mercredi 23 novembre 2011

Máu và Nước Mắt Trên Lưng Trường Sơn -  P07


Thân phận những người thương binh bộ đội “sinh Bắc tử Nam trong tay đảng CSVN.


Người viết chưa có dữ kiện hay bằng chứng trong tay liên quan tới hậu quả việc cộng sản Việt Nam trút bỏ gánh nặng chiến tranh, chiến trường và ảnh hưởng chính trị tại hậu phương miền Bắc nếu vô số thương binh được chuyển ngược về tràn ngập các bệnh viện ở Hà Nội. Có tin là CSVN đã trút thương binh ra biển và nói rằng chuyển họ ra các tàu bệnh viện của Nga để chữa trị, nhưng trên thực tế không thấy ai được trở về. Tin này được đồn đãi qua các câu chuyện truyền miệng hay trên các “room paltalk”; thế nhưng việc các sĩ quan hay tư lệnh chiến trường cộng sản “truy điệu sống” và giết các thương binh của họ vì không di chuyển được khỏi vùng chiến trận và không muốn họ bị bắt khi bỏ lại, không muốn thương binh bị khai thác tin tức... là chuyện đã xẩy ra. Hay nói rõ hơn, các thương binh này bị giết chết để bịt miệng.

(Khi trao đổi với tác giả trên diễn đàn paltalk ngày 13/5/2007, một anh bộ đội từng chiến đấu ở Kampuchea, có nick “vietcong0” xác nhận là Lê Đức Anh, tư lệnh mặt trận 579 đã ra lệnh cho các cấp chỉ huy dưới quyền thanh toán thương binh trên mặt trận để “nhẹ gánh hành quân và di chuyển”. Anh “vietcong0” viết: “tôi là bộ đội, tôi biết các cấp chỉ huy đã giết thương binh bộ đội…!”)

Vào đầu năm 1970, một cuộc hành quân hỗn hợp của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 43 Sư đoàn 18 và các đơn vị bạn trong vùng thượng lưu sông Đồng Nai phía Tây Bắc Định Quán gần cây số 125 giữa Định Quán và Phương Lâm, một bộ đội tên Danh mặc nguyên quân phục của quân đội Bắc Việt đã ra trình diện đơn vị SĐBB và xin hồi chánh. Anh Danh bị thương ở tay trái và không mang theo vũ khí. Trong cuộc tiếp xúc, anh cho biết là anh may mắn còn sống vì chỉ bị thương ở tay và di chuyển được, anh nói các đồng chí bị thương ở bụng, ngực, hai chân... không di chuyển được khi đơn vị phải bỏ vị trí, thủ trưởng đơn vị anh ra lệnh cho “truy điệu sống”, bị xếp hàng bắn hàng loạt, chôn bừa bãi vội vàng trước khi rút. Anh cho biết ngày hôm trước, đơn vị anh đã đụng nặng với một đơn vị quân lực VNCH mà anh không biết tên và đơn vị anh buộc phải rút lui và “thanh toán thương binh” trước khi rút.

Để kiểm chứng nguồn tin khai thác, anh bộ đội tên Danh được yêu cầu chỉ đường cho một đơn vị VNCH vào khám xét vị trí mà các thương binh bộ đội bị “truy điệu sống”. Kết quả là một hầm chôn 26 xác thương binh bộ đội còn nguyên, đúng như lời khai báo của anh Danh. Đơn vị khám xét hầm chôn xác này là ĐĐ3, TĐ2, Trung Đoàn 43 SĐ18BB với sự có mặt của Đại Đội Phó Trần Văn Trung hiện còn sống ở Canada.

Đầu năm 1971, một trường hợp tương tự như trên cũng đã xẩy ra trên địa bàn Long Khánh dưới thời đại tá Chuyên làm tiểu khu trưởng. Chúng ta biết địa bàn hoạt động của vùng Võ Đắc, Võ Xu nằm trong hệ thống ngang dọc của mật khu Mây Tào thuộc tỉnh Long Khánh mà đơn vị cộng sản có mặt hoạt động là Công trường 5, Công trường 7 và Trung đoàn 33 Chính quy.

