5. Nguyễn Chí Thanh, Trần Dần
và Dự thảo đề nghị 32 điểm
Trong cái mùa Đông buồn tầm tã năm 1954/55, một nhóm văn nghệ sĩ và nhà báo đã tụ họp lại, tất cả họ đều là thành viên của Phòng Văn nghệ Quân đội, để bàn về một định hướng tư tưởng-văn hóa mới và rốt cuộc, họ đòi lãnh đạo chấp thuận định hướng này. Quân đội miền Bắc hồi đó được xem như một “trường học về dân chủ”,[83] bởi vì ngay trong thời kỳ kháng chiến vẫn có những cuộc phê phán được phép diễn ra trong hàng ngũ quân đội. Thế nên giờ đây, khi hòa bình đã lập lại, những vấn đề bức xúc càng phải được mang gia thảo luận mạnh mẽ và gấp rút hơn bao giờ hết.và Dự thảo đề nghị 32 điểm
Nhưng điều đó có nghĩa là gì? Phải chăng nhà nước đảng trị đã không nắm được các trí thức quân đội? Hay Đảng ngày đó (còn chưa) xuống tay ngay và đã chấp nhận đa nguyên tư tưởng? Điều chắc chắn là cuộc cách mạng khi ấy còn chưa kết thúc… Trong kháng chiến, trong hàng ngũ quân đội rõ ràng đã hiện diện đủ các thành phần trái ngược nhau và những đại diện cho những thế giới quan và những quan điểm nghệ thuật khác nhau. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, khi cách mạng bắt đầu thắt chặt quyền lực ở các tổ chức chính trị và quần chúng, những khuynh hướng này có cơ bung ra, tràn sang trận địa cách mạng xã hội – và rốt cuộc là trận địa cách mạng văn hóa. Cả bên ngoài quân đội, người ta đã không thể kìm hãm đòi hỏi về việc mở cửa văn hóa lâu hơn được nữa, và trong giới trí thức văn nghệ sĩ mà ai cũng biết ai ở miền Bắc Việt Nam hồi đó, những quan hệ cá nhân giữa nhóm trí thức dân sự và nhóm trí thức quân đội là rất phổ biến. Vài nhà thơ trong số những người tụ họp với nhau trong mùa Đông đầu tiên sau kháng chiến ấy đã biết nhau từ trước trong nhóm làm tạp chí tượng trưng Dạ Đài, tạp chí xuất bản ngay trước khi kháng chiến bùng nổ tháng 11 năm 1946.[84] Họ chịu ảnh hưởng của Verlaine và Rimbaud và họ tuyên ngôn: “Chúng tôi, một lũ người vong gia thất thổ, trót đầu thai nhằm lúc sao mờ…”.[85] Có thể nói rằng, những người đàn ông trẻ tuổi này chưa bao giờ đánh mất tính cá nhân mà họ thừa hưởng từ nền giáo dục “tự do” những năm 30 và 40, cũng như trong kháng chiến, họ đã phải kìm nén năng lượng và sức sáng tạo của mình dưới những đòi hỏi đôi lúc đến độ lên đồng về việc phải đập chết quá khứ. Một trong số những người đó là nhà thơ Trần Dần, người công tác tại Phòng Văn nghệ Quân đội của vị tướng kiêm chính ủy Trần Độ.
