mercredi 23 novembre 2011

Máu và Nước Mắt Trên Lưng Trường Sơn -  P14



Tâm sự của một người bộ đội cộng sản sau năm 1975 đến mặt thật của cái gọi là “chiến tranh giải phóng”.


Người chủ trương tập sách này, Hải Triều, đã giữ bức thư nhầu nhòe của một anh bộ đội suốt thời gian trốn chui nhủi ở Việt Nam trong những ngày Hải Triều tìm đường vượt thoát. Bức thư còn vì người giữ bức thư còn sống khi vượt trùng dương vạn dậm, và còn giữ đến hơn 30 năm nay kể từ ngày anh bộ đội viết từ núi rừng Kontum ngày 11/12/1976. Bức thư 4 trang giấy khổ nhỏ chằng chịt những dòng chữ vừa như tâm sự, vừa như oán trách, vừa như những dòng nhật ký của một người cô đơn muốn viết ra và để lại cho đời. Và bức thư không qua tay đảng, không qua kiểm duyệt, không mang bất cứ vóc dáng nào của Nhật Ký Đặng Thùy Trâm.

Anh là một chiến sĩ, một bộ đội thật sự, khác với Đặng Thùy Trâm là một bác sĩ. Và cuối thư, anh yêu cầu người nhận hủy đốt lá thư anh viết, vì anh là một người cộng sản! Như một định số, người nhận đã không hủy thư như theo lời yêu cầu của anh để hôm nay, thư anh xuất hiện trong tập sách này như tiếng nói của một chứng tích ngoài vòng tay đảng cộng sản Việt Nam.

Đó là những dòng thư của anh Chu Quang Hĩu, một bộ đội không rõ cấp bậc thuộc một đơn vị của Sư Đoàn Sao Vàng (?) được lệnh đóng lại ở xã Lương Sơn, Bắc Bình, Bình Thuận vào những tháng giữa năm 1976, một năm sau khi miền Nam lọt vào tay cộng sản.

Các đơn vị cộng sản không có doanh trại, không xây doanh trại. Nhà cầm quyền cộng sản tại địa phương ra lệnh cho mỗi gia đình đồng bào phải nhận từ 4 đến 5 bộ đội ở trong nhà. Gia đình tôi, người thực hiện tập sách này, nhận 4 người. Trong tình người, cha mẹ tôi đối xử tử tế với họ, cho họ thức ăn khi thấy họ ăn uống thiếu thốn, không phải vì sợ hay vì có con đang ở trong trại tù “cải tạo” của Việt cộng, mà hoàn toàn vì tính hiền hòa, nhân đạo của người miền Nam.

Khi tạm trú trong nhà, nhóm họ không có gì phiền hà gia đình tôi, chỉ trừ có việc làm Ba Mẹ tôi lo sợ là mỗi đêm họ bắt đài VOA và BBC oang oang ngay trong nhà tôi, và có lần du kích nhào vô nhà tôi khám nhà đụng độ với bộ đội! (Kể cả việc họ hát nhạc Sài Gòn mà họ gọi là nhạc vàng lén nghe từ miền Bắc hay trên rừng Trường Sơn…)

Ở lâu thì thấy họ cũng dễ thương, và dường như nhóm họ tương đối có chút ít học vấn, chữ nghĩa nên Ba Mẹ tôi có cảm tình với họ. Sau một thời gian vài tháng, khi chiến tranh Miên Việt bắt đầu đổ máu nặng dọc biên giới thì bất ngờ, một phần đơn vị của những người bộ đội này được lệnh chuyển quân đến ga Sông Lũy để ra Trung và đi Cao Nguyên. Và đây là nguyên văn bức thư của một trong những người bộ đội vào Nam sau 1975:

