mercredi 23 novembre 2011

Máu và Nước Mắt Trên Lưng Trường Sơn -  P05


Những người bộ đội nhìn ra sự thật của cuộc chiến xâm lược từ miền Bắc

Trong dòng người bị chế độ Hà Nội đẩy vô Nam, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” sau khi bị “tẩy não, xuyên tạc” về những điều mà Hà Nội cho là “xấu xa, tội ác của Mỹ Ngụy”, vô số bộ đội Bắc Việt đã nhìn ra sự thật sau khi đi sâu vào phần đất trù phú miền Nam. Một số trong những người này đã hồi chánh với chính quyền miền Nam (Đại tá Bé của Trung Tâm Chí Linh, nhà văn Xuân Vũ, ca sĩ Đoàn Chính...), một số khác đã bỏ mình trên rừng núi Trường Sơn hay trên trận địa.

- Bài thơ không tới tay người mẹ của người bộ đội sinh Bắc Tử Nam

Ngày 2. 8.2002, Diễn Đàn Nước Việt qua Tran Nam Binh (tran_nb@yahoo.com) đã gửi lên hệ thống internet hai bài thơ của một người bộ đội vô danh bỏ xác trên chiến trường miền Nam. Hai bài thơ đó được tìm thấy trong ba lô bên xác anh dưới bút hiệu Huyền Trân. Anh Phùng Minh Hải gửi bài thơ anh giữ được cho Trần Nam Bình của Diễn Đàn Nước Việt để đăng tải lên trang mạng với lời giới thiệu của chính anh:

Các bạn thân mến, bài thơ sau đây của một anh bộ đội vô danh nghe theo lời Bác & đảng vào miền Nam “chống Mỹ cứu nước” khoảng năm 1965 – 1966. Việt cộng tuyên truyền rằng miền Nam lúc đó đang bị Mỹ Ngụy kềm kẹp khổ đến nỗi không có chén ăn cơm mà phải dùng gáo dừa... Việt cộng đã lừa gạt, xô đẩy hàng trăm ngàn thanh thiếu niên miền Bắc vào chỗ chết, vào chỗ giết chóc bao nhiêu người dân lành vô tội mà bài thơ của anh bộ đội này tâm sự. Người bộ đội này có bút hiệu Huyền Trân.

(Phùng Minh Hải ghi chú và giới thiệu.)
Huyền Trân
Từ Buổi Lên Đường (Thư Gửi Mẹ) 1


Từ buổi con lên đường xa mẹ
Theo anh em sang Lào rồi dấn bước vào Trung
Non xanh nước biếc chập chùng
Sớm nắng biển, chiều mưa rừng gian khổ
Tuổi thanh xuân cuộc đời như hoa nở
Từ hoà bình đâu ngại bước gian nguy
Mấy tháng trời đêm nghỉ ngày đi
Giày vệt gót áo sờn vai thấm lạnh
Những chiều Trường Sơn núi rừng cô quạnh
Mẹ hiền ơi, con chợt nhớ quê mình!
Khói lam chiều giàn mướp lá lên xanh
Con bướm nhỏ mái đình xưa nhớ quá!
Vào nơi đây tuy đất trời xa lạ
Nhưng miền Nam cũng cùng một quê hương
Vẫn bóng dừa xanh, vẫn những con đường
Hương thơm lúa ngọt ngào
Vẫn khói lam chiều, con trâu về chuồng, tiếng tiêu gợi nhớ
Đã qua buổi ban đầu bỡ ngỡ
Con nhìn ra nào giải phóng gì đâu?
Buổi chợ đông vui, đồng lúa xanh màu
Lớp học tưng bừng những đàn trẻ nhỏ
Đang nhịp nhàng vui hát bản đồng ca
Và trong vườn cây lá trổ hoa
Đàn bướm nhỏ rủ nhau về hút mật
Xóm dưới làng trên niềm vui ngây ngất
Sao người ta bắt con phải đốt xóm phá cầu
Phải gài mìn gieo tang tóc thương đau
Đã nhiều lần tay con run rẩy
Khi gài mìn để rồi sau bỗng thấy
Xác người tung máu đổ chan hoà
Máu của ai, máu của bà con ta
Của những người như con, như mẹ
Để bao đêm mắt con tràn lệ
Ác mộng về con trằn trọc thâu canh.


