dimanche 11 décembre 2011

 Việt Nam Quê Mẹ Oan Khiên CH-21
Pierre Darcourt

CHƯƠNG HAI MƯƠI MỐT

ÔNG DƯƠNG VĂN MINH LÀ AI ?

Hình ảnh của tướng Dương văn Minh do các ủng hộ viên của ông đưa lên ở Việt Nam cũng như ở ngoại quốc đã được rút ngắn gọn lại chỉ còn một vài nét ca tụng cá nhân, nhưng thường không đúng và có quá nhiều sự việc, chi tiết quan trọng thì đã bị bỏ lửng trong bóng tối. Hình ảnh đó được tóm gọn trong một vài phẩm cách căn bản cần thiết và có lợi cho những người lãnh đạo như : đó là một người chủ trương "hòa bình", liêm chính, trung trực, bình dân và được kính nể,v.v...

Cộng sản Bắc Việt xem ông ta như một "người đối thoại có giá trị".

Tờ Kinh Tế Viễn Đông còn trịnh trọng xác nhận ông ta đã tốt nghiệp trường Des Charles của Pháp nữa.

Nhân vật nầy có thể không cần phải có những nhận xét quá đơn thuần như thế đâu, nếu người ta nghĩ tới động cơ nào đã thúc đẩy ông đi tới hành động và nếu chịu khó nghiên cứu kỹ về tiểu sử của ông người ta sẽ thấy là các phẩm tính đã gán cho ông không được chính xác lắm đâu. Những biến cố mà ông đã dính vào, sự bất nhất và những mâu thuẫn của những người chung quanh ông đã cho thấy rằng ông thường là công cụ của những khuynh hướng chánh trị khác nhau hoặc của những nhân vật có tham vọng cá nhân nhưng sau đó họ đã bỏ rơi ông ta trong sự bối rối không biết phải làm gì .

Ông sanh ngày 19 tháng 2 năm 1916 tại Mỹ Tho, ngay thị xã của một tỉnh cũ của người Khờ me, một giang cảng quan trọng thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Ông đã lớn lên ở Miền Tây Nam Bộ trong vùng đồng ruộng mênh mông có nhiều sông rạch rộng và sâu. Thân phụ ông là một người cao lớn hiền lành , thông phán của Chánh Phủ, giỏi về văn chương thơ phú Việt Nam và triết học Lão Giáo, chỉ sống cho bạn bè. Thân mẫu ông cũng to con, đen đúa có giòng máu Cam pu chia. Từ hệ gia tộc như vậy, ông Minh là một mẫu người đặc biệt, thích có bạn bè, không sợ cái chết, thường có sự kính trọng các quan chức, và cũng có một màu da ngâm đen. Ông học hết bậc trung học ở trường Pháp Chasseloup-Laubat và có tú tài đôi, khoa học. Ông ta gần như là một lực sĩ , bơi lội giỏi và là một tay chơi quần vợt rất có hạng. Năm 1939 ông bị động viên vào bộ binh của người Pháp.
(nguyên tác: infanterie coloniale). Vào thời đó, các binh sĩ bộ binh nầy thường có biệt danh là những con "cá heo", là những tay đấm đá, dân xâm mình, hay nhậu nhẹt và lúc nào cũng sẵn sàng đánh nhau. Không như các bạn Việt Nam yếu đuối khác thường tránh gây sự, ông Minh to mồm và hiếu chiến, không bỏ qua chuyện gì hết, cứ húc thẳng mỗi khi bị khiêu khích và húc mạnh. Năm 1940, ông ra trường với cấp bậc chuẩn úy ở Thủ dầu Một, đứng hạng 3. Năm 1945 được thăng trung úy và là sĩ quan thể thao của đồn quân Vũng Tàu. Cũng vào năm đó, ngày 9 tháng 3 khi quân Nhật tấn công các đơn vị Pháp, ông chiến đấu mãnh liệt suốt đêm, nhưng khi cuộc chiến chấm dứt, ông đã ngả theo Nhật, đó là một điểm quá yếu. Khi Nhật đầu hàng, để tránh ra hội đồng quân pháp, ông lui về quê nhà ở Mỹ Tho sống với môt quan chức, ông Nguyễn ngọc Thơ, bạn của thân phụ ông. Trong vòng mấy tuần lễ với sự sảng khoái của nền độc lập vừa mới tìm lại được, ông lại ngồi vào "ủy ban hành chánh Việt Minh" của tỉnh Mỹ Tho. Đến tháng 10 năm 1945, khi đoàn quân thiết giáp của đại tá Massu vào Mỹ Tho, ông tự để cho họ bắt mà không kháng cự. Được hộ tống về Sài Gòn , nơi ông bị truy tầm như một quân nhân đào ngũ, chánh quyền đưa ông sang Cảnh Sát đặc biệt ở đường Catinat đễ điều tra. Ở đó ông bị qua một cơn hành xác quá khủng khiếp. Các nhân viên điều tra đã đánh ông bằng gót giầy làm gãy hết hàm răng trên chỉ còn lại một chiếc. Từ lúc đó ông mới có biệt danh là "Minh sún" (nguyên tác :"L'Édenté").

Mãi đến năm 1947 ông mới được trở vào quân đội Pháp lại với cấp bậc cũ .Là một sĩ quan tốt, rất chịu khó chiến đấu không mệt mỏi, ông được binh sĩ trực thuộc thương mến. Năm 1951, ông được thăng cấp đại úy và đảm nhiệm chức vụ sĩ quan tùy viên cho ông Trần văn Hữu, Thủ tướng Việt Nam . Năm 1952 ông được thăng Thiếu tá và được gời đi thụ huấn lớp Chỉ Huy Tham Mưu ở Pháp. Đến 1953, ông ra trường và trở về Miền Trung Việt Nam với cấp bằng Chỉ Huy Tham Mưu cao cấp. Ở đây ông chỉ huy nhiều cuộc hành quân trong vùng rừng thiêng nước độc của "dãy phố buồn hiu".

Sau Hiệp ước Genève 1954, ông được gọi về Sài Gòn. Thủ đô Sài Gòn lúc bấy giờ như một thùng thuốc súng sấp nổ, không người nào tin vào khả năng đứng vững của tân Chánh Phủ của ông Diệm. Ở Miền Nam Việt Nam các giáo phái Hòa Hảo, Cao Đài và Bình Xuyên rất hùng mạnh. Lực lượng quân sự của họ nếu tính chung lại được lên quá con số 50.000 người và những vùng ảnh hưởng của họ trải rộng khoản 1/3 đất nước. Bảy Viễn, lãnh tụ Bình Xuyên từ một cựu thảo khấu đã trở thành một tướng lãnh, là một người hung bạo và gan dạ như một con trâu rừng, làm chủ cả thủ đô mà không còn ai nghi ngờ gì nữa. Ông ta nắm cảnh sát, nắm sòng bạc Đại Thế Giới, kiểm soát bọn con buôn người Tàu, các lò sát sinh, và mọi sự lưu thông đường bộ cũng như đường thủy . Do đó ông ta rất giàu mạnh, dân chúng ai cũng sợ. Nhưng ông Diệm có quyết tâm cần phải phá bỏ tập đoàn phong kiến và chứng tỏ uy quyền của Chánh Phủ mình. Do đó ông cho thăng cấp ông Minh lên đại tá, trao cho ông quyền chỉ huy tiểu khu Sài Gòn Chợ Lớn với toàn quyền hành động. Lúc bấy giờ ông Minh mới kêu gọi đến sự hợp tác của các sĩ quan thâm niên thuộc các tiểu đoàn Dù.

Ngày 28 tháng 4 năm 1955 hồi 4 giờ sáng có tiếng bách kích pháo nặng nổ trong thành phố. Một cột khói đen khổng lồ bốc cao trên nền trời. Cuộc chiến chống các giáo phái bắt đầu. Cuộc chiến nầy kéo dài 2 năm. Một cuộc nội chiến đẫm máu , không khoan nhượng, nếu không muốn nói đến hai chữ "tàn nhẫn", từ chiến đấu trong đường phố đến các trận tập kích của đặc công trong vùng sình lầy, các trận xung kích của thiết giáp suốt cả Miền Tây Nam Bộ. Ông Minh có mặt khắp nơi khi có chạm súng nặng. Người của ông ta đã phạm vào một vài hành động "thất nhân tâm", cướp một xe hàng hóa gọi là chiến lợi phẩm trị giá 8 triệu đồng, chia cả kho bạc của Bảy Viễn trên 100 triệu đồng (tương đương với 1 tỷ quan Pháp cũ lúc bấy giờ). Thanh toán Bình Xuyên xong là đến lượt Hòa Hảo, một cuộc đuổi bắt với đủ loại cạm bẩy, xuyên qua các đồng ruộng mênh mông ngập nước, xuyên qua các giồng cát, các kênh rạch hay các rừng đước rừng tràm. Hàng loạt cuộc săn lùng người khắp nơi, không nhân chứng, được diễn ra trên hàng trăm cây số từ Đồng Tháp Mưồi đến núi Thất Sơn qua tận biên giới Việt Miên. Cho đến khi với hành động phản trắc bắt được tướng Ba Cụt, một nhân vật nổi tiếng, một vị chỉ huy trưởng gầy gò để tóc dài của kháng chiến quân Hòa Hảo mà cả người Pháp lẫn cộng sản không hạ được và cũng không khuất phục được .Ba Cụt bị xử tử bằng máy chém và cả Hoà Hảo không bao giờ tha thứ cho ông Minh về chuyện nầy. Lúc bấy giờ ông Minh là một quân nhân và sự thù hận nầy không làm cho ông quan tâm lắm. Sự chống đối triền miên của giáo phái Hòa Hảo được ăn sâu trong cả 11 tỉnh đông dân cư của đồng bằng sông Cửu Long đã làm suy giảm một cách đáng kể đến tầm vóc của người lãnh đạo Miền Nam khi ông Minh thật sự bước vào con đường chánh trị . Nhưng đây là một việc khác...

