jeudi 14 avril 2011

Thủy Quân Nhà Nguyễn



Một số khía cạnh đặc biệt về Thủy Quân Nhà Nguyễn

Vũ Hữu San



Nhà Nguyễn với những thành tích vô song — Qua hơn một nửa thế kỷ, những người Cộng Sản dành nỗ lực hạ uy tín nhà Nguyễn. Điều này thật là vô lý. Các triều đại phong kiến không phải tất cả đều xấu xa. Vua Chúa Quan Chức nhà Nguyễn chẳng những đã không tầm thường mà lại còn hoàn thành được rất nhiều kỳ công, mang lại cho dân tộc và đất nước Việt Nam những tài sản về vật chất và tinh thần thật lớn lao. Với diện tích lãnh thổ mà nhà Nguyễn bành trướng gấp đôi, thực phẩm nuôi dân Việt Nam đã tăng lên bội phần. Đặc biệt về hải phận, nước ta vượt quá 3 lần lớn hơn trước kia.

Sau đây, chúng tôi chỉ xin dựa trên một khiá cạnh nhỏ bé về sinh hoạt hàng hải, điểm qua một số thành tích vô song về thủy quân nhà Nguyễn.

Nghiệp Đế Xuất phát Từ Lý do Phòng thủ Hải biên — Khi Trịnh Kiểm âm mưu chiếm gọn binh quyền, giết người anh của Ông là Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng tìm cách thoát hiểm và trả thù họ Trịnh. Tính toán mãi chưa biết nên làm gì, bèn sai người thỉnh ý Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, thì được khuyên một câu: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (một dải núi Hoành Sơn có thể dung thân muôn đời). Hoàng hiểu ra, nhờ chị gái là Ngọc Bảo nói với Trịnh Kiểm cho Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa với lý do: “Đất ấy hiểm trở, xa xôi, khí hậu khắc nghiệt, lại là mặt Nam đễ bị tập kích, quân Mạc có thể dùng thuyền vượt biển đánh sau lưng bất cứ lúc nào”.

Kiểm buộc lòng phải thuận theo vì biết chỉ có họ Nguyễn là giỏi thủy chiến, đủ sức phòng thủ hải biên an toàn cho phía Nam. Trịnh Kiểm dâng biểu tâu vua trao quyền cho Nguyễn Hoàng làm trấn thủ Thuận Hóa, toàn quyền xử lý mọi việc. Hoàng đem người nhà và nhóm quân bản bộ xuống chiến thuyền vào Nam năm Mậu Ngọ (1558) khi 34 tuổi. Cùng đi với Ông, còn có số người nghĩa dũng Tống Sơn Thanh Hóa. Mấy ngàn người này, hầu hết có ít nhiều hiểu biết về thủy quân, đã mở đầu ra một sự nghiệp rất dài 400 năm (cho đến 1954).
Các loại chiến-thuyền thời Hùng-Vương, có chiếc trang-bị cột trụ để dựng buồm, có cả quân-khuyển (thuyền thứ nhì kể từ trên xuống)
Nguồn: Vịnh Bắc Việt — Địa lý và Chủ Quyền Hải Phận, Vũ Hữu San

Năm 1572, sau khi đem quân đánh Thanh Nghệ, tiến về Thuận Hóa, Mạc Kính Điển dùng 60 chiến thuyền do hải đạo vào tiến chiếm làng Hồ Xá và Lãng Uyển, vượt qua sông Cửa Việt. Nguyễn Hoàng lập mưu mỹ nhân kế. Tướng địch là Lập Đạo trúng kế cầu hòa, bị bắn chết. Nguyễn Hoàng đánh tan đạo quân này.

Sau khi việc trấn thủ vùng Thuận Quảng đã yên ổn, năm 1593 Nguyễn Hoàng lại đưa Hạm đội ra giúp vua Lê dẹp nhà Mạc và gian đảng gần 8 năm. Năm Canh Tý (1600) được lệnh vua Lê từ Thăng Long đem thủy quân đi dẹp các tướng nổi loạn Phan Ngạn, Ngô Đình Hàm và Bùi Văn Khuê ở vùng sông ngòi Nam Định, Nguyễn Hoàng cùng quân bản bộ kéo qua Cửa Đại An, bất thần giương buồm thẳng ra Biển Đông vào ngay Thuận Hóa. Sau chuyến hải hành quyết tâm ra đi này, Hoàng lo việc lập nghiệp tại duyên hải phương Nam, không nghĩ việc quay về lại đất Bắc lần nữa.

Khởi nghiệp bằng đoàn Thủy quân nhỏ bé — Nói chung, hầu hết các triều đại Việt Nam thường thường khởi nghiệp bằng những chiến công diệt ngoại xâm hay thống nhất đất nước. Anh hùng nước ta đã quy tụ được những tấm lòng yêu nước thuộc mọi ngành nghề sinh hoạt, đến từ khắp nơi trong nước, hợp quần cùng nhau đứng lên giết giặc, dành độc lập cho quê hương.