Nhận được tin tình báo về sự có mặt của một đơn vị thuộc Trung đoàn 33 Chính quy trong vùng, Tiểu khu Long Khánh tung ra một cuộc hành quân bất ngờ với Liên đội 319 Địa Phương Quân ( Đại úy Quang làm Liên Đội Trưởng) phối hợp với Đại đội 133 PRU/Trinh Sát Tỉnh do Đại úy Nguyễn Văn Bộ từ Dù về làm Đại đội trưởng. Cuộc hành quân trực thăng vận chụp lên đầu các đơn vị cộng sản lúc 4 giờ sáng đã làm các đơn vị cộng sản không trở tay kịp, phải rút lui biến mất khỏi vùng hành quân sau cuộc đụng trận chớp nhóang không kéo dài.

Đơn vị hành quân đã phát giác ra một bệnh xá khá lớn và khang trang mà vòm bệnh xá được đan bằng những vòm tre sống bọc trần; từ trên trời, máy bay không thể phát giác được. Bệnh xá có sức chứa khoảng trên 100 bệnh nhân, thương binh. Sàn bệnh xá khá sạch, các giường bệnh và thiết bị y tế khá tốt. Bệnh xá có dấu hiệu vừa có bệnh nhân và hoạt động, nhưng khi các toán Trinh Sát Tỉnh ập vào thì không còn một ai ở đó. Toàn bộ cơ sở và bệnh xá của VC bị đốt và phá hủy sau đó trước khi các đơn vị hành quân rút khỏi vùng.

Mấy ngày sau, một cán binh VC mang quân hàm Thiếu úy tên Hoàng ra đầu hàng và hồi chánh với các đơn vị VNCH thuộc tiểu khu Long Khánh. Anh là một người miền Nam chứ không phải là quân chính quy Bắc Việt, tay bị thương còn băng bó. Trong cuộc thẩm vấn và khai báo, Thiếu úy VC tên Hoàng cho biết là bệnh xá bí mật trong mật khu tre được thiết lập để đón trên một trăm thương binh từ các mặt trận vùng 3 chuyển về, đặc biệt đa số là sĩ quan bộ đội. Anh là một sĩ quan bị thương tay được gửi về điều trị tại đây.

Anh khai là trước đây mấy hôm, bộ binh và quân trực thăng vận VNCH đổ quân tấn công vào vùng bất ngờ lúc trời còn tối, các đơn vị cộng sản được lệnh rút chạy với các thương bệnh binh còn di chuyển được. Riêng hàng trăm thương bệnh binh cộng sản không thể tự di chuyển, và đơn vị không có khả năng di chuyển, trong lúc quân VNCH tấn công và súng nổ tiến gần bệnh xá, các sĩ quan chỉ huy của cộng sản đã làm lễ truy điệu sống cấp tốc họ và bắn hàng loạt thương bệnh binh, chôn vùi xuống hố và tháo chạy.

Thiếu úy Hoàng là một trong những người bị thương tay, chạy được cùng với các toán VC, và anh cũng là người chứng kiến cảnh thảm sát hãi hùng các “đồng chí” xấu số bạn anh. Anh không thể tưởng tượng nỗi tại sao các cấp chỉ huy anh lại dã man như vậy. Từ nỗi hãi hùng và ghê sợ VC đó, anh quyết định tách khỏi toán, lẽn vô rừng khi trời còn tối và mấy ngày sau ra hồi chánh. Anh đã khai hoàn cảnh nào anh, một học sinh miền Nam trở thành VC, tại sao anh quyết định hồi chánh.