Đơn vị ngày 11/12/1976.
Rừng núi Công Tum một chiều buồn
Chị Tuyết (1)
Trường Sơn hôm nay về thăm mọi người nơi miền quê tươi đẹp và anh hùng. Tới nay cũng đã một tháng xa gia đình và mảnh đất Lương Sơn thân yêu, thế mà em cứ ngở là như là mới ngày hôm qua, với hình ảnh của tất cả cứ hiện ra chước mắt em hoài thôi, vậy mà em cần bặt ngay lấy tờ giấy chắng này, thay cho tâm hồn em bay về bằng những dòng chữ thô sơ, cùng nhiều lời lẽ mộc mạc, tâm tình, dễ hiểu, dễ nhớ.
Lời đầu, theo lối cổ chuyền của dân tộc, em xin chúc toàn thể gia đình luôn có một sức khỏe dồi giàu, qua đó chuyển lời cho em thăm hỏi tới đầy đủ sức khỏe của anh hai, anh cường, chị ba, anh Tứ. Lần này ông bà già và nói chung toàn thể gia quyến đều được an mạnh cả chứ chị Tuyết.
Ông già ở dẫy có lẽ ít về nhà lắm nhĩ. Anh Tứ, Hương, Chín có hay về chơi không. Lương Sơn cảnh cũ đã có gì thay đổi chưa hở chị. Bộ đội đi hết có lẽ vui tợn. Còn chị Tuyết vẫn khỏe tợn đấy chứ, đến bao giờ thì… Nhớ để phần bánh ngọt cho em đấy. À hai anh lính còn ở nhà đấy chứ, họ xắp chuyển đi nơi khác chưa.
Bọn em ra đi mà nhiều người họ múa tay trong túi, em cũng như mọi thanh niên khác, vậy thì làm xao, có lẽ chỉ vì màu xanh mà họ không muốn nhìn, muốn chúng em khuất đi để họ khỏi ngứa mắt. Mỗi khi bọn lính chúng em gặp những bước đường dan khổ, thì họ lại vỗ tay cười dồ lên.
Thế là thế nào. Mầu áo của em có mang hận thù gì với một người nào đâu, và cũng chẳng mang nợ máu với ai chên cái đất Việt này. Em cũng chỉ làm cho nhà nước để một tháng lấy 5 đồng uống nước thôi chứ có mang về nhà được gì đâu, chỉ thêm cho gia đình những cảnh chia lìa, mẹ thì cạn nước mắt, bố thì cứ ngày ngày ngóng tin con. Vậy mà còn không cảm thông cho bọn em: đó là một điều mà em thật thắc mắc.
Muốn nói với họ thật nhiều để họ hiểu màu xanh là gì. Chên đây em muốn nói chuyện với chị về những người chưa có con mắt tinh để nhìn vào cái mầu hiếu chiến này, chứ còn chị có lẽ đã hiểu nhiều về em, nên đừng chấp làm gì.
Phần chên này, chúng em đều khỏe cả, vẫn cảnh cũ, chưa có gì thay đổi. Chị Tuyết nối hộ em nhịp cầu nam bắc có được không. Nhớ Lương Sơn lắm, làm xao quên được, nhất là những sự cố gắng của gia đình giúp đỡ chúng em chong lúc chưa có nơi chú ẩn, những việc này mà Thày mẹ em biết được, chắc rất mừng. Và xóa thế nào được cái tối xau hết. Thật nhiều cái quyến luyến. Trong bóng đêm quay lại nhìn chị mà nghẹn ngào, hôm đó muốn nói thật nhiều với chị, thế mà cuối cùng cũng chỉ nói được xơ qua, đó có phải em không muốn nói đâu, bởi súc động, và cũng ảnh hưởng một phần là lo nghĩ về ngày mai của cuộc đời xẽ mờ dần, tuổi xuân bón cho cây rừng Trường Sơn. Thật sợ hãi.
À em kể sơ về Công Tum, bây giờ mới tạm nghỉ lại Tân Cảnh, tức tỉnh Gia Công hiện nay. Khí hậu ở đây khác với Lương Sơn, lạnh lắm, thường nhiệt độ 12, 15, có khi 24 là cao, giét ở đây khô khó chịu bởi gió bắc tợn nên khô lắm, gia tái cứ mát xa. Về đời sống hàng ngày, tất cả đều thiếu thốn, những lá dau ở dưới đó cho heo ăn, thì chên này lại không có. Về tinh thần cũng chẳng được thoải mái, tình cảm của dân chúng cũng khô khan, họ ấn tượng với bộ đội lắm. Sắp tới đây, chúng em xẽ đi tới chỗ có lẽ gặp nhiều điều chẳng lành. Vậy chị Tuyết xin qua Phật, Thượng đế giúp em đi được bình an, cám ơn chị nhiều. Có lẽ thư cũng hơi dài, xin phép được dừng bút, cuối cùng một lần nữa, xin chân thành kính chúc toàn thể mọi người luôn khỏe, vạn sự như ý, và thành công tốt đẹp chên con đường đang tiến.
Chị chuyển lời cho em thăm và chúc sức khỏe của chị Tài, chị Mai, chị Lí, anh gì mà hay đến chơi nhất, cô Gái, Hương và Thu.
Xin chào tạm biệt tất cả, hẹn ngày mai khi ngừng tiếng súng, nếu còn sống, sẽ chở về thăm Lương Sơn, lúc đó chị đừng đuổi em.
Tái bút: Chình độ có hạn, nên chong thư có gì xai xin chị bỏ qua và cảm thông cho em. Có lẽ xem xong, chị Tuyết xẽ đốt đi ngay, bởi vì em là cộng sản.
Đừng dận em nhé. Hĩu
Hiển và anh Chương có lời hỏi thăm gia đình. Thời gian hơi có hạn nên không biên thư được. Nhận được thư báo sớm biết với.
Chu quang Hĩu.
(Hết phần đánh máy lá thư)