Huyền Trân
Từ Buổi Lên Đường (Thư Gửi Mẹ) 2

Từ buổi con lên đường xa quê Mẹ
Theo đoàn quân đi xâm chiếm miền Nam
Đời chiến binh, bao vất vả gian nan
Ngày vượt suối, đêm băng rừng phá đá...
Đến nơi đây, đất trời tuy xa lạ
Nhưng cũng là non nước của quê ta:
Vẫn ruộng đồng xanh bát ngát, bao la
Con sông nhỏ chảy xuôi về thành phố,
Vườn nhà ai giàn hoa thiên lý trổ
Khói lam chiều nghi ngút tỏa hương đưa
Dưới trời xanh, xanh ngát những bóng dừa
Con cò trắng rủ nhau về tổ ấm.
Vẫn những làng quê, ngôi trường ngói xẩm
Đám trẻ nô đùa, cánh bướm tung tăng
Mặt nước lung linh soi bóng chị Hằng
Làm con chạnh nhớ quê mình ngoài Bắc:
Con đường xưa, những chiều mưa hiu hắt
Gió đông về... lạnh buốt cả thịt da
Khi hè sang... cây gạo trổ đầy hoa
Con với mẹ vẫn buồn trong nắng ấm
Nhưng hôm nay giữa rừng sâu núi thẳm
Nắng miền Nam, con chợt nhớ mẹ Hiền
Mùa Xuân về, soan nở vội ngoài hiên?
Mẹ nhớ bán hoa đào thu năm trước
Con ra đi, biết rằng mình thua cuộc
Lệnh cấp trên! Nào dám cãi được đâu
Đời của con, nay sương gió giãi dầu
Con cảm thấy lòng của mình tê tái
Mỗi lần vấp, là một lần bớt dại
Khiến cho con hồi tỉnh lại tâm can
Nếu họ bắt con đốt xóm, phá làng
Con thà chết để giữ nòi trai Việt
"Bởi miền Nam là non nước Việt Nam"
Huyền Trân/ một bộ đội miền Bắc, tên thật không rõ


(From: "Tran Nam Binh", ngày 2 Aug 2002 16:00:35 -0700 (PDT)

* Chúng tôi xin gửi bài thơ này về lại Việt Nam với niềm thông cảm trân trọng. Mong là người thân của anh bộ đội “vô danh” có bút hiệu Huyền Trân nhận ra được những lời thơ chí tình đứt ruột của anh. Hậu quả đau thương của cuộc chiến đấu “giải phóng miền Nam” đã đẩy cả nước lùi cả trăm năm so với các lân bang Đông Á! Anh là người cảm nhận nỗi đau này, và anh đã chết trên rừng Trường Sơn. Những dòng này như một nén nhang viết cho người anh em ruột thịt “sinh Bắc tử Nam”. Lê Khắc Anh Hào.
(Trích thi tập “Đoạn Trường Lưu Vong”/Lê Khắc Anh Hào/ Viêt Nam 2004/trang 141 – 144)

Ngoài ra, chúng tôi được biết hai bài thơ Từ Buổi Lên Đường của tác giả Huyền Trân mà tên thật không tìm ra trên xác chết người bộ đội “sinh Bắc tử Nam” này cũng thấy được lưu trữ trong Bảo Tàng Viện Quân Sự Alberdeen ở Maryland, Hoa Kỳ.... (theo tiết lộ của bút danh "Nguoi Tu So 200" khi trao đổi trong paltalk ngày 14/01/2007)

- Bài thơ của một người bên kia vĩ tuyến
Tác giả: Một nguời Việt Nam yêu nuớc vô danh từ miền Bắc
Xin kể thêm tôi
.
Xin kể thêm tôi thành muời chín triệu một nguời
Trái tim tôi đập về trong nớ
Dòng máu xa nguồn bỗng giận sôi.

Hoàng sa! Hoàng Sa!
Cái tên nghe buồn như thuở ban sơ
Đối với tôi đã là da thịt
Dẫu chỉ là một mảnh san hô
Lại đau chăng vết buốt tự ngàn xưa
Trang sử cũ còn in hằn dấu ngựa
Từ thảo nguyên xa, từ biên ải lửa
Khói tràn về đen thẩm những ước mơ
Đếm biết bao nhiêu nguời vợ đợi chờ
Em ơi, trên từng trang sử nhỏ.