Năm 1958, tướng Minh về Sai Gon trong chiến thắng. Lễ lạc, tràng hoa, vinh thăng trung tướng.... diễn hành, duyện binh, kèn trống .... Nhưng bà Ngô đình Nhu cố vấn chánh trị và em dâu của ông Diệm lại không tin tưởng những tướng lãnh quá bình dân. Bà nói với ông Diệm :

-" Không nên để cho lớn mạnh dưới trướng của mình một quân nhân có quá nhiều ảnh hưởng trong quân đội . Với khuynh hướng thông thường thích các cuộc đảo chánh kiểu Nam Mỹ của người Anh, đã là một người chiến đấu giỏi, nhưng dễ bị mua chuộc, không thông minh lắm và nhất là không biết gì lắm về chánh trị , tướng Minh không khéo rồi sẽ trở thành một tướng lãnh để cho người ta nhắm vào. Chỉ cần có một đường giây nhỏ nào đó của tòa đại sứ hay Bộ Ngoại Giao Mỹ và một cố vấn có hạng của bọn Trung ương tình báo Hoa kỲ ( CIA ) là đủ rồi. Cho nên tốt hơn hết là chúng ta nên giữ một khoảng cách nào đó đối với ông ta."

Mặc dầu các phe phái đã bị đập tan, các cán bộ cộng sản không có được bao nhiêu, nhưng chế độ của ông Diệm cũng chưa được tự tại cho lắm. Là một người ngoan đạo lại thấm nhuần tập quán của Khổng Mạnh, vị Tổng Thống của Miền Nam Việt Nam là một người quốc gia cực đoan và đến giờ nầy vẫn còn độc thân, sống khắc khổ, nên có một đường lối chánh trị đặt trên nền tảng "tập trung quyền hành", với một tinh thần đạo đức khắc nghiệt, tôn trọng và bảo vệ triệt để tôn ti trật tự trong gia đình, cùng với một sự hướng dẫn chánh trị cho dân chúng và một sự nâng đỡ vô điều kiện đối với khối giáo dân di cư từ Miền Bắc. Các vũ trường và tiệm hút đều bị đóng cửa, cờ bạc bị cấm, vợ chồng phải có cưới hỏi hợp pháp, tội ngoại tình phải bị xử tù và học tập chánh trị bắt buộc. Hầu hết các vị trí then chốt trong chánh quyền đều do trí thức Miền Trung nắm giữ. Tướng Minh vốn là người Nam , gốc Miền Nam Việt Nam , rất sợ những sự gò bó, nghi lễ và những mánh khóe chia rẽ bạn bè. Ông mạnh mẽ chỉ trích các trí thức Miền Bắc và Trung hèn hạ, thượng đội hạ đạp, tự cho mình là "những con mọt sách". Ông không cần biết đến "dịch rửa tội" nó đang tàn phá hàng ngũ các cấp tá đang chạy lo cho vấn đề thăng thưởng của họ. Khi có dịp đi thăm miền quê với Tổng trưởng quốc phòng , ông tự tách rời khỏi đoàn quan khách, đi lẫn lộn trong đám nông dân, có khi lội xuống ruộng sình lầy mà không cần phải xăn quần hay cởi giầy., còn có đổ mồ hôi thì tự kéo tay áo lên chùi trán. Với hàng binh sĩ thì ông nói công khai :"Nên để thì giờ chạy theo tán gái còn hay hơn là chạy theo mấy ông cố đạo" Trong các cuộc tiếp tân thì ông từ chối tán tỉnh để kiếm điểm với bà Nhu, chỉ trích công khai các công chức và các sĩ quan xin vào đảng "Cần Lao" 1

Vị thế của ông lần lần bị lu mờ. Vào cuối năm 1959, ông được cử làm thanh tra các Quân Đoàn I và Quân Đoàn II (Vùng Hué và Cao Nguyên Trung Phần). Nhưng thật sự ông không rời khỏi Sai Gon và cứ ngồi ỳ trong văn phòng của mình. Vì các đặc quyền của ông đã được ông Ngô đình Cẩn làm hết rồi, ông nầy là người em "út" của ông Diệm, một vị lãnh chúa xảo quyệt và bí mật, một ủy viên chánh trị và thủ quỹ của Miền Trung Việt, một người nắm hết cả vùng với một mạng lưới cán bộ đảng viên đảng Cần Lao, từ cảnh sát đến binh sĩ và điềm chỉ viên, một người tự cho mình là thấy hết, biết hết, mua chuộc và bảo đảm sự trung thành của mọi người bằng tiền bạc hay bằng một sự giúp đỡ nào đó... một người không chịu bỏ qua bất cứ một chuyện lớn nhỏ nào cả.

Ngày 11 tháng 11 năm 1960, hai vị đại tá thuộc binh chủng Nhảy Dù đã làm một cuộc đảo chánh ở Sai Gon với 3 tiểu đoàn Dù, họ đã chiếm hết các điểm trọng yếu trong thủ đô, đánh vào Liên đoàn Phòng Vệ Phủ Tổng Thống gần vườn Bách Thảo và bao vây Dinh Độc Lập. Các sĩ quan nầy đã mời ông Minh lãnh đạo cuộc binh biến nầy nhưng ông từ chối, không tham gia. Cuộc đảo chánh thất bại.
Các sĩ quan chạy qua Cam Bốt. Tướng Minh cũng không được ân huệ gì hơn.

Đến năm 1961, ông nhận một chức vụ mới :"Tư Lệnh Bộ Tư Lệnh Hành Quân" của quân đội. Nhưng cũng chỉ là một chức vụ tượng trưng "ngồi chơi sơi nước" mà thôi. Bởi vì trong những cuộc hành quân chống du kích đầu tiên và thành lập các "Khu trù mật", ít khi mà quân đội can dự vào. Bất bình vì coi như đương nhiên bị gạt ra ngoài vòng, ông ta càu nhàu, gậm nhấm mối hận nầy, nhưng vẫn giữ một thái độ hết sức thận trọng.

Năm 1963 ông lại được chỉ định làm "Cố vấn quân sự cho Phủ Tổng Thống", một chức vụ hoàn toàn có tánh cách danh dự và thụ động. Dù sao thì ông vẫn là người rất bình dân trong quân đội nên có một nhóm tướng lãnh và đại tá đã tiếp xúc với ông để chuẩn bị cho một cuộc đảo chánh, Ông Ngô đình Nhu nhờ cảnh sát mật vụ của ông cho biết nên đã cảnh giác đề phòng. Nhưng ông không tin là ông Minh có đủ tài cán, nên bỏ qua việc nầy với một câu nói có vẻ khinh bỉ :

- " Anh ta có sức như một con voi nhưng có bộ óc của một con chim muỗi. Không có quản tượng thì voi không thể làm gì được đâu. ".

Ông Nhu nói cũng đúng lắm nhưng ông đã lầm. Tướng Minh và "nhóm đảo chánh" của ông không thiếu quản tượng đâu :

- Tướng Maxwell Taylor, cố vấn quân sự đặc biệt của Tổng Thống Kennedy là người đầu tiên đã tiếp xúc và khuyến khích những người tạo phản.

- Đại sứ lỗi lạc của Hoa Kỳ ông Henry Cabot-Lodge, nhà quý tộc của thành phố Boston, một người biết tính toán và rất lạnh lùng... đã làm gạch nối với sự trợ giúp của một kỹ thuật gia thuộc Cục Trung Ương Tình Báo : đại tá Lou Conein (18 năm ở Việt Nam ), một bợm rượu có hạng, một kẻ phiêu lưu rất nên thơ nhưng rất dữ dằn, cha là người Nga mẹ là người Pháp, vợ là người lai Âu Á, anh là cựu chiến binh của OSS (tiền thân của CIA ) ở bưng biền Bắc Việt , cựu huấn luyện viên của những toán đặc công Việt Minh đầu tiên vào năm 1945...
2

Tướng Minh và Lou Conein đã biết nhau từ chiến dịch đánh Bình xuyên, một chiến dịch đã gây ra những sự đụng chạm nặng giữa sĩ quan Phòng Nhì của Pháp và cố vấn quân sự của CIA . Người Pháp thì ủng hộ Bình Xuyên, những người đồng minh cũ trung thành với Pháp. Người Mỹ thì ủng hộ ông Diệm và tướng Minh trong việc nắm lại thị trấn Sài Gòn - Chợ Lớn. Cộng tác chung quanh tướng Minh và Conein trong việc chuẩn bị lật đổ ông Diệm, còn có cả một nhóm chuyên viên: tướng Lê văn Kim, một sĩ quan tham mưu quan trọng (trước thế chiến 2 ở Paris là người đạo diễn đã làm việc với Marcel Pagnol), tướng Trần thiện Khiêm (sau nầy là Thủ Tướng và là cánh tay mặt của Tổng Thống Thiệu), tướng Mai hữu Xuân, (cựu tư lệnh Cảnh Sát Đặc Biệt, một người có tánh dứt khoát, hung dữ và thù hận, biết rất nhiều chuyện bí mật và có dưới trướng nhiều toán sát thủ trung thành và phục vụ vô điều kiện.), Đại tá Đỗ Mậu, Giám Đốc Nha An Ninh Quân Đội, cựu trung sĩ vệ binh Việt Nam thời Pháp, một con người mưu sĩ đầy mánh khóe nhưng không biết ngại ngùng là gì. Con bài chủ của nhóm người nầy là tướng Trần văn Đôn, Tham mưu trưởng QLVNCH, người được bà Nhu vừa đẹp vừa say mê bảo vệ đặc biệt. Tướng Đôn là người được Tổng Thống Diệm và ông Nhu tín nhiệm hoàn toàn, sẽ là người phối hợp không bị nghi ngờ cho toàn nhóm.

