mercredi 23 novembre 2011

Máu và Nước Mắt Trên Lưng Trường Sơn -  P02

·  Nhật Ký Đặng Thùy Trâm, đảng Cộng Sản Việt Nam giết Đặng Thùy Trâm lần thứ hai.


Tôi, người quyết định tiến hành thực hiện tập “Máu và Nước Mắt trên lưng Trường Sơn”, là một cựu sĩ quan miền Nam, một người cầm bút, hiện đang sống lưu vong trên đất khách sau những năm tháng tù đày trên quê hương mình sau năm 75, là người cùng thế hệ của Đặng Thùy Trâm, nhưng mỗi kẻ ở mỗi bên chiến tuyến khác nhau. Tôi sinh ngày 23 tháng 11 năm 1942, ba ngày trước khi Trâm ra đời. Đặng Thùy Trâm, theo như trong tập Nhật Ký Đặng Thùy Trâm thì Trâm sinh ngày 26 tháng 11 năm 1942, nhỏ hơn tôi 3 ngày.

Tôi đọc Nhật Ký của Đặng Thùy Trâm với một cảm giác tội nghiệp cho Trâm, và bỗng có cảm tưởng phải chi hai tập nhật ký viết tay của Trâm bị mục rã hay bị đốt cháy tại chiến trường Quảng Ngãi, tan biến theo số phận của Trâm thì ngày nay, tôi không có trong tay tập Nhật Ký Đặng Thùy Trâm để thấy những trang nhật ký và tên của Trâm bị đảng Cộng Sản lợi dụng cho mục đích tuyên truyền.

Phải chi Trâm còn sống, với cái tâm ấy, với tấm lòng ấy, với nhiệt tình ấy, không chừng Trâm, một người con gái có học, con một bác sĩ ở Hà Nội, không thuộc giai cấp bần nông, không thuộc thành phần Cộng Sản sắt máu trong đấu tranh giai cấp… thì có thể hôm nay, Trâm nhận ra mặt thực của đảng Cộng Sản Việt Nam, Trâm có thể là một Dương Thu Hương, một Trần Khải Thanh Thủy hay một Lê Thị Công Nhân… đấu tranh không khoan nhượng cho dân chủ Việt Nam cũng không chừng.

Đặng Thùy Trâm, đảng Cộng Sản Việt Nam và người Mỹ...

Để chuẩn bị cho cuộc chiến xâm lược miền Nam, đảng Cộng Sản Việt Nam tuyên truyền, nhồi nhét, bóp méo miền Nam thành hình ảnh một nửa nước bị áp bức, tù đày, đói khổ để đến nỗi đồng bào miền Bắc phải hạt muối cắn làm hai, hạt gạo cắn làm ba để tiếp tế cho đồng bào và chiến trường miền Nam, để thanh niên và thế hệ trẻ miền Bắc phải “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” với quyết tâm “sinh Bắc tử Nam”, ra đi không hẹn ngày về. Cả một thế hệ thanh niên miền Bắc bị tẩy não để hàng hàng lớp lớp vùi thân dọc giải Trường Sơn trên ba vùng biên địa Việt Miên Lào.

Trong cơn mê loạn lịch sử xâm lược miền Nam đầy gian trá của Cộng Sản miền Bắc, người lính miền Nam bị Cộng Sản miền Bắc gọi là “ngụy” tay sai đế quốc với vô số tật xấu, đối với người lính Mỹ là “Ôi! Giặc Mỹ chồng bao tội ác của bay đã chất đầy như núi. Còn sống ngày nào, tao thề chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để trả được mối thù vạn kiếp đó.”

(Bản gốc Nhật Ký Đặng Thùy Trâm bị Hà Nội cắt ở phân đoạn đầu trang 196, không thấy xuất hiện trong bản do Hà Nội in và phát hành. Đây có lẽ là một sự cố ý của Hà Nội không muốn đoạn văn chống Mỹ nặng nề này tác động vào người Mỹ khi họ đang bang giao và cần Hoa Kỳ...)

