jeudi 14 avril 2011

Hoa đào và máu đào

Phần (I)
Nhân giỗ thứ 43 Tổng thống Ngô Đình Diệm (2/11/1963)
Minh Võ

Khi giáo sư Francis X. Winters cho ra cuốn The Year of the Hare (1), năm 1997, ông có nói đến cành đào có đính danh thiếp của “Chủ Tịch Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Hồ Chí Minh tặng Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm” được trưng bày tại phòng khánh tiết dinh Độc Lập, Sài Gòn trong ngày Tết Qúy Mão (1963). Nhiều người đã hết sức ngạc nhiên. Làm sao một sự việc quan trọng như vậy mà cho đến nay mới nghe nói? Chính người viết cũng bán tín bán nghi. Nhưng mới đây, khoảng đầu năm 2006, ông Quách Tòng Đức, nguyên đổng lý văn phòng phủ tổng thống, đã xác nhận điều đó với luật sư Lâm Lễ Trinh, trong một cuộc phỏng vấn được đăng trên nhiều báo ở Mỹ. Sau đó cựu nghị sĩ Lê Châu Lộc, lúc ấy còn là tùy viên của Tổng Thống Diệm, cho chúng tôi biết thêm là chính ông đã nhận cành đào đó từ trụ sở Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến (ICC). Cành đào rất lớn, nhưng có lẽ vì danh thiếp nhỏ, nên ít người để ý.
Môi son tươi thắm cánh đào xuân
Nguồn: g3studios.com

Từ ngày hoa đào xuất hiện tại dinh tổng thống cho đến ngày vị tổng thống đầu tiên đổ máu đào trong một cuộc đảo chính chỉ có 9 tháng. Nhưng đây là thời gian xảy ra không biết bao nhiêu sự việc liên quan đến hoa đào và máu đào mà cho đến nay vẫn còn bị che phủ dưới những lớp màn bí ẩn.

Người ta đã có thể ví cành đào của ông Hồ với ả đào Điêu Thuyền của Vương Doãn (Môi son tươi thắm cánh đào xuân) từng là cái cớ cho Lữ Bố giết cha nuôi là Đổng Trác. Hay nhắc lại mưu sâu của Chu Du xúi Tôn Quyền gả em gái cho Lưu Bị để thừa dịp họ Lưu tới đón dâu giết quách đi. Nhưng mưu người em không qua mắt được người anh là Khổng Minh Gia Cát Lượng. Sự mưu hại không thành. Lưu Huyền Đức đã không hề hấn gì mà lại được vợ đẹp. Tiếc rằng “nhà Ngô” không có được một Khổng Minh như nhà Thục. Ngô Đình Nhu đã được một tác giả ẩn danh nào đó (2) so sánh với Khổng Minh, trong một tác phẩm 3 tập, dài cả ngàn trang, không đưa anh em mình thoát ra khỏi cái lưới nhện đã giăng ra. Âu cũng là định mệnh của con người và vận nước.

Những dữ kiện liên quan đến cành đào – Hôm nay, nhân giỗ thứ 43 của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, tưởng cũng là dịp để ngắm kỹ lại cành đào định mệnh và ôn lại một vài sự việc liên quan. Và hãng tạm quên đi cái chết còn chưa được hoàn toàn sáng tỏ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, cũng giống như cái chết hãy còn đầy bí ẩn của Tổng Thống John F. Kennedy chỉ sau đó 3 tuần. Vì đã có lần chúng tôi, cũng như một số tác giả khác đã viết về cái chết này rồi.

Chúng tôi thiết nghĩ, cành đào không phải là nguyên nhân chính, càng không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến cái chết của Tổng Thống Diệm. Chúng tôi cũng không đa nghi đến độ cho rằng ông Hồ, dù nổi tiếng là thâm hiểm, đã cố tình giăng bẫy để gián tiếp giết ông Diệm qua một vài nhà ngoại giao Mỹ và mấy tướng phản bội.

Theo thiển ý, cành đào có thể được coi như cái bắt tay với hảo ý mở đầu môt cuộc đối thoại hòng đi tới hiệp thương giữa hai chế độ thù địch. Tiếc rằng đoạn kết lại là máu.

Sự liên hệ Hồ – Ngô xem ra có nhiều nguồn gốc sâu xa trong đó phải kể đến xu hướng trung lập nói chung của Ấn Độ trong khối các quốc gia không liên kết và tham vọng trung lập hóa Đông Dương của tướng De Gaulle của Pháp. Lúc ấy đại sứ Ấn Độ ở Sài Gòn đồng thời cũng là chủ tịch Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến (ICC) tại Đông Dương. Cho nên đại sứ Ấn Độ Goburdhun và đại sứ Pháp Roger Lalouette là hai người đóng vai chính trong việc bắc cây “cầu Hiền Lương” qua sông Bến Hải.

Giáo Sư Bửu Hội, nhà vật lý nguyên tử nổi danh quốc tế, và là nhà bác học duy nhất của Việt Nam lúc ấy, từng có lúc là cố vấn của Hồ Chí Minh, (4) lại tán thành đường lối chính sách của Tổng Thống Diệm, và đang giữ một chức đại sứ của Cộng Hòa Việt Nam. Biết được tham vọng trung lập hóa Đông Dương của De Gaulle, ông đã tiếp xúc với vị tổng thống Pháp, đề nghị để đại sứ Lalouette thu xếp cùng với đại sứ Ấn Độ làm thế nào tạo cơ hội cho trưởng đoàn Ba Lan trong ủy hội Kiểm Soát Đình Chiến là Mieczyslaw Maneli có thể gặp ông Ngô Đình Nhu, bào đệ và là cố vấn chính trị của Tổng Thống Diệm. Xem ra “đồng lõa” với hai vị này còn có đại sứ Ý Giovanni d’Orlandi và đại diện của Vatican tại Việt Nam là Đức Cha Salvatore D’Asta.

Bình luận gia nổi tiếng Joseph Alsop viết trên tờ New York Herald Tribune ngày 18/9/1963 rằng Tổng Thống Diệm đã từng tiết lộ với ông về việc viên tổng lãnh sự Pháp ở Hà Nội là Jacques de Buzon nhờ đại sứ Lalouette xin phép được vào Sài Gòn “đổi gió”. Tổng Thống đồng ý. Và ông Hồ cũng chấp thuận. Khi Lalouette dẫn Buzon vào gặp tổng thống thì Buzon cho biết là lúc đó thái độ của nhà cầm quyền Hà Nội đối với ông Diệm đã có chiều thay đổi. Ông Hồ gọi ông Diệm là người tốt và yêu nước. Lạ một điều là ngoài chi tiết nhỏ đó, Buzon không mang một thông điệp nào quan trọng hơn. Phải chăng đây là một cách bắn tiếng hai bên có thể xích lại gần nhau, trước khi có một cử chỉ thân thiện là tặng cành đào chúc Tết?

Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, cháu gọi Tổng Thống Diệm bằng cậu ruột trong môt chuyến viếng thăm Nam Cali ít lâu trước khi qua đời đã tiết lộ sự việc sau với cựu trung tá Nguyễn Văn Minh, từng là chánh văn phòng của ông Ngô Đình Cẩn trong 8 năm:
Khoảng đầu thập niên 90 thế kỷ trước, Hồng Y có đến thăm một công cán ủy viên của Vua Bỉ thì được ông này cho biết chiếc ghế mà hồng y ngồi chính là chỗ một cán bộ cao cấp của Hà Nội đã ngồi trước kia để xin ông công cán ủy viên làm môi giới tiếp xúc với Tổng Thống Diệm bàn tính chuyện hai miền Nam Bắc hiệp thương. Tưởng cần thêm rằng vị công cán uỷ viên này, mà ông Minh quên (hay chưa muốn tiết lộ?) danh tánh, đã từng tiếp đón và săn sóc ông Diệm trong thời gian ông mới từ Mỹ sang Âu Châu năm 1953.
< Cựu trung tá Nguyễn Văn Minh còn cho biết, sau đảo chính tướng Tôn Thất Đính, tổng trưởng Nội Vụ, đã mời ông tới văn phòng chỉ cho xem một đống tài liệu mà tướng Đính bảo là những thư từ liên lạc giữa hai bên và là “tang chứng rành rành về việc anh em ông Diệm bán đứng miền Nam cho cộng sản, đâm sau lưng chiến sĩ. Vì vậy mà chúng tôi phải lật ông.” (3)

Một số giới chức Đệ Nhất Công Hòa còn nói đến “tin đồn” về những cuộc gặp gỡ bí mật giữa Ngô Đình Nhu và Phạm Hùng tại Bình Tuy, trong những cuộc đi săn trá hình nào đó.