Ngày 1 tháng 11 năm 1963, chế độ bị lật đổ, Cả hai ông Diệm và Nhu đều bị đại úy Nhung thanh toán bằng mấy phát súng lục 12 ly và bị đâm thêm nhiều nhát dao găm. Đại úy Nhung, sĩ quan cận vệ của tướng Minh, là người thi hành tất cả lệnh của tướng Minh một cách mù quáng.

Sau khi thành công, nhóm đảo chánh thành lập "Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng" và tướng Minh được giao cho chức Chủ tịch nắm lấy chánh quyền.

Nhưng không phải chỉ hạ bệ một ông Tổng Thống bằng đại bác là đã chứng minh được là mình có khả năng trị quốc.

Tướng Minh lúc nào cũng trung thành với bạn bè nên đã chỉ định người bạn cũ trong kháng chiến và cũng là bạn trong tù là vị quan lại Nguyễn ngọc Thơ vào chức vụ Thủ tướng Chánh Phủ , và giao Bộ Thể Thao cho một người bạn khác của ông, một kiến trúc sư ốm yếu bệnh hoạn , một người suốt cả đời chưa bao giờ biết làm một động tác thể dục nào. Hội đồng Quân Nhân quá bận tâm với hồ sơ về "sự độc tài của chế độ Diệm" nên không có đưa ra được một chương trình hành động về chánh trị hay kinh tế nào . Tướng Minh đã có những lời tuyên bố làm cho các nhà báo sửng sốt :

"Chúng tôi cũng đã nghĩ tới học thuyết. Nhưng trong hiện tại, có rất nhiều việc quan trọng hơn: nắm vững lại công việc để đi tới chiến thắng."

Ngoài ra, vì các đơn vị ưu tú của quân đội cứ tập trung và đóng mãi ở thủ đô, cũng như có nhiều tướng lãnh mải lo tìm chức vụ và bổng lộc, nên đã có một khoảng trống trầm trọng trong lãnh thổ. Các "ấp chiến lược" từng được xem là xương sống của hệ thống phòng thủ của dân chúng chống lại Việt Cộng lại bị phá tan. Có nhiều vị tổng bộ trưởng và công chức cao cấp bị bắt giam hay lưu đày, và có nhiều vị tỉnh trưởng bị cách chức. Cộng sản lợi dụng tình trạng hỗn loạn trong quân đội , lợi dụng khoảng không chánh trị và sự thiếu vắng của nền hành chánh trong lúc nầy để tiến hành những hành động qui mô hơn trong tất cả vùng quê thuộc đồng bằng sông Cửu Long .

Còn nói về việc "nắm chặt tình hình" của các tướng lãnh thì đó thường được diễn dịch ra là những cuộc ''làm tiền". Trước tiên, các "ông đảo chánh" bắt đầu là "đánh vào" các kỹ nghệ gia, họ cho đó là những người đã làm giàu dưới trào chế độ cũ. Cố vấn tài chánh của ông Nhu, một nhà tư sản có hạng ở Hué. đã bị bắt buộc phải nộp 60 triệu đồng. Theo lệnh của tướng Minh, vị linh mục từng làm lễ rửa tội cho ông Diệm bị bắt . Bị hăm dọa xử tử hình, linh mục nầy phải giao lại cho vị nguyên thủ quốc gia 35 triệu đồng, số tiền đã được Tổng Thống Diệm giao cho nhà thờ thuộc Dòng Chúa Cứu Thế ở đường Kỳ Đồng.. Sau đó, các "ông đảo chánh" tự chia nhau khoản 500 triệu tiền công quỹ còn lại sau cái chết của ông Diệm. Ở Dinh Độc Lập, chán nản và phiền phức vì cứ phải cứu xét các hồ sơ, tướng Minh tiếp hết mọi người . . làm cho các cơ quan an ninh muốn điên lên. Có một ngày nào đó, trên 20 người mặc quần ngắn không cà vạt đi giầy bố, đến trính diện ở cổng. Tất cả đều là bạn quần vợt của ông Minh, những ông thông ông phán, những thầy thơ ký, những người gác cửa, lục sự và có cả những người lượm banh nữa. Tất cả đều vào công viên và chơi ở sân quần vợt của Phủ Tổng Thống luôn trong suốt hai giờ đồng hồ với tướng Minh. Ngay ở nhà ông Minh ở đường Chasseloup Laubat, các cửa vào ra cũng không có người canh gác. Còn Bà tướng Minh thì cũng đẹp, lớn con, lúc nào cũng tươi cười, không kiểu cách, mời tất cả bạn bè. Nhà luôn luôn có bạn bè khách khứa, nhạc sĩ, các chiêm tinh gia, và mấy tay tứ sắc...

Nhưng dân chúng thì không ai chú ý nữa. Cách đây mấy tuần, dân chúng Sài Gòn rất mừng rỡ hoan nghênh tận tình sự sụp đổ của một chế độ mà họ chán ghét. Các tướng lãnh thấy được hoan hô nhiệt liệt, ngây thơ tưởng rằng dân chúng hoan hô mình. Thật không còn cái lầm nào hơn !. Đám đông dân chúng chỉ vui mừng vì tìm lại được sự tự do và nhất là lời hứa là Miền Nam Việt Nam có triển vọng chấm dứt được trận giặc đã kéo dài quá lâu rồi. Dân chúng thật thà tưởng rằng sự sụp đổ của chế độ Diệm là có thể dàn xếp được tất cả. Nhưng giờ đây họ thấy là cuộc chiến chẳng những vẫn tiếp tục mà còn bành truớng mạnh thêm lên, họ thấy là khó mà có được thanh bình và cánh cửa Tự Do vừa thấy mở ra được một lúc thì lại được đóng lại ngay rồi. Một luật sư Việt Nam được ra khỏi nhà tù, không bị tình nghi là có cảm tình với chế độ cũ, đã tâm sự với một đặc phái viên của một tờ báo lớn ở Paris :

"Ông biết bây giờ có một sự khác biệt nào với "lúc trước" không ? Các cô gái điếm có thể níu kéo khách rất là tự do trên đường Tự Do. Còn ở các quán rượu thì người hầu bàn không còn bị bắt buộc phải mặc chiếc áo bờ lu trắng theo lệnh của bà Nhu nữa, mà họ được phép ăn mặc theo sở thích và theo khuynh hướng riêng của họ. Tôi quên nói là kể từ nay được nhảy tuýt một cách hợp pháp nữa..
Thật là quá yếu !"

Thật ra thì không còn có vấn đề hứa hẹn gì về Tự Do đâu. Các cuộc phổ thông đầu phiếu coi như được dời lại sau khi chiến tranh kết thúc.Một "Hội Đồng Nhân Sĩ" được thành lập với nhiệm vụ rất khiêm nhường là soi sáng Chánh Phủ trong mọi quyết định. Nhưng rồi Hội Đồng nầy cũng không đi đến đâu cả.

Người ta ghi nhận có một số người mới tự thiêu. Thật khó mà tin được . Theo luận điệu chánh thức của chánh quyền thì "họ chỉ tỏ thái độ vui mừng vì cuộc đàn áp Phật Giáo đã chấm dứt".

Các đảng phái chánh trị tái hoạt động một cách khó khăn.

Báo chí thì tràn ngập (trên 50 tờ báo được xuất bản sau ngày đảo chánh, và chỉ cần có một lá thơ giới thiệu của một tướng lãnh nào đó là giấy phép ra một tờ nhật báo có thể được phê chuẩn ngay). Báo chí được phép tố cáo chế độ cũ. Nhưng nếu tờ báo nào tự do chỉ trích hành động của các tướng lãnh thì sẽ bị tịch thu ngay và vĩnh viễn bị đóng cửa. (việc này đã xảy ra ba lần trong vòng không đến một tuần). Chế độ của ông Diệm dĩ nhiên phải có những lỗi lầm (lỗi lầm chính yếu nhất là đã làm phật lòng người Hoa Kỳ), nhưng chế độ nầy đã góp công vào sự ra đời và tồn tại của chánh quyền Miền Nam Việt Nam. Chế độ đó cũng đã thiết lập được một hàng rào ngăn chặn bọn Việt Cộng, có thể là chưa hữu hiệu lắm, nhưng cũng là một rào cản. Bây giờ thì không còn gì cả. Miền Nam Việt Nam là một đất nước đang trong thời nội chiến mà lại không thấy có chánh quyền nào hết!

Dưới thời ông Diệm, đã có một ý kiến, một cán bộ xã hội và kinh tế, một đường lối chánh trị và một niềm tin. Đã có được một người : Nhu, người biết làm cho người ta nghe lời, và mọi người đều run sợ trước người đó. Những mệnh lệnh của ông ta nói ra đều được thi hành. Nhưng bây giờ thì là một nền Cộng Hòa của những người bạn nhỏ . Người nào cũng là chỉ huy hết mà không có ai là người tuân hành. Thật là cả một sự hỗn độn. Tất cả quyền hành quân sự lẫn hành chánh đều nằm trong tay "Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng".. Nhưng rất rõ ràng là những người lãnh đạo của nhóm đảo chánh hình như không biết phải làm gì với quyền bính đó. Dân chúng đã tin tưởng rằng các tướng lãnh khi nắm được chánh quyền rồi thì phải có quyết định đi đến hành động, sau khi đã suy tính về kế hoạch của họ, dù là có quá lâu. Không có gì không đúng ! Cuộc đảo chánh không phải là một cuộc hành quân "vì" một chuyện chơi nào đó! mà là để "chống" một chế độ hiện hành: chế độ gia đình trị của nhà họ Ngô. Và hành động bằng vũ lực nầy kéo theo 2 án mạng đã tõ ra thật sự vô nghĩa. Rất mau chóng những người không được chuẩn bị cho việc nầy thấy là mình bị đứng trước một nhiệm vụ là phải soạn thảo một chương trình hành động mới , một nhiệm vụ quá cao đối với họ. Nhưng thay vì phải hoạch định một học thuyết, họ chỉ cần cho bộ máy hành chánh cũng như kinh tế chạy lại, và cho dân chúng tham gia.... Các tướng lãnh cứ tự giam mình trong văn phòng của bộ tham mưu với những cuộc thương nghị dài dòng vô ích mà cuối cùng chỉ thấy có một quyết định cụ thể duy nhất được thông báo cho dân chúng. Đó là "lệnh tịch thu" tài sản của tất cả thành viên thuộc gia đình họ Ngô, còn sống hay đã chết cũng vậy, và của tất cả những người cộng sự thân cận của họ.