Một đoạn khác, Đặng Thùy Trâm viết: “Đường ơi! Mỗi lần nhớ đến em là lòng chị lại trào dâng một mối căm thù ngạt thở đối với lũ giặc cướp nước. Phải bắt chúng đền tội, phải trả thù cho em và bao nhiêu đồng chí của ta và bao nhiêu đồng chí đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu ác liệt này. (NKĐTT trang 104, phân đoạn đầu/ Nhà xuất bản Hội Nhà Văn Hà Nội)

Ghi chú: Lũ giặc cướp, theo Đặng Thùy Trâm là quân đội Mỹ.

Thêm một vài đoạn nữa cho thấy trong đầu Đặng Thùy Trâm thì cuộc chiến tranh Cộng Sản đưa vô Nam là cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước: “Hôm nọ, gặp mấy chàng trinh sát, trẻ măng, nước da trắng dưới lớp lông măng trên má, chắc rằng đó là những học sinh cấp hai mới rời cây bút để nhận khẩu súng lên đường đi chống Mỹ cứu nước. Vậy là cả nước lên đường.” Và “Trắng một đêm chiến đấu liên tục, ta diệt 14 tăng, 1 HU-A, 15 xe nhà binh, diệt 150 tên Mỹ. Một du kích hy sinh, hai đồng chí bị thương...” (Phân đoạn 2 trang 186/NKĐTT/Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn Hà Nội.)

Đoạn văn trong nhật ký này cho thấy dưới mắt Đặng Thùy Trâm thì du kích VC phải đối đầu, phải đánh toàn là Mỹ, song sự tuyên truyền phi lý đã rất là lộ liễu y hệt đài Hà Nội và các chuyên viên lừa bịp trong hàng ngũ Cộng Sản, đó là một trận đánh mà quân Mỹ chết và tổn thất nặng nề như vừa nêu trên mà VC chỉ có một chết và 2 bị thương, điều này chỉ xẩy ra trong mấy cái đầu không tưởng của những kẻ bị nhồi sọ đến mù quáng trong nhận thức.

Hơn thế nữa, lính VC gây thiệt hại ghê gớm như thế lại là du kích mà thôi! Du kích VC không phải là loại quân chính quy, và một trận đánh tổn thất như thế phải là một cuộc đụng trận ít nhất phải từ cấp quân số tiểu đoàn tới trung đoàn của cả hai bên. Sự cường điệu mang tính tuyên truyền, xuyên tạc sự thật một cách trắng trợn qua các dòng chữ viết của Đặng Thùy Trâm cho thấy Cộng Sản đã thành công trong nghệ thuật tẩy não thế hệ trẻ miền Bắc.

Về mặt chiến lược tuyên truyền, rõ ràng là Hà Nội cố ý muốn tạo ra cho đồng bào, thanh niên miền Bắc và cả thế giới có cái cảm tưởng Hoa Kỳ xâm lăng và chiếm cứ toàn miền Nam. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, một quân lực chính thống với gần cả triệu quân dưới cờ đối đầu với với Bắc quân để bảo vệ miền Nam tự do trước khi quân Hoa Kỳ vào Miền Nam, và sau khi Hoa Kỳ rời miền Nam, bị coi như phụ thuộc không quan trọng, gần như không có bóng dáng trong tập NKĐTT mà Hà Nội xuất bản.

Chế độ Cộng Sản và những người Cộng Sản lãnh đạo chế độ miền Bắc, đã mị dân một cách có hệ thống, đã tiêm vào đầu cán binh miền Bắc là vào Nam chống Mỹ cứu nước để dễ dàng vận động tâm lý thanh niên, và Đặng Thùy Trâm là một trong hàng triệu người trẻ miền Bắc bị tiêm nhiễm lối suy nghĩ rập khuôn do đảng Cộng Sản Việt Nam nhồi nhét vào đầu họ từ thời thơ ấu còn quàng khăn đỏ ở bậc tiểu học. Gần như toàn bộ tập NKĐTT, cuộc chiến tại miền Nam long trời lỡ đất không hề thấy bóng dáng người lính Việt Nam Cộng Hòa, và chính QLVNCH là những đơn vị gây tổn thất nặng nề cho Bắc quân trong suốt cuộc chiến, nhất là trận tổng công kích Mậu Thân 1968 và Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Trong góc nhìn đó, chúng ta hãy đọc những dòng nhật ký Đặng Thùy Trâm viết:

5.5.70
Cuộc chiến tranh lan rộng trên dải đất Đông Dương, thằng chó đểu Ních-xơn đã liều lĩnh điên cuồng mở rộng thêm cuộc chiến. Chúng ta sẽ phải đương đầu với một khó khăn ghê gớm hơn nữa đây. Nhưng tao đã thề cùng các đồng chí của tao rồi, dù có chết cũng đánh cho đến cùng...

