Ảnh chụp tờ báo Việt Nam Hồn số tháng giêng năm 1926.
Huyền thoại Hồ Chí Minh bắt nguồn từ cái tên Nguyễn Ái Quốc. Những bài ký tên Nguyễn Ái Quấc trên các tờ báo ở Paris, đã có ảnh hưởng lớn đến giới trí thức trong nước. Nhưng ai là người viết những bài báo này ? Nguyễn Tất Thành có phải là tác giả như Hồ Chí Minh đã nhìn nhận hay không ? Giải quyết vấn đề văn bản này, sẽ hiểu được thái độ "khi quân" của Phan Khôi trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm.
Phan Châu Trinh, lãnh đạo tinh thần phong trào Duy Tân. Phan Khôi, lãnh đạo tinh thần phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Đông Kinh Nghiã Thục (gắn bó với Duy Tân và Đông Du) chỉ tồn tại một năm. Nhân Văn Giai Phẩm tồn tại năm tháng. Nhưng cả phong trào hai đều có công lớn trong việc đổi mới văn học và đòi hỏi dân chủ cho đất nước. Lịch sử Phan Châu Trinh đã rõ ràng tường tận. Lịch sử Phan Khôi, hoặc bị nhục mạ như một người bán nước, hoặc không ai biết đến.
Việc tìm lại chân dung đích thực của Phan Khôi, đưa chúng ta trở lại tìm hiểu lịch sử chống Pháp đầu thế kỷ XX, môi trường phát xuất một con người. Để:
1) Xác định vị trí Phan Khôi trong văn học và trong lịch sử phức tạp của cuộc kháng chiến chống Pháp
2) Hiểu thái độ Phan Khôi, đôi khi coi thường, đôi khi miệt thị Hồ Chí Minh, khác hẳn với toàn bộ thành viên của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.
3) Hiểu sự thanh trừng và hạ nhục Phan Khôi sau Nhân Văn Giai Phẩm
Muốn hiểu sự đối đầu, gần như khinh mạn này của Phan Khôi đối với Hồ Chí Minh, cần xem lại khung cảnh lịch sử mà hai nhân vật đã sống, để xác định những nét nổi bật của Phan Khôi như một nhà văn hoá đối lập với nhà lãnh tụ Hồ Chí Minh. Một học giả mà công lao xây dựng nền quốc học ngang với Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn.
Bước sang thế kỷ XXI đã 10 năm và đất nước đã thống nhất 35 năm, có lẽ đã đến lúc chúng ta nên sửa soạn viết lại lịch sử Việt nam một cách khoa học và đúng đắn, không thể trông cậy mãi vào các nhà nghiên cứu nước ngoài để tìm lại sự thực về lịch sử dân tộc: Georges Boudarel và gần đây, Heinz Schutte đã viết về Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm (bản dịch trên Talawas) một cách trung thực. Daniel Hémery, Pierre Brocheux đều tìm cách vẽ những chân dung Hồ Chí Minh khác với cách nhìn chính thống. Những công trình này rất bổ ích, nhưng không thể thay thế cho việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam của chính người Việt.
Những điều vô lý trong tiểu sử Hồ Chí Minh, chỉ có thể tháo gỡ qua những tìm kiếm của người Việt, trong sự nhìn lại toàn diện bối cảnh lịch sử, văn hoá Việt Nam mà người ngoại quốc khó có thể thấy được. Về phía người Việt, dường như có một quy ước bất thành văn "không đụng đến bác Hồ", ở một số nhà nghiên cứu phái tả. Lác đác một vài bài của các nhà phái hữu, nhưng thường phiến diện, không có những kiến giải chắc chắn. Cả hai thái độ đều không mang lại cho lịch sử Việt Nam một ánh sáng mới nào.
Đã đến lúc, phải tìm lại chân dung đích thực của những nhà cách mạng, những người đã bị bôi nhọ, chôn vùi như Phan Khôi, bên cạnh những người được sùng bái thái quá như Hồ Chí Minh, để thế hệ sau có những điểm tựa mà đánh giá lại lịch sử, một cách công bằng, trung thực.
Cần vương, Văn thân và Duy tân
1862, Pháp chiếm 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ, triều đình Huế ký hoà ước Nhâm Tuất 1862, nhường đứt cho Pháp: Biên Hoà, Định Tường và Gia Định.Tướng De la Grandière lập trường dạy tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ ở Nam Kỳ. 1867, Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây: Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự tận.
1873, Hà thành thất thủ lần thứ nhất. Nguyễn Tri Phương bị bắt, nhịn ăn mà chết. Triều đình ký hòa ước Giáp Tuất 1874, nhường nốt cho Pháp: Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.
Vua Tự Đức thế cùng, phải chịu, nhưng vẫn trông cậy vào Trung Hoa, hy vọng nhà Thanh sẽ giúp nước ta khôi phục lại lãnh thổ.
1882, Hà thành thất thủ lần thứ hai, Hoàng Diệu tuẫn tiết. Trong tình hình cực kỳ rối ren, vua Tự Đức mất (1883). Nhà Thanh không giúp mà còn bắt tay với Pháp, nhường cho Pháp toàn quyền định đoạt mọi việc ở Việt Nam: hoà ước Giáp Thân (Patenôtre) 1884, nước ta mất quyền tự chủ cả ở Trung và Bắc, hoàn toàn trở thành thuộc địa của Pháp.
Trong 20 năm Pháp chiếm dần nước Việt (1862-1882), ba quan đại thần Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu tuẫn tiết.
Trong suốt thời kỳ bị đô hộ, không lúc nào việc chống Pháp ngừng hẳn. Cuộc kháng chiến bắt đầu bằng các phong trào quốc dân, do các cựu thần và trí thức nho học khởi xướng từ 1862, và kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, của phong trào cộng sản.
- Mục tiêu quốc dân: lấy lại chủ quyền dân tộc, bảo vệ vương quyền và đạo lý Khổng Mạnh. Sau này, hai chữ quốc dân được hiện đại hoá, trở thành quốc gia (nationaliste), bỏ hai vế vương quyền và Khổng Mạnh, chỉ giữ lại quyền lợi của dân tộc.
- Mục tiêu cộng sản: Theo Đệ Tam quốc tế để giành độc lập, thực hiện cách mạng vô sản, đấu tranh giai cấp và xây dựng xã hội chủ nghiã.
Phong trào quốc dân hiện diện dưới ba hình thức: cần vương (cứu vua), văn thân (lấy văn học tiến thân vào đời) và duy tân (đổi mới - réforme).
Thời kỳ đầu, dân còn gắn bó với vua, hình thức cần vương và bạo động nổi trội: Những người khởi xướng phần lớn là các quan hoặc các thân hào, sĩ phu:
1862, mất 3 tỉnh miền đông, Trương Công Định khởi nghiã ở Gò Công. Thủ Khoa Huân ở Định Tường... 1874, mất 3 tỉnh miền Tây, Văn thân khởi nghiã ở Nghệ An, Hà Tĩnh, khẩu hiệu "Bình Tây sát tả" [dẹp Tây, diệt tà (đạo)]. 1885: Tôn Thất Thuyết đánh Pháp ở Mang Cá, truyền hịch Cần vương, đem vua Hàm Nghi ra Quảng Bình, rồi bỏ chạy sang Tàu. Hai con ông là Tôn Thất Thiệp và Tôn Thất Đạm phò vua đến chết (1885-1888). Nguyễn Thiện Thuật khởi nghiã ở Bãi Sậy (1885-1889). Phan Đình Phùng lập đảng Văn thân (1885-1895). 1886, Đinh Công Tráng khởi nghiã ở Thanh Hoá. 1988, Kỳ Đồng ở Hải Dương. 1890, Hoàng Hoa Thám dựng chiến khu tự trị ở Yên Thế (1890-1913)...
Đầu thế kỷ XX, cuộc kháng chiến bước sang một cục diện khác với các trí thức nho học:
Phan Bội Châu lập Duy Tân Hội (1904), sau đổi thành Việt nam Quang Phục hội (1911). Phan Châu Trinh lãnh đạo phong trào Duy tân (1905-1908). Quang Phục Hội tổ chức khởi nghiã vua Duy Tân (1916). Lương Ngọc Quyến, Đội Cấn khởi nghiã Thái Nguyên (1917). Nguyễn Thái Học lập Việt Nam Quốc Dân Đảng (1927-1932), theo chủ nghiã Tam dân của Tôn Dật Tiên. Lý Thụy (Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc) lập Việt Nam thanh niên cách mệnh đồng chí hội (1925), tiền thân của đảng Cộng sản, tại Quảng Châu.
Trần Dân Tiên (tức Hồ Chí Minh) trong cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch (nxb Sự thật, 1975) so sánh mục tiêu của hai đảng Quốc dân và Cộng sản như sau:
-"1927 Việt nam Quốc dân đảng của Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu, theo chủ nghiã Tam Dân của Tôn Dật Tiên: -Dân tộc độc lập -Dân quyền tự do -Dân sinh hạnh phúc".
-"Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội và Đảng Cộng sản: -Dân tộc độc lập -Nhân dân tự do -Dân chúng hạnh phúc -Tiến tới chủ nghiã xã hội" (TDT, trang 66-79).
Như vậy, theo Hồ Chí Minh, thì chủ trương của hai đảng này giống nhau, ngoại trừ điểm "tiến tới chủ nghiã xã hội" không có trong mục tiêu Quốc dân Đảng.
Nguyễn Tường Bách (em Nhất Linh) trong Việt Nam một thế kỷ qua (cuốn I, Thạch Ngữ, Cali 1998), tóm tắt các hoạt động cách mạng VN ở Trung Hoa, trong khoảng 1942-1943, như sau:
"Tháng 10/1942, Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội do Trương Bội Công, rồi Nguyễn Hải Thần lãnh đạo, với đại diện của Việt Nam Quốc Dân Đảng, Phục Quốc, Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội (tức Việt Minh, thành lập từ tháng 5/1941) và một số không đảng phái.
Anh Tam lúc này lấy tên là Nguyễn Tường Dũng (đúng như tên anh chàng Dũng trong Đoạn Tuyệt), bị giam vào một hang đá gần Liễu Châu... Một ngẫu nhiên kỳ lạ là trong hang đá ấy, còn một người Việt bị giam nữa, với cái tên là Hồ Chí Minh. Đồng Minh Hội cử hai anh Vũ Hồng Khanh và Nghiêm Kế Tổ đến thăm Nguyễn Tường Tam để hiểu rõ lai do. Về sau Hội quyết định yêu cầu tướng Trương Phát Khuê trả tự do cho anh Tam và cả người Việt cùng bị giam, Hồ Chí Minh, vì đều là người Việt yêu nước phải lưu vong tới đây. Cả hai đều được đưa về hội quán, nhưng không ai rõ Hồ Chí Minh tức là Nguyễn Ái Quốc. Trước đây, Nguyễn Ái Quốc đã từng hoạt động ở Quảng Đông dưới tên là Lý Thụy, trợ tá cho Borodine, cố vấn Liên Xô cho đảng CS Trung Quốc trước và sau công xã Quảng Châu.
Vào năm 1943, Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội đặt kế hoạch hoạt động ở trong nước, phái cán bộ về với với một số tiền hoạt động, Hồ Chí Minh chủ động nhận nhiệm vụ, lãnh người và tiền về nước, hoạt động ở biên giới Cao Bằng, tiến tới lập căn cứ sau này.
Còn Nguyễn Tường Tam cũng rời Liễu Châu đi Côn Minh, sau khi bộ Tư Lệnh Quân Khu 4 phải rút về gần biên giới Việt Nam. Tại đó, anh bắt đầu hợp tác với Vũ Hồng Khanh cùng Hải ngoại bộ VNQĐD, cùng liên lạc với trong nước." (Nguyễn Tường Bách, sđd, trang 140)
Như vậy, đến 1943, Hồ Chí Minh vẫn còn hoạt động dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Hải Thần .
Về cái tên Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Tường Bách viết:
"Ngày 2/9 chính phủ Hồ Chí Minh làm lễ tuyên thệ độc lập ở Quảng trường Ba Đình. Tôi đã biết từ lâu Hồ Chí Minh ngày nay là Nguyễn Ái Quốc mà chúng tôi vẫn khâm phục như một nhân vật thần kỳ thời thiếu niên. Éo le là vận mệnh đã làm cho tôi đứng vào hàng ngũ đối lập" (Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử, Tủ sách nghiên cứu, Montréal, 1981, trang 70)
Không chỉ có Nguyễn Tường Bách mà Đặng Thai Mai cũng viết tương tự:
"Chúng tôi được đọc báo Nhân đạo và những tờ báo Bác Hồ viết ở Pháp như tờ Le Paria. Chúng tôi nhận những sách báo đó qua cụ Ngô Đức Kế, lúc đó đang làm báo Hữu Thanh (...) Kể từ những năm 1925 trở đi, chúng tôi hiểu được Liên Xô hơn vì được đọc các báo Việt Nam hồn, Le Paria, L'Humanité, do thuỷ thủ Pháp, đảng viên đảng Cộng sản đưa vào Sàigòn" (Đặng Thai Mai Hồi ký, Tác phẩm mới, 1985, trang 355)
Tóm lại, những bài ký tên Nguyễn Ái Quốc trên các tờ báo ở Paris, đã có ảnh hưởng lớn đến giới trí thức trẻ trong nước. Nhưng ai là người viết những bài báo này? Nguyễn Tất Thành có phải là tác giả như Hồ Chí Minh đã nhìn nhận hay không? Đó là một sự thực cần tìm hiểu. Có thể nói, huyền thoại Hồ Chí Minh bắt nguồn từ cái tên Nguyễn Ái Quốc, tác giả các bài báo ở Paris thập niên 1920.
Cuộc cách mạng hiện đại đầu thế kỷ XX
Trở lại những năm đầu thế kỷ XX, sau thất bại liên tiếp của các phong trào cần vương và văn thân: một thế hệ kháng chiến mới hình thành với những trí thức khoa bảng nho học, trong hai chuyển động lớn: Phong trào Đông Du (1906-108) do Phan Bội Châu lãnh đạo và Phong trào Duy Tân (1905-1908) do Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng chủ xướng.
Nhờ hai thủ lĩnh Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh, hai phong trào này phát động tinh thần yêu nước, phát sinh hình thức kháng chiến hiện đại của các trí thức nho học, và sẽ là nguồn gốc của các tổ chức kháng chiến sau này.
Còn một phong trào thứ ba, ít được biết đến, vì phần lớn văn bản viết tiếng Pháp, trên đất Pháp. Những người chủ chốt như Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh không theo cộng sản, và hậu duệ của họ là nhóm Đệ tứ, đã bị cộng sản tiêu diệt từ 1945.
Đó là Phong trào chống Pháp của các trí thức Tây học, xuất thân trường Pháp, chống Pháp trên báo chí tiếng Pháp, tại Paris và tại Sàigòn.
Phong trào này do Phan Văn Trường khởi xướng ở Paris, năm 1912, với hội Đồng Bào Thân ái, cùng với Phan Châu Trinh. Sau được ba thanh niên Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Tất Thành tiếp sức, được đồng bào gọi là nhóm Ngũ Long, đã có ảnh hưởng lớn trong việc chống thực dân, tại Pháp những năm 1920, với bút hiệu chung Nguyễn Ái Quấc. Sau họ là nhóm Đệ tứ, gồm những đệ tử của Nguyễn An Ninh như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Hồ Hữu Tường, Huỳnh Văn Phương... tiếp tục tranh đấu đến 1945.
Trong thời kỳ đầu, những phong trào chống Pháp không đối kháng nhau mà cùng hoạt động chung. Đến 1945 mới bị phân liệt, Việt Minh thanh trừng các đảng phái đối lập, thủ tiêu gần trọn nhóm Trốt kít, trừ Hồ Hữu Tường trốn ở Hà Nội nên thoát. Sau khi lên cầm quyền, Hồ Chí Minh, không những gạt bỏ các thành phần đối lập ra ngoài lịch sử chính thống mà còn gán cho họ nhãn hiệu phản quốc.
Lịch sử Phan Khôi và Hồ Chí Minh gắn bó với cả ba phong trào nói trên. Đưa ra những câu hỏi cần phải giải quyết:
- Trong khi hầu hết các thành viên khác của NVGP, vẫn kính nể "bác Hồ", tại sao Phan Khôi lại "dám" đả kích công khai thần tượng Hồ Chí Minh ?
- Sau NVGP, lệnh nhục mạ và bôi nhọ Phan Khôi trong nhiều thập niên đến từ đâu và bởi ai? Sự nhục mạ này dẫn đến cái chết bí ẩn gần như bức tử của Phan Khôi năm 1959.
Phan Khôi và Nguyễn Tất Thành, hai thanh niên nho học được Phan Châu Trinh trông cậy sẽ "kế nghiệp" mình. 1922, thất vọng vì Nguyễn Tất Thành không chịu về nước và chọn con đường cộng sản, Phan Châu Trinh viết bức thư công khai gửi Nguyễn Ái Quốc, gần như đoạn tuyệt. 1925, về nước, Phan Châu Trinh trao di sản tinh thần cho Phan Khôi.
