Bìa tập thơ Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm (Nhà xuất bản Văn Học - Hà Nội - 1994)
Hoàng Cầm, một tên tuổi lớn của thi ca Việt Nam trong thế kỷ 20, một gương mặt tiêu biểu trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, đã qua đời tại Hà Nội ngày 06/05/2010. Trong số rất nhiều tác phẩm ông để lại, có tập thơ Về Kinh Bắc viết năm 1959, ngay sau khi Nhân Văn Giai Phẩm bị thanh trừng, nhưng phải chờ đến 35 năm sau mới được xuất bản. Ngay sau khi được tin nhà thơ lìa trần, Thụy Khuê đã hoàn tất bài giới thiệu tập thơ Về Kinh Bắc, một tác phẩm nêu bật "ý chí quật cường của người nghệ sĩ trước cơn bão tố".
Hoàng Cầm thơ không cầu mới. Không chủ đề. Không chủ thuyết. Thơ tạo sa mạc Hoàng Cầm với những Cầm ca, bi khuất trong nghĩa địa từ.
Sa mạc Hoàng Cầm lung linh giữa mơ và thực, là cõi lên đồng âm thanh, là phường bát âm chữ nghĩa, là cơn cuồng phong lịch sử, loạn mầu trong từ trường đồng thiếp, những dân ca, phong tục, truyền thuyết... Hiện tại nhập hồn quá khứ, gọi nhau trong vũ điệu bất thường hoang dại:
Đường nắng bay từng đám hỏa hoàng
san sát rừng gươm
Gia bình - Bạch hạc
tràn lên thốc ngược cờ đốc- đồng Kinh Bắc
Trước mặt cào cào rộn cánh
tốc xiêm y trăm sắc cung tần
Trên lưng nắng hạn xém yên cương
Dưới bụng dầm dề cỏ rướn mình
uống nước mưa thổ hoàng bách chiến
Giặc cuồng vắt chân tháo chạy
Đầu lâu lăn lóc vó
vụn xương hàm cắm mốc biên thùy
tít tắp
từ Tiên Yên Hà Cối
đến Hà Giang dựng Cổng - Giời xanh (Ngựa 2)
Thơ Hoàng Cầm trải dài trong sa mạc trần gian, lấy hồi khứ làm tựa điểm. Lấy về làm khởi bút của bi kịch. Về trong không gian. Về trong thời gian. Về lại đất xưa, quê cũ. Về viếng dĩ vãng, về hỏi tuổi thơ, về lại cuộc tình, về hỏi lịch sử, về với những thời đã mất: Về Kinh Bắc.
Về Kinh Bắc ở thời điểm 59-60, sau Nhân Văn, mang màu sắc chối từ, khâm liệm. Về đây là kính nhi viễn chi hiện tại, là chôn sống bạc lừa khủng bố, là giã biệt Hà Nội nhiễu nhương "đại hạn tháng ba, lúa rang châu chấu" trong Đêm Hỏa. Về, là tìm lại thời xa, một thời trên hiện tại, một thời siêu hiện tại, thời Kinh Bắc.
Về đây là cáo ấn từ quan, về ẩn dật. Về đây còn là về mách mẹ, về khấn tổ tiên, về báo cáo với thánh hiền những lăng loàn của chuyên quyền hiện tại. Về Kinh Bắc, Hoàng Cầm vấn kế địa linh nhân kiệt:
Lông ngỗng trải bờ lau
Sông Cầu xuôi bến Hát (Gió lông ngỗng)
Tập thơ mở đầu bằng lời khấn mẹ:
Cúi lậy mẹ con trở về Kinh Bắc
để báo cáo với mẹ sự đổi đời:
Đê mười tám khúc Văn Giang
Chuông Bách môn đổ xô gò má
Mây thành thổi lửa
Nẻo Đông Triều khép mở gió kỳ lân
Chớp rạch dáng tiên vén xiêm xõa ngủ
Thoắt chìm
Gấu đẩy đá Thiên Thai
Toàn những "điềm" chẳng lành khấn mẹ trong đêm đầu: Đêm Thổ. Rồi những trang thơ kế tiếp, vẫn mù mịt đêm: Bốn lần đêm nữa: Đêm Kim. Đêm Mộc. Đêm Thủy. Đêm Hỏa. Tứ phía, bốn bề Đêm.
Ở Đêm Kim:
Về Kinh Bắc phải đâu con nghẹn khóc
Con không cười
Con thoảng nhớ thoảng quên.
Đêm Mộc:
Về Kinh Bắc phải đâu con hé miệng
Đêm Thủy:
Về Kinh Bắc phải đâu con nhắm mắt
Đêm Hỏa:
Về Kinh Bắc tìm chơi đàn kiến lửa
và đêm Hỏa kết thúc:
Trăng lên chém đầu ngọn gió
Cành si bưng chậu máu chát chao
...
Chợt mê thét giữa sân
Nét mác chữ thiên toạc lưng trâu mộng
Máu đổ
Mây đùn
Gió lộng
Sớm mai đi (Đêm Hỏa)
Ở đêm hỏa này, tất cả bắt đầu: Hỏa như lửa bỏng? Hỏa như hỏa ngục? Nét mác, chữ thiên, hình ảnh khinh hoàng của Mác-Trời, dẫn đến máu đổ, mây đùn, gió lộng, ... và như thế những cơn ác mộng của Hoàng Cầm bắt đầu từ Về Kinh Bắc những năm 59-60. Hỏi: tại sao tiếng thơ trong đêm sa mạc vẫn mạnh mẽ, vẫn hào hùng, vẫn muôn vàn sảng khoái? - Bởi Hoàng Cầm, người, có thể ngã ngựa, có thể van xin đảng tha tội. Nhưng Hoàng Cầm, thơ, chưa bao giờ khuất phục.
Từ Hận Nam Quan, Kiều Loan, Bên Kia Sông Đuống... Hoàng Cầm đã đa mang giấc mộng tráng sĩ một đi không trở lại. Về Kinh Bắc lần này, là khúc tráng ca, xuyên sa mạc, của một hồn cọp dữ, gào thét những vấn nạn buổi đổi đời, "rực lửa Phong Châu", "Diêm Vương mở hội". Cọp về hỏi lại Luy Lâu đất tổ, hỏi Ba Vì, hỏi gái Cầu Lim, hỏi trai Yên Thế.
Nhưng trả lời người thơ chỉ có: Thuận Thành cố đô mưa rơi không ngớt, và, Cổ Loa cú rúc chòi canh, còn tất cả đã ra đi, đã âm thầm bỏ cuộc: An Dương Vương bọt bể bồ hòn, The Hà Đông đón kiệu, bỏ quê xim, Gái Cầu Lim Nội Duệ đã đi, Trai Cầu Vồng Yên Thế đã đi... Chỉ còn mình Hoàng Cầm ở lại.
Cuộc gọi hồn không ai đáp. Bị lịch sử bỏ rơi. Mặc kệ. Hoàng Cầm-Tráng sĩ, một mình một ngựa, can trường bước vào đêm, sâu hơn nữa, xa hơn nữa, đêm càng thâu, lòng càng bốc hỏa:
Xé trang Luận Ngữ
lau gươm
lên đường
...
hỏi tội nghịch thần
mắt Chúa đảo thiên
Kéo áo che ngai
Né mũi kiếm vô hình xốc tới
Phanh hầm nhét vội một vầng dương
Cắn nhọn móng tay
Thơ cùm lim khắc máu
...
Vùng chặt xích bẻ gông
phá cửa
cướp ngựa hình tham tri
phóng lên ải bắc (Đèn Nhang 1)
Biết mình đã ngấm "thuốc độc tam ban", tráng sĩ bèn ngược dòng lịch sử, triệt thoái về tiền kiếp, tìm một điểm tựa để truy kích quân thù. Tráng sĩ vẫn còn tiềm vọng ở "chiến thắng tương lai":
Chuột thành than đen xạm dọc sông Hồng
Kẻ cướp run dưới Rạng - Đông - Thần - Thoại. (Nắng phù sa)
Tất cả "chiến trường" xẩy ra trong vô thức, gào thét những hùng ca thủa hồng hoang, người tráng sĩ "bóp tay vỡ toác đốt tre già" (Hội vật), "nâng một dãy Cai Kinh chạy tắp đến Cao Bằng" (Đi xa).
Hoàng Cầm gọi Trai đời Trần, gái hậu Lê về làm giấc mộng hỏa hoàng thời tiền sử để khỏa lấp bi kịch hiện tại của đời mình:
Nâng lụa ngang mày câm tiếng khóc (Đèn Nhang 2)
Nghiến oán thù tím ngắt nắng Phong Châu (Ngựa 2)
*
Dù Hoàng Cầm, người, có bảo: "Hồi đó tôi không mang trong lòng -dẫu chỉ một ly- nỗi oán hận, nỗi buồn phiền, hoặc trách móc hờn giận gì ai" (Vĩ thanh).
Nhưng Hoàng Cầm, thơ, chắc chắn đã từng hỏi tội "triều đình":
Ai là giặc, và ai không là giặc? (Kiều Loan)
Hoàng Cầm, thơ, sao không khỏi nhớ thời vàng son: Kiều Loan tung hoành trong trận Đống Đa:
Giặc tan hoang xô chạy gãy cầu kiều
Khắp sông Hồng vang dạy tiếng người kêu
Nước đỏ thẫm nghẹn giòng không chảy nữa
Thành Thăng Long năm ngày chưa tắt lửa
Xác giặc đầy từ kẻ chợ đến biên cương
Cờ nêu cao chiến thắng nhuốm chiêu dương
Mà rút lại cũng chỉ là giấc mộng. (Kiều Loan)
Nhưng, mọi chiến thắng, đối với Hoàng Cầm, chỉ là ảo mộng.