Theo lời khai và sự chỉ dẫn của anh Hoàng, Liên Đội 319 và Trinh Sát Tỉnh đã được lệnh mở cuộc hành quân trở lại vào vị trí cộng sản thảm sát thương binh của họ, và quả đúng như lời khai của thiếu úy VC Hoàng, một hầm cả trăm xác thương binh VC đã được khai quật.

Anh Hoàng về sau được chuyển về Ty Chiêu Hồi Long Khánh. Một hạ sĩ quan trong Đại Đội 133 PRU Trinh Sát Tỉnh tham dự cuộc hành quân và chứng kiến vụ khai quât hầm xác thương binh VC bị cấp chỉ huy giết trước khi tháo chạy, hiện đang sống tại Bắc Mỹ. (*)

Tình trạng giết thương binh bi thảm này gần như là chủ trương và chính sách của đảng cộng sản Việt Nam trong suốt chiều dài cuộc chiến xâm lược miền Nam, kể cả những ngày đầu của cuộc chiến của thập niên 1960. Theo tài liệu ghi trong “South Vietnam, US – Communist Confrontationin Southeast Asia, vol. 1,1961 –1965 (A fact on file) page. 23 thì trong thời gian giữa năm 1961, các đơn vị VC ở khu 8 và 9 phải đối đầu với tình trạng quá nhiều thương binh kẹt giữa chiến trường không thể di chuyển bằng thuyền hay cáng. Tài liệu ghi lại cho biết ngày 16/7/1961, một tiểu đoàn hơn 500 quân của VC phục kích và bao vây một tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 7 BB/VNCH ở Đồng Thới phía Tây Sài Gòn khoảng 80 dặm. Trận đánh khốc liệt này, số tử vong của VC là 169 người, và theo cố vấn Hoa Kỳ của Sư Đoàn 7 thì trong trận đánh trên, với hỏa lực nặng nề của phi pháo, số thương vong của địch quân có thể lên tới 200 người, số thương binh này đã biến mất trên mặt đất dưới quyết định của đảng ủy cộng sản...

Ngoài ra, trong hai năm 1960 –1961, trong khu vực Tiền Giang thuộc lãnh thổ trách nhiệm của Sư Đoàn 7 BB/VNCH, các cuộc hành quân không phát hiện được một trạm xá nào của VC ngoại trừ hai trạm xá trong vùng Đồng Tháp bị phá hủy trước đó. Tình báo của Tiểu khu Kiến Tường cũng không phát giác một trạm y tế VC nào nằm bên kia biên giới Miên Việt.

Vấn đề thương binh bộ đội và du kích VC bị chính các cấp chỉ huy của mình hạ sát trên đường lui quân vì không di chuyển được, vì thiếu phương tiện, vị bị truy kích, vì muốn bịt miệng thương binh để không bị khai thác khi thành tù binh... là một thảm trạng có thật và có chủ trương của Hà Nội. Thảm trạng bi thương, dã man và ô nhục này cộng sản Việt Nam đã bưng bít dấu kín trong suốt cuộc chiến, cho cả đến ngày nay.

Con số thương binh bộ đội bị đảng CSVN giết dù không ai biết bao nhiêu, nhưng theo tình hình thực tế của chiến trường và hoàn cảnh chậm tiến, thiếu thốn tiếp liệu trong ngành quân y của cộng sản tại miền Nam, con số bộ đội và du kích VC bị thương tật này không thể là một con số nhỏ! Nó chắc chắn phải là con số hàng hàng lớp lớp thây người còn sống bị hạ sát vội vàng, chôn lấp dưới các hố nông sau những giây phút gọi là truy điệu sống của cấp chỉ huy họ.

