mercredi 23 novembre 2011

Máu và Nước Mắt Trên Lưng Trường Sơn -  P20

http://tvvn.org/forum/blog_callback.php?b=621
Lê Khắc Anh Hào
Không có gì để tự hào!
Tôi
Không có gì để tự hào về miền Bắc nước ta “thời đại Hồ Chí Minh”
Thời đại Hồ Chí Minh
Xuất hiện dưới hai hình
Mã tù và mã lính ( *)
Thời đại mà người dân phải xếp hàng để mua một cây đinh
Cái thời miền Bắc không xây được một cái dinh
Gia tài cả miền Bắc chỉ có câu nhật tụng “đảng ta quang vinh”
Câu nhật tụng được ấn vô đầu dân lành
Những cái đầu luôn luôn bị công an soi mói, mò rình.

Cái thời
Cuộc sống muôn dân như cây như cỏ,
Vất vưởng, đơn sơ
Cơm ăn không đủ no
Ngày hai bữa khoai, ngô
Những ngày lao động mệt phờ
Nhạc thổi vô tai, tuyên truyền nhồi sọ
Đêm ngủ nằm mơ
Thấy đảng là thơ
Sáng dậy
Vần thơ tan vỡ qua những ngày đấu tố
Từ đầu đường đến cuối phố
Người dân cùng khổ
Ngâm thơ Trần Dần:
“Tôi đi không thấy phố, không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa trên mầu cờ đỏ!”
Nhìn quanh
Người sống lấm la lấm lét như mấy con thỏ
Co ro
Sợ từng tiếng ho
Lo từng tiếng hắng
Em ơi!
Những Đặng Thùy Trâm!
Suốt cuộc đời em, âm thầm, cay đắng
Một thời để nhớ
Là một thời người ta dạy em ngày đêm mơ chiến thắng
Nhưng em ơi!
Sau ngày Sài Gòn chết lặng
Chiến thắng nào đã vùi Tổ Quốc tuột thẳng xuống bùn nâu
Chỉ những kẻ vô lương mới ngẩng mặt cao đầu
Trước nỗi đau trùng trùng của dân tộc
Chỉ những kẻ vong thân mới bịt mắt che tai để không còn nghe tiếng khóc
Của hàng triệu dân lành quằn quại đau thương
“Hạnh phúc – Niềm mơ – Nhân phẩm – Luân thường
Đảng tới là tan nát cả
Lịch sử sang trang
Phủ phàng tai họa
Nào đâu chính nghĩa thắng gian tà…?!” (*)
Lời thơ Nguyễn Chí Thiện còn vọng tận trời xa
Hơn 30 năm đã trôi qua
Đau thương như sóng tràn biển cả
Mà sao nhiều người như chưa một lần mở mắt, xót xa!
Kể cũng lạ!

(Nhân đọc một bài thơ trong tập “Một Thời Để Nhớ” (** ) vừa phát hành tháng 7/06 ở Vancouver)
Lê Khắc Anh Hào
(*)
Thơ Nguyễn Chí Thiện

***

Xẻ dọc Trường Sơn,

Bài thơ gửi người nữ bộ đội sinh Bắc tử Nam Đặng Thùy Trâm

Xẻ dọc Trường Sơn, em vỡ đá
Em lâm trận chiến giữa lưng đèo
Bên dòng nước lạnh trong veo
Máu em nhuộm đỏ bọt bèo nổi trôi!

Xẻ dọc Trường Sơn em về Nam
Vượt rừng, bạt núi, rét căm căm
Em đi quên tháng quên năm
Tuổi xuân tan nát giữa hầm đạn bom!

Xẻ dọc Trường Sơn giải phóng ai
Ôi em oan nghiệt tấm hình hài
Hồn em trong gió thở dài
Xác em Hà Nội hay ngoài gió trăng?