Hoàng Cầm về Kinh Bắc lần này. Bại trận. Cúi đầu. Bước cùng Kinh Kha đến bờ Dịch Thủy. Âm thầm gọi hồn Hạng Võ trên bến Ô Giang "hỡi hồn Tây Sở Bá Vương, cùng ta nhắp chén tà dương ngậm ngùi", và hát khúc bi ca của người anh hùng ngã ngựa:
Đi
bứt lá xanh giữ cỗi cành gầy
níu cuộng lá vàng qua trận bão
Phân kim hạ kiệu
khói ly đoài thoai thoải khúc hành vân. (Đèn nhang 2)
Trầm hùng. Tráng kiệt. Từng trang. Từng trang. Về Kinh Bắc, khi lưu thủy, lúc hành vân. Thơ khóc hộ người khúc hùng ca thời đại loạn, khúc thương ca của "cuộc dọn nhà tuần du trong sử rách". Thơ hát hộ người những u uất, dũng khí, không đất vẫy vùng:
Vật núi núi lăn
ngáng sông sông gãy
...
Trống vẫn thúc
sạt sườn Tam Đảo đổ nghiêng
Loa vẫn giải
núi đồi trùng trùng đi bốn hướng. (Hội vật)
Về Kinh Bắc là bản giao hưởng dân ca, bi tráng những thăng trầm của cuộc tuần di trong lịch sử, bằng tám nhịp vận hành. Mở đầu về kinh và kết thúc về ta: Trong tám nhịp có hai nhịp đi, hai nhịp về. Đi, về, vận chuyển tuần hoàn ba mươi năm sa mạc tạo nên anh hùng ca Kinh Bắc, luân hồi những hội ngộ đớn đau, loạn lạc, trong lịch sử dân ca, trong tình đất và tình người. Về Kinh Bắc cũng là bản Âu ca, vinh thăng người phụ nữ: người mẹ, người vợ, người chị. Họ là chỗ trọ cho linh hồn kẻ sĩ lưu vong. Yếm, váy Đình Bảng băng bó vết thương của người anh hùng thất cơ, kiệt vận:
Con đấy ư
con đã về Kinh Bắc
Những cỏ Bồng Thi
với dế đầu si
Những lá Diêu Bông
với đôi xe hồng
luân lưu thụ thai qua chín đời
đằng đẵng
...
Mẹ đau trở dạ
Sinh ra con
Tiếng tù và xé canh ba
báo hiệu một cơn giông nín lặng (Luân hồi)
Mẹ Kinh Bắc khởi sinh thế giới Hoàng Cầm. Mẹ là cái nôi của những bào thai biết "khóc âm y trước lúc chào đời", biết trước những sa mạc đời và đã tìm thấy cứu cánh sáng tạo trong tình yêu đồng thiếp của những người đã khuất. Nhà thơ đốt những thảo cầm: cây tam cúc, lá diêu bông, cỏ bồng thi, thành hương ngôn, gửi về những chị Vinh, chị Nghĩa, chị Bắc, Phương Tuyết, Tuyết Khanh, Minh Xuân, Hồng Yến... những nàng thơ, những ngọn lửa âm đã gợi hồn sáng tạo cho tác giả trong đêm dài sa mạc.
Thơ Hoàng Cầm luôn quay về với người phụ nữ. Người mẹ. Người chị. Người tình.
Họ là những vùng đất linh, cấm địa và bí mật:
Tình Cầm là một vũ trụ âm thịnh dương suy, với những Cỏ bồng thi, những Lá diêu bông, như những lời thần chú.
Cỏ bồng thi là cỏ gì? Dường như là cỏ định mệnh:
Chị đưa Em đến bến này
Cheo leo mỏm đá
Trước vực
Sau khe
Thòng lọng tơ gì quấn gót
Tua khăn bông còn buộc búp hoa lan
Ù ù gió thổi
Em vọng ai đâu mà hóa đá
Không trói mà không đi
không canh gà
không thu không
Mắt không mở
đừng khép
Kìa dây muống dại kín Em rồi (Cỏ bồng thi)
Đúng là cỏ định mệnh, nhưng một định mệnh ngược đời. Đổi xếch. Tưởng một mà hai.
Bởi vì trong chữ Em đã có hình ảnh Tô Thị - Phong Kiều: "em vọng ai đâu mà hóa đá"
Trong em còn có một Hoàng Cầm, nhà thơ trữ tình, yêu trèo: em yêu chị.