Theo Stanley Karnow, nhà báo thiên tả, trở thành sử gia nổi tiếng nhờ cuốn Vietnam a history, cho biết chính bà Ngô Đình Nhu đã xác nhận những cuôc tiếp xúc giữa hai miền và còn nói bà đã chuẩn bị để gửi hai người con lớn ra Hà Nội, coi như một “cử chỉ huynh đệ”. Karnow đã để hai từ “fraternal gesture” trong ngoặc kép. (4)

Vừa đây trong một cuộc phỏng vấn dành độc quyền cho nhà văn, nhà báo Trần Phong Vũ, ông Nguyễn Văn Ngân, phụ tá đặc biệt của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã nói, anh em ông Diệm biết trung tá Phạm Ngọc Thảo là điệp viên Cộng Sản nhưng vẫn dùng để phòng hờ có lúc cần liên lạc với đối phương. Người ta còn nhớ trong cuộc đảo chính 1/11/63, chính Phạm Ngọc Thảo đã đến dinh Gia Long định đón ông Diệm. Nhưng khi đến nơi thì ông đã vào Chợ Lớn. Nhiều người còn nói Phạm Ngọc Thảo là gián điệp hai, ba mang nữa. Họ dựa vào 2 sự kiện mâu thuẫn: sau biến cố 30 tháng tư, cộng sản đã tuyên dương Phạm Ngọc Thảo, nhưng vợ con của ông ta thì lại được Mỹ giúp phương tiện sang định cư ở Nam Cali.
Đạo diễn đảo chánh: Henry Cabot Lodge với Nguyễn Khánh, với một trong nhiều tài tử nhận lệnh của Mỹ
Nguồn: Kennedy i

Theo giáo sư Francis X. Winters, liền sau khi được tin ông Diệm đã đầu hàng, ngoại trưởng Dean Rusk đã gửi một điện văn dài nồng nhiệt chúc mừng đại sứ Lodge đã thành công vẻ vang và hối thúc ông Lodge công bố ngay việc ông Diệm tính chuyện bắt tay với Hồ Chí Minh. (5)

Nữ giáo sư khoa sử Marilyn Young, tác giả cuốn Vietnam War 1945–1990 cho biết trong khi chính quyền Kennedy đang bàn thảo kế hoạch đối phó với tình hình Việt Nam thì được tin ông Nhu đang công nhiên bàn về khả năng trực tiếp thương lượng với Hà Nội. Bà viết: “Theo Roger Hilsman (phụ tá ngoại trưởng. MV), thì mục đích tối thiểu của Nhu là giảm bớt thật nhiều sự có mặt của cố vấn Mỹ; còn mục tiêu tối đa của ông ta là chấm dứt hoàn toàn sự có mặt của người Mỹ, và biến Nam Việt Nam thành một nước trung lập, hay theo thể chế Ti Tô, nhưng vẫn tách rời khỏi Bắc Việt….” (6)

Trên đây chỉ là một số tài liệu trong số những bài báo và trang sách đã nói đến toan tính hiệp thương giữa hai miền Nam – Bắc. Chỉ với ngần ấy tài liệu chúng ta cũng có thể xác quyết, quả thực đã có một nỗ lực từ cả hai phía cho mục tiêu này, mặc dù cho đến nay chưa hề có một tài liệu chính thức nào của Đệ Nhất Cộng Hòa, hay của nhà cầm quyền cộng sản được công bố.

Tại sao anh em ông Diệm toan tính hiệp thương? – Một vài tài liệu khác có thể giúp giải đáp hai câu hỏi này.

Trong cuốn Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi (7) tác giả Hoành Linh Đỗ Mậu, từng tôn Ngô Đình Diệm là “lãnh tụ anh minh”, nhưng cũng lại là người hăng hái nhất trong cuộc đảo chính lật ông Diệm, có trích dẫn bức thư của ông Võ Như Nguyện (đã gần trăm tuổi hiện còn sống ở Pau, Pháp Quốc), gửi một người bạn của ông, cũng là bạn của tác giả, là Hoàng Đồng Tiếu. Bức thư đề ngày 24/11/1977. Cuối thư có đoạn thuật lại lời ông Diệm tâm sự với ông Nguyện:

“… Vả tôi với chú Nhu có ý dù hai miền Quốc Cộng tranh chấp nhưng đều là máu mủ ruột thịt, phải có biện pháp anh em giải quyết lấy chiến tranh, đỡ tốn hao sinh mạng, tài sản. Rồi bên nào kéo dài, chung quy sẽ bị lệ thuộc vào một cường quốc và đất nước chia rẽ, vì các cường quốc có ý định chia rẽ cả….”

Trưng dẫn lá thư này, ông Đỗ Mậu nhằm tố cáo ông Diệm đã manh nha ý đồ bắt tay với Hồ Chí Minh, coi đó như một cái tội “đâm sau lưng chiến sĩ chống Cộng”. Nhưng, nhìn vấn đề dưới góc độ khác, người ta sẽ thấy ông Diệm muốn tránh đổ máu chừng nào tốt chừng đó và không muốn để các cường quốc đắc lợi trong cuộc tranh chấp nội bộ.

Tưởng cũng nên nhắc lại đây lời của trung tá John Paul Vann, cố vấn sư đoàn 7 thời ấy đã tố cáo ông Diệm có khẩu lệnh mật cho các tư lệnh Việt Nam tránh các cuộc hành quân lớn gây thương vong nhiều. Ông Vann cũng như một vài nhà báo và sử gia sau này trưng dẫn lời ông Vann, đã hàm ý rằng ông Diệm không muốn đánh cộng sản, chỉ muốn duy trì lực lượng để bảo vệ cái ghế tổng thống của ông, hay chỉ muốn đánh cầm chừng, nhì nhằng, kéo dài chiến tranh, hòng tiếp tục nhận tiền viện trợ… Nhưng nếu nhìn lời tố cáo dưới khía cạnh khác, thì rất có thể khi có khẩu lệnh mật đó, anh em ông Diệm đang toan tính nói chuyện với Bắc Việt, và không muốn những cuộc giao tranh lớn làm trở ngại việc thương thuyết. (8).

Trong Nguyên Sa Hồi Ký (ấn hành năm 1998), giáo sư Trần Bích Lan, tức nhà thơ nổi tiếng có những vần thơ hay đến huyễn hoặc lòng người, đã thuật lại chuyện ông và hai giáo sư Nguyễn Văn Phú và Nguyễn Xuân Nghiên đã có dịp nghe Tổng Thống Diệm trả lời một trong 3 câu hỏi của các ông một cách tương tự. Câu hỏi là tại sao ta không dồn lực lượng đánh một vài trận lớn để giải quyết chiến tranh mau chóng mà cứ đánh cầm chừng nhì nhằng như thế này. Ông Diệm đã nói đại ý: Bản chất cái chiến tranh này nó như thế. Mở rộng chỉ chết thêm lính và dân, mà cũng chẳng giải quyết được nhanh. Ba mươi lăm năm sau, nhìn lại, nhà giáo và nhà thơ của chúng ta đã thấy câu trả lời của ông Diệm không phải ngụy biện như các ông nghĩ lúc trước, mà là những lời tiên đoán thời cuộc rất chính xác.

Chúng tôi nhắc chuyện này theo như những gì còn nhớ về lời phát biểu của nhà giáo Lưu Trung Khảo, là một người thân của nhà thơ Nguyên Sa, trong một dịp ra mắt sách ở Quận Cam năm 1998.

Những gì ông Ngô Đình Nhu nói trong một lễ bế mạc lớp học tập về Ấp Chiến Lươc khóa XII, ngày 22/6/1963… cũng tương tự như thế:
“Chúng ta là một nước nhỏ bé đứng giữa hai khối. Nếu bên thế giới tự do tăng cường viện trợ cho ta thì thế giới cộng sản cũng sẽ tăng viện trợ cho phía họ. Hai bên cứ tăng cường như vậy sẽ đưa cái mức chiến tranh càng ngày càng lên cao. Và số phận chúng ta rồi mai đây sẽ ra sao?” (9)

Đã rõ anh em ông Diệm không muốn đánh lớn vì sẽ phải lệ thuộc quá nhiều vào viện trợ Mỹ, và sẽ làm cớ cho Liên Xô và Trung Cộng nhảy vào xâu xé Việt Nam.

Cứ nhìn vào lý thuyết Ấp Chiến Lược, với những chính sách Tam Túc (10), Tam Giác của ông Nhu thì càng thấy các ông đã chuẩn bị từ trước, để cố thoát khỏi sự ràng buộc tai hại của ngoại viện.

Tư liệu của một bà “thủy chung” với ông Diệm – Có lẽ người cung cấp nhiều tài liệu nhất về vấn đề này là nữ tiến sĩ Ellen Hammer. Bà là sử gia, nhà báo và học giả sớm nổi tiếng về các vấn đề Việt Nam. Năm 1947, mới ra trường, còn độc thân ở tuổi 25, bà đã có một tác phẩm loại này nhan đề The Emergence Of Vietnam. Bà là bạn rất thân với nhà bác học Bửu Hội, và hoàn toàn chia sẻ với ông về việc ủng hộ Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Douglas Pike đã mỉa mai bảo bà trung thành riêng vớí ông Diệm – personally loyal to Diệm – . Có thể nói là “thủy chung” đến nỗi từ khi ông Diệm chết, bà bỏ hẳn việc viết lách, không màng bày tỏ ý kiến về thời cuộc nữa. (*) Nhưng rồi đùng một cái, năm 1987, 24 năm sau, bà lại cầm bút, chỉ để bênh vực ông Diệm và chỉ trích chính quyền Kennedy, trong đó có một vài người trong bộ ngoại giao đã dùng những mánh lới không hay ho gì để cố lật cho bằng được ông Diệm. Đó là cuốn A Death In November: America In Vietnam, 1963. (**)

Theo Ellen Hammer thì khi luật sư Mieczyslaw Maneli, trưởng đoàn Ba Lan trong Ủy hội kiểm sóat đình chiến từ Hà Nội vào Sài Gòn mùa xuân năm 1963 liền được một số nhà ngoại giao tiếp xúc để đưa đến giới thiệu vói ông Ngô Đình Nhu. Trong khi họ đang tìm một dịp may để hai người gặp nhau, thì biến cố Phật Giáo xảy ra. Vì vậy cuối tháng 8 việc đó mới thực hiện được. Họ gặp nhau trong buổi tiếp tân ngoại giao đoàn đầu tiên của tân ngoại trưởng Trương Công Cừu. Ông Cabot Lodge cũng có mặt thành cái đinh của buổi lễ. Vì vậy chẳng thấy có dấu hiệu nào bất thường trước sự hiện diện của Maneli, môt người Cộng Sản, trong buổi tiếp tân của ngoại trưởng Việt Nam Cộng Hoà (VNCH). Maneli đứng nói chuyện với đức cha Asta, đại diện Vatican. Một lát sau ông này quay sang ông Ngô Đình Nhu và giới thiệu Maneli. Lập tức 3 nhà ngoại giao khác cùng tiến về phía họ. Đó là các ông Lalouette, đại sứ Pháp, Goburdhun, đại sứ Ấn, chủ tịch Ủy Hội Quốc Tế; và d’Orlandi, đại sứ Ý.