Cuộc đời Phan Khôi gắn bó với lịch sử đấu tranh bất bạo động của phong trào Duy tân, theo truyền thống Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch (1852-1895).
Vì vậy, muốn tìm hiểu tư tưởng của Phan Khôi, cần phải nhìn lại hành trình cách mạng chống Pháp trong thế kỷ XX. Hành trình này bắt đầu với Phan Bội Châu.
Phan Bội Châu
Phan Bội Châu (1867- 1940) sinh ngày 26/12/1867, tại làng Đan Nhiệm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Mất ngày 29/10/1940, tại Huế. Là cha đẻ của nền cách mạng hiện đại trong thế kỷ XX. Chính trị gia, nhưng cũng là nhà văn nhà thơ lớn, văn chương Phan Bội Châu có khả năng thúc giục con người đứng lên cứu nước. Về văn thơ yêu nước, không tác giả nào sánh kịp Phan Bội Châu. Mỗi tác phẩm là một chặng đường. Tác phẩm nào cũng quyền biến cũng "sai bảo" con người phải hành động trước cái nhục nô lệ, mất nước. Trong khi các nhà cách mạng khác tìm cách đánh vào địch thủ, tức là thực dân Pháp, hay bọn quan trường thối nát, thì Phan Bội Châu, trước hết, đánh vào lòng người. Và chính cái lòng người được thúc giục vùng dậy ấy, sẽ đứng lên cứu nước. Phan Bội Châu (cũng như các nhà nho cùng thời) thường viết bằng Hán văn và khi dịch ra quốc ngữ, theo Huỳnh Thúc Kháng, cái hay đã mất đi một nửa, vậy mà ngày nay chúng ta đọc vẫn còn thấy xúc động gai người.
Phan Bội Châu xứng đáng ngôi vị cha già của dân tộc.
Khi Phan ra đời, năm 1867, nước đã mất ba tỉnh Nam Kỳ. Chín tuổi, Phan "tập trận" theo kiểu "bình Tây". 19 tuổi, cùng Trần Văn Lương lập đảng "Sĩ tử cần vương đội", khoảng 100 người, mưu "việc lớn". Pháp đánh Nghệ An, "đội sĩ tử" tan vỡ. Phan ở nhà trông nom cha trong 9 năm và dạy học, nhưng vẫn thầm mưu việc nước. 1900, cha mất, bắt đầu hoạt động: liên kết với các đồng chí của Phan Đình Phùng. Cùng Phan Bá Ngọc (con trai Phan Đình Phùng) và dư đảng Văn thân, tổ chức đánh thành Nghệ An, nhân ngày 14/7/1901 (quốc khánh Pháp), nhưng không thành. Cuối năm 1902, ra Bắc gặp Đề Thám lần đầu. Mùa xuân 1903, gặp Tiểu La Nguyễn Thành cựu đảng viên Cần Vương ở Quảng Nam. Nguyễn Thành khuyên Phan nên tôn vinh một dòng dõi đế vương để có chính nghiã. Phan yết kiến Kỳ Ngoại Hầu Cường Để [Kỳ ngoại hầu là ông hầu ngoài kinh kỳ, tức dòng hoàng tử Cảnh]. Hầu chấp nhận. Phan viết bản Lưu Cầu huyết lệ tân thư (1903) để dò phản ứng của sĩ phu và thuyết phục quan trường [lấy Lưu Cầu, tên một quốc đảo phụ thuộc vào Trung Hoa bị Nhật chiếm năm 1879, làm ẩn dụ]. Văn bản có 5 phần: 1- Nêu sự tủi nhục của người dân mất nước. 2- Cần mở mang dân trí, mưu đồ phục quốc. 3- Phục hưng dân tộc. 4- Đào tạo nhân tài. 5- Kỳ vọng vào các hào kiệt.
Cuối 1903, Phan vào Nam vận động. Đầu 1904, trở về Quảng Nam, họp với Nguyễn Thành và Kỳ Ngoại Hầu, rồi lại ra Bắc gặp Đề Thám, quyết định mở đại hội.
Đầu tháng tư (âm lịch) 1904, khai hội ở nhà trên núi của Nguyễn Thành với Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và hai chục người tâm huyết, bí mật lập Duy Tân hội, tôn Cường Để làm Hội chủ, chủ trương ba điểm:
1- Chiêu mộ đảng viên.
2- Phát sinh bạo động.
3- Cầu ngoại viện.
Về việc cầu viện, không thể nhờ Tàu vì Tàu đã theo Pháp. Tăng Bạt Hổ đã sang Nhật nhiều lần, biết tiếng Nhật, đề nghị nhờ Nhật. Phan Bội Châu được đảng cử sang Nhật.
Ngày 23/2/1905, Phan Bội Châu cùng Tăng Bạt Hổ và Đặng Tử Kính bí mật lên đường đi Hương Cảng rồi Nhật Bản. Gặp Lương Khải Siêu. Lương khuyên: Quý quốc đừng lo không được độc lập mà chỉ lo dân không đủ [khả năng để] độc lập. Có thể nhờ Lưỡng-Quảng viện trợ lương thực và khí giới, nhưng nếu [dân] không có thực lực thì cũng hỏng. Thực lực tức là: Dân trí, dân khí và nhân tài. Phan nói đến việc cầu viện Nhật, Lương gạt đi: Quân Nhật đã một lần vào nước rồi, thì không thể đuổi nó ra được. Lời khuyên của Lương Khải Siêu thật là sâu sắc.
Lương dẫn Phan đến gặp Khuyển Dưỡng Nghị và Đại Ôi, những lãnh đạo chính trị cấp tiến của Nhật bản. Đại, Khuyển dè dặt hơn: Chúng tôi có thể giúp lương thực, còn giúp khí giới thì phải tuyên chiến với Pháp, điều rất khó. Phan thất vọng. Lương khuyên hai giải pháp:
- Dùng lời văn để thức tỉnh lòng dân và đánh động dư luận thế giới.
- Về nước cổ động thanh niên xuất dương du học, xây dựng vững nền tảng: dân trí, dân khí và nhân tài.
Nghe Lương, Phan viết Việt nam Vong quốc sử (1905) và nhờ Lương in hộ. Lương nhận lời ngay. Cuối tháng 6, năm Ất Tỵ (1905), Phan Bội Châu và Đặng Tử Kính lén đem 50 bản Việt nam Vong quốc sử về nước. Tác phẩm có tác động như quả bom thứ nhì sau Lưu Cầu huyết lệ tân thư.
1905 còn là cái mốc quan trọng trong tình hình thế giới: Nhật thắng Nga tại eo biển Đối Mã: Người da vàng lấy lại niềm tin, biết có thể thắng được người da trắng đang "làm chủ" thế giới.
Phan Bội Châu về nước với mục đích đem Cường Để và một số sinh viên sang Nhật. Tháng 7 (Ất tỵ, 1905), Phan họp với Đặng Nguyên Cẩn trong một chiếc thuyền trên sông Lam, rồi gặp Ngô Đức Kế (thủ lãnh phong trào Duy Tân và Đông Du Nghệ-Tĩnh) ở Nghèn, bàn việc kinh tài cho phong trào Đông du. Tháng 4/1906, Đặng Nguyên Cẩn và Ngô Đức Kế bắt tay vào việc xây dựng các cơ sở thương mại: Triêu Dương thương quán được thành lập khoảng tháng 11/1906, và các Nông hội, các Học hội khác lần lượt ra đời.
Phan lại lên đường sang Nhật. Gặp lại Lương Khải Siêu, nói đến những khó khăn về việc tìm sinh viên và kiếm trợ cấp. Lương khuyên nên có một bài văn cổ động việc này, Phan viết "Khuyến quốc dân tư trợ du học văn", (Khuyên dân đóng góp cho việc du học), Lương in dùm ngàn trang để gửi về nước. Một lần nữa, tác phẩm của Phan Bội Châu lại gây xao động lòng dân: dân chúng đóng góp và sinh viên bắt đầu tìm đường sang Nhật.
Khuyển giới thiệu Phan với Tôn Dật Tiên. Hội đàm 2 lần. Tôn khuyên Phan nên bỏ quân chủ mà chuyển sang dân chủ, nên liên kết với đảng Quốc dân của Trung Hoa để cùng tranh đấu. Nhưng không đi đến thoả thuận nào.
Đầu năm 1906, Phan Bội Châu trở về Hương Cảng đón Kỳ ngoại Hầu. Hai thủ lãnh đã ở hải ngoại, Duy Tân hội có thể công khai, in rõ chương trình hành động, với ba tiêu chỉ: - Đánh đổ Pháp - Khôi phục Việt nam - Kiến thiết nhà nước quân chủ lập hiến. (Lần này có thêm hai chữ lập hiến).
Đầu năm 1906, Phan Châu Trinh qua Hương Cảng. Gặp Phan Bội Châu ở Quảng Đông. Rồi cùng sang Nhật. Trong khoảng một tháng ở chung với nhau tại Nhật, hai người đã tranh luận sôi nổi về đường lối cứu nước, nhưng hai hướng đi đối lập nhau, không thể dung hoà.
Phan Bội Châu: "Cụ thì muốn đánh đổ quân chủ, mà cốt vun trồng nền tảng dân quyền. Dựa vào Pháp mà đánh đổ quân chủ. Còn ý tôi thì muốn đánh đổ người Pháp trước, chờ nước mình độc lập rồi, mới bàn đến việc khác. Vì thế, đương lúc đánh với Pháp, phải lợi dụng quân chủ. (...) Cụ thì muốn dựa vào Pháp đánh đổ vua, tôi ưng theo lối bài Pháp phục Việt, sở dĩ mâu thuẫn với nhau là như thế" (Phan Bội Châu niên biểu tức Tự Phán).
Phan Châu Trinh: "Một là đảng "cách mạng", một là đảng "tự trị". Nguồn phát khởi đảng "cách mạng" là Phan Bội Châu. Đảng "tự trị" người phát khởi là Phan mỗ mỗ- Phan Bội Châu chủ trương bạo động- Tôi xướng thuyết dựa vào người Pháp để tự lập" (Phan Châu Trinh, Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam - Nước Việt Nam mới sau khi liên hiệp với Pháp).
Tuy hai lãnh tụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh có hai đường hướng chính trị đối lập nhau, nhưng phần lớn trí thức nho học ủng hộ cả hai phong trào Đông du của Phan Bội Châu và Duy tân của Phan Châu Trinh: Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn, Lương Văn Can, v.v... Đó là sức mạnh của hai phong trào.
Phan Châu Trinh thấy không thể nhờ Nhật, về nước, xúc tiến việc mở rộng phong trào Duy Tân, tổ chức Đông Kinh Nghiã Thục và từ đây con đường của hai người chia hai ngả:
Phan Bội Châu trở lại Hoành Tân, thảo Hải ngoại huyết thư và viết Kính cáo toàn quốc phụ lão văn thay lời Cường Để, hiệu triệu đồng bào. Lại một lần nữa, ngòi bút của Phan Bội Châu tác dụng lên quần chúng, nhất là người dân Nam Kỳ rất gắn bó với triều Nguyễn, sự đóng góp cho Duy Tân Hội và Kỳ ngoại Hầu cao nhất trong nước.
Năm 1908, cách mạng Việt Nam chịu những tổn thất nặng nề:
- Ở trong nước, phong trào chống thuế ở miền Trung (Trung Kỳ dân biến), do ảnh hưởng Hải ngoại huyết thư của Phan Bội Châu, bị đàn áp dã man. Đông Kinh Nghiã Thục và một loạt các trường học, hãng buôn của phong trào Duy Tân và Đông Du bị đóng cửa. Các lãnh tụ Duy Tân và Đông Du: Nguyễn Thành, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn, Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh... đồng loạt bị bắt, bị đi đầy. Riêng Trần Quý Cáp, thầy học của Phan Khôi, bị xử chém ngang lưng ở chợ Cạn tỉnh Khánh Hoà do lệnh của Bố chánh Phạm Ngọc Quát. Cái chết bi thảm của Trần Quý Cáp có lẽ là một trong những lý do khiến Phan Khôi sau này phê bình gay gắt tính chất bạo động của các cuộc nổi dậy chống Pháp: Trung kỳ dân biến (1908) và Xô-Viết Nghệ-Tĩnh (30-31).
- Ở ngoài nước, tháng 2 năm Kỷ Dậu (1909), Nhật bắt tay với Pháp, trục xuất Phan Bội Châu, Cường Để và các sinh viên du học. Phan Bội Châu lánh sang Trung Hoa.
1911, Cách mạng Tân Hợi của Tôn Dật Tiên thành công, đem lại nguồn hy vọng mới.
Tháng 10 năm Tân hợi (1911), Phan Bội Châu Châu tuyên bố "thủ tiêu" Duy Tân hội và lập Việt Nam Quang Phục hội [Khôi phục Việt Nam]. Mua vũ khí và chuyển sang chiến đấu võ trang để khôi phục lãnh thổ.
1913, nhiều vụ bạo động xẩy ra ở trong nước do Quang Phục Hội lãnh đạo, nhưng không đem lại kết quả mong muốn. Pháp đàn áp gắt gao. Quần chúng trước ủng hộ Phan Bội Châu, nay ngần ngại. Ảnh hưởng đấu tranh bất bạo động của Phan Châu Trinh, một thời bị lu mờ vì Phan Bội Châu, nay trở lại.
Từ đây, kháng chiến chống Pháp bước sang giai đoạn thứ ba: đòi tự do dân chủ và độc lập bằng ngòi bút. Phan Văn Trường khởi động tại Pháp 1912, lập Hội Đồng bào Thân Ái. Cùng Phan Châu Trinh lãnh đạo phong trào Việt kiều. Tháng 6/1919, ông viết bản Thỉnh nguyện thư của dân tộc An Nam, ký tên Nguyễn Ái Quấc, gửi Hội nghị Hoà bình ở Versailles, công khai đòi tự do dân chủ.
Phan Bội Châu không chỉ là nhà chính trị mà còn là nhà văn, nhà thơ lỗi lạc. Tác phẩm của ông có tác dụng khơi động tinh thần ái quốc của toàn dân. Từ ông, phát sinh dòng cách mạng bạo động: Lương Ngọc Quyến, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Hải Thần, Hồ Chí Minh, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam...
Phan Châu Trinh, chủ trương con đường duy tân, dân chủ, tự lực, tự cường. Từ ông, phát xuất các phong trào tranh đấu bất bạo động, bằng ngòi bút: Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Hồ Hữu Tường, Phan Khôi... và ngày nay, sau một thế kỷ, vẫn còn chưa thực hiện được.
Lương Ngọc Quyến
Một trong những sinh viên Đông du đầu tiên: Lương Ngọc Quyến
Trong số những sinh viên đầu tiên vượt biển sang Nhật, có anh em Lương Ngọc Quyến, Lương Nghị Khanh, con Lương Văn Can, hiệu trưởng Đông Kinh Nghiã Thục và Nguyễn Hải Thần, môn đệ của Lương Văn Can, sau này sẽ trở thành lãnh tụ Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội. Lương Ngọc Quyến sẽ đi vào huyền thoại. Là một thanh niên "bụi đời" đầu thế kỷ XX, nghệ sĩ, để tóc dài, sang Nhật, học trường quân sự Chấn Võ. Đi "ăn mày" để quyên tiền cho sinh viên Đông du. Tự do, quật khởi, bất khuất. Nhiều năm bôn ba ở Trung Hoa, tìm cách mộ binh đánh Pháp.
Theo Đào Trinh Nhất và Nguyễn Hiến Lê, năm 1915 Lương Ngọc Quyến bị bắt ở Hương Cảng, giải về Hà Nội, giam ở nhiều nơi, rồi đưa lên Thái Nguyên. Darbes, công sứ Thái Nguyên, nổi tiếng bạo ngược nhất đất Bắc, sai dùi bàn chân Lương Ngọc Quyến buộc vào xích sắt. Dù vậy, Quyến vẫn liên lạc với viên đội khố xanh Trịnh Cấn. Đêm 30/8/1917, Trịnh Cấn phá ngục, chiếm đồn, cõng Lương Ngọc Quyến ra để chỉ huy. Nghiã quân làm chủ Thái Nguyên từ 30/8 đến 5/9, lấy cờ năm sao làm quốc kỳ, đặt quốc hiệu là Đại Hùng đế quốc, công bố hai bài tuyên ngôn với quốc dân. Khi quân Pháp tiến đánh, biết thế không giữ nổi, không chịu theo cáng để rút lui, Lương Ngọc Quyến nhờ Trịnh Cấn bắn một phát vào ngực ngày 5/9. Lương để lại bài Cảm tác trước khi mất, lời thơ hùng tráng, bi phẫn. Đội Cấn rút quân chống cự với Pháp thêm mấy tháng nữa. Ngày 5/1/1918, bị vây và bị thương ở Pháo Sơn, chung quanh chỉ còn 4 thủ hạ, Trịnh Cấn tự bắn vào bụng. Hai cái chết oanh liệt bi tráng vào bậc nhất trong lịch sử cách mạng dân tộc. Ngô Đức Kế lúc ấy đang bị tù ở Côn Đảo, làm sáu bài thơ tứ tuyệt chữ Hán tựa đề Thái Nguyên thất nhật Quang Phục ký.
