1979-CỘNG SẢN VIỆT NAM, QUAN HỆ VIỆT-TRUNG Ph-02
III- Hai cuộc đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc để giải quyết những vấn đề biên giới giữa hai nước.
Năm 1957-1958 hai bên thoả thuận cùng với việc giữ nguyên trạng đường biên giới do lịch sử để lại, sẽ tiến hành các cuộc hội đàm cấp tỉnh để giải quyết những vấn đề cụ thể thuộc về dân sinh và trật tự, trị an ở vùng biên giới hai nước. Từ đó đã có nhiều cuộc họp giữa các địa phương và đã đi đến một số quy định về việc đi lại, buôn bán, thăm hỏi… giữa nhân dân các tỉnh biên giới. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề lãnh thổ phải do Chính phủ hai nước tiến hành đàm phán.
Vì vậy đã có hai cuộc đàm phán cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao năm 1974 và năm 1977-1978.
Cuộc đàm phán lần thứ nhất.
Nhằm phục vụ công cuộc xây dựng đất nước, ngày 26 tháng 12 năm 1973, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị với Chính phủ Trung Quốc mở cuộc đàm phán giữa hai Chính phủ để xác định chính thức đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ.
Ngày 18 tháng 1 năm 1974, Chính phủ Trung Quốc nhận lời đàm phán nhưng đòi không được tiến hành công tác thăm dò trong một khu vực hình chữ nhật giữa vĩ tuyến 18 độ-20 độ, kinh tuyến 107 độ-108 độ và “không để nước thứ ba vào thăm dò vịnh Bắc Bộ” với mục đích ngăn cản Việt Nam khai thác những tài nguyên của mình trong thềm lục địa Việt Nam.
Ngày 15 tháng 8 năm 1974 cuộc đàm phán được tiến hành tại Bắc Kinh.
Công ước Pháp-Thanh 1887, Điều 2 đã nói rõ: Kinh tuyến Pa-ri 105 độ 43’ kinh độ đông (nghĩa là kinh tuyến Grin-uých 108 độ 03’13’’) là đường biên giới giữa hai nước trong vịnh Bắc Bộ. Phía Việt Nam sẵn sàng bàn với phía Trung Quốc để xác định về cửa vịnh Bắc Bộ, từ đó đi đến xác định chính thức đường biên giới trong vịnh.
Phía Trung Quốc hoàn toàn phủ nhận Điều 2 của Công ước 1887, không coi đường kinh tuyến nói trên là đường biên giới, một mực nói rằng trong vịnh Bắc Bộ xưa nay chưa hề có đường biên giới, nay hai nước phải bàn bạc để phân chia. Mặc dù phía Việt Nam tuyên bố sẵn sàng nghe ý kiến của phía Trung Quốc, nhưng họ chỉ nói một cách chung chung là nếu theo đường kinh tuyến đó thì họ “được phần nhỏ quá, còn phía Việt Nam được phần lớn quá”, cho nên phải “phân chia công bằng, hợp lý”, nhưng họ cũng không chịu đưa ra một phương án nào cụ thể, cố tình kéo dài cuộc đàm phán. Cuối tháng 11 năm 1974 cuộc đàm phán phải tạm ngừng.
Cuộc đàm phán lần thứ hai.
Ngày 18 tháng 3 năm 1975, Chính phủ Trung Quốc đề nghị với Chính phủ Việt Nam mở cuộc đàm phán giữa hai Chính phủ về vấn đề biên giới trên bộ giữa hai nước vào năm 1975.
Ngày 12 tháng 4 năm 1975, Chính phủ Việt Nam trả lời đồng ý về nguyên tắc, nhưng vì trước mắt đang bận nhiều việc do sự phát triển của tình hình giải phóng miền nam Việt Nam nên Chính phủ Việt Nam đề nghị lùi cuộc đàm phán vào một thời gian thích hợp. Trong lúc chờ đợi, phía Việt Nam đề nghị hai bên mở lại các cuộc hội đàm giữa các tỉnh biên giới, nhưng những cuộc đàm phán này cũng không đưa lại kết quả gì, trong khi đó phía Trung Quốc ngày càng tăng cường vi phạm và khiêu khích ở biên giới Việt Nam-Trung Quốc.
Ngày 7 tháng 10 năm 1977, cuộc đàm phán bắt đầu tại Bắc Kinh giữa đại biểu Chính phủ Việt Nam và đại biểu Chính phủ Trung Quốc để giải quyết những vấn đề về biên giới trên bộ và trong vịnh Bắc Bộ.
Phía Việt Nam, một lần nữa, khẳng định hai bên cần triệt để tôn trọng Công ước 1887 và 1895 về đường biên giới trên bộ và trên biển, vì vậy cần bàn về về toàn bộ đường biên giới. Phía Trung Quốc một mực chỉ muốn bàn vấn đề biên giới trên bộ.