Hammer thuật lại:
“Ông Nhu nói với Maneli: ‘Tôi đã nghe các bạn của chúng tôi nói nhiều về ông’.... Ông ta tiếp: Nhân dân Việt Nam có môt sự nhậy cảm và không tin cậy chẳng những đối với người Trung Hoa, mà đối với tất cả những nước thực dân hay chiếm đóng. Tất cả.” Maneli tự hỏi, phải chăng ông Nhu có ý nói Hoa Kỳ, và có lẽ ông ta không phải là người duy nhất trong số những nhà ngoại giao nghe chuyện tự hỏi như thế.

“Rồi ông Nhu lại nói: “Lúc này đây, chúng tôi đang quan tâm tới hòa bình, và chỉ quan tâm tới hòa bình mà thôi. Tôi tin rằng Ủy Hội Quốc Tế có thể và nên đóng một vai trò quan trọng trong việc đem lại hòa bình cho Việt Nam.”

“Maneli trả lời sẵn sàng giữ vai trò tích cực nhất.”...

“Sau đó Maneli nhận được thư mời tới gặp ông Nhu tại dinh Gia Long vào ngày 2/9/63.

“Khi ông Goburdhun đi Hà Nội với tư cách chủ tịch UHQT ông ta thấy chính phủ miền Bắc không có vẻ gì coi cuộc chiến tại miền Nam là lý do để từ chối giao thương với chế độ Sài Gòn. Hồ Chí Minh bảo Goburdhun: “Ngô Đình Diệm là người yêu nước theo cách của ông ta... Hãy bắt tay ông ấy thay tôi, nếu gặp.”

“Đến Hà Nội mùa xuân 1963, Maneli đã chuyển lời của đại sứ Pháp cho Hồ Chí Minh: Ông Diệm sẽ đáp ứng, nếu Hà Nội đi bước trước. Ông ấy muốn làm giảm áp lực của Mỹ. Hà Nội đáp: Cứ để ông ta chứng tỏ thiện chí đi. Ông ta có thể dần dần mở liên lạc bưu chính với miền Bắc và nhận than đá của miền Bắc đổi gạo của miền Nam. Miền Bắc sẵn sàng chấp nhận một nền dân chủ kiểu Tây Phương ở miền Nam và sẽ không thúc ép phải mau chóng thống nhất.



Sau đó vài tháng ông Hồ đã đưa ra lời kêu gọi công khai về một thỏa hiệp đình chiến.

Hammer viết tiếp:
“Người Bắc nhìn thấy những mối lợi trong việc thương lượng với ông Nhu trong giai đoạn này. Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: “Dầu sao ông Nhu chắc chắn có khả năng tư duy một cách lô–gích; ông ta tốt nghiệp đại học École Des Chartes mà.” Maneli hỏi nên làm gì, nếu gặp ông Nhu, thì Đồng nói: “Cứ đến và nghe cho thật kỹ. Có một điều chắc chắn: Người Mỹ phải rời khỏi Việt Nam. Trên căn bản chính trị đó chúng tôi có thể thương lượng về mọi việc. Chúng tôi thực lòng muốn chấm dứt chiến tranh, tái lập hòa bình trên căn bản thực tiễn. Chúng tôi rất thực tiễn.”


Theo Ellen Hammer thì đại sứ Pháp rất lo lắng khi nghe tin sẽ có đảo chính. Ông bảo Maneli rằng chỉ có Ngô Đình Diệm đủ can đảm để làm việc cho hòa bình. Ngoài ra bất cứ kẻ nào lên thay cũng sẽ lệ thuộc hơn vào Mỹ.

Nỗi lo của Lalouette dịu đi khi biết Maneli đã có thể gặp Ngô Đình Nhu đúng hẹn (2/9/63). Nhưng khi biết ông Nhu còn quá dè dặt trong câu chuyện với Maneli, thì lại thất vọng. Dường như ông ta còn sợ Mỹ và tính thối lui trong ý định hiệp thương. Sau này, biết ông Nhu tiết lộ với Cabot Lodge về những cuộc tiếp xúc mà ông ta phủ nhận với Maneli, hay đúng ra không dám minh thị công nhận trước những câu hỏi của Manli, thì Lalouette bảo Maneli: (nguyên văn lời của Hammer) “Nếu ông ta không dứt được những ảo tưởng với người Mỹ, ông ta sẽ tiêu mất. Thực là một lỗi lầm bị thảm.”

Sau này Lalouette đã nói với Hammmer rằng thời gian ấy ông ta đã cố thuyết phục Cabot Lodge đừng làm đảo chính. Nhưng không sao lay chuyển được Cabot Lodge, và, lời của Hammer, “Cuối cùng ông ta (Lalouette) bó buộc phải tin rằng người Mỹ này (Lodge) đã được phái tới Việt Nam với mệnh lệnh là phải sớm loại bỏ ông Diệm cho bằng được.”

Về vai trò của Roger Hilsman trong việc loại bỏ ông Diệm, Hammer viết:
“Tại Washington, Roger Hilsman trong giác thư ngày 16/9 đã định nghĩa cái mà ông tin là mục tiêu tối thiểu của ông Nhu, “giảm thiểu rõ rệt sự có mặt của người Mỹ tại những vị trí có ý nghĩa chính trị ở các tỉnh và trong chương trình Ấp Chiến Lược”. Còn mục tiêu tối đa của ông ta là “thương lượng với miền Bắc để ngưng chiến, chấm dứt hoàn toàn sự hiện diện của người Mỹ....”

Và đó là lý do Hilsman đưa ra để bác bỏ đường lối hòa hoãn đối với ông Diệm. Nghĩa là quyết phải hạ ông Diệm cho bằng được.

Hammer cho biết, chính sách áp lực với Diệm mà Hilsman đề nghị đã được hội đồng an ninh quốc gia chấp thuận ngày 17/9/63. (11)


Kỳ sau: Tiếng nói của vai chính – Nhân vật chính là Mieczyslaw Maneli đã viết gì về vấn đề này.

Copyright © 2006 DCVOnline


Chú thích:
(1): Năm Con Thỏ, tức Năm Mão, Người Việt ta thường gọi là năm Con Mèo, 1963. Sách do University Georgia Press xuất bản, Athens, 1997, chương đầu, trang 12.
(2): Xem Ngô Đình Nhu, tác giả FW.09 do Ng.Thi Muôn xuất bản, năm 1990 tại Fresno. (Tập I)
(3): Dòng Họ Ngô Đình, Giấc Mơ Chưa Đạt, Nguyễn Văn Minh, NXB Hoàng Nguyên, Nam Cali, 2003, trang 295 và 290.
(4): Vietnam: A history, Penguin group, NY, 1991, trang 307 và 308.
(5): SĐD trang 1016.
(6): SĐĐ trang 101. Về mục tiêu tối thiểu của ông Nhu mà bà Young nói đây thì chính phái đoàn McNamara–Taylor năm đó cũng báo cáo với tổng thống Mỹ rằng tình hình nông thôn ổn định khiến có thể rút 1000 cố vấn vào năm sau (1964). Cho nên chính Tổng Thống Kennedy cũng có ý định đó, chứ không chỉ là ý kiến riêng của ông Nhu. Tiếc rằng việc toan tính rút hay giảm bót sự hiện diện của Mỹ, dú từ phía nào đều trái với những toan tính mở rộng chiến tranh để bán, tiêu thụ và thử một số vũ khí nào đó của những tay trùm tư bản, đang nắm một siêu quyền lực.
(7): SĐD, NXB Văn Nghệ, Nam Cali, 1993, trang 1007.
(8): Xin xem 1) John M. Newman, JFK and Vietnam, NXB A Time Warner Co. 1992, các trang 299, 455. 2) Stanley Karnow, Vietnam: A history, NXB Viking Penguin, 1991, trang 276.
(9): Xem Nguyễn Văn Minh, SĐD trang 292.
(10): Tam túc: tự túc về tư tưởng; tự túc về tổ chức và tiếp liệu; tự túc về kỹ thuật.
(*): Cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam Frederick Nolting cũng bất mãn về việc ông Diệm bi hạ và bị giết đã xin được từ bỏ mọi chức vụ công quyền ngày 25/2/64.
(From Trust To Tragedy)
(**): NXB E.P. Dutton, 1987.
(11): Roger Hilsman, phụ tá ngoại trưởng về Đông Nam Á, đã cùng với thứ trưởng Averell Harriman, cố vấn an ninh Michael Forestal và một số nhà báo trẻ ở trong nhóm Diem Mus Go (Diệm phải xuống) do Harriman lãnh đạo. Vì thế ta thấy Hilsman đã nhân việc ông Nhu tính thương lượng với miền Bắc thuyết phục dược hội đồng an ninh quốc gia chấp thuận biện pháp dứt khoát loại bỏ ông Diệm. Trước hết họ chỉ nhắm bắt ông Diệm loại ông bà Nhu. Nhưng ông Diệm không chịu. Chúng tôi đã tóm tắt và trích dẫn những câu quan trọng nhất của nữ tiến sĩ Ellen Hammer liên quan đến việc đệ nhất CHVN toan tính thương lượng với Bắc việt. Muốn biết đầy đủ chi tiết xin xem A Death In November của tác giả, (NXB E.P. Dutton, 1987) từ trang 220 đến 262).

