mercredi 23 novembre 2011

Máu và Nước Mắt Trên Lưng Trường Sơn -  P10


Tính nhân bản của người lính Việt Nam Cộng Hòa: chiến đấu tự vệ và bảo vệ tự do của miền Nam... so với sự chiến đấu đầy thù hận và xăm lăng của người lính miền Bắc.


Ngày 12/05/1968, Đặng Thùy Trâm viết trong tập Nhật Ký những dòng chữ như sau: ....
Hội nghị Paris! Đây là những ngày tháng của năm 1954 đấy chăng? Mình hồi hộp theo dõi tin tức, biết chắc chắn rằng thắng lợi có được trong hội nghị phải do thắng lợi trên chiến trường quyết định. Vậy thì hãy chuẩn bị tinh thần để bắt đầu một đợt chiến đấu quyết liệt cuối cùng rồi sao đó ai còn ai mất hãy hay. Dù còn dù mất cũng là những ngày vui bất tận khi hòa bình chân chính trở lại trên đất nước chúng ta. Hơn hai mươi năm rồi, khói lửa đau thương vẫn trùm lên giải đất hiền lành. Nước mắt chúng ta chảy nhiều rồi. Chúng ta có tiếc gì đâu để đổi lấy độc lập tự do.
(Nhật Ký Đặng Thùy Trâm trang 47/ NXB/Hội Nhà Văn Hà Nội 2005)

Ngày 05/05/1970, Đặng Thùy Trâm viết một đoạn về quân Mỹ:
... Chúng ta sẽ phải đương đầu với một khó khăn ghê gớm hơn nữa đây, nhưng tao đã thề cùng các đồng chí của tao rồi, dù có chết cũng quyết đánh cho đến cùng...
Ôi! Căm thù đến bầm gan tím ruột. Tại sao cũng là con người mà lại có những con người độc ác tàn tệ muốn lấy máu đồng bào để làm nước tưới cho gốc cây vàng của nó như vậy?

( Nhật Ký Đặng Thùy Trâm trang 241/ Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn Hà Nội 2005)

Trên đây là hai trong những dòng chữ tiêu biểu trong tập Nhật Ký Đặng Thùy Trâm, nó cho thấy tính cuồng nhiệt căm thù của Trâm đối với người Mỹ, hậu quả của những tháng năm cộng sản miền Bắc và Hồ Chí Minh nhồi nhét thù hận vào đầu thế hệ trẻ miền Bắc, mà mục đích là dọn đường đẩy từng lớp người trẻ vào con đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Cộng sản ngoài việc tạo cho thế hệ trẻ tư tưởng căm thù Mỹ, họ còn vẽ trong đầu giới trẻ miền Bắc hình ảnh người lính Việt Nam Cộng Hòa mà họ gọi là “quân Ngụy” như những kẻ gian ác, tàn nhẫn, đáng ghét. Trong nghệ thuật tuyên truyền, tẩy não và bịa đặt, cộng sản Hà Nội đã thành công với Đặng Thùy Trâm và vô số thanh thiếu niên miền Bắc Việt Nam trong quá trình đẩy họ vào chiến trường miền Nam với tinh thần cuồng nhiệt, mù quáng.

Thật ra, Miền Nam có cần miền Bắc giải phóng không? Không! Miền Nam có bần cùng, nghèo đói ăn cơm bằng gáo dừa, bị áp bức tù đày hơn miền Bắc không? Không! Miền Nam có bị Mỹ đô hộ, chiếm đóng không? Không! Miền Nam, Việt Nam Cộng Hòa là một miền Nam tự do có bang giao với nhiều quốc gia trên thế giới, có cơm ăn áo mặc đầy đủ, có tự do, có nhân quyền... có những thứ mà miền Băc xã hội chủ nghĩa có mơ trăm năm cũng không thành sự thật thì đâu cần ai giải phóng.

Miền Nam dù sau bao năm chinh chiến bị miền Bắc xâm nhập người phá hoại, tàn phá, từng ngày, từng giờ... nhưng ngay sau khi Sài Gòn sụp đổ, những người cộng sản còn chút lương tri và tri thức khách quan vào Nam, như Dương Thu Hương chẳng hạn, đã kinh ngạc về một nền kinh tế tự do, một xã hội khai phóng, nhân bản, sung túc mà miền Bắc xã hội chủ nghĩa không có lấy một phần. Khi cộng sản chiếm Sài Gòn, một phần lịch sử đã mở ra để cả nước thấy được một chút ít sự thật oan nghiệt, tang thương của thân phận cả một dân tộc...

Vì ấu trĩ, thờ ơ u tối
Vì muốn an thân, vì tiếc máu xương
Cả nước đã qui về một mối
Một mối hận thù, một mối đau thương
Hạnh phúc, niềm mơ, nhân phẩm, luân thường
Đảng tới là tan nát cả
Lịch sử sang trang, phũ phàng tai họa
Nào đâu chính nghĩa thắng gian tà!?...
(Vì ấu trĩ/ thơ Nguyễn Chí Thiện)


Những dòng thơ trên đây, một phần ý thơ muốn quy trách người miền Nam đã ấu trĩ, đã thờ ơ, đã u tối, đã tiếc máu xương nên đã thua cuộc chiến đấu chống Bắc quân mà hậu quả là “cả nước đã qui về một mối, một mối hận thù, một mối đau thương dưới chế độ cộng sản để “hạnh phúc, niềm mơ, nhân phẩm, luân thường; đảng tới là tan nát ca!”. Nhưng câu giá trị nhất trong dòng thơ tập chú vào câu “Nào đâu chính nghĩa tháng gian tà!?” Khi viết đến dòng này, người viết nhớ lại một lời phát biểu thẳng thừng tại Sài Gòn của thượng nghị sĩ John Mc Cain ngày 28/04/2005 rằng “I think that the wrong guys won!”.

Khi viết những dòng thơ trên, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện còn sống ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa và ngậm ngùi tuyệt vọng khi Sài Gòn sụp đổ, ông không hề biết Quân Lực Việt Nam đã hy sinh và chiến đấu bi hùng trong suốt 30 năm để bảo vệ tự do cho phần đất còn lại ở phía Nam sông Bến Hải, và đã bị bức tử, hy sinh năm 1975 do những âm mưu chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ.

Người lính miền Nam “đã không an thân, đã không tiếc máu xương”, đã chiến đấu ngày đêm trong thế tự vệ để bảo vệ bờ cõi, họ chiến đấu không thù hận, họ không bị đầu độc và huấn luyện căm thù... Cuộc chiến đấu của họ đầy tính chính nghĩa và nhân bản, hoàn toàn khác với những người lính miền Bắc bị xua vào Nam lòng đày ắp thù hận mà họ tưởng là họ có chính nghĩa. Đặng Thùy Trâm là lớp tuổi trẻ điển hình rõ nét nhất trong trường hợp này.
Một trong những hình ảnh người ta dễ thấy sự khác biệt giữa quân đội VNCH và Bắc quân cộng sản là các cuộc trao đổi tù binh. Tù binh cộng sản được VNCH chữa trị, nếu bị thương, và nuôi dưỡng đầy đủ trong thời gian bị giam giữ, nên khi khi trao trả cho cộng sản, họ mập mạp, hồng hào hơn cả lúc họ ở đơn vị của họ; trái lại, tù binh VNCH khi trao trả, họ là những bộ xương gầy ốm, bệnh hoạn. Hình ảnh của Đại tá Nguyễn Công Vĩnh khi nhận hay đoạt từ tay cộng sản gần như là một cái xác không hồn.
Tôi nhớ khoảng năm 1969 hay1970, đơn vị của tiểu đoàn tôi tập trung 2 đại đội thuộc Tiểu đoàn 5 An Ninh Thiết Lộ mở cuộc hành quân nhỏ giới hạn quanh vùng Sông Lòng Sông, phía Tây Chi khu Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận... yểm trợ cho toán hỏa xa sửa cây cầu thiết lộ Sông Lòng Sông bị Việt cộng đặt mình phá hủy.

Trong thời gian hoạt động ở trong vùng này, toán thám sát của Đại đội 51/ANTL có bắt được một bộ đội Bắc Việt đang núp ven rừng quan sát đoàn tàu. Người bộ đội mặc quân phục bộ đội miền Bắc, còn rất trẻ, khoảng dưới 20 tuổi, người Nam Định tên Vũ Quang (?). Buổi chiều, trong khi hỏi cung sơ khởi và chờ làm thủ tục chuyển giao tù binh cho tiểu khu Bình Thuận, người tù binh bị bịt mặt và được hỏi:
- Anh có đói không?
- Thưa có ạ!
Anh được chuyển cho một tô mì gói và vì hai tay còn bị trói, anh được người lính Việt Nam Cộng Hòa đút từng đũa mì...
- Anh thích uống cà phê không?
- Dạ thích ạ!
Anh được người lính VNCH “phục vụ” một ly cà phê.
- Anh muốn hút thuốc không?
Người tù binh trả lời ngay:
- Dạ thích ạ! Cám ơn các chú, các bác!
Và lại người lính VNCH đưa điếu thuốc vào miệng người tù binh và quẹt lửa châm thuốc. Khói thuốc quyện từng vòng bốc lên cao trong khi hai tay anh vẫn bị cột, hai mắt anh vẫn bị che bằng mảnh vải đen. Mắt anh phủ một màu đen, nhưng có thể hình ảnh người lính VNCH hung ác, tàn bạo như anh từng bị đảng CSVN nhồi nhét... đã không còn... Người lính miền Nam chiến đấu không hận thù trong một cuộc chiến tự vệ chính danh, chính nghĩa để bảo vệ tự do cho phần đất phía Nam sông Bến Hải.
Trường hợp rõ nét tương tự cũng được thể hiện trong bài viết “ở cuối 2 con đường” của tác giả Phạm Tín An Ninh khi người sĩ quan thiết giáp Bắc quân bị thương, bị đồng đội bỏ lại chiến trường và được một đơn vị Sư Đoàn 23 cứu sống, chữa trị khỏe mạnh và được trao trả tù binh.
( Xin xem phần phụ chương ở phần cuối sách….)