Bây giờ chỉ còn trông chờ ở người Mỹ mà thôi.

Nhưng đại sứ Cabot Lodge, nản lòng vì những sự cãi vã và bất lực rõ ràng của các tướng lãnh, đã giữ khoảng cách xa trở lại. Không còn những buổi chơi quần vợt, không còn những cuộc tiếp tân thân mật ở tòa đại sứ Mỹ nữa, tất cả những gì để cho dân chúng thấy được , nhất là gia đình họ, những người quân nhân đó bị thất vọng phần nào vì không quen lễ nghi danh dự cho những nhân vật quan trọng.

Không đầy 3 tháng sau sự thành công nổi bật của cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11, vì tuyên bố "trung lập" và "thân Pháp", tướng Minh đã bị tướng Khánh bắt giữ và đuổi ra khỏi chánh quyền , Tướng Khánh là một nhân vật béo tròn, hung tợn và để râu cầm, là người được Cabot Lodge đưa vào quỹ đạo để dễ điều khiển. Nhưng tướng Minh bị giữ không bao lâu và chính tướng Khánh đã nài nỉ để ông Minh trở lại với chức vụ nguyên thủ quốc gia . Sau vài ngày lưỡng lự, tướng Minh cuối cùng đã chấp nhận. Ông ở chức vụ đó cho đến ngày 15 tháng 9 1964, nhưng thực tế cũng không có quyền hành gì .

Vào cuối tháng 10 năm đó, tướng Khánh lại bị tướng Không quân lật đổ. Tướng Minh bị đày sang Thái Lan dưới danh nghĩa là "đại sứ lưu động", chức vụ thì giả định, nhưng lương bổng thì đầy đủ. Trong khoảng 4 năm sống lưu vong ở Bangkok, tướng Minh liên tiếp được các Chánh Phủ sau nầy ở Sài Gòn cho hưởng lương đại sứ rất đầy đủ. Biệt thự của ông nằm ở vùng ngoại ô Bangkok, những người dân Thái ở gần ông thường gọi là "ông Việt Nam to con", nhưng ở đây ông buồn, vì ông nhớ nhà. Để giết thì giớ, ông đọc hàng loạt sách loại trinh thám (Proudhon và Mémorial de Sainte-Hélène), nuôi cá và trồng lan. (ông có cả một bộ sưu tập lan rất đẹp). Các bạn bè có dịp ghé lại Bangkok đều có đến thăm ông. Ông muốn trở về Việt Nam nhưng Sài Gòn vẫn làm lơ giả điếc.. . Vào một ngày tốt trời nào đó trong năm 1965, ông chịu hết nổi nên đáp máy bay hàng không Thái về Sài Gòn .Tướng Nguyễn cao Kỳ, lúc bấy giờ là Thủ Tướng, cấm không cho phi cơ đáp xuống và cho một phi tuần phóng pháo cơ hộ tống chiếc phi cơ hàng không đến tận biên giới Thái Lan, Chiếc phi cơ phải trở về Bangkok với tất cả hành khách của nó .

Vào tháng 5 năm 1967, vốn muốn về lại Sài Gòn hơn là muốn hoạt động chánh trị trở lại, Tướng Minh tuyên bố sẽ về ứng cử Tổng Thống vào tháng 9. Nhưng tên ông bị gạt ra ngoài danh sách ứng cử viên Tổng Thống và tướng Nguyễn văn Thiệu đắc cử.

Cuối cùng mãi đến ngày 5 tháng 10 năm 1968 tướng Minh mới được phép về Việt Nam .. Ông đến gặp ngay Tổng Thống Thiệu, người đã cầm quyền từ 3 năm rồi, được Tổng Thống đề nghị giữ chức vụ cố vấn cho Tổng Thống. Ông vừa từ chối.vừa càu nhàu:

- "Tôi đã biết quá về cái món nầy ở Phủ Tổng Thống rồi ! Tôi đã có lần ở chức vụ nầy rồi. Tôi không muốn làm chiếc bình chưng bông bày trên kệ nữa"

Với các nhà báo thì ông chỉ tuyên bố nhẹ nhàng:"Tôi muốn đứng ngoài mọi hoạt động chánh trị , trong vị trí của một quan sát viên."

Một vài tuần lễ trôi qua, sau đó trong những ngày đầu tháng 11, tướng Minh nêu lên một phản đối "chống lại việc Hoa Kỳ ngưng dội bom ngoài Bắc Việt vô điều kiện" một điều mà ông coi như một sự "đầu hàng" và một "hành động khuyến khích kẻ xăm lăng" .

Một năm sau, ngày 1 tháng 11 năm 1969, ông tập họp các cựu tướng lãnh trong cuộc đảo chánh để "kỷ niệm ngày lật đổ chế độ độc tài của ông Diệm". Báo chí đối lập đã ghi nhận một cách hiểm độc rằng :"một người duy nhất có giá trị lại vắng mặt trong buổi họp mặt thân mật nầy là Tổng Thống Thiệu, một người đã có một vai trò chính yếu trong cuộc đảo chánh nầy." . Lo âu sợ thua kém các đồng nghiệp, một bình luận gia thân Chánh Phủ nghiêm khắc nhận xét là

- "lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam nơi mà sự kính trọng người chết là một điều thiêng liêng, thì những người có trách nhiệm trong hai án mạng lại dám trân tráo lăng nhục linh hồn của các nạn nhân của họ bằng cách uống rượu ăn mừng hành động tội ác của mình."

Kế tiếp, ngày hôm sau, chúa nhật 2 tháng 11, Tổng Thống Thiệu cho phép cử hành một buổi lễ "Tưởng Niệm" cầu siêu cho linh hồn của ông Diệm và ông Nhu, một buổi lễ đạo rất long trọng tại nhà thờ Chánh Tòa ở Sài Gòn, có sự tham gia của Tổng Trưởng Thông Tin, đại diện của Chánh Phủ. Sau buổi lễ, một đoàn khoản 2000 giáo dân mang hoa đi trong vòng trật tự đến nghĩa trang Mạc đỉnh Chi, nơi hai anh em Diệm Nhu được an táng trong hai ngôi mộ cạnh nhau cùng chung dưới một tấm xi măng đúc.

Được phỏng vấn sau đó, ông Tổng trưởng Thông Tin trả lời cho các phóng viên là "sự có mặt của ông nơi đây là "để tỏ lòng tưởng nhớ đến ông Diệm, một vị anh hùng dân tộc, một gương mặt lịch sử của nước Việt Nam độc lập".

Tức khắc các tờ báo theo Phật Giáo cho đó là một sự "khêu khích".

Tướng Minh phá vỡ thình lình sự im lặng của chính mình bằng hai bản thông cáo đặt vấn đề tính cách đại diện của Tổng Thống Thiệu. Đồng thới ông tuyên bố chủ trương tổ chức trưng cầu dân ý về "một hình thức chánh trị" thật sự cho nền độc lập quốc gia về sự giải ước của quốc gia Việt Nam là "không thể ngả theo bên tả hay bên hữu mà phải ở vị trí trung lập, ở giữa hai thế giới tư bản và cộng sản"

Tổng Thống Thiệu xẵng giọng cãi lại ngay:

"Chánh Phủ VNCH được thành lập từ "tự do phổ thông đầu phiếu" . Tôi thi hành sứ mạng do dân chúng phó thác cho tôi. Chúng ta đã đi gần đến chiến thắng rồi. Trung lập là môt điều phi lý, là một hình thức ngụy trang đi đến đầu hàng cộng sản . Có nhiều chánh trị gia bực tức chỉ vì với mục đích thỏa mãn dục vọng cá nhân, đe dọa sự đoàn kết quốc gia trước kẻ thù".

Thế là cuộc so kiếm đã bắt đầu. Nhưng đó chỉ là một màn chạm trán nhỏ thôi. Cuộc chiến thật sự sẽ được diễn ra trong tương lai. Tướng Minh lại giữ im lặng, mỗi năm chỉ đi ra khỏi nhà đôi ba lần để chua chát chỉ trích chế độ mỗi lần một nhiều hơn.

Biệt thự ở đường Chasseloup Laubat không vì thế mà thiếu vắng người lui tới : bạn bè, khách khứa, thân hữu, sư sãi, thầy bói, sứ giả mang tin tức đến từ Pháp, Nhật hay Hoa Kỳ , các tướng lãnh khác hay Tổng Bộ trưởng bị lưu đày. Người ta trò chuyện, đánh bài, và uống trà. Khi ông không tiếp khách thì ông đến "Câu lạc bộ thể thao Sài Gòn " với cây vợt trên tay. Ông đánh quần vợt với mấy ông nghị sĩ, dân biểu, các tướng lãnh, các giáo sư, với người Mỹ, với nhân viên ngoại giao của các sứ quán ngoại quốc.. Ở vùng Đông Nam Á, chơi quần vợt có một đặc điểm là tạo được sợi dây thân ái giữa các đấu thủ không phân biệt chánh kiến. Và tướng Minh là một đấu thủ chơi không biết mệt. Tất cả những người đến với ông ta đều nhấn mạnh là viên cựu tướng lãnh đáng sợ này đã già dặn hơn trước nhiều, và đã thay đổi rõ nét là một người tranh đấu cho "hòa bình". Ông chỉ nổi giận lên khi người ta nói đến "người Bắc kỳ" (nguyên tác "Tonkinois" ) Tuy nhiên dần dần ông Minh cũng thành lập một nhóm chánh trị, mở rộng thêm ra và cố gắng hướng dẫn các lực lượng đối lập. Những người của ông ta và những người hợp tác với ông được phân ra thành 4 nhóm rõ rệt :

- những ông đốc phủ, chủ sự hành chánh và cựu tỉnh trưởng, những công chức già nổi bật với nền văn hóa Pháp, những người được kính trọng qua nhiều thể chế.

