Tác giả: Tùng Phong (Ngô Đình Nhu)
1. LỜI TRẦN TÌNH
VỊ TRÍ CỦA VIỆT NAM TRONG THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI
HOÀN CẢNH LỊCH SỬ CỦA CỘNG ĐỒNG QUỐC GIA CỘNG SẢN
VÀ SỰ PHÂN CHIA LÃNH THỔ ĐƯỜNG LỐI PHÁT TRIỂN CỦA DÂN TỘC ....
Tập tài liệu bạn đang có trong tay là kết tụ những nghiên cứu và phân tích dựa trên kinh nghiệm lịch sử của cố vấn Ngô Đình Nhu cùng một số phụ tá thân cận nhằm giúp những cán bộ quốc gia nắm vững con đường xây dựng và phát triển dân tộc. Công cuộc hình thành một lược đồ thích hợp cho tương lai dân tộc vừa nhen nhúm thì biến cố ngày 1 tháng 11 năm 1963 đã làm sụp đổ, hậu quả là những tàn phá sâu rộng về cả mặt nhận thức lẫn nhân tâm, khiến đất nước tiếp tục chìm đắm trong chiến tranh, nghèo đói và bị các thế lực ngoại lai khống chế.
Một phần những đề tài này đã được thảo luận trong hàng ngũ cán bộ lãnh đạo dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, nhưng chưa được đào sâu và áp dụng, nhất là công cuộc xây dựng tầng lớp lãnh đạo có đủ khả năng gánh vác trọng trách trong giai đoạn mới cần nhiều thời gian chuẩn bị, nên lược đồ xây dựng cho tương lai dân tộc bị gián đoạn từ đó.
Trung thành với khát vọng chung, và cùng ôm ấp lý tưởng xây dựng một tương lai lâu dài cho đất nước, một số chiến hữu trung kiên đã cho in tập tài liệu này năm 1964, nhưng tình hình chính trị bất ổn, và chính quyền quân sự lúc ấy đang chịu những áp lực từ nhiều phía, vì vậy tập tài liệu quí hiếm này bị coi là di sản của “chế độ cũ” nên bị chôn vùi đến quên lãng.
Tiếp đến là biến cố 30 tháng Tư năm 1975 đẩy khối người Việt quốc gia vào tuyệt lộ, giữa lúc cơ đồ tan hoang, lòng dân thất vọng đến tột cùng. Kẻ ở người đi, từng người dân lênh đênh theo vận nước, con đường giải phóng dân tộc khỏi ách độc tài đảng trị của cộng sản để tái xây dựng một quốc gia phú cường chỉ còn là ảo ảnh. Khát vọng xây dựng đất nước của những người hằng thao thức và nặng lòng với quê hương rà soát lại, và nhận ra rằng con đường đã có sẵn, làm sao cùng khởi động để tiến tới việc tái cấu trúc mô hình đã bị bỏ dở trước đây. Năm 1988, tập tài liệu được tái bản tại Hoa Kỳ do một nhóm thân hữu đã cùng sát cánh bên nhau trong nhiều năm, trong ấy phải kể đến các ông Cao Xuân Vỹ, Lê Văn Đồng, Phan Xứng, Đỗ La Lam, và một số thân hữu khác. Nhưng nỗ lực lần này cũng không đi xa hơn, tập tài liệu gần như biến mất trên thị trường sách báo. Trong khi lớp cán bộ quốc gia đã một thời đóng góp cho đất nước lần lượt ra đi theo định luật của thời gian, thế hệ kế tiếp làm mắt xích nối kết chu kỳ lịch sử chưa sẵn sàng bắt tay vào công việc còn dang dở; trong khi đất nước bị Cộng Sản đẩy vào nghèo đói chậm tiến và lạc hậu suốt hơn ba thập niên qua.
Đứng trước hoàn cảnh Việt Nam hôm nay những người thật sự quan tâm tới vận mệnh dân tộc không khỏi âu lo khi nhìn thấy cơ đồ của tổ tiên đang bị kẻ thù phương bắc bao vây và gặm nhấm từng phần từ khắp mọi lãnh vực; bên trong thì bè lũ tham ô ngu dốt đang tiếp tay cho giặc làm bại hoại sức đề kháng, nhằm triệt hạ ý chí quật cường của dân tộc nên nguy cơ nước ta lại rơi vào ách thống trị phương bắc không còn là vấn đề bàn cãi, mà chỉ là thời gian, nếu chúng ta không sớm thức tỉnh.
Tìm lại những bài học lịch sử của tiền nhân để áp dụng vào con đường cứu nước và dựng nước trong thời đại hôm nay, thật ra đã có sẵn ngay trong tập tài liệu này. Nếu đem đối chiếu những diễn biến chính trị toàn cầu có ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam trong mấy chục năm qua, thì chúng tôi vừa ngạc nhiên vừa khâm phục, vì những diễn tiến ấy đã được đề cập đến, và phân tích một cách chính xác cách nay đã gần 50 năm. Do đó điểm hội tụ những trăn trở của lớp sĩ phu trong nước cũng như ở hải ngoại muốn nhìn thấy hướng đi tương lai của dân tộc hiện rõ nét ngay trong tập Chính Đề Việt Nam này. Tập tài liệu không vạch ra những chi tiết, vì đó là một lược đồ mang tính lịch sử, không phải chỉ một hai thế hệ, mà là sự nối tiếp của một ngàn năm lịch sử, và sẽ kéo dài đến hàng ngàn năm về sau. Do đó lược đồ này cần được nghiên cứu sâu rộng để soạn thảo thành những tài liệu chi tiết của từng vấn đề, hầu có thể áp dụng hiệu quả vào công cuộc chung của đất nước. Đây là một công trình nghiên cứu cần sự góp sức của nhiều khối óc ở trong nước cũng như hải ngoại.
Vì vậy dù gặp muôn vàn khó khăn, nhóm chủ trương quyết định ấn hành tập tài liệu này, nhằm tái khởi động sức phấn đấu của dân tộc trong giai đoạn cấp bách hiện nay.
Chúng tôi mong ước tập tài liệu này sẽ được đón nhận và trở thành những mắt xích nối kết những người có cùng khát vọng phát triển và xây dựng một nước Việt Nam cường thịnh, trong đó người dân thật sự quyết định lấy vận mệnh của chính mình.
Ấn hành tập tài liệu này, nhóm chủ trương không nhắm mục đích tài chánh, do đó không để giá tiền như những ấn phẩm lưu hành trên thị trường, mà là muốn giữ gìn một công trình nghiên cứu có giá trị vượt thời gian đã bị chôn vùi đến quên lãng gần nửa thế kỷ qua; mà theo thiển nghĩ của chúng tôi không thể đánh giá công trình trí tuệ thượng thặng này bằng tiền bạc được. Hơn nữa công trình này nên trở thành sở hữu chung của mọi người, nhất là những ai đã có dịp đọc qua, chắc chắn không thể phủ nhận giá trị đích thực của nó, và nên chia sẻ với những người cùng chung chí hướng để góp sức cho một tương lai tốt đẹp hơn.
Điều mong ước sau cùng của chúng tôi là tập tài liệu này sẽ không là nguyên cớ cho bất kỳ phiền phức nào cho ai, dầu ở trong nước hay tại hải ngoại.
Chúng tôi hết lòng kính trọng và biết ơn những bậc đàn anh đã nêu gương yêu nước và kiên trì khích lệ các thế hệ tương lai nối tiếp con đường của cha anh.
Sài-gòn, Mùa Xuân 2009.
2009-11-07 04:57:35