%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%
Phần (II)
Nhân giỗ 43 Tổng thống Ngô Đình Diệm (2/11/1963)



Minh Võ


Tiếp theo phần I


Tiếng nói của vai chính – Đến đây, chắc độc giả nóng lòng muốn biết nhân vât chính là Mieczyslaw Maneli đã viết gì về vấn đề này.

Mieczyslaw Maneli , sinh năm 1922, là giáo sư đại học luật Warsaw, năm 1963 được cử làm trưởng đoàn Ba Lan trong Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến (UHQT). Là một người cộng sản có xu hướng tự do, lại dính líu vào việc liên lạc giữa Sài Gòn và Hà Nội nên năm 1968 đã bị trục xuất khỏi đảng và khỏi nước. Ông đến Nữu Ước (New York) dậy về chính trị học.
Marguerite Higgins: phóng viên New York Herald Tribune. Nữ ký giả đầu tiên nhận giải Pulitzer 1951. Vợ của Thiếu tướng Không quân William Hall. Qua đời vì nhiễm bệnh vùng nhiệt đới khi công tác ở Vietnam, Pakistan and India. (1920–1966)
Nguồn: prixbayeux.org

Trong tác phẩm The War Of The Vanquished (cuộc chiến của những kẻ chiến bại) (12), Maneli đã dành nguyên chương 6 (dài 20 trang) để kể chi tiết về vai trò con thoi của mình. Mở đầu chương sách, tác giả đã nói đến dư luận báo chí khắp thế giới xôn xao về việc trưởng đoàn Ba Lan trong UHQT đã trở thành môi giới để ông Diệm bán đứng miền Nam cho cộng sản. Sau khi nhắc lại lời tuyên bố chính thức của nhóm tướng lãnh đảo chính kết án ông Diệm phản quốc qua trung gian tác giả, ông đã nhắc lại làn sóng tố khổ và làm nhục gia đình họ Ngô qua báo chí Sài Gòn những ngày liền sau đảo chính.

Tấm hình bà Ngô Đình Nhu đang thoát y đứng bên cạnh một người ngoại quốc chỉ mặc quần tắm được đưa lên mặt báo (13). Vì có băng đen che nửa mặt người đàn ông nên người ta cứ bảo đó là hình của Maneli. Tác giả đã tốn công cải chính. Nhưng càng cải chính thì lại càng có vẻ gián tiếp xác nhận. Dí dỏm ở chỗ tác giả bảo ông chỉ cải chính lấy lệ, một cách miễn cưỡng, vì phải chăng ông cũng muốn nổi tiếng với người được ví như Lucrettia de Borgia, hay Cleopatra? Nữ ký giả Marguerite Higgins, một người rất mến phục và bênh vực ông Diệm đã đặc biệt chú ý tới tấm hình này. Maneli viết:
“Marguerite mê câu chuyện tôi có dính dáng đến cuộc “giao du thân mật” (chữ của bà Ngô Đình Nhu, tác giả luật gia đình) này. Cô ấy hỏi tôi nhiều câu hỏi thăm dò. Có lẽ cô ta rất lấy làm tiếc không thể cung cấp cho độc giả Mỹ những nhận xét của cá nhân tôi về sự duyên dáng hấp dẫn của một phu nhân mà nhiều người đàn ông thèm muốn và tranh giành còn hơn cả Cleopatra.” (***) Sau đó Maneli nhắc đến chuyện bịa đặt của tờ Jeune Afrique là ông đã gặp ông Nhu ngày Quốc Khánh của Pháp (14 tháng 7) tại nhà riêng đại sứ Roger Lalouette.

Rồi Maneli xác nhận là có gặp ông Nhu hai lần, ngày 25 tháng 8 và mồng 2 tháng 9. Ông cũng khẳng định sáng kiến không phải do ông mà là do nhiều nguồn khác nhau, và được chuẩn bị xếp đặt từ nhiều tháng trước, vào khoảng thời điểm gần trùng nhau. Tác giả có ý nhắc tới bốn tên tuổi trong giới ngoại giao mà bà Ellen Hammer đã nói trên.

Đáp lại lời khuyên của tất cả là Maneli nên gặp ông Nhu, Maneli một mực bảo mình thuộc một nước cộng sản không nhìn nhận chế độ Sài Gòn, nên không tiện đi tìm gặp. Nhưng nếu được mời thì sẽ tới.

Đại sứ Ấn Độ khuyên Maneli nên bớt ca tụng Bắc Việt, và hãy cố nói những lời tốt đẹp về miền Nam vào lúc và tại nơi thích hợp. Ông khen khái niệm của ông Nhu về xã hội chủ nghĩa, không phải thứ xã hội chủ nghĩa dựa trên triết lý duy vật, hay thứ xhcn của Trung Cộng, Liên Xô. Nhưng nó là xã hội chủ nghĩa gì thì chẳng rõ. Ông Nhu từng đã có lúc nói, trên thế giới chỉ có ông ta là người xã hội chủ nghĩa đích thực. Phải chăng ông ta được soi sáng và gợi hứng từ khái niệm của người Ấn? Hay đó chỉ là một cách nói mà thôi? Maneli tự hỏi thế. Dầu sao thì khái niệm đó cũng làm cho sự ve vãn trở nên dễ dàng.


Về đại sứ Pháp Lalouette, Maneli viết:
“Ông ấy đã có một kế hoạch dài hạn và nhìn thấy những phương tiện dẫn đến sự thực hiện nó. Kế hoạch đó là mở đối thoại giữa Sài Gòn và Hà Nội và trao đổi tượng trưng về văn hóa, kinh tế giữa hai miền. Rồi những hội đàm chính trị sẽ được thực hiện trên nền tảng đó. Căng thẳng, nghi ngờ, thù địch giữa hai chính phủ sẽ giảm bớt và hòa bình có thể được bảo đảm. Một nền hòa bình lâu dài và một cuộc đối thoại chính trị là những điều kiện bất khả vô cho những giải pháp chính trị dài hạn, kể cả sự thống nhất trong hòa bình, bầu cử tự do, và quốc tế kiểm soát. Cần phải bắt đầu bằng bước thứ nhất: tôi sẽ điều khiển những cuộc nói chuyện với Hà Nội. Còn ông ta sẽ duy trì sự tiếp xúc với chính quyền miền Nam về vấn đề này.”



Và sau đây là phản ứng của Hà Nội:
“Lần đầu đến Hà Nội, tôi trình kế hoạch của đại sứ Pháp. Chỉ trong 2 ngày đã có sự đáp ứng. Phạm Văn Đồng nói, đề nghị mà chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra đã lâu và bản tuyên cáo của chính phủ vẫn còn hiệu lực: Đó là chính quyền nhân dân sẵn sàng khởi sự thương thuyết bất cứ lúc nào, bí mật hay công khai. Bộ trưởng Xuân Thủy, theo chỉ thị của chủ tịch và thủ tướng, sẵn sàng trình lên một danh sách những hàng hóa có thể trao đổi giữa hai miền....”


Về lập trường và quan điểm của đại sứ Ấn, cũng như của người Ấn nói chung, Maneli cho là họ đứng hẳn về phía anh em ông Diệm và sẽ rất buồn nếu mất lá bài này. Theo Maneli, anh em ông Diệm tinh khôn đủ để thỉnh thoảng nhỏ to với đại sứ Goburdhun về một thứ gì đó liên quan đến thái độ “chống thực dân”, “chống đế quốc”, “chống Mỹ” và “yêu thích trung lập”. Riêng hai từ trung lập đặc biệt hấp dẫn đối với người Ấn. Vì họ tưởng tượng ra rằng với ông Diệm có thể họ sẽ có thêm một thành viên vào khối Không Liên Kết mà Ấn Độ đang lãnh đạo. Vì vậy người Ấn chẳng những trung thành với chế độ Diệm mà còn sốt sắng bênh vực chống lại người Mỹ. Maneli viết:
“Đại sứ Goburdhun nhận vai trò biện hộ cho ông Nhu, giới thiêu ông ta như một chính khách lỗi lạc với người Mỹ, người Anh, người Pháp và Vatican. Và dĩ nhiên với tôi, để tôi sẽ quảng bá ý kiến đó khắp nơi cho mọi người biết ông Nhu là người tốt nhất và người duy nhất để thương lượng.