- Những sư sãi cốt cán của chùa Ấn Quang và của nghị sĩ Vũ văn Mẫu, tiến sĩ luật, chủ tịch Phong Trào Hòa Giải Quốc Gia (phần đông là Phật Tử), được người Mỹ tài trợ và thao tác từ lâu.

- một số sĩ quan trẻ, giáo sư, nhà báo đối lập, và những công chức chuyên nghiệp có khuynh hướng tiến bộ được đào tạo ở trường Quốc Gia Hành Chánh có liên lạc với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam , những người cấp tiến chủ trương cải cách xã hội Việt Nam , và chủ trương một Chánh Phủ Liên hiệp với cộng sản .

- Những cựu tướng lãnh của cuộc đảo chánh 1 / 11, đã từ lâu đứng ngoài chánh quyền và không có một trách vụ quân sự nào, vừa chống ông Thiệu vừa chống cộng sản .

Sự khác biệt nhau của các nhóm nầy, tuy cùng đồng ý với nhau về sự ra đi của Tổng Thống Thiệu nhưng có nhiều bất đồng về phương pháp áp dụng, và đường lối chánh trị phải theo để đi đến mục đích, đã giải thích phần nào những cuộc vận động bất thần và những lập trường mâu thuẩn của tướng Minh, thường hay ngả theo kẻ đối thoại nào ăn nói thuyết phục nhất .

Vì thế mà sau nhiều lần tránh né, bàn bạc, rụt rè... tuớng Minh mới bất thần loan báo là sẽ ra ứng cử Tổng Thống vào năm 1971. Cuộc vận động bắt đầu, lúc đó tôi còn ở Sài Gòn. Các quan sát viên ngoại quốc nhận xét là tướng Minh có vài lợi thế trong chuyện tranh cử: ngoài những nhóm đã nói ở trên, ông còn được sự ủng hộ của Đức Giám Mục Bình của địa phận Sài Gòn, và của Phong Trào Trung Lập ở Paris của cựu Thủ Tướng Trần văn Hữu, người đỡ đầu cũ của ông, Ngoài ra ông cũng có một người em út là tướng cộng sản Dương văn Nhật (1) thuộc "quân đội nhân dân Bắc Việt", điều nầy giải thích tại sao đài Hà Nội và đài Mặt Trận không bao giờ tấn công tướng Minh trên hệ thống truyền thanh.

Có 4 người lo vận động tranh cử cho ông . Hai nhân sĩ là ông Tôn thất Thiện và ông Nguyễn ngọc Thơ. Hai dân biễu trẻ là ông Lý quý Chung và Ngô công Đức.

Trong thời gian nầy tôi đã có gặp tất cả 4 người nầy nhiều lần.

- Ông Tôn thất Thiện sống trong một căn nhà rất đẹp với đầy đủ tiện nghi được xây cất trong một miếng vườn được phát họa rất là chu đáo. Ông là người miền Trung, ốm yếu và nóng tánh, có gương mặt quí phái, thuộc một gia đình quý tộc ở Hué. Là một con người kiêu kỳ và kiên quyết, ông nói thành thạo tiếng Anh và tiếng Pháp. Một vài chỉ dấu đặc biệt :ông có một người anh em là tướng trong Không Quân Bắc Việt; ông có liên lạc chặt chẻ với cơ quan tình báo Anh, và không thích người Miền Bắc (nguyên tác: Tonkinois). Ông bắt đầu đi vào con đường chánh trị trong chức vụ Tùy Viên Báo Chí và thông dịch viên chánh thức của Tổng Thống Diệm. Không đồng ý với những phương pháp và mục tiêu của Tổng Thống , ông từ chức và đi Thụy Sĩ để hoàn tất học vị tiến sĩ về khoa học chánh trị . Sau đó ông là Bộ trưởng của Phó Tổng Thống Hương, nhưng nhận thấy ông nầy quá lạc hậu và thiển cận nên lại từ nhiệm một lần nữa và nhảy sang phía đối lập. Bây giờ thì số phận của ông được gắn liền với số phận của tướng Minh Dương, ông tổ chức các buổi phỏng vấn và thu xếp các buổi tiếp xúc với dân chúng cho tướng Minh, đồng thời ông cũng đi dạy ở trường đại học Phật Giáo ở Sài Gòn và cộng tác với tờ báo Kinh Tế Viễn Đông của Hong Kong. Ông nói với tôi :

-"Tôi chấp nhận yểm trợ cho ông Minh vì ông là một tướng lãnh biết chấp nhận uy quyền hành chánh đối với quân nhân . Ông hiểu rõ về tính cách pháp lý, và biết tôn trọng dân chúng. Ông ta muốn chấm dứt cuộc chiến và nói chuyện với "Mặt Trận". Còn ông Thiệu lại là người của chiến tranh. Ông chỉ tồn tại và sống đượclà nhờ vào chiến tranh và sự yểm trợ của người Mỹ, cố vấn và trả lương cho ông ta và áp đặt cuộc chiến đối với chúng ta. Nước Việt Nam phải chấm dứt không còn là một "trại lính" hay một nhà kho khổng lồ chứa đầy dụng cụ chiến tranh do một bọn côn đồ đần độn mặc quân phục điều hành, một bọn người chỉ có một công tác chính yếu là "đếm xác chết" . Các tướng lãnh của chúng ta thường hay quên rằng những xác chết lạnh cứng mà họ xếp lên bàn như những con thỏ mà họ đã đi săn được, không phải là những con thú vật mà chính là những người Việt Nam như chúng ta ."

Khi tôi lưu ý với ông là "trong cuộc đời binh nghiệp của mình, tướng Minh cũng thường phải làm những bản tổng kết tương tự, và lúc ông có chánh quyền trongtay các tổng bộ trưởng dân sự của ông không thể làm gì được nếu không có ý kiến của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng gồm toàn là tướng lãnh . Hơn nữa bọn Việt Cộng mỗi ngày cũng đều có thông báo nêu lên con số hàng trăm binh sĩ và những viên chức Chánh Phủ bị họ giết..." thì ông Tôn thất Thiện cương quyết ngăn tôi lại ngay và nói :

- " Chỉ có những người ngu xuẩn mới không chịu thay đổi quan điểm hoặc không có khả năng rút tỉa những bài học từ những sự thất bại của họ. Tướng Minh đãtừng bị thất sủng và lưu đày, nên có thì giờ suy gẫm. Bây giờ thì ông đã biết rõ là không phải chỉ tăng thêm các sư đoàn, không phải chỉ khóa mồm báo chí, hay tăng quân số cho cảnh sát là có thể cai trị đất nước được đâu. Dĩ nhiên là ông không hiểu nhiều về kinh tế và chưa có một ý kiến nào chính xác về các bài toán quốc tế. Nhưng đã có chúng tôi ở đây để giúp đỡ và hướng dẫn cho ông. Điều quan trọng là ông ta có thể tái lập lại sự Tự Do cho nền Dân Chủ và khóa các họng súng lại. "

- Một vị cố vấn khác mà tướng Minh thường nghe theo là ông Nguyễn ngọc Thơ, một người khôn khéo và ít đanh thép hơn. Là con của một đại điền chủ ở Miền Nam , ông là một quan chức già, khuôn mẫu, khôn ngoan, lịch lãm, luôn tươi cười . Dưới thời Pháp, ông là một "chức sắc" của giáo phái Cao Đài, và bí thư của vị toàn quyền Đô đốc Decoux, kế đó là cộng sự viên của người Nhật và đã nhiều lần ở chức vụ tỉnh trưởng trước khi đi tập sự một khóa trong bưng biền với Việt Minh. Tổng Thống Diệm rất quý trọng ông nên đã đưa ông đi nhận chức đại sứ đầu tiên của Việt Nam ở Nhật Bản, sau đó lại gọi ông về giao cho chức vụ Tổng trưởng Bộ Kinh Tế, và cuối cùng là Phó Tổng Thống . Sau đó nhờ hợp tác với những người đảo chánh ông Diệm ngày 1/11/63 ông lại kế nghiệp người đã bảo trợ và nâng đỡ ông trong chức vụ lãnh đạo Chánh Phủ không khó khăn gì ! Qua những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời nghiệp vụ của mình, ông Nguyễn ngọc Thơ đã giữ được một số lớn kinh nghiệm cho những chuyện công cộng, một hệ thống tin tức rất tốt, một sự ủng hộ đắc lực của các hội viên hội Tam Điểm và những người tư bản ở Paris, một vài bạn bè còn sót lại trong nhóm lãnh đạo cộng sản, những liên hệ rất tốt với các trung tâm dịch vụ và một vài nhóm chánh trị Nhật Bản, và những tài liệu mật được cập nhật rất cẩn thận.

