mercredi 11 mai 2011

P 01- Heinz Schütte Nhân Văn-Giai Phẩm - Năm mươi năm sau

Bản dịch của talawas
talawas – Tác phẩm Năm mươi năm sau: Trăm hoa đua nở ở Việt Nam 1954-1960 (Fünfzig Jahre danach: Hundert Blumen in Vietnam 1954-1960) của nhà nghiên cứu Heinz Schütte do Khoa Đông Nam Á, Đại học Hamburg xuất bản ở dạng tạp chí nghiên cứu (Hamburger Südostasienstudien, Band 3) năm 2009, ngày 15/3/2010 này sẽ được nhà xuất bản Regiospectra ở Berlin tái bản. Bản dịch tiếng Việt được thực hiện với sự cộng tác nhiệt tình của tác giả. Chúng tôi trân trọng cảm ơn tác giả đã dành cho talawas bản quyền tiếng Việt của tác phẩm này.
Nhà sử học Heinz Schütte hiện sống tại Paris. Tác phẩm đã xuất bản: Giữa hai chiến tuyến: Những người lính Đức và Áo chạy sang phía Việt Minh (Zwischen den Fronten: Deutsche und österreichische Überläufer zum Vietminh), Logos Verlag, Berlin 2006. Bài đã đăng trên talawas: “Vài lời về Brecht, nhìn từ Việt Nam” (Thuyết trình tại Viện Goethe Hà Nội ngày 6/12/2006).
_____________________

Để tưởng nhớ Lê Đạt (1930 - 2008)
“Về phần mình tôi chấp nhận tất cả những gì tôi chứng kiến. Tôi sống nhỏ bé và cố gắng làm theo các bậc hiền giả, những người luôn tránh can thiệp làm thay đổi thế giới bằng ý chí hàm hồ của mình.”
Erwin Strittmatter, Der Laden, trang 291

Mục lục


1. Dẫn nhập
[1]
Ngay khi các binh đoàn bách chiến bách thắng của Quân đội Nhân dân trở về Thủ đô Hà Nội, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hình thành sau cuộc kháng chiến tám năm chống thực dân Pháp và Hiệp định Genève 1954, đã sớm phải đón nhận hai cuộc khủng khoảng nội chính nặng nề: một ở nông thôn và một ở thành thị, mà cuộc khủng hoảng ở thành thị phần nào là do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng ở nông thôn. Cuộc khủng hoảng ở nông thôn là hệ quả của những sai lầm trong cuộc Cải cách Ruộng đất được tiến hành hối hả từ năm 1953. Nó dẫn tới sự khiếp hãi toàn diện, sự bất bình và các cuộc nổi loạn của nông dân ở các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, những cuộc nổi loạn đã bị quân đội dập tắt.[2] Cuộc khủng hoảng ở thành thị là do phản kháng của giới trí thức. Biểu hiện rõ ràng nhất của sự phản kháng này là phong trào Trăm hoa đua nở, hay phong trào Nhân văn – Giai phẩm. Giai đoạn bừng nở ngắn ngủi và đầy sáng tạo này sẽ được trình bày trên những nét cơ bản và đặt trong bối cảnh lịch sử-chính trị của nó. Cuốn sách này là để chống lại sự lãng quên tập thể do Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành và chống lại cách diễn giải lịch sử theo quan điểm phục tùng ý thức hệ.

[3] Đấy là điều mà tôi thấy mình phải đảm nhận trách nhiệm với người bạn quá cố: Georges Boudarel.