Ôi căm thù đến bầm gan tím ruột. Tại sao cũng là con người mà lại có những con người độc ác tàn tệ muốn lấy máu đồng bào để làm nước tưới cho gốc cây vàng của nó như vậy?”

(NKĐTT trang 241, phân đoạn 3. NXBHNV Hà Nội)

... Gần một đêm thức trắng, sáng hôm sau bọn mình ra đi khi trời vừa mờ sáng. Lại ra đi. “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước còn có thể kéo dài, đồng bào ta còn có thể hy sinh nhiều của nhiều người hơn nữa, song dù sao chúng ta nhất định thắng lợi...”

Bác Hồ ơi, di chúc của Bác còn vang bên tai con và lúc này lời ấy vang lên át tiếng bom đạn, con mang nó trong lòng và ra đi.

(NKĐTT trang 247, phân đoạn 3. NXBHNV Hà Nội)

Bất giác mình đọc khẽ câu thơ:
Bây giờ trời biển mênh mông
Bác ơi có thấu tấm lòng trẻ thơ.
..
NKĐTT trang 256, phân đoạn 3. NXBHNV Hà Nội)

Trận Mậu Thân, Bắc quân được trang bị vũ khí tối tân vượt hẳn vũ khí cũ thời thế chiến 2 mà người Mỹ trang bị cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và bị tấn công bất ngờ khi quân số các đơn vị VNCH trên toàn lãnh thổ chỉ còn khoảng 30% có mặt tại đơn vị trong ngày Tết, thế nhưng hàng trăm ngàn quân chính quy Bắc Việt gần như bị QLVNCH quét sạch. Trận Mậu Thân là một thảm bại nặng nề đối với Bắc quân về mặt quân sự, đã làm rúng động chế độ Hà Nội. Điều này Đặng Thùy Trâm không biết, và đảng CSVN cố tình dấu kín.

Theo như lời giới thiệu của Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn nơi trang 5 NKĐTT thì “Thùy Trâm xung phong vào công tác ở chiến trường B, sau 3 tháng hành quân từ miền Bắc, tháng 3 năm 1967, chị vào đến Quảng Ngãi và được phân công về phụ trách bệnh viện huyện Đức Phổ, một bệnh viện dân y nhưng chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh...” (NKĐTT trang 5 phân đoạn 2).

Như vậy Trâm đã có mặt tại chiến trường miền Nam gần 1 năm trước cuộc tổng công kích Mậu Thân toàn miền Nam năm 1968, theo đó, các cuộc phản công gây thiệt hại khủng khiếp cho Bắc quân đa số là do các đơn vị VNCH đảm nhiệm. Vậy tại sao Đặng Thùy Trâm chỉ thấy có lính Mỹ trên khắp nẻo chiến trường, tại sao trên trời chỉ thấy máy bay và tiếng pháo của Mỹ mà không hề thấy bóng dáng của máy bay và quân lực VNCH trong các cuộc hành quân truy lùng Cộng Sản?

Qua vài ghi nhận và trích đoạn vừa trình bày ở trên, chúng ta nhận thấy rõ nét là sách lược tuyên truyền và lừa mị đồng bào miền Bắc và dư luận thế giới của Cộng Sản miền Bắc để thuyết dụ cho người ta tin:

- Nhân dân và thanh niên miền Bắc tin rằng Hoa Kỳ đã xâm lược và chiếm đóng toàn miền Nam Việt Nam.

- Nhân dân miền Nam đói khổ, bị áp bức và cần miền Bắc giải phóng...