Đặc biệt sự nghiệp họ Nguyễn lại có một chỗ đứng hoàn toàn riêng rẽ. Thoạt tiên, đoàn quân của họ rất nhỏ bé chỉ mong được thoát hiểm, gồm các đồng hương vùng Thanh Hóa, tương đối đồng nhất về khả năng và kinh nghiệm chuyên biệt về thủy chiến. Nếu được kể là từ khi Nguyễn Hoàng có quyết tâm khởi đầu cơ nghiệp cho đến khi họ Nguyễn đủ thế lực xưng Chúa, thành phần nòng cốt của họ đã chiến đấu sinh hoạt cạnh nhau trong vòng nhiều chục năm trời. Nhóm quân lính đó đặt cứ điểm trên Hạm đội, thường qua lại khắp các vùng biển Quảng Nam, Thuận Hoá, Nghệ An, Thanh Hóa và ra vào các sông ngòi miền châu thổ hai sông Hồng và Thái Bình, Bắc Đại Việt.

Truyền thống thủy chiến được con cháu họ Nguyễn chuyên cần phát triển và nuôi dưỡng suốt một chiều dài lịch sử gần 350 năm, kéo theo con đường Nam Tiến của họ từ Thanh Hóa đến tận Phú Quốc Hà Tiên. Truyền thống này theo một vài sử gia chính là động lực lớn nhất đưa Nhà Nguyễn đến sự thành công trong việc mở mang bờ cõi, thống nhất giang sơn và duy trì được vương quyền sau nhiều cơn sóng gió.


Hành lang Biển Đông — Đi từ một nhóm binh lính dân đinh năm, bảy ngàn người; bám chặt vào duyên hải Miền Trung, chúa Nguyễn đã không bị nghiền nát bởi hàng chục vạn binh sĩ của chúa Trịnh tấn công liên tục mọi mặt gần một thế kỷ. Trái lại, Nguyễn Hoàng và những người lãnh đạo tiếp theo đã đưa Việt Nam tiến những bước thật dài chưa từng có trong lịch sử.

Biển Đông biến thành hành lang hữu hiệu đưa đoàn thuyền Nam tiến. Thủy quân thường đi trước, làm nơi nương tựa cho quân dân lập nghiệp trên bờ phối hợp cùng di chuyển. Làng mạc định cư cứ thế chuyển dần về Nam, chinh phục toàn bộ miền Trung và Nam Bộ. Các Chúa Nguyễn đã đưa đất nước vươn mình đến tận vịnh Thái Lan và tỏa ảnh hưởng văn hoá trên toàn bán đảo Hoa Ấn.

Đàng Trong đần dần trở thành một vương quốc hùng mạnh, tự trị với Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài (Bắc Hà). Các nhà truyền giáo ngoại quốc trong giai đoạn này đã hết sức ngạc nhiên và khâm phục trước lực lượng quân sự hùng mạnh, sức sống mãnh liệt của nhân dân cũng như trước mức độ văn hóa và đạo đức rất cao của đất nước Việt Nam Xứ Đàng Trong.

Hải Chiến với Hải tặc Nhật Bản. — Cuối thế kỷ 16, khi hoành hành cướp phá bờ biển Trung Quốc, Hải tặc Nhật Bản cũng tràn qua cả nước ta. Chúng kéo nhau đến Cửa Việt vào năm 1585. Hoàng Tử Nguyễn Phước Nguyên, con thứ sáu của Chúa Nguyễn Hoàng đã điều binh đánh chìm hai chiếc tầu Ngọa khấu (giặc lùn Kenki). Đây là sử liệu đầu tiên đề cập đến mối liên hệ giữa Nhật Bản và ĐàngTrong. Năm 1599, một chiếc tàu Henki khác khi hải hành bị mắc cạn tại Cửa biển Thuận An cũng bị một tướng của Chúa Nguyễn Hoàng chận bắt được. Đầy đủ trang cụ bị tịch thu, cả thủy thủ đoàn tàu cướp biển bị bắt. (xem Japan early trade coin and the commercial trade beetwen Vietnam and Japan in the 17th century,Thuần Lục, May 1999).

Hai năm sau, 1601, Chúa Nguyễn Hoàng gửỉ bức thư ngoại giao chính thức đầu tiên của nước ta đến Tướng Quân Shogun Tokugawa. Hai xứ Việt Nhật bắt đầu lập giao thương đường biển. Thương điếm vùng Hội An được thành lập với nhiều thương nhân ngoại quốc và đặc biệt đông nhất là người Nhật Bản, bắt đầu phát triển mạnh mẽ.

Trận Hải Chiến đầu tiên trong Việt Sử — Đọc Việt Sử ta thấy từ xa xưa, Tổ tiên chúng ta từng sử dụng thủy quân nhiều lần. Tuy vậy nếu tò mò xem xét thì rõ ràng chưa bao giờ thực sự có hải chiến xảy ra. Các trận Chương Dương, Hàm Tử ... kể cả hai lần đại thắng Bạch Đằng của Ngô Vương Quyền và Trần Hưng Đạo đều là giang chiến, diễn ra trong sông.