Sau chiến thắng, Trần Dần được tướng Trần Độ cử tới Trung Quốc để dựng kịch bản cho một bộ phim về Điện Biên Phủ. Trong chuyến đi này, Trần Dần đã có những va chạm với vị chính ủy quân đội đi cùng ông, người không chỉ canh chừng thái độ chính trị của nhà thơ nóng đầu mà còn đòi phải có tiếng nói quyết định trong các vấn đề nghệ thuật.[86] Sự tranh cãi này có lẽ không phải do mâu thuẫn cá nhân mà chủ yếu là về vấn đề nhiệm vụ của văn nghệ, vấn đề đã luôn được tranh luận gay gắt từ giữa những năm 1940. Ngoài ra, liệu Trần Dần khi ở Trung Quốc có tiếp xúc với những tư tưởng của nhà phê bình văn học mác-xít phóng khoáng Hồ Phong hay không, và do đó có thể coi Trung Quốc như là người cha tinh thần cho các nhà ly khai Việt Nam hay không, là điều có lẽ đã không xảy ra và hoàn toàn thiếu bằng chứng xác thực.[87]
Trần Dần trong phác họa của Nguyễn Sáng
(Nhân văn số 1, 20/9/1956)
Những kinh nghiệm của Trần Dần ở Trung Quốc, sự áp đặt quan điểm văn nghệ của hệ thống chuyên chế Việt Nam thông qua các cán bộ chính trị, và đời sống của văn nghệ sĩ bị kiểm soát chặt chẽ bởi kỉ luật quân đội – một thứ kỉ luật thép có lẽ đã không còn cần thiết sau khi hòa bình lập lại – là những tác nhân chính khiến Trần Dần đòi phải có canh tân (một cách có tổ chức). Khi những đòi hỏi này bị từ chối thì sự bất mãn đã chuyển thành hành động ly khai. Điều đó cũng có nghĩa là, trong những năm 1955-56, Đảng vẫn còn chưa xuống tay hẳn trong việc nắm trọn vẹn giới trí thức.[88](Nhân văn số 1, 20/9/1956)
Tạp chí Học tập của Đảng số tháng 3 năm 1958 (ngay sau các sự kiện kể trên) đăng một bài viết dài dưới nhan đề “Chống chủ nghĩa xét lại trong văn nghệ” của nhà thơ, nhạc sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Thi, Tổng Thư ký Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Bản dịch bài báo này được lưu tại Kho Lưu trữ của Bộ Ngoại giao CHDC Đức.[89] Đây là tài liệu duy nhất được lưu trữ mà tôi tìm được trong đó có nói về nhóm văn nghệ sĩ quân đội, lần đầu tiên đã phê phán cách quản lý cũng như chính sách văn hóa của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Như đã nói, việc phê phán ban đầu chỉ giới hạn vào các điều kiện sống và sáng tác của văn nghệ sĩ trong trong quân đội. Nguyễn Đình Thi cho biết: “Cũng lúc bấy giờ, trong quân đội, một nhóm văn nghệ sĩ như Trần-Dần, Tử-Phác, v.v… đã đòi lập một chi hội văn nghệ độc lập, không chịu sự lãnh đạo chính trị, và lãnh đạo về tổ chức của quân đội. Những quan điểm lệch lạc đó đã bị đánh bại trong một cuộc đấu tranh đầu tiên kéo dài mấy tháng, nhưng thực chất tư tưởng tư sản trong những luận điểm và chủ trương của Lê Đạt hay Trần Dần chưa bị vạch ra trước dư luận.”[90] Trong trích dẫn trên, phần thứ nhất là sự thật, dù thực ra Lê Đạt không phải người trong biên chế quân đội, nhưng phần thứ hai thì sai hoàn toàn. Bởi “những quan điểm lệch lạc” của những nhà canh tân đã không dễ bị đánh bại, cũng như họ đã không hề che giấu công luận hồi đó về “thực chất tư tưởng tư sản” của mình.
Vậy thực ra, điều gì ẩn giấu đằng sau phát biểu của Nguyễn Đình Thi? Đó là vào mùa Đông năm 1954-55, Trần Dần và những người bạn của ông: Tử Phác, Hoàng Cầm, Đỗ Nhuận, Trúc Lâm, Hoàng Tích Linh và vài người nữa đã cùng nhau soạn thảo một văn bản có nhan đề “Dự thảo đề nghị cho một chính sách văn hoá” gồm 32 điểm, trong đó Trần Dần đảm nhiệm vai trò biên tập chính. Họ đã quyết định không gửi Dự thảo này tới các cơ quan văn hóa hoặc các tổ chức Đảng, vì họ e ngại dự án cải cách của mình sẽ bị chìm trong đống giấy tờ hành chính. Thay vào đó, họ đã mời tướng Nguyễn Chí Thanh tới một cuộc gặp mặt không chính thức để lắng nghe và thảo luận về những đề nghị ấy. Tướng Thanh đồng ý. Buổi gặp mặt đáng nhớ ấy đã diễn ra vào một ngày tháng 2 năm 1955 tại tư gia của tướng Nguyễn Chí Thanh ở Hà Nội. Có vẻ như cả nhóm văn nghệ sĩ đều tin rằng, vị tướng quyết đoán và hào sảng này sẽ ủng hộ những đề nghị của họ. Họ cũng tin rằng tướng Trần Độ và đại tá Lê Liêm sẽ ủng hộ hoặc ít nhất cũng châm chước cho những quan điểm của họ. Bên cạnh tướng Thanh, buổi gặp mặt hội đủ các đại diện của nhóm văn nghệ sĩ[91] và còn thêm hai đại diện cao cấp của quân đội: tướng Lê Quang Đạo, Cục trưởng Cục Tuyên huấn Quân đội, và vị phó của ông, đại tá Võ Hương Cường.