Cuốn sách miêu tả đầy đủ nhất về sự kiện này là cuốn Cent Fleurs écloses dans la nuit du Vietnam (Trăm hoa đua nở ở Việt Nam)[4] của Georges Boudarel xuất bản năm 1991, vốn không được biết đến ngoài một giới nghiên cứu hẹp. Những bài viết nhỏ hơn xuất bản cuối những năm 1950 và những năm 1960,[5] cũng như công trình Trăm hoa đua nở trên đất Bắc của Hoàng Văn Chí[6] xuất bản năm 1959 ở Sài Gòn, vào thời điểm chúng xuất hiện, có lẽ đã được độc giả hồi đó đọc như những tài liệu tâm lý chiến trong không khí Chiến tranh Lạnh (cũng có vài bài được viết cho mục đích ấy thật). Dưới những điều kiện đòi hỏi người ta phải tỏ rõ quan điểm trắng đen rạch ròi, “người ta” đơn giản là không tin vào những bài viết đó – người ta sống trong một cái credibility gap (sự khủng hoảng về tín nhiệm). Năm 1987, trong Chroniques Vietnamiennes có đăng một công trình với nhan đề “La Révolte des Intellectuels Communistes au Viet-Nam en 1956” (Cuộc nổi dậy của trí thức cộng sản Việt Nam năm 1956).[7] Trong một nghiên cứu gần đây về chính sách văn hóa của miền Bắc Việt Nam, tác giả Kim N. B. Ninh đã dành một phần dài đề cập tới phong trào Nhân văn–Giai phẩm.[8]
Tôi biết đến phong trào Trăm hoa đua nở lần đầu khi đọc cuốn sách của Boudarel năm 1997 và bắt đầu tiến hành những cuộc thăm dò ý kiến những trí thức thời Pháp thuộc ở Hà Nội trong khuôn khổ một nghiên cứu về đề tài lai tạp văn hóa.[9] Trong chuyến thăm Việt Nam tiếp theo, tôi đã cho copy cuốn sách làm 25 bản để đưa cho những người tôi phỏng vấn, và như vậy tôi đã đặt chân vào cái vùng chính trị nhạy cảm cho đến nay vẫn bị giới sử học chính thống Việt Nam sợ hãi che đậy và việc thảo luận về nó trước sau vẫn bị các nhà quản lý tư tưởng và cơ quan an ninh Việt Nam luôn sốt sắng và huy động nhiều công sức để trấn áp. Những bản copy của tôi được truyền tay đọc, được nhân tiếp ra làm nhiều bản, tạo ra một cuộc tranh luận và cho phép tôi tiếp cận được với giới trí thức phản kháng vốn khép kín với tôi trước đó, nhất là sau khi, qua một người trung gian, tôi được giới thiệu gặp nhà thơ Hoàng Cầm. Thế là tôi đã có thể tìm đến những người ly khai hiện còn sống và thu thập những hồi ức của họ trong những cuộc nói chuyện dài. Có thể nói rằng trong hoàn cảnh như thế, cái máy photocopy đã đóng vai trò như một công cụ khai sáng vậy.[10]
 
Tác giả (trái) và nhà thơ Hoàng Cầm tại Hà Nội 2000
(ảnh do tác giả cung cấp)
Nguồn tư liệu tiếp theo là những kho lưu trữ của Cộng hòa Dân chủ Đức, đặc biệt kho lưu trữ của Ủy ban Trung ương Đảng Xã hội Thống nhất Đức (SED) và Bộ Ngoại giao CHDC Đức, nơi lưu giữ rất nhiều tư liệu về Việt Nam và các sự kiện tôi quan tâm. Việc phát hiện kho lưu trữ của CHDC Đức là điều hồi hộp và may mắn, bởi nó tái hiện và xác nhận lại những câu chuyện về Nhân văn – Giai phẩm mà tôi được nghe kể ở Hà Nội. Như vậy, các kho lưu trữ ở Berlin đã xác nhận một sự kiện có thật đến nay vẫn bị chính thức chối bỏ ở Việt Nam. Thế là tôi đã có thể bắt đầu với việc tái dựng lại sự kiện này, và qua đó thể hiện lòng kính trọng sâu sắc của tôi với những nhân vật chính của nó. Những con người này đã phải trả giá cay đắng cho những gì mà chúng ta, giới chính trị cánh tả phương Tây những năm 1960, đã đòi hỏi (được) một cách dễ dàng, quá trớn và ồn ã. Một phần cuộc đời họ là hiện thân cho phần lịch sử chính thống của Việt Nam – lịch sử của chủ nghĩa yêu nước, của cuộc kháng chiến dũng cảm giành độc lập và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng nửa kia là phần lịch sử mà tất cả chúng ta đều biết, nhưng chỉ rất ít người dám nói về nó.[11]
Trở lại Mục Lục