Xin kể thêm tôi
Thành mười chín triệu một nguời
Thành viên gạch hồng tuơi
Làm bức tuờng thành ngăn triền sóng dữ
Làm chiếc vò đựng mùa xuân ngọt lự
Giữ không rơi một giọt mật nào
Mỗi giọt ra đi chính giọt máu đào
Từ cuộc đời cha ông nhỏ xuống.

Nguời bạn Hải Quân miền Nam ơi!
Trên đảo mù sương hôm đó có tay anh cầm súng
Từ những hạm tầu rẽ sóng đại dương
Tôi thấy máu anh dương nòng sừng sững
Cuộc chiến kết thúc dù bi thảm
Bài ca anh hùng vẫn vọng trời cao
Xin cho thơ tôi phát tiếng súng chào
Vĩnh biệt tuần dương chìm dần giữa sóng
Biển âm thầm ngàn năm lạnh cóng
Vẫn mặn nồng lòng Tổ Quốc ta
Xin cho thơ tôi làm thảm sóng ngân nga
Ru giấc ngủ những chàng trai dũng cảm
Tiếng cuời ngày nào còn ran trong nắng
Đôi mắt ngày nào đọng mắt nguời thương.

Tôi biết mùa xuân chưa đến bao giờ
Ngực đảo còn đau ngàn bàn chân lạ
Hoàng Sa xa vời, ơi Hoàng Sa!
Tên nguời ngân buồn như bản thánh ca.
(Vô Danh)


haitran@nethere.c*m viết:
Đề mục: Xin kể thêm tôi.
Nghe tin xẩy ra trận đánh Hoàng Sa, một nguời sống bên kia chiến tuyến đã ngậm ngùi làm một bài thơ để vinh danh các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ hải biên của Tổ Quốc. Mới nay, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang đã đề nghị làm bia để ghi danh tử sĩ Hoàng Sa. Đây là những bạn đồng hành khả kính đang cùng đấu tranh để giành từng tấc đất của ông cha ra khỏi nanh vuốt của bọn Tầu đỏ…
Trần Chấn Hải
(Trích thi tập “Đoạn Trường Lưu Vong”/Lê Khắc Anh Hào/ Viêt Nam 2004/trang 145 – 147)
Đặng Dung ơi! Lời thiêng giục trống
Nửa vầng trăng lồng lộng trời Nam
Bên trời Bắc Mỹ căm căm
Nửa khuya đất lạnh âm thầm sót trặng (LKAH)


- Hai bài thơ của Chế Lan Viên

(Chúng tôi xin đăng lại 2 bài thơ của Chế Lan Viên rút từ tập “Sổ tay thơ” tập số 5 năm 1987 dĩ nhiên là viết trong Việt Nam. Bài thơ nói lên tấn bi kịch lường gạt của đảng CSVN, thảm kịch của những bộ đội cộng sản bị hy sinh và sống tàn tạ sau chiến tranh. Chế Lan Viên, một trong những nhà thơ nổi danh của cộng sản miền Bắc, nhận lời sám hối, nhưng đảng CSVN thì ngoan cố ù lì trước những đau thương của dân tộc/ Hải Triều)
Ai? Tôi?
Chế Lan Viên

Mậu Thân, hai ngàn (2000) người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm còn sống có ba mươi (30)
Ai trách nhiệm về cái chết hai ngàn người đó?
Tôi!
Tôi, người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình trong lúc xung phong!
Một trong 30 người kia ở mặt trận trở về sau 10 năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy mọi cỡ
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!
Ai chịu trách nhiệm vậy?
Lại chính là tôi!
Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời.
Tôi ú ớ!
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm
Mà tôi xấu hổ!
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ.
Giữa buồn tủi chua cay tôi có thể cười?!


Chế Lan Viên
Trừ đi

Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu! Một nửa!
Cái cần đưa vào thơ tôi đã giết đi rồi!
Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười
Giết một kỷ niệm, giết một ước mơ.
Tôi giết cái cánh sắp bay... trước khi tôi viết
Tôi giết bão táp ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ
Và tôi giết luôn mặt Trời lên trên biển
Giết mưa và giết cỏ mọc trong mưa luôn thể
Cho nên câu thơ tôi gầy com như thế
Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình
Và thơ này rơi đến tay anh
Anh bảo đấy là tôi?
Không phải!
Nhưng cũng chính là tôi: Người có lỗi!
Đã giết đi bao nhiêu cái
Có khi không có tội như mình.