Bản đề nghị 32 điểm này không bao giờ được công bố và hiện nay cũng không còn tồn tại bản viết nào nữa. Những người đã tham gia vào buổi gặp mặt đó ở Hà Nội kể lại rằng, Trần Dần đã đọc bản đề nghị một cách nhỏ nhẹ và chậm rãi, và tướng Nguyễn Chí Thanh đã chăm chú nghe. Nhưng khi nghe đến điểm thứ 14 thì vị tướng, luôn được xem là điềm tĩnh và quý trọng văn nghệ sĩ quân đội, đột ngột nổi trận lôi đình. Trước sự kinh hoàng của tất cả những người có mặt, ông đã giận giữ đấm lên mặt bàn và quạt các tác giả của Dự thảo đề nghị về tội tự do tư sản, và rằng họ đã nhiễm những viên đạn bọc đường của chủ nghĩa tư bản. “Mình là công – nông – binh”, ông run người lên, hoàn toàn mất bình tĩnh, “văn nghệ phải phục vụ công – nông – binh…”. Rồi ông vừa hét lên vừa lao ra khỏi phòng.[92] Thế là mối quan hệ đầy tin tưởng giữa vị tướng với các văn nghệ sĩ đã vĩnh viễn chấm dứt. Nỗ lực đối thoại với lãnh đạo quân đội, Đảng và Nhà nước về một chính sách văn hóa mới đã thất bại.
Phải chăng các văn nghệ sĩ đã quá cả tin và ngây thơ chính trị đến mức không nhận ra bản chất sắt đá của vị tướng chính ủy trong vẻ ngoài hào sảng của ông, người trong tư cách là đại diện cho Đảng và quân đội sẽ không bao giờ chấp nhận những đòi hỏi trái với đường lối văn nghệ của Đảng. Trong những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến, văn nghệ sĩ không chỉ được giảng về những nguyên tắc của Mác, Ăng-ghen, Lê-nin và Xta-lin, và đặc biệt là chủ nghĩa Mao như hình mẫu cho các hoạt động văn nghệ. Song hình như họ vẫn còn hoàn toàn tin rằng, khi hòa bình lập lại thì việc tổ chức và quản lý trí thức sẽ được nới lỏng hơn và sự đa dạng tư tưởng sẽ được cho phép. Câu chuyện của các nhân chứng còn sống kể lại có vẻ phù hợp với giả định rằng, chính tướng Thanh cũng đã đột ngột bị hạ gục bởi những viên đạn tư tưởng đắng ngắt của người láng giềng phương Bắc, có điều các văn nghệ sĩ đã hoàn toàn không hay biết. Phải chăng các văn nghệ sĩ đã thực sự tin rằng, chủ nghĩa Mao và thứ chủ nghĩa cộng sản giáo điều chẳng qua chỉ là những công cụ nhất thời trong kháng chiến, và chúng sẽ hết ảnh hưởng khi chiến tranh kết thúc? Rằng chúng sẽ không phải là nền tảng cho một xã hội mới hậu thuộc địa và cách mạng sẽ chấm dứt khi họ trở về Hà Nội? Thực tế có vẻ đúng như vậy. Chẳng hạn Hoàng Cầm cho rằng, chủ nghĩa Mao chỉ mới xuất hiện ở Nguyễn Chí Thanh khi hòa bình lập lại và từ khi trở về Hà Nội. Trong kháng chiến không hề có sự khác biệt hay bất đồng nào giữa họ, vì tất cả đều hướng tới mục tiêu độc lập. Tất cả những thứ khác đều phải đặt dưới mục tiêu này. Ngược lại, sau Điện Biên Phủ, vấn đề là làm sao giữ được quyền lực, và khi đó người ta trở thành Mao-ít.[93] Rồi Hoàng Cầm giải thích khi hồi tưởng lại (như một lời biện hộ?): tư tưởng của nhà thơ không bao giờ chung sống được với ý thức hệ cộng sản. Vì vậy, rạn vỡ là đương nhiên và ly khai là không thể tránh khỏi.[94] Nhưng ông nhấn mạnh rằng, ông và những người bạn của mình chưa bao giờ chống Đảng cả. “Seulement, nous sommes autre que le Parti” – “Chúng tôi chỉ khác Đảng thôi”.