2. Giới trí thức.
Cuộc kháng chiến chống Pháp 1945-1954 và ảnh hưởng của Trung Quốc
Những người đàn ông (và rất ít phụ nữ) mà tôi có dịp trò chuyện ở Hà Nội đều sinh ra trong các năm từ 1906 đến 1930. Nền độc lập do Hồ Chí Minh tuyên ngôn ngày 2.9.1945 được họ cảm nhận như một sự thanh lọc tâm hồn – một sự khai mở tươi trẻ, tràn trề đến những bến bờ mới, với khát vọng xây dựng một thế giới mới, công bằng và bình đẳng, ấm no và hạnh phúc. Những trải nghiệm tập thể trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đã được kết tinh thành những huyền thoại lập nước và ý thức hệ chung của nhà nước mới.[12]
Từ những năm 1950, khi quân du kích Việt Minh đẩy được quân viễn chinh Pháp ra khỏi các tỉnh biên giới phía Bắc,[13] và từ khi hình thành một vùng biên giới chung giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Trung Quốc, thì chủ nghĩa Mao đã xuất hiện trên vũ đài chính trị Việt Nam với các phương pháp chỉnh huấn của nó. Sự giúp đỡ của Trung Quốc được Mao nhìn nhận như nhiệm vụ tương trợ lẫn nhau giữa các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Bởi cuối những năm 1940, quân Việt Minh đã giúp Hồng quân Trung Quốc lánh nạn do sự truy đuổi của Quân đội Trung Hoa Quốc dân Đảng.[14]
Nhưng không ít trí thức đã rời bỏ hàng ngũ kháng chiến, mặc dù phần nhiều đã ở lại trong tinh thần kỷ luật trước sau như một, với niềm tin rằng các biện pháp chỉnh huấn là cần thiết cho cuộc kháng chiến chống thực dân. Bởi vì sau chiến thắng của quân cộng sản năm 1949, Trung Quốc được Việt Nam rất kính nể, và Trung Quốc không chỉ xuất khẩu ý thức hệ hay gửi các chuyên gia sang giúp đỡ mà còn viện trợ rất nhiều của cải vốn có ý nghĩa sống còn với miền Bắc Việt Nam nghèo nàn. Sự giúp đỡ này đã cho phép các lực lượng Việt Minh chuyển từ chiến tranh du kích sang tổ chức quân đội chính quy. Khi đó Chiến tranh Lạnh đã bùng phát: Trong khi Việt Minh được Trung Quốc giúp đỡ thì Mỹ, vốn đã chia tay với chính sách chống thuộc địa của Roosevelt, quay ra ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến của người Pháp.[15] Thế giới chia làm hai phe.[16]
Đại hội III của Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 1.1950 tuyên bố chính thức Việt Nam đi theo đường lối Trung Quốc[17] và đẩy mạnh chủ trương đấu tranh giai cấp trong cả nước. Điều này dẫn tới việc thủ tiêu những người bị cho là những “phần tử phản cách mạng”. Sách vở Trung Quốc,[18] đặc biệt những tác phẩm của Mao, được dịch ra tiếng Việt – vài tác phẩm do chính Hồ Chí Minh dịch – để truyền bá những phương pháp của Trung Quốc trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác-Lê-Mao, trong việc tiến hành cách mạng và cải tạo tư tưởng ở Việt Nam. Tại Chiến khu Việt Bắc, từ những năm 1951 đã có các khóa chỉnh huấn tư tưởng dành cho trí thức. Việc giải phóng vùng biên giới phía Bắc là bàn đạp quyết định cho cuộc cách mạng ở miền xuôi Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước kháng chiến của Việt Minh dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa Mao đã chuyển thành chủ nghĩa yêu nước xã hội chủ nghĩa.
Cuộc Cải cách Ruộng đất được phát động mạnh mẽ năm 1953 nhằm tổ chức các lực lượng nông dân cho cuộc tấn công quyết định vào quân viễn chinh Pháp. Cùng với bước tiến của Việt Minh, cuộc Cải cách Ruộng đất lan rộng từ các tỉnh miền núi phía Bắc xuống đồng bằng.[19] Cải cách Ruộng đất được tiến hành theo cách phân loại sở hữu của Trung Quốc, mặc dù hoàn cảnh Việt Nam hoàn toàn không tương đồng với hoàn cảnh của người bạn đồng thời là kẻ thù truyền kiếp phương Bắc này. Ở Việt Nam, nhất là ở miền Bắc, chủ yếu chỉ có các tiểu nông và trung nông.[20] Hầu hết các đại địa chủ đã chạy trốn từ lâu. Mặc dù vậy, do sự chênh lệch sở hữu quá lớn, việc phân chia lại ruộng đất vẫn là cần thiết và không thể tránh khỏi. Cuộc kháng chiến của Việt Minh là một phong trào dân tộc, tập hợp tất cả các lực lượng yêu nước thuộc mọi thành phần xã hội; ngược lại, cuộc Cải cách Ruộng đất là cuộc đấu tranh giai cấp với mục đích tối hậu là đánh đổ trật tự xã hội cũ. Nó hướng sự căm thù tới tất cả những ai không nghèo, không là bần cố nông, những người rốt cuộc bị coi là “những phần tử phản động”, có hại cho cách mạng. “Lòng căm thù giai cấp đã trở thành lòng căm thù giữa người với người”, một nhà văn lớn tuổi ở Hà Nội kể lại.[21]
Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã không mang lại sự thống nhất cho Việt Nam. Việt Nam bị chia đôi theo Hiệp định Genève về Đông Dương, hiệp định mà miền Bắc Việt Nam đã phải ký dưới áp lực của Trung Quốc và Liên Xô dựa trên những điều kiện chính trị thực tiễn thời đó. Tuy nhiên giới lãnh đạo miền Bắc vẫn tin tưởng rằng cuộc tổng tuyển cử diễn ra trong thời gian sắp tới theo thỏa thuận ở Genève sẽ mang lại chiến thắng cho miền Bắc và sự thống nhất đất nước. Phía bắc vĩ tuyến 17 hình thành một chính quyền cộng sản, còn phía nam là một nhà nước tư bản. Các cường quốc hiện diện ở cả hai miền, và Pháp lại tiếp tục gửi quân chiếm đóng một lần nữa. Sự lạc hậu dai dẳng từ những năm 1930, sự bóc lột tận xương tủy thời phát-xít Nhật, nạn đói 1944-45 với hơn 1 triệu người chết, những khó khăn thời hậu chiến do hệ quả của sự tàn phá, đói nghèo, các làn sóng di dân khổng lồ, những mâu thuẫn căng thẳng do Cải cách Ruộng đất, và vài năm sau là cải tạo tư sản, đã dẫn tới sự hình thành chế độ chuyên chế ở miền Bắc với sự thống trị của giới lãnh đạo theo lập trường tư tưởng sắt đá. Mục đích của họ không chỉ là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở phía bắc vĩ tuyến 17, mà, song hành cùng mục đích thống nhất đất nước, họ còn quyết tâm đưa chủ nghĩa xã hội vào phía Nam nữa. Chiến thắng Điện Biên Phủ, như Graham Greene[22] đã chỉ ra, là biểu tượng cho sự bất lực và là dấu chấm hết cho chủ nghĩa thuộc địa châu Âu. Tất cả những người mà tôi phỏng vấn ở Hà Nội đều đã ở trong cơn say chiến thắng – ivre de victoire – đó là cuộc chiến của họ, là chiến thắng của họ, mang lại tự do cho họ. “Một thời lãng mạn”, nhà thơ Huy Cận (1920 – 2004) đã nói với tôi như thế. Huy Cận, bên cạnh người bạn thân Xuân Diệu, là một trong những gương mặt lừng lẫy nhất của phong trào Thơ Mới những năm 1930. Huy Cận chưa bao giờ là một người ly khai, hơn thế, ông còn bị nhiều người xem như một “ông quan cách mạng”. Ông nói thêm, với chút cảm thán: “Ta lãng mạn, bởi vì ta yêu nước”.[23]
Sau khi cuộc cách mạng chính trị-dân tộc đã kết thúc ít nhất vào năm 1954 ở miền Bắc, người ta bắt đầu tiến hành cách mạng xã hội và cách mạng văn hóa. Tiếp theo cuộc Cải cách Ruộng đất ở nông thôn là cuộc đấu tranh chống phong trào Trăm hoa đua nở – Nhân văn–Giai phẩm ở thành thị, và cuộc đấu tranh này đã kết thúc bằng sự lãnh đạo độc tôn của Đảng và nhà nước trong các lĩnh vực trí thức, văn hóa và tư tưởng. Từ 1958 đến 1960 đã diễn ra cuộc cải tạo tư sản;[24] và cũng do thiếu một giai cấp tư sản thực sự, cuộc đấu tranh này đã nhắm cả vào những người buôn bán nhỏ, những người bị cho là “có biểu hiện tư sản”.[25] Trong những năm 1960 – không hẳn rốt cuộc chỉ vì cuộc chiến tranh mới bùng phát và sự leo thang ném bom của Mỹ – đã hình thành một nền kinh tế chiến tranh với sự loại bỏ giới tiểu thương và với sự thống trị của giới lãnh đạo gốc gác nông dân. Phong trào Việt Minh, Liên minh Kháng chiến Giải phóng Dân tộc từ những ngày đầu 1945/46 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, kể từ 1953/54, mà thực ra, như đã nói, từ 1950/51, nay bị thay thế bằng một cuộc đấu tranh giai cấp với mục đích thành lập chế độ chuyên chính mácxít–lêninnít trên khắp miền Bắc.
Không khí chính trị sau chiến thắng Điện Biên Phủ trở nên rất căng thẳng do hậu quả của những diễn biến gây thất vọng cho Việt Minh sau Hiệp định Genève, những diễn biến dẫn tới sự chia cắt đất nước. Trong nỗ lực xây dựng một nhà nước xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, người ta đã cho tiến hành thô bạo cuộc Cải cách Ruộng đất cũng như thực hiện các cuộc thanh trừng trong Đảng và các tổ chức quần chúng sau chiến dịch cải tạo tư sản. “Trong bầu không khí của sự cảnh giác cao độ, của sự sợ hãi và của tương lai mờ mịt, đã xuất hiện những tín hiệu nghi ngờ đầu tiên trong giới trí thức”,[26] bởi lẽ, như đã nói, giới trí thức cũng có những kỳ vọng lớn vào chế độ mới, chế độ mà họ đã góp phần xây dựng sau những năm dài hi sinh gian khổ. Họa sĩ, nhà văn Trần Duy cho rằng sự li khai đã bắt đầu ngay trong kháng chiến, vì ngay từ thời đó đã có nhiều trường phái văn nghệ tỏ ra khác nhau rõ ràng. Ví dụ như người bạn mà ông ngưỡng mộ, nhà thơ Văn Cao, tác giả Quốc ca Việt Nam, ngay từ những năm 1952/53 – dù vẫn còn dè dặt – đã có những phát biểu thẳng thừng chống lại Tố Hữu. Theo đó, Tố Hữu không những là kẻ đa mưu quỷ kế, mà còn quị lụy Hồ Chí Minh trong những bài thơ của mình,[27] và, trung thành với đường lối của Tổng Bí thư Trường Chinh (tôi sẽ đề cập tới đường lối này ngay dưới đây), đã hạ thấp vai trò của thơ ca xuống mức chỉ còn là tuyên truyền – điều khiến cho rất nhiều văn nghệ sĩ và trí thức không thể chịu nổi.
