Tác giả: Tùng Phong (Ngô Đình Nhu)
4. NHẬN ĐỊNH VỀ THẾ GIỚI - LĨNH VỰC CHÍNH TRỊ
Hiện nay trong lĩnh vực chính trị, thế giới chia làm hai khối rõ rệt: một bên là khối tự do, một bên là khối Cộng Sản.
Mặc dầu gần đây, có xảy ra một mặt những cuộc tranh chấp đôi khi lên đến một cao độ đáng chú ý giữa các quốc gia trong khối Cộng Sản,... cũng như trong khối Tự Do, một mặt khác nhiều thỏa ước có tính cách chính trị, văn hóa, khoa học hay kinh tế đã được ký kết giữa những quốc gia thuộc khối khác nhau, sự phân biệt trên vẫn còn giữ nguyên giá trị. Lý do của tình trạng đó là sự khác biệt giữa hai khối do hai quan niệm khác nhau về phương pháp lãnh đạo.
Hai bên đều tuyên bố mục đích tối hậu của mình là mưu hạnh phúc cho nhân dân. Tuy nhiên, để đạt mục đích đó, khối Tự Do chủ trương khắc phục cho được sự tự ý tham gia của quần chúng vào công cuộc xây dựng hạnh phúc đó. Trái lại khối Cộng Sản chủ trương một sự tham gia cưỡng bách.
Hai quan niệm đều có ưu và khuyết điểm. Sự chọn lựa một trong hai quan niệm trên không căn cứ trên các ưu và khuyết điểm ấy mà lại do những hoàn cảnh lịch sử, mà chúng ta sẽ thấy.
Nay chỉ cần biết rằng sự khác biệt giữa hai quan niệm ấy đã dẫn dắt đến các sự khác biệt về lý thuyết chính trị, về bộ máy chính phủ, về hệ thống kinh tế và về quyền sở hữu.
Lĩnh vực văn hóa
Bây giờ nếu chúng ta đứng vào lĩnh vực văn hóa thì nhận thấy thế giới lại chia ra làm nhiều khối hơn. Trước tiên là khối Âu Mỹ gồm các nước ở Âu Châu, kể cả Nga Sô và các nước Đông Âu thuộc Nga. Các nước ở Bắc và Nam Mỹ và những quốc gia do người Âu lập ra ở Úc Châu, Tân Tây Lan và Nam Phi. Khối này gồm các nước thuộc vào xã hội Tây Phương thừa hưởng văn hóa Hy Lạp và La Mã khi xưa và văn hóa Gia Tô sau này.
Khối thứ hai gồm các quốc gia Ả Rập ở từ vùng cận Đông đến Hồi Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Soudan, Ai Cập và các quốc gia Bắc Phi Châu. Khối này lập thành xã hội Hồi Giáo thừa hưởng văn hóa Hồi Giáo.
Khối thứ ba gồm các quốc gia ở phía Đông Đại lục Âu Á: Nhật Bổn, Đại Hàn, Trung Hoa và Việt Nam, lập thành xã hội Đông Á thừa hưởng văn hóa xưa của Trung Hoa.
Khối thứ tư gồm Ấn Độ và – ngoài các nước nhỏ phụ cận phía Bắc Ấn Độ – Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt, Mã Lai và Nam Dương. Lập thành xã hội Ấn Độ thừa hưởng văn hóa Ấn Độ.
Và sau hết khối Hắc Phi gồm các quốc gia mới xuất hiện ở Phi Châu lập thành xã hội Hắc Phi có một văn hóa phôi thai.
Lĩnh vực khoa học kỹ thuật
Bây giờ nếu chúng ta đứng vào lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, thì chúng ta lại nhận thấy các khối chính trị văn hóa nói trên tự nhiên biến mất, và lại hiện ra một hiện trạng thống nhất bất ngờ. Tất cả các quốc gia trên đều theo đuổi một khoa học – khoa học Tây phương, đều áp dụng một kỹ thuật – kỹ thuật Tây phương, dù kỹ thuật đó thuộc về lĩnh vực chính trị, hay quân sự, hay giáo dục, hay sản xuất, hay kinh tế, hay kỹ nghệ, hay vận tải và giao thông.
