1979-CỘNG SẢN VIỆT NAM, QUAN HỆ VIỆT-TRUNG Ph-03
IV- Tình hình Trung Quốc gây khiêu khích, xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam từ năm 1978 đến nay.
Từ đầu năm 1978 đến ngày 17 tháng 2 năm 1979, ngày mà nhà cầm quyền Bắc Kinh đưa quân ồ ạt xâm lược Việt Nam, một mặt họ làm bế tắc cuộc đàm phán về biên giới, mặt khác họ công khai thực hiện chính sách điên cuồng chống Việt Nam.
Nói riêng về khu vực biên giới, nhà cầm quyền Bắc Kinh leo thang dùng vũ lực, tăng cường khiêu khích xâm phạm biên giới, chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam.
- Từ đầu năm 1978 đến khoảng tháng 8 năm 1978, nhà cầm quyền Bắc Kinh dùng dụ dỗ, cưỡng ép người Hoa đang làm ăn yên ổn ở Việt Nam, chủ yếu là tại các tỉnh biên giới, chạy về Trung Quốc hòng gây rối loạn về chính trị, xã hội và kinh tế cho Việt Nam khi đó đang phải giải quyết hậu quả nặng nề của những thiên tai chưa từng thấy ở Việt Nam trong vòng 100 năm qua, đồng thời họ chuẩn bị một số tay chân cần thiết cho các cuộc hành quân xâm lược sau này. Với những thủ đoạn thâm độc đó, họ đã lôi kéo khoảng 170.000 người Hoa về Trung Quốc. Thâm độc hơn cả là họ thình lình đóng cửa biên giới trong lúc dòng người Hoa đang ùn ùn đổ về Trung Quốc, để kiếm cớ xúi giục những người đó chống lại nhà đương cục Việt Nam. Đó là tình hình họ đã gây ra ở cầu biên giới Bắc Luân (thuộc tỉnh Quảng Ninh), ở cửa khẩu Hữu Nghị quan (thuộc tỉnh Lạng Sơn); trong lúc người Hoa ùn tắc lại, họ cho bọn tay sai kết hợp với một bọn côn đồ hành hung, gây hỗn loạn ngày 8 tháng 8 năm 1978 ở cầu Bắc Luân, ngày 25 tháng 8 năm 1978 ở Hữu Nghị quan, làm chết hai cán bộ và công an biên phòng của Việt Nam và 25 người khác bị thương.
- Nhà cầm quyền Bắc Kinh ồ ạt đưa quân đội (bộ binh, thiết giáp, không quân, pháo binh) áp sát biên giới, xây dựng công sự, bố trí trận địa trên các điểm cao suốt dọc biên giới, đưa thường dân Trung Quốc ở vùng biên giới vào sâu nội địa. Trong lúc đó, bộ máy tuyên truyền đồ sộ của Bắc Kinh vu cáo Việt Nam “xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc” và Phó thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, bất chấp các nguyên tắc của Liên Hợp quốc, lên tiếng đe dọa “dạy cho Việt Nam một bài học”, “trừng phạt Việt Nam”.
- Các lực lượng vũ trang của Trung Quốc liên tiếp xâm nhập lãnh thổ Việt Nam, phá các hàng rào dây thép gai, các bãi mìn và các công trình phòng thủ khác của phía Việt Nam.
- Đột nhập lãnh thổ Việt Nam để tập kích các trạm gác của dân quân và của công an biên phòng Việt Nam, bắn lén, bắt cóc người của Việt Nam đưa về Trung Quốc. Một vài thí dụ:
+ Ngày 13 tháng 10 năm 1978, lực lượng vũ trang Trung Quốc vào sâu đất Việt Nam tại xã Pha Long, huyện Mường Khương, tỉnh Hoàng Liên Sơn, phục kích một tổ công tác đang làm nhiệm vụ, bắn chết hai chiến sĩ công an biên phòng, bắt anh Nguyễn Đình Ấm đưa về Trung Quốc,
+ Ngày 1 tháng 11 năm 1978, ở đồi Chông Mu thuộc tỉnh Cao Bằng, hàng trăm lính với hơn 1.000 dân binh Trung Quốc tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam, nổ súng tiến công một tổ dân quân Việt Nam đang làm nhiệm vụ trên đất Việt Nam,
+ Ngày 23 tháng 12 năm 1978, lực lượng vũ trang Trung Quốc vượt biên giới sang tập kích một tổ dân quân Việt Nam đang làm nhiệm vụ trên đất Việt Nam tại khu vực mốc 2 (thuộc Bình Nhi, tỉnh Lạng Sơn), bắt đưa về Trung Quốc 4 người.
