paris ngày 13/4/1975 trước khi rời nước Pháp để sang Việt Nam, do Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tổ chức, Mặt Trận đã khuyên ông không nên bắt liên lạc với Sài Gòn và hãy tạm nằm ở Vũng Tàu chờ "quân giải phóng".

Phái bộ nghe theo lời MTGPMN, không vào Sài Gòn mà ra nằm chờ ở Vũng Tàu, thuốc men và dụng cụ y khoa được tạm gởi vào một bệnh viện dân sự của VNCH. Có vài cuộc pháo kích vào thị xã, và người ta mang lại khoản 80 người bị thương vừa thường dân vừa lính nhảy Dù. Họ săn sóc cho những người nầy. Đến lượt những người man rợ đến, có lẽ chưa có chỉ thị của cấp trên, nên họ ra lệnh ngưng tất cả mọi công tác và ý định chữa trị cho những người bị thương nói trên. Rồi một toán khác lại đến, những người nầy có vẻ hiểu biết hơn, nhưng ra lệnh buộc tất cả phải rời khỏi bệnh viện nầy, vì họ đang cần dùng. Vì các "bác sĩ không biên giới" không biết phải đưa những người bị thương mà họ đang chữa trị đi đâu, nên họ từ chối lệnh nầy. Tức thì một người chỉ huy toán "giải phóng quân" nói với Bác Sĩ Vincent rằng: "Đây rồi chúng tôi đã có cách." Nói xong ông ta rút súng ngắn ra, kê vào đầu một người bị thương cạnh đó, và bóp cò.
Bác sĩ Vincent phản đối. Người ta lôi ông ra chỗ khác... và rồi ông nghe nhiều tiếng súng lục nổ.... đến lúc súng hết nổ thì bệnh viện đã trống, sẵn sàng cho "giải phóng quân" sử dụng!

Đó là một trong những nhân chứng và chứng cớ hiếm hoi của những cuộc hành quyết nhanh gọn. Và người ta phải rất ngạc nhiên lắm mới thấy được sự đứng đắn của những kẻ xăm lăng man rợ nầy. Một người trong phái bộ "bác sĩ không biên giới" phải thốt lên: "Thật là giống y như bọn phát xít Đức hồi năm 1940!" (Trích chương 8/ La mort du Vietnam/ Đại tướng Vanuxem/ Trang 106 -107) / Bản dịch Việt ngữ “Việt Nam Cộng Hòa bị bức tử” do Cựu Đại tá Dương Hiếu Nghĩa chuyển ngữ/Nhà xuất bản Đại Nam phát hành)
Xin đọc: : ht*p://www.tinparis.net/thamluan/0703_ChanhsachVC_VanHa.html
Và chương “Còn tệ hơn là tắm máu” ở phần phụ lục.

Ngoài ra, không kể những trại tù chết người giam giữ quân cán chính, nhất là hàng trăm ngàn sĩ quan miền Nam trong những trại tù mệnh danh dưới mỹ từ cải tạo mà hậu quả là hàng chục ngàn người bị chết vì thiếu ăn, vì tai nạn, vì bệnh tật, vì bị hành quyết khi trốn trại, người viết không thể không nêu ra những trường hợp điển hình mà sau khi “cướp xong chính quyền”, cộng sản đã tàn sát trả thù vô số sĩ quan miền Nam thuộc QLVNCH. Theo tiến sĩ Lewis Sorley viết trong tác phẩm “The remembrance of Vietnam” thì sau ngày 30/4/1975, cộng sản Việt Nam đã trả thù và giết hàng chục ngàn quân cán chính miền Nam Việt Nam trong đó gồm cả sĩ quan các cấp có trong danh sách trả thù của cộng sản. Tính cuồng sát của thời đại Stalin ở Nga được tái diễn trở lại tại miền Nam Việt Nam dưới bàn tay máu của đoàn quân xăm lăng của họ Hồ.
- Giữa tháng Tư 1975, khi tiến quân vô Phan Thiết bằng quốc lộ 1, một đoàn convoi Bắc quân có chiến xa dẫn đầu, khi gần tời trường bắn Lương Sơn đã bị một đơn vị nhỏ Địa Phương Quân VNCH phục kích bất ngờ bằng M72 gây tổn thất khá nặng nề, hai T54 bị cháy cùng một số Molotova và một số thương vong không rõ. Đơn vị Địa Phương Quân này, ngay lập tức băng rừng mật khu Lê Hồng Phong để về Mũi Né an toàn.

Sau đó, cộng sản đã gom một số đàn ông, thanh niên thuộc đồng bào Nùng và người Kinh ở Xóm Ruộng gần trường bắn Lương Sơn đem ra xử tử hàng loạt.
- Cũng gần giống trường hợp trên, gần cuối tháng 4/1975, tức sáng ngày 20/4/1975, Sư đoàn 18BB và các đơn vị tăng phái bất ngờ được lệnh rút khỏi Long Khánh. Khi các sư đoàn quân cộng sản ào ạt tiến vào thị xã Xuân Lộc, cánh quân tràn qua địa phận xã Tân Lập vị thiệt hại vì vướng những giây mình Claymore do quân VNCH để lại, Bắc quân say máu gom khoảng 500 đàn ông, thanh niên trong xẽ ra xếp hàng bắt nằm dài trên lộ gần chợ Tân Lập và hành quyết hàng loạt, sau đó Bắc quân dùng xe ủi đất trong rừng cao su đài một hố lớn chôn hàng trăm xác đồng bào chung một chỗ.

Tội ác này diễn ra giữa ban ngày, máu đồng bào vô tội chảy như suối hai bên lộ. Sài Gòn sụp đổ 10 ngày sau đó, không có một bức hình, một tin tức nào ghi nhận cuộc thảm sát dã man này.

- Thiếu tá Nguyễn Văn Dư, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 43 Sư đoàn 18 BB, một trong những đơn vị gây thiệt hại nặng nề cho Bắc quân tại mặt trận Long Khánh, sau khi đơn vị tan hàng ngày 30/4 với lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh, đã mặc áo quân thường dân về với gia đnh ông ở Vũng Tầu. Ông có trình diện VC tại địa phương nhưng mấy hôm sau, VC cũng đến nhà bắt ông đi biệt tích. Vợ ông tìm chồng nhưng các cơ quan cộng sản nói không biết và bảo với vợ ông là cứ coi như ông đã chết. Gia đình đành làm bàn thờ thờ ông.
Về sau, một cựu quân nhân bị bắt ở tù cùng một lượt với ông cho gia đình ông biết là VC đã hành quyết ông một cách dã man bằng cách đập ông vỡ sọ. (Chúng tôi có dữ kiện, tin tức về cuộc thảm sát này.)

- Đại úy Nguyễn Văn Trò thuộc tiểu khu Bình Thuận, một trong những sĩ quan xuất sắc nhiều lần gây tổn thất cho cộng sản trong những cuộc phục kích và đụng trận. Anh bị cộng sản treo giá tử hình. Khi cộng sản tiến vô Phan Thiết, anh thoát vào Sài Gòn. Sài Gòn mất, hàng ngày anh nghe radio và TV tin tức cộng sản công bố chính sách “hòa giải, hòa hợp, 10 điều 7 điểm” do tướng VC Trần Văn Trà công bố. Anh nhớ vợ con, anh mềm lòng, anh lên xe đò mò về Phan Thiết, buổi chiều ăn cơm với gia đình chờ sáng mai trình diện, tối quân quản Phan Thiết đưa xe jeep lại nhà bắt anh đi biệt tích. Vài ngày sau, xác anh được tìm thấy trên một dòng suối cạn ở Phú Bình, khoàng 5 cây số phía Tây Bắc Phan Thiết. Anh bị cộng sản đập vỡ sọ…
- Tại xã Lương Sơn, Huyện Hòa Đa, tỉnh Bình Thuận, ông xã Dược là một nhân vật đặc biệt giỏi về cả hoạt động tình báo, quân sự và hành chánh, đã từng làm điên đầu cộng sản trong vùng. Lương Sơn dựa lưng mật khu Lê Hồng Phong nên áp lực quân sự của cộng sản gần như thường trực đè nặng lên xã này.
Khi cộng sản chiếm xong Bình Thuận, ông xã Dược trốn vô miền Nam. Khi cơ sở hành chánh cộng sản thiết lập xong, họ truy lùng ông xã Dược, và một người cán bộ cộng sản từng mang ơn cứu tử của ông khi ông tha cho anh ta trong một trận phục kích khi xưa, đã qua gia đình thuyết dụ ông về trình diện. Ông tin lời họ và trở về. Ông đã trở về với cái chết oan nghiệt:
Quân cộng sản như thế, đảng cộng sản như thế… Liệu chế độ tàn ác đó, cái đảng phi nhân đầy thú tính đó có đáng để Đặng Thùy Trâm và thế hệ của Trâm tôn thờ và hy sinh hay không? Chế độ tàn độc này đã thống trị Việt Nam nay đã 32 năm, kể từ 1975, và người ta hy vọng gì ở tương lai Việt Nam với những con người cộng sản vẫn còn hãnh diện với tội ác của mình?!

Máu và Nước Mắt Trên Lưng Trường Sơn -  P04


Nhật Ký Đặng Thùy Trâm, một sản phẩm dối trá và phản bội…


Đây là tít của một bài viết dài 42 trang của tác giả Thiên Đức lấy từ Vnreview, 13/12/05 được điện thư (chuyentin6@yahoo.com) chuyển lên diễn đànchinhluan@yahoogroups.com ngày 29 tháng 12 năm 2005. Cái tít này trong bài viết của tác giả Thiên Đức, cũng như toàn bộ tập “Máu và nước mắt trên lưng Trường Sơn” hoàn toàn không nhắm vào Đặng Thùy Trâm và những dòng nhật ký Trâm viết, mà nhắm vào tác phẩm do đảng cộng sản Việt Nam dàn dựng thành hình dưới tên “Nhật Ký Đặng Thùy Trâm” vì nhu cầu tuyên truyền của những năm 2005 “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” để đi dần về phía Mỹ... vì nhu cầu đô la.
Với đề tài bài viết như trên, tác giả Thiên Đức đã vào internet qua các trang nhà/web của Vietnam Center ở Lubbock, Texas, tìm ra nguyên bản từ các dòng chữ viết tay của Đặng Thùy Trâm từ tập nhật ký giữ ở Vietnam Center, được đánh máy vào CD/DVD và so sánh cẩn thận với bản in Nhật Ký Đặng Thùy Trâm do Hà Nội phát hành và phát giác ra những điều mà tác giả gọi là “Nhật Ký Đặng ThùyTrâm, một sản phẩm dối trá và phản bội”.
Tác phẩm nhằm mục đích tuyên truyền loại này phải qua sự chăm sóc, kiểm duyệt cẩn thận của đảng cộng sản, và người ta đã thấy trong Nhật Ký Đặng Thùy Trâm có vô số những sửa chữa, cắt xén, thêm bớt khi so với bản gốc, đó là chưa kể những sai lạc về ngày tháng... Những điều vừa đề cập này, độc giả có thể mua tập Nhật Ký Đặng Thùy Trâm do nhà xuất bản Hội Nhà Văn Hà Nội in ấn và phát hành có bán ở các nhà sách ở California, và liên lạc Vietnam Center ở Texas khay vô h*tp://wwww.vietnam.ttu.edu và trang nhà/ web h*tp://www.annonymous.online.fr/Upload/Nhat%20ky%20Dang%20Thùy%20Tram để tìm bản chính... Và sau đó đọc kỹ từng trang, độc giả sẽ nhận ra vô số những thứ mà tác giả Thiên Đức gọi là “một tác phẩm dối trá và phản bội”. Hà Nội đã dối trá độc giả và phản bội chính Đặng Thùy Trâm.