Xẻ dọc Trường Sơn, bàn tay thon
Vai em đảng chất một núi hờn
Em đi chân lệch vai sờn
Đảng dùng em dấu chân son lót đường!
Lê Khắc Anh Hào
Những điều không thể quên... khi nhìn lại lịch sử đau thương của dân tộc


1.
Chỉ có thú vật mới quay lưng với nỗi đau của đồng loại, mà chỉ lo chăm sóc cho bộ lông của mình.
Karl Marx.
( Marx đúng khi phát biểu điều này. Và Marx đúng khi phát biểu điều này với cộng sản Việt Nam, những người tôn thờ ông nhưng không hiểu ông!/Hải Triều)

2.
“Phái đoàn VNCH tại Paris đã không hề được thông báo gì về những cuộc họp kính giữa Kissinger và Lê Đức Thọ cho mãi đến khi TT Nixon tuyên bố vào tháng Giêng 1972 rằng đã có những cuộc mật đàm ấy.
Phía VNCH không hề biết rằng trong những cuộc mật đàm giữa Kissinger và Lê Đức Thọ ngày 16/8/1971, Hoa Kỳ đã hứa sẽ rút hết quân đội Mỹ trong vòng 9 tháng sau khi có hiệp định…”

Trích “Hồ sơ mật Dinh Độc Lập”/Trang 29, phân đoạn 1 và 2/ Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L. Schecter.

3.
Quân lực Hoa Kỳ và QLVNCH không thua cuộc chiến tại Việt nam, mà chính những nhà hoạch định chính sách và các thành viên trong quốc hội Hoa Kỳ đã buộc chúng ta thua cuộc chiến đó. Tôi đã cùng chiến đấu với các anh trong 4 năm; tôi kính phục các anh và giờ đây tôi vẫn tiếp tục kính phục các anh.
Theo tôi, tự do và dân chủ cuối cùng sẽ thắng...”

(Thống tướng Westmoreland phát biểu trong cuộc hội thảo chính trị quốc tế tại Dirksen Senate Building, Washington, DC ngày 2/5/1995/ với chủ đề “Prospects for Democracy in Vietnam after 20 years of Totalitarian Misrule/ do tổ chức International Commitee for a Free Vietnam/ ICFV tổ chức tại Thượng Viện Hoa Kỳ)

4.
Thời Luận phỏng vấn tướng Westmoreland.
Hỏi:
Là tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam, thống tướng nhận xét thế nào về khả năng chiến đấu của quân đội Mỹ và quân đội miền Nam khi đối đầu với quân cộng sản Bắc Việt?
Đáp:
Tôi kính trọng tinh thần chiến đấu của quân đội miền Nam Việt Nam. Về phía quân đội Hoa Kỳ, tôi thấy không có gì để nói thêm. Bởi vì cuộc chiến Việt Nam chấm dứt phát xuất từ vấn đề chính trị chứ không phải là vấn đề quân sự.

(Thời Luận số ra ngày 11/05/1995 về cuộc Hội thảo chính trị quốc tế 2/5/1995 – Nguyễn Vạn Hùng phỏng vấn tướng Westmoreland.)

5.
Họp Hội Đồng Nội Các trong Bạch Cung ngày hôm sau, Kissinger báo cáo: “lúc này toàn thể quân đội Bắc Việt đang ở trong Nam... Chỉ một lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến cũng có thể chiếm được hết Bắc Việt. Hiệp định Ba Lê đã bị vi phạm một cách nghiêm trọng!”
Những tuần lễ đầu tiên trong tháng Tư cũng tạo cơ hội cho những cố gắng trong hậu trường để lật đổ tổng thống Thiệu. Diễn tiến sự kiện cho thấy cuối cùng Nam Việt nam phải đối đầu với hai kẻ thù: Cộng sản và Hoa Kỳ.

Larry Berman
(Không hoà bình, chẳng danh dự. Nixon, Kissinger và sự phản bội ở Việt Nam/ trang 2 bìa trong)
Ghi chú:
Chỉ một lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến? Và ít nhất là 4 sư đoàn tổng trừ bị thiện chiến của QLVNCH còn nguyên. Tại sao Hoa Kỳ không đánh tràn ra Bắc chiếm cả Hà Nội? Hoa Kỳ đã không làm gì cả.!/ Hải Triều.

6.
Sau này, Vernon Walters được hỏi sao Bắc Việt không bao giờ chịu cung cấp một danh sách tù binh đầy đủ. Ông trả lời rằng: “ Lê Đức Thọ nhìn vào mặt Kissinger trong cuộc thương thuyết ở Ba lê và nói rằng: Tôi không hiểu tại sao tôi lại điều đình với ông. Tôi mới nói chuyện với thượng nghị sĩ Mc Govern trong suốt 6 giờ. Phong trào phản chiến của các ông sẽ bắt các ông trao cho tôi điều tôi muốn!”