Tuy nhiên chúng ta phải đặt ra một câu hỏi, rằng liệu trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của quân đội hồi đó có những người ủng hộ các nhà canh tân, như nhiều người nói vậy, hay không? Đến nay tướng Giáp vẫn giữ im lặng. Cuối năm 1956, tại một doanh trại quân đội, tướng Giáp đã lưu ý rằng các văn nghệ sĩ Nhân văn – Giai phẩm là những người cá nhân chủ nghĩa.[95] Tuy nhiên, một đồng chí thân cận của ông, đại tá Lê Liêm, nguyên chính ủy mặt trận Điện Biên Phủ, đã nhân danh Bộ Chính trị đến gặp gỡ các văn nghệ sĩ “lệch lạc” và thuyết phục họ trở về với đường lối đúng đắn của Đảng. Cũng như tướng Giáp, Lê Liên và Trần Độ[96] sẽ sớm bị phê phán là ngả theo chủ nghĩa xét lại. Theo tôi, nếu trong giới lãnh đạo quân đội, Đảng và nhà nước có người có cảm tình với một chính sách văn hóa văn nghệ mới thì điều đó có lẽ cũng chỉ xảy ra trong tương quan với cuộc tranh luận về chủ nghĩa xét lại sau Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô.[97] Cuộc tranh luận này đã bộc lộ tất cả những vấn đề mâu thuẫn xung quanh chủ nghĩa Mao và chủ nghĩa xét lại của Khrushchev. Còn thời gian sau chiến thắng 1954, trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng và nhà nước đã không hề có bất kỳ ai có ý định ủng hộ một chính sách văn hóa đa nguyên vì như thế nghĩa là cho văn hóa được giải thoát ra khỏi chức năng duy nhất của nó như là một mặt trận phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Bản Dự thảo của Trần Dần và các văn nghệ sĩ xoay quanh ba điểm:
Thứ nhất: Trả lãnh đạo văn nghệ cho văn nghệ sĩ;
Thứ hai: Thành lập trong quân đội một chi hội văn nghệ trực thuộc Hội Văn nghệ, không qua Cục Tuyên huấn và Tổng cục Chính trị;
Thứ ba: Bỏ mọi chế độ quân sự hiện hành trong văn nghệ quân đội.[98]
Trần Dần đưa ra những đề nghị này nhân danh tập thể. Ông cổ vũ cho một thứ chủ nghĩa hiện thực trung thành với sự thực của xã hội, của con người, và đòi hỏi không gò bó sự thực vào chính sách. Ông nói, “chủ nghĩa hiện thực khuyến khích trăm nhà đua tiếng, cả về nội dung lẫn hình thức”.[99]
Ông cáo buộc các cán bộ chính trị đã dìm chết sáng tạo và nghệ thuật. “Người viết chỉ viết do thôi thúc từ thực tế”, ông viết tiếp, “không phải viết để vừa lòng tuyên huấn, vừa lòng cấp trên”. Và, “cách mạng không cần những người hoan hô nhắm mắt. Những anh hót ca chính sách. Thậm chí những anh ‘thày cúng chính sách’, leng keng bóp méo, nghèo nàn…”. Ông ghi nhận, “có thể nói văn chương hiện nay nhiều cái giả tạo (giả trá nữa)… Tức là người viết đặt ra một cái khuôn nhất định, rồi gò ép mọi sự thực vào đó…Tại sao không viết về cơ quan chẳng hạn? Tại sao sợ viết về tình yêu chẳng hạn? Mà viết tình yêu thì y như đưa ra ái tình hy sinh vì tổ quốc!… Tại sao cứ xuất thân công nông mới đáng viết?” Và ông đòi phải được nói thẳng, nói thật, nói hết.[100]