Cứ nhìn con số thương binh của VNCH tại các quân y viện ở các tỉnh miền Nam và Tổng Y Viện Cộng Hòa ở Sài Gòn trong thời gian cao điểm của những trận đánh Mậu Thân 1968, cuộc hành quân Lam Sơn 719 năm 1971, và Mùa Hè Đỏ Lửa 1972... người ta có thể thấy số thương binh của bộ đội miền Bắc và du kích cộng sản trên chiến trường miền Nam nó nhiều ra sao. Con số này khó mà chữa trị hoàn hảo giữa rừng sâu thiếu thốn về thuốc men, phương tiện y khoa và nhân viên y tế nhưng lại dư thừa mưa bom, mưa đạn và những cuộc truy kích liên miên của QLVNCH.

Con số thương binh hàng hàng lớp lớp này nếu được một phép mầu nào đó tải thương được về đất Bắc, nó có thể tràn ngập tất cả các quân y viện CSVN từ bên kia bờ Bến Hải đến Hà Nội, và nếu con số đó hiện hữu trước mắt nhân dân miền Bắc, quân đội miền Bắc sẽ không còn tinh thần để lăn vào con đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, và quan trọng hơn hết, mặt thực của cuộc chiến tranh phi nghĩa phát động từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa sẽ phơi trần ra trước mắt đồng bào bên kia vĩ tuyến 17 và toàn thế giới.

Tất cả những lý do này quá đủ điều kiện cho những nhà lãnh đạo Hà Nội đan tâm cho lệnh “hành quyết” hầu hết những thương binh của mình trên chiến trường miền Nam để nhẹ gánh nặng hành quân, nhẹ gánh nặng hậu chiến, nhẹ gánh nặng phải đối diện với sự thật về vật chất lẫn tâm lý chính trị mà bộ máy tuyên truyền của Hà Nội sẽ không kham nỗi.
Và trong muôn ngàn bất hạnh của những thương binh cộng sản trên chiến trường miền Nam, may mắn thay, rất nhiều thương binh chưa kịp bị hành quyết bịt miệng này lọt vào tay QLVNCH và họ được chuyển về các quân y viện để chữa trị và cứu sống. Những tù binh này về sau được trao trả cho miền Bắc, hồng hào và khỏe mạnh, một hình ảnh trái ngược với những thương binh và tù binh xương bọc da bị VC bắt và trao trả cho VNCH trong những đợt trao trả tù binh hai bên.

( Xin đọc phần phụ lục truyện có thật “Ở cuối hai con đường”của tác giả Phạm Tín An Ninh)
Những dữ kiện và tài liệu thực trên đây không hề được Đặng Thùy Trâm nhận ra hay ghi nhận trong “Nhật Ký Đặng Thùy Trâm”, có lẽ cái bệnh xá của Đặng Thùy Trâm chưa gặp phải tình huống như những thương binh VC bị các “đồng chí” cấp trên truy điệu sống và giết chết, chôn vùi khi lui quân trên chiến trường miền Nam. Đặng Thùy Trâm làm sao biết được điều này, vã chăng, có thể nhật ký nguyên bản của Đặng Thùy Trâm khi qua tay đảng và “nhà xuất bản Hội Nhà Văn Hà Nội” đã bị cắt xén, gọt dũa và thanh lọc hầu sau đó có thể cho ra đời tập “nhật ký Đặng Thùy Trâm” phù hợp với nhu cầu tuyên truyền chính trị của CSVN.
Đây là một sự thật nếu chúng ta đem “nhật ký Đặng Thùy Trâm” do Hà Nội xuất bản so với nguyên bản viết tay của Đặng Thùy Trâm được viết trước khi Trâm chết, và nay còn lưu giữ tại Vietnam Center, Lubbock, Texas, Hoa Kỳ. Quả thực đã có những cắt xén, sắp xếp và thêm bớt trong quá trình cho ra đời tập “nhật ký Đặng Thùy Trâm” năm 2005 tại Hà Nội.