Tính ông vốn người thận trọng, lại thêm dè dặt vì hoàn toàn bị lãng tai, ông ở xa thành phố trong một ngôi nhà kín đáo nhưng sang trọng, có khá nhiều người phục dịch tuy luôn mặc áo bỏ ngoài nhưng khó che dấu được súng lục đeo ở thắt lưng , ngay cả lúc mời trà . Khác hẳn với ông Tôn thất Thiện thường thích trình bày dài dòng kiểu triết lý - sử học, với những lý luận biện chứng, ông Nguyễn ngọc Thơ hay dùng những câu ngắn gọn nhưng đầy thuyết phục. Với một nụ cười ranh mãnh, ông nói:

- "Từ hai năm nay người Mỹ và người Tầu đã kín đáo gặp nhau . Cách đây 2 tháng họ đã công khai hóa những mối quan hệ giữa họ với nhau. Bây giờ thì họ liên lạc điện thoại với nhau hằng ngày. Rồi đây họ sẽ ăn chung với nhau một bàn . Ông Thiệu là hòn sỏi trong tô canh của họ. Dĩ nhiên là họ cần phải vứt bỏ hòn sỏi đó nếu họ muốn ăn chén súp đó một cách yên lành.Đối với "kế hoạch 7 điểm" của Mặt Trận đưa ra, người ta chỉ nêu lên 2 chủ đề không đồng ý :

- chuyện rút quân tức khắc của Hoa Kỳ và chuyện ra đi của ông Thiệu.

Điểm thứ nhất sẽ được giải quyết không xa. Người Mỹ ra đi, việc nầy không có gì phải bàn cãi nữa. Chỉ còn lại điểm thứ hai. Chương trình và đề tài tranh cử của chúng tôi được đặt trên sự vãng hồi hòa bình với 2 lý do :

Trước hết bởi vì bắt buộc các cuộc chiến phải được chấm dứt . Ngưới ta không thể vừa nói chuyện ích lợi với nhau mà vừa bắn nhau.

Thứ đến bởi vì chúng tôi chắc chắn rằng ông Thiệu không thể cưỡng lại nền hòa bình bao lâu nữa . Ông ta là một người chống cộng sản nhưng thiển cận còn hơn cộng sản nữa. Và chế độ của ông nói là chống cộng sản nhưng hành sử cũng máy móc giống y như họ vậy. Lực lượng quân sự , hành động tâm lý chiến, và cảnh sát có mặt khắp nơi... Tất cả kết cấu chánh trị của ông Thiệu đều dặt trọng tâm vào chiến tranh. Và chiến tranh giải thích tất cả, và chứng minh cho tất cả. Những sự hy sinh, đòi hỏi ngân khoản, sự lạm phát, các sự trấn áp, khủng bố những người đối lập ... Chấm dứt được chiến tranh là tất cả kết cấu đều sụp đổ theo hết. Không có gì giản dị cho bằng !"

- Ông Lý quý Chung, trưởng nhóm trẻ, là một người có cử chỉ lanh lợi và ăn nói dễ dàng. Xuất thân từ một gia đình khá giả ở Đồng Bằng sông Cửu Long, tuổi vào khoảng trên 30, tốt nghiệp trường Quốc Gia Hành Chánh, tiên khởi ông là giáo sư sinh ngữ (Anh và Pháp), trước khi nhảy vào làng báo như một tổng biên tập viên cho nhiều tờ báo. Sau đó ông ra một tờ nhật báo cho chính mình: tờ "Tiếng Dân". Chính trong tờ báo nầy ông đặt lại rõ ràng "tấn bi kịch của những người Việt Nam đứng ngoài cuộc chiến" , bị kẹt giữa 2 khối đối kháng, và từ đó ông đưa ra ý kiến thành lập "lực lượng thứ ba". Năm 1966 ông đắc cử dân biểu, và nhanh chóng nổi tiếng qua những cuộc can thiệp gay gắt và liên tục với "chánh quyền quân sự" , đồng thời tập hợp và thành lập một nhóm 18 dân biểu đối lập rất năng nổ. Lúc nào không có mặt trong Quốc Hội thì ông thích ngồi ở phòng trà Givral ở đường Tự Do, nơi hẹn hò thích nhất của các nhà báo Mỹ mà ông tìm cách nhập bọn. Ông thường nói với tôi :

-"Các nhà báo ngoại quốc là phương tiện duy nhất của chúng tôi để mở nắp nồi "sốt de" đầy hơi mà Tổng ThốngThiệu đã đặt trên đầu của chúng tôi cho ra bớt hơi nóng. Những câu chuyện và những tin tức mà chúng tôi trao đổi với họ thường là khởi điểm của các cuộc điều tra giúp đưa ra ánh sáng những vụ tai tiếng và những chuyện buôn lậu mà Chánh Phủ muốn ém nhẹm."

- Cựu dân biểu Ngô công Đức , 39 tuổi, đẹp trai, trác táng, tính hơi ngông và rỡm, là một nhà doanh nghiệp và anh có một chỗ đứng riêng biệt trong sinh hoạt chánh trị ở Miền Nam. Anh là cháu của Đức Cha Bình Giám Mục ở địa phận Sài Gòn, cha anh là một người công giáo bị Việt Cộng hành quyết vào thập niên 50 ở vùng Trà Vinh, một tỉnh cũ của Cam Bốt bên bờ sông Cửu Long. Anh có tài hái ra tiền nhưng cũng xài tiền ra như nước . Anh đã tuần tự là chủ báo, thầu khoán , và cả bốc rỡ hàng có giao kèo cho người Mỹ, đắc cử dân biểu năm 1967. Sau khi thất cử năm 1971. thình lình anh trở thành người của thời cuộc khi anh sang Paris (Pháp) và trình bày kế hoạch "hòa bình" của anh :

-" Việt Nam Hóa" là độc tài cộng (+) với chiến tranh".

Từ đó giới quân sự đã liệt anh vào loại "bồi bút" của cộng sản, và anh đã trở thành kẻ thù của chế độ ông Thiệu.Tờ "Tin Sáng" của anh nhiều lần bị tịch thu, nhà của anh bị cho nổ bom và xe của anh bị đốt. Anh viết nhiều bài theo nhu cầu của báo chí Mỹ và Pháp. Bị cảnh sát quấy rầy quá mức , anh đành phải chạy sang Pháp tỵ nạn, trong lúc tờ Tin Sáng của anh vẫn tiếp tục đánh phá không ngừng chống sự độc tài của ông Thiệu. Từ Paris nơi anh đã tăng thêm sự liên lạc với các phái đoàn của cộng sản Bắc Việt, của Mặt Trận, và của nhóm trung lập, anh đã gởi về những bản tường trình dài nhằm phân tách tình hình giúp tướng Minh . Những người chống đối anh thường biết về anh rất rõ, nên rất ngạc nhiên khi thấy anh viết trên diễn đàn của tờ Le Monde những bài rất đặc sắc với một cú pháp quá điêu luyện, trong khi bản thân anh thường nói tiếng Pháp gần như không có quy tắc nào hết. Sự thật là khi nói chuyện với anh ta nhiều lần, tôi nhận thấy trình độ học vấn của anh chỉ ở cấp tiểu học mà thôi. Trong vấn đề chánh trị , kinh nghiệm cho thấy là thường chỉ cần có gan, vài ý kiến hay .. và một ít tiền. Sau đó những cây viết hay sẽ tìm đến không khó lắm.. (sau đó anh phát động phong trào "phản chiến" mạnh mẻ ngay bên Mỹ và Pháp tiếp tay cho kế hoạch xâm chiếm Miền Nam Việt Nam của cộng sản Bắc Việt).

Cuộc tranh cử năm 1971 khởi đầu bằng dục vọng và sự náo nhiệt. Hai bên hiện diện đối chọi nhau mãnh liệt..Không khí căng thẳng lại tăng thêm gấp bội khi một ứng cử viên thứ ba nhảy vào cuộc : tướng sáng giá Nguyễn cao Kỳ. Có nhiều phòng trà bị đánh bằng chất nổ, 15 chiếc xe Mỹ bị đốt chỉ trong vòng 10 ngày, Hòa thượng Thích thiện Hoa kêu gọi "một triệu đoàn viên" thuộc phong trào Phật Giáo đấu tranh của Ấn Quang hãy đoàn kết lại, hàng ngàn thương phế binh đội nón lá vẽ đủ mọi khẩu hiệu chống Mỹ tập trung trước tòa đại sứ Hoa Kỳ , thượng nghị sĩ Mc Govern, người chủ trương "hòa bình" tình cờ ghé ngang Sài Gòn bị vây trong một nhà thờ và bị một đám đông giáo dân chống cộng hăm dọa treo cổ; sinh viên và cảnh sát đụng nhau, bom xăng chống lựu đạn cay, Nhà kiếng, trụ sở của Tổng Liên Đoàn Lao động, thân Chánh Phủ bị các cựu chiến binh đốt phá và tấn công bằng cốt mìn.... Chánh trị Việt Nam đang xuống đường !

Một nhóm đại tá trẻ thân Tổng Thống Thiệu đổ hết trách nhiệm cho đối lập và đặc biệt là tướng Dương văn Minh. Một vị trong nhóm nói với tôi :

- " Ông Minh Dương bình dân thật vì ông không có làm gì hết. Ông là một người tốt, không ai nghi ngờ điều đó, nhưng trong quân đội ông không đại diện cho ai cả. Khi ông sang Thái Lan năm 1964, cuộc chiến thật sự chưa bắt đầu. Trong suốt 7 năm liền, ông chỉ chơi quần vợt và trồng hoa lan. Trong lúc đó thì ở đây chúng tôi phải chiến đấu và chiến đấu rất khốc liệt. Một thế hệ chỉ huy khác trẻ hơn và tân tiến hơn đã thành hình nhờ được trui rèn trong lửa đạn, trong chiến đấu. Đối với các sĩ quan đó, lịch sử cũ coi như không còn nữa!