Vào năm 1585 ngoài cửa biển Lục Thủy Dương, thủy quân Trần Khánh Dư đã ghi công thắng trận duyên chiến đầu tiên. Cả trận Cửa Việt năm 1585 nói trên cũng thuộc loại này. Phải đợi đến cuối thời Chúa Nguyễn Phước Lan, ta mới thấy một anh hùng hải chiến thực sự. Đó là Thế tử Nguyễn Phước Tần, sau này trở thành Chúa Hiền. Sử chép rằng đội chiến thuyền cảm tử của Ông đã rượt đuổi và đánh tan hạm đội chiến thuyền Hòa Lan (1648) ngoài khơi vùng biển từ Cù Lao Chàm đến Cù Lao Hàn. Hòa Lan lúc đó đang là đế quốc có lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới.

Ưu thế Thủy Chiến và Binh Thư — Có lẽ họ đã nói đúng nhưng hơi ... quá đáng chăng? Các giáo sĩ Alexandre De Rhodes và Tisannier trong ký sự, khen quân lực của chúa Nguyễn hùng hậu hơn cả Pháp và Bồ Đào Nha. Trong Chiến tranh Trịnh Nguyễn lần thứ nhất kéo dài đến 45 năm, nói chung họ Trịnh thường khởi thế công. Họ Nguyễn chuyên phòng thủ. Trong tất cả các đợt tấn công, họ Trịnh chủ yếu dùng quân bộ, còn họ Nguyễn lưu tâm điều động thủy quân với nhiều sự mềm dẻo trong việc điều quân hầu bảo toàn lãnh thổ của họ. Thoạt đầu khi đất đai còn nhỏ hẹp, Quân lực Đàng Trong ít ỏi và yếu kém hơn Đàng Ngoài, nhà Nguyễn phải nghiên cứu binh pháp để làm sao được tồn tại.

Mối quan tâm về chiến thuật điều quân và đặc biệt về thủy chiến của nhà Nguyễn đã được chính vị Đại quan Khai Quốc Công Thần Đào Duy Từ suy luận và viết ra với rất nhiều chi tiết. Trong cuốn sách Hổ Tướng Khu Cơ của Ông (1572 1634), chương Thủy chiến rất là quan trọng. Ngay đến tập Binh Thư Yếu Lược của Trần Hưng Đạo mà ta thấy truyền tụng ngày nay cũng đã có nhà quân sự ghi thêm lẫn lộn nhiều đoạn của Hổ Tướng Khu Cơ. Ông Nguyễn Ngọc Tỉnh, khi phiên dịch cuốn sách Binh Thư Yếu Lược của Trần Hưng Đạo (Paris, 1988, trang 267) đã ghi chú rằng: Sách Hổ Tướng Khu Cơ: Phép lấy nước uống trong biển (Trích cả một thiên Thủy Chiến của sách Hổ Tướng Khu Cơ, gồm 9 chương, ở đây bỏ cả, xem ở sau...)

Ngày trước, nghệ thuật thủy chiến như được viết chi tiết trong các cuốn sách Binh thư thật là hiếm có.

Cải tiến Hải hành. — Như ta đã biết, hải hành cần những hải đồ và đồng hồ chính xác. Chúa Nguyễn Phước Chú cho đặt các đồng hồ Tây phương nơi các công sở và đồn tàu dọc biển, sau đó Ông Nguyễn Văn Tú rồi tiếp theo những người khác nữa lại chế tạo được đồng hồ. Từ đó, sự điều động thủy quân theo thời gian được chính xác hơn xưa.

Chúa Nguyễn nhờ cánh tay dài Thủy Quân đã nối dài đất nước tới tận Hoàng Sa và Trường Sa. Sách sử Việt Nam đã ghi chép về quần đảo Hoàng Sa từ thế kỷ XVII với chi tiết địa lý rõ ràng trong sách “Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư” (1630 1653) của Đỗ Bá.

Sau cuốn sách này, ta có “Phủ biên Tạp lục” một tác phẩm của Lê Quý Đôn mà trong đó ông tường thuật những công tác thi hành chủ quyền Việt Nam trên Hoàng Sa và Trường Sa. Các đội Hoàng Sa trách nhiệm những đảo Cát Vàng và đội Bắc Hải trách nhiệm Trường Sa, Phú Quốc; tuân hành theo lệnh Chúa Nguyễn.
Biển Qui Nhơn
Nguồn: veloasia.com

Ít nhất đã khởi sự vào cuối thế kỷ XVII, sau những chuyến đi biển hàng năm thường dài tới 6, 7 tháng, các đội Hoàng Sa đã báo cáo lại mọi diễn biến trên hải trình làm kinh nghiệm cho những chuyến công tác sau này. Từ đời chúa Nguyễn phúc Nguyên (1613 1615) hay có thể trước đó nữa, các đội Hoàng Sa đã được thành lập để thu lượm hải vật. Học giả Lê quý Đôn (1726 1784) từng tham khảo sổ biên của Cai đội Thuyên đức Hầu (một chức quyền Hải Quân cao cấp ngày trước) thấy năm 1702 đội Hoàng Sa lấy được 30 thỏi bạc, năm 1704 được 5,100 cân thiếc, năm 1705 được 126 thỏi bạc... Vì không có tài liệu ghi nhận bất cứ một tai nạn đắm tàu nào, ta thấy rằng khả năng hải hành lúc đó đã khá và việc nghiên cứu đường biển trong thời các Chúa Nguyễn cũng khá đầy đủ.