Toàn bộ bức thư viết tay được đánh máy lại như nguyên bản, các dấu chính tả sai và lỗi văn phạm cũng như từ ngữ dùng của miền Bắc không sửa đổi để giữ đúng nguyên văn phong và tinh thần của lá thư.

Về bao thư, ngoài những dòng chữ gửi cho người nhận ở Photo Thủy, đường Trần Hưng Đạo, Phan Rí Cửa, Bắc Bình Thuận Hải, chúng tôi thấy thư được chuyển về thành phố Hồ Chí Minh, dấu bưu điện đề 13H – 26-2-1977. Tem thư trên góc mặt thấy đề chữ “Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam” giá tem 12 xu, nhưng lại kèm theo ba dòng chữ in “Việt Nam độc lập thống nhất xã hội chủ nghĩa”. Vậy là “Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam” của Huỳnh Hữu Thọ/Nguyễn Thị Bình… được tráo thành “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” của nhóm Lê Duẩn/ Lê Đức Thọ…

Những chi tiết trên bao thư cho thấy đến năm 1977, đảng cộng sản Việt Nam còn dùng tem của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, một công cụ của Hà Nội, trong tem thư bưu điện, và điều nghịch lý là nước gọi là nước “Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam” lại được cai trị bởi nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của miền Bắc cộng sản rồi sau đó trở thành nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Chưa hết, trên mặt con tem của “Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam” lại in “Việt Nam Độc Lập Thống Nhất Xã Hội CHủ Nghĩa”. Đúng là một thứ giải phóng gian trá lừa bịp dân tộc và lịch sử.

Về nội dung bức thư, đọc và suy ngẫm, chúng ta thấy gì? Người bộ đội Chu quang Hĩu đặt chân sâu vào phần đất miền Nam sau ngày Sài Gòn sụp đổ; qua lá thư, cho thấy anh hoàn toàn khác Đặng Thùy Trâm.

Tháng 3/1967, Đặng Thùy Trâm vào đến Quảng Ngãi, miền Trung Việt Nam thuộc chiến trường B với tất cả những nhiệt huyết và lý tưởng của một người yêu nước, căm thù ứ tim, nghĩ rằng cuộc chiến đấu của Trâm là chính nghĩa, ông Hồ là “thần thánh”, đảng cộng sản là tuyệt vời.
Tháng giữa năm 1976 đến Lương Sơn, Bình Thuận, sau đổi thành Thuận Hải, đóng quân và rồi di chuyển tiếp lên Kontum tháng 12/1976 chuẩn bị tiến qua Miên, Chu Quang Hĩu đã ở trên đất miền Nam không còn là chiến trường B, đã không có bất cứ điều gì giống như trong đầu Đặng Thùy Trâm trong những ngày ở trong rừng Đức Phổ, Quảng Ngãi.