Những vụ khiêu khích tương tự phải tính hàng trăm trên toàn tuyến biên giới.
Kể từ đầu năm 1979, các cuộc khiêu khích của phía Trung Quốc được tiến hành với một qui mô ngày càng lớn, với những lực lượng vũ trang ngày càng đông hơn:
- Dùng súng lớn (từ đại liên, súng cối 82 đến DKZ75 và 85) từ đất Trung Quốc trắng trợn bắn sang đất Việt Nam, có khi bắn từng đợt, có khi bắn liên tiếp nhiều ngày, mục tiêu của họ là người dân thường đang đi trên đường, các làng, bản, các khu phố của các thị trấn, các công trường, lâm trường, nông trường v.v... Dưới đây là một vài thí dụ:
+ Ngày 14 tháng 1 năm 1979 bắn vào thôn Phai Lầu, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh.
+ Cùng ngày, bắn vào các phố chính của thị xã Lao Cai, tỉnh Hoàng Liên Sơn đang lúc đông người qua lại.
+ Ngày 2 tháng 2 năm 1979 bắn vào nhà máy đường Phục Hoà và xóm Hưng Long, xã Quy Thuận, huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng.
+ Từ ngày 10 tháng 1 năm 1979 đến ngày 25 tháng 1 năm 1979, liên tục dùng súng bộ binh các loại và súng cối 82 bắn vào đồn biên phòng Việt Nam ở Trà Lĩnh thuộc tỉnh Cao Bằng.
- Dùng lực lượng bộ binh lớn có hoả lực mạnh yểm trợ tiến công và lấn chiếm một số vùng đất của Việt Nam. Một vài thí dụ:
+ Ngày 10 tháng 2 năm 1979, hơn một tiểu đoàn quân chính quy Trung Quốc tiến vào đất Việt Nam hơn 2 km, đánh chiếm các trạm gác của dân quân xã Thanh Lòa, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.
+ Ngày 11 tháng 2 năm 1979, một đại đội quân chính quy Trung Quốc vào đánh chiếm khu vực Hang Nà-Cốc Pheo thuộc xã Cấn Yên, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng.
+ Ngày 15 tháng 2 năm 1979, một đại đội quân chính quy Trung Quốc vượt biên giới sang đánh chiếm bản Nà Ke, xã Bảo Lâm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn,
Tất cả những hành động khiêu khích ngang ngược, ngày càng nghiêm trọng của phía Trung Quốc từ trước đến nay, nhất là từ năm 1978, không nhằm mục đích nào khác là ráo riết chuẩn bị cuộc chiến tranh xâm lược chống nhân dân Việt Nam. Thực tế đã xác minh điều đó:
Từ rạng sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, nhà cầm quyền Bắc Kinh phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam với 60 vạn quân gồm 11 quân đoàn và nhiều sư đoàn độc lập (trong đó có một số sư đoàn sơn cước chủ yếu gồm những người trước đây đã sang vùng biên giới làm đường giúp Việt Nam và những người Hoa trước đây đã ở Việt Nam), hơn 500 xe tăng và thiết giáp, hơn 700 máy bay các loại. Ngay ngày đầu, gần 20 sư đoàn bộ binh Trung Quốc đồng thời tiến đánh sáu tỉnh của Việt Nam giáp với Trung Quốc: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu.
Do bị thất bại trước những đòn giáng trả nặng nề của nhân dân Việt Nam, bị dư luận toàn thế giới lên án mạnh mẽ và nhân dân Trung Quốc phản đối, nhà cầm quyền Bắc Kinh mấy ngày gần đây đang phải rút quân đội của họ về nước.