Vì giới hạn của trang sách này, chúng tôi chỉ trích đoạn phần đầu bài viết của tác giả Thiên Đức khi ông nhận định thẳng thừng bằng cái tít như trên: Cuốn Nhật Ký Đặng Thùy Trâm của nhà xuất bản Hội Nhà Văn được độc giả trong và ngoài nước chú ý, toàn bộ hệ thống báo chí Việt Nam, thậm chí cả guồng máy chính quyền đều đề cao, tán dương như là một điển hình anh hùng cho thế hệ trẻ Việt Nam, trong lúc đó lại có nhiều tranh cãi tính chính xác thật của nhật ký trên các diễn đàn BBC, Talawas, Đàn Chim Việt...

Sau cùng, 3 tập tài liệu bản thảo Nhật Ký Đặng Thùy Trâm sau đây được lưu trữ tại Vietnam Center:
- Bản sao viết tay nhật ký quyển 1
- Bản sao viết tay nhật ký quyển 2
- Bản in thực tế của nhà xuất bản Hội Nhà Văn.
... “Cảm nhận đầu tiên khi so sánh, đối chiếu bản in Nhật Ký Đặng Thùy Trâm với bản gốc, người viết có cảm giác cuốn sách được xuất bản một cách vội vàng nhằm phục vụ nhu cầu chính trị hơn là phục vụ cho sự thật, cho độc giả…, vì trong cuốn sách có quá nhiều những lỗi lầm sơ đẳng, nhất là đánh máy lộn ngày tháng, hay những đoạn trên đưa xuống đoạn dưới...” (Thiên Đức)
Chúng tôi, người thực hiện tập sách phản biện này, “Máu và nước mắt trên lưng Trường Sơn”, không thể chạy in 42 trang tài liệu trong bài viết của tác giả Thiên Đức, song chúng tôi đồng ý với nội dung cái tít mà tác giả đặt cho bài viết” “Nhật ký Đặng Thùy Trâm, một sản phẩm dối trá và phản bội”.

Nhân đây, tôi cũng nhắc lại một chuyện dối trá của đảng cộng sản Việt Nam nhân vụ “Em bé tẩm dầu Lê Văn Tám” bị chính sử gia Trần Huy Liệu bạch hóa trước khi ông qua đời. Trong hơn 2/3 phần đời phục vụ trong hàng ngũ cộng sản, có một việc mà ông không thể không nói lại cho hậu thế rõ là chính ông đã bịa ra chuyện “em bé tẩm dầu xông vào kho xăng, lửa cháy bùng lên” để cộng sản dùng tuyên truyền chính trị và đưa vào sách sử cho học sinh học.

Trước khi lìa đời, sử gia Trần Huy Liệu đã nói với các bạn thân của ông như một lời trối trăn sám hối của một trí thức còn chút lương tri và tâm hồn. Ông đã tiết lộ hai điều mà trong đó, báo chí Hà Nội chỉ miễn cưỡng xác nhận một điều vì không che dấu được: Vụ Lê Văn Tám là không có thật. Sử gia Trần Huy Liệu được lệnh “chế, bịa” ra Lê Văn Tám chỉ vì nhu cầu tuyên truyền mà thôi. Sau khi tiết lộ này phơi ra ánh sáng, không biết chế độ cộng sản Việt Nam có công khai đính chính và bỏ đi chuyện Lê Văn Tám tẩm dầu xông vào kho xăng” trong các tập sử dạy học sinh hay không.

Điều thứ hai không thấy chế độ Hà Nội công khai tiết lộ ra công luận là chuyện sử gia Trần Huy Liệu nói về hiểm họa Tầu phương Bắc. Ông thì thào nói với những “đồng chí” thân cận: “Người phương Bắc đến xứ ta là người phương Bắc ở lại, người phương Tây đến xứ ta là người phương Tây đi. Các đồng chí nhớ kỹ điều này. Ý tôi muốn các đồng chí nhớ là hiểm họa đối với dân tộc ta đến từ phương Bắc!”
(Ghi nhận từ một giáo sư đại học miền Bắc có bút danh Triết ĐứcChính hiện ở Canada.... Và chuyện Lê Văn Tám cũng được báo chí Hà Nội đề cập hạn chế.)

Hai điều trên đây, ngày còn sống, Đặng Thùy Trâm không bao giờ biết được sự thật bẽ bàng, dối trá, lừa bịp này.
Máu và Nước Mắt Trên Lưng Trường Sơn -  P05


Những người bộ đội nhìn ra sự thật của cuộc chiến xâm lược từ miền Bắc

Trong dòng người bị chế độ Hà Nội đẩy vô Nam, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” sau khi bị “tẩy não, xuyên tạc” về những điều mà Hà Nội cho là “xấu xa, tội ác của Mỹ Ngụy”, vô số bộ đội Bắc Việt đã nhìn ra sự thật sau khi đi sâu vào phần đất trù phú miền Nam. Một số trong những người này đã hồi chánh với chính quyền miền Nam (Đại tá Bé của Trung Tâm Chí Linh, nhà văn Xuân Vũ, ca sĩ Đoàn Chính...), một số khác đã bỏ mình trên rừng núi Trường Sơn hay trên trận địa.

- Bài thơ không tới tay người mẹ của người bộ đội sinh Bắc Tử Nam

Ngày 2. 8.2002, Diễn Đàn Nước Việt qua Tran Nam Binh (tran_nb@yahoo.com) đã gửi lên hệ thống internet hai bài thơ của một người bộ đội vô danh bỏ xác trên chiến trường miền Nam. Hai bài thơ đó được tìm thấy trong ba lô bên xác anh dưới bút hiệu Huyền Trân. Anh Phùng Minh Hải gửi bài thơ anh giữ được cho Trần Nam Bình của Diễn Đàn Nước Việt để đăng tải lên trang mạng với lời giới thiệu của chính anh:

Các bạn thân mến, bài thơ sau đây của một anh bộ đội vô danh nghe theo lời Bác & đảng vào miền Nam “chống Mỹ cứu nước” khoảng năm 1965 – 1966. Việt cộng tuyên truyền rằng miền Nam lúc đó đang bị Mỹ Ngụy kềm kẹp khổ đến nỗi không có chén ăn cơm mà phải dùng gáo dừa... Việt cộng đã lừa gạt, xô đẩy hàng trăm ngàn thanh thiếu niên miền Bắc vào chỗ chết, vào chỗ giết chóc bao nhiêu người dân lành vô tội mà bài thơ của anh bộ đội này tâm sự. Người bộ đội này có bút hiệu Huyền Trân.

(Phùng Minh Hải ghi chú và giới thiệu.)
Huyền Trân
Từ Buổi Lên Đường (Thư Gửi Mẹ) 1


Từ buổi con lên đường xa mẹ
Theo anh em sang Lào rồi dấn bước vào Trung
Non xanh nước biếc chập chùng
Sớm nắng biển, chiều mưa rừng gian khổ
Tuổi thanh xuân cuộc đời như hoa nở
Từ hoà bình đâu ngại bước gian nguy
Mấy tháng trời đêm nghỉ ngày đi
Giày vệt gót áo sờn vai thấm lạnh
Những chiều Trường Sơn núi rừng cô quạnh
Mẹ hiền ơi, con chợt nhớ quê mình!
Khói lam chiều giàn mướp lá lên xanh
Con bướm nhỏ mái đình xưa nhớ quá!
Vào nơi đây tuy đất trời xa lạ
Nhưng miền Nam cũng cùng một quê hương
Vẫn bóng dừa xanh, vẫn những con đường
Hương thơm lúa ngọt ngào
Vẫn khói lam chiều, con trâu về chuồng, tiếng tiêu gợi nhớ
Đã qua buổi ban đầu bỡ ngỡ
Con nhìn ra nào giải phóng gì đâu?
Buổi chợ đông vui, đồng lúa xanh màu
Lớp học tưng bừng những đàn trẻ nhỏ
Đang nhịp nhàng vui hát bản đồng ca
Và trong vườn cây lá trổ hoa
Đàn bướm nhỏ rủ nhau về hút mật
Xóm dưới làng trên niềm vui ngây ngất
Sao người ta bắt con phải đốt xóm phá cầu
Phải gài mìn gieo tang tóc thương đau
Đã nhiều lần tay con run rẩy
Khi gài mìn để rồi sau bỗng thấy
Xác người tung máu đổ chan hoà
Máu của ai, máu của bà con ta
Của những người như con, như mẹ
Để bao đêm mắt con tràn lệ
Ác mộng về con trằn trọc thâu canh.