Về mặt con người và tình cảm, Chu Quang Hĩu như một người Việt Nam có tình cảm, có đạo lý khi tiếp cận với đồng bào miền Nam, anh không có bất cứ điều gì canh cánh trong lòng về mặt hận thù, chính trị và phân biệt. Bà già tôi mỗi buổi cơm chiều, nhìn nhóm Hĩu ăn uống thiếu thốn, cam khổ chỉ cơm với rau muống pha muối và bột ngọt, bà cụ không đành lòng, đã cho họ cá canh… và đó là những cái gì mà Hĩu và bạn anh vô cùng cảm kích về tình người miền Nam. Anh đã thư về Bắc cho gia đình nói hết về những gì đầm ấm, tốt đẹp của miền Nam và đồng bào, đã nói hết những gian khổ của bộ đội đi B và cảm thấy tủi thẹn khi nhìn rõ cảnh vật và đời sống sung túc của miền Nam, dù là một miền Nam trong chiến tranh và sau chiến tranh.
Trong đầu người người bộ đội Chu Quang Hĩu, so với miền Bắc, miền Nam là một miền Nam trù phú, tươi đẹp, no ấm và đầy tình người hơn hẳn miền Bắc… đâu có cái gì cần phải giải phóng. Trong đầu Đặng Thùy Trâm, so với miền Bắc, miền Nam là một miền Nam bị áp bức, tù đày, đói khổ không cơm ăn áo mặc, đầu đường xó chợ… nên miền Bắc “anh hùng” phải hạt muối cắn làm hai, hạt gạo cắn làm tư để chia cơm xẻ áo cho miền Nam, để huy động thanh niên “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và hàng trăm ngàn thanh niên hy sinh trên chiến trường “sinh Bắc tử Nam”! Cái bất hạnh của Đặng Thùy Trâm là đã ngã xuống ngày 22/06/1970 để phải mang xuống tuyền đài những ảo vọng mà đảng cộng sản tuyên truyền, những sự thật giả trá mà đảng cộng sản nhồi nhét, những căm thù ứ tim do đảng cộng sản tôi luyện vào tim óc Trâm trước khi nàng có cơ hội nhìn một miền Nam như cái nhìn thực của Chu Quang Hĩu.
Đọc những dòng thư của Chu Quang Hĩu, người viết thấy thương và tội nghiệp cho anh. Anh đã nhận xét thực, anh đã có những thắc mắc thực và anh đã viết ra giấy từ rừng núi Kontum những gì anh nghĩ sau khi rời Lương Sơn. Anh đã viết gì?

- Lương Sơn cảnh cũ đã có gì thay đổi chưa hở chị. Bộ đội đi hết có lẽ vui tợn….!
- Bọn em ra đi mà nhiều người họ múa tay trong túi. Em cũng như mọi thanh niên khác, vậy thì làm sao? Có lẽ chỉ vì màu xanh mà họ không muốn nhìn, muốn chúng em khuất đi để họ khỏi ngứa mắt. Mỗi khi bọn lính chúng em gặp phải những bước đường gian khổ, thì họ lại vỗ tay và cười dồ lên. Thế là thế nào? Mầu áo của em có mang hận thù gì với một người nào đâu, và cũng chẳng mang nợ máu với ai trên cái đất Việt này. Em cũng chỉ làm cho nhà nước để một tháng lấy 5 đồng uống nước thôi, chứ có mang về nhà được gì đâu, chỉ thêm cho gia đình những cảnh chia lìa, mẹ thì cạn nước mắt, bố thì cứ ngày ngày ngóng tin con. Vậy mà còn không cảm thông cho bọn em. Đó là một điều mà em thật thắc mắc…

- Nhớ Lương Sơn lắm, làm sao quên được, nhất là những sự cố gắng của gia đình giúp đỡ chúng em trong lúc chưa có nơi trú ẩn, những việc này mà Thày mẹ em biết được chắc rất mừng… Hôm đó muốn nói thật nhiều với chị, thế mà cuối cùng chỉ nói được sơ qua, đó có phải em không muốn nói đâu, bởi xúc động, và cũng ảnh hưởng một phần lo nghĩ về ngày mai của cuộc đời sẽ mờ dần, tuổi xuân bón cho cây rừng Trường Sơn. Thật sợ hãi.