Vì những lý do gì mà tùy theo lĩnh vực, thế giới khi thì hợp thành một khối, khi lại chia ra nhiều khối?
Các sự kiện lịch sử dưới đây sẽ giải thích rõ hình trạng mới xem qua phức tạp đó.
Văn minh Tây phương chinh phục thế giới
Trở ngược lại dòng lịch sử và nhìn vào bản đồ thế giới vào khoảng thế kỷ XIV, thời kỳ mà các phương tiện giao thông còn nghèo nàn, thì chúng ta nhận thấy rằng cách đây không quá 600 năm các xã hội mà chúng ta đã phân biệt trên kia trong lĩnh vực văn hóa đã có. Chẳng những thế, lúc bấy giờ ranh giới giữa các xã hội trên lĩnh vực văn hóa lại cũng là ranh giới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và kỹ thuật.
Nhưng sau đó, văn minh Tây phương thoát khỏi thời kỳ phôi thai và phát triển một cách hùng mạnh. Nền vãn minh này tự tạo cho mình một sinh lực dồi dào nhờ thừa hưởng được văn hóa Hy Lạp và La Mã xây dựng trên những căn bản lý trí chính xác và nhờ ở kinh Thánh Gia Tô gieo cho quần chúng một đức tin mãnh liệt.
Nhờ đó, người Tây phương tìm được nhiều phát minh khoa học và sáng chế được nhiều kỹ thuật khả dĩ giúp cho họ vượt biển và chinh phục nhiều đất đai mới. Lúc đầu họ chiếm những vùng dân cư thưa và lạc hậu ở Nam và Bắc Mỹ lập thành những quốc gia mới theo kiểu Âu Châu.
Nhưng lần lần theo đà phát triển càng ngày càng mãnh liệt và càng ngày càng nhanh của xã hội Tây phương, người Tây phương khắc phục được nhiều kỹ thuật mới lạ khả dĩ đặt vào trong tay họ những mãnh lực vật chất không xã hội nào đương đầu nổi. Và vào thế kỷ 16 họ đã bắt đầu chinh phục xã hội Hồi Giáo lân cận. Thế kỷ 17 và 18 chứng kiến sự thất bại của các quốc gia trong xã hội Ấn Độ và thế kỷ 19 đến lượt các quốc gia trong xã hội Đông Á. Đến thế kỷ 20 văn minh Tây phương đã hoàn toàn chinh phục thế giới và nhờ đó mang lại cho các dân tộc Tây phương một nền thịnh vượng chưa từng thấy. Tất cả các quốc gia ngoài xã hội Tây phương đều bị biến thành thuộc địa hay bán thuộc địa. Chỉ trừ một vài dân tộc như Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bổn vì nhờ đã sớm nhận định được bí quyết thành công của người Tây phương là ưu thế của họ trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật.
Những nước này đã “Duy Tân” kịp thời, khắc phục những kỹ thuật của Tây phương để chẳng những tự vệ đối với sự tấn công của Tây phương mà lại còn, cũng như các nước trong xã hội Tây phương, mang lại cho dân tộc của họ một mức sống dồi dào hơn.
Tất cả các nước khác như Việt Nam đều phải chịu mang ách nô lệ, và cũng như Việt Nam, đã mất một cơ hội thứ nhứt để xây dựng cho dân tộc mình một quốc gia hùng cường và để mang lại hạnh phúc cho đời sống của quần chúng.
Ngày nay tình trạng thống nhất của thế giới trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật có hai ý nghĩa.