Từ khi bắt đầu xâm lược Việt Nam, đi đến đâu, quân xâm lược Trung Quốc cũng bắn bừa bãi, đốt phá, cướp của, hãm hiếp phụ nữ và giết người không ghê tay bằng những cách cực kỳ dã man. Chúng dùng báng súng đập vỡ sọ, đâm người bằng lưỡi lê, chém đầu chặt người ra thành từng khúc, ném lựu đạn vào hầm trú ẩn, tập trung người rồi xả súng bắn. Số đông người bị giết hại là người già, phụ nữ và trẻ em. Ở Cao Lâu, Văn Lãng (Lạng Sơn) chúng xé xác em Vi Việt Lương, học sinh lớp 4, ra làm nhiều mảnh, lôi 7 em bé đang ngủ ra bắn rồi chặt từng khúc vứt ra sân. Ở xã Thanh Lòa (Lạng Sơn), bốn tên lính Trung Quốc bắt cô giáo cấp 1 người dân tộc Tày mang lên đồi hãm hiếp rồi xả súng bắn chết. Ở xí nghiệp gạch ngói xã Quang Kíu, huyện Bát Xát (Hoàng Liên Sơn), chúng xả súng B40 giết hết nam công nhân, còn nữ công nhân thì hãm hiếp rồi bắt đưa về Trung Quốc.
Đặc biệt nghiêm trọng là ở chợ huyện Bát Xát (Hoàng Liên Sơn), chúng chặt đầu, mổ bụng gần 100 em nhỏ, vứt xác nằm ngổn ngang.
Trong quá trình rút về nước một cách chậm chạp, quân Trung Quốc xâm lược vẫn tiếp tục gây nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam. Chúng bắn pháo, dùng thuốc nổ phá huỷ tất cả những gì còn lại, các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng và thị xã Lao Cai đã bị triệt phá; chúng còn gài lại nhiều mìn ở khắp nơi, thậm chí bỏ thuốc độc xuống giếng nước làm cho một số dân thường bị thương vong hoặc ngộ độc.
V- Con đường đúng đắn để giải quyết các vấn đề về biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Thực tế trình bày ở các phần trên đã chỉ rõ ràng:
- Giữa Việt Nam và Trung Quốc từ lâu đã hình thành một biên giới lịch sử và biên giới đó đã được các Công ước năm 1887 và 1895 hoạch định, tiếp đó được cắm mốc rõ ràng trên suốt hơn 1.400 km trên đất liền.
- Phía Trung Quốc, vi phạm sự thoả thuận giữa hai nước về việc giữ nguyên trạng đường biên giới do lịch sử để lại, đã hàng nghìn lần xâm phạm biên giới, chủ quyền, lãnh thổ của nước Việt Nam trong suốt 21 năm qua.
- Phía Trung Quốc đã cố tình làm bế tắc các cuộc đàm phán về vấn đề biên giới giữa hai nước, ngày càng tăng cường khiêu khích vũ trang nước Việt Nam và ngày 17 tháng 2 năm 1979 đã đưa quân ồ ạt xâm lược Việt Nam.
Để che giấu quy mô của cuộc chiến tranh, lừa gạt nhân dân Trung Quốc và nhân dân thế giới, nhà cầm quyền Trung Quốc đã nói láo một cách hèn hạ rằng phía Việt Nam đã “khiêu khích”, “xâm lược”, khiến Trung Quốc phải “phản công tự vệ”. Cũng như khi họ xâm lược Ấn Độ năm 1962, lúc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, phía Trung Quốc từng đã nói là “phản công tự vệ”. Khi những nhà cầm quyền Bắc Kinh nói “phản công tự vệ” chính là họ đang hành động như bọn xâm lược.
Nhà cầm quyền Bắc Kinh còn nói đây chỉ là một cuộc “chiến tranh hạn chế” tiến hành với “những lực lượng biên phòng”. Sự thật rõ ràng là họ tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn nhằm thôn tính Việt Nam, mở đầu với sự tham gia của hàng chục sư đoàn quân chính quy, bằng số quân Mỹ cao nhất lúc Mỹ tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Nhân dân khắp năm châu, chính phủ nhiều nước kể cả những bạn bè của Đặng Tiểu Bình ở phương Tây đều gọi đây là cuộc xâm lược của Trung Quốc chống Việt Nam. Người dân thường Trung Quốc cũng bắt đầu thức tỉnh về cuộc phiêu lưu mà các nhà cầm quyền Trung Quốc đang đẩy đất nước họ đi tới với những những hậu quả không thể lường hết được.