Cuộc kháng chiến chống Pháp không chỉ diễn ra trên mặt trận quân sự, mà còn diễn ra trên mặt trận tư tưởng. Điều này hoàn toàn phù hợp với khẩu hiệu của Hồ Chí Minh trong một bức thư “gửi các đồng chí họa sĩ” tháng 12 năm 1951: “Văn hóa, văn nghệ cũng là một mặt trận.” Cũng trong bức thư này, Hồ Chí Minh viết: “Chắc có người nghĩ: Cụ Hồ đưa nghệ thuật vào chính trị. Đúng lắm. Văn hoá, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị.”[28]
Tháng 2 năm 1957, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã gửi thông điệp sau tới Đại hội 2 Hội Văn học và Nghệ thuật Việt Nam: “Nhân dân ta đòi hỏi các văn nghệ sĩ thực hiện trách nhiệm ‘kỹ sư tâm hồn’ của mình qua sự thể hiện triệt để các tư tưởng lớn, các tình cảm cao đẹp, đạo đức quý báu, thanh trừ các tình cảm xấu xa và thói hư tật xấu.”[29] Chính sách này đã được Tổng Bí thư kiêm nhà tư tưởng hàng đầu của Đảng, Trường Chinh (1907 – 1988), triển khai chi tiết qua hàng thập kỷ: trong bản Đề cương văn hóa năm 1943 cũng như trong bản báo cáo nhan đề Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam tại Đại hội Văn hóa Toàn quốc tháng 7 năm 1948 ở Việt Bắc.[30] Nguyễn Hữu Đang, người cộng tác thân cận với Trường Chinh từ những năm 1930 khi họ xuất bản tờ báo Tin tức của Đảng, cho biết Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam đã được soạn thảo từ năm 1943 dưới nhan đề Đề cương văn hóa Việt Nam.[31] Bản đề cương này trình bày các tính chất của nền văn hóa Việt Nam và đặt nền tảng cho một nền văn hóa (mới) dân tộc và khoa học, và cụ thể là nhằm mục đích phối hợp cuộc cách mạng chính trị và cách mạng văn hóa, thuyết phục giới trí thức tiểu tư sản thành thị ngả theo lý tưởng cộng sản. Đảng Cộng sản Đông Dương đã huy động một mặt trận văn hóa như vậy để giành giật sự ủng hộ của người dân từ tay Pháp và Nhật, những thế lực cũng đang tìm mọi cách lôi kéo dân chúng bằng những chính sách văn hóa của họ.[32]
Cuộc cách mạng ở Việt Nam đã không bắt đầu từ năm 1945, mà chúng ta phải tìm lại cội rễ của nó ở một thời điểm xa hơn thế nhiều. Những dấu vết của nó không chỉ hiện diện ở Đông Dương thuộc địa mà còn ở Thái Lan và đặc biệt ở Trung Quốc. Ngay từ những năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của cách mạng Trung Quốc và Liên Xô. Ví dụ Nguyễn Ái Quốc,[33] tức Hồ Chí Minh sau này, đã hoạt động với tư cách đại diện của Quốc tế Cộng sản tại Trung Quốc từ 1938 đến 1941, nơi ông giữ chức Thư ký Đảng, trước khi ông đảm nhiệm công tác văn hóa và tuyên truyền cho một đơn vị quân đội.[34] Thời gian này ông đã dịch một văn bản tiếng Trung về vấn đề nông dân,[35] tiếp theo là một bài viết về trường kì kháng chiến, cụ thể là bài Luận trì cửu chiến (Về chiến tranh trường kỳ) của Mao Trạch Đông tháng 5 năm 1938. Trong đó Mao giải thích: “Kinh nghiệm… đã chứng minh rằng, cả hai chủ thuyết đều sai: thuyết về sự nô lệ không tránh khỏi của Trung Quốc cũng như thuyết về một chiến thắng nhanh chóng. Thuyết thứ nhất dẫn tới xu hướng thỏa hiệp, thuyết thứ hai dẫn tới việc coi thường kẻ thù. Cách tiếp cận vấn đề của các tín đồ hai thuyết này đều chủ quan, phiến diện, nói ngắn gọn: phi khoa học.”[36]