Huyền Trân
Từ Buổi Lên Đường (Thư Gửi Mẹ) 2

Từ buổi con lên đường xa quê Mẹ
Theo đoàn quân đi xâm chiếm miền Nam
Đời chiến binh, bao vất vả gian nan
Ngày vượt suối, đêm băng rừng phá đá...
Đến nơi đây, đất trời tuy xa lạ
Nhưng cũng là non nước của quê ta:
Vẫn ruộng đồng xanh bát ngát, bao la
Con sông nhỏ chảy xuôi về thành phố,
Vườn nhà ai giàn hoa thiên lý trổ
Khói lam chiều nghi ngút tỏa hương đưa
Dưới trời xanh, xanh ngát những bóng dừa
Con cò trắng rủ nhau về tổ ấm.
Vẫn những làng quê, ngôi trường ngói xẩm
Đám trẻ nô đùa, cánh bướm tung tăng
Mặt nước lung linh soi bóng chị Hằng
Làm con chạnh nhớ quê mình ngoài Bắc:
Con đường xưa, những chiều mưa hiu hắt
Gió đông về... lạnh buốt cả thịt da
Khi hè sang... cây gạo trổ đầy hoa
Con với mẹ vẫn buồn trong nắng ấm
Nhưng hôm nay giữa rừng sâu núi thẳm
Nắng miền Nam, con chợt nhớ mẹ Hiền
Mùa Xuân về, soan nở vội ngoài hiên?
Mẹ nhớ bán hoa đào thu năm trước
Con ra đi, biết rằng mình thua cuộc
Lệnh cấp trên! Nào dám cãi được đâu
Đời của con, nay sương gió giãi dầu
Con cảm thấy lòng của mình tê tái
Mỗi lần vấp, là một lần bớt dại
Khiến cho con hồi tỉnh lại tâm can
Nếu họ bắt con đốt xóm, phá làng
Con thà chết để giữ nòi trai Việt
"Bởi miền Nam là non nước Việt Nam"
Huyền Trân/ một bộ đội miền Bắc, tên thật không rõ


(From: "Tran Nam Binh", ngày 2 Aug 2002 16:00:35 -0700 (PDT)

* Chúng tôi xin gửi bài thơ này về lại Việt Nam với niềm thông cảm trân trọng. Mong là người thân của anh bộ đội “vô danh” có bút hiệu Huyền Trân nhận ra được những lời thơ chí tình đứt ruột của anh. Hậu quả đau thương của cuộc chiến đấu “giải phóng miền Nam” đã đẩy cả nước lùi cả trăm năm so với các lân bang Đông Á! Anh là người cảm nhận nỗi đau này, và anh đã chết trên rừng Trường Sơn. Những dòng này như một nén nhang viết cho người anh em ruột thịt “sinh Bắc tử Nam”. Lê Khắc Anh Hào.
(Trích thi tập “Đoạn Trường Lưu Vong”/Lê Khắc Anh Hào/ Viêt Nam 2004/trang 141 – 144)

Ngoài ra, chúng tôi được biết hai bài thơ Từ Buổi Lên Đường của tác giả Huyền Trân mà tên thật không tìm ra trên xác chết người bộ đội “sinh Bắc tử Nam” này cũng thấy được lưu trữ trong Bảo Tàng Viện Quân Sự Alberdeen ở Maryland, Hoa Kỳ.... (theo tiết lộ của bút danh "Nguoi Tu So 200" khi trao đổi trong paltalk ngày 14/01/2007)

- Bài thơ của một người bên kia vĩ tuyến
Tác giả: Một nguời Việt Nam yêu nuớc vô danh từ miền Bắc
Xin kể thêm tôi
.
Xin kể thêm tôi thành muời chín triệu một nguời
Trái tim tôi đập về trong nớ
Dòng máu xa nguồn bỗng giận sôi.

Hoàng sa! Hoàng Sa!
Cái tên nghe buồn như thuở ban sơ
Đối với tôi đã là da thịt
Dẫu chỉ là một mảnh san hô
Lại đau chăng vết buốt tự ngàn xưa
Trang sử cũ còn in hằn dấu ngựa
Từ thảo nguyên xa, từ biên ải lửa
Khói tràn về đen thẩm những ước mơ
Đếm biết bao nhiêu nguời vợ đợi chờ
Em ơi, trên từng trang sử nhỏ.

Xin kể thêm tôi
Thành mười chín triệu một nguời
Thành viên gạch hồng tuơi
Làm bức tuờng thành ngăn triền sóng dữ
Làm chiếc vò đựng mùa xuân ngọt lự
Giữ không rơi một giọt mật nào
Mỗi giọt ra đi chính giọt máu đào
Từ cuộc đời cha ông nhỏ xuống.

Nguời bạn Hải Quân miền Nam ơi!
Trên đảo mù sương hôm đó có tay anh cầm súng
Từ những hạm tầu rẽ sóng đại dương
Tôi thấy máu anh dương nòng sừng sững
Cuộc chiến kết thúc dù bi thảm
Bài ca anh hùng vẫn vọng trời cao
Xin cho thơ tôi phát tiếng súng chào
Vĩnh biệt tuần dương chìm dần giữa sóng
Biển âm thầm ngàn năm lạnh cóng
Vẫn mặn nồng lòng Tổ Quốc ta
Xin cho thơ tôi làm thảm sóng ngân nga
Ru giấc ngủ những chàng trai dũng cảm
Tiếng cuời ngày nào còn ran trong nắng
Đôi mắt ngày nào đọng mắt nguời thương.

Tôi biết mùa xuân chưa đến bao giờ
Ngực đảo còn đau ngàn bàn chân lạ
Hoàng Sa xa vời, ơi Hoàng Sa!
Tên nguời ngân buồn như bản thánh ca.
(Vô Danh)


haitran@nethere.c*m viết:
Đề mục: Xin kể thêm tôi.
Nghe tin xẩy ra trận đánh Hoàng Sa, một nguời sống bên kia chiến tuyến đã ngậm ngùi làm một bài thơ để vinh danh các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ hải biên của Tổ Quốc. Mới nay, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang đã đề nghị làm bia để ghi danh tử sĩ Hoàng Sa. Đây là những bạn đồng hành khả kính đang cùng đấu tranh để giành từng tấc đất của ông cha ra khỏi nanh vuốt của bọn Tầu đỏ…
Trần Chấn Hải
(Trích thi tập “Đoạn Trường Lưu Vong”/Lê Khắc Anh Hào/ Viêt Nam 2004/trang 145 – 147)
Đặng Dung ơi! Lời thiêng giục trống
Nửa vầng trăng lồng lộng trời Nam
Bên trời Bắc Mỹ căm căm
Nửa khuya đất lạnh âm thầm sót trặng (LKAH)


- Hai bài thơ của Chế Lan Viên

(Chúng tôi xin đăng lại 2 bài thơ của Chế Lan Viên rút từ tập “Sổ tay thơ” tập số 5 năm 1987 dĩ nhiên là viết trong Việt Nam. Bài thơ nói lên tấn bi kịch lường gạt của đảng CSVN, thảm kịch của những bộ đội cộng sản bị hy sinh và sống tàn tạ sau chiến tranh. Chế Lan Viên, một trong những nhà thơ nổi danh của cộng sản miền Bắc, nhận lời sám hối, nhưng đảng CSVN thì ngoan cố ù lì trước những đau thương của dân tộc/ Hải Triều)
Ai? Tôi?
Chế Lan Viên

Mậu Thân, hai ngàn (2000) người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm còn sống có ba mươi (30)
Ai trách nhiệm về cái chết hai ngàn người đó?
Tôi!
Tôi, người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình trong lúc xung phong!
Một trong 30 người kia ở mặt trận trở về sau 10 năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy mọi cỡ
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!
Ai chịu trách nhiệm vậy?
Lại chính là tôi!
Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời.
Tôi ú ớ!
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm
Mà tôi xấu hổ!
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ.
Giữa buồn tủi chua cay tôi có thể cười?!


Chế Lan Viên
Trừ đi

Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu! Một nửa!
Cái cần đưa vào thơ tôi đã giết đi rồi!
Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười
Giết một kỷ niệm, giết một ước mơ.
Tôi giết cái cánh sắp bay... trước khi tôi viết
Tôi giết bão táp ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ
Và tôi giết luôn mặt Trời lên trên biển
Giết mưa và giết cỏ mọc trong mưa luôn thể
Cho nên câu thơ tôi gầy com như thế
Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình
Và thơ này rơi đến tay anh
Anh bảo đấy là tôi?
Không phải!
Nhưng cũng chính là tôi: Người có lỗi!
Đã giết đi bao nhiêu cái
Có khi không có tội như mình.


Nhận định về các bài thơ trên đây, chúng ta nhận ra ba dạng người bên kia chiến tuyến hoàn toàn có những nhận thức khác xa Đặng Thùy Trâm:

- Người bộ đội chết trên rừng Trường Sơn sau khi tham dự chiến trường miền Nam, có bút hiệu Huyền Trân. Trong 2 thư gửi Mẹ tìm được bên xác anh, những người lính miền Nam nhận ra anh đã nhận diện được thực tế, nhận diện ra sự thật của cuộc xăm lăng miền Nam phi nghĩa do cộng sản Bắc Việt chủ trương. Anh đã viết những dòng thơ gửi mẹ, những dòng thơ không bao giờ đến, anh đã chết như lời thơ dự báo của anh:
Con ra đi, biết rằng mình thua cuộc
Lệnh cấp trên! Nào dám cãi được đâu
Đời của con, nay sương gió giãi dầu
Con cảm thấy lòng của mình tê tái
Mỗi lần vấp, là một lần bớt dại
Khiến cho con hồi tỉnh lại tâm can
Nếu họ bắt con đốt xóm, phá làng
Con thà chết để giữ nòi trai Việt
"Bởi miền Nam là non nước Việt Nam"
Huyền Trân/ một bộ đội miền Bắc, tên thật không rõ.


(Ngày mai, nếu chế độ cộng sản sụp đổ tại Việt Nam, và tôi, Hải Triều, còn sống, tôi sẽ bỏ phần đời còn lại của mình để cố tìm tông tích gia đình người bộ đội sinh Bắc tử Nam có bút hiệu Huyền Trân với một niềm thương cảm sâu xa...để thắp lên bàn thờ anh một nắm nhang.)

- Một thanh niên hoặc một người bộ đội miền Bắc, ở bên kia vĩ tuyến 17, chia sẻ chính nghĩa của của người lính Hải Quân miền Nam trong trận Hoàng Sa chống Bắc phương:
Người bạn Hải Quân miền Nam ơi!
Trên đảo mù sương hôm đó có tay anh cầm súng
Từ những hạm tầu rẽ sóng đại dương
Tôi thấy máu anh dương nòng sừng sững
Cuộc chiến kết thúc dù bi thảm
Bài ca anh hùng vẫn vọng trời cao
Xin cho thơ tôi phát tiếng súng chào
Vĩnh biệt tuần dương chìm dần giữa sóng
Biển âm thầm ngàn năm lạnh cóng
Vẫn mặn nồng lòng Tổ Quốc ta
Xin cho thơ tôi làm thảm sóng ngân nga
Ru giấc ngủ những chàng trai dũng cảm...


Và chúng tôi nghĩ tác giả vô danh làm bài thơ trên đây chỉ là 1 trong vô số anh em miến Bắc đau lòng nhìn về miền Nam trong cuộc chiến chống trả Bắc phương trong trận Hoàng Sa, trong lúc đó, toàn đảng cộng sản Việt Nam làm thinh toa rập với kẻ thù phương Bắc. Hay nói cách khác, Đặng Thùy Trâm không ở trong hoàn cảnh hay trường hợp chia sẻ tâm trạng của tác giả bài thơ, dù cả hai đều sống dưới chế độ cộng sản miền Bắc Việt Nam.

- Và trường hợp Chế Lan Viên.
Chế Lan Viên là một trong vài nhà thơ lừng lẫy của miền Bắc cộng sản mà thơ văn của ông trở thành công cụ tuyên truyền được cộng sản tận dụng, ông tiết lộ về cái chết hàng loạt thê thảm của những người lính miền Bắc bị đẩy vào Nam trong trận Mậu Thân năm 1968, ông nhận trách nhiệm của mình trong guồng máy tẩy não, tuyên truyền của nhà cầm quyền cộng sản Bắc miền Bắc và ông đã sám hối, ông đã nhận một phần trách nhiệm:
Mậu Thân, hai ngàn (2000) người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm còn sống có ba mươi (30)
Ai trách nhiệm về cái chết hai ngàn người đó?
Tôi!
Tôi người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình trong lúc xung phong!
Một trong 30 người kia ở mặt trận trở về sau 10 năm
Ngồi bán quán bên đường nuô đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy mọi cỡ
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!
Ai chịu trách nhiệm vậy?
Lại chính là tôi!