1. Văn minh Tây phương đã chinh phục thế giới, và đã chinh phục bằng khoa học kỹ thuật.
2. Các quốc gia nào muốn tồn tại đều phải khắc phục khoa học Tây phương và kỹ thuật Tây phương.
Nhưng muốn khắc phục được khoa học Tây phương và kỹ thuật Tây phương, trước tiên phải khắc phục lối suy luận của Tây phương đặt trên căn bản chính xác về lý trí. Và sau đó khắc phục những tập quán trong đời sống hằng ngày khả dĩ nuôi dưỡng và duy trì lối suy luận trên. Nếu chỉ hấp thụ khoa học và kỹ thuật không, thì không sáng tác được. Mà không sáng tác được khi người Tây phương tiếp tục sáng tác là mối đe dọa của Tây phương vẫn còn mãi.
Vì vậy cho nên, ngày nay trên thế giới vấn đề Tây phương hóa là một vấn đề thiết yếu cho các quốc gia muốn tồn tại, mặc dầu Tây phương hóa theo kiểu khối Tự Do hay Tây phương hóa theo kiểu khối Cộng Sản.
Và đó cũng là một vấn đề thiết yếu cho nước Việt Nam.
Sau này chúng ta sẽ xem vấn đề Tây phương hóa là như thế nào, và việc Tây phương hóa có hại đến tinh thần dân tộc không.
Vấn đề Cộng Sản.
Từ đầu của thế kỷ XX, lý thuyết Cộng Sản đã làm chấn động xã hội Tây phương. Sau đó lý thuyết Cộng Sản đã trụ đóng và phát triển ở Nga. Và ngày nay lý thuyết Cộng Sản đang hoành hành ở Á Châu và đang đe dọa Nam Mỹ. Nhưng ở mỗi nơi lý thuyết Cộng Sản được tiếp nhận bởi những lý do khác nhau và được giải thích theo một lối thích nghi với hoàn cảnh địa phương. Cộng Sản ở Âu Châu khác Cộng Sản ở Nga. Cộng Sản ở Nga khác Cộng Sản ở Tàu, nhưng ba nơi đều là Cộng Sản. Các sự kiện lịch sử dưới đây sẽ giải thích vẻ phức tạp mới xem qua đó.
Cộng Sản ở Tây phương
Khoa học và kỹ thuật của Tây phương đã phát triển theo một đà càng ngày càng nhanh, vì thế cho nên nhiều lúc đã vấp phải sức thụ động của các cơ cấu xã hội lúc nào cũng tiến hóa chậm hơn. Trong các thời kỳ đó sự xung đột bộc lộ bằng những xáo trộn xã hội.
Cuối thế kỷ 19, Tây phương phát minh những kỹ thuật sản xuất kỹ nghệ.
Lúc đầu những lực lượng sản xuất mới đó chưa được điều khiển hoàn bị, đã gây ra nhiều cuộc đảo lộn trong một xã hội thủ công nghệ. Đa số thợ thủ công bị phá sản và trở thành thợ thuyền vô sản, trong khi những máy móc sản xuất tối tân tập trung tư bản vào tay một thiểu số. Sự quân bình trong việc phân phối tài sản của xã hội thủ công nghệ cũ đã bị đổ vỡ và đại đa số dân chúng thợ thuyền phải sống một đời vô cùng cực khổ.
Karl Max, triết học gia và kinh tế gia, người Đức gốc Do Thái, sống ở Anh, nhận thấy rằng tất cả các tệ đoan lúc bấy giờ do ở chỗ các cơ cấu của xã hội Tây phương không còn thích nghi với những lực lượng sản xuất mới do các phát minh kỹ thuật mang đến. Do đó Karl Max đề nghị một kiểu xã hội mới xây dựng trên những căn bản mới để cho phù hợp với các phương tiện sản xuất mới. Ông chủ trương thành lập xã hội mới bằng một cuộc cách mạng toàn diện.
Như vậy, ở Tây phương, thuyết Cộng Sản là một phương thuốc của Tây phương đề nghị để chữa căn bệnh cho xã hội Tây phương trong một giai đoạn phát triển cam go.