Bước Đường Bôn tẩu Trên Biển. — Khi đọc Sử, chúng ta thường ca tụng Vua Quang Trung trọng dụng chữ Nôm, Tuy vậy, có một câu chuyện chữ Nôm về Nhà Nguyễn rất thích thú và cảm động sau đây.

Qua 9 đời Chúa, sau thời hưng thịnh họ Nguyễn đến lúc suy vong. Nguyễn Ánh may mắn sống sót, trốn chạy bằng đường thủy, mưu cầu phục quốc. Nay thuyền Ông tấp vào bớ sông vắng, mai tàu Ông trôi dạt ra hòn đảo ngoài khơi. Trong khi bị truy sát, sinh mạng như chỉ mành treo chuông, chẳng có loại ngôn ngũ nào hay hơn khi Nguyễn Ánh muốn bộc lộ lòng mình bằng những tiếng nôm na của mẹ cha ông bà của mình. Điều này khác xa với các văn bản của Sử Quán. Các Quan thường dùng chữ Hán và văn chương biền ngẫu, sau này còn tô vẽ thêm cho nhà Vua một thứ sơn lót chân mạng đế vương.

Linh Mục Cadier là người đã đi tìm đọc thấy 14 bức thư chữ Nôm của Nguyễn Ánh gửi các giáo sĩ. Trong số đó có cả tờ lệnh ban cho Sĩ quan Pháp thuộc Hải quân của Ông.

Chúng ta vô cùng thương cảm cho một Ông Hoàng đã mất hết uy quyền, cải trang thường dân, lênh đênh góc biển chân trời, hải đảo xa vắng, thốt lời chua chát, than thở cho số phận đắng cay, ray rứt vì chưa làm tròn bổn phận với Tổ tiên. Bằng văn Nôm, Ông tự biểu lộ là một người bạn thành thực chí tình, một người cha thương nhớ đứa con mình xa cách nửa vòng trái đất...

Có lẽ nhà Vua đã viết nhiều tài liệu tương tự hay tác phẩm nôm na như vậy, nhưng nay đã bị thất lạc. Khi cần khích động lòng quân sĩ và đồng bào Việt Nam của mình, Ông cũng viết tiếng Việt Nam. Đạo Dụ bằng quốc văn trong cuộc duyệt binh ngày 26 tháng 3 năm 1800, trước khi binh đoàn khởi hành hay xuống tàu đi cứu Võ Tánh, là một bằng chứng vậy!

Giao thương Khắp Nẻo. — Nối tiếp sự nghiệp các Chúa, Nguyễn Ánh mở mang việc thương mại với các nước láng giềng và thuyền buôn Tây phương. Sau khi chiếm lại được Gia Định lần chót từ tay Tây Sơn, Nội viện Trần Vũ Khách đưa tàu đi Giang Lư Ba (Batavia), Cai đội Ô li vi, Đội trưởng Ba la di đi Goa, Mã la Kha (Ba la kha Malacca). Tài liệu Tây phương cho biết L. Barizy còn trương hiệu kỳ của chúa Nguyễn buôn bán với thương nhân Đan mạch, Hanop và Stevenson. Đứng trung lập trong chiến tranh Anh Pháp, họ làm đại lý cho Ánh ở Tranquebar (Ấn Độ). Các thương cảng miền Nam bắt đầu hồi sinh.

Trước nội chiến, Tourane nườm nượp những ghe trọng tải từ 40 150 tấn đến chở cau, đường. Mỗi chuyến riêng mỗi thứ mang đi hàng 40 ngàn tấn. Nhưng vào khoảng năm 1790, khi Âu châu e ngại với Tây Sơn, đường cát tuy có rất nhiều ở Quảng Nam nhưng không trở thành món hàng xuất cảng. Kết quả của sự thiếu giao thương là hiệu năng vũ khí của Tây Sơn suy kém hẳn đi. Trong Lịch Sử Nội Chiến Ở Việt Nam, Tạ Chí Đại Trường viết: Những khẩu súng nhồi bằng thuốc đạn Trung Hoa không bắn xa bằng thứ cùng loại ở Gia Định nhồi bằng thuốc đạn Tây Phương.

Thủy chiến là Sở trường của ta — Trở lại với thủy chiến, ta thấy Liệt Truyện q.10, 6b chép rằng; Nguyễn Ánh và các tướng của Ông thường lý luận và tin tưởng rằng: “Thủy chiến là sở trường của ta”. Thủy binh bao giờ cũng tiến nhanh và là mũi nhọn phóng sâu vào đất địch trước bộ binh. Tư thế chủ động và tính cách độc lập của thủy quân còn được Sử gia Tạ Chí Đại Trường xác nhận là quân ngoài biển không những luôn luôn đi tiên phong mà nhiều khi còn phải làm thế nương tựa cho quân bộ chiến có khả năng tiến lên nữa.

Nhận biết thủy quân là quan trọng, giá tiền thưởng khi bắt lính đào ngũ có sự cách biệt rõ rệt: quân nào bắt được lính bộ thì thưởng 30 quan, còn được thủy binh thì được hưởng tới 40 quan (thực lục quyển 4, 12a.

Nhà Nguyễn kiến trúc nhiều chiến hạm tân tiến. Các Tây dương dạng thuyền như Thoại Phụng của Barizy điều khiển, Loan phi của Chaigneau, Bằng Phi của DeForcan, Phượng Phi của Vannier đều có kỹ thuật rất cao, với thủy thủ đoàn và quân đổ bộ đông tới 300 người.

Đánh tan Hạm đội thuyền Tề ngôi Trung Hoa. — Khi Vua Quang Trung qua đời, lực lượng quân sự phía mặt biển suy yếu thấy rõ. Tây Sơn phải tìm cách bù đắp. Bọn cướp biển Tề Ngôi người Trung Hoa được bổ túc vào sự thiếu sót đó. Các thuyền Tề Ngôi vừa giữ nhiệm vụ tiếp tế cho nội địa vừa chính là một bộ phận của thủy quân Tây Sơn để quân bình sự yếu kém vậy.

Ngoài Bắc Hà, thuyền buôn không đến nhiều. Của cải trong nước hư hao. Sử nhà Nguyễn chép: Cha con Nguyễn Quang Bình dùng binh cướp nước, sai hơn 100 chiếc Tàu ô, 12 viên Tổng binh lấy tiếng là tìm mua quân lương, đi chiêu tập nhiều tụi vong mạng dọc bờ biển Trung Quốc. Lấy quan tước làm mồi nhử, cấp cho thuyền và khí giới, sai đưa đường cướp Mân, Việt, Giang, Chiết... (Lịch Sử Nội Chiến Ở Việt Nam, Tạ Chí Đại Trường, trang 221).

Tuy số lượng tàu hải tặc Trung Hoa rất đông, nhưng chúng thường ô hợp, nên dần dần bị Chúa Nguyễn đánh tan. Chủ tướng của chúng là Đông hải Vương Mạc Quần Phù cùng các tướng bị bắt ngoài khơi Thị Nại khoảng tháng 5 năm 1801. Thủy Quân Gia Định tung hoành ra lấy Phú Xuân, rồi Thăng Long mà không sợ một lực lượng lưu động biển nào theo đuổi ngăn trở nữa.

(Còn tiếp)
%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%
Thủy Quân Nhà Nguyễn (Kết)
Một số khía cạnh đặc biệt về Thủy Quân Nhà Nguyễn

Vũ Hữu San

Tiếp theo Phần I


Sự Chắc chắn của các Chiến Hạm Nam Hà — Thực ra sau khi làm chìm chiếc tầu Macao tịch thu được của người Bồ bị bão dạt vào Quy Nhơn, Tây Sơn cũng cố gắng phát triển thủy quân. Nguyễn Huệ đã cho đóng những chiếc đại hiệu thuyền có thể chở nổi các con voi trận. Có lẽ đó là những chiếc tàu mà người Anh đi lạc vào thành Quảng Nam chuyến tháp tùng phái bộ MacCartney đã nhìn thấy và ước lượng đến 150 tấn trọng tải và chắc cũng là loại tàu Định quốc mà Vũ Văn Dũng đem án ngữ ở cửa Thị Nại trong trận thủy chiến năm 1801.

Thế nhưng chúng ta hãy nghĩ tới những chiếc tàu chiến bọc vỏ đồng của Nguyễn Ánh rõ là tân tiến và có sức chịu đựng hơn nhiều.


Học hỏi Kỹ thuật Nhưng không Nệ Người Tây Phương — Trình độ xâm nhập kỹ thuật Tây phương tăng tiến trong những năm đầu chinh chiến, nhưng ảnh hưởng cá nhân của bọn phiêu lưu người Pháp sụt xuống rõ rệt về sau này. Nguyễn Ánh dùng người Ngoại Quốc làm Cố Vấn nhưng Ông rất quyết đoán, không để Nam quân lệ thuộc vào họ.

Năm 1792 trong cuộc thủy chiến Thị Nại lần đầu, Jean Marie Dayot và mấy Hạm Trưởng người Pháp tham dự việc tấn công. Cũng tại nơi đó chỉ 9 năm sau, 1801, các Tướng Lãnh người Việt là Nguyễn Văn Trương, Võ Di Nguy Lê Văn Duyệt ào ạt đốt thuyền địch. Trong khi đó, Chaigneau, Vannier, De Forcan đứng ở hậu đội.