Vâng, Chế Lan Viên có phải là người đẻ ra chế độ và đảng cộng sản đâu, ông là một nhà thơ có lòng, và chính ông cũng bị cuốn hút vào cơn mê lừa gạt, tẩy não đến có lần đã viết những dòng thơ cho đảng, sặc mùi tuyên truyền, nô lệ Bắc phương:
Dù yêu hương cốm thơm Hà Nội
Không quên Bắc Hải liễu xanh cành
Phương Nam nguyện hái hoa màu lửa
Cho thỏa lòng mơ bạn Bắc Kinh...
(Chế Lan Viên)


Thế nhưng, về sau này, khi chiếm đoạt miền Nam năm 1975 không bao lâu, toàn bộ mặt thật và sự thật về chế độ và đảng cộng sản Việt Nam đã mở ra trước mắt toàn dân và những người trí thức còn có lòng trong hàng ngũ những người cộng sản, trong số đó có Dương Tthu Hương, Chế Lan Viên. Vì thế, trong bài “Trừ đi”, nhà thơ Chế Lan Viên đã tâm sự:
Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu! Một nửa!
Cái cần đưa vào thơ tôi đã giết đi rồi!
Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười
Giết một kỷ niệm, giết một ước mơ.
Tôi giết cái cánh sắp bay... trước khi tôi viết...
(Chế Lan Viên)


Và biết đâu, qua những dòng thơ của Huyền Trân, Chế Lan Viên và người bộ đội hay một thanh niên miền Bắc nào đó đã gửi về Nam bài thơ cảm động cho Hải Quân VNCH trong trận Hoàng Sa... Đặng Thùy Trâm, nếu còn sống đến ngày hôm nay, Trâm có thể sẽ đốt bỏ những dòng nhật ký mà Trâm đã viết năm xưa...?!

Và đây, tiếng thơ của một cựu bộ đội miền Bắc: Nhà thơ Bùi Minh Quốc
Phản chiến
Tổ quốc trong anh máu thấm tận nguồn
Tổ quốc trong chúng gào đầu lưỡi
Hãy cảnh giác!

Khi anh đắm mình máu mê trận mạc
Chúng đưa con đi du học nước ngoài
Rúc kín lâu đài hú hí trên ngai
Hãy cảnh giác!

Bọn mặt bự dẻo mồm
Thời nào chả nhân danh Tổ Quốc
Cao giọng hùng hồn không tiếc máu xương
Lấy xương xây đỏ nghiệp đế vương
Hãy cảnh giác!

Sau chiến tranh chúng lại chiến tranh
Cuộc chiến tranh một phía
Người sống trở về oằn lưng sưu thuế
Chúng lấy máu đúc vàng
Độc quyền ngự trị nghênh ngang
Độc quyền nghĩ
Độc quyền nói
Độc quyền ráo trọi dân đen chỉ một quyền được… đói
Và thêm nữa là quyền sợ hãi
Triền miên…
Hãy cảnh giác!

Dân đen!
Cảnh giác!
Lòng ta yêu vô cùng Tổ Quốc
Chúng luôn luôn làm bẫy đánh lừa
Sập lại chính đời ta
Vào kiếp chó
Canh túi vàng chúng nó…!


Bài thơ gửi Bùi Minh Quốc của người lính miền Nam Lê Khắc Anh Hào
Thơ anh có những đoạn trường
Có bom đạn xới, có đường nhục vinh
Có oan khiên, có thất kinh
Có còng sắt đợi, có hình bũa vây
Thơ anh sợi chỉ giăng dài
Vợ treo đầu gánh những ngày lệ tuôn
Nàng rao bán thơ muôn phương
Gánh thơ bất khuất, gánh nguồn lệ đau
Dòng thơ nỗi uất xâu nhau
Dòng thơ cuồn cuộn nát nhầu sử xanh
Dòng thơ vỡ đất nghiêng thành
Dòng thơ máu lệ tan tành ước mơ.

Anh còn giữ ấm hơi thơ
Thì xin vững đợi cuộc cờ chuyển ngôi
Mai kia ngữa mặt nhìn đời
Tự do, thơ sẽ vực trời Việt Nam!
Lê Khắc Anh Hào

(Thi tập Đoạn Trường Lưu Vong/Vietnam 2004/Trang 38/Lê Khắc Anh Hào)

Máu và Nước Mắt Trên Lưng Trường Sơn -  P06


Cuộc tàn sát dân chúng trên Đại Lộ Kinh Hoàng


(Nicholas Ruggieri/Trích Chiến Sĩ Cộng Hòa, số 275 – 01/10/1973)

Chúng tôi xin được chạy đăng lại nguyên văn bài viết của ký giả Nicholas Ruggieri. Bài viết này được chuyển ngữ ra tiếng Việt và chạy đăng trong mục Tài Liệu của báo Chiến Sĩ Cộng Hòa số 275 ra ngày 01-10 -1973. Bài viết cho thấy sự tương phản trong nhận thức giữa Lê Xuân Thủy và Đặng Thùy Trâm khi đối diện với thực tế tại chiến trường miền Nam. Bài viết bắt đầu như sau:

Lần đầu tiên, những chi tiết về cuộc tàn sát dân chúng hồi vào tháng Tư khi họ đang trốn tránh cuộc xăm lăng của cộng sản tại Quảng Trị vào thờ gian đó, đã được một lính cộng sản Bắc Việt từng mục kích và cho biết.
Câu chuyện này được một lính truyền tin quân đội CSBV 22 tuổi, kể lại. Anh cho biết chính cuộc tàn sát vô ích không nương tay đó sau này đã khiến anh quay về với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Anh cũng xác nhận về nhiều chi tiết thuộc về câu chuyện mà hai sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ kể lại trước đây. Hai sĩ quan này từng ở trong khu vực tử thần đó.

Câu chuyện của viên cựu hạ sĩ quân đội Bắc Việt Lê Xuân Thủy kể, đã cho biết thêm những chi tiết sau đây:
1. Các người chỉ huy quân CSBV trong cuộc phục kích đó đã được biết trước về những gì họ sẽ làm.
2. Một số quân lính Bắc Việt tham dự cuộc phục kích đã được chỉ thị giết dân chúng.
3. Cuộc tấn công này kéo dài trong 5 ngày từ 29 - 4 đến 3 – 5/1972 chứ không phải 2 ngày như người ta cho biết trước đây.

Cựu Hạ sĩ Thủy đã trở về với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ngày 31/7/1972 thuộc tiểu đội truyền tin của Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 2 Sư đoàn 324. Anh được giao công tác thiết lập liên lạc giữa bộ chỉ huy Tiểu đoàn lực lượng CSBV đang hoạt động trong khu vực Cầu Đài, gần quốc lộ 1, và đã chứng kiến hành động tàn sát xẩy ra trong khu vực đặc biệt của anh.
Dường như dân chạy loạn được phép di chuyển trên quốc lộ 1 theo hướng đi về Huế cho mãi tới chiều ngày 29/04, nhưng lính cộng sản Bắc Việt trong khu vực này đã bị cấp chỉ huy của họ khiển trách về việc cho phép những người này chạy thoát. Cấp chỉ huy của họ chỉ thị là từ ngày đó không cho phép bất cứ thứ gì di chuyển trên quốc lộ này.

Vì đường đi không có chướng ngại vật, nên cấp chỉ huy cộng sản Bắc Việt nổ súng vào bất cứ người nào và bất cứ thứ gì xuất hiện trên đường… Họ sử dụng tới súng máy và súng cối bắn tất cả đàn ông, đàn bà và trẻ em, bất kể họ đi bộ, đi xe đạp, trên xe vận tải hoặc xe tản thương, dù họ cũng có thể phân biệt được mục tiêu họ nhắm bắn là dân sự hay quân sự, theo lời hạ sĩ Thủy cho biết.

Có những trường hợp phụ nữ đi cách xa những người tỵ nạn khác và những nhóm không có đàn ông, nhưng sự phân biệt đó thực sự không được quân lính CSBV chú ý tới. Khi một vài binh lính Bắc Việt phản đối việc nổ súng bừa bãi đó thì cấp chỉ huy của họ đã cho biết là những người tỵ nạn đều được coi là “dân địch”.

Sau đây là lời hạ sĩ quân đội CSBV Lê Xuân Thủy kể:
- “Chúng tôi được lệnh nổ súng vào bất cứ người nào trốn về hướng Nam dọc theo con đường từ Quảng Trị tới Thừa Thiên. Tôi mục kích thấy nhiều xe bị bắn, đủ các loại xe, từ xe đạp tới xe thiết giáp đều bị quân cộng sản tấn công. Người chỉ huy trung đoàn đã ra lệnh như vậy. Chúng tôi được lệnh phải bắn tất cả những nam thanh niên, mặc dù họ đi bằng xe đạp hay đi bộ. Chúng tôi không được lệnh bắn phụ nữ đi riêng biệt. Tuy nhiên, môt xe dân sự chở đầy thường dân đã bị tấn công. Những người chỉ huy cho hay là nếu những người nào trốn thoát về Nam thì họ là về phía địch, vì thế họ đã bắn vào những người dân đó.

Cộng sản cũng còn nổ súng vào những xe thiết giáp chở đầy thanh niên, binh lính và dân chúng. Viên chỉ huy tiểu đoàn ra lệnh bắn súng cối 60 ly và 82 ly vào những xe này bằng những loạt đạn dữ dội. Những súng cối 82 ly được đặt cách đó khoảng 200 thước và súng cối 60 ly được đặt cách mục tiêu khoảng 100 thước. Dân chúng đi thành từng nhóm, trong đó có cả đàn ông thì bị bắn những loạt súng máy.

Cộng sản được lệnh bắn tất cả đàn ông đi trên đường tuy họ được lệnh không được bắn người già. Tuy nhiên khi những người trẻ đi lẫn trong đám người già thì tất cả đều bị bắn tiêu diệt. Sau khi bắn, quân cộng sản đi xét những xác chết và vơ vét của cải của nạn nhân và họ coi đó là chiến lợi phẩm. Tôi đã mục kích thấy nhiều đàn bà già cả và trẻ em chết gục tại đó.
Tôi thấy nhiều người bị thương chạy trốn vào hầm hố để tránh đạn pháo kích. Tôi không thể lưu ý đến họ vì tôi phải sửa chữa đường giây liên lạc. Có lệnh là tất cả những người bị thương đều phải ra khỏi hầm hố vì khu vực này được coi là khu vực quân sự, và không một người nào được phép ở trong đó, mặc dù những trận pháo kích bắn vào từ hai bên đường này.Vì vậy, tất cả dân chúng bắt buộc phải chạy đi nơi khác để tránh nạn, đồng thời bất cứ có binh sĩ nào trong số người này đều bị bắn tức khắc. Tôi đã chứng kiến 5 hoặc 6 người bị quân đội Bắc Việt giết như thế. Những người dân bị thương đều bị bỏ nằm lại dọc đường.