Về sau các nhà lãnh đạo Tây phương lại tìm được nhiều phương thuốc khác, nhờ đó mà xã hội Tây phương chẳng những trở nên lành mạnh mà còn phát triển mạnh bạo hơn, như chúng ta thấy ngày nay. Do đó mà hiện nay, thuyết Cộng Sản đã mất rất nhiều sinh lực trong xã hội Tây phương và trong một ngày gần đây sẽ không còn nữa.
Cộng Sản ở Nga.
Trong xã hội Tây phương, Nga là một dân tộc Slave ở trên ranh giới giữa Âu và Á, chịu ảnh hưởng Á châu rất nhiều bởi các cuộc chinh phục như của Thành Cát Tư Hãn và của Attila. Các nước ở Tây Âu lại thuộc giống Latin hay là Saxon. Sự hai bên cùng theo đạo Gia Tô đáng lý ra phải giúp cho sự sum họp, lại trở thành thêm một yếu tố chia rẽ sau khi giáo hội Gia Tô đã vỡ ra thành hai giáo hội, một giáo hội Đông trong đó có Nga và một giáo hội Tây ở La Mã.
Vì lý do trên mà trong lịch sử giữa Nga và Tây Âu có một cuộc tranh chấp không ngừng hiện nay vẫn đang tiếp diễn. Cuộc tranh chấp lúc trầm lúc bổng. Tây Âu thắng nhờ kỹ thuật tiến bộ hơn. Lúc nào Nga hấp thụ được kỹ thuật Tây phương thì lại giữ phần thắng nhờ khối dân đông và đất rộng. Tây phương lại phát minh những kỹ thuật mới và lại thắng, và cứ như thế tấn tuồng lại tái diễn.
Vào cuối thế kỷ 19, khi Tây phương, ngoài đã chinh phục thế giới nhưng trong lại gặp phải những trở lực xã hội tạo hoàn cảnh cho thuyết Cộng Sản bành trướng, thì Nga ở vào một thời kỳ yếu thế vì kém về kỹ thuật. Các nhà lãnh đạo Nga, theo chiến thuật cổ truyền, đang nỗ lực hấp thụ các kỹ thuật mới của Tây phương. Nhưng lần này ngoài các kỹ thuật vật chất họ lại thâu nhận thêm thuyết Cộng Sản. Vì hai lý do:
1.- Họ muốn gấp rút bắt kịp Tây Âu bằng cách tổ chức trước Tây phương một xã hội mới thích nghi với các phương tiện sản xuất mới như Marx đã đề nghị.
2. Nếu nước Nga trở nên thành trì của thuyết Cộng Sản, thì sự bành trướng của thuyết Cộng Sản trong các nước Tây Âu sẽ biến các Đảng Cộng Sản của các quốc gia nầy thành những đồng minh nội tuyến trong lòng địch, rất quí báu cho Nga trong cuộc tranh chấp hằng mấy thế kỷ với Tây Âu.
Như vậy, chuyển từ Tây Âu sang Nga thuyết Cộng Sản đã nghiễm nhiên từ một phương thuốc được đề nghị cho xã hội Tây phương, biến thành vừa là một phương tiện giúp cho sự phát triển của Nga vừa là một khí giới sắc bén giúp Nga đánh bại kẻ thù.
Dầu sao sự tranh chấp vẫn là một sự tranh chấp nội bộ giữa các quốc gia trong xã hội Tây phương.
Sở dĩ Nga đã đưa cuộc tranh chấp ấy lên thành một cuộc tranh chấp quốc tế chỉ vì kẻ thù Tây Âu lúc bấy giờ đã bủa vây lưới kinh tế của họ trên khắp thế giới.