Lương Ngọc Quyến trở thành thần tượng của Nguyễn An Ninh và khởi nghiã Thái Nguyên 1917 dẫn đến khởi nghiã Nguyễn Thái Học 1930.
Phan Châu Trinh và Phong trào Duy Tân
Phong trào Duy Tân chủ trương bất bạo động, khôi phục đất nước bằng con đường nâng cao dân trí, cải tổ xã hội về mọi mặt, kinh tế, giáo dục và văn hoá: Mở mang kinh tế, lập các nhà buôn lớn để tự lực, mở trường dạy học hiện đại: dạy quốc ngữ, bỏ từ chương, thêm khoa học và sinh ngữ. Chọn nền chính trị dân chủ.
Nguyên nhân xa: Tinh thần duy tân bắt nguồn từ những bản điều trần của Phạm Phú Thứ (1821-1882), Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) dâng vua Tự Đức (1829-1883).
Nguyên nhân gần: Tinh thần duy tân bắt nguồn từ Nguyễn Lộ Trạch (1852-1895) với văn bản Thiên hạ đại thế luận (1892) viết trước khi Tân thư ra đời tại Trung Hoa. Các lãnh tụ Đông Du và Duy Tân, đều đọc và chịu ảnh hưởng của văn bản này trước khi đọc Tân Thư của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu (giới thiệu và dịch Rousseau, Montesquieu sang chữ Hán). Thiên hạ đại thế luận nay đã mất, qua Huỳnh Thúc Kháng, chúng ta có thể biết những điểm chính của bài đại luận:
a- Nước mạnh hay yếu là tại chánh giáo chứ không phải tại lớn nhỏ. (Chánh giáo là nền giáo dục lấy chánh đạo để đào tạo sĩ phu và quốc dân).
b- Trình bày tình trạng tê liệt của nước Trung Hoa. Người Việt Nam đừng trông mong gì nước ấy giúp mình nữa. Chỉ có nước nào biết Duy Tân mà tự cường như Nhật Bản mới mở mặt được.
c- Bàn về cái lẽ suy nhược của Việt Nam.
d- Việt Nam muốn cứu lại nước, không thể theo đường cũ mà phải:
1- Chấn chỉnh chánh giáo.
2- Duy Tân, mở mang mọi phương diện nông, công, thương, kỹ thuật khoa học của Âu Tây.
3- Chờ cơ hội thuận lợi mà cứu nước.
Sau khi trình bày bài luận trên, Huỳnh Thúc Kháng còn viết: "40 năm về trước [tức là năm 1892], mà học giới ta nước ta có người đại văn hào viết bài đại luận tình lý đã xác thực châu đáo mà văn thể cũng hùng kiện, không đáng gọi là Khang, Lương của nước ta hay sao? Chính cụ Sào Nam, cụ Tây Hồ và phần nhiều trong đám tiên thời nhân vật ở xứ ta sở đắc ảnh hưởng của bài ấy rất là sâu xa mật thiết, không kém gì sách Lương, Khang kia" (Theo Nguyễn Văn Xuân, Phong trào Duy Tân, Lá Bối, 1969, trang 33-34)
Đúng như nhận xét của Nguyễn Văn Xuân: "Đại Thế Luận của Nguyễn Lộ Trạch đưa ra nét chính, phác họa một phong trào Duy Tân còn thô sơ. Phải nhờ Phan Châu Trinh mang chủ thuyết Dân quyền về làm Chánh giáo, phong trào Duy Tân mới thực sự mở màn" (Nguyễn Văn Xuân, sđd, trang 35)
Phan Châu Trinh (1872-1926)
Phan Châu Trinh sinh ngày 9/9/1872, tại làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Cha là Phan Văn Bình, một võ quan ở biên giới vùng núi. Thiếu thời, Phan theo cha học võ và tham dự phong trào Cần Vương. Năm 1887, cha bị lãnh đạo nghi ngờ và xử tử. Phan được anh cả là Phan Văn Cừ trông nom, trở về đi học. Đậu cử nhân năm 1900, phó bảng năm 1901. Bạn học cùng khoá với Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Nguyễn Đình Hiến, Ngô Đức Kế, Nguyễn Sinh Huy (cha của Nguyễn Tất Thành). Tất cả đều đỗ đạt cao. Năm 1903, Phan được bổ Thừa biện Bộ Lễ. Nhưng ông chỉ làm việc hơn một năm rồi xin từ chức.
Tháng 2 năm 1905, Phan Châu Trinh cùng Trần Quý Cáp (1874-1908), Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) tổ chức một chuyến "du Nam" để quan sát tình hình và cổ động tinh thần duy tân. Qua Bình Định, gặp kỳ thi, cả ba mạo danh vào thi. Đề thi là Chí thành thông thánh (Lòng thành động đến thánh hiền). Phan làm bài thơ còn Trần và Huỳnh làm bài phú Danh sơn lương ngọc (Núi có danh sản xuất ra ngọc tốt - Núi có danh vì có người hiền tài). "Bài thơ và bài phú gây chấn động trong giới nho sanh, không khác nào một tiếng sấm nổ rền giữa lúc trời quang mây tạnh" (Lam Giang, Trần Quý Cáp, Đông A, Sàigòn, 1970, trang 148).
Hai tác phẩm này sẽ trở thành văn bản phát động phong trào Duy Tân. Rời Bình Định, ghé Cam Ranh xem hạm đội Nga đậu ở trong vịnh, rồi vào Bình Thuận. Trần và Huỳnh xem xét tình hình rồi về Quảng. Phan bị ốm ở lại Phan Thiết, vận động nhóm duy tân Phan Thiết: Năm 1905, Nguyễn Trọng Lợi mở hội Thanh niên thể dục và tư thục Dục Thanh, dạy học theo tinh thần mới, mời Lương Thúc Kỳ, nhạc phụ của Phan Khôi vào dậy. Phí tổn do công ty cá mắm Liên Thành của Nguyễn Trọng Lợi chu cấp. Đó là những cơ sở đầu tiên của phong trào Duy tân trên đất nước.
1906, Phan Châu Trinh ra Bắc, liên lạc với Lương Văn Can và các thân sĩ Bắc Hà để lập cơ sở Duy tân ở Bắc (sẽ là trường Đông Kinh Nghiã Thục), gặp Đề Thám, sang Quảng Châu gặp Phan Bội Châu rồi cùng sang Nhật. Quan sát tình hình chính trị và dân trí nước Nhật, bàn luận với Phan Bội Châu, biết không cùng chí hướng: Phan Châu Trinh về nước, xúc tiến con đường Duy Tân.
Trở về nước, tháng 10/1906, Phan Châu Trinh gửi cho toàn quyền Paul Beau bản "Đầu Pháp chính phủ thư" (Thư gửi cho nhà cầm quyền Pháp), lên án gắt gao triều đình và quan lại. Vì bài viết này mà ông bị giới quan lại thâm thù. Rồi ông ra Bắc cùng các đồng chí xúc tiến việc mở Đông Kinh nghiã thục.
Nguyễn Hiến Lê viết: "Cụ Tây Hồ là người mở đường cho phong trào duy tân ở nước nhà. Lập Nghiã thục, một phần công lớn là của cụ, gây tư tưởng mới ở Quảng Nam là cụ, đi khắp nơi diễn thuyết là cụ, khuyên quốc dân cắt tóc là cụ, liệng cái phó bảng mà ra lập hiệu buôn cũng là cụ, bỏ tục nhuộm răng, vận Âu Phục bằng nội hoá thì người đầu tiên cũng lại là cụ" (Nguyễn Hiến Lê, Đông Kinh nghiã thục, Lá Bối, Sàigòn, 1968, trang 85)
Đông kinh nghiã thục
Số 4, Hàng Đào, cửa hiệu của bà Lương Văn Can, trên gác, là nơi hội họp của các nhà cách mạng Lương Văn Can, Tăng Bạt Hổ và các sĩ phu Bắc hà, năm 1906. Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh, trước khi hành sự đều qua luận bàn với nhóm Lương Văn Can. Một "tài liệu học tập" viết năm 1904, không đề tên tác giả, tựa đề "Văn Minh tân học sách" được phổ biến, và năm 1907, Đông Kinh nghiã thục in lại. Tài liệu, sau này sẽ được xác nhận là của Ngô Đức Kế, lý thuyết gia của hai phong trào, người đã dành 5 năm nghiên cứu tư tưởng Tây Phương qua Tân thư. Trường Đông Kinh nghiã thục cũng sẽ được mở ở điạ chỉ này.
Đông kinh nghiã thục: Đông kinh là tên kinh đô Thăng Long thời nhà Hồ. Nghiã thục là dạy không tốn tiền. Vậy chọn tên Đông Kinh là đã ngụ ý theo sự duy tân đất nước của Hồ Quý Ly và theo cả "cách mạng" Hồ Quý Ly nữa chăng? Nếu đúng như vậy, thì Đông Kinh nghiã thục, từ nguồn gốc, đã chủ trương cả hai con đường: cách mạng bạo động và cách mạng văn hoá, tổng hợp hai cách cứu nước khác nhau của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Nguyễn Hiến Lê viết: "Sự thực là có một sự phân công giữa các nhà Nho thời đó và hai phái Duy tân và Bạo động nhắm chung một đích, bổ túc lẫn nhau. Các cụ hẹn với nhau cứ sáu tháng lại khai hội một lần" (Đông Kinh nghiã thục, trang 43)
Mục đích: mở các lớp dạy miễn phí và tổ chức các cuộc diễn thuyết. Tiểu học: Việt văn. Trung và Đại học thêm Hán và Pháp văn. Bỏ lối học từ chương khoa cử mà chú trọng vào thường thức và thực nghiệp. Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn đảm nhiệm việc xin giấy phép mở trường. Lương Văn Can, hiệu trưởng. Nguyễn Quyền, giám học.
Tháng 3/1907, mở hai lớp đầu tiên. Tháng 5/1907, chính thức được giấy phép. Số học sinh tăng gia gấp bội, theo Đào Trinh Nhất có khoảng hơn ngàn người, Nguyễn Hiến Lê cho có lẽ ít hơn. Học trò khắp nơi đến học, Quảng Nam có Phan Khôi, Nguyễn Bá Trác...
Đường lối của Đông Kinh nghiã thục: "cho phép học trò bàn bạc tha hồ, đối đáp tự do" (Văn minh tân học sách). Do đề nghị của Nguyễn Văn Vĩnh, trường lập sân thể dục.
Giáo sư Hán Văn: cụ Kép làng Hương Canh, Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Quyền, Lương Trúc Đàm... Việt Văn, Pháp văn và Toán: Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Trần Đình Đức, Bùi Đình Tá, Phạm Đình Đối...
Trường có ban tu thư để soạn sách và dịch sách lấy. Có máy in. Các sách của trường in ra không còn dấu vết, nhưng những bài ca ái quốc còn truyền tụng lại. Hồi trường mới mở, cuốn Hải Ngoại huyết thư của Phan Bội Châu đã lưu hành khắp nước.
Đông Kinh Nghiã Thục phát động phong trào yêu nước, phổ biến các bài ca yêu nước như Thiết Tiền Ca của thầy đồ Tây Tựu, và qua các buổi diễn thuyết. "Các giáo sư như Dương Bá Trạc, Nguyễn Quyền, Nguyễn Văn Vĩnh thay phiên nhau đăng đàn, nhưng nhà hùng biện nhất vẫn là cụ Tây Hồ. Mỗi lần ở Quảng Nam ra thì cụ đều lại Nghiã thục để diễn thuyết" (NHL, trang 79) Tất nhiên chính quyền thuôc điạ phải đàn áp: Đầu năm 1908, (tháng chạp năm Đinh Mùi) Nghiã thục bị thu giấp phép. Trường hoạt động chưa được một năm, nhưng ảnh hưởng của Đông Kinh nghiã thục vô cùng quan trọng trong thế kỷ XX: Đó là cái nôi đầu tiên xây dựng nền Việt học, mà sau này những cựu học sinh của trường trong đó có Phan Khôi sẽ làm sáng tỏ con đường.
Trung K ỳ dân biến
Tháng 4/1908, khởi phát phong trào Trung Kỳ dân biến, dân chúng nổi dậy chống sưu thuế. Sự đàn áp khốc liệt. Phan Châu Trinh bị bắt ở Hà Nội, giải về Huế. Vì đám quan lại, đã có thù sẵn, ông bị kết án tử hình. Hội Nhân Quyền can thiệp, đổi thành án đầy Côn Đảo. Năm 1911, Hội Nhân quyền can thiệp lần nữa, ông được đưa về quản thúc tại Mỹ Tho. Phan Châu Trinh phản đối, đòi: hoặc đưa về Côn Lôn hoặc cho sang Pháp. Chính phủ bảo hộ chấp nhận cho sang Pháp. Tháng 4/1911, ông và con trai 12 tuổi là Phan Châu Dật được sang Pháp. Với trợ cấp hàng tháng 450 francs. Sống rất chật vật. Phan ở một hôtel xoàng và gửi con trọ học ở tỉnh nhỏ.
Tại Paris, Phan viết Trung Kỳ dân biến thỷ mạt ký điều trần với chính phủ Pháp nỗi đau khổ của người dân, vì sưu cao thuế nặng mà phải nổi lên chống thuế, rồi bị đàn áp dã man, mong chính quyền thuộc địa thay đổi chính sách.
Gặp Phan Văn Trường năm 1912, trong khuôn khổ hoạt động của hội Đồng Bào thân Ái, trở thành bạn đồng hành trong suốt thời gian còn lại của cuộc đời. 1914-1915, bị bắt, bị giam trong ngục Santé 11 tháng, cùng thời gian với Phan Văn Trường vì tội "Âm Mưu chống chính quyền Pháp". Ra tù, Pháp cắt tiền viện trợ hàng tháng, với hy vọng: không biết tiếng Pháp, không có nghề, bắt buộc ông phải về nước. Nhưng Phan học nghề rửa và sửa ảnh và sống tự túc được. Ở Paris và Pons. Tiếp tục hoạt động trong Hội Người An Nam yêu nước.
Phan Châu Trinh cùng với Phan Văn Trường là hai con chim đầu đàn của nhóm Ngũ Long. Phan thường lên Bộ thuộc điạ, đưa những thỉnh nguyện mỗi khi có vấn đề liên quan đến Việt Nam.
Mặt trận chống Pháp tại Pháp- nhóm Ngũ Long
Từ 1912 trở đi, một mặt trận chống Pháp thứ ba hình thành ở Pháp và tiếp tục ở Nam Kỳ: Trực tiếp đòi thực hiện dân chủ và nhân quyền tại Việt nam, trên báo chí tiếng Pháp, tại Paris và tại Sàigòn, do các nhà cách mạng Tây học lãnh đạo, mặt trận này có thể chia làm ba thời kỳ:
- Phan Văn Trường (1878- 1933) sáng lập hội Đồng Bào Thân Ái (1912-1916). Gặp và cộng tác với Phan Châu Trinh. Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh bị bắt (1914-1915) bị tù 11 tháng. Hội Đồng bào Thân ái phải giải tán.
- Hội Người An Nam Yêu Nước ra đời (khoảng 1916). Một bút hiệu mới xuất hiện: Nguyễn Ái Quấc, tên chung của Nhóm Ngũ Long (Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Tất Thành). Ngòi bút Nguyễn Ái Quấc hoạt động mạnh từ giữa năm 1919 đến 1923, trên các báo tại Paris, đặc biệt trên tờ Le Paria từ 1922 đến 1925.
- Mùa thu 1922, Nguyễn An Ninh về nước. Cuối năm 1923 ra tờ La Cloche Félée (Chuông Rè), tại Sàigòn. Tháng 6/1923, Nguyễn Tất Thành đi Nga không trở lại. 1924 và 1925, Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh về nước. Nguyễn Thế Truyền ở lại Paris, tiếp tục hoạt động trong tờ Le Paria. 1926, Truyền ra tờ Việt Nam Hồn (tiếng Việt). 1927, Truyền lập đảng Việt Nam Độc Lập. Cuối năm 1927, Nguyễn Thế Truyền về nước , trao đuốc lại cho nhóm Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Hồ Hữu Tường (cả ba là môn đệ của Nguyễn An Ninh) tiếp tục tranh đấu... sau hình thành nhóm Tả Đối lập (Trốt kít), mở ra một thời kỳ mới, chống Pháp trên đất Pháp và tại Việt nam tới 1945.
Nguyễn An Ninh và Nhóm Trốt kít tiêu biểu cho những trí thức trẻ, phần lớn người Nam, miền đất "của Pháp", xuất thân trường Pháp, xuất sắc về học, thâm hiểu văn hóa Tây phương, viết và nói tiếng Pháp thành thạo, không có mặc cảm trước người da trắng, tạo cho cuộc đấu tranh chống Pháp thời kỳ thứ ba một sinh lực mới, vượt nội địa, mà những người làm cách mạng gốc nho học, ở Trung và Bắc không thể làm được.
Cha đẻ của phong trào này là nhà cách mạng Phan Văn Trường.
Phan Văn Trư ờng (1878- 1933)
Phan Văn Trường là nhà trí thức có công xây dựng nền móng đầu tiên của phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp. Nhưng công lao của ông hầu như ít ai biết đến. Ông lại mất từ năm 1933, cho nên sau này, mọi việc ông làm được gán cho Hồ Chí Minh, mà hầu như không có ai phản biện.
Phan Văn Trư ờng sinh năm 1878 tại làng Đông Ngạc, tỉnh Hà Đông. Học trường dòng, rồi trường thông ngôn. Làm thông ngôn cho Toà Sứ. 1908, đậu ngạch tham tá, biệt phái sang Paris làm giáo sư phụ giảng tiếng Việt (Répétiteur d'Annamite) tại trường Ngôn ngữ Đông phương (Ecole des Langues Orientales) và học Luật. 1912, xong cử nhân, ông ghi tên vào luật sư đoàn, tập sự tại toà Thượng Thẩm Paris.
1912, ông lập hội Đồng bào Thân ái, cơ sở đầu tiên của người Việt yêu nước tại Paris.
Chính phủ thuộc địa trả đũa, đầu tháng 1/1913, hủy khế ước dạy học của ông.
Từ tháng 4/1913, Quang Phục Hội tổ chức các cuộc bạo động ở Bắc và Trung. Ngày 26/4/ 1913, nhân có vụ ném bom một quán cà phê (hay khách sạn) ở Hà Nội, hai sỹ quan Pháp bị chết [bạo động do Nguyễn Khắc Cần và Hán Minh thực hiện], chính quyền bảo hộ bắt anh của Phan Văn Trường là Phan Tuấn Phong (trí thức nho học) và em trai ông là Phan Trường Khiêm, lấy cớ tìm được ở nhà ông Khiêm những thư từ liên lạc với ông Trường, đầy cả hai sang Nouvelle-Calédonie.
Tháng 10/1913, chính quyền thực dân dựng chuyện Kỳ Ngoại Hầu Cường Để gửi thư (thật hay giả?) cho Phan Châu Trinh nhờ Phan Văn Trường dịch sang tiếng Pháp, để sau có cớ dựa vào, buộc hai người vào tội "âm mưu chống Pháp". Mật thám Nguyễn Như Chuyên trà trộn vào làm thân với Phan Châu Trinh và báo cáo (láo) những hoạt động "chống phá nhà nước Pháp" của Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh.
Ngày 13/3/1914, trong khuôn khổ Hội thảo về vấn đề Đông Dương của trường Cao Đẳng Xã Hội (Ecole des Hautes Études Sociales), được mời phát biểu, Phan Văn Trường chọn đề tài: Les revendications indigènes (Những thỉnh nguyện của người bản xứ). Albert Sarraut lo ngại, can thiệp với Bộ Thuộc Địa, không cho Phan Văn Trường diễn thuyết nhưng không thành. Bài diễn văn không nhắm trực tiếp vào những đòi hỏi độc lập dân chủ, vì ông biết đòi lúc này vô ích, ông phê bình đến nguồn cội của chính sách thực dân kiểu Âu châu, thời La Mã, rồi so sánh và đối chất với hệ thống đô hộ kiểu Tàu, là nguồn cội phát xuất đế quốc An Nam. (Hồi ký PVT, trang 112). Bài nói chuyện làm cho thực dân lo ngại.
Thế chiến bùng nổ. Cuối tháng 7/1914, có lệnh tổng động viên, Phan Văn Trường bị gọi đi lính. Đang đóng ở Chartres, ông bị gọi về Paris, giam trong binh ngục Cherche-Midi (12/9/1914). Phan Châu Trinh cũng bị bắt bị giam cùng thời điểm đó tại ngục Santé.
Theo mật báo của Pháp thì Hội Đồng bào Thân ái bị giải tán năm 1916 (Thu Trang, Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911-1925, Đông Nam Á, 1983, trang 43).
Bộ Thuộc địa phái Nguyễn Như Chuyên vào ngục sống cùng Phan Văn Trường để theo dõi và dụ Phan Văn Trường xin ân xá. Ông không chấp thuận.
Tháng 7/1915, vì không hội đủ bằng chứng và do sự bênh vực của Hội Nhân Quyền và của luật sư Marius Moutet, bạn đồng nghiệp của Phan Văn Trường tại toà Thượng thẩm, toà tuyên miễn tố. Phan Văn Trường được gửi về Công binh xưởng Toulouse, làm thông ngôn cho lính thợ. Tại đây ông lại bị quy tội "chủ mưu xui giục" công binh Việt Nam viết đơn xin giải ngũ (trong thế chiến, số thợ và lính từ Việt Nam sang Pháp lên đến khoảng 10000 người).
Từ 1916 đến 1919, Phan Văn Trường và Nguyễn Thế Truyền cùng ở Toulouse. Có nhiều dấu hiệu cho thấy họ đã thành lập hội Người An Nam Yêu nước trong thời gian này.
Tháng 4/1919, được giải ngũ, ông trở lại ở Paris. Luôn luôn bị mật thám theo dõi. Từ thời điểm này địa chỉ số 6 Villa des Gobelins, Quận 13, Paris, nhà Phan Văn Trường, được mật thám coi là trụ sở của Hội Người An Nam Yêu Nước. Nhóm Ngũ Long hoạt động mạnh và bút hiệu Nguyễn Ái Quấc được mật thám chú ý.
Tháng 6/1919 ông viết văn bản nổi tiếng Les revendications du peuple annamite (Bản thỉnh nguyện thư của dân tộc An Nam), ký tên Nguyễn Ái Quấc, do Nguyễn Tất Thành đem đến Hội nghị Hoà bình ở Versailles.
Bản kiến nghị không được Hội nghị Hoà Bình lưu ý, nhưng sẽ được ghi lại như văn bản đầu tiên đòi tự do dân chủ của người Việt gửi đến chính phủ Pháp và Đồng Minh sau thế chiến thứ nhất.
Từ 1921 đến tháng 5/1922 Phan Văn Trường sang Rhénanie, vùng đất Đức thuộc Pháp từ 1793 đến 1914, biện hộ tại toà án binh Mayence. Ngày 3/6/1922, ông trình luận án tiến sĩ, đề tài Essai sur le Code Gia Long (Khảo luận về Luật Gia Long).
Phan Văn Trường rời Pháp ngày 22/12/1923, đến Sàigòn ngày 21/1/1924. Ra Bắc thăm gia đình, rồi trở vào Sàigòn, mở văn phòng chung với luật sư Monin. Diễn thuyết và viết báo. Cộng tác với Nguyễn An Ninh làm báo la Cloche Fêlée- Chuông rè (Chuông nứt) trực tiếp chống chính quyền thuộc địa. Họp nhau viết nhiều bài chỉ trích chính quyền Pháp, nhưng Ninh để cho Trường ký, vì Trường có quốc tịch Pháp, Pháp không dám thẳng tay trừng trị như Ninh (Phương Lan-Bùi Thế Mỹ, Nhà cách mạng Nguyễn An Ninh 1899-1943, Thúy Phương, Sàigòn 1970, trang 153). Ngày 26/11/1925, Phan Văn Trường thay Dejean (Jean de la Bâtie) làm giám đốc tờ Chuông Nứt, trước kia báo ra hàng tuần, bây giờ mỗi tuần hai lần. Với các bài viết và các buổi diễn thuyết, nhóm Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm... khuynh đảo tình hình chính trị tại Nam Kỳ.
Vì vụ tổ chức mít-tinh ở Vườn Xoài, Ninh bị bắt ngày 20/3/1926. Phan Văn Trường tiếp tục Chuông rè, mở rộng với nhóm Đệ tứ và đổi thành L'Annam từ 1/5/1926. L'Annam ra tới tháng 2/1928, phải đình bản, vì, Phan Văn Trường bị toà Tiểu hình Sàigòn kết án 2 năm tù ngày 27/3/1928 (Ngô Văn, Việt nam 1920-1945, L'Insomniaque, 2000, trang 64-65).
Vì những "tội" sau đây:
- Báo An Nam năm 1926, đăng bản kêu gọi Hội Quốc Liên của báo Việt Nam Hồn và đảng Phục Việt (báo và đảng của Nguyễn Thế Truyền ở Pháp), đòi quyền độc lập cho Việt Nam.
- Đăng một bài trích báo L'Humanité Paris, xúi giục quân lính Việt Nam ở Trung Hoa bất tuân lệnh.
- Cổ động dân chúng làm lễ truy điệu Lương Văn Can.
Toà Thượng Thẩm y án. Phan Văn Trường chống lên toà Phá Án Paris và sang Pháp để tự biện hộ. Toà Phá Án y án. Phan Văn Trường vào tù tháng 6/1929. Luật sư Marius Moutet, dân biểu đảng Xã Hội, vận động ân xá. Phan Văn Trường được trả tự do tháng 2/1930. Ông về nước, mở phòng cố vấn pháp luật tại Sàigòn. 1933 ông ra Bắc thăm gia đình và mất tại Hà Nội ngày 22/4/1933 vì bệnh đau gan. (Theo Đặng Hữu Thụ, Thân thế và sự nghiệp nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền, tác giả xuất bản, Melun, Pháp, 1993, trang 35-36)
Phan Văn Trường để lại cuốn hồi ký tựa đề Une histoire de conspirateurs annamites à Paris ou la vérité sur L'indochine [Câu chuyện những người An Nam âm mưu (chống Pháp) tại Paris hay Sự thật về Đông dương] đăng từng kỳ trên báo La Cloche Fêlée (Chuông rè) từ 30/11/1925 đến 15/3/1926. 1928, nxb Gia Định (Sàigòn) in thành sách và L'Insomniaque, Paris, tái bản 2003.
Nội dung tác phẩm vạch rõ âm mưu thâm độc của chính quyền thực dân, trong cái án gọi là "âm mưu chống Pháp" gán cho Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh, khiến cả hai bị tù 11 tháng, và cho biết rõ hoạt động của Phan Văn Trường tại Pháp. Ngoài ra còn bộc lộ mối tương quan giữa Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh, thấy đường hướng tranh đấu của Phan Văn Trường khác với Phan Châu Trinh: Ngòi bút Phan Châu Trinh chủ yếu đả kích bọn quan lại và triều đình Việt Nam, còn đối với Pháp, ông tin tưởng chính quyền thuộc địa sẽ thay đổi chính sách để giúp VN lấy lại chủ quyền.
Phan Văn Trường tuy kính trọng và khâm phục Phan Châu Trinh, nhưng cho rằng ông quá ngây thơ, quá tin vào chính quyền thuộc địa và cứ tiếp tục đến bộ thuộc địa một cách vô ích.
Bằng ngòi bút và bằng diễn thuyết, Phan Văn Trường đả kích trực tiếp những nhân vật chủ chốt của chính sách thuộc địa như Bộ Trưởng, Toàn Quyền, và toàn bộ hệ thống cai trị thuộc điạ. Ông đào sâu đến chính sách thuộc địa Âu Châu thời La Mã, so sánh với chính sách thuộc địa Á Châu của Trung hoa. Ông tỏ phong thái kiêu hãnh về nền văn minh Đông Phương lâu đời đối diện với một nền văn minh Tây Phương non trẻ. Phan Văn Trường phân biệt rõ dân tộc Pháp mà ông quý mến và kéo làm đồng minh để chống lại bọn dã man giết người là chính quyền thuộc địa. Ông đánh vào lòng tự hào của dân tộc Pháp để họ phải bãi bỏ chính sách thuộc địa dã man không xứng đáng với lịch sử của họ. Phan Văn Trường đối với chính quyền thực dân nguy hiểm hơn Phan Châu Trinh, bởi ông là người có thế lực, được trí thức Pháp biết tiếng. Ông có quốc tịch Pháp và là luật sư, ông hành động công khai theo đúng luật pháp. Khi bắt bẻ Bộ trưởng, hoặc Toàn quyền, ông sử dụng các điều luật trong ngành tư pháp để gọi tội của từng người.
Nguyễn Thế Truyền (1898-1969)
Nguyễn Thế Truyền là khuôn mặt thứ nhì sau Phan Văn Trường trong nhóm Ngũ Long. Nhờ cuốn Thân thế và sự nghiệp nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền của Đặng Hữu Thụ, chúng ta có thể biết rõ về Nguyễn Thế Truyền.
Nguyễn Thế Truyền sinh ngày 17/12/1898 tại làng Hành Thiện, tỉnh Nam Định trong một gia đình khoa bảng nổi tiếng. Cha là Nguyễn Duy Nhạc. Ông là Nguyễn Duy Hàn, tuần phủ Thái Bình, bị hạ sát ngày 12/4/1913, vì bom của Phan Văn Tráng, trong Quang Phục Hội (Phan Bội Châu). Năm 1910, Truyền 12 tuổi, được phó công sứ Thái Bình Dupuy đem về Pháp du học. Vào nội trú trường Parangon (Joinville le Pont, ngoại ô Paris) trực thuộc Alliances françaises do André Salles, cựu thanh tra thuộc địa làm giám đốc. Theo Phan Văn Trường, trường Parangon có mục đích đào tạo những trẻ em thuộc địa để trở thành những "công dân tốt" trung thành với mẫu quốc. Là học sinh xuất sắc, Nguyễn Thế Truyền liên tiếp được học bổng của Alliances françaises từ 1913 đến 1922. Năm 1915, đậu Brevet Supérieur, về nước một năm, học thêm Hán văn, rồi trở lại Pháp học tiếp kỹ sư hóa học (1916-1920) ở Toulouse. 1920, tốt nghiệp, về nước một năm, học tiếp Hán văn. Tháng 8/1921 trở lại Paris, sửa soạn luận án tiến sĩ, học thêm triết (đậu cử nhân triết năm 1922).
Khi mới trở lại Paris, Nguyễn Thế Truyền ở số 3 Champollion, Paris 5. Đầu năm 1922, đến ở nhà Phan Văn Trường, số 6 villa des Gobelins. (Lúc này Phan Văn Trường đi Đức, biện hộ tại toà án binh Mayence từ giữa 1921 đến tháng 5/1922). Khi Phan Văn Trường về Pháp, thì Nguyễn Thế Truyền mướn nhà số 6 Saint Louis en l'Ile, Paris. Kết duyên với cô La Tour, làm y tá, sống chung từ cuối 1922, có bốn con.
Sự tham gia của Nguyễn Thế Truyền vào nhóm Ngũ Long là tất yếu, và ông sẽ là một con Rồng Lớn trong nhóm Ngũ Long. Khuynh đảo chính sách thực dân bằng ngòi bút. Truyền trở thành nhà cách mạng thần tượng gốc Bắc (Nguyễn An Ninh gốc Nam), người đã tích cực thành lập hệ thống báo chí chống Pháp trên đất Pháp, từ giữa năm 1919 đến 1927, đặc biệt trên tờ Le Paria, ông làm chủ bút năm 1925, rồi tờ Việt Nam Hồn do ông sáng lập năm 1926. Trong khi đó, cuối năm 1922, Ninh về nước, lập báo La Cloche Fêlée, mở mặt trận song song chống Pháp tại Sàigòn.
Trong suốt thời gian học và hoạt động ở Pháp (1910-1927), Nguyễn Thế Truyền về nước hai lần (1915 và 1920), mỗi lần ở khoảng một năm, và học chữ Hán trong thời gian này. Tóm lại trong 15 năm ở Pháp, Truyền đã làm cho chính quyền thuộc địa phải đảo điên vì "cậu nghiã tử".
Vậy việc dạy tiếng Pháp cho Thành có lẽ là Truyền và Ninh, nhiều hơn Trường. Bởi Phan Văn Trường không phải là người dễ tính. Đến Phan Châu Trinh khi cần thông ngôn, ông cũng chỉ dịch giúp những buổi phỏng vấn quan trọng, còn để cho sinh viên hoặc người khác làm.
Nguyễn Thế Truyền vào đảng Xã hội, rồi đảng Cộng sản (khoảng 1922 khi viết cho Le Paria). Năm 1925, làm Phó Tổng thư ký hội Liên hiệp thuộc địa (Union intercoloniale) và chủ bút tờ Le Paria (Người cùng khổ). 1926, rời báo Le Paria, làm báo Việt Nam Hồn. 5/1927, ông tách khỏi bộ phận thuộc địa của đảng Cộng sản Pháp và lập đảng An Nam độc lập (Ngô Văn, sđd, trang 43).
Báo Việt Nam Hồn ra công khai từ số 1 (1/1926) đến số 8 (8/1926) thì bị Sarraut, lúc đó là tổng trưởng Nội Vụ, ra lệnh cấm. Vẫn lén lút ra. Sau đổi là Hồn Việt Nam (được bốn số) rồi Việt Nam từ tháng 9/1927. Việt Nam Hồn bị cấm, Truyền ra công khai tờ Phục Quốc.