Chiến trận dọc quốc lộ Quảng Trị – Thừa Thiên đã kéo dài từ 7 giờ sáng 29/4 đến tối 3/5. Theo tôi nhớ lại thì ngày 30/4, một đoàn xe chạy trên quốc lộ này trong đó có một số thường dân đi xe hơi và một ít đi bằng xe hồng thập tự. Đoàn xe này bị tấn công. Hôm sau lại một đoàn xe nữa gồm mấy chục chiếc cũng chạy tới và đoàn này cũng bị tấn công nữa. Mấy chiếc xe cứu thương dù có sơn dấu hồng thập tự rõ ràng mà cũng bị bắn. Họ biết dấu hồng thập tự là gì rồi, vì bên lính CSBV cũng có loại xe cứu thương có dấu hồng thập tự như thế. Tôi cũng thấy có một số người nằm chết bên cạnh mấy chiếc xe đạp. Một số lính CSBV hoạt động trong vùng gần chỗ tôi ở đã bắn vào cả những người cưỡi xe đạp lẫn đi bộ.

Tối hôm đó, cộng quân đã thu được một số chiến lợi phẩm quan trọng, trong đó có cả gạo của những người đã chết, súng, vải vóc, máy thu thanh, đồng hồ đeo tay… Lính CSBV tịch thu những thứ này không phải  để cho lính họ dùng, mà là để cho thượng cấp Trung đoàn cộng sản ấy… Họ tịch thu cả tiền, họ lột hết mọi thứ như nhẩn, vàng, bút máy, võng...

Trả lời câu hỏi về nguyên nhân những vụ pháo kích bừa bãi như thế, hồi chánh viên này cho biết:
- Theo ý tôi, cộng quân coi tất cả những người bỏ Quảng Trị chạy về phía Nam đều là những người thân chính phủ, mà như thế thì họ còn bị coi là những người chống cộng và bị bắn, còn những người ở lại thị xã Quảng Trị thì bị cộng quân cưỡng bách phải đi Vĩnh Linh.

Hồi chánh viên này cho biết là trong thời gian có những cuộc tấn công, anh ấy đã ở với một đại đội pháo binh có nhiệm vụ chọn lựa mục tiêu. Trạm tiền thám đặt tại một nơi cách quốc lộ 1500 thước, còn hai bên bờ quốc lộ đều có lính cộng sản phục kích, một bên cách đường 200 thước, một bên cách 400 trăm thước… Anh cho hay cộng quân đã quét hàng tràng đại liên vào những xe đò chở đầy dân tỵ nạn. Khi có người hỏi phản ứng của anh ra sao khi thấy thường dân bị giết, anh đã đáp:
- Tôi buồn hết sức, điều đó đã làm tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Người ta bảo tôi vào Nam chiến đấu chống Mỹ, nhưng khi tôi tới nơi, tôi lại thấy mình đang chống lại người Việt. Cuọc tấn công của chúng tôi nhắm cả người Việt dân sự lẫn quân sự.
- Khi anh tới quốc lộ, anh có thấy có xác trẻ em không?
- Có, chừng 10 em chết và nằm rải rác trên quốc lộ trong một quảng chừng một cây số!
- Anh thấy có bao nhiêu thi thể phụ nữ?
- Cũng chừng 10 xác, nhưng số bị thương thì rất nhiều. Họ ngồi dưới cái rãnh thoát nước hay trong bụi rậm.
- Anh có thấy nhiều người già bị chết hay bị thương không?
- Nhiều...
- Có nhiều người còn trẻ chết không?
- Có nhiều người còn ít tuổi đã chết.
- Họ vận áo thường dân hay quân phục?
- Họ vận đủ thứ quần áo, kể cả quân phục tác chiến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Quần áo của họ đủ màu, xanh có, đỏ có...
- Theo nhận định của anh thì họ là thường dân hay quân nhân, họ là người quê hay thành thị?
- Theo ý tôi, họ là thanh niên đủ giai tầng xã hội..., thanh niên, học sinh không ở trong quân đội.

Anh nói thêm:
- Khi chúng tôi trở về đơn vị để dự cuộc kiểm thảo thì có nhiều người đã phàn nàn với cấp chỉ huy, họ không đồng ý. Bọn này nói thường dân ấy là một phần của số dân theo địch, và nếu để cho họ thoát thì sau đó họ sẽ cầm súng bắn lại chúng ta. Chúng ta được lệnh bắn bất cứ ai và chúng ta phải thi hành lệnh ấy.
- Có phải sự bắn giết thường dân như thế đã khiến cho anh quyết định hồi chánh?
- Điều tôi nhìn thấy làm cho tôi rất đau buồn. Thảm cảnh người Việt chiến đấu chống người Việt làm cho tôi thất vọng. Tôi muốn phản đối lời biện bạch của các cấp chỉ huy, và có lẽ điều này cũng góp phần thúc đẩy tôi quyết định hồi chánh.
- Anh có biết chính sách 10 điều dân vận của Mặt Trận Giải Phóng?
- Có! Trước khi chúng tôi vào miền Nam, chúng tôi được học tập chính sách đối xử với thương binh và tù binh địch, nhưng tôi nhận thấy chính sách ấy không được áp dụng.
- Có phải anh muốn nói sự khác biệt giữa lý thuyết với thực hành?
- Khác biệt rất nhiều. Trong khi chúng tôi còn ở đất Bắc, người ta bảo chúng tôi là phải đối xử tử tế với tù và hàng binh. Nhưng trên thực tế, những người như thế đã bị ngược đãi. Trong một vài trường hợp, có một số tù binh đã bị bắn ngay khi bị bắt... Khi đem vấn đề đó ra thảo luận, các cấp chỉ huy vẫn khăng khăng một mực là họ đã áp dụng đúng lý thuyết....!

Nicholas Ruggieri
Máu và Nước Mắt Trên Lưng Trường Sơn -  P07


Thân phận những người thương binh bộ đội “sinh Bắc tử Nam trong tay đảng CSVN.


Người viết chưa có dữ kiện hay bằng chứng trong tay liên quan tới hậu quả việc cộng sản Việt Nam trút bỏ gánh nặng chiến tranh, chiến trường và ảnh hưởng chính trị tại hậu phương miền Bắc nếu vô số thương binh được chuyển ngược về tràn ngập các bệnh viện ở Hà Nội. Có tin là CSVN đã trút thương binh ra biển và nói rằng chuyển họ ra các tàu bệnh viện của Nga để chữa trị, nhưng trên thực tế không thấy ai được trở về. Tin này được đồn đãi qua các câu chuyện truyền miệng hay trên các “room paltalk”; thế nhưng việc các sĩ quan hay tư lệnh chiến trường cộng sản “truy điệu sống” và giết các thương binh của họ vì không di chuyển được khỏi vùng chiến trận và không muốn họ bị bắt khi bỏ lại, không muốn thương binh bị khai thác tin tức... là chuyện đã xẩy ra. Hay nói rõ hơn, các thương binh này bị giết chết để bịt miệng.

(Khi trao đổi với tác giả trên diễn đàn paltalk ngày 13/5/2007, một anh bộ đội từng chiến đấu ở Kampuchea, có nick “vietcong0” xác nhận là Lê Đức Anh, tư lệnh mặt trận 579 đã ra lệnh cho các cấp chỉ huy dưới quyền thanh toán thương binh trên mặt trận để “nhẹ gánh hành quân và di chuyển”. Anh “vietcong0” viết: “tôi là bộ đội, tôi biết các cấp chỉ huy đã giết thương binh bộ đội…!”)

Vào đầu năm 1970, một cuộc hành quân hỗn hợp của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 43 Sư đoàn 18 và các đơn vị bạn trong vùng thượng lưu sông Đồng Nai phía Tây Bắc Định Quán gần cây số 125 giữa Định Quán và Phương Lâm, một bộ đội tên Danh mặc nguyên quân phục của quân đội Bắc Việt đã ra trình diện đơn vị SĐBB và xin hồi chánh. Anh Danh bị thương ở tay trái và không mang theo vũ khí. Trong cuộc tiếp xúc, anh cho biết là anh may mắn còn sống vì chỉ bị thương ở tay và di chuyển được, anh nói các đồng chí bị thương ở bụng, ngực, hai chân... không di chuyển được khi đơn vị phải bỏ vị trí, thủ trưởng đơn vị anh ra lệnh cho “truy điệu sống”, bị xếp hàng bắn hàng loạt, chôn bừa bãi vội vàng trước khi rút. Anh cho biết ngày hôm trước, đơn vị anh đã đụng nặng với một đơn vị quân lực VNCH mà anh không biết tên và đơn vị anh buộc phải rút lui và “thanh toán thương binh” trước khi rút.

Để kiểm chứng nguồn tin khai thác, anh bộ đội tên Danh được yêu cầu chỉ đường cho một đơn vị VNCH vào khám xét vị trí mà các thương binh bộ đội bị “truy điệu sống”. Kết quả là một hầm chôn 26 xác thương binh bộ đội còn nguyên, đúng như lời khai báo của anh Danh. Đơn vị khám xét hầm chôn xác này là ĐĐ3, TĐ2, Trung Đoàn 43 SĐ18BB với sự có mặt của Đại Đội Phó Trần Văn Trung hiện còn sống ở Canada.

Đầu năm 1971, một trường hợp tương tự như trên cũng đã xẩy ra trên địa bàn Long Khánh dưới thời đại tá Chuyên làm tiểu khu trưởng. Chúng ta biết địa bàn hoạt động của vùng Võ Đắc, Võ Xu nằm trong hệ thống ngang dọc của mật khu Mây Tào thuộc tỉnh Long Khánh mà đơn vị cộng sản có mặt hoạt động là Công trường 5, Công trường 7 và Trung đoàn 33 Chính quy.

Nhận được tin tình báo về sự có mặt của một đơn vị thuộc Trung đoàn 33 Chính quy trong vùng, Tiểu khu Long Khánh tung ra một cuộc hành quân bất ngờ với Liên đội 319 Địa Phương Quân ( Đại úy Quang làm Liên Đội Trưởng) phối hợp với Đại đội 133 PRU/Trinh Sát Tỉnh do Đại úy Nguyễn Văn Bộ từ Dù về làm Đại đội trưởng. Cuộc hành quân trực thăng vận chụp lên đầu các đơn vị cộng sản lúc 4 giờ sáng đã làm các đơn vị cộng sản không trở tay kịp, phải rút lui biến mất khỏi vùng hành quân sau cuộc đụng trận chớp nhóang không kéo dài.