- Toàn tập Nhật Ký Đặng Thùy Trâm chỉ có những trận đánh giữa VC và quân đội Hoa Kỳ mà họ được dạy căm thù tận xương tủy, quân lực VNCH gần như vắng mặt, không có. Và trong những cuộc đụng trận, quân Mỹ lúc nào chạm du kích Cộng Sản và cũng bị tổn thất nặng nề. Hàng chục sư đoàn chính quy của Bắc Việt hầu như vắng bóng trên chiến trường miền Nam.

- Quân Mỹ vô cùng tàn ác...(?)

Từ những ghi nhận trên, chúng ta thấy Đặng Thùy Trâm cũng như thế hệ Đặng Thùy Trâm và nhân dân miền Bắc bị tuyên truyền, bị tẩy não sai lạc về quân đội Hoa Kỳ, về miền Nam và sùng bái Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam đến gần như mù quáng, và từ những khởi điểm đó, chế độ Cộng Sản miền Bắc đã tung toàn lực cuộc chiến tranh vô Nam mà họ gọi là cuộc chiến tranh “Chống Mỹ cứu nước…”

Có vài điều khó kiểu hiện ra trong tác phẩm NKĐTT mà chúng ta không thể bỏ qua.

- “Có một điều chắc chắn là chị tôi hy sinh trong tư thế đương đầu với giặc. Một vết đạn sâu hoắm, ghim ngay giữa trán chị - điều này khi mẹ và tôi lên lên vùng núi Ba Tơ để đưa chị về, tôi đã nhìn thấy. Anh Tâm, bí thư huyện ủy Đức Phổ hiện nay cho biết anh được nghe kể lại trước khi hy sinh chị còn hô vang “Chủ Tịch Hồ Chí Minh muôn năm. Đả đảo đế quốc Mỹ”. Tôi cũng không rõ đó có phải là sự thật hay chỉ là một huyền thoại mà người dân Đức Phổ yêu thương chị kể lại cho thế hệ sau nghe về một nữ bác sĩ Hà Nội trẻ trung, xinh đẹp đã chiến đấu và nằm lại trên quê hương họ- trên mảnh đất Đức Phổ mà chị đã coi là quê hương thứ hai của mình.

(NKĐTT trang 258, phân đoạn 1/ Đặng Kim Trâm/Chương “Đàng sau cuốn nhật ký”)
Phần trích đoạn trên đây không do Đặng Thùy Trâm viết, mà do người em, Đặng Kim Trâm viết như một phần phụ lục theo nhu cầu tuyên truyền của đảng Cộng Sản Việt Nam, bất chấp tính phi lý của sự việc. “Một vết đạn sâu hoắm ghim ngay giữa trán chị” thì làm sao Đặng Thùy Trâm lại còn có thể sống mà hô “Chủ Tịch Hồ Chí Minh muôn năm! Đả đảo đế quốc Mỹ”?

Quân đội Hoa Kỳ chiến đấu ở Việt Nam sau 1968 dùng súng M16, mà đạn M16 là loại đạn công phá ở lổ ra mục tiêu, loại đạn mà trên chiến trường gọi là “đạn bác sĩ chê”, trúng xương giò là cưa giò, trúng xương tay là cưa tay, trúng xương sọ là vỡ sọ, người bị trúng đạn chết tức khắc, hoặc xuống địa ngục, hoặc lên thiên đàng trong một sát na khoảnh khắc, làm gì có chuyện bị một vết đạn sâu hoắm mà còn sống để hô khẩu hiệu! Đặng Kim Trâm dù cẩn thận viết “không rõ đó có phải là sự thật hay chỉ là một huyền thoại mà người dân Đức Phổ yêu thương chị kể lại cho thế hệ sau nghe...” thì chính Đặng Kim Trâm và những người Cộng Sản chủ trương tung tập sách này ra công luận cũng mắc cái tội cường điệu và coi thường nhận thức của độc giả và thế hệ mai sau. Bất cứ ai bị đạn M16 bắn vào đầu là vỡ sọ chết liền, chỉ có về sau đảng Cộng Sản Việt Nam hô khẩu hiệu thế Đặng Thùy Trâm trên giấy. Đặng Thùy Trâm không thể và không hề hô khẩu hiệu!