Những người cộng sản Việt Nam đã tin vào hình dung của Mao về cuộc đấu tranh cách mạng. Có thể nói rằng, họ cũng tin vào những quan điểm của Mao về một Chế độ dân chủ mới (Tân dân chủ chủ nghĩa luận, 1940) và vai trò của giới trí thức trong chế độ ấy. Trên thực tế, Trường Chinh đã tiếp nhận những quan điểm của Mao trong Tân dân chủ chủ nghĩa luận để đưa vào Đề cương văn hóa năm 1943 của mình, trong đó lần đầu tiên Trường Chinh nói tới văn hóa như một mặt trận mà ở đó người cộng sản phải hoạt động – bên cạnh mặt trận kinh tế và mặt trận chính trị. Nền văn hóa Việt Nam cần có tính dân tộc, khoa học và đại chúng, nghĩa là hướng tới đông đảo quần chúng. Và “quần chúng” có nghĩa là trung tâm văn hóa sẽ dời từ thành thị về nông thôn, cũng như cuộc đấu tranh sẽ dời từ các trung tâm đô thị về các làng mạc. Trong đó, cuộc kháng chiến sẽ là cỗ xe lịch sử chuyên chở cuộc cách mạng trong văn học nghệ thuật. Hội họa, thi ca và văn chương sẽ rời bỏ thị thành về nông thôn để xua tan bóng đêm và sự lạc hậu (của các chế độ phong kiến và thuộc địa) và thay vào đó là ánh sáng của văn minh và tiến bộ của thời đại mới, thời đại cách mạng. Đô thị bị bỏ lại trong tay đế quốc. Đô thị trở thành hiện thân của cái ác, của sự thoái hóa và suy đồi. Các hình thức văn hóa và xã hội mới sẽ được sinh ra từ khối quần chúng nông thôn, khối quần chúng xem ra còn lưu giữ được hồn cốt, tinh thần và bản chất của nền văn hóa Việt Nam.[37]
Các hoạt động văn hóa, dù đó là thi ca, hội họa hay âm nhạc, giờ đây đều được cấp cho chức năng đạo đức hay chính trị và không còn khác gì với tuyên truyền. Nhiệm vụ của các hoạt động văn hóa là thuyết phục dân chúng đi theo lý tưởng cộng sản, cho dù ban đầu chúng còn xuất hiện dưới hình thức chủ nghĩa yêu nước kháng chiến hay chủ nghĩa dân tộc. Để đạt được mục đích này, Hội Văn hóa Cứu quốc (1943 – 1948) đã được thành lập dưới sự lãnh đạo của một người cộng sự lâu năm của Tổng bí thư: Nguyễn Hữu Đang, nhân vật mà chúng ta sẽ phải nói tới rất nhiều dưới đây. Nhiệm vụ cụ thể của Hội Văn hóa Cứu quốc là thuyết phục trí thức đi theo Việt Minh.
Trở lại Mục Lục

3. Ẩn số Nguyễn Sơn
Như đã trình bày ở trên, ảnh hưởng Trung Quốc đã có từ rất lâu trước năm 1950. Trong một khảo luận xuất sắc về thế giới quan lưỡng cực và mục đích xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương, Tường Vũ đã chỉ ra rằng, từ những năm đầu 1940, Đảng Cộng sản Đông Dương luôn sử dụng các hình ảnh anh hùng dân tộc như Hai Bà Trưng, Lý Thái Tổ hoặc Trần Hưng Đạo cho mục đích tuyên truyền của mình. Tuy nhiên trong các văn bản nội bộ, không được phổ biến cho quần chúng, giới lãnh đạo không bao giờ nói tới Quang Trung hay Lê Lợi mà luôn luôn là Mác, Lê-nin, Xta-lin.[38] Tôi muốn bàn tới điểm này trong mối liên hệ với vị tướng vừa bí ẩn vừa quen thuộc Nguyễn Sơn (1908 – 1956). Nguyễn Sơn trong mắt một số người là một nhà quân sự vô dụng và một nhà văn hóa tào lao, nhưng trong mắt một số người khác, ông lại được xem như một vị thánh, một nhà cách tân đầy hấp lực trong đời sống văn hóa Việt Nam. Vậy Nguyễn Sơn là ai?
 
Tướng Nguyễn Sơn.