Đơn vị hành quân đã phát giác ra một bệnh xá khá lớn và khang trang mà vòm bệnh xá được đan bằng những vòm tre sống bọc trần; từ trên trời, máy bay không thể phát giác được. Bệnh xá có sức chứa khoảng trên 100 bệnh nhân, thương binh. Sàn bệnh xá khá sạch, các giường bệnh và thiết bị y tế khá tốt. Bệnh xá có dấu hiệu vừa có bệnh nhân và hoạt động, nhưng khi các toán Trinh Sát Tỉnh ập vào thì không còn một ai ở đó. Toàn bộ cơ sở và bệnh xá của VC bị đốt và phá hủy sau đó trước khi các đơn vị hành quân rút khỏi vùng.

Mấy ngày sau, một cán binh VC mang quân hàm Thiếu úy tên Hoàng ra đầu hàng và hồi chánh với các đơn vị VNCH thuộc tiểu khu Long Khánh. Anh là một người miền Nam chứ không phải là quân chính quy Bắc Việt, tay bị thương còn băng bó. Trong cuộc thẩm vấn và khai báo, Thiếu úy VC tên Hoàng cho biết là bệnh xá bí mật trong mật khu tre được thiết lập để đón trên một trăm thương binh từ các mặt trận vùng 3 chuyển về, đặc biệt đa số là sĩ quan bộ đội. Anh là một sĩ quan bị thương tay được gửi về điều trị tại đây.

Anh khai là trước đây mấy hôm, bộ binh và quân trực thăng vận VNCH đổ quân tấn công vào vùng bất ngờ lúc trời còn tối, các đơn vị cộng sản được lệnh rút chạy với các thương bệnh binh còn di chuyển được. Riêng hàng trăm thương bệnh binh cộng sản không thể tự di chuyển, và đơn vị không có khả năng di chuyển, trong lúc quân VNCH tấn công và súng nổ tiến gần bệnh xá, các sĩ quan chỉ huy của cộng sản đã làm lễ truy điệu sống cấp tốc họ và bắn hàng loạt thương bệnh binh, chôn vùi xuống hố và tháo chạy.

Thiếu úy Hoàng là một trong những người bị thương tay, chạy được cùng với các toán VC, và anh cũng là người chứng kiến cảnh thảm sát hãi hùng các “đồng chí” xấu số bạn anh. Anh không thể tưởng tượng nỗi tại sao các cấp chỉ huy anh lại dã man như vậy. Từ nỗi hãi hùng và ghê sợ VC đó, anh quyết định tách khỏi toán, lẽn vô rừng khi trời còn tối và mấy ngày sau ra hồi chánh. Anh đã khai hoàn cảnh nào anh, một học sinh miền Nam trở thành VC, tại sao anh quyết định hồi chánh.

Theo lời khai và sự chỉ dẫn của anh Hoàng, Liên Đội 319 và Trinh Sát Tỉnh đã được lệnh mở cuộc hành quân trở lại vào vị trí cộng sản thảm sát thương binh của họ, và quả đúng như lời khai của thiếu úy VC Hoàng, một hầm cả trăm xác thương binh VC đã được khai quật.

Anh Hoàng về sau được chuyển về Ty Chiêu Hồi Long Khánh. Một hạ sĩ quan trong Đại Đội 133 PRU Trinh Sát Tỉnh tham dự cuộc hành quân và chứng kiến vụ khai quât hầm xác thương binh VC bị cấp chỉ huy giết trước khi tháo chạy, hiện đang sống tại Bắc Mỹ. (*)

Tình trạng giết thương binh bi thảm này gần như là chủ trương và chính sách của đảng cộng sản Việt Nam trong suốt chiều dài cuộc chiến xâm lược miền Nam, kể cả những ngày đầu của cuộc chiến của thập niên 1960. Theo tài liệu ghi trong “South Vietnam, US – Communist Confrontationin Southeast Asia, vol. 1,1961 –1965 (A fact on file) page. 23 thì trong thời gian giữa năm 1961, các đơn vị VC ở khu 8 và 9 phải đối đầu với tình trạng quá nhiều thương binh kẹt giữa chiến trường không thể di chuyển bằng thuyền hay cáng. Tài liệu ghi lại cho biết ngày 16/7/1961, một tiểu đoàn hơn 500 quân của VC phục kích và bao vây một tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 7 BB/VNCH ở Đồng Thới phía Tây Sài Gòn khoảng 80 dặm. Trận đánh khốc liệt này, số tử vong của VC là 169 người, và theo cố vấn Hoa Kỳ của Sư Đoàn 7 thì trong trận đánh trên, với hỏa lực nặng nề của phi pháo, số thương vong của địch quân có thể lên tới 200 người, số thương binh này đã biến mất trên mặt đất dưới quyết định của đảng ủy cộng sản...

Ngoài ra, trong hai năm 1960 –1961, trong khu vực Tiền Giang thuộc lãnh thổ trách nhiệm của Sư Đoàn 7 BB/VNCH, các cuộc hành quân không phát hiện được một trạm xá nào của VC ngoại trừ hai trạm xá trong vùng Đồng Tháp bị phá hủy trước đó. Tình báo của Tiểu khu Kiến Tường cũng không phát giác một trạm y tế VC nào nằm bên kia biên giới Miên Việt.

Vấn đề thương binh bộ đội và du kích VC bị chính các cấp chỉ huy của mình hạ sát trên đường lui quân vì không di chuyển được, vì thiếu phương tiện, vị bị truy kích, vì muốn bịt miệng thương binh để không bị khai thác khi thành tù binh... là một thảm trạng có thật và có chủ trương của Hà Nội. Thảm trạng bi thương, dã man và ô nhục này cộng sản Việt Nam đã bưng bít dấu kín trong suốt cuộc chiến, cho cả đến ngày nay.

Con số thương binh bộ đội bị đảng CSVN giết dù không ai biết bao nhiêu, nhưng theo tình hình thực tế của chiến trường và hoàn cảnh chậm tiến, thiếu thốn tiếp liệu trong ngành quân y của cộng sản tại miền Nam, con số bộ đội và du kích VC bị thương tật này không thể là một con số nhỏ! Nó chắc chắn phải là con số hàng hàng lớp lớp thây người còn sống bị hạ sát vội vàng, chôn lấp dưới các hố nông sau những giây phút gọi là truy điệu sống của cấp chỉ huy họ.

Cứ nhìn con số thương binh của VNCH tại các quân y viện ở các tỉnh miền Nam và Tổng Y Viện Cộng Hòa ở Sài Gòn trong thời gian cao điểm của những trận đánh Mậu Thân 1968, cuộc hành quân Lam Sơn 719 năm 1971, và Mùa Hè Đỏ Lửa 1972... người ta có thể thấy số thương binh của bộ đội miền Bắc và du kích cộng sản trên chiến trường miền Nam nó nhiều ra sao. Con số này khó mà chữa trị hoàn hảo giữa rừng sâu thiếu thốn về thuốc men, phương tiện y khoa và nhân viên y tế nhưng lại dư thừa mưa bom, mưa đạn và những cuộc truy kích liên miên của QLVNCH.

Con số thương binh hàng hàng lớp lớp này nếu được một phép mầu nào đó tải thương được về đất Bắc, nó có thể tràn ngập tất cả các quân y viện CSVN từ bên kia bờ Bến Hải đến Hà Nội, và nếu con số đó hiện hữu trước mắt nhân dân miền Bắc, quân đội miền Bắc sẽ không còn tinh thần để lăn vào con đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, và quan trọng hơn hết, mặt thực của cuộc chiến tranh phi nghĩa phát động từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa sẽ phơi trần ra trước mắt đồng bào bên kia vĩ tuyến 17 và toàn thế giới.

Tất cả những lý do này quá đủ điều kiện cho những nhà lãnh đạo Hà Nội đan tâm cho lệnh “hành quyết” hầu hết những thương binh của mình trên chiến trường miền Nam để nhẹ gánh nặng hành quân, nhẹ gánh nặng hậu chiến, nhẹ gánh nặng phải đối diện với sự thật về vật chất lẫn tâm lý chính trị mà bộ máy tuyên truyền của Hà Nội sẽ không kham nỗi.
Và trong muôn ngàn bất hạnh của những thương binh cộng sản trên chiến trường miền Nam, may mắn thay, rất nhiều thương binh chưa kịp bị hành quyết bịt miệng này lọt vào tay QLVNCH và họ được chuyển về các quân y viện để chữa trị và cứu sống. Những tù binh này về sau được trao trả cho miền Bắc, hồng hào và khỏe mạnh, một hình ảnh trái ngược với những thương binh và tù binh xương bọc da bị VC bắt và trao trả cho VNCH trong những đợt trao trả tù binh hai bên.

( Xin đọc phần phụ lục truyện có thật “Ở cuối hai con đường”của tác giả Phạm Tín An Ninh)
Những dữ kiện và tài liệu thực trên đây không hề được Đặng Thùy Trâm nhận ra hay ghi nhận trong “Nhật Ký Đặng Thùy Trâm”, có lẽ cái bệnh xá của Đặng Thùy Trâm chưa gặp phải tình huống như những thương binh VC bị các “đồng chí” cấp trên truy điệu sống và giết chết, chôn vùi khi lui quân trên chiến trường miền Nam. Đặng Thùy Trâm làm sao biết được điều này, vã chăng, có thể nhật ký nguyên bản của Đặng Thùy Trâm khi qua tay đảng và “nhà xuất bản Hội Nhà Văn Hà Nội” đã bị cắt xén, gọt dũa và thanh lọc hầu sau đó có thể cho ra đời tập “nhật ký Đặng Thùy Trâm” phù hợp với nhu cầu tuyên truyền chính trị của CSVN.
Đây là một sự thật nếu chúng ta đem “nhật ký Đặng Thùy Trâm” do Hà Nội xuất bản so với nguyên bản viết tay của Đặng Thùy Trâm được viết trước khi Trâm chết, và nay còn lưu giữ tại Vietnam Center, Lubbock, Texas, Hoa Kỳ. Quả thực đã có những cắt xén, sắp xếp và thêm bớt trong quá trình cho ra đời tập “nhật ký Đặng Thùy Trâm” năm 2005 tại Hà Nội.

Trong quá trình xua hàng hàng lớp lớp thanh niên và vũ khí, đạn dược vô chiến trường B (miền Nam), ngoài đường mòn Hồ Chí Minh mà Hà Nội gọi là “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, chế độ Hà Nội còn dùng đường biển mà thông dụng nhất là ghe và thuyền mà cộng sản thường gọi là “đường mòn trên biển”, hay “đường mòn Hồ Chí Minh trên biển”, con đường lênh đên sóng nước này rất dễ chết, vì đụng đối phương trên biển hay găp bão tố.
Khoảng giữa năm 1968 đến 1970, có lần Lưu Quý Kỳ, Phó Ban Tuyên Giáo Trung Ương đảng CSVN đến nói chuyện với giáo sư và sinh viên trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội về đề tài thời sự, trong cuộc nói chuyện này, ông ca tụng sự hy sinh của những bộ đội ra đi không hẹn ngày về trên lộ trình “đường mòn trên biển” trong đó, Lưu Quý Kỳ công khai tiết lộ là các đồng chí bộ đội của ông ta đã được “tế sống” trong một buổi lễ dàn dựng trang nghiêm. Thành phần được “tế sống” này quả thật đã bị tẩy não, mê hoặc trong cơn mê cuồng bằng những kỷ thuật tuyên truyền tinh vi dài hạn của đảng CSVN.