- Một đoạn nhật ký chống Mỹ tàn mạt được Đặng Thùy Trâm viết trong bản chính của quyển số 1 mà nội dung hoàn toàn giống ngôn ngữ chống Mỹ của đài phát thanh Hà Nội trong hai thập niên 60 và 70 lại “bị” Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn Hà Nội cắt bỏ khi in vào tập sách để phát hành:

“Và cũng giờ này bao nhiêu gia đình không nhà không cửa, con cháu nheo nhóc ở vào đâu?” (NKĐTT trang 196, phân đoạn 1/ NXBHNV Hà Nội).

Dòng chữ trong bản chính của Đặng Thùy Trâm viết còn lưu giữ tại Việt nam Center, Lubbock, Texas, Hoa Kỳ cũng như trong CD bản copy gia đình Đặng Thùy Trâm nhận được, còn nguyên một đoạn dài tiếp ngay sau dòng chữ ở trên: “Ôi giặc Mỹ, chồng bao tội ác của bay đã chất đầy như núi. Còn sống ngày nào tao thề chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để trả được mối thù vạn kiếp đó!

Chế độ Hà Nội đã dạy cho thanh niên miền Bắc căm thù Mỹ mà những dòng chữ trên đây đã đạt tới những gì mà Hà Nội mong muốn, tại sao họ cắt bỏ đoạn này? Tập Nhật Ký Đặng Thùy Trâm ra đời năm 2005, thời điểm mà Hà Nội cần vô WTO, chuẩn bị đón ông TT Bush ở Hà Nội trong hội nghị thượng đỉnh APEC tháng 11/2006, cần được Mỹ bỏ Hà Nội ra khỏi danh sách “quốc gia cần quan tâm CPC”... nên họ không muốn dân Mỹ đọc được câu này? Tại sao họ không in lại nguyên những gì Đặng Thùy Trâm viết trong tập nhật ký của cô? Cắt bỏ đoạn này vì nhu cầu cần Mỹ lúc này có xúc phạm Đặng Thùy Trâm không? Theo tôi là có!

Qua hành động này, quả tình Hà Nội đã xúc phạm Đặng Thùy Trâm, nếu không nói là đã giết Đặng Thùy ở dưới mồ vì nhu cầu chính trị hiện nay của đảng CSVN. Những gì Đặng Thùy Trâm viết từ lòng thù hận, hậu quả của những kỷ thuật và tháng năm tẩy não của đảng CSVN về người Mỹ và về miền Nam Việt Nam, theo tôi cần được giữ nguyên để giữ tính trung thực về những gì Đặng Thùy Trâm suy nghĩ và viết ra…

Có một điều mà người viết không thể không nhắc tới, đó là vai trò của các giới truyền thông và phim ảnh thiên tả của Mỹ chống chiến tranh Việt Nam. 90% sản phẩm loại này ra đời trong thập niên 1970 đã đâm sau lưng người lính Mỹ và người lính VNCH, tiếp tay cho Cộng Sản Việt Nam trên báo chí và các hệ thống truyền thông Mỹ trong cuộc chiến xâm lược của chế độ Hà Nội từ bên kia vĩ tuyến 17. Và chính họ cùng với phong trào phản chiến đã khuyến khích Cộng Sản Hà Nội tuyên truyền bịa đặt để đẩy hàng hàng lớp lớp thanh niên miền Bắc lên đường vô Nam, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” để “sinh Bắc tử Nam” cho cuồng vọng của những người Cộng Sản theo chủ nghĩa Mác Lê. Đặng Thùy Trâm là một trong những người bỏ mình trong cuộc chiến phi nghĩa đó. Vì thế, Hà Nội đã từng tuyên bố thẳng là họ “thắng Mỹ ngay trên đường phố và trong các trường đại học tại Hoa Kỳ!”
***

Thân mất nước cuối đời nghẽn lối
Đêm dường nghe tiếng gọi quê hương
Ta như cỏ mọc bên đường
Vẫn như còn ngấm đoạn trường oan khiên (LKAH)