Nguồn: Thể thao & Văn hóa 01/10/2008
Năm 17 tuổi, cậu sinh viên Nguyễn Sơn chạy trốn cảnh sát Pháp và đến Trung Quốc sau khi can dự vào một phong trào sinh viên. Tại đây ông theo học tại Học viện Quân sự Hoàng Phố, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, rồi trở thành ủy viên Trung ương Đảng và tham gia vào cuộc Vạn lý Trường chinh với tư cách một vị tướng chỉ huy. Nguyễn Sơn đã tổ chức nhóm kịch đầu tiên cho Hồng quân Trung Quốc và trở thành lãnh đạo một đơn vị tuyên truyền. Đáp ứng nguyện vọng của Đảng Cộng sản Đông Dương, vốn đang thiếu cán bộ lãnh đạo trầm trọng, Nguyễn Sơn đã trở lại Việt Nam cuối thu năm 1945 và trở thành ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Tuy nhiên, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc, vốn e ngại không khí chính trị xấu tại Việt Nam – và chính Nguyễn Sơn cũng chia sẻ quan điểm này nên ông chỉ đồng ý trở về một cách miễn cưỡng – chỉ cho những người anh em Việt Nam “mượn” Nguyễn Sơn mà thôi. Bởi vậy ngay từ đầu, việc Nguyễn Sơn sẽ trở lại Trung Quốc là điều đã được thỏa thuận rõ ràng.[39] Ông được phong là Tư lệnh Quân khu Bốn với đại bản doanh ở Quảng Ngãi. Nguyễn Sơn đã ở đây tới khi trở lại Trung Quốc năm 1951. Theo như kể lại thì, vì lý do có khác biệt quan điểm cá nhân với Tướng Giáp và vì những bất đồng quan điểm không thể vượt qua được với đường lối chính thức của Đảng Cộng sản tại quê hương ông, Nguyễn Sơn đã đề nghị Đảng Cộng sản Trung Quốc gọi ông trở lại.[40]
Nhìn chung chúng ta biết rất ít về Nguyễn Sơn. Cho đến nay về cơ bản ông vẫn còn là một ẩn số, một huyền thoại dành cho mọi quan điểm và các diễn giải đủ kiểu. Chẳng hạn Ernst Frey (tên Việt Nam là Nguyễn Đan), một sĩ quan người Áo đào ngũ theo Việt Minh, một người biết Nguyễn Sơn khá tốt, phủ nhận quan điểm cho rằng Nguyễn Sơn chỉ giỏi chính trị chứ không giỏi quân sự.[41] Trong khi sử gia Đinh Xuân Lâm ở Hà Nội lại nói rằng, Nguyễn Sơn có đánh trận, nhưng không thắng trận nào cả.[42]
Hoàn toàn có khả năng Nguyễn Sơn đã kêu gọi hoặc tiến hành các lớp chỉnh huấn ở Việt Bắc từ năm 1947,[43] giống như Mao Trạch Đông đã tiến hành ở Tây An từ những năm 1940.[44] Các khóa cải tạo tư tưởng theo hình mẫu Trung Quốc cũng được tiến hành đặc biết với văn nghệ sĩ từ 1951. Trong các năm 1948/49, Nguyễn Sơn đã dịch nhiều tài liệu của Mao Trạch Đông sang tiếng Việt, đặc biệt là những bài viết về cuộc kháng chiến trường kỳ và chủ nghĩa duy vật biện chứng.[45] Tuy nhiên niềm đam mê của Nguyễn Sơn là kịch nghệ và văn chương. Trong các tác phẩm dịch của Nguyễn Sơn có cả Lỗ Tấn, và theo nhà văn Nguyên Ngọc thì đó là bằng chứng về tinh thần phóng khoáng của Nguyễn Sơn.[46] Và mặc dù có vẻ như không tự viết gì cả, nhưng theo các nhân chứng kể lại, Nguyễn Sơn đã nói rất nhiều về văn học nghệ thuật, trước công chúng cũng như trong nhóm bạn bè. Như thế, ông đã trở thành người kích thích, là nguồn gây cảm hứng và là người đỡ đầu cho các văn nghệ sĩ.[47] “Thính giả nhìn ông hồi hộp y như những người Ả-rập ngồi trước người kể chuyện cổ tích vậy”, một nhân chứng kể lại.[48] Cho tới nay, những khóa học văn nghệ kháng chiến ở Khu IV vẫn được các nhân chứng hồi tưởng lại như những cao trào trên con đường cách tân văn hóa cách mạng. Chủ nghĩa Mao avant la lettre, qua diễn giải của Nguyễn Sơn, đã hiện ra trong đời sống văn hóa Việt Nam như một mệnh lệnh đầy quyến rũ và kích động với giới trẻ, mệnh lệnh sẵn sàng hiến dâng đời mình cho cuộc đấu tranh vì cái mới, vì cách mạng,  một cuộc phiêu du vì dân tộc và vì giấc mơ về một ngày mai chưa biết tới.[49]