Vì sao những người cầm quyền Trung Quốc lại tiến hành xâm lược Việt Nam mặc dù điều đó lột trần bộ mặt thật bành trướng đại dân tộc, bộ mặt xâm lược của họ?
Nguồn gốc của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam hiện nay hiện nay là chính sách của những người cầm quyền Trung Quốc nhằm làm cho Việt Nam suy yếu hơn, hòng buộc Việt Nam phải khuất phục và phụ thuộc Trung Quốc, đồng thời nhằm thôn tính Lào và Campuchia để biến bán đảo Đông Dương thành bàn đạp của họ để thực hiện chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc của họ ở Đông Nam Á. Họ đã thất bại liên tiếp trong việc dùng bè lũ Pôn Pốt-Iêng Xary đánh Việt Nam từ phía tây nam, gây khiêu khích vũ trang và tăng cường sức ép quân sự từ phía bắc, dùng người Hoa để phá rối và gây bạo loạn bên trong, lợi dụng lúc Việt Nam bị khó khăn về kinh tế và lôi kéo các nước cắt cắt viện trợ hòng bóp nghẹt Việt Nam. Họ còn đóng cửa ba Tổng lãnh sự quán của Việt Nam ở Côn Minh, Nam Ninh, Quảng Châu, cắt đường tàu liên vận quốc tế, huỷ bỏ Hiệp định về miễn thị thực cho cán bộ hai nước hòng che giấu việc tiến công quân sự chống nước Việt Nam. Cuối cùng, những người cầm quyền Trung Quốc liều lĩnh tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Tiến đánh tất cả sáu tỉnh biên giới phía bắc của Việt Nam, họ còn mưu toan sửa đổi đường biên giới, tức là giữ chặt những chỗ họ đã lấn chiếm trước đây, đồng thời lấn chiếm thêm những chỗ khác. Chính họ đã trắng trợn nói lên điều đó khi họ nói quân Trung Quốc sẽ rút về bên kia “đường biên giới mà Trung Quốc công nhận”. Theo tin đầu tiên, họ đã cho chuyển sâu về phía Việt Nam mốc số 41 và mốc số 45 ở khu vực Chi Ma (tỉnh Lạng Sơn). Mặc dù vậy, họ thường xuyên tuyên bố: “Trung Quốc không lấy một tấc đất của ai!”.
Lập trường của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được nêu rõ trong Công hàm ngày 2 tháng 3 năm 1979 gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc: những người cầm quyền Trung Quốc đã gây chiến tranh xâm lược Việt Nam thì họ phải vĩnh viễn chấm dứt xâm lược; phải rút ngay, rút hết, rút không điều kiện quân đội của họ về phía bên kia đường biên giới do lịch sử để lại như hai bên đã thoả thuận; triệt để tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Ngày 6 tháng 3 năm 1979, phía Việt Nam đã tuyên bố:
“Nếu Trung Quốc thật sự rút toàn bộ quân của họ khỏi lãnh thổ Việt Nam như họ đã tuyên bố, thì sau khi quân Trung Quốc rút hết về bên kia đường biên giới lịch sử đã được hai bên thoả thuận tôn trọng, phía Việt Nam sẵn sàng đàm phán ngay với phía Trung Quốc ở cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao về việc khôi phục quan hệ bình thường giữa hai nước. Địa điểm và thời gian sẽ do hai bên thoả thuận”.
Nếu những người cầm quyền Trung Quốc tiếp tục chính sách xâm lược chống Việt Nam thì quân và dân Việt Nam sẽ dùng quyền tự vệ thiêng liêng, kiên quyết chiến đấu chống xâm lược để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hoà bình ở Đông Nam Á và trên thế giới.
Nhân dân Việt Nam quyết tiếp tục làm hết sức mình gìn giữ tình hữu nghị truyền thống với nhân dân Trung Quốc.
Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam kiên quyết đòi nhà cầm quyền Trung Quốc:
1- Vĩnh viễn chấm dứt xâm lược, phải rút ngay, rút hết, rút không điều kiện quân đội của họ về nước; chấm dứt mọi hành động tội ác đối với nhân dân Việt Nam; triệt để tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; tôn trọng đường biên giới do lịch sử để lại như hai bên đã thoả thuận; phải chấm dứt ngay việc dời cột mốc biên giới và những hành động khác nhằm thay đổi đường biên giới đó.
2- Cùng phía Việt Nam sớm mở cuộc thương lượng nêu trong Công hàm ngày 15 tháng 3 năm 1979 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhằm đem lại hoà bình và ổn định ở vùng biên giới giữa hai nước, khôi phục quan hệ bình thường giữa hai nước.
Nhân dân và Chính phủ Việt Nam tin chắc rằng các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nước trong Phong trào Không liên kết, các nước độc lập dân tộc, các nước bè bạn và nhân dân yêu chuộng hoà bình và công lý trên thế giới sẽ tăng cường đoàn kết, ủng hộ Việt Nam vì độc lập, hoà bình, ổn định ở Đông Nam Á và thế giới.
CHÚ THÍCH
[1] Nước Việt Nam từ lâu đã là một nước độc lập, có chủ quyền. Về đường biên giới phía Bắc (giáp Trung Quốc) qua nhiều cuộc chiến đấu oanh liệt và qua đàm phán ngoại giao (như hai cuộc Hội nghị Vĩnh Bình năm 1083 và năm 1084 giữa nhà Lý (VN) và nhà Tống (Trung Quốc)), ông cha ta đã giữ vững được lãnh thổ và chủ quyền, vạch được một đường biên giới rõ ràng với Trung Quốc. Đường biên giới đó tuy đã được hình thành trong quá trình lịch sử nhưng chưa được ghi nhận trong một hiệp ước chính thức nào giữa nước ta và Trung Quốc.
Đến thế kỷ XIX, Pháp thiết lập chế độ thực dân ở nước ta. Trong những năm cuối của thế kỷ đó, Chính phủ Pháp, nhân danh nước Việt Nam, đã giải quyết chính thức vấn đề biên giới giữa VN và Trung Quốc.
Tháng 6 năm 1885, Chính phủ Pháp và nhà Thanh thỏa thuận lập một Ủy ban liên hợp có nhiệm vụ khảo sát đường biên giới giữa Bắc Kỳ (theo cách gọi của thực dân Pháp lúc đó, gồm các tỉnh từ Ninh Bình trở ra) và Trung Quốc để đi tới hoạch định đường biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Quốc.
Từ năm 1886 đến khoảng tháng 4 năm 1887, đại diện hai bên đã thỏa thuận xong việc hoạch định đường biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Quốc. Ngày 26 tháng 6 năm 1887, tại Bắc Kinh, đại diện toàn quyền của Chính phủ Pháp và nhà Thanh đã ký Công ước về hoạch định biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Quốc.
Theo công pháp quốc tế và tập quán quốc tế, hoạch định biên giới mới chỉ là phân vạch đường biên giới trên văn bản (công ước và bản đồ). Bước tiếp theo là hai bên phải cùng đi đến tại chỗ, phân vạch cụ thể đường biên giới đã được hoạch định đó trên thực địa, sau đó cắm mốc quốc giới để làm rõ đường biên giới chính thức giữa hai nước.
Cũng theo cách thức như vậy, sau khi ký Công ước về hoạch định biên giới, Chính phủ Pháp và nhà Thanh đã tiến hành phân vạch cụ thể đường biên giới trên thực địa và cắm mốc quốc giới. Công việc bắt đầu từ cuối năm 1889, đến tháng 4 năm 1896 thì cắm xong mốc. Nếu tính từ năm 1886 đi khảo sát thực địa thì toàn bộ công việc phân vạch và cắm mốc đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc (dài hơn 1.400 km) đã mất hơn 10 năm.
