dimanche 11 décembre 2011

Việt Nam Quê Mẹ Oan Khiên CH-17
 

Pierre Darcourt

  CHƯƠNG MƯỜI BẢY

ĐẾN LƯỢT ĐẠI SỨ M. MÉRILLON LÊN SÂN KHẤU

Thứ Ba, ngày 22 tháng Tư

Với sự thờ ơ nhẫn nại trên đường phố Sài Gòn , với sự bối rối ở Hoa Thạnh Đốn , với sự kín đáo ở Mạc Tư Khoa , với niềm hy vọng ở Ba Lê, với sự từ chức của Tổng Thống Thiệu được loan báo chiều hôm qua. . . cho tới giờ nầy chỉ thấy có phản ứng vừa phải ở khắp mọi nơi thôi. Trên cả thế giới, chánh phủ nào bây giờ cũng chỉ chú ý đến những gì gọi là "biến cố sẽ xảy ra" mà thôi.

Đài phát thanh Sài Gòn chỉ đưa ra hai đoạn trích dẫn từ những bài bình luận đầu tiên của báo chí ngoại quốc:

* Của tờ "Thời Báo Nữu Ước" (New York Times) ở Hoa Kỳ :

-"Sự từ nhiệm của Nguyễn văn Thiệu trong chức vụ Tổng Thống V NCH đã làm giảm đi khả năng sẽ có một cuộc chiến đẫm máu dẫn đến sự "kết thúc" (nguyên văn của tác giả: "finish" bằng tiếng Mỹ, trong dấu ngoặc).. Các bên hiện diện của Việt Nam cuối cùng sẽ có một cơ hội thiết thực để tìm đến một giải pháp phù hợp với các điều khoản của Hiệp Định Ba Lê năm 1973"

* Của tờ "Thời Báo" (Times) ở Luân Đôn :

-"Ai đã phản bội ? người nào ? Đây là một câu hỏi rắc rối. Từ đây không còn nghi ngờ gì nữa là Chánh Phủ Hoa Kỳ rõ ràng đã có trao hẳn hòi cho Tổng Thống Thiệu những sự bảo đảm trong trường hợp tối cần thiết.. Tổng Thống Thiệu đã có hành động đúng khi ông tuyên bố rút lui vì quyền lợi của đất nước của ông ta, để mở đường cho những cuộc đàm phán....."

Câu hỏi mà mọi người đều đặt ra chỉ vỏn vẹn là : "Tổng Thống Trần văn Hương, người được chỉ định thay thế ông Thiệu, theo đúng Hiến Pháp Việt Nam, sẽ giữ được chánh quyền được bao nhiêu thời gian nữa?"

Ông Trần văn Hương, người thay thế ông Thiệu, là một ông già 72 tuổi, người đau yếu được may mắn qua khỏi bệnh bướu tim, có một dáng đi nặng nề và có tính hay do dự, luôn đeo kính râm dày để che dấu và bảo vệ cặp mắt hơn là sợ ánh sáng. Vốn sanh trưởng ở tỉnh Vĩnh Long, cha là một ông giáo và mẹ là người bán hàng, ông cũng trở thành một giáo viên, và sau đó là một thanh tra tiểu học, ông bước vào con đường chánh trị ngay sau khi Thế chiến Hai chấm dứt, và được bầu làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Chánh Tỉnh Tây Ninh trước khi được chỉ định vào chức vụ Thị Trưởng Sài Gòn . Liêm khiết và không ngại ngùng, với chiếc xe đạp hay bằng một chiếc xe 4 ngựa cũ kỹ loại vá víu, ông đi khắp mọi nơi, đến với mọi người, với mọi yêu cầu có tính cách nhân đạo, ông cũng tiếp những người nghèo hơn người giàu sang nên từ đó rất nhanh chóng được nổi tiếng là một người bình dân.

Ông chỉ giữ chức vụ nầy có 2 năm, và mặc dầu đứng ngoài chế độ của ông Diệm, ông vẫn bị bắt năm 1961 vì đã ký tên vào một bản tuyên ngôn chống Chánh Phủ .

Năm 1964, ông Hương trở lại chính trường sau khi ông Diệm bị các tướng lãnh lật đổ. Ông được Hội Đồng Quân Nhân Cách Mng chỉ định làm Thủ Tướng Chánh Phủ , nhưng ba tháng sau đó ông bắt buộc phải từ chức vì áp lực của Phật Tử và của tướng Nguyễn cao Kỳ.

Sau thời gian 4 năm về hưu mới nầy, năm 1967 ông lại có mặt trên chính trường, với tư cách là ứng cử viên Tổng Thống, đối lập với Tướng Thiệu, nhưng không hề chỉ trích cá nhân Tướng Thiệu trong thời gian tranh cử.. Nhờ vậy vài tháng sau đó ông lại được Tổng Thống Thiệu trọng dụng, mời ông thành lập Chánh Phủ. Sau nhiều lần cải tổ, ông mới thành lập xong Chánh Phủ và ông là Thủ Tướng. Nhưng đến tháng 8 năm 1969, Thủ Tướng Trần thiện Khiêm lại thay thế ông. Đến năm 1971 ông được Tổng Thống Thiệu chọn đứng chung liên danh ứng cử Tổng Thống và từ đó ông mới là Phó Tổng Thống.

Có nhiều dư luận đồn đại ở Sài Gòn theo đó thì trong tương lai lại đến lượt ông Hương phải từ chức Tổng Thống , giao lại cho ông Trần văn Lắm, Chủ Tịch Thượng Viện., cựu Tổng Trưởng Ngoại Giao trong thời kỳ hòa đàm Ba Lê, và với chức vụ nầy ông Lắm là một trong những người đã ký Hiệp Định Paris 1973..

Nhưng các tin đồn ở Sài Gòn nầy thực hư cần phải được kiểm chứng lại.Vị nguyên thủ Quốc Gia mới nầy, người mà tôi đã có dịp tiếp xúc nhiều lần trong những năm gần đây, mặc dầu trong tình thế cấp bách, không phải là người chịu lấy quyết định một cách vội vã, Trái lại, ông còn phải có thì giờ để tham khảo, dò hỏi, tiếp các nhân sĩ, các nghị sĩ, các dân biểu, các tướng lãnh, các nhà ngoại giao để biết được ý kiến từng người , biết được lập luận của họ, vừa cân nhắc từng khả năng trước khi ông từ chức, vừa phải giữ đúng mọi hình thức thủ tục, để chọn người nào mà ông nhận định là có đủ khả năng nhất, có thế đứng mạnh nhất để có thể đứng ra đàm phán với kẻ thù.

Nhìn vào tuổi tác của ông, tình trạng sức khỏe của ông, với sự nghiên cứu tiểu sử của ông, người ta có thể suy đoán được ngay thái độ và cách xử sự của ông. Là một người có óc địa phương cứng rắn, được thấm nhuần luân lý Khổng Mạnh, lại được đào tạo trên trường đời, hấp thụ một nền công dân giáo dục và toàn loại văn chương tuyển lựa (thư viện của ông đầy sách của tác giả cổ điển Pháp), ông già cộng hòa cứng đầu, gắt gỏng và tỉ mỉ nầy biểu lộ một sự gắn bó với truyền thống và luật lệ. Nếu có nhiều lần cải vã ra trò cho thấy ông có chống đối Tổng Thống Thiệu, hay nếu ông thường tố cáo trên báo về tham nhũng và những hành động thái quá trong chiến tranh, nhưng ông không bao giờ tán thành chuyện thương lượng với cộng sản mà lúc nào ông cũng khăng khăng gọi "bọn xâm lược Miền Bắc" (nguyên tác:Tonkinois). Là người giữ Hiến Pháp , nếu được chỉ định phải xúc tiến việc thương lượng với kẻ thù, ông nghĩ là ông phải thi hành trong khuôn khổ của thể chế mà ông có bổn phận phải gìn giữ.. "Phía bên kia" hình như không sẵn sàng để cho ông thi hành điều đó một cách dễ dàng đâu.

Chỉ vài giờ sau khi ông Hương nhận chức, Hà Nội đã xẵng giọng nói rõ quan điểm của họ :"Sự từ chức của Nguyễn văn Thiệu chỉ là một mưu mẹo, một toan tính chánh trị nhằm duy trì chế độ Thiệu mà không có Thiệu. Thật sự không có gì thay đổi hết, và đương nhiên cuộc chiến vẫn phải được tiếp tục".

Vả lại nhất thời cộng sản không có một lý do nào để đi đến một thỏa hiệp. Họ luôn luôn nhấn mạnh là họ chiến đấu trên ba mặt trận : quân sự , chánh trị và ngoại giao.

Trên phương diện quân sự , họ đang ở thế mạnh. Nhưng Sài Gòn cũng vẫn còn vài đơn vị có khả năng bám chặt trận địa, và Miền Đồng Bằng sông Cửu Long vẫn chưa hề hấn gì cả. Như vậy , vì không muốn chiếm một thủ đô Miền Nam đổ nát , họ muốn thúc hối tiến trình của một sự sụp đổ của Chánh Phủ hiện hữu trên phương diện chánh trị , để đi đến một sự thay đổi thành phần của một Chánh Phủ mới có thể ra lệnh cho quân đội ngừng băn , giúp mở toang cửa thủ đô Sài Gòn và Đồng Bằng sông Cửu Long cho họ thong thả tiến vào mà không cần phải chiến đấu.

Cuộc đấu tranh chánh trị được cộng sản đưa lên hàng đầu: có nghĩa là cộng sản muốn đạt được Hiến Pháp của một Chánh Phủ hoàn toàn không có một người nào mà họ gọi là "bè lũ Mỹ Thiệu". Nhiệm vụ chính của "nội các hòa bình" đó tạo điều kiện dễ dàng cho sự ra đời của một "Hội Đồng Quốc Gia Hòa Hợp và Hòa Giải" mà theo Hiệp Định Paris Hội Đồng nầy sẽ sửa soạn cho cuộc bầu cử.. Theo Hiệp Định Paris thì Hội Đồng nầy sẽ gồm có ba thành phần (CPLTCHMN, Sài Gòn , và lực lượng trung lập), cộng sản sẽ không gặp một điều bất trắc nào mà chỉ hoàn toàn có lợi cho họ khi họ bám chặt vào phương thức hợp pháp nầy . Làm chủ được tiềm lực của Sài Gòn nhờ vào số phận hẩm hiu của vũ khí và sự bỏ rơi của người Mỹ, cộng sản đang ở vị thế chọn lựa và áp đặt điều kiện với Sài Gòn (họ muốn chọn ai thì chọn, muốn loại bỏ người nào không thích hợp với họ thì loại bỏ). Họ cũng tự cho mình có quyền kiểu đó để lựa chọn những nhân vật trung lập "tin cậy được" để đưa vào đại diện cho lực lượng thứ ba trong Hội Đồng Hòa Hợp Hòa Giải Quốc Gia tương lai.

Như vậy, trên phương diện "hình thức", Hiệp Định Paris sẽ coi như được họ tôn trọng, không ai có thể chê trách là cộng sản đã không thi hành đúng từng chữ trong Hiệp Định Paris trên phương diện chánh trị . Và như vậy họ cũng bảo đảm được những phê phán thuận lợi cho họ đối với dư luận quốc tế, bảo đảm được sự cộng tác của các nhà ngoại giao ngoại quốc đang lo ngại không tránh được một trận chiến đẫm máu trong thủ đô Sài Gòn.

Trong hiện tại, với những mặc cả khó khăn, những nhà chánh trị của Miền Nam đang bàn cãi nhắm tìm một người đối thoại khả dĩ có thể được phía cộng sản chấp nhận.

Tổng Thống Hương vừa bắt đầu tỏ thiện chí của mình bằng cách chấp nhận sự từ nhiệm của "Chánh Phủ chiến tranh" vừa mới được vị Tổng Thống tiền nhiệm chỉ định cách đây 12 ngày. Bây giờ Ông đang cố gắng liên lạc với những lãnh tụ khác của Miền Nam và với những nhà ngoại giao Mỹ và Pháp ở Sài Gòn , để tiến hành một sự thay đổi đường lối chánh trị mà phía cộng sản đòi hỏi. Nhưng ông Tổng Thống già nầy vẫn cứng rắn không chịu từ chức:

- "Tôi không có quyền buông bỏ tính cách hợp pháp của Quốc Gia nầy ( một điều mà ông thường nhắc đi nhắc lại) để trao cho một nhân vật không được dân chúng bầu lên. Thay vì chuyển giao quyền hành và trách nhiệm một cách bất hợp pháp, tôi muốn thành lập một tân Chánh Phủ hẳn hòi, không có một dấu ấn nào về đường lối trước kia, để họ có đầy đủ quyền hành mà đàm phán với bên kia. "

Trong sổ tay của Tổng Thống Hương, thấy có tên của ba người có thể là Thủ Tướng, cả ba đều là người Miền Nam , ông Trần văn Lắm, ông Nguyễn văn Huyền, và tướng Trần văn Đôn. Ông đã tiếp cả ba người , tuần tự từng người một.

- Ông Trần văn Lắm, là người sanh trưởng ở Chợ Lớn, 62 tuổi, đầu tròn trịa tóc chải nằm xuống thật kỹ lưỡng, gương mặt rất thản nhiên. Ông là một nhân sĩ ung dung, tự tin, với một tư thế hay giúp người . Ông đã học Dược ở Hà Nội và có một số vốn liếng khá lớn nhờ sản xuất và bán thuốc tây. Ông đã từng là Thống Đốc Nam Kỳ, Chủ Tịch Quốc Hội Lập Hiến, Đại sứ V NCH ở Úc Châu, và sau đó là Tổng trưởng Ngoại Giao, và với tư cách nầy ông là người đã ký vào Hiệp Định Paris 1973, nhưng sau đó ông bị Tổng ThốngThiệu bãi nhiệm chỉ vì Tổng Thống Thiệu không thích cử chỉ của ông khi ông ôm bà Nguyễn thị Bình vào lúc ký Hiệp Định và gọi bà Bộ Trưởng Ngoại Giao của CPLTCHMN bằng " bà chị thân yêu". Được bầu làm Chủ Tịch Thượng Viện vào cuối năm 1973, được người Mỹ tích cực ủng hộ, kể từ lúc đó ông đã cố gắng tỏ thái độ độc lập đối với ông Thiệu, và giữ một khoảng cách nào đó với những vấn đề liên quan đến chánh trị, một thái độ cũng không khó gì lắm, so với công tác quản trị công việc làm ăn riêng của mình, công tác nầy coi như đã chiếm gần hết thì giờ của ông - nhất là ngân hàng tư của ông, một ngân hàng rất thịnh vượng-

- Ông Nguyễn văn Huyền: 61 tuổi, tiến sĩ luật học, một luật sư có tài. Sanh trưởng ở Mỹ Tho, ông là một người rất liêm khiết và được mọi người kính nể. Ông là lãnh đạo những người công giáo Miền Nam (ôn hòa hơn những người công giáo từ Miền Bắc vào), là bạn thân với Đức Cha Nguyễn văn Bình, Tổng Giám Mục giáo phận Sài Gòn . Ông có một đời sống rất khắc khổ, rất xứng đáng, tận tụy hết sức mình với Đạo giáo, và công việc của Quốc Gia . Là Chủ Tịch Thượng Viện từ 1967 đến 1973, ông từ chức để phản đối việc sửa đổi Hiến Pháp theo ý của Tổng Thống Thiệu để giúp ông ta được ra ứng cử thêm một nhiệm kỳ thứ ba. Ông tuyên bố ngay lúc đó :

- " Sự chấp thuận bản văn đó, nhờ vào những áp lực không thể chấp nhận được, kèm theo những "bao thơ" được phân phát... đã tước hết hy vọng của những người trong chúng tôi lúc nào củng muốn đóng góp vào công tác xây dựng một nền dân chủ thật sự cho đất nước " .

Sau đó ông tham gia phong trào "chống tham nhũng" của linh mục Thanh và từ đó lúc nào ông cũng kêu gọi sự từ chức của Tổng ThốngThiệu.

- Trung tướng Trần văn Đôn: 58 tuổi, sanh trưởng và được đào tạo bên Pháp. Ông thuộc một gia đình cổ xưa và có uy tín ở Miền Nam. Cha ông là một người tình nguyện trong Thế Chiến thứ Nhất , đã học Y Khoa ở Bordeaux, và vô dân Pháp. Khi trở về Việt Nam , ông nổi danh trong việc hành nghề ở Sài Gòn , trở thành một nhân sĩ có tên tuổi của thành phố, và được các vị Toàn Quyền người Pháp ở Miền Nam che chở và thường xuyên tiếp kiến. Là bạn thân của lãnh tụ Nam Việt Trần văn Hữu, Thủ Tướng đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa, ông được đặc ân của Thủ Tướng Hữu bổ nhiệm ông làm Thị Trưởng Sài Gòn Chợ Lớn, và sau đó làm Đại Sứ ở Luân Đôn. Nhưng vì ông quá thân thiết với Đại sứ Pháp ở Anh Quốc (ông Massigli) đến độ ông thường tiết lộ những chuyện mật kín của Việt Nam , cho nên Thủ Tướng Hữu thấy cần phải thận trọng hơn và đổi ông sang làm Đại sứ ở La Mã (Ý đại Lợi).. Vào năm 1956, rất nhiều người dân lớn tuổi ở Miền Nam đã nghiêm khắc phê phán ông, khi ông ta vì muốn được sự trọng dụng của Tổng Thống Diệm , kẻ thù của người bảo trợ cũ của ông mà từ bỏ quốc tịch Pháp. Thái độ có tánh cách cơ hội nầy đã làm cho người ta hiểu rõ hơn về những hành động liên tiếp và mâu thuẫn của đứa con trai của ông, Trần văn Đôn, lúc nào củng bị ám ảnh về một "sự thành công" nào đó.

Con người mảnh khảnh nhưng có thân hình đẹp trai, với những nét thanh bai, tao nhã và quyến rũ, ông Trần văn Đôn là một tướng lãnh chánh trị hơn là một chỉ huy quân sự . Thành thạo trong những tằng tịu vụng trộm và trong những cuộc vận động ở cấp Bộ, nghề nghiệp và sự thăng quan tiến chức của ông phần lớn nhờ vào sự bảo trợ mà ông biết giành được qua những hành động nổi bật của mình. Cựu sinh viên sĩ quan trường đào tạo sĩ quan Saint Maixent (Pháp), sau đó trường quân sự Tông (Bắc Việt ), trung úy André Trần văn Đôn bắt đầu đi lên từ các văn phòng Phủ Thủ Tướng (Xuân, Hữu và Diệm). Vào năm 1956, thình lình ông mất hết sự kính trọng của tất cả những người bạn cũ người Pháp và của nhiều người bạn trong quân đội, khi vì muốn làm vui lòng ông Diệm , ông đã chủ tọa buổi lễ "thiêu hủy những tàng tích quân sự trong thời thuộc địa dưới sự thống trị của người Pháp". Ngày hôm đó, tướng Trần văn Đôn đã cho đốt hết những cấp bậc và huy chương của quân đội Pháp bằng cách đích thân châm lửa vào củi. Bà chị ruột của ông phẩn nộ vì hành động và cử chỉ của ông, đã phải tát cho ông hai tát nên thân.

Về sau nầy, vì ông đã quay lưng lại với bạn bè và nguồn gốc Pháp của mình, tướng Đôn lại đi tham gia vào cuộc hạ sát Tổng Thống Diệm, người đã cho ông quá nhiều danh vọng và đã bổ nhiệm ông làm Tổng Tham Mưu Trưởng Quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Tướng Đôn đã tham gia sau đó vào tất cả các biến chuyển chánh trị ở Miền Nam Việt Nam . Là bạn của tướng Dương văn Minh, ông Đôn lại xa lánh ông nầy để nhảy sang với tướng Cao Kỳ, nhờ tướng Kỳ nâng đỡ để được bầu vào Thượng Viện, rồi lại bỏ tướng Kỳ để làm thân lại với Tổng Thống Thiệu.... bằng cách trình và bênh vực trước lưỡng viện Quốc Hội dự án sửa đổi Hiến Pháp nhằm tăng nhiệm kỳ của Tổng Thống lên 5 năm thay vì 4 năm và cho phép Tổng Thống được quyền ra ứng cử nhiệm kỳ thứ ba.

Để đền bù lại việc nầy, coi như một trao đổi, Tổng Thống Thiệu bổ nhiệm ông Đôn làm Phó Thủ Tướng. Nhưng rồi, quá lo nghĩ cho tương lai của mình, tướng Đôn lại khôn ngoan tránh né không muốn dính chặt với Tổng Thống Phủ bằng cách đi tìm cách ngao du khắp nơi ở ngoại quốc, qua Âu Châu, Phi Châu thuộc Pháp, đi Nhật và Hoa Kỳ . Nhất là ở Paris, ông nối lại liên lạc với một số thượng cấp cũ của ông, biểu lộ những sự hối tiếc của mình đã có hành động "không tế nhị" khi chủ tọa "buổi lễ dại dột để đốt cấp bậc và huy chương Pháp".

Ông ta được các ông Giscard d'Estain và Poniatowsky tiếp kiến, cảm động vì cử chỉ tốt của ông, vì tiếng Pháp quá gọt dũa của ông, và vì những cam kết gắn bó vời "nền văn hóa và sự rạng rỡ" của nước Pháp .

Ông ta nhờ một người bạn lâu đời của Việt Nam là tướng Loisillon để can thiệp xin cho ông được quyền lãnh trợ cấp của quân đội Pháp, vì ông đã phục vụ trong quân đội nầy 16 năm... và lãnh hồi tố được một số tiền là 130.000 quan Pháp (3 quan Pháp = 1 mỹ kim lúc đó). Đồng thời, nhờ sự giúp đỡ của ông Sainteny (cựu Toàn Quyền Cộng Hòa Pháp ở Bắc Việt ), ông giữ được liên lạc đều đặn với những thành phần trung lập bị trục xuất sang Pháp, những người còn quan hệ chặt chẽ với Hà Nội và CPLTCHMN. Tại Sài Gòn ông giữ mối giao hảo mật thiết với đại sứ Pháp, ông Mérillon, người coi ông như một trong những lãnh tụ có khả năng lãnh đạo một Chánh Phủ liên hiệp. Là một con người kín đáo, nhiều màu sắc, và lịch lãm không chê được, cho tới giờ nầy ông Trần văn Đôn đã thành công trong việc luồn lách qua những giọt nước của các cơn mưa sa bão táp mà vẫn không ướt bàn chân.

Là một người quyến rũ may mắn, ông Đôn còn đi đến hành động ve vãn và thân thiện với mấy ông chồng khờ dại mà ông ta lường gạt để cưỡm mấy bà vợ nhẹ dạ- nhưng ông khôn khéo vẫn giữ được gia đình của mình nguyên vẹn và êm ấm. Mấy đứa con của ông cũng được giáo dục tốt như ông, học hành cũng rất tốt và vẫn rất mực kính trọng ông.

Trong khi Tổng Thống Hương tiếp tục thăm dò và thử thành lập một Chánh Phủ với sự góp ý của các ông Trần văn Lắm, Nguyễn văn Huyền và Trần văn Đôn, thì người ta chú ý nhiều hơn về những cố gắng ngoại giao hướng về một nền "hòa bình qua thương lượng" hơn là về tình hình quân sự thật tình đang rất nguy kịch.

Góp mặt như những nhà trung gian hòa giải đắc lực nhất, là người Pháp, họ giữ những sự tiếp xúc với tất cả các Bên trong cuộc chiến, không riêng gì ở Sài Gòn, mà cả ở Paris và Hà Nội.

Thái độ và hành vi sau cùng của Chánh Phủ Pháp đã có một tiếng vang nào đó trong thủ đô Miền Nam , ở đó nhiều nhà trí thức tưởng rằng Paris đã lấp khoảng trống do Hoa Kỳ bỏ lại. Đối với một dân tộc đang lo sợ sẽ bị bỏ rơi thật sự, sự kiện mà điện Élysée kêu gọi (nguyên tác :inviter :mời) người Pháp hãy ở lại Việt Nam , hình như là một bằng chứng cho thấy là mọi việc rồi sẽ không kết thúc bằng một cuộc tàn sát, hay tắm máu đâu.

Tất cả dân chúng ở Sài Gòn đều nhắm vào ông Đại sứ Pháp Mérillon, Người nhỏ thó, gầy, nhưng nóng tính, tóc đen , ông Mérillon có cặp mắt tròn sáng ngời dưới cặp kính râm. Ông là cựu sinh viên trường E.N.A., năm 1970 đã nổi bật và được dư luận chú ý trong lúc chiến cuộc "tháng chín đen" ở Jordan đang hồi khốc liệt . Lúc bấy giờ ông đang là Đại sứ Pháp ở thủ đô Amman, ông đã bỏ tiền ra bất chấp tốn hao để lo chuyển thực phẩm và thuốc men đến cho dân chúng, cho những người ngoại quốc đang bị phong tỏa kẹt trong vòng chiến, và cho những con tin đang bị du kích Palestine cầm giữ.. Táo tợn hơn dưới cơn mưa đạn và rốc kết, ông đích thân đứng ra hướng dẫn các phi công của các phi cơ cứu viện đáp xuống phi trường. .Là một nhà ngoại giao bất chấp hết thủ tục, thường mặc sơ mi nhẹ và quần kaki dài hơn là đứng đắn có thắt cà vạt, ông hăng say làm việc nhưng không được kiên nhẫn lắm, nên đôi lúc có những cơn nóng giận bất thường.

Các cộng sự viên của ông thường nói về ông :

-" Ông rất tự tin, có thói quen tổng kết tình hình và phán đoán con người qua vài câu bén nhọn và nhanh gọn, ông tự biết mình là một người thông minh và không bỏ qua một cơ hội nào để chứng minh điều đó ".

Những người Pháp lớn tuổi ở đây nhận thấy ông đã "tăng cường" nhân viên của Tòa Đại Sứ, để làm tăng giá trị cho vị thế của ông hơn là muốn có một sự hữu hiệu thật sự cho công việc, và họ nhún vai phê bình thêm:

- " Ông ta khuấy động nhiều quá, làm ồn quá, coi chừng ông ta sẽ có nguy cơ trèo cao té nặng đó !"

Thật ra, từ mấy ngày nay, ông Jean- Marie Mérillon đã tỏ ra rất năng động. Tin chắc là cái giá phải trả cho một cuộc "chiến đấu trong danh dự" của Sài Gòn sẽ thật sự rất đắt, nên điều lo lắng đầu tiên của ông là phải cố tránh không để cho thủ đô bị đánh chiếm. Muốn được như vậy, ông hình dung ra một sơ đồ căn cứ trên một ý nghĩ thật giản dị : phải đạt cho được sự từ chức của Tổng Thống Hương và thành lập một Hội Đồng Hòa Hợp Hòa Giải với những nhân vật thuộc "thành phần thứ ba". Hội đồng nầy chỉ cần tồn tại trong vòng hai hay ba tuần lễ mà thôi. Một thời gian trì hoãn. Muốn được như vậy, là ông phải lắc mạnh cái mà ông gọi là "sự bất động cố hữu" của ông già Hương; phải cố thuyết phục cho đến cùng rằng sự chống trả bằng võ lực bây giờ là điều hoàn toàn vô ích; và cố gắng hòa giải các nhóm "đối lập hợp pháp" vì lúc nào họ cũng chia rẻ với nhau.

Vậy bây giờ là ông bắt đầu tiến hành những cuộc mặc cả hết sức khó khăn rồi trở thành mạnh bạo hơn khi mà mỗi giờ trôi qua là mỗi giờ áp lực của lực lượng cộng sản càng nặng thêm lên.

Hà Nội vừa mới xác định một lần nữa lập trường của họ :

- "Trong bộ máy chánh quyền mới sẽ được thành lập ở Sài Gòn , không được có mặt bất cứ người nào đã ở trong bè cánh của Thiệu, có nghĩa là những người đã hợp tác chặt chẽ với Thiệu để chống phá quyền lợi Quốc Gia, kéo dài cuộc chiến và phá hoại Hiệp Định Ba Lê. "

Với những lời tuyên bố nầy, đương nhiên bị loại ra ngoài ông Trần văn Lắm, đương kim Chủ Tịch Thượng Viện và tướng Trần văn Đôn, Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Qyốc Phòng của Chánh Phủ "chiến đấu", tuy đã từ nhiệm nhưng vẫn còn là "xử lý thường vụ".

Về phía ông Nguyễn văn Huyền, ông đã từ chối không nhận đề nghị lập Chánh Phủ bằng một lời tuyên bố rất giản dị "Trong lúc tình hình cần có một sự đoàn kết Quốc Gia rộng rãi, với tư cách một người lãnh đạo công giáo, tôi sẽ nhanh chóng bị phê phán là muốn lập một "Chánh Phủ tôn giáo "

Do vậy lại bắt đầu trở lại những sự mặc cả mới.., mà ông Mérillon hơi chua chát gọi đó là "những trò chơi viển vông" . Tin tức từ mặt trận đưa về thật đáng lo ngại.. Một số đơn vị của Chánh Phủ đang thiếu đạn . Về hướng Tây Bắc của thủ đô, trung đoàn bộ binh thuộc sư đoàn 25 đang phòng thủ một giao lộ rất quan trọng là Gò Dầu Hạ, chỉ còn có vài tràng mỗi ngày dự trữ cho các khẩu pháo 105 và 155 ly. Trên mặt trận hướng Đông, số phận của chiến trận chỉ tùy thuộc vào sự yểm trợ của Không quân chiến thuật..

Tin chắc rằng những cuộc bàn cải dài dòng của các chánh trị gia và các nhà ngoại giao còn phải kéo dài trong vài ngày nữa, nên tôi muốn đi trở lên mặt trận hơn.