Nhận định về các bài thơ trên đây, chúng ta nhận ra ba dạng người bên kia chiến tuyến hoàn toàn có những nhận thức khác xa Đặng Thùy Trâm:

- Người bộ đội chết trên rừng Trường Sơn sau khi tham dự chiến trường miền Nam, có bút hiệu Huyền Trân. Trong 2 thư gửi Mẹ tìm được bên xác anh, những người lính miền Nam nhận ra anh đã nhận diện được thực tế, nhận diện ra sự thật của cuộc xăm lăng miền Nam phi nghĩa do cộng sản Bắc Việt chủ trương. Anh đã viết những dòng thơ gửi mẹ, những dòng thơ không bao giờ đến, anh đã chết như lời thơ dự báo của anh:
Con ra đi, biết rằng mình thua cuộc
Lệnh cấp trên! Nào dám cãi được đâu
Đời của con, nay sương gió giãi dầu
Con cảm thấy lòng của mình tê tái
Mỗi lần vấp, là một lần bớt dại
Khiến cho con hồi tỉnh lại tâm can
Nếu họ bắt con đốt xóm, phá làng
Con thà chết để giữ nòi trai Việt
"Bởi miền Nam là non nước Việt Nam"
Huyền Trân/ một bộ đội miền Bắc, tên thật không rõ.


(Ngày mai, nếu chế độ cộng sản sụp đổ tại Việt Nam, và tôi, Hải Triều, còn sống, tôi sẽ bỏ phần đời còn lại của mình để cố tìm tông tích gia đình người bộ đội sinh Bắc tử Nam có bút hiệu Huyền Trân với một niềm thương cảm sâu xa...để thắp lên bàn thờ anh một nắm nhang.)

- Một thanh niên hoặc một người bộ đội miền Bắc, ở bên kia vĩ tuyến 17, chia sẻ chính nghĩa của của người lính Hải Quân miền Nam trong trận Hoàng Sa chống Bắc phương:
Người bạn Hải Quân miền Nam ơi!
Trên đảo mù sương hôm đó có tay anh cầm súng
Từ những hạm tầu rẽ sóng đại dương
Tôi thấy máu anh dương nòng sừng sững
Cuộc chiến kết thúc dù bi thảm
Bài ca anh hùng vẫn vọng trời cao
Xin cho thơ tôi phát tiếng súng chào
Vĩnh biệt tuần dương chìm dần giữa sóng
Biển âm thầm ngàn năm lạnh cóng
Vẫn mặn nồng lòng Tổ Quốc ta
Xin cho thơ tôi làm thảm sóng ngân nga
Ru giấc ngủ những chàng trai dũng cảm...


Và chúng tôi nghĩ tác giả vô danh làm bài thơ trên đây chỉ là 1 trong vô số anh em miến Bắc đau lòng nhìn về miền Nam trong cuộc chiến chống trả Bắc phương trong trận Hoàng Sa, trong lúc đó, toàn đảng cộng sản Việt Nam làm thinh toa rập với kẻ thù phương Bắc. Hay nói cách khác, Đặng Thùy Trâm không ở trong hoàn cảnh hay trường hợp chia sẻ tâm trạng của tác giả bài thơ, dù cả hai đều sống dưới chế độ cộng sản miền Bắc Việt Nam.

- Và trường hợp Chế Lan Viên.
Chế Lan Viên là một trong vài nhà thơ lừng lẫy của miền Bắc cộng sản mà thơ văn của ông trở thành công cụ tuyên truyền được cộng sản tận dụng, ông tiết lộ về cái chết hàng loạt thê thảm của những người lính miền Bắc bị đẩy vào Nam trong trận Mậu Thân năm 1968, ông nhận trách nhiệm của mình trong guồng máy tẩy não, tuyên truyền của nhà cầm quyền cộng sản Bắc miền Bắc và ông đã sám hối, ông đã nhận một phần trách nhiệm:
Mậu Thân, hai ngàn (2000) người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm còn sống có ba mươi (30)
Ai trách nhiệm về cái chết hai ngàn người đó?
Tôi!
Tôi người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình trong lúc xung phong!
Một trong 30 người kia ở mặt trận trở về sau 10 năm
Ngồi bán quán bên đường nuô đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy mọi cỡ
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!
Ai chịu trách nhiệm vậy?
Lại chính là tôi!