- Về đời sống hàng ngày, tất cả đều thiếu thốn. Những lá rau dưới đó cho heo ăn thì trên này lại không có. Về tinh thần cũng chẳng được thoải mái, tình cảm của dân chúng cũng khô khan, họ ấn tượng với bộ đội lắm. Sắp tới đây chúng em sẽ đi tới chỗ gặp nhiều điều chẳng lành…
- Xin chào tạm biệt tất cả, hẹn ngày mai khi ngừng tiếng súng, nếu còn sống sẽ trở về thăm Lương Sơn…

- Tái bút: Trình độ có hạn nên trong thư có gì sai, xin chị bỏ qua và cảm thông cho em. Có lẽ xem xong, chị Tuyết sẽ đốt thư đi ngay, bởi em là cộng sản…

Trên đây là một số trích đoạn quan trọng gần như là “linh hồn” của lá thư. Người viết có sửa một số lỗi chính tả trong phần vừa trích để độc giả hiểu trọn ý các đoạn trích mà không ngộ nhận. Tinh thần, hay còn gọi là “linh hồn” lá thư nói lên cái gì?

Trước nhất chúng ta thấy đây là một lá thư rất tình cảm và chân thành của một người bộ đội miền Bắc đối với một gia đình đồng bào miền Nam đã giúp họ trong thời gian đầu họ tiếp cận đồng bào miền Nam, thế nhưng những điều nổi bật (người cộng sản gọi là nổi cộm) cốt lõi của lá thư là:
- Những người bộ đội miền Bắc thấy rõ miền Nam sung túc, giàu đẹp, đầy tình người.
- Đồng bào miền Nam, từ đồng bằng đến Cao nguyên không thích bộ đội, không thích “được giải phóng”. Dân miền Nam đâu có mong, đâu có mừng, đâu có chào đón bộ đội vào Nam giải phóng. Họ có “ấn tượng” với bộ đội, và bộ đội miền Bắc biết rõ…
- Người lính bộ đội miền Bắc bị đẩy vô chiến trường miền Nam để đồng bào miền Bắc… “chỉ thêm cho gia đình những cảnh chia lìa, mẹ thì cạn nước mắt, bố thì cứ ngày ngày ngóng tin con.” Đồng bào miền Bắc đâu chia sẻ cuồng vọng xăm lăng miền Nam của đảng cộng sản.
- Sau gần 2 năm cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam bằng vũ lực do Hoa Kỳ bó tay và bức tử Việt Nam Cộng Hòa, ở trên đất miền Nam trong tư thế kẻ chiến thắng, nhưng tại sao người bộ đội miền Bắc còn… “lo nghĩ về ngày mai của cuộc đời sẽ mờ dần, tuổi xuân bón cho cây rừng Trường Sơn. Thật sợ hãi.”? Và “…Sắp tới đây chúng em sẽ đi tới chỗ gặp nhiều điều chẳng lành… Xin chào tạm biệt tất cả, hẹn ngày mai khi ngừng tiếng súng, nếu còn sống sẽ trở về thăm Lương Sơn…”
Điều này về sau, người bộ đội miền Bắc sống sót trên chiến trường miền Nam, nhà thơ Bùi Minh Quốc đã viết thẳng thong trong bài thơ “Phản chiến”:
….
Sau chiến tranh chúng lại chiến tranh
Cuộc chiến tranh một phía
Người sống sót trở về oằn lưng sưu thuế
Chúng lấy máu đúc vàng
Độc quyền tự trị nghênh ngang
Độc quyền nghĩ
Độc quyền nói
Độc quyền ráo trọi
Dân đen chỉ một quyền được đó… đói
Và thêm nữa là quyền sợ hãi
Triền miên…

(Bùi Minh Quốc)

Thư anh Chu Quang Hĩu viết cho gia đình tôi ( Hải Triều) là một lá thư không bị kiểm duyệt, chính vì thế nó có giá trị thực, phản ảnh một tình huống chính trị liên quan tới cuộc chiến tranh phi nghĩa từ miền Bắc. Nội dung lá thư này, dù không dài bằng “Nhật Ký Đặng Thùy Trâm” nặng tính căm thù, tuyên truyền và xa sự thật, nhưng từng dòng chữ trong thư có đủ tính thuyết phục cho một nhận định rõ nét rằng cuộc chiến tranh xăm lăng miền Nam nhân danh cái gọi là “áp bức, đói khổ, giải phóng”… là thứ “giải phóng” gian trá, lừa đão, vô nghĩa và không cần thiết. Hơn thế nữa, tại sao “giải phóng” miền Nam gần cả 2 năm sau mà người bộ đội lại phải “lo nghĩ về ngày mai của cuộc đời sẽ mờ dần, tuổi xuân bón cho cây rừng Trường Sơn. Thật sợ hãi.”? Và “… Sắp tới đây chúng em sẽ đi tới chỗ gặp nhiều điều chẳng lành… Xin chào tạm biệt tất cả, hẹn ngày mai khi ngừng tiếng súng, nếu còn sống sẽ trở về thăm Lương Sơn…”