(Larry Berman/ “Không hòa bình, chẳng danh dự” trang 142 – 143/tài liệu giải mật)

7.
... Chúng ta đến Việt Nam trước nhất là để giúp đỡ người dân Nam Việt Nam chứ không phải để chiến thắng Bắc Việt. Chúng ta chìa tay ra và người Nam Việt Nam đã đón nhận. Giờ này, họ cần bàn tay giúp đỡ đó hơn bất cứ lúc nào. Trên mọi tiêu chuẩn, 20 triệu con người ( Nam Việt Nam) đã nói lên với thế giới sự đe dọa đè nặng trên mạng sống của họ, nói lên nỗi gắn bó tha thiết của họ với những giá trị trong cuộc sống không cộng sản, và nói lên ước mơ của họ mưu tìm con đường để tiếp tục lối sống không giống lối sống của những người đang chịu đựng luật lệ của Bắc Việt.
Mức yểm trợ hiện nay của Hoa Kỳ bảo đảm sẽ đưa chính phủ Việt Nam đến chỗ thất trận. Số 150 triệu đô la còn lại trong ngân khoản 750 triệu của tài khóa 1975 chỉ đủ dùng trong một chuyến tiếp vận lớn, trong một thời gian ngắn. Cơ may thành công cũng chỉ có thể có được nếu có ngay một ngân khoản phụ trội 722 triệu để tạo cho Nam Việt nam khả năng phòng thủ tối thiểu chống lại cuộc xăm lăng ( của Bắc Việt) được Nga và Trung cộng yểm trợ. Sự yểm trợ phụ trội của Hoa Kỳ không đi ngược với tinh thần và đường hướng của Hòa Ước Ba Lê, văn kiện căn bản cho những thỏa thuận hòa bình tại Việt Nam...
Uy tín của Hoa Kỳ, như một quốc gia đồng minh, đang bị thử thách tại Việt Nam. Để bảo vệ uy tín, chúng ta cần yểm trợ Việt Nam tối đa, và ngay lúc này.

Fred C. Weyand
Đại Tướng Tham Mưu Trưởng Lục Quân Hoa Kỳ / Phúc trình Tổng Thống của tướng Weyand ngày 4/4/1975
( Phúc trình và khuyến cáo của đại tướng Weyand lên TT Hoa Kỳ đề ngày 4/4/1975 khi Bắc quân mới tới địa đầu vùng 2. Thế nhưng, Hoa Kỳ đã quyết định buông tay, dù tướng Weyand chỉ xin một ngân khoản viện trợ phụ trội 722 triệu đô la. Tham dự một trận chiến mà không muốn đạt tới chiến thắng, mà phải hy sinh hơn 50 ngàn quân Mỹ ở chiến trường Việt Nam là một điều phi lý, nghịch thường. Bức tử và hy sinh miền Nam Việt Nam và QLVNCH rõ ràng là một sự “phản bội cúi mặt chiến lược” của Hoa Kỳ / HT ghi chú.)

8.
“Nam Việt Nam đã chống cự hữu hiệu trong 25 năm và không phải luôn luôn được người Mỹ giúp đỡ. Tôi nghĩ không có quốc gia nào có thể chịu đựng một cuộc chiến dai dẳng và tàn khốc đến như vậy... Rốt cuộc, quân lực ấy đã tài giỏi hơn sự ước lượng của mọi người...”
Peter Kahn/ The Wall Street Journal/May 2. 1975 “Truy Điệu Nam Việt Nam.”

9.
Tất cả những sự thất bại lịch sử và những hèn nhát tồi tệ của biết bao nhiêu nhà lãnh đạo Tây Phương đều chồng chất lên lưng những người lính Nam Việt Nam... Thật là bất lương và bất công. Sự nhục nhã là của chúng ta chứ không phải là của quân đội Việt Nam Cộng Hòa.”
David Halberstam/ Newsweek.