Cuộc đàm phán năm 1887 giữa Pháp và nhà Thanh để hoạch định biên giới Việt-Trung đã được tiến hành song song với cuộc đàm phán Pháp-Trung để ký Công ước bổ sung về thương mại giữa Pháp và Trung Quốc. Cuộc đàm phán để đi tới ký kết Công ước bổ sung năm 1895 cho Công ước về hoạch định biên giới năm 1887 cũng lại được tiến hành song song với cuộc đàm phán để đi tới ký kết Công ước ngày 20 tháng 6 năm 1895 bổ sung cho Công ước về thương mại đã ký ngày 26 tháng 6 năm 1887.
Mặc dầu triều đình nhà Thanh ngày càng suy yếu và đầu hàng các cường quốc phương Tây, nhưng nó đã lợi dụng sự nôn nóng của Pháp để bắt bí. Pháp muốn nhanh chóng phát triển các quan hệ buôn bán với Trung Quốc để cạnh tranh với Anh và các nước phương Tây khác, muốn nhanh chóng đặt được các Tổng lãnh sự quán ở một số nơi ở Trung Quốc, muốn nhanh chóng ổn định đường biên giới phía bắc của Việt Nam với Trung Quốc để chúng dễ dàng tiến hành “bình định” và đàn áp các cuộc nổi dậy của nhân dân Việt Nam. Nhà Thanh còn lợi dụng trình độ hiểu biết rất mơ hồ về địa lý và lịch sử vùng biên giới của các nhà thương thuyết Pháp để cố giành càng nhiều đất của Việt Nam càng tốt, thậm chí họ cãi xóa cả những điều họ đã nhận với Pháp. Lý Hồng Chương, một đại thần có quyền thế nhất của triều đình nhà Thanh lúc bấy giờ, đã trắng trợn nói với đô đốc Pháp Rieunier, Tổng chỉ huy hạm đội Pháp ở Viễn đông: “Qua sự trung gian của tôi, nước Pháp đã được lợi nhiều trong việc lấy Bắc Kỳ, một chư hầu của Trung Quốc từ 600 năm nay. Điều đó làm cho tôi rất phiền lòng: tôi cho rằng cần có một sự bù trừ nào đó dưới dạng một sự cắt nhượng nhỏ đất ở biên giới An-nam” (Điện báo cáo ngày 10 tháng 10 năm 1886 của Rieunier gửi Bộ trưởng hải quân Pháp).
Chính vì thế mà trong quá trình đàm phán để hoạch định biên giới cũng như trong quá trình phân vạch biên giới trên thực địa và cắm mốc, các đại diện nhà Thanh đã dùng thủ đoạn gây sức ép trên bàn hội nghị bằng cách liên kết hai cuộc đàm phán về biên giới và buôn bán, làm giấy tờ giả mạo, vẽ bản đồ xuyên tạc, dọa dẫm, thậm chí giết hại cả đại biểu Pháp (giết Haitce, thành viên trong đoàn đại biểu Pháp tại Móng Cái). Đối với một số địa phương mà nhà Thanh buộc phải công nhận là của Việt Nam thì họ đã cho thổ phỉ gây rối loạn làm cho nhân dân không thể ở được. Pháp cũng không đồng tình với thái độ của phía nhà Thanh, nhưng đối với họ, lợi ích về buôn bán với Trung Quốc quan trọng hơn nhiều so với các vùng đất của Việt Nam ở biên giới.
Kết quả là Pháp đã cắt nhượng cho nhà Thanh nhiều đất đai của Việt Nam như vùng mũi Bắc Luân và Giang Bình ở đông bắc Móng Cái, tổng Bát Tràng-Kiến Duyên hiện nay đối diện với vùng Hoành Mô, huyện Bình Liêu của tỉnh Quảng Ninh, tổng Đèo Luông hiện nay đối diện với vùng Phục Hòa của tỉnh Cao Bằng, tổng Tụ Long có mỏ đồng hiện nay đối diện với vùng Xín Mần của tỉnh Hà Tuyên. Trong số các vùng đó, rộng nhất là vùng Tụ Long (ước khoảng 1.300 km2), vùng Bát Tràng-Kiến Duyên (ước khoảng 450 km2).