Năm 1793, sử quan nhắc tới bọn Tây Dương Binh theo quân ở Bình Thuận, vây quanh Qui Nhơn. Năm 1797, trong lực lượng xuất phát vào tháng 4 1797 có 447 chiến thuyền và 42,000 chiến binh, vẫn còn những thoại hạm (fregate và corvette) do người Âu chỉ huy. Thế mà chỉ đến năm 1801, Chaigneau, Vannier chỉ làm nhiệm vụ lấy lương tiếp tế cho Qui Nhơn, Phú Xuân mà thôi (Lịch Sử Nội Chiến Ở Việt Nam, Tạ Chí Đại Trường , trang 356).

Sau năm 1799, lúc J. Dayot đã đi thì Olivier cũng muốn từ chức. Khi nhóm nho sĩ đướng đằng sau Nguyễn Vương tăng thêm thanh thế, uy tín Tây phương hạ xuống rất nhanh (trang 306),

Phải nói thêm rằng: bọn phiêu lưu người Pháp rất “ngán” Nguyễn Ánh. Vào năm 1795, dù phải sửa soạn binh thuyền đi cứu Diên Khánh bị vây lần thứ hai, Ông đã tống giam Dayot vì tội làm chìm chiếc tàu được nhà Vua giao cho trông giữ. Sau đó ít lâu, Dayot bỏ đi và chết đuối khi thăm dò thủy đạo tại Vịnh Bắc phần. Thời gian gần cuối cuộc chiến, một Sĩ Quan khác nữa là L. Barizy bị bỏ tù, khi có người tố cáo Barizi đầu độc một chủ tàu buôn.

Qua thế kỷ 20, Việt Nam Cộng Hòa có lẽ đã quá nệ vào những người Hoa Kỳ đến giúp đỡ cố vấn và cung cấp phương tiện. Khi họ rút ra, Miền Nam mất nơi nương tựa nên mới xảy ra tai họa diệt vong.


Số Thủy binh trong Quân đội — Vào đầu thập niên 1800, Thủy binh chuyên nghiệp của Nguyên Ánh gồm có:

Lính làm thuốc đạn xưởng đóng tàu 8,000

Thủy binh trên các tàu trong cửa biển 8,000

Thủy binh trên các tàu đóng kiểu Âu 1,200

Thủy binh trên các ghe bầu 1,600

Thủy binh trên các thuyền chiến có chèo 8,000

Tổng số Thủy quân là 26.800 người trong một quân lực 139.800. (Lịch Sử Nội Chiến Ở Việt Nam, Tạ Chí Đại Trường, trang 230).

Lưu ý rằng quân đội Nguyễn Ánh bao gồm nhiều quân, binh chủng như tượng quân, công binh, pháo binh, tiếp vận, truyền tin ... Riêng về nhân lực của Xưởng Đóng Tàu (8,000 người) cần một sự so sánh với Hải Quân Công Xưởng Ba Son để được dễ hiểu. Trong thế kỷ 20, thường thường chỉ có từ 2,000 đến 3,000 thợ mà thôi.


Hoàng Đế Nguyễn Ánh, một Biểu tượng Hải Quân — Những người lính thủy ngày nay cho dù có bất đồng ý kiến về bất cứ một vai trò lịch sử nào của nhà Nguyễn, cũng phải công nhận Hoàng Đế Nguyễn Ánh là một trong những biểu tượng Hải Quân vĩ đại nhất trong dòng Sử Việt. Ông đã làm nức lòng quân đội, nhất là Thủy quân khi đích thân nhận quyền Hạm Trưởng một chiếc Thoại hạm.

Vị Hoàng đế này cũng là nhà chiến lược hải chiến tài ba và rất có thể là vị tướng lãnh Việt Nam đầu tiên sử dụng hải pháo để mở đường tiến quân, phá hủy mục tiêu, đồng thời dùng thủy quân xung phong, giúp cho bộ binh chiếm đóng đồn địch. Những hoạt động quân sự này chính là bước đi tiền thân của các Hải Đoàn Xung Phong mà ta thấy sau này.

Trận Thủy Chiến quyết định: Đệ nhất Vũ công — Trận Thủy Chiến quyết định mà Sử quan Nhà Nguyễn ghi nhận là Đệ nhất vũ công đã diễn ra tại Thị Nại. Khi đó Võ Tánh bị vây tại thành Qui Nhơn khá lâu. Tháng giêng năm Canh Thân 1800, Tướng Tây Sơn là Võ Văn Dũng đưa hai chiếc Định quốc Đại hiệu thuyền, chở từ 50 đến 60 khẩu đại bác chắn ngay cửa Thị Nại. Dày đặc bên trong là 40 tàu lớn, 20 tàu nhỏ hơn với 100 ghe chiến đậu san sát đến cửa vào Đầm Nước Mặn. Triền núi, Dũng cho đặt đại bác yểm trợ đoàn tàu. Trên bộ, Dũng còn có hơn 50 voi trận và quân lính. Nguyễn Vương cử đại quân ra tiếp viện bằng đường biển, sai Nguyễn Văn Thành và các tướng tiến qua Phú Yên ra Bình Định. Quân thủy và quân bộ của Vương không thông được với nhau và cũng vì vậy, không cứu viện được Võ Tánh. Tháng giêng năm Tân Dậu 1801, Ánh sai các tướng Nguyễn Văn Trương và Tống Phúc Lương đánh đồn thủy Tây Sơn, trong khi đó Lê Văn Duyệt và Võ Di Nguy đem chiến thuyền đánh thẳng vào cửa Thi Nại. Dù biết Võ Di Nguy đã bị trúng đạn chết, nhưng Lê Văn Duyệt vẫn ra sức xông đột, đốt được cả tàu và thuyền của Tây Sơn.