Về những toan tính của người Pháp mà đại sứ Lalouette có nhiệm vụ thực hiện, Maneli viết một cách bóng bảy:
“Nhưng đại sứ Lalouette thì đang chơi trò này ở một phạm vi rộng lớn hơn nhiều, có thể nói là toàn cầu. Xem ra ông ta muốn cứu chế độ Diệm cho nước Pháp khỏi tay người Mỹ vô tâm. Người Mỹ gạt bỏ món hàng này, thì người Pháp sẽ mua nó với giá hời, cái giá của một cơ sở bị phá sản. Vả người Mỹ cư xử như một người vợ không chung thủy; phản bội chồng, nhưng lại quá ghen không muốn để chồng lọt vào tay ai.”
Khi biến cố Phật Giáo xảy ra thì Maneli đang ở Sài Gòn. Ngày 27/6/63 ông báo cáo cho chính phủ Hà Nội và tòa đại sứ Liên Xô: Trong số phe Phật Giáo đấu tranh chống chính phủ Diệm có 2 thành phần: một là những kẻ ủng hộ Mặt Trận Giải Phóng, hai là những kẻ có liên hệ mật thiết với Mỹ. Có lẽ có một số người Mỹ muốn dùng phong trào Phật Giáo đấu tranh lật ông Diệm, để sau này người ta khỏi tố cáo Mỹ dàn dựng cú đảo chính.”

Trong một báo cáo khác, tối mật, đề ngày 10/7/63, chỉ gửi cho chính phủ Ba Lan và tòa đại sứ Liên Xô, Maneli lấy làm lạ là Hà Nội và mặt trận Giải Phóng Miền Nam không lợi dụng lúc chế độ Diệm gặp khó khăn này để ra tay. Ông ta suy đoán là ông Hồ muốn để nó sống sót qua cơn ngặt nghèo hầu có thể đi đến một thỏa hiệp với nó sau lưng Mỹ.
“Sài Gòn lúc ấy đầy những tin đồn về những cuộc tiếp xúc mật giữa anh em ông Diệm với ông Hồ. Ở Hà Nội không ai xác nhận những tin này. Nhưng cũng chẳng có ai trả lời câu hỏi của tôi một cách rõ rệt là không có....
“Tôi hỏi Phạm Văn Đồng và Xuân Thủy, nếu Nhu mời tôi tới nói chuyện, tôi sẽ phải hành động ra sao. Họ trả lời ngay: Hãy tới và lắng nghe cho kỹ.

“Tôi lại hỏi: các ông có muốn tôi chuyển đạt điều gì không? Thì được trả lời: “Tất cả những gì mà ông biết về lập trường của chúng tôi về trao đổi kinh tế, văn hóa, về hòa bình, thống nhất. Có một điều dứt khoát là người Mỹ phải ra đi. Trên căn bản chính trị đó, chúng ta có thể thương thảo về mọi sự.

“Tôi hỏi Phạm Văn Đồng, trước mặt Hồ Chí Minh (ông này ngồi im, như là sợ sệt, và lắng nghe chúng tôi nói), liệu họ có thấy khả năng có một thứ liên bang với Diệm–Nhu hoặc một thứ chính phủ liên hiệp không. Đồng đáp: Mọi sự đều có thể thương lượng trên cơ sở nền độc lập và chủ quyền tối thượng của dân tộc.”


Cũng trong báo cáo này (10/7/63), Maneli nói hai bên muốn có thể đi tới một thỏa hiệp mà không cò sự tham dự của các đại cường, của Moscow, Washington, và chắc chắn không có sự tham dự của Bắc Kinh.

Về phản ứng của tòa đại sứ Liên Xô, tác giả cho biết tất cả đều cho thấy những kết luận của Maneli là đúng. “Có lý do để nghi rằng người Việt họ muốn thu xếp riêng với nhau”. Ông đại sứ bảo Maneli thế.

Còn phía toà đại sứ Trung Cộng thì xem ra không biết gì về những cuộc tiếp xúc giữa Hà Nội và Sài Gòn, hoặc giả biết nhưng không chấp nhận.

Và Maneli kết thúc chương sách của ông bằng câu:

“Xét về mặt chính trị mà nói thì việc Hà Nội hành động mà không có sự chấp thuận của Bắc Kinh là điều có ý nghĩa nhất.”

Bà Trần Lệ Xuân, khẩu súng lục và thanh nữ cộng hoà
Nguồn: politicalfriendster.com

Khả năng thực thi và những trở ngại – Qua tất cả các thông tin ở trên do nhiều nguồn, từ Karnow với nhà bác học Bửu Hội và bà Ngô Đình Nhu; qua hồng y Nguyễn Văn Thuận với một công cán ủy viên của nhà vua Bỉ; ký gia Joseph Alsop với tổng lãnh sự Jacques de Buzon; cựu trung tá Nguyễn Văn Minh với đồ án Tam Túc trong quốc sách Ấp Chiến Lược của ông Ngô Đình Nhu; cho đến Ellen Hammer và Mieczyslaw Maneli với rất nhiều nhân vật ngoại giao và các nhà lãnh đạo hai miền Nam Bắc... người ta có thể xác quyết: chuyện tiếp xúc bí mật giữa hai miền là có thật và có lý do thực tiễn của nó. Sở dĩ nó chưa đi đến kết quả cụ thể nào, vì người Mỹ đã sớm ra tay.

Có nhiều lý do để người Mỹ hạ ông Diệm. Nhưng những cuộc tiếp xúc này đã là cái cớ thuận tiện nhất. Đề nghị của Roger Hilsman đã được hội đồng an ninh quốc gia Mỹ chấp thuận. Ngoại trưởng Mỹ đã hối thúc đại sứ Cabot Lodge lệnh cho các tướng đảo chính phải công bố ngay lý do đảo chính là anh em ông Diệm bắt tay với Hà Nội. Những chiến sĩ chống cộng hăng say tại miền Nam ngỡ ngàng. Phần đông cũng lên án âm mưu “bán đứng miền Nam cho cộng sản” và “ngang nhiên đâm sau lưng chiến sĩ”. Ông Cabot Lodge được an toàn không bị lộ diện là sát hại lãnh tụ đồng minh, vì đã có cái cớ chính đáng là tội bội phản, cộng thêm với tội “đàn áp Phật giáo, cho nên Phật tử đứng lên đạp đổ bạo quyền”.

Khi xảy ra đảo chính thì người viết chỉ là một sĩ quan cấp úy đang tu nghiệp tại đài BBC, Luân Đôn. Đã 3 tháng xa nhà, không biết gì về những diễn biến dồn dập trong mấy tháng đó (và 4 tháng sau). Cho nên tâm trạng cũng hoang mang, không biết “tội” của anh em ông Diệm đúng ra ở chỗ nào. Nhưng nghe bài bình luận của đài BBC liền ngay ngày hôm sau đảo chính – lúc ấy tôi có mặt tại phòng vi âm, và được nghe chính người xướng ngôn viên đọc trực tiếp – thì thấy chính phủ Anh (14) không quên nêu lên những việc ích quốc lợi dân mà Tổng Thống Diệm đã làm trong 9 năm cầm quyền và kết luận: lịch sử sẽ công bình đối với ông.

Những năm gần đây, được đọc lại một số tài liệu lịch sử về các biến bố tại Việt Nam, và theo rõi tình hình thế giới suốt nửa thế kỷ qua, chúng tôi xin có một vài ý kiến riêng sau đây.

Trước hết xin được bỏ qua những nhược điểm và khuyết điểm của ông Diệm, cũng như vấn đề tế nhị gọi là “cuộc khủng hoảng Phật Giáo” và các vấn đề khác. Chỉ xin chú trọng đến riêng vấn đề toan tính hiệp thương với miền Bắc mà thôi.

Nhiều người nêu thắc mắc, không hiểu tại sao, hồi 1955–1956, khi ông Hồ kêu gọi hiệp thương để chuẩn bị tổng tuyển cử theo đúng quy định của hiệp định Geneve, thì ông Diệm đã cực lực bác bỏ. Thậm chí năm 1954 thủ tướng Chu Ân Lai của Trung Cộng ngỏ ý muốn ông đặt liên lạc ngoại giao với Bắc Kinh ông cũng gạt đi. Đặc biệt hơn nữa khi Khrushchev đề nghị cả hai miền Nam Bắc đều gia nhập Liên Hiệp Quốc năm 1957 ông cũng nhất định không chịu. Mà đến năm 1962, 1963 anh em ông lại tính chuyện hiệp thương. Như vậy có phải là tự mâu thuẫn không? Hay phải chăng đây chỉ là đòn tháu cáy của anh em ông với chính quyền Kennedy, khi chính quyền này đang tìm cách lật ông?

Có thể tạm giải thích mấy thắc trên như sau: Năm 1954, vừa về nước trong hoàn cảnh phe quốc gia gần như bị phá sản, sau chiến thắng Điện Biên của cộng sản. Mọi sự phải trông nhờ vào viện trợ của Mỹ lúc ấy do đảng Cộng Hòa cầm quyền với Tổng Thống Eisenhower và ngoại trưởng John Foster Dulles là hai nhân vật quyết liệt chống Cộng hơn ai hết. Chứng kiến cảnh Trung Cộng chiếm toàn lục địa Trung Hoa (1949), rồi xua quân tràn qua vĩ tuyến 38 ở Triều Tiên (1953), phái tướng sĩ sang giúp Hồ Chí Minh điều khiển quân của Võ Nguyên Giáp chiến thắng ở Điện Biên, khiến nửa Việt Nam rơi hẳn vào tay cộng sản, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cương quyết hơn bao giờ hết để đối đầu với khối Cộng. Vì vậy muốn có viện trợ Mỹ, không thể lập liên hệ ngoại giao với Trung Cộng được, dù cho Chu Ân Lai có hảo ý chăng nữa.