Cuộc đàm phán gặp khó khăn. Để đưa cuộc đàm phán tiến lên, phía Việt Nam đồng ý bàn vấn đề biên giới trên bộ trước, vấn đề biên giới trong vịnh Bắc Bộ sau. Nhưng phía Trung Quốc vẫn không chịu bàn. Họ đòi phía Việt Nam phải từ bỏ quan điểm cho rằng trong vịnh Bắc Bộ đã có đường biên giới thì họ mới bàn vấn đề biên giới trên bộ.
Để tìm lối thoát, phía Việt Nam lại đề nghị hai bên đi ngay vào bàn vấn đề biên giới trên bộ, còn bất đồng về vịnh Bắc Bộ mỗi bên giữ ý kiến của mình và sẽ bàn sau.
Trên cơ sở những đề nghị của Việt Nam và những đề nghị của Trung Quốc, phía Việt Nam đã đưa ra một bản dự thảo Hiệp định về đường biên giới quốc gia trên bộ giữa hai nước để hai bên cùng bàn bạc.
Toàn văn bản dự thảo Hiệp định như sau:
DỰ THẢO
HIỆP ĐỊNH VỀ ĐƯỜNG BIÊN GIỚI QUỐC GIA TRÊN BỘ GIỮA NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ NƯỚC CỘNG HOÀ NHÂN DÂN TRUNG HOA
Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa,
Xuất phát từ lòng mong muốn không ngừng củng cố và tăng cường tình đoàn kết chiến đấu và tình hữu nghị vĩ đại truyền thống trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc;
Nhằm mục đích xây dựng đường biên giới hữu nghị lâu dài giữa Việt Nam và Trung Quốc, phù hợp với nguyện vọng tha thiết và lợi ích cơ bản của nhân dân hai nước;
Trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, hoàn toàn bình đẳng với nhau và trên nguyên tắc tôn trọng đường biên giới do lịch sử để lại;
Đã thoả thuận những điều sau đây:
Điều 1
Hai bên chính thức xác nhận đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được hoạch định và cắm mốc theo các văn kiện về biên giới ký kết giữa Chính phủ Cộng hoà Pháp và Chính phủ nhà Thanh Trung Quốc là đường biên giới quốc gia giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.
Các văn kiện biên giới đó gồm có:
- Công ước về hoạch định biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Quốc ký ngày 26 tháng 6 năm 1887, với các biên bản và bản đồ hoạch định kèm theo.
- Công ước bổ sung Công ước về hoạch định biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Quốc ngày 26 tháng 6 năm 1887, ký ngày 20 tháng 6 năm 1895 với các biên bản và bản đồ hoạch định kèm theo
- Các biên bản và bản đồ cắm mốc thực hiện hai Công ước nói trên ký kết từ ngày 15 tháng 4 năm 1890 đến ngày 13 tháng 6 năm 1897, ngày hoàn thành việc cắm mốc đoạn đường biên giới giữa Bắc Kỳ (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Trong các điều khoản sau đây, các văn kiện về biên giới nói trên được gọi tắt là “Công ước 1887 và Công ước 1895”
Điều 2
Hai bên cam kết tôn trọng đường biên giới quốc gia giữa hai nước nói ở Điều 1.
Những vùng đất nào do bên này quản lý vượt quá đường biên giới nói ở Điều 1 thì nay trả lại cho bên kia.
Điều 3
Đường biên giới quốc gia giữa hai nước nói ở Điều 1 nói chung là rõ. Trường hợp có một số ít nơi trên đường biên giới sau khi hai bên đã cùng nhau đối chiếu, nghiên cứu nhiều lần theo đúng các quy định của Công ước 1887 và Công ước 1895 mà vẫn không xác định được là thuộc về bên nào, thì hai bên sẽ qua khảo sát thực địa, hiệp thương hữu nghị giải quyết theo nguyên tắc công bằng hợp lý.
Điều 4
1- Đối với những nơi đường biên giới đi trên sông, suối, cũng như đối với các cù lao, bãi nổi trên các sông, suối biên giới đó và trường hợp các sông, suối biên giới đổi dòng vì nguyên nhân thiên nhiên, hai bên triệt để tuân theo các quy định của Công ước 1887 và Công ước 1895 liên quan đến đường biên giới trên các sông, suối đó.
2- Không kể đường biên giới trên sông, suối biên giới theo các quy định của Công ước 1887 và Công ước 1895 như thế nào, đường biên giới trên các cầu bắc qua các sông, suối đó đều đi qua chính giữa cầu.
Điều 5
Trong thời hạn một năm, sau khi quyết định của Ủy ban liên hợp nói ở Điều 7 dưới đây về từng đoạn đường biên giới được hai Chính phủ chuẩn y, dân ở vùng đất mà bên này trả lại cho bên kia sẽ trở về sinh sống ở nước mà mình mang quốc tịch.