Vì Tây Sơn đã dồn toàn thể thủy quân để chiến đấu nên một khi bị tiêu diệt, Tây Sơn không còn uy thế nào đáng kể trên mặt biển nữa. Quân Nam Hà tiến dần dần ra Phú Xuân, rồi thẳng ra chiếm Bắc Hà rất nhanh chóng.


Biển Đông đã Nối liền Gia Định và Thăng Long thành Đế hiệu Gia Long — Bằng cách ngự trị biển cả, từ một giấc mộng nhỏ bé của Nguyễn Hoàng là mong mỏi được một phần đất tự trị “vạn đại dung thân” tiếp tục trải qua đời 9 vị Chúa, sau cùng họ Nguyễn đã đi đến một thành tích vĩ đại là thống nhất quốc gia, đưa đất nước qua cảnh nhiễu nhương chia ba, xẻ bảy. Năm 1802, hai miền thủ phủ Gia Định và Thăng Long đã nối liền. Nguyễn Ánh lên ngôi với đế hiệu Gia Long.


Đốt cháy Hạm Đội Anh Cát Lợi — Dù không còn phải dụng binh nhiều sau năm 1802, Thủy quân Nhà Nguyễn vẫn còn rất mạnh. Nước Anh đưa thư xin ngoại giao thông thương ba bốn lần đều bị khước từ. Năm 1803 khi một Hạm đội của họ gồm 7 chiếc tàu tiến từ Biển Đông theo đường sông vào Hà Nội, bị quân ta đốt cháy. Không thấy chính phủ Anh Cát Lợi phản đối.

Có lẽ vì Anh Quốc biết rằng mình có lỗi khi xâm nhập hải phận và lãnh thổ Việt Nam một cách bất hợp pháp, nên mọi việc cũng êm. Tài liệu hiếm này được Nhà Quân Sử Phạm Văn Sơn ghi lại trong Việt Sử Toàn Thư, xuất bản năm 1960, trang 591.


Truyền thống Tàu Thuyền Ngàn Năm: Trống đồng và Cửu đỉnh. — Sau Gia Long, vị vua thứ hai triều Nguyễn là Minh Mệnh. Ông Vua này đáng được kể là một nhà Văn Hóa lớn khi chính Ông đã cho thực hiện bộ Cửu đỉnh gồm 9 cái đỉnh đồng rất lớn. Chúng tôi xin trình bày nội dung công trình đó một cách ngắn gọn như sau:

Đồ Đồng Đông Sơn được sản xuất vào thiên kỷ thứ nhất TTL. tiêu biểu cho nền văn hoá đặc thù của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ mở nước và dựng nước các triều đại Hùng Vương.

Khi khảo sát văn hoá thời Đông Sơn, nhiều học giả, gồm cả Đông phương lẫn Tây phương như Chikamouri, Bezacier, Manuel, và nhất là Keith Weller Taylor (tác giả “The Birth of Vietnam”, University of California Press, California, 1983); đã đồng ý rằng: “Các hình vẽ và trang trí tàu thuyền trên trống đồng Đông Sơn luôn luôn tạo nên ý tưởng về những biểu tượng của nghệ thuật hàng hải, đồng thời minh chứng một cách không thể lầm lẫn về tầm ảnh hưởng của một thế lực dựa trên căn bản của biển cả.” Khi hiểu như vậy, ta thấy tinh thần tập đoàn của thủy thủ đã tạo thành gốc rễ cho sự đoàn kết và phát triển quốc gia chúng ta suốt bốn ngàn năm lịch sử.

Bẵng đi hơn 2,000 năm, Nhà Nguyễn nhận thức được cái tinh thần hàng hải cao quý lâu đời đó cần phải được phát huy trở lại. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, Quyển Biểu Kinh Sư, trang 86 (Bản dịch: Nguyễn Tạo, Saigòn 1960), năm 1836 nhà Vua cho đúc chín cái đỉnh. Trong những biểu tượng quốc gia chạm khắc trên đỉnh, người ta thấy xuất hiện những hình ảnh thuộc nhiều loại tàu thuyền như sau :

Cao đỉnh: Đa tác thuyền 3 cột buồm, có nhiều giây

Nhân đỉnh: Lâu thuyền tính từ hầm thuyền lên có 2 tầng lầu

Chương đỉnh: Mông Đồng thuyền, thuyền chiến có 8 cặp chèo

Nghị đỉnh: Hải Đạo Thuyền, thuyền chuyển vận đường biển có 7 cặp chèo

Thuần đỉnh: Đĩnh, thuyền đua hẹp ngang và dài có 9 cặp chèo

Tuyên đỉnh: Lê Thuyền, ghe lê có 6 cặp chèo

Du đỉnh: Ô Thuyền, ghe Ô có hai buồm

Đây là những kỷ vật quý giá vô cùng, đồng thời là những thành tích văn hóa sâu đậm dành cho hậu thế muôn đời về mai sau.