Và một Hoàng Cầm Nhân Văn "trước vực, sau khe", thòng lọng quấn gót, không trói mà không đi, kìa dây muống dại kín em rồi, ai rình em, ai ngó em (Tắm đêm),
tha cho em, tha em (Nước sông Thương).
Em đây, còn là hầm trú, là sa mạc Hoàng Cầm, là cõi hoang mạc.
Mà hoang mạc ấy đã đớn đau, đã trôi dạt, đã tang tóc, từ xưa:
Mây buông vải trắng trên đầu hoa râm. (Kiều Loan)
Nỗi oan nghiệt ấy, không biết còn tới bao giờ:
Giạt bèo vào đáy xanh đêm
Vào mê biển gió ...
vào em một đời. (Gửi vào gió biển)
Một định mệnh đằng đẵng và khốc liệt:
Cái đau băm nát lời thơ máu trào (Tinh anh thể phách)
Tình Cầm là mối tình ngược dốc. Không phải tình Anh với Em mà là tình Em với Chị. Ở đỉnh dốc ngược, một hình ảnh lạ đời hiện ra: Lá Diêu Bông.
Em đi trăm núi nghìn sông
Nào tìm thấy lá Diêu Bông bao giờ?
Lá Diêu Bông là lá gì? Bí mật. Phải chăng là lá hạnh phúc? Là tình người? Là tự do? Là lòng trinh, là nghĩa liệt? Là gì chăng nữa thì Diêu Bông chắc chắn chỉ là Ảo Ảnh. Lá ảo ảnh, lá hư vô, lá tuyệt mù trong cõi sống.
*
Và từ đó, Hoàng Cầm dan díu với hư vô, tìm con đường vô cùng, vô cực:
Anh đi về phía không em (Hai ngả)
Anh đi sắp đến vô cùng (Hai ngả)
Người thơ kết tình với cõi âm, nhịu tình với "tinh anh thể phách", "thể phách tinh anh":
Em đi lâu thế? Về đâu?
Sao đi xa thế? Bao lâu em về? (Thể phách tinh anh)
Tình Cầm từ đó, còn là tình với không, tình với mình, tình không có mình, tình cô đơn tuyệt đối:
Chị đây có phải em chăng
Em đâu có thật em rằng chị không
Xiết tay kết một vô cùng
Lơi tay lại vẫn đôi dòng lửng lơ. (Gọi đôi)
Tình Diêu Bông cuối cùng, phải chăng là Tình đá? "Tình ta đại ngàn đá biếc" như Men đá vàng? Lá Diêu Bông, sinh vào thời kỳ Hoàng Cầm đã bị lưu đầy, có cùng một phận với cô gái đá Phong Kiều, với Phù Du, với Hải Đông Trường Thạch, với Kiều Loan, là những tâm hồn bạc mệnh đi trước... Những nhân vật của Hoàng Cầm trước, sau đều chung một họ: họ Ảo Ảnh.
Và Ảo Ảnh là nhân thể của Diêu Bông:
Trăm năm nhào quyện hư vô
Biết đâu em vẫn lửng lơ hát buồn (Hai ngả)
Diêu Bông còn là oan hồn của những vong hình liêu trai, ảo sử; giao thoa những đam mê tuyệt vọng và những khát vọng hào hùng của kẻ sĩ bất phùng thời:
Hồn ma đế bá cũng lang thang
Hoàng Cầm là nhà thơ khao khát mẫu hệ. Sinh làm trai nhưng có những đam mê đầy nước mắt của người nữ: Tình Cầm hắt lên mặt trái của người anh hùng, khiến "cỏ cây sa lệ núi rừng ngẩn ngơ" (Kiều Loan). Tình Cầm giãi bầy những mong manh, liệt nhược trong tâm hồn kẻ sĩ, cầu mong "giải yếm lòng trai mải phất cờ". Tình Cầm mơ một Kiều Loan tráng sĩ, giải phóng người nam khỏi mặc cảm hào hùng, cường điệu:
Chí lớn từ xưa chôn chật đất
Riêng đàn đom đóm lại thênh thang (Kiều Loan)
Yếm, váy Đình Bảng buông chùng cửa võng, vực dậy, che chở cho "chí nam nhi" khi bị qụy lùi, ngã ngựa.
Thế giới Hoàng Cầm thăng đồng những giá trị và những con người bị sa lầy trong đời thực, tạo cho chúng một cõi Hoàng Cầm oan nghiệt, hôn mê, biệt cách, ly khai:
Tráng sĩ ngã ngựa bỗng nhiên lai tỉnh, đi phó hội yếm bay. Chàng phất cờ giải yếm, trai lơ Tình Cầm; chàng xuất kỵ ra quân, ngựa xe, pháo mã, tốt điều, tịnh đỏ, linh xa... chàng diễn tuồng Cầm. Rồi thoát bỗng im bặt cả xa mã, ngựa, người, tuồng Cầm đã biến thành tuồng câm. Trên thinh không có tiếng gọi :
Diêu Bông hời!
Ới Diêu Bông!
Không ai trả lời
Tất cả đã thăng, chỉ còn lại mênh mông sa mạc Hoàng Cầm :
ù ù gió thổi
không canh gà
không thu không.
Paris 6/1998 - 6/5/2010
Sa mạc Hoàng Cầm lung linh giữa mơ và thực, là cõi lên đồng âm thanh, là phường bát âm chữ nghĩa, là cơn cuồng phong lịch sử, loạn mầu trong từ trường đồng thiếp, những dân ca, phong tục, truyền thuyết... Hiện tại nhập hồn quá khứ, gọi nhau trong vũ điệu bất thường hoang dại:
Đường nắng bay từng đám hỏa hoàng
san sát rừng gươm
Gia bình - Bạch hạc
tràn lên thốc ngược cờ đốc- đồng Kinh Bắc
Trước mặt cào cào rộn cánh
tốc xiêm y trăm sắc cung tần
Trên lưng nắng hạn xém yên cương
Dưới bụng dầm dề cỏ rướn mình
uống nước mưa thổ hoàng bách chiến
Giặc cuồng vắt chân tháo chạy
Đầu lâu lăn lóc vó
vụn xương hàm cắm mốc biên thùy
tít tắp
từ Tiên Yên Hà Cối
đến Hà Giang dựng Cổng - Giời xanh (Ngựa 2)
Thơ Hoàng Cầm trải dài trong sa mạc trần gian, lấy hồi khứ làm tựa điểm. Lấy về làm khởi bút của bi kịch. Về trong không gian. Về trong thời gian. Về lại đất xưa, quê cũ. Về viếng dĩ vãng, về hỏi tuổi thơ, về lại cuộc tình, về hỏi lịch sử, về với những thời đã mất: Về Kinh Bắc.
Về Kinh Bắc ở thời điểm 59-60, sau Nhân Văn, mang màu sắc chối từ, khâm liệm. Về đây là kính nhi viễn chi hiện tại, là chôn sống bạc lừa khủng bố, là giã biệt Hà Nội nhiễu nhương "đại hạn tháng ba, lúa rang châu chấu" trong Đêm Hỏa. Về, là tìm lại thời xa, một thời trên hiện tại, một thời siêu hiện tại, thời Kinh Bắc.
Về đây là cáo ấn từ quan, về ẩn dật. Về đây còn là về mách mẹ, về khấn tổ tiên, về báo cáo với thánh hiền những lăng loàn của chuyên quyền hiện tại. Về Kinh Bắc, Hoàng Cầm vấn kế địa linh nhân kiệt:
Lông ngỗng trải bờ lau
Sông Cầu xuôi bến Hát (Gió lông ngỗng)
Tập thơ mở đầu bằng lời khấn mẹ:
Cúi lậy mẹ con trở về Kinh Bắc
để báo cáo với mẹ sự đổi đời:
Đê mười tám khúc Văn Giang
Chuông Bách môn đổ xô gò má
Mây thành thổi lửa
Nẻo Đông Triều khép mở gió kỳ lân
Chớp rạch dáng tiên vén xiêm xõa ngủ
Thoắt chìm
Gấu đẩy đá Thiên Thai
Toàn những "điềm" chẳng lành khấn mẹ trong đêm đầu: Đêm Thổ. Rồi những trang thơ kế tiếp, vẫn mù mịt đêm: Bốn lần đêm nữa: Đêm Kim. Đêm Mộc. Đêm Thủy. Đêm Hỏa. Tứ phía, bốn bề Đêm.
Ở Đêm Kim:
Về Kinh Bắc phải đâu con nghẹn khóc
Con không cười
Con thoảng nhớ thoảng quên.
Đêm Mộc:
Về Kinh Bắc phải đâu con hé miệng
Đêm Thủy:
Về Kinh Bắc phải đâu con nhắm mắt
Đêm Hỏa:
Về Kinh Bắc tìm chơi đàn kiến lửa
và đêm Hỏa kết thúc:
Trăng lên chém đầu ngọn gió
Cành si bưng chậu máu chát chao
...