Chúng tôi xin nhắc lại đoạn này một lần nữa để thấy cộng sản Hà Nội mở thêm cuộc chiến tranh qua tận Kampuchea. Và đúng như anh bộ đội Chu Quang Hĩu dự đoán, cộng sản Việt Nam đã hy sinh thêm 50 ngàn thanh niên Việt Nam trên chiến trường Kampuchea do cuồng vọng của những nhà lãnh đạo đảng CSVN hay do chỉ đạo của cộng sản quốc tế từ Mạc Tư Khoa?! Tôi không biết trong số trên 50 ngàn thanh niên Việt Nam chết trên đất Miên có anh Chu Quang Hĩu hay không, nhưng Bùi Minh Quốc hoàn toàn đúng qua những dòng thơ vừa trích dẫn trên đây… Bùi Minh Quốc đã thấy rõ chân dung toàn diện của đảng cộng sản Việt Nam sau năm 1975 mà cả thế hệ Đặng Thùy Trâm lẫn Chu Quang Hĩu không có cơ hội nhìn thấy. Thật là tội nghiệp cho hàng triệu thanh niên miền Bắc đã ngã xuống trên các con đường mòn Hồ Chí Minh dọc Trường Sơn hay đường mòn Hồ Chí Minh trên biển rộng…

Đồng bào miền Bắc không được cho biết điều này. Những người bộ đội “sinh Bắc tử Nam” xong, còn sống sót lại trở thành “sinh Bắc tử Miên” cũng không dự liệu chuyện này, và dĩ nhiên lớp thanh niên thế hệ Đặng Thùy Trâm cũng không biết chuyện này. Đó là một mảnh đau thương của dân tộc. Đó là một mảnh tội ác của đảng cộng sản Việt Nam trong dòng lịch sử máu và nước mắt Việt Nam…!

Theo tôi được biết, ngày nhận lệnh chuyển quân lên Cao Nguyên để chuẩn bị đưa quân vào chiến trường Miên, một số sĩ quan bộ đội cộng sản đã tức giận lôi tên một số tướng lãnh cộng sản ra nguyền rũa trước mặt gia đình tôi.
Viết những dòng này hơn 30 năm sau kể từ khi người bộ đội Chu Quang Hĩu viết dòng đầu thư “Rừng núi Công Tum một chiều buồn ngày 11/12/1976”, tôi cảm thương không biết anh còn sống hay anh đã chết trên rừng Trường Sơn, hay trên đất Miên xa lạ mà anh không có nghĩa vụ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu Miên”. Anh biệt tăm từ đó. Anh viết “xin hẹn ngày mai khi ngừng tiếng súng, nếu còn sống, sẽ trở về thăm Lương Sơn”, anh em chúng tôi sau những năm tháng tù tội, đã thoát khỏi Việt Nam bằng đường biển đầu năm 1980, vẫn không có một tin tức gì từ người bộ đội năm xưa mà anh đã một lần “quyến luyến, nghẹn ngào” khi rời Lương Sơn bằng Molotova lên ga Sông Lũy chờ đi Cao Nguyên. Lá thư cảm động của anh hôm nay còn nguyên trong tay tôi như một kỷ niệm khó quên… Và tôi cầu mong anh còn sống! Cầu mong nếu còn sống, sẽ có ngày gặp lại anh.
(Bản chụp thư Chu Quang Hĩu xem ở phần phụ chương)
***
Cùng một gốc thiêng liêng nguồn lịch sử
Bao nỗi niềm trôi nổi bước hưng vong
Muốn yêu khắp loài người xin hãy nhớ
Đến thân này xương máu Việt Nam chung
(Ý Yên)