Trong quá trình xua hàng hàng lớp lớp thanh niên và vũ khí, đạn dược vô chiến trường B (miền Nam), ngoài đường mòn Hồ Chí Minh mà Hà Nội gọi là “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, chế độ Hà Nội còn dùng đường biển mà thông dụng nhất là ghe và thuyền mà cộng sản thường gọi là “đường mòn trên biển”, hay “đường mòn Hồ Chí Minh trên biển”, con đường lênh đên sóng nước này rất dễ chết, vì đụng đối phương trên biển hay găp bão tố.
Khoảng giữa năm 1968 đến 1970, có lần Lưu Quý Kỳ, Phó Ban Tuyên Giáo Trung Ương đảng CSVN đến nói chuyện với giáo sư và sinh viên trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội về đề tài thời sự, trong cuộc nói chuyện này, ông ca tụng sự hy sinh của những bộ đội ra đi không hẹn ngày về trên lộ trình “đường mòn trên biển” trong đó, Lưu Quý Kỳ công khai tiết lộ là các đồng chí bộ đội của ông ta đã được “tế sống” trong một buổi lễ dàn dựng trang nghiêm. Thành phần được “tế sống” này quả thật đã bị tẩy não, mê hoặc trong cơn mê cuồng bằng những kỷ thuật tuyên truyền tinh vi dài hạn của đảng CSVN.

( Tiết lộ của một giáo sư Đại Học Tổng Hợp Hà Nội dự buổi nói chuyện của Lưu Quý Kỳ. Vị giáo sư này hiện sống ở Canada... Nhân chứng sẳn sàng đối mặt với bất cứ nhân vật cộng sản nào về tiết lộ nói trên/HT)

Cũng trong phần liên quan tới lộ trình xua quân vào Nam, nhà xuất bản Hà Nội năm 1995 có xuất bản một tác phẩm “Có một con đường mòn trên biển Đông” của tác giả Nguyên Ngọc trong đó có viết lại chuyện một thuyền trưởng con tàu không số, Đại tá VC Nguyễn Đức Thắng mà trong Nhật Ký Đặng Thùy Trâm có trích một đoạn như sau: “... Các anh ạ, tôi phải kể các anh nghe một chuyện này, có thể hơi lạc đề một chút, không trực tiếp dính dáng nhiều đến con đường Biển Đông.... Hai giờ chiều hôm ấy, mười mấy anh em thủy thủ xơ xác chúng tôi đến được trạm xá của chị Trâm... Chúng tôi ở lại chỗ chị Trâm đúng một tháng rồi bắt liên lạc theo đường giây dọc Trường Sơn trở ra Bắc.”
(Nhật Ký Đặng Thùy Trâm trang 298- NXBHNV Hà Nội).

Đến nay, không có một tài liệu chính xác nào được cộng sản phơi bày ra ánh sáng về con số cán binh cộng sản chết trên các “con đường mòn trên biển Đông” với mức độ hiểm nguy, và tổn thất kinh khiếp ra sao mà Hà Nội đã phải cho những cán binh này được hay bị truy điệu sống trước khi xuống thuyền hay tàu vào Nam...
Tuy nhiên, như đã đề cập ở phần đầu chương này về chuyện cộng sản trút thương binh ra biển, chúng tôi không có tài liệu, số liệu cụ thể trong tay, nhưng chúng tôi không loại bỏ những cuộc thảm sát loại này khi lịch sử chưa mở ra những trang man rợ, bi đát.

Đây là một công tác giết người tối mật mà cả Hoa Kỳ lẫn cộng sản giữ kín chìa khóa và chưa mở ra vì lý do chính trị tế nhị và phức tạp giữa Hà Nội và Washington, nhưng xin độc giả hãy bình tâm suy nghĩ và lắng nghe đoạn audio sau đây được đọc lại từ một bài viết đầy nước mắt gửi ra từ trong nước và được phát trên đài phát thanh ở hải ngoại: (*)
(*) Nghe lại từ audio được cung cấp kèm theo ấn bản Việt ngữ.