Trường hợp có người muốn ở lại thì trong thời hạn đó họ phải đăng ký với chính quyền địa phương để trở thành công dân của bên được trả vùng đất.
Điều 6
Mỗi bên không để dân của mình vượt đường biên giới sang quá canh và làm ăn trái phép tại những vùng đất thuộc lãnh thổ bên kia.
Ở những vùng đất trả lại cho nhau, sẽ chấm dứt quá canh ngay sau khi quyết định của Ủy ban liên hợp nói ở Điều 7 dưới đây về từng đoạn đường biên giới được hai Chính phủ chuẩn y.
Người có hoa màu làm trên đất quá canh chưa thu hoạch sẽ được phép sang chăm nom cho đến lúc thu hoạch xong, và phải tuân theo mọi luật lệ của nước sở tại.
Điều 7
Sau khi Hiệp định này có hiệu lực, hai bên thành lập Ủy ban liên hợp biên giới Việt Nam-Trung Quốc (gọi tắt là Ủy ban liên hợp) gồm số đại biểu hai bên bằng nhau. Ủy ban liên hợp căn cứ vào các điều khoản của Hiệp định này thực hiện nhiệm vụ sau đây:
1- Xác định cụ thể trên thực địa toàn bộ đường biên giới quốc gia trên bộ giữa hai nước theo Điều 1 của Hiệp định này;
2- Giải quyết trên thực địa những nơi trên đường biên giới nói trong Điều 2 và Điều 3 của Hiệp định này. Các quyết định của Ủy ban liên hợp về từng đoạn đường biên giới phải được hai Chính phủ chuẩn y;
3- Giải quyết những vấn đề liên quan đến việc bên này trả lại những vùng đất cho bên kia;
4- Kiểm tra và xác nhận vị trí của các mốc quốc giới theo Công ước 1887 và Công ước 1895, đặt lại những mốc quốc giới không ở đúng vị trí theo các Công ước nói trên và đặt thêm các mốc quốc giới bổ sung ở những nơi hai bên thấy cần thiết, giải quyết các vấn đề liên quan đến việc tu bổ các mốc quốc giới;
5- Soạn thảo Nghị định thư xác định trên thực địa đường biên giới quốc gia trên bộ giữa hai nước, vẽ bản đồ đường biên giới đó có ghi tỉ mỉ vị trí đường biên giới và vị trí các mốc quốc giới;
Ủy ban liên hợp bắt đầu hoạt động ngay sau khi được thành lập và kết thúc nhiệm vụ sau khi Nghị định thư nói trên được ký kết.
Điều 8
Nghị định thư với bản đồ kèm theo nói ở Điều 7, đoạn 5 sẽ do hai Chính phủ ký kết và sẽ là một bộ phận cấu thành của Hiệp định này.
Điều 9
Hiệp định này sẽ được phê chuẩn và có hiệu lực kể từ ngày trao đổi văn kiện phê chuẩn.
Sau khi Hiệp định này có hiệu lực và Nghị định thư nói ở Điều 7, đoạn 5 của Hiệp định được ký kết, mọi Công ước, văn kiện có liên quan đến đường biên giới trên bộ giữa hai nước lập tức mất giá trị.
Làm tại…… ngày…… tháng…… năm…… thành hai bản bằng tiếng Việt Nam và tiếng Trung Quốc, cả hai văn bản Việt Nam và Trung Quốc đều có giá trị như nhau.
THAY MẶT CHÍNH PHỦ THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI NƯỚC CỘNG HOÀ
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM NHÂN DÂN TRUNG HOA
Phía Trung Quốc đã từ chối xem xét bản dự thảo Hiệp định đó. Họ đưa ra một đề nghị khác, thực chất là đề nghị cũ của họ được sửa đổi. Ý đồ của họ là nhằm duy trì hiện trạng biên giới (không phải nguyên trạng đường biên giới lịch sử) nhằm giữ những chỗ họ lấn chiếm và sửa lại nhiều chỗ có lợi cho họ.
Cuộc đàm phán kéo dài, dây dưa đến mười tháng không đi đến kết quả. Ngay trong khi phía Trung Quốc tăng cường khiêu khích ở biên giới, gây ra vụ người Hoa, cắt viện trợ cho Việt Nam, phía Việt Nam vẫn kiên trì tiếp tục nói chuyện. Nhưng cuối cùng không đi đến kết quả gì, vì tình hình chứng tỏ là phía Việt Nam càng thiện chí thì phía Trung Quốc càng lấn tới. Họ ngoan cố thực hiện dã tâm bành trướng nước lớn của họ, cho nên họ không chịu đáp ứng một điều kiện nào do phía Việt Nam đưa ra. Cuộc đàm phán về biên giới bị thất bại, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía Trung Quốc.