( Tiết lộ của một giáo sư Đại Học Tổng Hợp Hà Nội dự buổi nói chuyện của Lưu Quý Kỳ. Vị giáo sư này hiện sống ở Canada... Nhân chứng sẳn sàng đối mặt với bất cứ nhân vật cộng sản nào về tiết lộ nói trên/HT)

Cũng trong phần liên quan tới lộ trình xua quân vào Nam, nhà xuất bản Hà Nội năm 1995 có xuất bản một tác phẩm “Có một con đường mòn trên biển Đông” của tác giả Nguyên Ngọc trong đó có viết lại chuyện một thuyền trưởng con tàu không số, Đại tá VC Nguyễn Đức Thắng mà trong Nhật Ký Đặng Thùy Trâm có trích một đoạn như sau: “... Các anh ạ, tôi phải kể các anh nghe một chuyện này, có thể hơi lạc đề một chút, không trực tiếp dính dáng nhiều đến con đường Biển Đông.... Hai giờ chiều hôm ấy, mười mấy anh em thủy thủ xơ xác chúng tôi đến được trạm xá của chị Trâm... Chúng tôi ở lại chỗ chị Trâm đúng một tháng rồi bắt liên lạc theo đường giây dọc Trường Sơn trở ra Bắc.”
(Nhật Ký Đặng Thùy Trâm trang 298- NXBHNV Hà Nội).

Đến nay, không có một tài liệu chính xác nào được cộng sản phơi bày ra ánh sáng về con số cán binh cộng sản chết trên các “con đường mòn trên biển Đông” với mức độ hiểm nguy, và tổn thất kinh khiếp ra sao mà Hà Nội đã phải cho những cán binh này được hay bị truy điệu sống trước khi xuống thuyền hay tàu vào Nam...
Tuy nhiên, như đã đề cập ở phần đầu chương này về chuyện cộng sản trút thương binh ra biển, chúng tôi không có tài liệu, số liệu cụ thể trong tay, nhưng chúng tôi không loại bỏ những cuộc thảm sát loại này khi lịch sử chưa mở ra những trang man rợ, bi đát.

Đây là một công tác giết người tối mật mà cả Hoa Kỳ lẫn cộng sản giữ kín chìa khóa và chưa mở ra vì lý do chính trị tế nhị và phức tạp giữa Hà Nội và Washington, nhưng xin độc giả hãy bình tâm suy nghĩ và lắng nghe đoạn audio sau đây được đọc lại từ một bài viết đầy nước mắt gửi ra từ trong nước và được phát trên đài phát thanh ở hải ngoại: (*)
(*) Nghe lại từ audio được cung cấp kèm theo ấn bản Việt ngữ.
 Máu và Nước Mắt Trên Lưng Trường Sơn -  P08


Đường mòn Hồ Chí Minh
ht*p://lichsuviet. cjb.net/view_ article.asp? id=2734&cat= 6

Đường mòn Hồ Chí Minh (theo cách gọi của người phương Tây, ở Việt Nam ngoài cách gọi này con đường còn có tên khác là đường Trường Sơn) là tên gọi của mạng lưới giao thông quân sự chiến lược mà chính quyền Bắc Việt Nam (Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà) xây dựng tại miền Trung Việt Nam và Lào để chi viện cho những người cộng sản miền Nam trong 16 năm (1959–1975) của thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Về mặt quân sự Đường mòn Hồ Chí Minh là một chiến trường vận chuyển giữa quân đội miền Bắc và khối đồng minh quân sự Mỹ – Việt Nam Cộng Hòa.
Sự hình thành Đường mòn Hồ Chí Minh

Đường mòn Trường Sơn trở thành một con đường nối liền Bắc Nam trong những năm đầu của cuộc Chiến tranh Đông Dương khi nó là một trong những tuyến đường đưa cán bộ di chuyển giữa hai miền để tránh sự truy quét của quân Pháp. Tuy nhiên, khi ấy nó chỉ là một con đường có tính cách chiến thuật. Sau khi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ra đời, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, đã phủ nhận Hiệp định Geneve về Việt Nam năm 1954, chia cắt đất nước. Để tiếp tục chi viện cho những người Cộng sản miền Nam, chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã quyết định xây dựng những con đường chiến lược. Trên cơ sở đó đã có 2 tuyến đường được xem xét là tuyến đường bộ qua dãy Trường Sơn và tuyến đường biển trên biển Đông. Cả 2 đều có tên gọi là đường Hồ Chí Minh. Riêng tuyến đường bộ, do đoàn cán bộ đầu tiên chỉ huy xây dựng tuyến đường này được thành lập vào tháng 9 năm 1959, nên con đường còn có mật danh là đường 559.
Đường mòn Hồ Chí Minh nối liền miền Bắc với miền Nam, bao gồm các hệ thống đường đất ở phía Đông và Tây dãy Trường Sơn, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu. Quân đội miền Bắc triển khai các đơn vị công binh, hậu cần, y tế, bộ binh và phòng không để đảm bảo hoạt động của đường mòn này. Miền Bắc dùng đường mòn này để vận chuyển bộ đội, vũ khí, xăng dầu, đạn... vào phía Nam và vận chuyển thương bệnh binh ra Bắc.

Trong khi đó, lực lượng quân sự Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa ngăn chặn bằng các hành động quân sự bộ binh, không quân. Lực lượng quân sự Mỹ còn sử dụng các máy móc điện tử phát hiện thâm nhập, thường được gọi là “hàng rào Điện tử McNamara”, để xác định các khu vực có hoạt động của quân đội miền Bắc.

Trên thực tế, đường mòn Hồ Chí Minh trải dài gần suốt các tỉnh miền Trung với các hoạt động quân sự tập trung ác liệt nhất ở Quảng Binh và Quảng Trị. Trong Chiến tranh Việt Nam ước lượng đã có 3 triệu tấn bom đổ xuống Lào mà chủ yếu là để cắt đứt giao thông trên đường mòn này. Tính đến ngày 30-4-1975, đường Trường Sơn đã tồn tại gần 6000 ngày đêm.

Ngoài ra, hoạt động vận chuyển của quân đội miền Bắc còn được thực hiện trên biển, tạo nên đường mòn Hồ Chí Minh trên biển ít nổi tiếng bằng.

Sau chiến tranh đường mòn Hồ Chí Minh không còn được sử dụng và hầu hết các con đường chỉ có ý nghĩa quân sự đã nhanh chóng trở nên hoang phế. Những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, để kỷ niệm con đường, tên gọi Đường Hồ Chí Minh được dùng để gọi con đường mới, là đường thứ hai sau đường quốc lộ 1A, xuyên suốt Việt Nam.
Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển

Theo báo Quân Đội Nhân Dân thì trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, để chi viện cho chiến trường miền Nam, cùng với con đường vận tải bộ vượt Trường Sơn, quân VC còn có con đường vận tải chiến lược vượt biển Đông. Đó là “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, con đường gắn liền với “Đoàn tàu không số”, với gần hai nghìn lần tàu thuyền vượt trùng khơi, trải qua muôn vàn hy sinh gian khổ, để vận chuyển gần 160 nghìn tấn vũ khí, cập 19 bến bãi thuộc địa bàn 9 tỉnh miền Nam.
Từ “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”...


Trước sự phát triển lớn mạnh của VC, từ năm 1959, cùng với việc thành lập đoàn vận tải 559 vượt Trường Sơn, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương VC quyết định nghiên cứu mở tuyến đường vận tải trên biển chi viện trực tiếp cho chiến trường miền Nam. Người đầu tiên được truyền đạt chủ trương và giao nhiệm vụ này cũng chính là người đoàn trưởng đầu tiên của Đoàn 559: Võ Bẩm. Ông quê ở Quảng Ngãi, theo “cách mạng” từ trước năm 1945. Ngoài kinh nghiệm mở đường vận tải xuyên Trường Sơn, trong kháng chiến chống Pháp, ông đã từng chỉ huy tàu gỗ vượt biển chở vũ khí về chi viện cho chiến trường Khu Năm.

Võ Bẩm kể: “Giữa lúc đang tập trung rải quân lập tuyến giao liên đường bộ thì Bộ gọi tôi lên giao nhiệm vụ nghiên cứu mở thêm tuyến vận tải trên biển. Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh nói với tôi: “Đúng là rất mạo hiểm, khó khăn, nhưng cũng chính vì vậy mà kẻ địch sơ hở, chủ quan. Ta nên triệt để khai thác điều đó. Vả lại, chỉ cần một vài chuyến đi trót lọt, cũng bằng hàng nghìn người mang vác đường rừng, lại vào được tận Nam Bộ”…

Theo đó, tháng 7-1959, tiểu đoàn vận tải biển 603 VC được thành lập, đóng tại cửa biển sông Gianh-Quảng Bình, với tên gọi là “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”. Khẩn trương và bí mật là hai “yêu cầu” gắt gao nhất. Thuyền phải giống thuyền đánh cá của ngư dân miền Nam, từ hình dáng đến ngư cụ. Thậm chí vải buồm, dây thừng cũng nhờ trong đó mua chuyển ra. Một số cán bộ VC Khu Năm cũng được điều động ra bổ sung cho đơn vị để khi gặp địch ứng xử cho “y chang” ngư dân Nam Trung Bộ. Trong đó có Huỳnh Ba, người Quảng Nam, giấy căn cước giả mang tên Nguyễn Nửa. Sau một thời gian tập luyện, thăm dò và chuẩn bị mọi mặt, đêm ba mươi Tết Canh Tý (27-1-1960), chuyến tàu đặc biệt đầu tiên xuất phát do Nguyễn Bất chỉ huy.

Những người ở lại bồn chồn chờ đợi. Một ngày, hai ngày… rồi một tháng, hai tháng… vẫn bặt vô âm tín. Ở miền Nam thông báo không đón được tàu.