Theo Công ước năm 1887 và Công ước năm 1895, nước ta đã bị mất nhiều đất đai. Sau này, thời gian trước năm 1949, các chính quyền phản động của Trung Quốc còn lấn chiếm thêm đất đai của ta ở nhiều nơi. Mặc dầu vậy, để xây dựng một biên giới hữu nghị lâu dài giữa Việt Nam và Trung Quốc vì lợi ích của hai dân tộc, năm 1957, Trung ương Đảng ta đã đề nghị nguyên tắc giữ nguyên trạng đường biên giới do lịch sử để lại, mọi vấn đề về biên giới và lãnh thổ phải do hai Chính phủ quyết định, mọi vấn đề tranh chấp có thể xảy ra về biên giới, lãnh thổ cần được giải quyết bằng thương lượng hòa bình. Phía Trung Quốc đã chấp nhận đề nghị đó, nhưng trên thực tế, họ ngày càng tăng cường lấn chiếm, gây khiêu khích vũ trang để cuối cùng ngày 17 tháng 2 năm 1979 tiến công xâm lược nước ta.
[2] Vấn đề giữ nguyên trạng biên giới lịch sử và vấn đề giữ hiện trạng biên giới là hai vấn đề khác hẳn nhau. Chúng ta chủ trương giữ nguyên trạng biên giới lịch sử (hoặc biên giới do lịch sử để lại), có nghĩa là ta tôn trọng sự thỏa thuận năm 1957 và năm 1958 giữa ta và Trung Quốc về vấn đề biên giới, đường biên giới lịch sử để lại như thế nào (như hai Công ước 1887 và 1895 đã quy định) thì cứ giữ nguyên như thế, nếu bên nào quản lý những vùng đất quá vùng biên giới đó thì phải trả lại cho bên kia. Nhưng phía Trung Quốc lại chủ trương giữ hiện trạng biên giới, có nghĩa là họ không tôn trọng sự thỏa thuận năm 1957 và 1958, họ muốn giữ nguyên các chỗ mà sau đó Trung Quốc đã lấn chiếm của Việt Nam, thậm chí lấn thêm chỗ mới rồi gọi đó là hiện trạng.
[3] Trước hết cần chú ý đến tên của các quần đảo này. Hoàng Sa và Trường Sa là những tên Việt Nam; phía Trung Quốc lại gọi Hoàng Sa là Tây Sa, gọi Trường Sa là Nam Sa. Trên các bản đồ quốc tế, người ta thường gọi Hoàng Sa là Paracels, Trường Sa là Spratly. Cũng nên chú ý thêm là trong quần đảo Hoàng Sa có một đảo tên là Hoàng Sa, trong quần đảo Trường Sa có một đảo là Trường Sa. Như vậy cần phân biệt rõ quần đảo và đảo có trong các quần đảo đó.
Quần đảo Hoàng Sa cách Đà Nẵng 120 hải lý về phía đông. Quần đảo gồm một nhóm ở phía đông, một nhóm ở phía tây, cả hai nhóm có hơn 30 hòn đảo, đá và bãi san hô; đảo lớn nhất rộng hơn 1,5 km2, trung bình các đảo khác là trên dưới 0,5 km2. Quần đảo Trường Sa gồm hơn 90 hòn đảo, đá và bãi san hô lớn nhỏ, đảo lớn nhất rộng khoảng 0,6 km2, trung bình các đảo khác trên dưới 0,4 km2. Trên cả hai quần đảo, nhất là ở quần đảo Hoàng Sa, có nhiều phân chim làm phân bón rất tốt. Vùng biển ở đây có nhiều nguồn lợi về hải sản và nhiều dấu hiệu cho thấy có dầu lửa và khí đốt. Hai quần đảo còn có giá trị quân sự rất quan trọng vì ở đây có khả năng khống chế, kiểm soát đường giao thông qua biển đông, nối liền Thái Bình dương và Ấn Độ dương.
Trung Quốc trắng trợn chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của nước ta và đòi quần đảo Trường Sa cũng là của họ mặc dù chưa bao giờ họ đã tới đây hoặc thiết lập bất cứ hình thức chính quyền nào ở đây. Về phía ta, có đầy đủ tài liệu về địa lý, lịch sử để chứng minh hai quần đảo đó là lãnh thổ Việt Nam.