" Còn Tôn thất Thiện thì lại khác. Ông ta là một người thông minh thật nhưng có quá nhiều tham vọng và bất mãn vì thấy không ai biết đến tài năng của ông. Thậtlà một người đối lập cố chấp.. Đối với ông ta tướng Minh chỉ là một cái đầu để cho ông quảng cáo thôi không hơn không kém ! Cái mà ông Thiện nhắm vào trên hết chỉ là cái ghế Thủ Tướng. Lúc nào cũng thấy ông nói đến dân chúng, nhưng ông có biết dân chúng là ai không đã ? Ông xuất thân từ một gia đình hoàng tộc, triều thần và chuyên chạy áp phe, Chân ông không bao giờ lấm, tay ông không bao giờ dính bùn. Ông cũng không bao giờ ở trong quân đội . Những người trí thức Việt Nam cỡ ông đó hay học lực còn cao hơn ông gấp bội ăn nói vanh vách còn có cả ngàn người , ở Mỹ cũng như ở Pháp... Hàng chục ông trong số nầy họp nhau lại âm mưu chuyện nầy chuyện nọ, nghĩ rằng chỉ có mình mới có một công thức duy nhất khả dĩ mang lại "hòa bình" . Các ông đó không đồng ý nhau chuyện gì hết, trừ một chuyện, đó là "nhu cầu thay đổi chế độ", dĩ nhiên với điều kiện là họ phải có được ghế Tổng bộ trưởng nào đó trong thành phần mới của Chánh Phủ . Nhưng chúng tôi không muốn như vậy .

" Họ là những người chưa từng biết sống chết như chúng tôi . Họ chưa từng bao giờ chia xẻ nỗi đau khổ của chúng tôi . Họ chưa bao giờ biết trả giá bằng máu như chúng tôi .

Dân chúng không bận tâm đến những lý thuyết đồ sộ của những người huênh hoang nói với họ từ trên cao và từ ngoài xa. Dân chúng chỉ muốn được bảo vệ, muốn được vĩnh viễn thoát khỏi vòng khủng bố và hổn độn như địa ngục. Chúng tôi đã đem lại cho họ sự an ninh, sự tự do lưu thông, và họ được gặt lúa một cách thực tế.
Họ sẽ theo chúng tôi.

"Các nhóm chánh trị gia trưởng giả đó của Sài Gòn vẫn biết rằng họ không tác động được đất nước . Nhóm Phật Giáo đấu tranh của chùa Ấn Quang làm gì có "hằng triệu tín đồ" sau lưng họ ? Khoảng 30 ngàn là cùng , và phần đông các sư sãi đang rất bận rộn trong công tác quyên góp tiền bạc hay đang đầu cơ trong việc mua bán đất đai. Khi quả quyết là họ có một lực lượng chánh trị mới, không màng quyền lợi, thì hoặc họ chỉ là những người không tưởng, hoặc họ là những người chuyên nghiệp không có niềm tin.

" Nhưng rồi tất cả đều phải tin chắc điều nầy : Nếy quân nhân chúng tôi buông súng xuống, thì đối mặt với cộng sản họ không đáng một gram nào hết. Hoặc họ sẽ chịu khuất thân làm bù nhìn hay tôi tớ cho cộng sản , hoặc họ sẽ bị cộng sản thanh toán. Và đến ngày đó thì không còn một người phóng viên báo ngoại quốc nào để đăng giùm những lời kêu ca hay chỉ trích cho họ !"

Chuyện tranh cử Tổng Thống giữa hai ông Thiệu và Minh cuối cùng không có nữa. Ngày 23 tháng 10 năm 1973, một tháng rưỡi sau đợt vận động rất ồn ào sôi động, tướng Minh cho là "cuộc bầu bán sắp tới chỉ là một trò hề" nên thình lình rút tên ra khỏi danh sách ứng cử. Ngay sau đó tướng Kỳ cũng rút tên không ứng cử nữa. Ông Thiệu đương nhiên không còn ai là đối thủ nữa và trở thành "độc diễn" Cuộc bầu cử Tổng Thống bị phá hoại ngầm nên đương nhiên trở thành một cuộc biểu quyết thông qua của dân chúng mà thôi.

Sự rút lui của tướng Minh làm cho mọi người đều ngạc nhiên, bè bạn, thân hữu, và kể cả đối thủ. Ai cũng đồng ý là tướng Minh có một quyết định quá hời hợt. Những nhóm sinh viên từng ủng hộ hành động của người lãnh đạo Miền Nam đều giận dữ vì quá thất vọng. Một trong những trưởng nhóm, anh Ngọc, 26 tuổi, sinh viên năm thứ năm ngành Y, chưa hết giận :

-"Chúng tôi đã vận động mấy tháng nay cho cuộc bầu cử này, chúng tôi đã bỏ cả học hành, suốt đêm đi gõ cửa từng nhà, đã in truyền đơn vận động, lo soạn từng tấm biểu ngữ, tổ chức các buổi họp... Chúng tôi đã bị cảnh sát đánh đập. nhiều em đã bị bắt. Tất cả công việc làm của chúng tôi đều nhắm vào ông Minh Dương, Ông ta đã cam kết đi cho đến cùng và thình lình, không báo trước gì cả, ngay trong lúc cuộc vận động đang thực sự bắt đầu thì ông lại buông bỏ chúng tôi ".

Thượng nghị sĩ Đông, một Phật Tử ôn hòa, cử nhân khoa học còn nghiêm khắc hơn, rất chẩm rải nhưng đắn đo, ông nói :

-"Tôi không thích Tổng Thống Thiệu và phương pháp làm việc của ông ta . Nhưng tôi từ chối không ủng hộ tướng Minh. Về phương diện sức khỏe ông to con mạnh khỏe thật đấy nhưng hoàn toàn kém thông minh trên phương diện chánh trị. Nhìn bề ngoài thì thấy ông có vẻ ung dung và bình tĩnh đâu ngờ lại có những phản ứng mạnh không chính chắn như vậy. Ông ta vừa mới chứng minh điều đó hôm nay đây"

Ông Võ văn Hải, cựu chánh văn phòng của ông Diệm, vừa mới chạy theo tướng Minh mấy tháng nay đã xác nhận :

-"Tướng Minh là một người can đảm và trung trực, có đầy đủ lương tri. Chúng tôi là bằng hữu và bạn tranh đấu của ông, chúng tôi là những người đầu tiên lấy làm tiếc về sự rút lui của ông ta. Chung quanh ông toàn là những nhân vật hàng đầu ở Việt Nam nầy, ông lại được tài trợ rất mạnh và hy vọng có thể tập trung tất cả các lực lượng đối lập để thành lập một đảng chánh trị lớn. Tôi đoan chắc là qua sự rút lui nầy ông đã mất hết cơ may. Trong vòng 4 năm nữa chắc chắn sẽ là quá muộn. Nhưng ông rất chán vì những áp lực của Tổng Thống Thiệu đối với người của ông, đối với báo chí, đối với hành chánh cũng như đối với quân đội. Và dù sao chúng tôi cũng không thể nói hết được những lý do thật sự thầm kín của sự rút lui nầy. Ông Thiệu có vô số phương tiện để cho ông được thắng cử. Ông có biết là ở Việt Nam có một câu tục ngữ nầy không?

"Vai mang túi bạc kè kè

Nói bậy nói bạ người nghe thiếu gì "

Những "lý do thầm kín" mà ông Hải vừa nói đó quả nhiên đã có một vai trò không nhỏ trong quyết định bỏ cuộc của tướng Minh. Vừa mở màn chiến dịch tranh cử, người Mỹ lo lắng muốn cho cuộc tranh cử Tổng Thống phải có một vẽ dân chủ nên đã tiếp xúc với tướng Minh. Đại sứ Bunker theo người ta nói đã mong muốn có một cuộc tranh cử tay đôi giữa hai ứng củ viên nên đã tài trợ cho tướng Minh để ông nầy có phương tiện vận động tranh cử. Việc nầy được thực hiện vài ngày sau đó bằng một tín dụng thư 200 triệu đồng gởi vào chương mục được mở ra cho ông ở Đông Kinh Ngân Hàng (qua trung gian của một kỹ nghệ gia Nhật Bản). Ông Minh đã lãnh ra 100 triệu trước để cho các chi phí đầu tiên. Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ước tính là tướng Minh sẽ được một tỷ lệ vào khoản 30 đến 40 phần trăm trong tổng số phiếu bầu. Như vậy là đã quá đẹp và quá tốt cho cuộc bầu cử rồi. Ông Thiệu sẽ được đắc cử không có gì khó khăn lắm và tướng Minh sẽ có một tầm vóc chánh trị khả quan hơn để giúp ông lãnh đạo một đối lập vững chắc. Tuy nhiên trong những ngày đầu của tháng 10 năm đó, một chỉ thị mật của Hà Nội (văn phòng trung ương trong Bộ Tham mưu cộng sản phối hợp đấu tranh chánh trị và quân sự ở Miền Nam Việt Nam ,) do cơ quan kiểm thính của Mỹ giải mã được, ra lệnh cho "tất cả cán bộ đảng viên thuộc mọi cơ cấu của Việt Cộng ở Miền Nam phải dồn phiếu cho tướng Minh." Tỷ lệ số phiếu bầu do Việt Cộng kiểm soát được ước tính khoảng 15 % của tổng số , như vậy kết quả bầu cử sẽ có thể bị hiện tượng "ngựa về ngược", phần thắng có thể ngã về tướng Minh thì Sài Gòn sẽ có nguy cơ có một Chánh Phủ trung lập, Chánh Phủ nầy sẽ đặt lại vấn đề "sự có mặt của quân đội Mỹ ở Việt Nam " . Do đó ông Bunker báo động ngay cho Hoa Thạnh Đốn . Ở đây sau khi tham khảo lại với ông qua điện thoại đã quyết định bớt phương tiện tài trợ cho tướng Minh. Và khi ông Minh đến Ngân Hàng Đông Kinh để rút tiền thêm lần thứ hai, thì ngân hàng từ chối và người ta đã trả lời cho ông là chương mục đã được kết toán.