Và cũng vì để tạo cho họ vây cánh trên khắp thế giới mà các nhà lãnh đạo Nga Sô đã hô hào các lãnh tụ các quốc gia bị chinh phục làm thuộc địa hay bán thuộc địa gia nhập vào hàng ngũ Cộng Sản
Như vậy thuyết Cộng Sản đối với Nga chỉ là một phương tiện và ngày nào mục đích đã đạt được, phương tiện sẽ không còn giá trị nữa.
Ngày nay, mục đích đã đạt, Nga đã thắng nhờ khắc phục được kỹ thuật Tây Âu và nhờ khối dân đông và đất rộng của mình. Các biến cố hiện tại ở Âu Mỹ chứng tỏ rằng Nga sắp đến lúc bỏ phương tiện Cộng Sản và trở về với xã hội Tây phương
Những sự tiếp xúc của tòa thánh La Mã với các lãnh tụ giáo hội Nga là một trong những cố gắng để đưa Nga Sô về xã hội Tây phương.
Và ngày đó sự tranh chấp quyết liệt giữa Cộng Sản và Tư Bản, như ngày nay, sẽ tự tiêu và nhường chỗ cho một cuộc tranh chấp khác quyết liệt hơn hiện nay đã bắt đầu thành hình giữa khối Trung Cộng và khối Âu Mỹ.
Cộng Sản ở Á Châu
Trong hệ thống giá trị truyền thống của hai nền văn minh Á Châu: văn minh Ấn Độ và văn minh Trung Hoa, không có một điểm nào có thể làm mầm cho một thuyết tàn bạo như thuyết Cộng Sản nảy nở được.
Sở dĩ ngày nay thuyết Cộng Sản hoành hành được ở Á Châu là vì chính Tây phương đã tạo hoàn cảnh cho nó nẩy nở và chính Tây phương đã đưa nó vào. Sau khi thảm bại trước lực lượng chinh phục của Tây phương, các quốc gia ở Á Châu đều lần lượt bị biến thành thuộc địa hay bán thuộc địa. Tinh thần bất khuất của dân tộc khiến các lãnh tụ vẫn tiếp tục một cuộc tranh đấu vô hy vọng. Bởi vì, để đương đầu với những lực lượng xâm lăng hùng hậu của Tây phương bủa lưới khắp chiến trường thế giới, chúng ta chỉ có thể đưa ra để nghinh chiến những lực lượng kém kỹ thuật trong một chiến trường giới hạn trong từng quốc gia. Sự thất bại đã cầm chắc nếu chúng ta không có những đồng minh đồng sức với kẻ thù.
Vì nhận định như vậy cho nên các lãnh tụ cách mạng thức thời đều hưởng ứng lời kêu gọi của Nga Sô. Sự đồng minh với Nga Sô sẽ mang lại cho họ:
1.- Những phương tiện xứng đáng để đánh bật kẻ thù ra khỏi lãnh thổ.
2.- Một kiểu mẫu và những phương pháp phát triển quốc gia khi đã phục hồi độc lập.
Như vậy sang Á Châu thuyết Cộng Sản chỉ còn là một phương tiện để đánh kẻ xâm lăng và một phương pháp phát triển.
Cho tới đây những nhà lãnh đạo chủ trương theo Cộng Sản còn có lý vững chắc. Nhưng sau đó họ hoàn toàn lầm lẫn nếu họ say mê mà tôn thờ thuyết Cộng Sản như là một chân lý, và quên rằng.
1.- Nga Sô chỉ xem thuyết Cộng Sản là một phương tiện và chỉ có giá trị là một phương tiện.
2.- Phương pháp Cộng Sản áp dụng ở Nga mặc dầu đã đưa đến kết quả, nhưng không phải vì vậy mà có thể áp dụng một cách hữu hiệu cho mọi quốc gia.
Mao Trạch Đông đã nhìn thấy rõ hai điểm trên đây. Sự khác biệt giữa các phương pháp Cộng Sản ở Nga và ở Tàu là một bằng cớ. Cộng Sản ở Việt Nam cũng nằm trong khuôn khổ trình bày trên đây.
2009-11-07 05:13:49