Vâng, Chế Lan Viên có phải là người đẻ ra chế độ và đảng cộng sản đâu, ông là một nhà thơ có lòng, và chính ông cũng bị cuốn hút vào cơn mê lừa gạt, tẩy não đến có lần đã viết những dòng thơ cho đảng, sặc mùi tuyên truyền, nô lệ Bắc phương:
Dù yêu hương cốm thơm Hà Nội
Không quên Bắc Hải liễu xanh cành
Phương Nam nguyện hái hoa màu lửa
Cho thỏa lòng mơ bạn Bắc Kinh...
(Chế Lan Viên)


Thế nhưng, về sau này, khi chiếm đoạt miền Nam năm 1975 không bao lâu, toàn bộ mặt thật và sự thật về chế độ và đảng cộng sản Việt Nam đã mở ra trước mắt toàn dân và những người trí thức còn có lòng trong hàng ngũ những người cộng sản, trong số đó có Dương Tthu Hương, Chế Lan Viên. Vì thế, trong bài “Trừ đi”, nhà thơ Chế Lan Viên đã tâm sự:
Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu! Một nửa!
Cái cần đưa vào thơ tôi đã giết đi rồi!
Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười
Giết một kỷ niệm, giết một ước mơ.
Tôi giết cái cánh sắp bay... trước khi tôi viết...
(Chế Lan Viên)


Và biết đâu, qua những dòng thơ của Huyền Trân, Chế Lan Viên và người bộ đội hay một thanh niên miền Bắc nào đó đã gửi về Nam bài thơ cảm động cho Hải Quân VNCH trong trận Hoàng Sa... Đặng Thùy Trâm, nếu còn sống đến ngày hôm nay, Trâm có thể sẽ đốt bỏ những dòng nhật ký mà Trâm đã viết năm xưa...?!

Và đây, tiếng thơ của một cựu bộ đội miền Bắc: Nhà thơ Bùi Minh Quốc
Phản chiến
Tổ quốc trong anh máu thấm tận nguồn
Tổ quốc trong chúng gào đầu lưỡi
Hãy cảnh giác!

Khi anh đắm mình máu mê trận mạc
Chúng đưa con đi du học nước ngoài
Rúc kín lâu đài hú hí trên ngai
Hãy cảnh giác!

Bọn mặt bự dẻo mồm
Thời nào chả nhân danh Tổ Quốc
Cao giọng hùng hồn không tiếc máu xương
Lấy xương xây đỏ nghiệp đế vương
Hãy cảnh giác!

Sau chiến tranh chúng lại chiến tranh
Cuộc chiến tranh một phía
Người sống trở về oằn lưng sưu thuế
Chúng lấy máu đúc vàng
Độc quyền ngự trị nghênh ngang
Độc quyền nghĩ
Độc quyền nói
Độc quyền ráo trọi dân đen chỉ một quyền được… đói
Và thêm nữa là quyền sợ hãi
Triền miên…
Hãy cảnh giác!

Dân đen!
Cảnh giác!
Lòng ta yêu vô cùng Tổ Quốc
Chúng luôn luôn làm bẫy đánh lừa
Sập lại chính đời ta
Vào kiếp chó
Canh túi vàng chúng nó…!


Bài thơ gửi Bùi Minh Quốc của người lính miền Nam Lê Khắc Anh Hào
Thơ anh có những đoạn trường
Có bom đạn xới, có đường nhục vinh
Có oan khiên, có thất kinh
Có còng sắt đợi, có hình bũa vây
Thơ anh sợi chỉ giăng dài
Vợ treo đầu gánh những ngày lệ tuôn
Nàng rao bán thơ muôn phương
Gánh thơ bất khuất, gánh nguồn lệ đau
Dòng thơ nỗi uất xâu nhau
Dòng thơ cuồn cuộn nát nhầu sử xanh
Dòng thơ vỡ đất nghiêng thành
Dòng thơ máu lệ tan tành ước mơ.

Anh còn giữ ấm hơi thơ
Thì xin vững đợi cuộc cờ chuyển ngôi
Mai kia ngữa mặt nhìn đời
Tự do, thơ sẽ vực trời Việt Nam!
Lê Khắc Anh Hào

(Thi tập Đoạn Trường Lưu Vong/Vietnam 2004/Trang 38/Lê Khắc Anh Hào)