Ngày thứ năm 19 tháng 10 vào buổi sáng vài giờ trước khi ông tiếp xúc với ông Bunker, lúc ông nầy vừa từ Hoa Thạnh Đốn trở về thì tướng Minh lại bị một đòn đau nữa: Một thông cáo từ chùa Ấn Quang đã báo cho ông biết là sau 3 giờ thảo luận, tất cả 7 vị sư đại diện cho phong trào Phật Giáo Cải Cách (Phật Giáo đấu tranh mà tướng Minh nghĩ rằng sẽ hoàn toàn đứng sau lưng mình), đã quyết định chấm dứt sự ủng hộ ứng cử viên Dương văn Minh (với 6 phiếu thuận 1 phiếu chống của thượng tọa Thích thiện Minh). Trong văn thư thông báo quyết định nầy cho tướng Minh, các Sư đồng thời cũng cho ông biết những lý do đưa đến quyết định chấm dứt sự ủng hộ nầy như sau :

"Phong trào tranh đấu của Ấn Quang đã bỏ ra 4 năm để tái lập lại đội ngũ cán bộ, vì tổ chức và các phương tiện của họ đã bị đập tan trong thời kỳ tranh đấu chống Chánh Phủ năm 1966. Chúng tôi xét thấy tướng Minh không có một cơ may nào được đắc cử và chúng tôi không muốn bị lôi cuốn vào những hành động cực đoan quá khích nữa để chúng tôi bị đặt ra ngoài vòng pháp luật và phải hứng chịu những đòn trả thù nặng nề của chánh quyền lúc đó. Phong trào khước từ không vận dụng bộ máy vận động của mình, để dồn hết phương tiện và ngân khoản vào cuộc bầu cử dân biểu Quốc Hội , ở đó Phong Trào mới mong thành lập được một khối đối lập quan trọng như đã có ở Thượng Viện, khả dĩ có thể cân bằng với hành động của chánh quyền trong khuôn khổ hợp hiến."

Như vậy lực lượng chánh trị trong khối cử tri ở Miền Nam Việt Nam được chia ra như sau: Quân Đội , Công chức hành chánh , những Phật Tử ôn hòa, những Phật Tử đấu tranh của Ấn Quang, những người di cư từ Miền Bắc 1954, những người công giáo, Mặt Trận Giải Phóng và thân hữu của họ , và các Giáo Phái.

Quân đội thì đã là một khối sau lưng Tổng Thống Thiệu, và Hành chánh thì dĩ nhiên phải tuân theo ông rồi.

Các Phật Tử ôn hòa vẫn có mối giao hảo tốt với Chánh Phủ và lúc nào cũng đứng ngoài mọi tranh chấp chánh trị;

Những người Bắc di cư thì ủng hộ tướng Kỳ. Còn phần lớn giáo dân ở Miền Nam từ sau cuộc đảo chánh 1963 và cái chết của Tổng Thống Diệm thì chống hẳn tướng Minh.

Giáo phái "Hòa Hảo" rất đông và rất mạnh ở các tỉnh giàu có của Miền Tây thuộc vùng Đồng Bằng sông Cửu Long thì không bao giờ quên các cuộc hành quân giết người của tướng Minh đối với họ vào những năm 1955 và 1956 trong "chiến dịch diệt giáo phái".

Phong trào Phật Giáo Ấn Quang, rất mạnh ở miền Trung và ở nhiều thành phố lớn trong nước đương nhiên là một lực lượng tôn giáo và chánh trị có tổ chức, một lực lượng duy nhất mà tướng Minh có thể dựa vào.

Sự rút lui bất thình lình và không ai chờ đợi, đã giảm xuống đến con số không tất cả mọi hy vọng của ông ta, làm cho ông không có một con đường nào khác ngoài một kết quả bầu cử tệ hại nhờ vào phiếu bầu của cộng sản . Không còn đủ phương tiện tài chánh (ông không muốn phiêu lưu với tiền riêng của mình vả lại cũng không đủ), lại bị một vố đau của người Mỹ, và bị những đồng minh tốt nhất bỏ rơi, tướng Minh đành phải chọn con đường bỏ cuộc "rút lui " mà thôi.

Ngày 3 tháng 11 năm 1971, Tổng Thống Thiệu không có đối thủ, đắc cử với 94 % số phiếu bầu. Tướng Minh cho ra một thông cáo theo đó ông tuyên bố :"không hợp tác với một chế độ đã mất hết danh dự và tất cả phẩm cách."

Thế là lần đó coi như tướng Minh đã mất tất cả. Dù sao thì ông cũng bắt đầu đi qua sa mạc một lần thứ hai nữa. Hầu hết các người ủng hộ ông - ngoại trừ một vài bạn thật thân thiết- không biết được những lý do thật sự và thầm kín khiến ông phải rút lui... đã tránh xa ông. Ông nói đi nói lại với những người thân :" Chánh trị là cả một cơn ác mộng !"

Ông lại đọc sách trở lại.
Nhân vật De Gaulle làm ông bị quyến rũ.. Theo gương ông nầy tướng Minh gần như tự đặt mình ngoài vòng của chế độ Cộng Hòa. Ông sống như vậy suốt trên 3 năm, giới hạn trong các tố cáo hành động của chế độ với những ngôn từ gay gắt, kêu gọi một sự tái lập một nền dân chủ thật sự và sự thi hành nghiêm chỉnh Hiệp Định Ba Lê. Các nhóm khác nhau thuuộc lực lượng thứ ba lại bắt đầu dựa vào ông trở lại. Ông cũng thường tiếp vị cố vấn chánh trị của tòa đại sứ Pháp, ông Brochand, một người dân miền Nam nước Pháp, lanh lợi nhưng ranh mãnh, rất khôn khéo trong việc dựng lên những tổ hợp chánh trị , là người của ông Froment-Meurisse, Giám đốc Á Châu Sự Vụ ở Quai D'Orsay (Phủ Thủ tướng Pháp) Ông Brochand đã tin chắc chiến thắng tất yếu của Miền Bắc từ nhiều năm rồi . Những sự giao thiệp của ông ta với tướng Minh kèm theo với một đại diện của tòa đại sứ Pháp đã làm cho người Việt Nam lầm tưởng rằng tướng Minh được Ba Lê ủng hộ sẽ là một ứng viên được CPLTCHMN chấp nhận .

Chỉ mới cách đây vài tháng thôi., các thành viên của phái đoàn điều tra thuộc Quốc Hội Hoa Kỳ đã có tiếp xúc rất lâu với ông Minh và động viên ông ta nên hoạt động chánh trị trở lại . Ông cũng chỉ nghe vậy thôi.

Người cố vấn lão thành của ông là ông Nguyễn ngọc Thơ đã qua đời rồi vì bệnh ung thư. Còn ông giáo sư chánh trị của ông Minh, là ông Tôn thất Thiện lỗi lạc kia, sau khi bắt được ngọn gió từ tòa đại sứ Anh và xét thấy chiến thắng của Bắc Việt đã gần kề và không sao tránh khỏi .. nên ông ta thu xếp và vọt đi êm trên một chiếc phi cơ của Hội Hồng Thập Tư

Riêng về phía các tướng lãnh bạn của ông Minh thì luôn luôn lúc nào cũng nghi ngờ đối với cộng sản Bắc Việt , nên đã khuyên ông ta nên cẩn thận.

Chỉ riêng có nghị sĩ năng động Vũ văn Mẫu, người hay tiếp xúc với ông rất thường, và nhóm "tranh đấu trẻ" của Lý quý Chung đã thúc hối ông hãy nắm lấy chánh quyền và "đưa ra những điều kiện".

Trên thực tế, tướng Minh không phải là một nhà chánh trị .Lúc nào ông cũng chỉ mong muốn là một người hòa giải và chỉ muốn đóng vai trò hoà giải! Và hiển nhiên từ lúc ông thất bại năm 1971, ông có thể sẽ có một vai trò nào đó khi nào Miền Nam Việt Nam đứng trước một thảm họa. Quả nhiên, bây giờ chính là lúc chuyện đó đang xảy ra.

Đồng ý nhận thấy là tai họa mà Tổng Thống Thiệu phải gánh một phần lớn trách nhiệm, bạn bè của tướng Minh và một phần của các đối thủ của ông muốn ông phải cứu lấy những gì còn có thể cứu được . Sau nhiều ngày mặc cả gay go và đôi khi cứng rắn với ông Tổng Thống Hương già nua, cuối cùng tướng Minh cũng đã nhận được đầy đủ quyền hành. Chánh Phủ của ông đã được thành lập. Trong vài giờ sắp tới đây, ông Minh sẽ vào chiếm lĩnh Dinh Độc Lập. Bạn bè thân hữu của ông vui mừng hớn hở. Sau nhiều năm bị lưu đày, ở thế đối lập và bị hất hủi, cuối cùng tướng Minh cũng lại trở lại là vị nguyên thủ quốc gia ... và những người đã thúc đẩy và đưa ông ta lên như một món hàng rồi đây sẽ có thể được ngồi vào các ghế dựa nhung đỏ.... Nhưng liệu sẽ được bao lâu đây?
--------------------------------
Chú thích của tác giả: dưới chiêu bài của "đảng Cần Lao", đây là một sự tuyển chọn một đội ngũ cán bộ và những người được gọi là ưu tú để phục vụ chánh quyền hiện tại.
Chú thích thêm của tác giả :Có một chuyên viên CIA khác làm việc chung với Lou Conein. Đó là đại tá Spera, người sau nầy được nổi tiếng là đã thanh toán Che Guevera ở Bolivie.