Nước và Vua Duy Tân — Theo với vận nước suy tàn, Nhà Nguyễn cũng còn được nối dõi bởi một nhà Vua trẻ và giỏi. Đó là Vua Duy Tân, tuy sự nghiệp ngắn ngủi nhưng rất anh hùng và yêu nước chân thành. Trong khi người Pháp đang áp đặt ách thống trị lên dân ta, tinh thần “Nước” với lòng yêu Nước, thương Dân của Vua Duy Tân đáng được kể là rất sâu đậm ngay từ thuở thiếu thời. Tương truyền, có lần Nhà Vua chỉ mười mấy tuổi này đang ngự thuyền câu cá ở Cửa Tùng, tự nhiên Ông than thở rằng: Ngồi trên Nước mà không ngăn được Nước, buông câu ra đã lỡ phải lần...

Một hôm, Vua Duy Tân ngồi chơi cát ngoài bãi biển, một cận thần lấy nước cho Ngài rửa tay. Ngài hỏi một câu tương tự cũng về “Nước” như sau: Tay nhớp lấy Nước rửa, thế nếu Nước nhớp lấy gì mà rửa. Ý của Ngài rất có thể là: Nếu Nước (Việt Nam) nhơ nhớp, chúng ta có thể dùng máu để rửa cho sạch chăng?

Sau Nhà Vua bị người Pháp đưa đi đày tại đảo Reunion, rồi tử nạn máy bay khi phục vụ trong quân đội Đồng Minh. Có lời thơ khen vua Duy Tân như sau:

Một đời vì nước vì dân
Duy Tân đứa trẻ không cần ngôi vua
Tù đày khổ nhục khi thua
Tử rồi khí phách Ông Vua muôn đời.
Không quên Thủy chiến, nét độc đáo Việt Nam.


Không có một dân tộc nào trên thế giới có được những trang sử đấu tranh đậm đà màu sắc thủy chiến như của dân tộc Việt nam. Đa số các trận đánh lớn trong lịch sử chiến tranh của dân tộc ta đều diễn ra trên chiến trường sông biển... Trong quá trình, một nền nghệ thuật thủy chiến đó đã hình thành, mang những nét độc đáo Việt Nam.

Trong quá khứ, Ngô Quyền mở nước bằng thủy chiến Bạch Đằng. Khi Nhà Lý hùng cường, Lý Thường Kiệt cầm thủy quân đánh Tống bình Chiêm. Nhà Trần đuổi Mông Cổ ra ngoài bờ cõi cũng bằng thủy chiến Bạch Đằng. Vua Gia Long thống nhất đất nước với kỳ tài và nỗ lực sử dụng Thủy quân.

Về tương lai mối lo của dân ta cũng như bao giờ, sẽ lại đến từ mặt biển, từ Hoàng Sa, Trường Sa... Quân thủy vốn có khả năng đặc biệt là đánh nhanh, đánh bất ngờ, thọc sâu vào đất địch. Một chính quyền tốt phải lo việc xây dựng Hải Quân, bảo vệ đất và nước.

Đến ngay như trong thời gian miền Nam nguy ngập vào đầu năm 1975, nếu có hải lực đủ mạnh tấn công tập hậu Cộng Sản Bắc Việt, quân xâm nhập của chúng tất phải rút về.. Và ... tình hình hẳn đã đổi khác.

Chúng ta không bao giờ nên quên Thủy chiến là nét độc đáo Việt Nam!



Vài nét về tác giả: Là một cựu Hạm trưởng, từng chỉ huy 6 chiến hạm Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa kể cả Khu trục hạm Trần Khánh Dư, HQ-4 ở trận hải chiến Hoàng Sa, 19 tháng 1 năm 1974.

Sau 1975 sống tại Hoa Kỳ, hành nghề kỹ sư và tin học, nghỉ hưu từ 2002. Tác giả biên khảo về Hàng hải và Văn Hóa “Nước” cổ truyền của dân tộc. Ông cũng là tác giả các tác phẩm: Địa-Lý Biển Đông với Hoàng-Sa và Trường-Sa, xuất bản các năm 1995, 1996; Tài-liệu Hải Chiến Hoàng Sa, 1/2004; Vịnh Bắc-Việt, Địa-lý và Chủ-Quyền Hải-phận xuất bản năm 2002, tái-bản 2004. Nhiều sách khác cùng tác giả lưu trữ trên các trang http://vuhuusan.com. http://vuhuusan.net, http://paracels.com.