Chuyến đi đầu tiên không thành. Sau này, Nguyễn Bất từ nhà tù Côn Đảo trở về kể lại: Xuất phát được một hôm thì tàu gặp gió lớn chuyển hướng, dạt vào đảo Lý Sơn-Quảng Ngãi. Loay hoay thoát nạn thì gặp phe Việt Nam Cộng Hòa tuần tiễu, đành phải phi tang để giữ bí mật. Cả sáu người bị phe Việt Nam Cộng Hòa bắt, tuy không khai thác được gì nhưng phe Việt Nam Cộng Hòa vẫn giam cầm mỗi người một nơi…

Sau ngày 30-04-1975, VC đã cố sức tìm kiếm nhưng vẫn không rõ tung tích những người còn lại. Mãi gần đây, một nhà văn hải quân VC mới lần tìm được một người nữa và có lẽ cũng là người duy nhất còn sống sót vì Nguyễn Bất cũng đã từ trần. Người đó chính là Huỳnh Ba, tức Nguyễn Nửa, nay đã ngoài 80 tuổi, sống ở quê nhà…
Đến “Đoàn tàu không số”


Chuyến vận tải đầu tiên của “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh” không thành công nhưng đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ mở đường trên biển. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương VC chỉ thị cho các tỉnh Nam Bộ chuẩn bị bến bãi và cử những chiếc thuyền vượt biển ra miền Bắc, vừa thăm dò mở đường, vừa trực tiếp báo cáo tình hình chiến trường. Tổng cộng đã có 5 đoàn thuyền của các tỉnh vượt biển ra miền Bắc thành công. Đó là cơ sở quan trọng để ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng VC ra quyết định thành lập Đoàn vận tải 759, còn gọi là “Đoàn tàu không số”, có nhiệm vụ vận tải chi viện cho miền Nam bằng đường biển. Đến tháng 1-1964, đoàn 759 được đổi thành đoàn M25 trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân VC.

Ngày 16-2-1965, một chiếc tàu không số vào đến Vũng Rô thì bị Việt Nam Cộng Hòa phát hiện và tấn công. “Đường Hồ Chí Minh trên biển” bị lộ. Việt Nam Cộng Hòa tiến hành phong tỏa ráo riết các cảng miền Bắc và bịt chặn các đường biển vào Nam. Từ đó, những chuyến hàng của “Đoàn tàu không số” phải cải dạng thành tàu hàng, tàu đánh cá nước ngoài, xuất phát từ nhiều bến dã chiến và phải hành trình theo hải đồ quốc tế. Nhiều chuyến không thể vượt qua sự đeo bám, ngăn chặn quyết liệt của Mỹ, buộc nổ súng chiến đấu và hủy tàu. Nhiều người chết từ những “Đoàn tàu không số” . Tiêu biểu như Phan Vinh.

Trong muôn vàn những câu chuyện được kể lai về “Đoàn tàu không số”, có một sự kiện gần đây được chắp nối, chứng minh. Đó là câu chuyện về “tàu không số” (thực chất là số hiệu C43) bị Việt Nam Cộng hòa tấn công ngày mồng một Tết Mậu Thân (1-3-1968) ở vùng biển Quảng Ngãi, đã được một số người ở Đức Phổ-Quảng Ngãi cưu mang và nữ bác sĩ Đặng T. Trâm cứu chữa, vượt Trường Sơn trở ra miền Bắc, tiếp tục những chuyến vận tải vũ khí về Nam…

Ghi chú:
- Bài viết trên đây được trích đăng trên trang nhà “Lịch Sử Việt Nam” của tác giả Trịnh Quốc Thiên
- Trong tài liệu ghi chú dưới tấm hình ghi: "Tàu không số của "Hải quân Bắc Việt" vận tải hàng vào miền Nam do vệ tinh quân sự Mỹ chụp. Điều này cho thấy Hoa Kỳ biết và theo dõi các hoạt động của cộng sản trên biển mà họ gọi là “đường mòn Hồ Chí Minh trên biển”. Trên rừng Trường Sơn khó phát giác và khó ngăn chận hơn trên biển. Một chiếc tàu không số xuất phát từ miền Bắc làm sao qua mắt được máy bay và vệ tinh quân sự Mỹ. Thế nhưng tại sao hàng ngàn tấn vũ khí của cộng sản lại có thể vượt đường biển vào Nam mà không bị chận bắt? Khi tàu xâm nhập bị phát giác trên biển rộng mênh mông không địa đạo, không rừng núi thì làn sao thoát. Vệ tinh quân sự Mỹ đã chụp được những chiếc ghe, tàu từ miền Bắc xâm nhập miền Nam, và họ có chuyển tin tức này cho tình báo VNCH hay không? Hàng ngàn chuyến hàng đã lọt vào miền Nam từ đường biển dưới mắt của vệ tinh quân sự Mỹ. Đây là một nghi vấn cần đặt ra, cũng như tại sao Hoa Kỳ gần như để mặc cho các sư đoàn Bắc quân tiến quân vô Nam, đồng thời muốn bó tay QLVNCH trong khả năng phản công ra Bắc?!
(“Phía VNCH không hề biết rằng trong những cuộc mật đàm giữa Kissinger và Lê Đức Thọ ngày 16/8/1971, Hoa Kỳ đã hứa rút hết quân đội Mỹ trong vòng 9 tháng, sau khi có hiệp định…”/Trích Hồ sơ mật Dinh Độc Lập trang 29, phân đoạn 2/Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L. Schecter.)

Cũng xin ghi nhận thêm, chiếc tàu không số của cộng sản từ miền Bắc xâm nhập vô Nam bị bắt ở Vũng Rô, Khánh Hòa hoàn toàn do Hải quân QLVNCH phác giác.

Trong suốt cuộc chiến dăng dẳng hơn 3 thập niên, CSVN đã hy sinh bừa bãi, hy sinh quá nhiều thanh niên miền Bắc Việt Nam với chiến thuật biển người thí quân trên các mặt trận miền Nam, nếu tất cả những thương binh được đưa về Bắc thì Hà Nội không đủ bệnh viện để chứa, Hà Nội sẽ tràn ngập những phế binh thương tật... Nhưng tại miền Bắc thì sao? Rất ít thương binh, trừ những thương binh trong trận chiến Hoa Việt 1978 – 1979. Thương binh từ chiến trường miền Nam đẫm máu và ác liệt chắc chắn phải là con số vô cùng lớn lao, nhưng tại sao họ vắng mặt trên đất Bắc? Câu trả lời vì sao, độc giả có thể đoán được.
Điển hình là trong trận đánh giữa Chi đoàn 1/8 Chiến xa của Thiết Kỵ Lê Quang Vinh với cả Trung đoàn quân Bắc Việt. Trận chiến ác liệt trên 3 ngọn đồi trọc gần căn cứ Alpha trên đất Lào trong chuyến hành quân đoạn hậu đơn độc (gần như bị hy sinh, bị bỏ rơi …) để bảo vệ đoàn quân hàng ngàn người thuộc các đơn vị lui quân trên đường 9 Nam Lào về Lao Bảo ( cuộc hành quân Lam Sơn 719 năm 1971), trong trận tập kích đó, nguyên gần 2 tiểu đoàn Bắc quân bị quét sạch, xóa sổ. Con số thương vong của Bắc quân tại chiến trường trong trận đánh này phải nói là vô cùng nhiều, nhưng theo lời thân nhân anh Vinh tại miền Bắc kể lại khi thăm nuôi anh lúc anh ở tù ngoài Bắc sau 75, thì các đơn vị cộng sản đánh thiết giáp VNCH trên 3 ngọn đồi trên không một ai còn sống, kể cả mấy người anh em bà con anh Vinh trong đơn vị Bắc quân. Con số thương binh chắc chắn không nhỏ, nhưng họ biến đi đâu mà không ai được trở về đất Bắc?!

(Những Trận Đánh Không Tên Trong Quân Sử tập 2 năm 2006/ Chi Đoàn 1/8 Chiến Xa và đường vào Nam Lào oan nghiệt/ Trang 192 – 216/ Việt Nam xuất bản)

Hàng trăm thương binh bộ đội trong trận này liệu có mấy ai còn sống đến ngày nay? Thân nhân những người bô đội tội nghiệp này có bao giờ nghĩ đến thảm cảnh con em thương binh của họ bị “truy điệu sống” và tàn sát để các đơn vị rãnh tay lui quân hay không? Thương binh CSVN sau 1975 đa phần là thanh niên miền Nam bị lùa đi nghĩa vụ quân sự và thanh niên xung phong trên chiến trường Miên Việt cộng.
***

Tổ Quốc ơi! Sắp đến giờ khai vận
Đứng dậy ta đi! Đã đến lúc lên đường
Cuộc khởi hành tiếp tự thuở hồng hoang
Căng mạch sống tin yêu
Ta đi về phía trước
(Trần Thúc Vũ)
***

Cuộc tàn sát thương binh trên đất Bắc năm xưa trong cuộc chiến tranh Việt Pháp (?)


Chuyện cộng sản Việt Nam tàn sát thương bệnh binh của họ trong chiến tranh Việt Nam trước 1975 dường như nó có nguồn gốc lâu hơn, xa hơn, phát xuất từ chủ trương của đảng cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh trực tiếp lãnh đạo. Hay nói rõ hơn, thảm trạng giết thương binh dã man để trút bỏ gánh nặng chiến trường, gánh nặng chính trị, gánh nặng xã hội… phải do chính Hồ Chí Minh chỉ đạo. Tôi xin trích một đoạn tài liệu sau đây:
… “Lúc ông Hồ trở về Hà Nội, không rõ bộ Thương Binh Liệt Sĩ đã kiểm kê được bao nhiêu tử sĩ, thương binh, đến nay vẫn chưa công bố rõ rệt. Riêng Điện Biên Phủ, theo tài liệu của Pháp, Viêt Minh bị thiệt hại khoảng 20.000người, một nửa bị chết (*). Theo ước lượng của một nhân viên Bộ Thương Binh, tính vào cuối năm 1957, số thương binh còn sống rất ít, một điều rất lạ lùng là không còn bao nhiêu thương binh qua các trận lớn như Vĩnh Phúc Yên, Mạo Khê, Bờ sông Đáy và Điện Biên. Ty Thương Binh ( Xã Hội Lao Động) là ty nhàn nhạ nhất ở các tỉnh…
(Việt Nam 30 Năm Khói Lửa – Cuộc chiến tàn sát thương binh lần thứ nhất 1945 -1963/ Cao Thế Dung/ trang 438 – 439/ nhà xuất bản Alpha 1991 phát hành)
(*) H.Navarre, Sđd.tr228 – 229: Theo Vĩnh Thiều, một cán bộ Viêt Minh tập kết ra Bắc và ông Phạm Đình Sơn, một người tham dự trận Điện Biên Phủ đồng ý và công nhận về điều nói ở trên.

Như vậy, vô số thương binh nói trên biến đi đâu trong cuộc chiến tranh năm xưa đến cuộc chiến tranh tại miền Nam Viẹt Nam là một câu hỏi phải đặt ra, và chúng ta đã có thể hay có lý do nói rằng đó là chủ trương có chỉ đạo từ Hồ Chí Minh và Chính Trị Bộ đảng cộng sản Việt Nam.

Những bi thảm, dã man về vụ giết thương binh trong phần này chính là một trong những tội ác của đảng CSVN mà thời gian và lịch sử chưa được khai quật ra ánh sáng, và dĩ nhiên Đặng Thùy Trâm và bạn bè thuộc thế hệ của Trâm không làm sao có thể biết được những u khuất man rợ này trước ngày Trâm nhắm mắt.