Còn việc từ chối gia nhập Liên Hiệp Quốc cùng với Bắc Việt là do nguyên tắc một nước Việt Nam bất khả phân mà ông Diệm ngoan cường tôn trọng. Có người bảo ông ngoan cố hay cố chấp với nguyên tắc All or Nothing (Tất cả hoặc không có gì”) thì có lẽ cũng không quá đáng.

Đến như việc không đáp ứng lời kêu gọi, (hay thách đố?) hiệp thương của ông Hồ những năm 1955 và 1956 là vì cái thế của VNCH lúc ấy còn quá yếu so với Bắc Việt. Hiệp thương để tổng tuyển cử lúc ấy là cầm chắc thất bại. Vì vây ông Diệm đã khôn khéo viện cớ không ký hiệp định Geneve để bác bỏ lời kêu gọi hiệp thương. Và Hoa Kỳ lúc ấy cũng tán thành lập trường này.

Còn việc ông Nhu có ý tháu cáy với Mỹ không thì chúng tôi nghĩ là không. Trước hết, đây là chiến lược dài hạn anh em ông đã có ý định áp dụng từ lâu trước khi có vụ Phật Giáo và toan tính hạ ông Diệm của người Mỹ. Vả lại, theo Ellen Hammer thì chính ông Nhu đã tiết lộ cho ông Cabot Lodge biết ông đang tính liên lạc với Bắc Việt để giảm cường độ chiến tranh. Trong khi đó thì ông ấy lại giấu Maneli, hay đúng ra không dám xác nhận rõ rệt, mà chỉ trả lời câu hỏi của Maneli (về những cuộc tiếp xúc mật giữa hai bên) bằng một câu hỏi thoái thác, cũng giống như Phạm Văn Đồng đã dí dỏm hỏi Maneli một câu tương tư: (“Ông có thích, có tin những tin đồn đó không?”). Chính thái độ không dứt khoát của ông Nhu đã làm đại sứ Pháp thất vọng, vì ông này vốn bênh vực ông Diệm trước ông Lodge, và cũng nói rõ, với ông Lodge: ông Diệm cần ông Nhu.

Có điều chắc chắn là cả ông Nhu lẫn ông Diệm đều chuẩn bị từ lâu để thoát khỏi sự ràng buộc bởi viện trợ Mỹ, vì các ông hiểu rõ nó sẽ trói chặt các ông, không cho thực hiện những chính sách đường lối chống cộng trong các điều kiện của mình mà các ông xác tín là hữu hiệu hơn phương pháp thuần túy quân sự của Mỹ. Quốc sách “Ấp Chiến Lược” vói lý thuyết Tam Túc và tự lực tự cường được đem thực hiện từ đầu 1962 là một bằng chứng. Những lời phát biểu của ông Nhu trong các khóa huấn luyện về Ấp Chiến Lược ở suối Lô Ồ, cũng như lời ông Diệm tâm sự vói ông Võ Như Nguyện được Đỗ Mậu trưng dẫn ở trên là những dấu chỉ khác.

Ngoài ra, tuy rất ghét chủ nghĩa duy vật vô thần trong học thuyết Mác, và những phương pháp hành động tàn bạo dựa trên nguyên lý “cứu cánh biện minh cho phương tiện” mà ông Hồ và đảng của ông ta áp dụng, ông Diệm vẫn có phần nào kính nể, hay ít nhất là nể sợ ông Hồ về phương pháp tuyên truyền hữu hiệu trước quần chúng rằng ông ta chiến đấu chống ngoại xâm, giành độc lập. Mà một trong những điều làm cớ cho luận điệu tuyên truyền đó có tác dụng tốt, là sự hiện diện càng ngày càng đông của người Mỹ trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Hễ cứ có thêm một toán cố vấn đến Sài Gòn, là báo chí khắp thế giới đều biết. Trong khi hẳn là trên miền Bắc cũng có cố vấn Liên Xô và Trung Cộng, nhưng bên ngoài chẳng mấy ai biết, vì họ kín tiếng và giấu kỹ lắm. Vì vậy tuyên truyền Cộng Sản Bắc Việt nói Mỹ Diệm thì nghe xuôi tai. Còn nếu có ai nói Nga Hồ thì nghe lại không ổn. Vì vậy muốn chứng minh cho nhân dân toàn quốc rằng miền Nam hoàn toàn độc lập sẽ khó khăn hơn với sự hiện diện càng ngày càng đông của cố vấn Mỹ.

Kỳ sau: Hòa hoãn, hiệp thương, một sách lược phi vũ trang nhìn dưới lăng kính chiến tranh ý thức hệ.

Copyright © 2006 DCVOnline



Chú thích:
(12): Nguyên tác tiếng Ba Lan. Trích dẫn theo bản dịch Anh ngữ của Maria de Gorgey, NXB Harper & Row, San Francisco 1971. Tác giả đã dành cả chương 6 (từ trang 112 đến trang 132) để nói về vấn đề này.
(13): Vì bà Nhu là một người đàn bà đẹp – (Tướng Trần Văn Đôn, vai chính trong cuộc đảo chính viết trong Our Endless War: “She was an immensely attractive woman, beautiful by everybody’s standard”– Bà ấy là người đàn bà vô cùng hấp dẫn, ai cũng thấy đẹp), lại là “một thứ đệ nhất phu nhân” vì ông anh chồng là tổng thống độc thân, cho nên sau khi chế độ bị lật đổ, những nhà báo muốn câu độc giả bèn cố tạo nên những màn cụp lạc chung quanh bà. Biết đâu tấm hình chỉ là hình ghép khéo? Dầu sao thì Maneli cuối cùng cũng tiết lộ đó là hình một cựu đại sứ Ấn Độ, mấy năm trước cũng từng giữ chưc chủ tịch UHQT.
Hoàng Trọng Miên, một nhà báo nổi tiếng, em ruột Thanh Nghị, một bộ trưởng trong cái gọi là chính phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam đã viết hẳn một cuốn tiểu thuyết tràng giang đại hải, lấy bà Nhu, khuê danh Trần Lệ Xuân (mà tác giả gọi vắn tắt là Lệ) làm nhân vật chính cho cuốn Đệ Nhất Phu Nhân. (gần đây, cuốn truyện và tác giả, và những người xuất bản, tái bản nó đã bị Công Tử Hà Đông, tức nhà văn Hoàng Hải Thủy cực lực lên án.) Điều khiến nhiều người ngạc nhiên là trong cuốn truyện hư cấu này đầy rẫy những vụ tình vụng trộm giữa cô Lệ với những tướng lãnh đương quyền được nêu tên thực, mà nó vẫn được tự do xuất bản. Không lẽ những ông tướng ấy không biết để ngăn chặn? Hay biết mà vẫn hãnh diện vì được “dính” với một “Cleopatra Việt Nam?” Cũng như Maneli tự thú mình cải chính một cách miễn cưỡng, vì còn tiếc cái tiếng “ảo” là được ‘dính’ chút đỉnh?
(***): SĐD trang 114)
(14): Tuy đài BBC, mà hội đồng thống đốc do Nữ Hoàng Bổ nhậm, hoàn toàn độc lập, nhưng các chương trình ngoại ngữ thì lại do bộ ngoại giao chi phối.

%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%

(Kết)
Nhân giỗ 43 Tổng thống Ngô Đình Diệm (2/11/1963)


Minh Võ


Tiếp theo phần I; phần II


Hòa hoãn, hiệp thương, một sách lược phi vũ trang nhìn dưới lăng kính chiến tranh ý thức hệ – Dưới lăng kính của chiến tranh ý thực hệ với tính toàn cầu, toàn diện, thường trực của nó, chúng ta thử nhìn lại khối Cộng đã tấn công, xâm lăng, sát nhập các nước Đông Âu và vùng Ba Nhĩ Cán (Balkans, Đông nam châu Âu, DCV) trong và liền sau thế chiến 2. Cộng sản đã không dùng các biện pháp võ trang, mà chỉ thuần dùng các biện pháp phi võ trang. Xâm nhập, thao túng, lũng đoạn, bầu cử gian lận, vi phạm hiệp ước, nói một đàng làm một nẻo. Chính Liên Xô đã xích hóa Trung Hoa Lục Địa bằng sách lược liên minh với Trung Hoa Dân Quốc, hai lần.
Richard Nixon và Mao Zedong
Nguồn: millsaps.edu

Rồi cũng dưới lăng kính đó, hãy nhìn lại thế giới tự do đã thắng khối cộng vào giai đoạn cuối cùng ra sao. Khi biết mình không thắng được chiến tranh cục bộ ở Việt Nam bằng vũ lực, vì đã bị sa lầy, và cố bằng mọi cách rút chân khỏi vũng lầy chết người này, Nixon và Kissinger đã dùng chiến thuật “ngoại giao bóng bàn” ở Trung Quốc, dẫn đến những bữa tiệc linh đình do Mao Trạch Đông thết đãi với hàng trăm món sơn hào hải vị, đặc biệt Tầu! Với Liên Xô thì hiệp ước hạn chế võ khí chiến lược (SALT2). Đến đời Tổng Thống Bush cha thì hội kiến với Gorbachev trên tầu Maxim Gorky ở ngoài khơi dẫn tới cuộc hội kiến vô tiền khoáng hậu giữa Gorbachev và Giáo Hoàng John Paul 2, tại thư viện của Vatican. (1/12/1989. Xem bản tin New York Times 2/12/89) Trong cuộc “chạm trán” hy hữu này, võ khí duy nhất mà giáo hoàng dùng là chuỗi tràng hạt Mân Côi ông tặng cho Raisa Gorbachev phu nhân. Và trước đó, dưới thời Ronald Reagan, với sự hỗ trợ và cố vấn thiêng liêng của cũng giáo hoàng uy danh lừng lẫy đó, hàng lọat võ khí thiêng liêng và tinh thần, ngoại giao và kinh tế v.v... đã đưa đến chiến thắng của Công Đoàn Đoàn Kết (****) mà không tốn một viên đạn! Để rồi từ đó tất cả các nước Đông Âu khác sụp đổ và cuối cùng là chính Liên Xô cũng tan rã.