Những nhà cách tân tuyên bố chống lại thứ chủ nghĩa xã hội mà ở đó Đảng Lê-nin-nít kiểm soát toàn diện các lĩnh vực xã hội, kể cả đời sống riêng tư, nội dung cũng như hình thức sáng tác của văn nghệ sĩ. Bởi “chính trị không thể kiểm soát văn nghệ”,[101] và họ đòi phải có một thứ chủ nghĩa hiện thực cho phép trăm hoa đua nở – như mùa Xuân Praha vậy. Họ muốn có sự đa dạng, mâu thuẫn, khác biệt. Bởi vì “trong mỗi người cũng lại có triệu vấn đề, mỗi vấn đề là một sự thực… mỗi bộ đội, công chức, người viết đều mang trong mình một… tiểu thuyết.”[102] Về văn chương, họ cùng chịu ảnh hưởng của các nhà tượng trưng chủ nghĩa Pháp (Verlaine, Rimbaud), cũng như họ chịu ảnh hưởng của Mayakovsky.
Trong tất cả những cuộc trò chuyện của tôi ở Hà Nội với những nhân vật chính của thời đó, tôi luôn được nghe khẳng định rằng, họ chỉ mong muốn được phép có sự khác biệt, có dân chủ và mở rộng tổ chức văn nghệ trong khuôn khổ của chế độ, chứ họ tuyệt không chống Đảng và nhà nước. Điều này được xác nhận trong một báo cáo của Đại sứ CHDC Đức Pfützner về tình hình Hà Nội cuối năm 1955. Pfützner viết: “Sau khi hòa bình lập lại (Hội nghị Genève 1954), văn nghệ sĩ thuộc tất cả các nhóm khác nhau đều chờ đợi có sự thay đổi chính sách một cách cơ bản và mong được chính phủ và Đảng giúp đỡ. Những năm vừa rồi họ đã được phân cho đủ loại công việc khác nhau. Họ trở thành cán bộ hành chính, cán bộ tổ chức hoặc vẫn là sĩ quan trong quân đội. Ví dụ trong quân đội, họ phải chịu chính sách mệnh lệnh gò bó, khiến cho họ khó lòng mà sáng tác được, thậm chí họ cảm thấy ức chế và bị coi rẻ. Chẳng hạn họ không được thức khuya hơn 9 giờ để dành ít giờ ban đêm cho công việc sáng tác. Tại những cơ quan và tổ chức khác, văn nghệ sĩ cũng gặp phải sự quan liêu cứng nhắc như thế khi họ lặp đi lặp lại những đòi hỏi về việc phải tạo điều kiện cần thiết cho văn nghệ. – Đó là tình hình cách đây khoảng một năm khi các văn nghệ sĩ bắt đầu lớn tiếng bày tỏ sự bất bình.”[103]
Công (hay tội) của các văn nghệ sĩ quân đội là: với Dự thảo đề nghị 32 điểm, lần đầu tiên họ đã trình bày một giải pháp khác cho chính sách văn hóa của Đảng. Báo cáo của Đại sứ Pfützner được trích dẫn trên đây ghi nhận, sau những hy sinh gian khổ trong kháng chiến, giờ đây những “người làm văn hóa” trong quân đội cũng như trong khối dân sự mong Đảng nới lỏng chính sách, cũng như họ mong được cùng Đảng thực hiện sự mở rộng này. Đại sứ Pfützner cũng giải thích tiếp rằng, chỉ sau khi bị các cơ quan hữu trách và giới lãnh đạo tỏ thái độ từ chối một cách tiêu cực, phong trào mới trở nên cực đoan và giới văn nghệ sĩ ngày càng trở nên bất mãn.
Trở lại Mục Lục
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire