mercredi 23 novembre 2011

Máu và Nước Mắt Trên Lưng Trường Sơn -  P13


Chiếc ba lô trên lưng người lính chiến hai miền Nam Bắc…


Tôi không nói những trang bị khác nhau về vật chất, lương thực, súng ống, đạn dược… trong những chiếc ba lô trên lưng người lính hai miền Nam Bắc, tôi chỉ muốn viết ra cho độc giả và người Tây phương biết người lính miền Nam mang cái gì trong ba lô, người lính miền Bắc mang cái gì trong ba lô về mặt trách nhiệm và tinh thần khi nhập ngũ, rời mái ấm gia đình “lao vào nơi gió cát”, “hòn tên mũi đạn”.

Tôi nói về người lính miền Nam trước. Người lính miền Nam khi vào quân ngũ anh không mang trên lưng gánh nặng gia đình nhiều như người lính miền Bắc. Về mặt vật chất, anh có lương bỗng cho bản thân, có lương bổng phụ cấp cho vợ con, khi anh hy sinh ngoài mặt trận hay trong công vụ, anh có tiền tử tuất cho vợ con. Nhưng có lẽ điều quan trọng mà người viết muốn chú trọng và muốn trình bày ở đây là trách nhiệm liên đới với gia đình, gồm cả vợ con, cha mẹ, dòng họ với người lính Việt Nam Cộng Hòa.

Người lính miền Nam sống trong một thể chế tự do, pháp trị, có luật lệ phân minh và chịu trách nhiệm chỉ cho riêng những gì mình làm. Khi anh vào lính, anh không ràng buộc gia đình, vợ con cha mẹ vào tên anh, vào chiếc ba lô của anh. Nếu anh phạm luật, chỉ mình anh chịu trách nhiệm về những hành động của mình, nếu anh bỏ đơn vị đào ngũ, chính quyền và đơn vị anh không đụng tới vợ con, cha mẹ, anh em… của anh; không có chuyện nhà cầm quyền phong tỏa nồi gạo của gia đình anh, bêu xấu dòng họ anh, đuổi con anh, em anh khỏi trường học, và ghi sổ đen dòng họ, gia đình anh vào hồ sơ công an địa phương để theo dõi và làm khó dễ trong đời sống… Ở miền Nam, không có cảnh “quýt làm, cam chịu.”hay “mũi làm dại, lái chịu đòn”.

Người lính miền Bắc, nhân dân miền Bắc dưới chế độ cộng sản không được cái may mắn dể thở như vừa trình bày trên đây. Miền Bắc xã hội chủ nghĩa của ông Hồ Chí Minh và những người nối tiếp con đường Mác Lê Nin mà ông Hồ theo đuổi, dưới sự cai trị của đảng cộng sản độc tài toàn trị, mọi người phải là công cụ của đảng; công cụ của đảng nghĩa là tất cả được vận dụng dưới chiêu bài Tổ Quốc, yêu nước, xã hội chủ nghĩa, giải phóng dân tộc… mà thực ra nó chỉ là mưu đồ hay tham vọng của thiểu số tập đoàn cộng sản do ông Hồ Chí Minh xây dựng ra trong hệ thống là một bộ phận của phong trào cộng sản quốc tế.

Hàng triệu thanh niên miền Bắc bị xua vào Nam để tiến hành chiến tranh xâm lược cũng phát xuất từ những mưu đồ và cuồng vọng vừa nói trên. Họ đã trở thành những nạn nhân oan nghiệt. Ngay sau khi cộng sản chiếm trọn miền Bắc, họ đã phân loại gia đình từng người dân, phân loại theo tôn giáo, phân loại theo tài sản, vô sản, tư sản, địa chủ, phân loại theo quá khứ làm việc với Pháp, phân loại theo diện có gia đình vô miền Nam, phân loại theo đảng phái chính trị như Đại Việt, Quốc Dân Đảng hay theo Việt Minh cộng sản…

Nói chung, người dân miền Bắc bị soi mói, kiểm soát, theo dõi… dưới lăng kính của chuyên chính vô sản và chủ nghĩa Mác Lê, và họ trở thành những con cá bị sắp lớp lang trong những chiếc hộp có ghi dấu xanh, đỏ, tím, vàng trong hồ sơ công an.

Chính vì thế mà những thanh niên bị đẩy vào hàng ngủ bộ đội vô Nam cũng bị dòm ngó gắt gao. Đặng Thùy Trâm cũng thuộc diện gia đình tiểu tư sản, dù là tình nguyện, cũng không thoát khỏi định số này. Trong tập nhật ký viết tay, không thiếu những dòng chữ cay đắng đã được chính tay Đặng Thùy Trâm viết ra:
“26.05.68.
Những ngày u uất của tâm hồn. Có gì đè nặng trên trái tim ta? Đâu phải chỉ có một nỗi buồn của vết thương rỉ máu của con tim đó đâu? Những sự thiếu công bằng vẫn còn trong xã hội, vẫn diễn ra hàng ngày; vẫn có những con sâu, con mọt đang gặm dần danh dự của Đảng, những con sâu mọt ấy nếu không bị diệt đi, nó sẽ đục khoét dần lòng tin yêu với đảng. Rất buồn mình chưa được đứng trong hàng ngủ của Đảng để đấu tranh cho đến cùng. Có lẽ vì thế mà những người đó vẫn chần chừ không dám kết nạp mình mặc dù tất cả đảng viên trong chi bộ và rất nhiều người có trách nhiệm trong huyện, trong tỉnh này đã đôn đốc, thúc giục việc giải quyết quyền lợi chính trị cho mình.
Càng nghĩ càng buồn. Muốn tâm sự với những người thân về nỗi bực tức ấy, nhưng rồi mình lại lặng thinh. Nói ra liệu có ai hiểu hết cho mình hay không? Có ai phải sống những ngày nặng nề, u uất như mình hay không? Sống giữa yêu thương mà không hề cảm thấy hạnh phúc, bởi vì luôn luôn có người ghen ghét trước lòng yêu thương mà nhiều người đã dành cho mình. Đành rằng đời bao giờ cũng có hai mặt tốt và xấu, không bao giờ có toàn một mặt tốt, vậy mà sao Thùy cứ xót xa cay đắng mãi hở Thùy?

(Nhật Ký Đặng Thùy Trâm trang 49 – 50/ Nhà xuất bản hội nhà văn Hà Nội 2005)

Theo như trong phần giới thiệu ở trang 5 của tập Nhật Ký Đặng Thùy Trâm thì sau khi ra trường Y Khoa Hà Nội năm 1966, Đặng Thùy Trâm xung phong vào chiến trường B ( miền Nam) và sau 3 tháng hành quân từ miền Bắc, đến tháng 3 năm 1967, Trâm đến Quảng Ngãi và làm việc tại bệnh viện Đức Phổ, sau đó được kết nạp vào đảng cộng sản ngày 27 tháng 9 năm 1968.

Như vậy, Đặng Thùy Trâm đã rời đất Bắc đầu năm 1967 và mãi cuối tháng 9 năm 1968, gần 2 năm sau mới được kết nạp thành đảng viên. Hy sinh cả một cuộc đời son trẻ của mình, “xẻ dọc Trường Sơn” vào sinh ra tử đến Quảng Ngãi, ròng rã gần 2 năm mới được đứng vào cái đảng mà Đặng Thùy Trâm tưởng là một vinh dự với cái đảng thần thánh mà về sau này sau khi chiếm xong miền Nam, nếu Đặng Thùy Trâm còn sống, có thể Đặng Thùy Trâm sẽ thấy đó là cái đảng Mafia đội lớp dân tộc tàn hại muôn dân và Tổ Quốc. Đặng Thùy Trâm đã phải trải qua những ngày phấn đấu cay đắng vì Trâm là con của một gia đình trí thức tiểu tư sản không tuổi đảng: Bố là Bác Sĩ Đặng Ngọc Khuê và Mẹ là Dược Sĩ Doãn Ngọc Trâm! Dường như Đặng Thùy Trâm không biết điều này. Và ngay cả sau khi được vô đảng cộng sản hơn một năm sau, ngày 8/1/1970, trong tập nhật ký viết tay, Trâm cũng đã viết những dòng cay đắng:
Chỉnh huấn đảng. Thấy sai lầm của đồng chí mà mình rùng mình. Đừng bao giờ nghe Th! Đừng bao giờ để chi bộ phải có những cuộc họp như vậy đối với Th…”

Th. chính là Thạc, một đảng viên bạn Trâm, hay chính là Đặng Thùy Trâm. Trâm hoàn toàn ngây thơ, không biết hết những gian trá trong chủ trương và hệ thống áp bức, tuyên truyền tàn độc của đảng cộng sản Việt Nam, cái đảng mà nàng tin tưởng như thần thánh!

Đặng Thùy Trâm vô Nam chiến đấu, và chiến đấu, phấn đấu vô đảng sẽ là một trong những yếu tố giúp gia đình Trâm ở Hà Nội, “cái tội”, cái lý lịch trí thức tiểu tư sản của gia đình nhờ Trâm đi B, vào đảng mà nhẹ đi. Cũng như hầu hết tất cả bộ đội đi Nam để giúp cho gia đình ở lại được bảo đảm có tên hạng cao trong danh sách phân phối thực phẩm, lương thực, được địa phương cho điểm tốt, ít bị dòm ngó… hay nói rõ hơn, người đi hy sinh cho người ở lại, cho cha, cho mẹ, cho con cái, cho anh em, cả về miếng ăn trong sổ lãnh hàng đến miếng cơm trong bếp.

Thế nhưng, nếu bộ đội vô Nam bị hy sinh, gia đình còn lại cũng chẳng được giúp gì, đó là chưa kể chế độ dấu biệt tin tức, cho dù chết vì đạn bom, bệnh tật hay chết vì bị cấp trên hạ sát trước khi rút quân.

Người lính miền Nam thì hoàn toàn trái hẳn, gia đình được thông báo, xác được phủ cờ và mang về quê, thân nhân được trả tiền lương cuối và tử tuất, sĩ quan đơn vị thăm viếng và an ủi gia đình. Liệu gia đình người lính miền Bắc chết trận có được hưởng những thứ an ủi này hay không?

Khi người lính miền Bắc đào ngũ hay hồi chánh, nếu đơn vị hay các cấp đảng biết được, số phận của những người thân ở miền Bắc sẽ gánh hết hậu quả: sổ mua hàng và lương thực bị thu hồi hay làm khó khăn, việc học hành của con em bị ảnh hưởng, gia đình bị phường khóm phê bình, khinh rẻ, công ăn việc làm bị khó khăn rắc rối… Và về mặt chính trị, gia đình bị vào sổ đen cho công an dòm ngó. Và vì thế mà gia đình đồng bào miền Bắc có con em bị đẩy vô Nam chiến đấu, ngày đêm canh cánh hai cơn ác mộng: Cái chết của con em trên chiến trường, nhưng có lẽ cơn ác mộng thứ hai này mới thê thảm, đó là toàn gia đình bị phong tỏa hộ khẩu, miếng ăn và công ăn việc làm nếu con em mình đào ngũ hay hồi chánh chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.

Trong Nam, dù người lính VNCH, vì lý do nào đó đào ngũ, kể cả đào ngũ theo VC, gia đình họ vẫn không hề bị chính phủ làm khó dễ. Ai làm nấy chịu, gia đình không là đối tượng bị trả thù như trong chế độ miền Bắc.

Nói tóm lại, thân phận ngưới bộ đội miền Bắc vô cùng tội nghiệp, họ bị đẩy vào lò công cụ của đảng cộng sản Việt Nam, và trên lưng họ, mang cả nồi cơm, danh dự và tương lai của cả gia đình mà họ bỏ lại sau lưng. Xét về điểm này, nó cũng chính là một trong những tội ác phi nhân, phi dân tộc của đảng cộng sản Việt Nam và Hồ Chí Minh.

Để độc giả hiểu thêm về phần trình bày trong mục này, chúng tôi xin được trích đăng một trích đoạn một thư độc giả gửi đăng trên diễn đàn Viet Land ngày 26/09/2006 dưới titre: “Nỗi lòng của một cựu cán binh cộng sản Bắc Việt” do tác giả tên Django tóm lược và trình bày:

Thưa các bạn !
Đã từ rất lâu, trong thâm tâm tôi muốn nói về chính bản thân tôi, tôi từng là một bộ đội cụ Hồ, từng tham gia đi B vào chiến đấu trong chiến trường miền Nam, từng hy sinh xương máu, thân thể cho cách mạng.
Tôi nhận thấy hiện nay vẫn còn những người tin theo đảng một cách mù quáng, vẫn còn những lời binh vực ấu trĩ vì nghe qua những khẩu hiệu mị dân v.v... Những gì tôi sắp nói lên đây không hề có ý nghĩ xuyên tạc hay nói xấu đảng và nhà nước XHCN hiện nay. Mà đó là sự thật, một sự thật không thể chối cãi.
Tôi sinh ra và lớn lên tại miền Bắc vào giữa thập niên 1940. Gia đình thuộc loại trung lưu, đủ ăn (so với XHCN). Do đó đảng và nhà nước CS ghép vào diện gia đình cần phải quan tâm.
Vào cuối năm 1966 đảng kêu goi nhân dân, thanh niên hăng hái tham gia đầu quân vào bộ đội chính quy Bắc Việt. Lịnh tổng động viên ban hành kèm theo những lời kêu gọi vì "đồng bào miền Nam ruột thịt" đang bị Mỹ Ngụy kềm kẹp rất khổ sở, dân chúng phải sống dưới gầm cầu, không có nhà cửa nương tựa, trú thân v.v... Mọi thanh niên tuổi từ 16 trở lên đều "có quyền" đăng ký nghĩa vụ quân sự. Đồng thời với những lời hứa hẹn gia đình nào có con em tham gia nghĩa vụ quân sự xâm nhập vào miền Nam sẽ được mọi ưu tiên của các cấp chính quyền địa phương như :
- Ưu tiên được..."phân phối" lương thực , thực phẩm trước tiên trong mỗi tháng.
- Được phong là gia đình gương mẫu, tiêu biểu v.v...
Lòng yêu nước bừng lên trong mỗi thanh niên và cũng để giải quyết tạm thời những khó khăn mà gia đình đang phải gánh chịu vì chính sách phân phối này của nhà nước.
Trong số những người này có tôi và một anh bạn chung xóm rủ nhau đi đăng ký…
( Xin nói rõ hơn là trước đây muốn gia nhập bộ đội chính quy để xâm nhập miền Nam không phải là chuyện dễ…)
Nhà nước chia ra những thành phần sau đây không thể cho vào tham gia bộ đội hay những cơ quan chính quyền khác , và cũng để tránh những thành phần này lợi dụng xâm nhập vào Nam mà...vượt tuyến một cách hợp pháp.
- Những gia đình theo đạo Thiên Chúa Giáo
- Thành phần địa chủ , tư sản , tiểu tư sản v.v..(trong diện này có tôi)
- Những gia đình đã có thân nhân vào Nam năm 1954.
...................
Sau một thời gian ngắn huấn luyện cơ bản, hai đứa tôi được phép về thăm nhà vài hôm trước khi lên đường xâm nhập miền Nam. Chúng tôi mỗi đứa được phát một phiếu...uống bia (tất nhiên là bỏ tiền ra mua chứ không phải miễn phí). Trưa hè nắng gay gắt, anh em tôi đến cửa hàng ăn uống để thưởng thức cái hương vị của bia xem thế nào mà trong cuộc đời TN ( thanh niên?/HT) chúng tôi chưa hề được biết.
Đến nơi tôi nhận thấy đã có vài chục người đang chen lấn nhau để mua. Tôi hiên ngang gạt những người này tiến vào quầy (vì tôi có thẻ...ưu tiên mà). Thế nhưng tôi cũng không ngờ là số người này ai cũng...giống tôi cả. Nghĩa là họ cũng sắp sửa đem nướng thân mình cho lửa đạn để an ủi trước khi lìa đời hưởng được cái hương vị bia kia thế nào cho...thoả mãn đời trai!!! Hai chúng tôi biết là đến lượt mình sẽ không còn bia để đáp ứng nên đành rủ nhau ra về.
Bắt đầu cuộc hành trình vượt tuyến quả là đầy sự chết chóc. Đơn vị chúng tôi khoảng trên dưới 200 người, lưng đeo ba lô "con cóc", súng đạn và... cần phải có một cây gậy để chống chứ không thì không tài nào đi nỗi.
Dọc đường đói khát mà thức ăn chủ yếu của chúng tôi là muối. Và là muối cục chứ cũng đào đâu ra muối bọt như bây giờ. Gạo khi có khi không. Anh em bứt tạm lá cây rừng để ăn, nhất là lá tàu bay. Lá này đem nấu canh, cho một ít mì chính (bột ngọt) và ném vào đó một nắm muối cục (tất nhiên là khi có gạo nấu cơm mới ăn). Chủ yếu là sắn (khoai mì), mỗi khi đi đến bãi sắn, anh em chúng tôi nhổ lên tìm củ để ăn đỡ. Có khi chỉ là rễ cái thôi vì khoai mới trồng chưa đủ thời gian phát triển cũng đành ăn tạm cho qua cơn đói.

Chịu không nỗi những cực nhọc do thiếu ăn, thêm phần sốt rét rừng hành hạ mà thuốc men thì vô cùng khan hiếm. Vì vậy đa số đã rớt lại, các đồng chí không thể nào đèo theo được đành phải để nằm lại chờ...chết. Đó là những cái chết bình thường thôi chứ tôi chưa nói đến những lần bị B52 thả bom đấy.

Tám tháng sau chúng tôi đến được đơn vị chính hoạt động. Nói thật ra tôi và người bạn cùng xóm tốt phước lắm mới đến nơi đây được. Bởi trên dưới 200 người kia đã... anh dũng hy sinh vì.... đói rét và bom B52 dọc đường Trường Sơn hết cả rồi.

Đơn vị chúng tôi thuộc Tỉnh Đội Long An, tầm hoạt động cũng chỉ là pháo kích đại vài quả mỗi đêm để gây tiếng vang mà thôi chứ chẳng có chiến đấu cái con khỉ gì hết.

Mục đích chính là hàng đêm bố trí vài đồng chí xâm nhập vào những hộ dân quanh đấy để tuyên truyền, tìm lương thực thực phẩm do người dân cống nạp để được yên ổn cày cấy trong vùng hoạt động của chúng tôi. Đồng thời cũng không quên chuyện bắt những thanh niên khoẻ mạnh (bất kể nam nữ) vào bưng theo chúng tôi làm cách mạng; và cũng để bổ sung quân số trong những lúc thiếu hụt trầm trọng này.

Việc gì đến rồi cũng phải đến... Trong một trận càn của QLVNCH, tôi bị trúng đạn gãy xương đùi. Các đồng chí thân thương của tôi bỏ chạy hết, để mình tôi nằm lại chơ vơ. Tôi bất tỉnh một thời gian khá dài, khi hồi lại tôi thấy mình đang nằm dưới một vũng sình. Biết rằng sẽ không qua khỏi, tôi cố lết lên trên một gò đất cao ráo và nghĩ là nếu có chết chỗ này vẫn còn sạch sẽ hơn dưới vũng sình hôi thối kia. ( Hết trích)
.........
Thời gian dù có trôi qua với những lớp sóng phế hưng làm biến đổi tình hình và bộ mặt Việt Nam, nhất là sau hơn 30 năm cộng sản gom trọn hai miền Nam Bắc chung vào một mối, “một mối hận thù, một mối đau thương”, chế độ cộng sản ngày nay dù có giao tiếp và mở cửa ra bên ngoài, có được chút ánh sáng văn minh do chấp nhận một số sinh hoạt kinh tế thị trường… thì bản chất trí trá, tàn độc, khủng bố người dân và những người yêu nước vẫn không có gì thay đổi. Và ngày nay, dưới ánh sáng của nền văn minh nhân loại rọi chiếu vào Việt Nam, các bản chất nói trên cũng lại xuất hiện rõ nét hơn trong những vụ đàn áp dân oan, đàn áp những người đấu tranh cho dân chủ mà trường hợp mới đây rất điển hình là vụ Linh mục Nguyễn Văn Lý ở Huế, luật sư Lê Thị Công Nhân ở Hà Nội và kỹ sư Đỗ Nam Hải ở Sài Gòn.

Đem cả cha mẹ già yếu bệnh tật, con cái, chị em… toàn gia đình người ta vào đồn công an để bịt miệng, trấn áp người ta là hành động của một đảng cướp, một đảng khủng bố, nó không thể là hành động, chủ trương, chính sách của chế độ có văn minh, có đạo lý; nhưng buồn thay, cái chế độ không văn minh đó lại vênh vang ngồi chễm chệ trong ghế thành viên chính thức của Liên Hiệp Quốc, của APEC, của WTO mà dường như các tổ chức quốc tế này vẫn nhắm mắt làm ngơ trước tội ác đê tiện của chế độ Hà Nội đối với người dân Việt Nam, đối với dân tộc Việt Nam...

Đặng Thùy Trâm ơi! Ở một nơi nào đó bên kia thế giới, nếu trở về Hà Nội mà hiển linh Trâm gặp Lê Thị Công Nhân, Trần Khải Thanh Thủy… vô Sài Gòn gặp Đỗ Nam Hải… biết sự thật, biết mặt thật của đảng cộng sản Việt Nam, có lẽ Trâm sẽ ân hận hối tiếc đã một thời lầm lẫn hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho một thứ đảng cộng sản không ra gì!