Đặc tính của chiến tranh ý thức hệ là dùng ý tưởng tấn công ý tưởng. Ý tưởng nào mạnh sẽ thắng. Không phải bằng vũ khí mà bằng lời nói, chữ viết và các hình thức biểu hiện ý tưởng khác.

Dưới ánh sáng của những sự kiện lịch sử vừa nêu, nhìn lại dĩ vãng, chúng tôi thấy sách lược đấu tranh mà hai anh em ông Diệm toan tính áp dụng tại Việt Nam trước khi các ông bị giết rất có cơ sở, và đáng lý nó đã phải thành công. Và nếu nó thành công thì miền Nam Việt Nam với danh xưng Việt Nam Cộng Hòa sẽ tồn tại trong một thời gian khá lâu: hoặc có thể thống nhất một cách vinh quang như nước Đức. Bằng không thì tối thiểu cũng tồn tại trong phú cường giống như Nam Hàn hay Đài Loan.

Xin nhìn lại một số dữ kiện cụ thể về tương quan lực lượng giữa hai miền lúc đó để phân tích chi tiết hơn.

Phải nhìn nhận, cuộc khủng hoảng Phật Giáo không giải quyết ổn thỏa đã làm suy yếu chế độ miền Nam ít ra là ở thủ đô và một phần nào trên bình diện ngoại giao và uy tín đối với quốc tế. Nhưng tình hình nông thôn và đời sống của tuyệt đại đa số nhân dân miền Nam vẫn ổn định và mạnh hơn hẳn miền Bắc. Vì vậy nếu phải thương thuyết thì ông Diệm vẫn ở thế thượng phong.
Nguyễn Văn Linh
Nguồn: vi.wikipedia.org

Về phía Hà Nội, sau khi thấy hầu hết (15) các cơ sở bí mật ở miền Nam đã bị phá vỡ, tháng 9 năm 1959 Hà Nội đã họp hội nghị bí mật lấy nghị quyết số 9 đưa thêm quân vào Nam, rồi lập ra Mặt trận giải phóng miền Nam (20–12–1960) để vớt vát uy tín với quốc tế. Nhưng Quốc Hội miền Nam cũng đã ban hành luật 10/59, mà Nguyễn Văn Linh sợ còn hơn B52 sau này. (16) Còn tại miền Bắc thì sau thất bại của Cải Cách Ruộng Đất và chiến dịch sửa sai, trong đó không biết bao nhiêu người đã bị chết oan, hoặc bị cho đi tù, hay đi an trí tại những nơi rừng thêng nước độc, các công cuộc hợp tác hoá nông, công, thương nghiệp cũng đi đến thất bại vì lẽ “cha chung không ai khóc”. Nhân dân vì thế rất đói khổ và bất mãn. Trong hoàn cảnh đó, nếu hiệp thương được với miền Nam để trao đổi than đá lấy gạo thì sẽ giải quyết được những vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị quan trọng.

Một điểm nữa cũng khiến ông Hồ muốn hòa hoãn, ít là tạm thời, với ông Diệm. Nếu ông Diệm muốn giảm áp lực của Mỹ, thì ông Hồ cũng có lý do để muốn giảm áp lực của Trung Cộng. Mặc dù là người cộng sản và là cán bộ cao cấp của Quốc Tế cộng sản, không thể nào thoát hẳn sự chi phối sinh tử của các nước đàn anh, ông ấy vẫn thích bị áp lực của đàn anh Trung Cộng ít chừng nào tốt chừng ấy.

Chính vì thế mà lần nào đề nghị của Maneli cũng được các ông Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng chấp thuận và bật đèn xanh cho tự do thương thuyết với ông Nhu. Chỉ có một điều kiện tiên quyết là: Mỹ phải ra đi. Nghĩa là trước tiên ông Diệm phải làm mọi cách để ép Mỹ rút hết cố vấn về nước. Điều này không trái ý ông Diệm. Nhưng thực hiện được thì thiên nan, vạn nan. Nguy hiểm chết người! Hoa đào của ông Hồ tặng đã thành máu đào của hai anh em ông Diệm.

Nếu ta đổ hết trách nhiệm lên đầu những người Mỹ như Cabot Lodge, Averel Harriman, Roger Hilsman, Michael Forestal, và những nhà báo thù ghét ông Diệm trong nhóm “Diệm Must Go” của những Harriman, Halberstam, Neil Sheehan, Malcolm Browne.... thì không công bình. Vì lỗi cũng một phần do ông Diệm dùng sai người. Ông đã trọng dụng những Tôn Thất Đính, Đỗ Mậu, Trần Thiện Khiêm để rồi họ phản ông, đi theo nhóm Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Mai Hữu Xuân vâng lời Mỹ, lấy tiền của CIA (qua Lou Conein) lật ông.

Nội dung thương thảo chưa rõ nét – Vì cuộc thương lượng chính thức chưa bắt đầu, hai bên cũng không để lại tài liệu nào chính thức liên quan đến các cuộc tiếp xúc mật, cho nên chúng ta không có gì cụ thể để nói về nội dung cuộc thương thuyết. Tuy nhiên theo báo cáo tối mật của Maneli ngày 10/7/63, chỉ gửi cho chính phủ Ba Lan và tòa đại sứ Liên Xô, thì ông ta có đề cập với ông Hồ và Phạm Văn Đồng về khả năng của một chính phủ liên hiệp, và khả năng của một liên bang nào đó, trong đó ông Diệm có thể là phó chủ tịch, và ông Nhu phó thủ tuớng.

Cũng nên thêm rằng, về một liên bang nào đó có thể là nội dung của cuộc thương thuyết hay mật đàm, thì, theo tiết lộ của giáo sư Francis X. Winters, quyền đại sứ Trueheart (17) trong công điện ngày 25/5/63 gửi về Hoa Thịnh Đốn có tường trình rằng ông Ngô Đình Nhu có nói với ông về một cuộc họp tại Cambốt ngày 19 cùng tháng, trong đó cả Hồ Chí Minh lẫn Ngô Đình Nhu đều có đại diện. (18) Phải chăng đây là cuộc họp có bàn tới vấn đề liên bang mà tướng Nguyễn Khánh và John Richarson, trưởng nhiệm sở CIA ở Sài Gòn lúc ấy đã bàn tán với nhau căn cứ vào lời tuyên bố của ông Hồ, khiến ông Nhu muốn liên lạc với Bắc Việt để tìm hiểu về nội dung cụ thể? (19)

Về vấn đề hiệp thương để đi đến một chính phủ Liên Hiệp với cộng sản, nhiều người sẽ nhắc lại mánh lới liên hiệp của Hồ Chí Minh hồi 1945–1946, với các ông Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh v.v...Và phê bình ông Diêm chưa học được bài học lịch sử chua cay đó. Tuy nhiên chúng tôi có ý nghĩ hơi khác. Sở dĩ hồi 1945 ông Hồ đã có thể dùng chiêu bài liên hiệp như một vũ khí chính trị để chia rẽ, lợi dụng, và phân hóa các đảng đối lập, rồi sau cùng uy hiếp họ, đến nỗi phần đông phải chạy trốn, là vì lúc ấy chưa ai có kinh nghiệm đó. Thứ đến lúc ấy các đảng đối lập ở vào thế yếu hơn hẳn Hồ Chí Minh. Ông này, dưới danh nghĩa chủ tịch mặt trận Việt Minh, đã phỗng tay trên được chiến thắng của cuộc khởi nghĩa 19 tháng 8. Sau đó quân của các đảng phái mới từ Hoa Nam và Việt Bắc lục tục kéo về Hà Nội, quá muộn.

Còn thời 1962–1963 thanh thế của ông Diệm hơn hẳn ông Hồ. Nếu ông Diệm chịu liên hiệp là liên hiệp trong thế mạnh. Hãy tạm lấy một ví dụ đơn giản là hòa tan dung dịch có hai màu đối chọi; xanh đậm (Diệm) với hồng lạt (Hồ). Màu nào đậm hơn sẽ lấn át và thắng màu lợt. Dĩ nhiên thực tế chính trị phức tạp hơn, vì còn mưu sâu của con cáo nổi danh hơn người. Nhưng về điểm này ông Diệm đã có kinh nghiệm từ những bài học lịch sử nói trên với cộng sản. Hơn nữa ông Diệm không phải là một chính khách non nớt, không biết rõ đối phương như người ta tưởng. Những gì nhà báo Úc Denis Warner, nổi tiếng về vấn đề Việt Nam, đã viết trong cuốn The Last Confucian, (NXB MacMillan Company, NY, 1963, chương 5) cho thấy ông Diệm có những nhận xét rất sâu sát về Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông và Che Guevara. Trong khi phân tích chiến lược chiến thuật Mao Trạch Đông, ông Diệm chỉ cho nhà báo Úc trên bản đồ về các trận đánh của Việt Minh thời chống Pháp, rồi từ đó suy ra chiến thuật của cộng sản dùng để đánh phá miền Nam. Rồi ông bảo nhà báo. Chiến thuật của Mao Trạch Đông rất giản dị, nhưng ít người hiểu một cách tường tận, trừ chỉ có hai người là Che Guevara (Cuba) và Hồ Chí Minh. Dĩ nhiên nếu chưa nghiên cứu kỹ về Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Che Guevara và nhiều người khác nữa, thì không thể nào dám đưa ra một nhận xét chắc nịch như vậy.

Vì những lý do trên, theo ý kiến chủ quan của tôi, nếu, vâng, nếu, một chữ nếu không có trong lịch sử! nếu anh em ông Diệm không bị chết, và việc hiêp thương giữa hai miền Nam Bắc được thể hiện vào thập niên 60 thế kỷ trước, thì chẳng những Hoa Kỳ đã không phải đổ 2 triệu quân vào Việt Nam khiến hơn 58 ngàn lính Mỹ chết mà Việt Nam cũng tránh được một cuộc chiến tương tàn làm trên 3 triệu tử vong.

Kết luận – Để kết luận, chúng tôi xin nhắc lại lời nữ sử gia Marilyn Young, sau khi nói về nhận định của phụ tá ngoại trưởng Mỹ Roger Hilsman nêu ở phần đầu bài này. Bà lấy làm tiếc rằng:

“Không có ai trong ban tham mưu của (Tổng Thống) Kennedy đã tự hỏi tại sao điều này (20) lại không thể cũng là mục tiêu của Hoa Kỳ.”

Theo thiển kiến, ý của nữ sử gia là anh em ông Diệm đã mở cửa thênh thang cho người Mỹ rút lui khỏi chiến trường Việt Nam trong danh dự một cách an toàn. Nhưng chính quyền Kennedy đã giết người mở cửa rồi đóng sập cửa lại. Kết quả là 12 năm sau phải tự phá cửa mà tháo thân, mang theo 58 ngàn xác chết và “hội chứng Việt Nam”.

Thảm cảnh đó có đáng là một bài học cho những ai còn khư khư ôm lấy quan niệm rằng chỉ có vũ khí hay bạo lực mới thắng được Công Sản, hay đã có bom hạch tâm thì đương nhiên bất bại?

Ngày nay, còn hơn 34 năm về trước, những hình thức đấu tranh bất bạo động trong chiến tranh ý thức hệ có thiên hình vạn trạng cần được liên tục nghiên cứu để có thể tùy cơ ứng biến, áp dụng trong những trường hợp thích hợp nhất.

Nhân hôm nay là ngày khai mạc Hội Nghị Quyền Lao Động Việt Nam tại Balan, người viết xin được nhắc lại hình thức đấu tranh bất bạo động mà Công Đoàn Đoàn Kết đã áp dụng một cách thành công tuyệt vời tại nước sở tại, để cầu chúc cho Công Đoàn Độc Lập vừa thành lập trong nước sẽ cùng với các phong trào, đảng phái và tổ chức đấu tranh khác hoàn thành sự nghiệp tranh thủ Tự Do Dân Chủ cho tổ quốc thân yêu. Mong lắm thay!

28/10/06, California

Copyright © 2006 DCVOnline


Chú thích:
(****) Uy danh của giáo hoàng John Paul 2 quả là một nhân tố quan trọng của chiến thắng tại Ba Lan như chính tổng thống Liên Xô Gorbachev đã xác nhận. Nhưng nhân tố quyết định vẫn là nhân dân Ba Lan, trong đó có lực lượng 10 triệu đoàn viên của Công Đoàn Đòan Kết. Nói đến Công Đoàn Đoàn Kết của Ba Lan do Lech Walesa lãnh đạo, chúng tôi không thể không nghĩ tới Công Đoàn Độc Lập của Việt Nam do Nguyễn Khắc Toàn vừa thành lập. Cũng như khi nhắc lại ảnh hưởng lớn lao của vị giáo hoàng người Ba Lan, “quốc trưởng của quốc gia tí hon Vatican”, ở ngoài tổ quồc Ba Lan có 85% tín hữu Công Giáo, chúng tôi cũng cầu mong sẽ có một vị hoà thượng hay thiền sư người Việt Nam đạo cao đức cả, được đa số trí thức Phật Tử hải ngoại kính trọng và tin tưởng, có trụ sở và cơ ngơi ở ngoại quốc, một thứ lãnh thổ “Vatican” nào đó, sẽ gây được uy tín lớn lao nếu không tương đương thì cũng có thể so sánh phần nào với uy tín của giáo hoàng John Paul 2 đối với thế giói đương thời, để ông sẽ về thăm Việt Nam vài lần và gieo vào cộng đồng Phật Tử trong nước, có đến 70– 80% dân số, một niềm tin và sức mạnh tinh thần, đồng thời kích thích sự hoạt động kiên trì và dũng cảm của công đoàn mới phôi thai, ngỏ hầu sớm đem lại tự do dân chủ đích thực cho Việt Nam.

(15): Theo Nguyễn Văn Linh thì 75 phần trăm, theo Văn Tiến Dũng thì 90 phần trăm cán binh Cs ở miền Nam đã bị “tiêu diệt”. Hy vọng chiến thắng rất mong manh. Xem Về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chu thích trang 16.
(16): Lời Nguyễn Văn Linh nói với nhà báo Neil Sheehan thân Cộng, (xem When the War is Over, trang 77...). Theo hồ sơ an ninh của đoàn công tác đặc biệt miền Trung thì có rất nhiều cán bộ cao cấp của cộng sản bí mật hoạt động ở Huế đã bị bắt và tự động rời bỏ hàng ngũ cộng sản để về họp tác với chính quyền. Trong số đó có cả những tỉnh ủy viên tỉnh Thừa Thiên , thành ủy thành phố Huế. Một số cán bộ cộng sản đã được nêu đích danh như Mười Hương, Lê Chơn, Phan Thị Chanh, Lê Thị Hòa, Lê Minh Đạt, Nguyễn Đà, Nguyễn Đình Chơn, Lê Tú và Lê Phước Thưởng… Nơi trang 99 cuốn Dòng Họ Ngô Đình… tác giả Nguyễn Văn Minh cho biết. Lê Phước Thưởng là tỉnh ủy viên tỉnh bộ đảng Thừa Thiên đã bị bắt, được thuyết phục và cảm phục ông Ngô Đình Cẩn đến độ, sau 1975, vào tù VC, luôn sẵn sàng đánh những ai nói xấu ông Cẩn, hay Đoàn Công Tác Đặc Biệt. “Người từng chứng kiến những vụ đánh lộn vì lý do đó là Trung Tá Lê Thiện Phước, ở tù chung với Thưởng”.. Một thủ lãnh Việt Nam Quốc Dân Đảng từng là nạn nhân của chế độ Ngô Đình Diệm kể lại cho người viết: Trong tù cộng sản sau 30 tháng tư ông đã gặp một cựu cán bộ cao cấp cộng sản hết lời ca ngợi ông Cẩn là một chính trị gia già dặn. Anh ta cho biết mình đã rời bỏ hàng ngũ cộng sản về hợp tác với chính quyền miền Nam, vì bị chinh phục hoàn toàn bởi thái độ và cử chỉ của ông Cẩn đối với các cán bộ cộng sản. Ông Cẩn biết anh ta là cán bộ cao cấp (tỉnh ủy viên) đang bí mật hoạt động mà không cho lệnh bắt, cứ để vậy theo rõi trong 2 năm. Rồi cho mời anh ta đến để tranh luận về chính nghĩa dân tộc một cách bình đẳng tự do. Sau đó ông ta bảo anh cán bộ: Chúng ta đã nói chuyện với nhau đủ rồi. Bây giờ tôi xin để tùy anh quyết định. Nếu thấy tôi nói đúng thì hãy về hợp tác với chúng tôi. Còn nếu anh thấy không phục, thì tùy anh cứ ra đi tự do. Chúng tôi không bắt giữ anh đâu. Qua hai câu chuyện này, ta có thể hiểu lý do tại sao chỉ trong vòng 3 năm, từ 1955 đến 1958, như Nguyễn Văn Linh nói với Sheehan, mà cơ sở của VC ở trong Nam đã bị phá đến 75 phần trăm, còn Văn Tiến Dũng thì xác nhận trên giấy trắng mực đen là mất đến trên 90 phần trăm.
(17): Lúc ấy đại sứ Frederick Nolting vừa đi nghỉ ở vùng Địa Trung Hải)
(18): Winters SĐD trang 33).
(19): Winters SĐD trang 61.
(20): Tức mục tiêu tối đa của ông Nhu là “loại hoàn toàn sự có mặt của Mỹ khỏi Việt Nam để thiết lập một nước trung lập, hay theo kiểu Ti Tô nhưng vẫn biệt lập với Bắc Việt” (nguyên văn lời của Mairyn Young)