Chợt mê thét giữa sân
Nét mác chữ thiên toạc lưng trâu mộng
Máu đổ
Mây đùn
Gió lộng
Sớm mai đi (Đêm Hỏa)
Ở đêm hỏa này, tất cả bắt đầu: Hỏa như lửa bỏng? Hỏa như hỏa ngục? Nét mác, chữ thiên, hình ảnh khinh hoàng của Mác-Trời, dẫn đến máu đổ, mây đùn, gió lộng, ... và như thế những cơn ác mộng của Hoàng Cầm bắt đầu từ Về Kinh Bắc những năm 59-60. Hỏi: tại sao tiếng thơ trong đêm sa mạc vẫn mạnh mẽ, vẫn hào hùng, vẫn muôn vàn sảng khoái? - Bởi Hoàng Cầm, người, có thể ngã ngựa, có thể van xin đảng tha tội. Nhưng Hoàng Cầm, thơ, chưa bao giờ khuất phục.
Từ Hận Nam Quan, Kiều Loan, Bên Kia Sông Đuống... Hoàng Cầm đã đa mang giấc mộng tráng sĩ một đi không trở lại. Về Kinh Bắc lần này, là khúc tráng ca, xuyên sa mạc, của một hồn cọp dữ, gào thét những vấn nạn buổi đổi đời, "rực lửa Phong Châu", "Diêm Vương mở hội". Cọp về hỏi lại Luy Lâu đất tổ, hỏi Ba Vì, hỏi gái Cầu Lim, hỏi trai Yên Thế.
Nhưng trả lời người thơ chỉ có: Thuận Thành cố đô mưa rơi không ngớt, và, Cổ Loa cú rúc chòi canh, còn tất cả đã ra đi, đã âm thầm bỏ cuộc: An Dương Vương bọt bể bồ hòn, The Hà Đông đón kiệu, bỏ quê xim, Gái Cầu Lim Nội Duệ đã đi, Trai Cầu Vồng Yên Thế đã đi... Chỉ còn mình Hoàng Cầm ở lại.
Cuộc gọi hồn không ai đáp. Bị lịch sử bỏ rơi. Mặc kệ. Hoàng Cầm-Tráng sĩ, một mình một ngựa, can trường bước vào đêm, sâu hơn nữa, xa hơn nữa, đêm càng thâu, lòng càng bốc hỏa:
Xé trang Luận Ngữ
lau gươm
lên đường
...
hỏi tội nghịch thần
mắt Chúa đảo thiên
Kéo áo che ngai
Né mũi kiếm vô hình xốc tới
Phanh hầm nhét vội một vầng dương
Cắn nhọn móng tay
Thơ cùm lim khắc máu
...
Vùng chặt xích bẻ gông
phá cửa
cướp ngựa hình tham tri
phóng lên ải bắc (Đèn Nhang 1)
Biết mình đã ngấm "thuốc độc tam ban", tráng sĩ bèn ngược dòng lịch sử, triệt thoái về tiền kiếp, tìm một điểm tựa để truy kích quân thù. Tráng sĩ vẫn còn tiềm vọng ở "chiến thắng tương lai":
Chuột thành than đen xạm dọc sông Hồng
Kẻ cướp run dưới Rạng - Đông - Thần - Thoại. (Nắng phù sa)
Tất cả "chiến trường" xẩy ra trong vô thức, gào thét những hùng ca thủa hồng hoang, người tráng sĩ "bóp tay vỡ toác đốt tre già" (Hội vật), "nâng một dãy Cai Kinh chạy tắp đến Cao Bằng" (Đi xa).
Hoàng Cầm gọi Trai đời Trần, gái hậu Lê về làm giấc mộng hỏa hoàng thời tiền sử để khỏa lấp bi kịch hiện tại của đời mình:
Nâng lụa ngang mày câm tiếng khóc (Đèn Nhang 2)
Nghiến oán thù tím ngắt nắng Phong Châu (Ngựa 2)
*
Dù Hoàng Cầm, người, có bảo: "Hồi đó tôi không mang trong lòng -dẫu chỉ một ly- nỗi oán hận, nỗi buồn phiền, hoặc trách móc hờn giận gì ai" (Vĩ thanh).
Nhưng Hoàng Cầm, thơ, chắc chắn đã từng hỏi tội "triều đình":
Ai là giặc, và ai không là giặc? (Kiều Loan)
Hoàng Cầm, thơ, sao không khỏi nhớ thời vàng son: Kiều Loan tung hoành trong trận Đống Đa:
Giặc tan hoang xô chạy gãy cầu kiều
Khắp sông Hồng vang dạy tiếng người kêu
Nước đỏ thẫm nghẹn giòng không chảy nữa
Thành Thăng Long năm ngày chưa tắt lửa
Xác giặc đầy từ kẻ chợ đến biên cương
Cờ nêu cao chiến thắng nhuốm chiêu dương
Mà rút lại cũng chỉ là giấc mộng. (Kiều Loan)
Nhưng, mọi chiến thắng, đối với Hoàng Cầm, chỉ là ảo mộng.
Hoàng Cầm về Kinh Bắc lần này. Bại trận. Cúi đầu. Bước cùng Kinh Kha đến bờ Dịch Thủy. Âm thầm gọi hồn Hạng Võ trên bến Ô Giang "hỡi hồn Tây Sở Bá Vương, cùng ta nhắp chén tà dương ngậm ngùi", và hát khúc bi ca của người anh hùng ngã ngựa:
Đi
bứt lá xanh giữ cỗi cành gầy
níu cuộng lá vàng qua trận bão
Phân kim hạ kiệu
khói ly đoài thoai thoải khúc hành vân. (Đèn nhang 2)
Trầm hùng. Tráng kiệt. Từng trang. Từng trang. Về Kinh Bắc, khi lưu thủy, lúc hành vân. Thơ khóc hộ người khúc hùng ca thời đại loạn, khúc thương ca của "cuộc dọn nhà tuần du trong sử rách". Thơ hát hộ người những u uất, dũng khí, không đất vẫy vùng:
Vật núi núi lăn
ngáng sông sông gãy
...
Trống vẫn thúc
sạt sườn Tam Đảo đổ nghiêng
Loa vẫn giải
núi đồi trùng trùng đi bốn hướng. (Hội vật)
Về Kinh Bắc là bản giao hưởng dân ca, bi tráng những thăng trầm của cuộc tuần di trong lịch sử, bằng tám nhịp vận hành. Mở đầu về kinh và kết thúc về ta: Trong tám nhịp có hai nhịp đi, hai nhịp về. Đi, về, vận chuyển tuần hoàn ba mươi năm sa mạc tạo nên anh hùng ca Kinh Bắc, luân hồi những hội ngộ đớn đau, loạn lạc, trong lịch sử dân ca, trong tình đất và tình người. Về Kinh Bắc cũng là bản Âu ca, vinh thăng người phụ nữ: người mẹ, người vợ, người chị. Họ là chỗ trọ cho linh hồn kẻ sĩ lưu vong. Yếm, váy Đình Bảng băng bó vết thương của người anh hùng thất cơ, kiệt vận:
Con đấy ư
con đã về Kinh Bắc
Những cỏ Bồng Thi
với dế đầu si
Những lá Diêu Bông
với đôi xe hồng
luân lưu thụ thai qua chín đời
đằng đẵng
...
Mẹ đau trở dạ
Sinh ra con
Tiếng tù và xé canh ba
báo hiệu một cơn giông nín lặng (Luân hồi)
Mẹ Kinh Bắc khởi sinh thế giới Hoàng Cầm. Mẹ là cái nôi của những bào thai biết "khóc âm y trước lúc chào đời", biết trước những sa mạc đời và đã tìm thấy cứu cánh sáng tạo trong tình yêu đồng thiếp của những người đã khuất. Nhà thơ đốt những thảo cầm: cây tam cúc, lá diêu bông, cỏ bồng thi, thành hương ngôn, gửi về những chị Vinh, chị Nghĩa, chị Bắc, Phương Tuyết, Tuyết Khanh, Minh Xuân, Hồng Yến... những nàng thơ, những ngọn lửa âm đã gợi hồn sáng tạo cho tác giả trong đêm dài sa mạc.
Thơ Hoàng Cầm luôn quay về với người phụ nữ. Người mẹ. Người chị. Người tình.
Họ là những vùng đất linh, cấm địa và bí mật:
Tình Cầm là một vũ trụ âm thịnh dương suy, với những Cỏ bồng thi, những Lá diêu bông, như những lời thần chú.
Cỏ bồng thi là cỏ gì? Dường như là cỏ định mệnh:
Chị đưa Em đến bến này
Cheo leo mỏm đá
Trước vực
Sau khe
Thòng lọng tơ gì quấn gót
Tua khăn bông còn buộc búp hoa lan
Ù ù gió thổi
Em vọng ai đâu mà hóa đá
Không trói mà không đi
không canh gà
không thu không
Mắt không mở
đừng khép
Kìa dây muống dại kín Em rồi (Cỏ bồng thi)
Đúng là cỏ định mệnh, nhưng một định mệnh ngược đời. Đổi xếch. Tưởng một mà hai.
Bởi vì trong chữ Em đã có hình ảnh Tô Thị - Phong Kiều: "em vọng ai đâu mà hóa đá"
Trong em còn có một Hoàng Cầm, nhà thơ trữ tình, yêu trèo: em yêu chị.
Và một Hoàng Cầm Nhân Văn "trước vực, sau khe", thòng lọng quấn gót, không trói mà không đi, kìa dây muống dại kín em rồi, ai rình em, ai ngó em (Tắm đêm),
tha cho em, tha em (Nước sông Thương).
Em đây, còn là hầm trú, là sa mạc Hoàng Cầm, là cõi hoang mạc.
Mà hoang mạc ấy đã đớn đau, đã trôi dạt, đã tang tóc, từ xưa:
Mây buông vải trắng trên đầu hoa râm. (Kiều Loan)
Nỗi oan nghiệt ấy, không biết còn tới bao giờ:
Giạt bèo vào đáy xanh đêm
Vào mê biển gió ...
vào em một đời. (Gửi vào gió biển)
Một định mệnh đằng đẵng và khốc liệt:
Cái đau băm nát lời thơ máu trào (Tinh anh thể phách)
Tình Cầm là mối tình ngược dốc. Không phải tình Anh với Em mà là tình Em với Chị. Ở đỉnh dốc ngược, một hình ảnh lạ đời hiện ra: Lá Diêu Bông.
Em đi trăm núi nghìn sông
Nào tìm thấy lá Diêu Bông bao giờ?
Lá Diêu Bông là lá gì? Bí mật. Phải chăng là lá hạnh phúc? Là tình người? Là tự do? Là lòng trinh, là nghĩa liệt? Là gì chăng nữa thì Diêu Bông chắc chắn chỉ là Ảo Ảnh. Lá ảo ảnh, lá hư vô, lá tuyệt mù trong cõi sống.
*
Và từ đó, Hoàng Cầm dan díu với hư vô, tìm con đường vô cùng, vô cực:
Anh đi về phía không em (Hai ngả)
Anh đi sắp đến vô cùng (Hai ngả)
Người thơ kết tình với cõi âm, nhịu tình với "tinh anh thể phách", "thể phách tinh anh":
Em đi lâu thế? Về đâu?
Sao đi xa thế? Bao lâu em về? (Thể phách tinh anh)
Tình Cầm từ đó, còn là tình với không, tình với mình, tình không có mình, tình cô đơn tuyệt đối:
Chị đây có phải em chăng
Em đâu có thật em rằng chị không
Xiết tay kết một vô cùng
Lơi tay lại vẫn đôi dòng lửng lơ. (Gọi đôi)
Tình Diêu Bông cuối cùng, phải chăng là Tình đá? "Tình ta đại ngàn đá biếc" như Men đá vàng? Lá Diêu Bông, sinh vào thời kỳ Hoàng Cầm đã bị lưu đầy, có cùng một phận với cô gái đá Phong Kiều, với Phù Du, với Hải Đông Trường Thạch, với Kiều Loan, là những tâm hồn bạc mệnh đi trước... Những nhân vật của Hoàng Cầm trước, sau đều chung một họ: họ Ảo Ảnh.
Và Ảo Ảnh là nhân thể của Diêu Bông:
Trăm năm nhào quyện hư vô
Biết đâu em vẫn lửng lơ hát buồn (Hai ngả)
Diêu Bông còn là oan hồn của những vong hình liêu trai, ảo sử; giao thoa những đam mê tuyệt vọng và những khát vọng hào hùng của kẻ sĩ bất phùng thời:
Hồn ma đế bá cũng lang thang
Hoàng Cầm là nhà thơ khao khát mẫu hệ. Sinh làm trai nhưng có những đam mê đầy nước mắt của người nữ: Tình Cầm hắt lên mặt trái của người anh hùng, khiến "cỏ cây sa lệ núi rừng ngẩn ngơ" (Kiều Loan). Tình Cầm giãi bầy những mong manh, liệt nhược trong tâm hồn kẻ sĩ, cầu mong "giải yếm lòng trai mải phất cờ". Tình Cầm mơ một Kiều Loan tráng sĩ, giải phóng người nam khỏi mặc cảm hào hùng, cường điệu:
Chí lớn từ xưa chôn chật đất
Riêng đàn đom đóm lại thênh thang (Kiều Loan)
Yếm, váy Đình Bảng buông chùng cửa võng, vực dậy, che chở cho "chí nam nhi" khi bị qụy lùi, ngã ngựa.
Thế giới Hoàng Cầm thăng đồng những giá trị và những con người bị sa lầy trong đời thực, tạo cho chúng một cõi Hoàng Cầm oan nghiệt, hôn mê, biệt cách, ly khai:
Tráng sĩ ngã ngựa bỗng nhiên lai tỉnh, đi phó hội yếm bay. Chàng phất cờ giải yếm, trai lơ Tình Cầm; chàng xuất kỵ ra quân, ngựa xe, pháo mã, tốt điều, tịnh đỏ, linh xa... chàng diễn tuồng Cầm. Rồi thoát bỗng im bặt cả xa mã, ngựa, người, tuồng Cầm đã biến thành tuồng câm. Trên thinh không có tiếng gọi :
Diêu Bông hời!
Ới Diêu Bông!
Không ai trả lời
Tất cả đã thăng, chỉ còn lại mênh mông sa mạc Hoàng Cầm :
ù ù gió thổi
không canh gà
không thu không.
Paris 6/1998 - 6/5/2010