Hai tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) và Việt Nam Hồn mà Nguyễn Thế Truyền là linh hồn, đã có ảnh hưởng sâu xa đến cách mạng Việt Nam.
Ngày 7/12/1927 Nguyễn Thế Truyền và gia đình, cùng Nguyễn An Ninh lên tàu Chantilly, về nước. Nguyễn Văn Luận thay Nguyễn Thế Truyền quán xuyến mọi việc. 1934, Truyền sang Pháp trở lại, hoạt động đến 1937, về nước. Năm 1941, bị Pháp bắt cùng với em trai ở Nam Định, bị đầy đi Madagascar đến 1946. Nguyễn Thế Truyền mất ngày 19/9/1969 tại Sàigòn.
Việc tìm lại chân dung đích thực của Phan Khôi, đưa chúng ta trở lại tìm hiểu lịch sử chống Pháp đầu thế kỷ XX, môi trường phát xuất một con người. Để:
1) Xác định vị trí Phan Khôi trong văn học và trong lịch sử phức tạp của cuộc kháng chiến chống Pháp
2) Hiểu thái độ Phan Khôi, đôi khi coi thường, đôi khi miệt thị Hồ Chí Minh, khác hẳn với toàn bộ thành viên của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.
3) Hiểu sự thanh trừng và hạ nhục Phan Khôi sau Nhân Văn Giai Phẩm
Muốn hiểu sự đối đầu, gần như khinh mạn này của Phan Khôi đối với Hồ Chí Minh, cần xem lại khung cảnh lịch sử mà hai nhân vật đã sống, để xác định những nét nổi bật của Phan Khôi như một nhà văn hoá đối lập với nhà lãnh tụ Hồ Chí Minh. Một học giả mà công lao xây dựng nền quốc học ngang với Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn.
Bước sang thế kỷ XXI đã 10 năm và đất nước đã thống nhất 35 năm, có lẽ đã đến lúc chúng ta nên sửa soạn viết lại lịch sử Việt nam một cách khoa học và đúng đắn, không thể trông cậy mãi vào các nhà nghiên cứu nước ngoài để tìm lại sự thực về lịch sử dân tộc: Georges Boudarel và gần đây, Heinz Schutte đã viết về Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm (bản dịch trên Talawas) một cách trung thực. Daniel Hémery, Pierre Brocheux đều tìm cách vẽ những chân dung Hồ Chí Minh khác với cách nhìn chính thống. Những công trình này rất bổ ích, nhưng không thể thay thế cho việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam của chính người Việt.
Những điều vô lý trong tiểu sử Hồ Chí Minh, chỉ có thể tháo gỡ qua những tìm kiếm của người Việt, trong sự nhìn lại toàn diện bối cảnh lịch sử, văn hoá Việt Nam mà người ngoại quốc khó có thể thấy được. Về phía người Việt, dường như có một quy ước bất thành văn "không đụng đến bác Hồ", ở một số nhà nghiên cứu phái tả. Lác đác một vài bài của các nhà phái hữu, nhưng thường phiến diện, không có những kiến giải chắc chắn. Cả hai thái độ đều không mang lại cho lịch sử Việt Nam một ánh sáng mới nào.
Đã đến lúc, phải tìm lại chân dung đích thực của những nhà cách mạng, những người đã bị bôi nhọ, chôn vùi như Phan Khôi, bên cạnh những người được sùng bái thái quá như Hồ Chí Minh, để thế hệ sau có những điểm tựa mà đánh giá lại lịch sử, một cách công bằng, trung thực.
Cần vương, Văn thân và Duy tân
1862, Pháp chiếm 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ, triều đình Huế ký hoà ước Nhâm Tuất 1862, nhường đứt cho Pháp: Biên Hoà, Định Tường và Gia Định.Tướng De la Grandière lập trường dạy tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ ở Nam Kỳ. 1867, Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây: Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự tận.
1873, Hà thành thất thủ lần thứ nhất. Nguyễn Tri Phương bị bắt, nhịn ăn mà chết. Triều đình ký hòa ước Giáp Tuất 1874, nhường nốt cho Pháp: Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.
Vua Tự Đức thế cùng, phải chịu, nhưng vẫn trông cậy vào Trung Hoa, hy vọng nhà Thanh sẽ giúp nước ta khôi phục lại lãnh thổ.
1882, Hà thành thất thủ lần thứ hai, Hoàng Diệu tuẫn tiết. Trong tình hình cực kỳ rối ren, vua Tự Đức mất (1883). Nhà Thanh không giúp mà còn bắt tay với Pháp, nhường cho Pháp toàn quyền định đoạt mọi việc ở Việt Nam: hoà ước Giáp Thân (Patenôtre) 1884, nước ta mất quyền tự chủ cả ở Trung và Bắc, hoàn toàn trở thành thuộc địa của Pháp.
Trong 20 năm Pháp chiếm dần nước Việt (1862-1882), ba quan đại thần Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu tuẫn tiết.
Trong suốt thời kỳ bị đô hộ, không lúc nào việc chống Pháp ngừng hẳn. Cuộc kháng chiến bắt đầu bằng các phong trào quốc dân, do các cựu thần và trí thức nho học khởi xướng từ 1862, và kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, của phong trào cộng sản.
- Mục tiêu quốc dân: lấy lại chủ quyền dân tộc, bảo vệ vương quyền và đạo lý Khổng Mạnh. Sau này, hai chữ quốc dân được hiện đại hoá, trở thành quốc gia (nationaliste), bỏ hai vế vương quyền và Khổng Mạnh, chỉ giữ lại quyền lợi của dân tộc.
- Mục tiêu cộng sản: Theo Đệ Tam quốc tế để giành độc lập, thực hiện cách mạng vô sản, đấu tranh giai cấp và xây dựng xã hội chủ nghiã.
Phong trào quốc dân hiện diện dưới ba hình thức: cần vương (cứu vua), văn thân (lấy văn học tiến thân vào đời) và duy tân (đổi mới - réforme).
Thời kỳ đầu, dân còn gắn bó với vua, hình thức cần vương và bạo động nổi trội: Những người khởi xướng phần lớn là các quan hoặc các thân hào, sĩ phu:
1862, mất 3 tỉnh miền đông, Trương Công Định khởi nghiã ở Gò Công. Thủ Khoa Huân ở Định Tường... 1874, mất 3 tỉnh miền Tây, Văn thân khởi nghiã ở Nghệ An, Hà Tĩnh, khẩu hiệu "Bình Tây sát tả" [dẹp Tây, diệt tà (đạo)]. 1885: Tôn Thất Thuyết đánh Pháp ở Mang Cá, truyền hịch Cần vương, đem vua Hàm Nghi ra Quảng Bình, rồi bỏ chạy sang Tàu. Hai con ông là Tôn Thất Thiệp và Tôn Thất Đạm phò vua đến chết (1885-1888). Nguyễn Thiện Thuật khởi nghiã ở Bãi Sậy (1885-1889). Phan Đình Phùng lập đảng Văn thân (1885-1895). 1886, Đinh Công Tráng khởi nghiã ở Thanh Hoá. 1988, Kỳ Đồng ở Hải Dương. 1890, Hoàng Hoa Thám dựng chiến khu tự trị ở Yên Thế (1890-1913)...
Đầu thế kỷ XX, cuộc kháng chiến bước sang một cục diện khác với các trí thức nho học:
Phan Bội Châu lập Duy Tân Hội (1904), sau đổi thành Việt nam Quang Phục hội (1911). Phan Châu Trinh lãnh đạo phong trào Duy tân (1905-1908). Quang Phục Hội tổ chức khởi nghiã vua Duy Tân (1916). Lương Ngọc Quyến, Đội Cấn khởi nghiã Thái Nguyên (1917). Nguyễn Thái Học lập Việt Nam Quốc Dân Đảng (1927-1932), theo chủ nghiã Tam dân của Tôn Dật Tiên. Lý Thụy (Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc) lập Việt Nam thanh niên cách mệnh đồng chí hội (1925), tiền thân của đảng Cộng sản, tại Quảng Châu.
Trần Dân Tiên (tức Hồ Chí Minh) trong cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch (nxb Sự thật, 1975) so sánh mục tiêu của hai đảng Quốc dân và Cộng sản như sau:
-"1927 Việt nam Quốc dân đảng của Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu, theo chủ nghiã Tam Dân của Tôn Dật Tiên: -Dân tộc độc lập -Dân quyền tự do -Dân sinh hạnh phúc".
-"Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội và Đảng Cộng sản: -Dân tộc độc lập -Nhân dân tự do -Dân chúng hạnh phúc -Tiến tới chủ nghiã xã hội" (TDT, trang 66-79).
Như vậy, theo Hồ Chí Minh, thì chủ trương của hai đảng này giống nhau, ngoại trừ điểm "tiến tới chủ nghiã xã hội" không có trong mục tiêu Quốc dân Đảng.
Nguyễn Tường Bách (em Nhất Linh) trong Việt Nam một thế kỷ qua (cuốn I, Thạch Ngữ, Cali 1998), tóm tắt các hoạt động cách mạng VN ở Trung Hoa, trong khoảng 1942-1943, như sau:
"Tháng 10/1942, Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội do Trương Bội Công, rồi Nguyễn Hải Thần lãnh đạo, với đại diện của Việt Nam Quốc Dân Đảng, Phục Quốc, Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội (tức Việt Minh, thành lập từ tháng 5/1941) và một số không đảng phái.
Anh Tam lúc này lấy tên là Nguyễn Tường Dũng (đúng như tên anh chàng Dũng trong Đoạn Tuyệt), bị giam vào một hang đá gần Liễu Châu... Một ngẫu nhiên kỳ lạ là trong hang đá ấy, còn một người Việt bị giam nữa, với cái tên là Hồ Chí Minh. Đồng Minh Hội cử hai anh Vũ Hồng Khanh và Nghiêm Kế Tổ đến thăm Nguyễn Tường Tam để hiểu rõ lai do. Về sau Hội quyết định yêu cầu tướng Trương Phát Khuê trả tự do cho anh Tam và cả người Việt cùng bị giam, Hồ Chí Minh, vì đều là người Việt yêu nước phải lưu vong tới đây. Cả hai đều được đưa về hội quán, nhưng không ai rõ Hồ Chí Minh tức là Nguyễn Ái Quốc. Trước đây, Nguyễn Ái Quốc đã từng hoạt động ở Quảng Đông dưới tên là Lý Thụy, trợ tá cho Borodine, cố vấn Liên Xô cho đảng CS Trung Quốc trước và sau công xã Quảng Châu.
Vào năm 1943, Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội đặt kế hoạch hoạt động ở trong nước, phái cán bộ về với với một số tiền hoạt động, Hồ Chí Minh chủ động nhận nhiệm vụ, lãnh người và tiền về nước, hoạt động ở biên giới Cao Bằng, tiến tới lập căn cứ sau này.
Còn Nguyễn Tường Tam cũng rời Liễu Châu đi Côn Minh, sau khi bộ Tư Lệnh Quân Khu 4 phải rút về gần biên giới Việt Nam. Tại đó, anh bắt đầu hợp tác với Vũ Hồng Khanh cùng Hải ngoại bộ VNQĐD, cùng liên lạc với trong nước." (Nguyễn Tường Bách, sđd, trang 140)
Như vậy, đến 1943, Hồ Chí Minh vẫn còn hoạt động dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Hải Thần .
Về cái tên Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Tường Bách viết:
"Ngày 2/9 chính phủ Hồ Chí Minh làm lễ tuyên thệ độc lập ở Quảng trường Ba Đình. Tôi đã biết từ lâu Hồ Chí Minh ngày nay là Nguyễn Ái Quốc mà chúng tôi vẫn khâm phục như một nhân vật thần kỳ thời thiếu niên. Éo le là vận mệnh đã làm cho tôi đứng vào hàng ngũ đối lập" (Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử, Tủ sách nghiên cứu, Montréal, 1981, trang 70)
Không chỉ có Nguyễn Tường Bách mà Đặng Thai Mai cũng viết tương tự:
"Chúng tôi được đọc báo Nhân đạo và những tờ báo Bác Hồ viết ở Pháp như tờ Le Paria. Chúng tôi nhận những sách báo đó qua cụ Ngô Đức Kế, lúc đó đang làm báo Hữu Thanh (...) Kể từ những năm 1925 trở đi, chúng tôi hiểu được Liên Xô hơn vì được đọc các báo Việt Nam hồn, Le Paria, L'Humanité, do thuỷ thủ Pháp, đảng viên đảng Cộng sản đưa vào Sàigòn" (Đặng Thai Mai Hồi ký, Tác phẩm mới, 1985, trang 355)
Tóm lại, những bài ký tên Nguyễn Ái Quốc trên các tờ báo ở Paris, đã có ảnh hưởng lớn đến giới trí thức trẻ trong nước. Nhưng ai là người viết những bài báo này? Nguyễn Tất Thành có phải là tác giả như Hồ Chí Minh đã nhìn nhận hay không? Đó là một sự thực cần tìm hiểu. Có thể nói, huyền thoại Hồ Chí Minh bắt nguồn từ cái tên Nguyễn Ái Quốc, tác giả các bài báo ở Paris thập niên 1920.
Cuộc cách mạng hiện đại đầu thế kỷ XX
Trở lại những năm đầu thế kỷ XX, sau thất bại liên tiếp của các phong trào cần vương và văn thân: một thế hệ kháng chiến mới hình thành với những trí thức khoa bảng nho học, trong hai chuyển động lớn: Phong trào Đông Du (1906-108) do Phan Bội Châu lãnh đạo và Phong trào Duy Tân (1905-1908) do Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng chủ xướng.
Nhờ hai thủ lĩnh Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh, hai phong trào này phát động tinh thần yêu nước, phát sinh hình thức kháng chiến hiện đại của các trí thức nho học, và sẽ là nguồn gốc của các tổ chức kháng chiến sau này.
Còn một phong trào thứ ba, ít được biết đến, vì phần lớn văn bản viết tiếng Pháp, trên đất Pháp. Những người chủ chốt như Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh không theo cộng sản, và hậu duệ của họ là nhóm Đệ tứ, đã bị cộng sản tiêu diệt từ 1945.
Đó là Phong trào chống Pháp của các trí thức Tây học, xuất thân trường Pháp, chống Pháp trên báo chí tiếng Pháp, tại Paris và tại Sàigòn.
Phong trào này do Phan Văn Trường khởi xướng ở Paris, năm 1912, với hội Đồng Bào Thân ái, cùng với Phan Châu Trinh. Sau được ba thanh niên Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Tất Thành tiếp sức, được đồng bào gọi là nhóm Ngũ Long, đã có ảnh hưởng lớn trong việc chống thực dân, tại Pháp những năm 1920, với bút hiệu chung Nguyễn Ái Quấc. Sau họ là nhóm Đệ tứ, gồm những đệ tử của Nguyễn An Ninh như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Hồ Hữu Tường, Huỳnh Văn Phương... tiếp tục tranh đấu đến 1945.
Trong thời kỳ đầu, những phong trào chống Pháp không đối kháng nhau mà cùng hoạt động chung. Đến 1945 mới bị phân liệt, Việt Minh thanh trừng các đảng phái đối lập, thủ tiêu gần trọn nhóm Trốt kít, trừ Hồ Hữu Tường trốn ở Hà Nội nên thoát. Sau khi lên cầm quyền, Hồ Chí Minh, không những gạt bỏ các thành phần đối lập ra ngoài lịch sử chính thống mà còn gán cho họ nhãn hiệu phản quốc.
Lịch sử Phan Khôi và Hồ Chí Minh gắn bó với cả ba phong trào nói trên. Đưa ra những câu hỏi cần phải giải quyết:
- Trong khi hầu hết các thành viên khác của NVGP, vẫn kính nể "bác Hồ", tại sao Phan Khôi lại "dám" đả kích công khai thần tượng Hồ Chí Minh ?
- Sau NVGP, lệnh nhục mạ và bôi nhọ Phan Khôi trong nhiều thập niên đến từ đâu và bởi ai? Sự nhục mạ này dẫn đến cái chết bí ẩn gần như bức tử của Phan Khôi năm 1959.
Phan Khôi và Nguyễn Tất Thành, hai thanh niên nho học được Phan Châu Trinh trông cậy sẽ "kế nghiệp" mình. 1922, thất vọng vì Nguyễn Tất Thành không chịu về nước và chọn con đường cộng sản, Phan Châu Trinh viết bức thư công khai gửi Nguyễn Ái Quốc, gần như đoạn tuyệt. 1925, về nước, Phan Châu Trinh trao di sản tinh thần cho Phan Khôi.
Cuộc đời Phan Khôi gắn bó với lịch sử đấu tranh bất bạo động của phong trào Duy tân, theo truyền thống Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch (1852-1895).
Vì vậy, muốn tìm hiểu tư tưởng của Phan Khôi, cần phải nhìn lại hành trình cách mạng chống Pháp trong thế kỷ XX. Hành trình này bắt đầu với Phan Bội Châu.
Phan Bội Châu
Phan Bội Châu (1867- 1940) sinh ngày 26/12/1867, tại làng Đan Nhiệm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Mất ngày 29/10/1940, tại Huế. Là cha đẻ của nền cách mạng hiện đại trong thế kỷ XX. Chính trị gia, nhưng cũng là nhà văn nhà thơ lớn, văn chương Phan Bội Châu có khả năng thúc giục con người đứng lên cứu nước. Về văn thơ yêu nước, không tác giả nào sánh kịp Phan Bội Châu. Mỗi tác phẩm là một chặng đường. Tác phẩm nào cũng quyền biến cũng "sai bảo" con người phải hành động trước cái nhục nô lệ, mất nước. Trong khi các nhà cách mạng khác tìm cách đánh vào địch thủ, tức là thực dân Pháp, hay bọn quan trường thối nát, thì Phan Bội Châu, trước hết, đánh vào lòng người. Và chính cái lòng người được thúc giục vùng dậy ấy, sẽ đứng lên cứu nước. Phan Bội Châu (cũng như các nhà nho cùng thời) thường viết bằng Hán văn và khi dịch ra quốc ngữ, theo Huỳnh Thúc Kháng, cái hay đã mất đi một nửa, vậy mà ngày nay chúng ta đọc vẫn còn thấy xúc động gai người.
Phan Bội Châu xứng đáng ngôi vị cha già của dân tộc.
Khi Phan ra đời, năm 1867, nước đã mất ba tỉnh Nam Kỳ. Chín tuổi, Phan "tập trận" theo kiểu "bình Tây". 19 tuổi, cùng Trần Văn Lương lập đảng "Sĩ tử cần vương đội", khoảng 100 người, mưu "việc lớn". Pháp đánh Nghệ An, "đội sĩ tử" tan vỡ. Phan ở nhà trông nom cha trong 9 năm và dạy học, nhưng vẫn thầm mưu việc nước. 1900, cha mất, bắt đầu hoạt động: liên kết với các đồng chí của Phan Đình Phùng. Cùng Phan Bá Ngọc (con trai Phan Đình Phùng) và dư đảng Văn thân, tổ chức đánh thành Nghệ An, nhân ngày 14/7/1901 (quốc khánh Pháp), nhưng không thành. Cuối năm 1902, ra Bắc gặp Đề Thám lần đầu. Mùa xuân 1903, gặp Tiểu La Nguyễn Thành cựu đảng viên Cần Vương ở Quảng Nam. Nguyễn Thành khuyên Phan nên tôn vinh một dòng dõi đế vương để có chính nghiã. Phan yết kiến Kỳ Ngoại Hầu Cường Để [Kỳ ngoại hầu là ông hầu ngoài kinh kỳ, tức dòng hoàng tử Cảnh]. Hầu chấp nhận. Phan viết bản Lưu Cầu huyết lệ tân thư (1903) để dò phản ứng của sĩ phu và thuyết phục quan trường [lấy Lưu Cầu, tên một quốc đảo phụ thuộc vào Trung Hoa bị Nhật chiếm năm 1879, làm ẩn dụ]. Văn bản có 5 phần: 1- Nêu sự tủi nhục của người dân mất nước. 2- Cần mở mang dân trí, mưu đồ phục quốc. 3- Phục hưng dân tộc. 4- Đào tạo nhân tài. 5- Kỳ vọng vào các hào kiệt.
Cuối 1903, Phan vào Nam vận động. Đầu 1904, trở về Quảng Nam, họp với Nguyễn Thành và Kỳ Ngoại Hầu, rồi lại ra Bắc gặp Đề Thám, quyết định mở đại hội.
Đầu tháng tư (âm lịch) 1904, khai hội ở nhà trên núi của Nguyễn Thành với Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và hai chục người tâm huyết, bí mật lập Duy Tân hội, tôn Cường Để làm Hội chủ, chủ trương ba điểm:
1- Chiêu mộ đảng viên.
2- Phát sinh bạo động.
3- Cầu ngoại viện.
Về việc cầu viện, không thể nhờ Tàu vì Tàu đã theo Pháp. Tăng Bạt Hổ đã sang Nhật nhiều lần, biết tiếng Nhật, đề nghị nhờ Nhật. Phan Bội Châu được đảng cử sang Nhật.
Ngày 23/2/1905, Phan Bội Châu cùng Tăng Bạt Hổ và Đặng Tử Kính bí mật lên đường đi Hương Cảng rồi Nhật Bản. Gặp Lương Khải Siêu. Lương khuyên: Quý quốc đừng lo không được độc lập mà chỉ lo dân không đủ [khả năng để] độc lập. Có thể nhờ Lưỡng-Quảng viện trợ lương thực và khí giới, nhưng nếu [dân] không có thực lực thì cũng hỏng. Thực lực tức là: Dân trí, dân khí và nhân tài. Phan nói đến việc cầu viện Nhật, Lương gạt đi: Quân Nhật đã một lần vào nước rồi, thì không thể đuổi nó ra được. Lời khuyên của Lương Khải Siêu thật là sâu sắc.
Lương dẫn Phan đến gặp Khuyển Dưỡng Nghị và Đại Ôi, những lãnh đạo chính trị cấp tiến của Nhật bản. Đại, Khuyển dè dặt hơn: Chúng tôi có thể giúp lương thực, còn giúp khí giới thì phải tuyên chiến với Pháp, điều rất khó. Phan thất vọng. Lương khuyên hai giải pháp:
- Dùng lời văn để thức tỉnh lòng dân và đánh động dư luận thế giới.
- Về nước cổ động thanh niên xuất dương du học, xây dựng vững nền tảng: dân trí, dân khí và nhân tài.
Nghe Lương, Phan viết Việt nam Vong quốc sử (1905) và nhờ Lương in hộ. Lương nhận lời ngay. Cuối tháng 6, năm Ất Tỵ (1905), Phan Bội Châu và Đặng Tử Kính lén đem 50 bản Việt nam Vong quốc sử về nước. Tác phẩm có tác động như quả bom thứ nhì sau Lưu Cầu huyết lệ tân thư.
1905 còn là cái mốc quan trọng trong tình hình thế giới: Nhật thắng Nga tại eo biển Đối Mã: Người da vàng lấy lại niềm tin, biết có thể thắng được người da trắng đang "làm chủ" thế giới.
Phan Bội Châu về nước với mục đích đem Cường Để và một số sinh viên sang Nhật. Tháng 7 (Ất tỵ, 1905), Phan họp với Đặng Nguyên Cẩn trong một chiếc thuyền trên sông Lam, rồi gặp Ngô Đức Kế (thủ lãnh phong trào Duy Tân và Đông Du Nghệ-Tĩnh) ở Nghèn, bàn việc kinh tài cho phong trào Đông du. Tháng 4/1906, Đặng Nguyên Cẩn và Ngô Đức Kế bắt tay vào việc xây dựng các cơ sở thương mại: Triêu Dương thương quán được thành lập khoảng tháng 11/1906, và các Nông hội, các Học hội khác lần lượt ra đời.
Phan lại lên đường sang Nhật. Gặp lại Lương Khải Siêu, nói đến những khó khăn về việc tìm sinh viên và kiếm trợ cấp. Lương khuyên nên có một bài văn cổ động việc này, Phan viết "Khuyến quốc dân tư trợ du học văn", (Khuyên dân đóng góp cho việc du học), Lương in dùm ngàn trang để gửi về nước. Một lần nữa, tác phẩm của Phan Bội Châu lại gây xao động lòng dân: dân chúng đóng góp và sinh viên bắt đầu tìm đường sang Nhật.
Khuyển giới thiệu Phan với Tôn Dật Tiên. Hội đàm 2 lần. Tôn khuyên Phan nên bỏ quân chủ mà chuyển sang dân chủ, nên liên kết với đảng Quốc dân của Trung Hoa để cùng tranh đấu. Nhưng không đi đến thoả thuận nào.
Đầu năm 1906, Phan Bội Châu trở về Hương Cảng đón Kỳ ngoại Hầu. Hai thủ lãnh đã ở hải ngoại, Duy Tân hội có thể công khai, in rõ chương trình hành động, với ba tiêu chỉ: - Đánh đổ Pháp - Khôi phục Việt nam - Kiến thiết nhà nước quân chủ lập hiến. (Lần này có thêm hai chữ lập hiến).
Đầu năm 1906, Phan Châu Trinh qua Hương Cảng. Gặp Phan Bội Châu ở Quảng Đông. Rồi cùng sang Nhật. Trong khoảng một tháng ở chung với nhau tại Nhật, hai người đã tranh luận sôi nổi về đường lối cứu nước, nhưng hai hướng đi đối lập nhau, không thể dung hoà.
Phan Bội Châu: "Cụ thì muốn đánh đổ quân chủ, mà cốt vun trồng nền tảng dân quyền. Dựa vào Pháp mà đánh đổ quân chủ. Còn ý tôi thì muốn đánh đổ người Pháp trước, chờ nước mình độc lập rồi, mới bàn đến việc khác. Vì thế, đương lúc đánh với Pháp, phải lợi dụng quân chủ. (...) Cụ thì muốn dựa vào Pháp đánh đổ vua, tôi ưng theo lối bài Pháp phục Việt, sở dĩ mâu thuẫn với nhau là như thế" (Phan Bội Châu niên biểu tức Tự Phán).
Phan Châu Trinh: "Một là đảng "cách mạng", một là đảng "tự trị". Nguồn phát khởi đảng "cách mạng" là Phan Bội Châu. Đảng "tự trị" người phát khởi là Phan mỗ mỗ- Phan Bội Châu chủ trương bạo động- Tôi xướng thuyết dựa vào người Pháp để tự lập" (Phan Châu Trinh, Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam - Nước Việt Nam mới sau khi liên hiệp với Pháp).
Tuy hai lãnh tụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh có hai đường hướng chính trị đối lập nhau, nhưng phần lớn trí thức nho học ủng hộ cả hai phong trào Đông du của Phan Bội Châu và Duy tân của Phan Châu Trinh: Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn, Lương Văn Can, v.v... Đó là sức mạnh của hai phong trào.
Phan Châu Trinh thấy không thể nhờ Nhật, về nước, xúc tiến việc mở rộng phong trào Duy Tân, tổ chức Đông Kinh Nghiã Thục và từ đây con đường của hai người chia hai ngả:
Phan Bội Châu trở lại Hoành Tân, thảo Hải ngoại huyết thư và viết Kính cáo toàn quốc phụ lão văn thay lời Cường Để, hiệu triệu đồng bào. Lại một lần nữa, ngòi bút của Phan Bội Châu tác dụng lên quần chúng, nhất là người dân Nam Kỳ rất gắn bó với triều Nguyễn, sự đóng góp cho Duy Tân Hội và Kỳ ngoại Hầu cao nhất trong nước.
Năm 1908, cách mạng Việt Nam chịu những tổn thất nặng nề:
- Ở trong nước, phong trào chống thuế ở miền Trung (Trung Kỳ dân biến), do ảnh hưởng Hải ngoại huyết thư của Phan Bội Châu, bị đàn áp dã man. Đông Kinh Nghiã Thục và một loạt các trường học, hãng buôn của phong trào Duy Tân và Đông Du bị đóng cửa. Các lãnh tụ Duy Tân và Đông Du: Nguyễn Thành, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn, Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh... đồng loạt bị bắt, bị đi đầy. Riêng Trần Quý Cáp, thầy học của Phan Khôi, bị xử chém ngang lưng ở chợ Cạn tỉnh Khánh Hoà do lệnh của Bố chánh Phạm Ngọc Quát. Cái chết bi thảm của Trần Quý Cáp có lẽ là một trong những lý do khiến Phan Khôi sau này phê bình gay gắt tính chất bạo động của các cuộc nổi dậy chống Pháp: Trung kỳ dân biến (1908) và Xô-Viết Nghệ-Tĩnh (30-31).
- Ở ngoài nước, tháng 2 năm Kỷ Dậu (1909), Nhật bắt tay với Pháp, trục xuất Phan Bội Châu, Cường Để và các sinh viên du học. Phan Bội Châu lánh sang Trung Hoa.
1911, Cách mạng Tân Hợi của Tôn Dật Tiên thành công, đem lại nguồn hy vọng mới.
Tháng 10 năm Tân hợi (1911), Phan Bội Châu Châu tuyên bố "thủ tiêu" Duy Tân hội và lập Việt Nam Quang Phục hội [Khôi phục Việt Nam]. Mua vũ khí và chuyển sang chiến đấu võ trang để khôi phục lãnh thổ.
1913, nhiều vụ bạo động xẩy ra ở trong nước do Quang Phục Hội lãnh đạo, nhưng không đem lại kết quả mong muốn. Pháp đàn áp gắt gao. Quần chúng trước ủng hộ Phan Bội Châu, nay ngần ngại. Ảnh hưởng đấu tranh bất bạo động của Phan Châu Trinh, một thời bị lu mờ vì Phan Bội Châu, nay trở lại.
Từ đây, kháng chiến chống Pháp bước sang giai đoạn thứ ba: đòi tự do dân chủ và độc lập bằng ngòi bút. Phan Văn Trường khởi động tại Pháp 1912, lập Hội Đồng bào Thân Ái. Cùng Phan Châu Trinh lãnh đạo phong trào Việt kiều. Tháng 6/1919, ông viết bản Thỉnh nguyện thư của dân tộc An Nam, ký tên Nguyễn Ái Quấc, gửi Hội nghị Hoà bình ở Versailles, công khai đòi tự do dân chủ.
Phan Bội Châu không chỉ là nhà chính trị mà còn là nhà văn, nhà thơ lỗi lạc. Tác phẩm của ông có tác dụng khơi động tinh thần ái quốc của toàn dân. Từ ông, phát sinh dòng cách mạng bạo động: Lương Ngọc Quyến, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Hải Thần, Hồ Chí Minh, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam...
Phan Châu Trinh, chủ trương con đường duy tân, dân chủ, tự lực, tự cường. Từ ông, phát xuất các phong trào tranh đấu bất bạo động, bằng ngòi bút: Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Hồ Hữu Tường, Phan Khôi... và ngày nay, sau một thế kỷ, vẫn còn chưa thực hiện được.
Lương Ngọc Quyến
Một trong những sinh viên Đông du đầu tiên: Lương Ngọc Quyến
Trong số những sinh viên đầu tiên vượt biển sang Nhật, có anh em Lương Ngọc Quyến, Lương Nghị Khanh, con Lương Văn Can, hiệu trưởng Đông Kinh Nghiã Thục và Nguyễn Hải Thần, môn đệ của Lương Văn Can, sau này sẽ trở thành lãnh tụ Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội. Lương Ngọc Quyến sẽ đi vào huyền thoại. Là một thanh niên "bụi đời" đầu thế kỷ XX, nghệ sĩ, để tóc dài, sang Nhật, học trường quân sự Chấn Võ. Đi "ăn mày" để quyên tiền cho sinh viên Đông du. Tự do, quật khởi, bất khuất. Nhiều năm bôn ba ở Trung Hoa, tìm cách mộ binh đánh Pháp.
Theo Đào Trinh Nhất và Nguyễn Hiến Lê, năm 1915 Lương Ngọc Quyến bị bắt ở Hương Cảng, giải về Hà Nội, giam ở nhiều nơi, rồi đưa lên Thái Nguyên. Darbes, công sứ Thái Nguyên, nổi tiếng bạo ngược nhất đất Bắc, sai dùi bàn chân Lương Ngọc Quyến buộc vào xích sắt. Dù vậy, Quyến vẫn liên lạc với viên đội khố xanh Trịnh Cấn. Đêm 30/8/1917, Trịnh Cấn phá ngục, chiếm đồn, cõng Lương Ngọc Quyến ra để chỉ huy. Nghiã quân làm chủ Thái Nguyên từ 30/8 đến 5/9, lấy cờ năm sao làm quốc kỳ, đặt quốc hiệu là Đại Hùng đế quốc, công bố hai bài tuyên ngôn với quốc dân. Khi quân Pháp tiến đánh, biết thế không giữ nổi, không chịu theo cáng để rút lui, Lương Ngọc Quyến nhờ Trịnh Cấn bắn một phát vào ngực ngày 5/9. Lương để lại bài Cảm tác trước khi mất, lời thơ hùng tráng, bi phẫn. Đội Cấn rút quân chống cự với Pháp thêm mấy tháng nữa. Ngày 5/1/1918, bị vây và bị thương ở Pháo Sơn, chung quanh chỉ còn 4 thủ hạ, Trịnh Cấn tự bắn vào bụng. Hai cái chết oanh liệt bi tráng vào bậc nhất trong lịch sử cách mạng dân tộc. Ngô Đức Kế lúc ấy đang bị tù ở Côn Đảo, làm sáu bài thơ tứ tuyệt chữ Hán tựa đề Thái Nguyên thất nhật Quang Phục ký.
Lương Ngọc Quyến trở thành thần tượng của Nguyễn An Ninh và khởi nghiã Thái Nguyên 1917 dẫn đến khởi nghiã Nguyễn Thái Học 1930.
Phan Châu Trinh và Phong trào Duy Tân
Phong trào Duy Tân chủ trương bất bạo động, khôi phục đất nước bằng con đường nâng cao dân trí, cải tổ xã hội về mọi mặt, kinh tế, giáo dục và văn hoá: Mở mang kinh tế, lập các nhà buôn lớn để tự lực, mở trường dạy học hiện đại: dạy quốc ngữ, bỏ từ chương, thêm khoa học và sinh ngữ. Chọn nền chính trị dân chủ.
Nguyên nhân xa: Tinh thần duy tân bắt nguồn từ những bản điều trần của Phạm Phú Thứ (1821-1882), Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) dâng vua Tự Đức (1829-1883).
Nguyên nhân gần: Tinh thần duy tân bắt nguồn từ Nguyễn Lộ Trạch (1852-1895) với văn bản Thiên hạ đại thế luận (1892) viết trước khi Tân thư ra đời tại Trung Hoa. Các lãnh tụ Đông Du và Duy Tân, đều đọc và chịu ảnh hưởng của văn bản này trước khi đọc Tân Thư của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu (giới thiệu và dịch Rousseau, Montesquieu sang chữ Hán). Thiên hạ đại thế luận nay đã mất, qua Huỳnh Thúc Kháng, chúng ta có thể biết những điểm chính của bài đại luận:
a- Nước mạnh hay yếu là tại chánh giáo chứ không phải tại lớn nhỏ. (Chánh giáo là nền giáo dục lấy chánh đạo để đào tạo sĩ phu và quốc dân).
b- Trình bày tình trạng tê liệt của nước Trung Hoa. Người Việt Nam đừng trông mong gì nước ấy giúp mình nữa. Chỉ có nước nào biết Duy Tân mà tự cường như Nhật Bản mới mở mặt được.
c- Bàn về cái lẽ suy nhược của Việt Nam.
d- Việt Nam muốn cứu lại nước, không thể theo đường cũ mà phải:
1- Chấn chỉnh chánh giáo.
2- Duy Tân, mở mang mọi phương diện nông, công, thương, kỹ thuật khoa học của Âu Tây.
3- Chờ cơ hội thuận lợi mà cứu nước.
Sau khi trình bày bài luận trên, Huỳnh Thúc Kháng còn viết: "40 năm về trước [tức là năm 1892], mà học giới ta nước ta có người đại văn hào viết bài đại luận tình lý đã xác thực châu đáo mà văn thể cũng hùng kiện, không đáng gọi là Khang, Lương của nước ta hay sao? Chính cụ Sào Nam, cụ Tây Hồ và phần nhiều trong đám tiên thời nhân vật ở xứ ta sở đắc ảnh hưởng của bài ấy rất là sâu xa mật thiết, không kém gì sách Lương, Khang kia" (Theo Nguyễn Văn Xuân, Phong trào Duy Tân, Lá Bối, 1969, trang 33-34)
Đúng như nhận xét của Nguyễn Văn Xuân: "Đại Thế Luận của Nguyễn Lộ Trạch đưa ra nét chính, phác họa một phong trào Duy Tân còn thô sơ. Phải nhờ Phan Châu Trinh mang chủ thuyết Dân quyền về làm Chánh giáo, phong trào Duy Tân mới thực sự mở màn" (Nguyễn Văn Xuân, sđd, trang 35)
Phan Châu Trinh (1872-1926)
Phan Châu Trinh sinh ngày 9/9/1872, tại làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Cha là Phan Văn Bình, một võ quan ở biên giới vùng núi. Thiếu thời, Phan theo cha học võ và tham dự phong trào Cần Vương. Năm 1887, cha bị lãnh đạo nghi ngờ và xử tử. Phan được anh cả là Phan Văn Cừ trông nom, trở về đi học. Đậu cử nhân năm 1900, phó bảng năm 1901. Bạn học cùng khoá với Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Nguyễn Đình Hiến, Ngô Đức Kế, Nguyễn Sinh Huy (cha của Nguyễn Tất Thành). Tất cả đều đỗ đạt cao. Năm 1903, Phan được bổ Thừa biện Bộ Lễ. Nhưng ông chỉ làm việc hơn một năm rồi xin từ chức.
Tháng 2 năm 1905, Phan Châu Trinh cùng Trần Quý Cáp (1874-1908), Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) tổ chức một chuyến "du Nam" để quan sát tình hình và cổ động tinh thần duy tân. Qua Bình Định, gặp kỳ thi, cả ba mạo danh vào thi. Đề thi là Chí thành thông thánh (Lòng thành động đến thánh hiền). Phan làm bài thơ còn Trần và Huỳnh làm bài phú Danh sơn lương ngọc (Núi có danh sản xuất ra ngọc tốt - Núi có danh vì có người hiền tài). "Bài thơ và bài phú gây chấn động trong giới nho sanh, không khác nào một tiếng sấm nổ rền giữa lúc trời quang mây tạnh" (Lam Giang, Trần Quý Cáp, Đông A, Sàigòn, 1970, trang 148).
Hai tác phẩm này sẽ trở thành văn bản phát động phong trào Duy Tân. Rời Bình Định, ghé Cam Ranh xem hạm đội Nga đậu ở trong vịnh, rồi vào Bình Thuận. Trần và Huỳnh xem xét tình hình rồi về Quảng. Phan bị ốm ở lại Phan Thiết, vận động nhóm duy tân Phan Thiết: Năm 1905, Nguyễn Trọng Lợi mở hội Thanh niên thể dục và tư thục Dục Thanh, dạy học theo tinh thần mới, mời Lương Thúc Kỳ, nhạc phụ của Phan Khôi vào dậy. Phí tổn do công ty cá mắm Liên Thành của Nguyễn Trọng Lợi chu cấp. Đó là những cơ sở đầu tiên của phong trào Duy tân trên đất nước.
1906, Phan Châu Trinh ra Bắc, liên lạc với Lương Văn Can và các thân sĩ Bắc Hà để lập cơ sở Duy tân ở Bắc (sẽ là trường Đông Kinh Nghiã Thục), gặp Đề Thám, sang Quảng Châu gặp Phan Bội Châu rồi cùng sang Nhật. Quan sát tình hình chính trị và dân trí nước Nhật, bàn luận với Phan Bội Châu, biết không cùng chí hướng: Phan Châu Trinh về nước, xúc tiến con đường Duy Tân.
Trở về nước, tháng 10/1906, Phan Châu Trinh gửi cho toàn quyền Paul Beau bản "Đầu Pháp chính phủ thư" (Thư gửi cho nhà cầm quyền Pháp), lên án gắt gao triều đình và quan lại. Vì bài viết này mà ông bị giới quan lại thâm thù. Rồi ông ra Bắc cùng các đồng chí xúc tiến việc mở Đông Kinh nghiã thục.
Nguyễn Hiến Lê viết: "Cụ Tây Hồ là người mở đường cho phong trào duy tân ở nước nhà. Lập Nghiã thục, một phần công lớn là của cụ, gây tư tưởng mới ở Quảng Nam là cụ, đi khắp nơi diễn thuyết là cụ, khuyên quốc dân cắt tóc là cụ, liệng cái phó bảng mà ra lập hiệu buôn cũng là cụ, bỏ tục nhuộm răng, vận Âu Phục bằng nội hoá thì người đầu tiên cũng lại là cụ" (Nguyễn Hiến Lê, Đông Kinh nghiã thục, Lá Bối, Sàigòn, 1968, trang 85)
Đông kinh nghiã thục
Số 4, Hàng Đào, cửa hiệu của bà Lương Văn Can, trên gác, là nơi hội họp của các nhà cách mạng Lương Văn Can, Tăng Bạt Hổ và các sĩ phu Bắc hà, năm 1906. Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh, trước khi hành sự đều qua luận bàn với nhóm Lương Văn Can. Một "tài liệu học tập" viết năm 1904, không đề tên tác giả, tựa đề "Văn Minh tân học sách" được phổ biến, và năm 1907, Đông Kinh nghiã thục in lại. Tài liệu, sau này sẽ được xác nhận là của Ngô Đức Kế, lý thuyết gia của hai phong trào, người đã dành 5 năm nghiên cứu tư tưởng Tây Phương qua Tân thư. Trường Đông Kinh nghiã thục cũng sẽ được mở ở điạ chỉ này.
Đông kinh nghiã thục: Đông kinh là tên kinh đô Thăng Long thời nhà Hồ. Nghiã thục là dạy không tốn tiền. Vậy chọn tên Đông Kinh là đã ngụ ý theo sự duy tân đất nước của Hồ Quý Ly và theo cả "cách mạng" Hồ Quý Ly nữa chăng? Nếu đúng như vậy, thì Đông Kinh nghiã thục, từ nguồn gốc, đã chủ trương cả hai con đường: cách mạng bạo động và cách mạng văn hoá, tổng hợp hai cách cứu nước khác nhau của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Nguyễn Hiến Lê viết: "Sự thực là có một sự phân công giữa các nhà Nho thời đó và hai phái Duy tân và Bạo động nhắm chung một đích, bổ túc lẫn nhau. Các cụ hẹn với nhau cứ sáu tháng lại khai hội một lần" (Đông Kinh nghiã thục, trang 43)
Mục đích: mở các lớp dạy miễn phí và tổ chức các cuộc diễn thuyết. Tiểu học: Việt văn. Trung và Đại học thêm Hán và Pháp văn. Bỏ lối học từ chương khoa cử mà chú trọng vào thường thức và thực nghiệp. Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn đảm nhiệm việc xin giấy phép mở trường. Lương Văn Can, hiệu trưởng. Nguyễn Quyền, giám học.
Tháng 3/1907, mở hai lớp đầu tiên. Tháng 5/1907, chính thức được giấy phép. Số học sinh tăng gia gấp bội, theo Đào Trinh Nhất có khoảng hơn ngàn người, Nguyễn Hiến Lê cho có lẽ ít hơn. Học trò khắp nơi đến học, Quảng Nam có Phan Khôi, Nguyễn Bá Trác...
Đường lối của Đông Kinh nghiã thục: "cho phép học trò bàn bạc tha hồ, đối đáp tự do" (Văn minh tân học sách). Do đề nghị của Nguyễn Văn Vĩnh, trường lập sân thể dục.
Giáo sư Hán Văn: cụ Kép làng Hương Canh, Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Quyền, Lương Trúc Đàm... Việt Văn, Pháp văn và Toán: Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Trần Đình Đức, Bùi Đình Tá, Phạm Đình Đối...
Trường có ban tu thư để soạn sách và dịch sách lấy. Có máy in. Các sách của trường in ra không còn dấu vết, nhưng những bài ca ái quốc còn truyền tụng lại. Hồi trường mới mở, cuốn Hải Ngoại huyết thư của Phan Bội Châu đã lưu hành khắp nước.
Đông Kinh Nghiã Thục phát động phong trào yêu nước, phổ biến các bài ca yêu nước như Thiết Tiền Ca của thầy đồ Tây Tựu, và qua các buổi diễn thuyết. "Các giáo sư như Dương Bá Trạc, Nguyễn Quyền, Nguyễn Văn Vĩnh thay phiên nhau đăng đàn, nhưng nhà hùng biện nhất vẫn là cụ Tây Hồ. Mỗi lần ở Quảng Nam ra thì cụ đều lại Nghiã thục để diễn thuyết" (NHL, trang 79) Tất nhiên chính quyền thuôc điạ phải đàn áp: Đầu năm 1908, (tháng chạp năm Đinh Mùi) Nghiã thục bị thu giấp phép. Trường hoạt động chưa được một năm, nhưng ảnh hưởng của Đông Kinh nghiã thục vô cùng quan trọng trong thế kỷ XX: Đó là cái nôi đầu tiên xây dựng nền Việt học, mà sau này những cựu học sinh của trường trong đó có Phan Khôi sẽ làm sáng tỏ con đường.
Trung K ỳ dân biến
Tháng 4/1908, khởi phát phong trào Trung Kỳ dân biến, dân chúng nổi dậy chống sưu thuế. Sự đàn áp khốc liệt. Phan Châu Trinh bị bắt ở Hà Nội, giải về Huế. Vì đám quan lại, đã có thù sẵn, ông bị kết án tử hình. Hội Nhân Quyền can thiệp, đổi thành án đầy Côn Đảo. Năm 1911, Hội Nhân quyền can thiệp lần nữa, ông được đưa về quản thúc tại Mỹ Tho. Phan Châu Trinh phản đối, đòi: hoặc đưa về Côn Lôn hoặc cho sang Pháp. Chính phủ bảo hộ chấp nhận cho sang Pháp. Tháng 4/1911, ông và con trai 12 tuổi là Phan Châu Dật được sang Pháp. Với trợ cấp hàng tháng 450 francs. Sống rất chật vật. Phan ở một hôtel xoàng và gửi con trọ học ở tỉnh nhỏ.
Tại Paris, Phan viết Trung Kỳ dân biến thỷ mạt ký điều trần với chính phủ Pháp nỗi đau khổ của người dân, vì sưu cao thuế nặng mà phải nổi lên chống thuế, rồi bị đàn áp dã man, mong chính quyền thuộc địa thay đổi chính sách.
Gặp Phan Văn Trường năm 1912, trong khuôn khổ hoạt động của hội Đồng Bào thân Ái, trở thành bạn đồng hành trong suốt thời gian còn lại của cuộc đời. 1914-1915, bị bắt, bị giam trong ngục Santé 11 tháng, cùng thời gian với Phan Văn Trường vì tội "Âm Mưu chống chính quyền Pháp". Ra tù, Pháp cắt tiền viện trợ hàng tháng, với hy vọng: không biết tiếng Pháp, không có nghề, bắt buộc ông phải về nước. Nhưng Phan học nghề rửa và sửa ảnh và sống tự túc được. Ở Paris và Pons. Tiếp tục hoạt động trong Hội Người An Nam yêu nước.
Phan Châu Trinh cùng với Phan Văn Trường là hai con chim đầu đàn của nhóm Ngũ Long. Phan thường lên Bộ thuộc điạ, đưa những thỉnh nguyện mỗi khi có vấn đề liên quan đến Việt Nam.
Mặt trận chống Pháp tại Pháp- nhóm Ngũ Long
Từ 1912 trở đi, một mặt trận chống Pháp thứ ba hình thành ở Pháp và tiếp tục ở Nam Kỳ: Trực tiếp đòi thực hiện dân chủ và nhân quyền tại Việt nam, trên báo chí tiếng Pháp, tại Paris và tại Sàigòn, do các nhà cách mạng Tây học lãnh đạo, mặt trận này có thể chia làm ba thời kỳ:
- Phan Văn Trường (1878- 1933) sáng lập hội Đồng Bào Thân Ái (1912-1916). Gặp và cộng tác với Phan Châu Trinh. Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh bị bắt (1914-1915) bị tù 11 tháng. Hội Đồng bào Thân ái phải giải tán.
- Hội Người An Nam Yêu Nước ra đời (khoảng 1916). Một bút hiệu mới xuất hiện: Nguyễn Ái Quấc, tên chung của Nhóm Ngũ Long (Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Tất Thành). Ngòi bút Nguyễn Ái Quấc hoạt động mạnh từ giữa năm 1919 đến 1923, trên các báo tại Paris, đặc biệt trên tờ Le Paria từ 1922 đến 1925.
- Mùa thu 1922, Nguyễn An Ninh về nước. Cuối năm 1923 ra tờ La Cloche Félée (Chuông Rè), tại Sàigòn. Tháng 6/1923, Nguyễn Tất Thành đi Nga không trở lại. 1924 và 1925, Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh về nước. Nguyễn Thế Truyền ở lại Paris, tiếp tục hoạt động trong tờ Le Paria. 1926, Truyền ra tờ Việt Nam Hồn (tiếng Việt). 1927, Truyền lập đảng Việt Nam Độc Lập. Cuối năm 1927, Nguyễn Thế Truyền về nước , trao đuốc lại cho nhóm Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Hồ Hữu Tường (cả ba là môn đệ của Nguyễn An Ninh) tiếp tục tranh đấu... sau hình thành nhóm Tả Đối lập (Trốt kít), mở ra một thời kỳ mới, chống Pháp trên đất Pháp và tại Việt nam tới 1945.
Nguyễn An Ninh và Nhóm Trốt kít tiêu biểu cho những trí thức trẻ, phần lớn người Nam, miền đất "của Pháp", xuất thân trường Pháp, xuất sắc về học, thâm hiểu văn hóa Tây phương, viết và nói tiếng Pháp thành thạo, không có mặc cảm trước người da trắng, tạo cho cuộc đấu tranh chống Pháp thời kỳ thứ ba một sinh lực mới, vượt nội địa, mà những người làm cách mạng gốc nho học, ở Trung và Bắc không thể làm được.
Cha đẻ của phong trào này là nhà cách mạng Phan Văn Trường.
Phan Văn Trư ờng (1878- 1933)
Phan Văn Trường là nhà trí thức có công xây dựng nền móng đầu tiên của phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp. Nhưng công lao của ông hầu như ít ai biết đến. Ông lại mất từ năm 1933, cho nên sau này, mọi việc ông làm được gán cho Hồ Chí Minh, mà hầu như không có ai phản biện.
Phan Văn Trư ờng sinh năm 1878 tại làng Đông Ngạc, tỉnh Hà Đông. Học trường dòng, rồi trường thông ngôn. Làm thông ngôn cho Toà Sứ. 1908, đậu ngạch tham tá, biệt phái sang Paris làm giáo sư phụ giảng tiếng Việt (Répétiteur d'Annamite) tại trường Ngôn ngữ Đông phương (Ecole des Langues Orientales) và học Luật. 1912, xong cử nhân, ông ghi tên vào luật sư đoàn, tập sự tại toà Thượng Thẩm Paris.
1912, ông lập hội Đồng bào Thân ái, cơ sở đầu tiên của người Việt yêu nước tại Paris.
Chính phủ thuộc địa trả đũa, đầu tháng 1/1913, hủy khế ước dạy học của ông.
Từ tháng 4/1913, Quang Phục Hội tổ chức các cuộc bạo động ở Bắc và Trung. Ngày 26/4/ 1913, nhân có vụ ném bom một quán cà phê (hay khách sạn) ở Hà Nội, hai sỹ quan Pháp bị chết [bạo động do Nguyễn Khắc Cần và Hán Minh thực hiện], chính quyền bảo hộ bắt anh của Phan Văn Trường là Phan Tuấn Phong (trí thức nho học) và em trai ông là Phan Trường Khiêm, lấy cớ tìm được ở nhà ông Khiêm những thư từ liên lạc với ông Trường, đầy cả hai sang Nouvelle-Calédonie.
Tháng 10/1913, chính quyền thực dân dựng chuyện Kỳ Ngoại Hầu Cường Để gửi thư (thật hay giả?) cho Phan Châu Trinh nhờ Phan Văn Trường dịch sang tiếng Pháp, để sau có cớ dựa vào, buộc hai người vào tội "âm mưu chống Pháp". Mật thám Nguyễn Như Chuyên trà trộn vào làm thân với Phan Châu Trinh và báo cáo (láo) những hoạt động "chống phá nhà nước Pháp" của Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh.
Ngày 13/3/1914, trong khuôn khổ Hội thảo về vấn đề Đông Dương của trường Cao Đẳng Xã Hội (Ecole des Hautes Études Sociales), được mời phát biểu, Phan Văn Trường chọn đề tài: Les revendications indigènes (Những thỉnh nguyện của người bản xứ). Albert Sarraut lo ngại, can thiệp với Bộ Thuộc Địa, không cho Phan Văn Trường diễn thuyết nhưng không thành. Bài diễn văn không nhắm trực tiếp vào những đòi hỏi độc lập dân chủ, vì ông biết đòi lúc này vô ích, ông phê bình đến nguồn cội của chính sách thực dân kiểu Âu châu, thời La Mã, rồi so sánh và đối chất với hệ thống đô hộ kiểu Tàu, là nguồn cội phát xuất đế quốc An Nam. (Hồi ký PVT, trang 112). Bài nói chuyện làm cho thực dân lo ngại.
Thế chiến bùng nổ. Cuối tháng 7/1914, có lệnh tổng động viên, Phan Văn Trường bị gọi đi lính. Đang đóng ở Chartres, ông bị gọi về Paris, giam trong binh ngục Cherche-Midi (12/9/1914). Phan Châu Trinh cũng bị bắt bị giam cùng thời điểm đó tại ngục Santé.
Theo mật báo của Pháp thì Hội Đồng bào Thân ái bị giải tán năm 1916 (Thu Trang, Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911-1925, Đông Nam Á, 1983, trang 43).
Bộ Thuộc địa phái Nguyễn Như Chuyên vào ngục sống cùng Phan Văn Trường để theo dõi và dụ Phan Văn Trường xin ân xá. Ông không chấp thuận.
Tháng 7/1915, vì không hội đủ bằng chứng và do sự bênh vực của Hội Nhân Quyền và của luật sư Marius Moutet, bạn đồng nghiệp của Phan Văn Trường tại toà Thượng thẩm, toà tuyên miễn tố. Phan Văn Trường được gửi về Công binh xưởng Toulouse, làm thông ngôn cho lính thợ. Tại đây ông lại bị quy tội "chủ mưu xui giục" công binh Việt Nam viết đơn xin giải ngũ (trong thế chiến, số thợ và lính từ Việt Nam sang Pháp lên đến khoảng 10000 người).
Từ 1916 đến 1919, Phan Văn Trường và Nguyễn Thế Truyền cùng ở Toulouse. Có nhiều dấu hiệu cho thấy họ đã thành lập hội Người An Nam Yêu nước trong thời gian này.
Tháng 4/1919, được giải ngũ, ông trở lại ở Paris. Luôn luôn bị mật thám theo dõi. Từ thời điểm này địa chỉ số 6 Villa des Gobelins, Quận 13, Paris, nhà Phan Văn Trường, được mật thám coi là trụ sở của Hội Người An Nam Yêu Nước. Nhóm Ngũ Long hoạt động mạnh và bút hiệu Nguyễn Ái Quấc được mật thám chú ý.
Tháng 6/1919 ông viết văn bản nổi tiếng Les revendications du peuple annamite (Bản thỉnh nguyện thư của dân tộc An Nam), ký tên Nguyễn Ái Quấc, do Nguyễn Tất Thành đem đến Hội nghị Hoà bình ở Versailles.
Bản kiến nghị không được Hội nghị Hoà Bình lưu ý, nhưng sẽ được ghi lại như văn bản đầu tiên đòi tự do dân chủ của người Việt gửi đến chính phủ Pháp và Đồng Minh sau thế chiến thứ nhất.
Từ 1921 đến tháng 5/1922 Phan Văn Trường sang Rhénanie, vùng đất Đức thuộc Pháp từ 1793 đến 1914, biện hộ tại toà án binh Mayence. Ngày 3/6/1922, ông trình luận án tiến sĩ, đề tài Essai sur le Code Gia Long (Khảo luận về Luật Gia Long).
Phan Văn Trường rời Pháp ngày 22/12/1923, đến Sàigòn ngày 21/1/1924. Ra Bắc thăm gia đình, rồi trở vào Sàigòn, mở văn phòng chung với luật sư Monin. Diễn thuyết và viết báo. Cộng tác với Nguyễn An Ninh làm báo la Cloche Fêlée- Chuông rè (Chuông nứt) trực tiếp chống chính quyền thuộc địa. Họp nhau viết nhiều bài chỉ trích chính quyền Pháp, nhưng Ninh để cho Trường ký, vì Trường có quốc tịch Pháp, Pháp không dám thẳng tay trừng trị như Ninh (Phương Lan-Bùi Thế Mỹ, Nhà cách mạng Nguyễn An Ninh 1899-1943, Thúy Phương, Sàigòn 1970, trang 153). Ngày 26/11/1925, Phan Văn Trường thay Dejean (Jean de la Bâtie) làm giám đốc tờ Chuông Nứt, trước kia báo ra hàng tuần, bây giờ mỗi tuần hai lần. Với các bài viết và các buổi diễn thuyết, nhóm Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm... khuynh đảo tình hình chính trị tại Nam Kỳ.
Vì vụ tổ chức mít-tinh ở Vườn Xoài, Ninh bị bắt ngày 20/3/1926. Phan Văn Trường tiếp tục Chuông rè, mở rộng với nhóm Đệ tứ và đổi thành L'Annam từ 1/5/1926. L'Annam ra tới tháng 2/1928, phải đình bản, vì, Phan Văn Trường bị toà Tiểu hình Sàigòn kết án 2 năm tù ngày 27/3/1928 (Ngô Văn, Việt nam 1920-1945, L'Insomniaque, 2000, trang 64-65).
Vì những "tội" sau đây:
- Báo An Nam năm 1926, đăng bản kêu gọi Hội Quốc Liên của báo Việt Nam Hồn và đảng Phục Việt (báo và đảng của Nguyễn Thế Truyền ở Pháp), đòi quyền độc lập cho Việt Nam.
- Đăng một bài trích báo L'Humanité Paris, xúi giục quân lính Việt Nam ở Trung Hoa bất tuân lệnh.
- Cổ động dân chúng làm lễ truy điệu Lương Văn Can.
Toà Thượng Thẩm y án. Phan Văn Trường chống lên toà Phá Án Paris và sang Pháp để tự biện hộ. Toà Phá Án y án. Phan Văn Trường vào tù tháng 6/1929. Luật sư Marius Moutet, dân biểu đảng Xã Hội, vận động ân xá. Phan Văn Trường được trả tự do tháng 2/1930. Ông về nước, mở phòng cố vấn pháp luật tại Sàigòn. 1933 ông ra Bắc thăm gia đình và mất tại Hà Nội ngày 22/4/1933 vì bệnh đau gan. (Theo Đặng Hữu Thụ, Thân thế và sự nghiệp nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền, tác giả xuất bản, Melun, Pháp, 1993, trang 35-36)
Phan Văn Trường để lại cuốn hồi ký tựa đề Une histoire de conspirateurs annamites à Paris ou la vérité sur L'indochine [Câu chuyện những người An Nam âm mưu (chống Pháp) tại Paris hay Sự thật về Đông dương] đăng từng kỳ trên báo La Cloche Fêlée (Chuông rè) từ 30/11/1925 đến 15/3/1926. 1928, nxb Gia Định (Sàigòn) in thành sách và L'Insomniaque, Paris, tái bản 2003.
Nội dung tác phẩm vạch rõ âm mưu thâm độc của chính quyền thực dân, trong cái án gọi là "âm mưu chống Pháp" gán cho Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh, khiến cả hai bị tù 11 tháng, và cho biết rõ hoạt động của Phan Văn Trường tại Pháp. Ngoài ra còn bộc lộ mối tương quan giữa Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh, thấy đường hướng tranh đấu của Phan Văn Trường khác với Phan Châu Trinh: Ngòi bút Phan Châu Trinh chủ yếu đả kích bọn quan lại và triều đình Việt Nam, còn đối với Pháp, ông tin tưởng chính quyền thuộc địa sẽ thay đổi chính sách để giúp VN lấy lại chủ quyền.
Phan Văn Trường tuy kính trọng và khâm phục Phan Châu Trinh, nhưng cho rằng ông quá ngây thơ, quá tin vào chính quyền thuộc địa và cứ tiếp tục đến bộ thuộc địa một cách vô ích.
Bằng ngòi bút và bằng diễn thuyết, Phan Văn Trường đả kích trực tiếp những nhân vật chủ chốt của chính sách thuộc địa như Bộ Trưởng, Toàn Quyền, và toàn bộ hệ thống cai trị thuộc điạ. Ông đào sâu đến chính sách thuộc địa Âu Châu thời La Mã, so sánh với chính sách thuộc địa Á Châu của Trung hoa. Ông tỏ phong thái kiêu hãnh về nền văn minh Đông Phương lâu đời đối diện với một nền văn minh Tây Phương non trẻ. Phan Văn Trường phân biệt rõ dân tộc Pháp mà ông quý mến và kéo làm đồng minh để chống lại bọn dã man giết người là chính quyền thuộc địa. Ông đánh vào lòng tự hào của dân tộc Pháp để họ phải bãi bỏ chính sách thuộc địa dã man không xứng đáng với lịch sử của họ. Phan Văn Trường đối với chính quyền thực dân nguy hiểm hơn Phan Châu Trinh, bởi ông là người có thế lực, được trí thức Pháp biết tiếng. Ông có quốc tịch Pháp và là luật sư, ông hành động công khai theo đúng luật pháp. Khi bắt bẻ Bộ trưởng, hoặc Toàn quyền, ông sử dụng các điều luật trong ngành tư pháp để gọi tội của từng người.
Nguyễn Thế Truyền (1898-1969)
Nguyễn Thế Truyền là khuôn mặt thứ nhì sau Phan Văn Trường trong nhóm Ngũ Long. Nhờ cuốn Thân thế và sự nghiệp nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền của Đặng Hữu Thụ, chúng ta có thể biết rõ về Nguyễn Thế Truyền.
Nguyễn Thế Truyền sinh ngày 17/12/1898 tại làng Hành Thiện, tỉnh Nam Định trong một gia đình khoa bảng nổi tiếng. Cha là Nguyễn Duy Nhạc. Ông là Nguyễn Duy Hàn, tuần phủ Thái Bình, bị hạ sát ngày 12/4/1913, vì bom của Phan Văn Tráng, trong Quang Phục Hội (Phan Bội Châu). Năm 1910, Truyền 12 tuổi, được phó công sứ Thái Bình Dupuy đem về Pháp du học. Vào nội trú trường Parangon (Joinville le Pont, ngoại ô Paris) trực thuộc Alliances françaises do André Salles, cựu thanh tra thuộc địa làm giám đốc. Theo Phan Văn Trường, trường Parangon có mục đích đào tạo những trẻ em thuộc địa để trở thành những "công dân tốt" trung thành với mẫu quốc. Là học sinh xuất sắc, Nguyễn Thế Truyền liên tiếp được học bổng của Alliances françaises từ 1913 đến 1922. Năm 1915, đậu Brevet Supérieur, về nước một năm, học thêm Hán văn, rồi trở lại Pháp học tiếp kỹ sư hóa học (1916-1920) ở Toulouse. 1920, tốt nghiệp, về nước một năm, học tiếp Hán văn. Tháng 8/1921 trở lại Paris, sửa soạn luận án tiến sĩ, học thêm triết (đậu cử nhân triết năm 1922).
Khi mới trở lại Paris, Nguyễn Thế Truyền ở số 3 Champollion, Paris 5. Đầu năm 1922, đến ở nhà Phan Văn Trường, số 6 villa des Gobelins. (Lúc này Phan Văn Trường đi Đức, biện hộ tại toà án binh Mayence từ giữa 1921 đến tháng 5/1922). Khi Phan Văn Trường về Pháp, thì Nguyễn Thế Truyền mướn nhà số 6 Saint Louis en l'Ile, Paris. Kết duyên với cô La Tour, làm y tá, sống chung từ cuối 1922, có bốn con.
Sự tham gia của Nguyễn Thế Truyền vào nhóm Ngũ Long là tất yếu, và ông sẽ là một con Rồng Lớn trong nhóm Ngũ Long. Khuynh đảo chính sách thực dân bằng ngòi bút. Truyền trở thành nhà cách mạng thần tượng gốc Bắc (Nguyễn An Ninh gốc Nam), người đã tích cực thành lập hệ thống báo chí chống Pháp trên đất Pháp, từ giữa năm 1919 đến 1927, đặc biệt trên tờ Le Paria, ông làm chủ bút năm 1925, rồi tờ Việt Nam Hồn do ông sáng lập năm 1926. Trong khi đó, cuối năm 1922, Ninh về nước, lập báo La Cloche Fêlée, mở mặt trận song song chống Pháp tại Sàigòn.
Trong suốt thời gian học và hoạt động ở Pháp (1910-1927), Nguyễn Thế Truyền về nước hai lần (1915 và 1920), mỗi lần ở khoảng một năm, và học chữ Hán trong thời gian này. Tóm lại trong 15 năm ở Pháp, Truyền đã làm cho chính quyền thuộc địa phải đảo điên vì "cậu nghiã tử".
Vậy việc dạy tiếng Pháp cho Thành có lẽ là Truyền và Ninh, nhiều hơn Trường. Bởi Phan Văn Trường không phải là người dễ tính. Đến Phan Châu Trinh khi cần thông ngôn, ông cũng chỉ dịch giúp những buổi phỏng vấn quan trọng, còn để cho sinh viên hoặc người khác làm.
Nguyễn Thế Truyền vào đảng Xã hội, rồi đảng Cộng sản (khoảng 1922 khi viết cho Le Paria). Năm 1925, làm Phó Tổng thư ký hội Liên hiệp thuộc địa (Union intercoloniale) và chủ bút tờ Le Paria (Người cùng khổ). 1926, rời báo Le Paria, làm báo Việt Nam Hồn. 5/1927, ông tách khỏi bộ phận thuộc địa của đảng Cộng sản Pháp và lập đảng An Nam độc lập (Ngô Văn, sđd, trang 43).
Báo Việt Nam Hồn ra công khai từ số 1 (1/1926) đến số 8 (8/1926) thì bị Sarraut, lúc đó là tổng trưởng Nội Vụ, ra lệnh cấm. Vẫn lén lút ra. Sau đổi là Hồn Việt Nam (được bốn số) rồi Việt Nam từ tháng 9/1927. Việt Nam Hồn bị cấm, Truyền ra công khai tờ Phục Quốc.
Hai tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) và Việt Nam Hồn mà Nguyễn Thế Truyền là linh hồn, đã có ảnh hưởng sâu xa đến cách mạng Việt Nam.
Ngày 7/12/1927 Nguyễn Thế Truyền và gia đình, cùng Nguyễn An Ninh lên tàu Chantilly, về nước. Nguyễn Văn Luận thay Nguyễn Thế Truyền quán xuyến mọi việc. 1934, Truyền sang Pháp trở lại, hoạt động đến 1937, về nước. Năm 1941, bị Pháp bắt cùng với em trai ở Nam Định, bị đầy đi Madagascar đến 1946. Nguyễn Thế Truyền mất ngày 19/9/1969 tại Sàigòn.