10.
“Ngày nay, đảng CSVN không còn xem việc cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam trước đây vào năm 1975 là một chiến thắng của họ nữa. Nếu chủ nghĩa cộng sản là không tưởng và những đề hứa hẹn chỉ là hão huyền khi dựng nên một cuộc chiến, hy sinh hàng triệu người để áp đặt chủ nghĩa đó lên trên một đất nước, quả thật đó là điều lầm lẫn, và hơn thế, đó là một điều đáng nguyèn rũa.
Nhưng điều quan trọng hơn hết, cuốn sách sẽ chứng minh miền Nam Việt Nam đã đánh bại những người cộng sản tại chiến trường, trong làng mạc, nơi rừng xanh...”

(Trích “Cuộc chiến thắng bị bỏ lỡ”/Victory Lost của GS Stephen Young/Lời mở đầu, trang 15)

Ghi chú:
Các ghi chú từ số 2 đến số 10 trích trong tập Những Trận Đánh Không Tên Trong Quân Sử, trang 5 và 6 tập 2, năm 2006/Nhóm Nhà Văn Quân Đội/Hải Triều

11.
“Trong cách xử thế và cầm quyền, nhân tính không phải là điều làm họ thắc mắc, nhân tình không ngăn bước họ. Mục đích biện minh phương tiện là phương châm nằm lòng, là tâm lý hành động, nên họ không từ nan hành động tàn ác nào để đạt mục đích. Điều lợi là lẽ phải, là sự thật, là đạo đức, trong cách họ phán đoán sự việc. Vì thế, suy luận chỉ một chiều, họ không bao giờ chùn bước. Khí thế đang lên, họ không thấy cần thay đổi cách nhìn theo hoàn cảnh đất nước đã thay đổi. Chế độ miền Bắc đã có sẳn đường lối: cách mạng, có sẳn phương pháp trị nước: đấu tranh giai cấp, có sẳn phương tiện trị dân: chuyên chính vô sản. Tất cả dựa trên sức mạnh võ đoán.”
Trích”Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm và Mặt Trận Giải Phóng”/Trang 216, phân đoạn 4/ Hồ Sĩ Khuê/ Nhà xuất bản Văn Nghệ 1992

12.
Cách mạng muốn trả thù miền Nam đến cùng, nhưng còn chùn chân phần nào để đo lường sức phản ứng nên chưa vội lăng nhục quần chúng không thuộc hệ thống nhà nước Sài Gòn. Người đường phố thủ đô vốn tinh ranh, nhất là bọn trẻ, đã hiểu trước sau cũng đến lược mình. Nên thanh niên nam nữ ngoài phố gặp nhau, nheo mắt chào: “ngụy dân!”
Thắng lớn quá, người cộng sản đâm ra kênh kiệu huênh hoang. Trên xe bus, cán bộ từ Bắc vào Sài Gòn chỉ ngay hành khách người Nam mà hỏi nhau ngon ơ: “Sao bọn này còn được cho ở lại thành phố?”

Trích”Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm và Mặt Trận Giải Phóng”/Trang 402, phân đoạn 5/ Hồ Sĩ Khuê/ Nhà xuất bản Văn Nghệ 1992


Tác phẩm này được thành hình trong vòng 6 tháng kể từ sau ngày tác giả đọc tập Nhật Ký Đặng Thùy Trâm do nhà xuất bản Hội Nhà Văn Hà Nội phát hành.
Tác giả mong đón nhận và học hỏi từ những đóng góp, phê phán của quý thức giả, độc giả, và xin thứ lỗi về những sai sót, khiếm khuyết trong tác phẩm.
Tác giả chân thành tri ơn về sự đóng góp bài vở, các nguồn tài liệu được dùng trong tập “Máu và nước mắt trên lưng Trường Sơn”.
Và tác giả cũng không quên chân thành tạ ơn những đóng góp vật chất của bạn bè đã giúp tài chánh in ấn tác phẩm này vì mục tiêu chung: một Tổ Quốc Việt Nam tự do và trường tồn.
Sau cùng, tác giả tạ tội bất hiếu cùng Cha Mẹ trong những ngày mòn mỏi cuối đời, mà tác giả, người con trưởng trong gia đình, vẫn nhất quyết không về quê hương còn dưới mầu cờ đỏ, cho dù nếu Cha Mẹ có mất trước ngày cộng sản Việt Nam sụp đổ…


Hải Triều

http://tvvn.org/forum/entry.php?621-M%C3%A1u-v%C3%A0-N%C6%B0%E1%BB%9Bc-M%E1%BA%AFt-Tr%C3%AAn-L%C6%B0ng-Tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-S%C6%A1n