Hôm nay nhiều người nói họ đã nhìn rõ những thủ thuật của Nguyễn Sơn, và rằng ngay từ đầu ông ta đã luôn là một tín đồ Mao-ít tới tận chân răng, kẻ chẳng làm gì khác hơn là nhai lại các học thuyết của Mao những năm 1940 ở Tây An,[50] và rằng ông ta chỉ là một con vẹt không hơn không kém.[51] Tuy vậy trong hồi ức của đa số những người đã gặp ông thì ông vẫn mãi là một người cách tân, người luôn động viên những thính giả nghe mình nhưng không bao giờ áp đặt quan điểm của mình. Như thế, nhìn lại, ông vẫn là một người dẫn đường và mở cửa cho giới trí thức, một huyền thoại trái ngược hẳn với Sa-hoàng văn nghệ Tố Hữu, người mà chúng ta sẽ nói tới nhiều dưới đây. Cái chết sớm của Nguyễn Sơn có lẽ cũng khiến cho việc đánh giá ảnh hưởng của ông trở nên khó khăn. Dù thế nào ông cũng là một kẻ khác người, một kẻ phiêu lưu và có sức mê hoặc phụ nữ, người luôn ý thức được hấp lực của mình. Ông sống thoải mái bình dân, mang một bộ ria mép kiểu Clark Gable – ông như một Robin Hood, người hút thuốc lá Tây, thứ hàng xa xỉ của kẻ thù và hoàn toàn không phù hợp với ý thức hệ. Những cá tính như Nguyễn Sơn thật hiếm gặp trong hàng ngũ những người cộng sản xta-lin-nít sắt đá. Họ có sức mê hoặc và kích thích trí tưởng tượng. Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều nhà thơ và nghệ sĩ sau 1954 đã ngưỡng mộ coi ông như một người theo chủ nghĩa tự do và nhân bản[52] trong số những lãnh đạo cộng sản, nhất là khi đó ông đã rời xa Việt Nam từ lâu. Một số người khác lại cho rằng ông thiếu kỷ luật cách mạng, nhưng ngay cả những người này cũng vẫn nói tốt cho ông.
Những gì mà hôm nay chúng ta gọi là tư tưởng Mao Trạch Đông, hay là biện chứng lịch sử trong phê bình văn học, vào thời đó, khi được Nguyễn Sơn rao giảng, đã có tác động như một quả bom tấn về tính hiện đại. Thơ ca Việt Nam hồi đó, theo Lê Đạt, vẫn còn chìm trong bóng của Thơ Mới những năm 30, vần vè và cũ kỹ.[53] Những quan điểm của Nguyễn Sơn đã xuất hiện như một phản đề, chống lại nhãn quan văn học “tiểu tư sản” của giới trí thức Pháp thuộc trước 1945. Những nhận định về văn học của Nguyễn Sơn – đặc biệt là những bài phân tích Kiều – được xem như đồng nghĩa với sự phê phán xã hội Khổng giáo, và chúng khiến các thính giả trẻ tuổi đột nhiên nhìn thế giới bằng con mắt khác. Đối nghịch với phương pháp phân tích tâm lý kiểu Freud, Nguyễn Sơn đã diễn giải Kiều bằng phương pháp duy vật, và điều đó được xem như một sự khai sáng, bởi nó chỉ cho các trí thức văn nghệ sĩ trẻ tuổi khao khát lý tưởng hồi đó cái hiện thực về vật chất của quảng đại quần chúng Việt Nam, khối quần chúng mà họ muốn cùng hòa làm một. Chịu tác động của những trào lưu như thế, không ít trí thức thành thị đã ủng hộ xu hướng đại chúng hóa của cách mạng: họ đòi hỏi một nền “văn hóa mới”, không Khổng cũng không Pháp. Địa bàn ảnh hưởng trực tiếp của Nguyễn Sơn, khu IV, đã trở thành diễn đàn có một không hai của nền văn hóa mới đang còn ở giai đoạn phôi thai này. Khu IV đã từng là nơi hoạt động của nhiều trí thức ly khai sau này như Đào Duy Anh, Chu Ngọc và Trương Tửu, Nguyễn Sỹ Ngọc và Nguyễn Tiến Lãng,[54]… song cũng có nhiều trí thức trở thành các cây đa cây đề của trật tự xã hội mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, như Đặng Thai Mai.
Hồi đó Mao Trạch Đông là đại diện cho cuộc cách mạng còn đang ở giai đoạn trẻ trung hừng hực, cuộc cách mạng tuy đã giành được quyền lực nhưng vẫn còn khát vọng thay đổi thế giới. Ngược lại, Liên Xô, ngay dưới thời Khrushchev, là đại diện cho cuộc cách mạng đã trưởng thành với đầy đủ bộ máy hành chính quan liêu của nó, để hòa hợp với thực tế của cộng đồng thế giới và những đòi hỏi của một xã hội công nghiệp phát triển.
Trở lại Mục Lục

4. Văn nghệ sĩ kháng chiến
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, văn nghệ sĩ trở thành những cán bộ phục vụ cách mạng. Là những thành viên của Hội Trí thức Cứu quốc, họ thuộc về số những người canh giữ cho ngày mai chủ nghĩa xã hội. Theo quan điểm của Trường Chinh trong một bài viết về văn hóa kháng chiến năm 1947, thì nhiệm vụ của Mặt trận Văn hóa là chống lại những tư tưởng và hành động cổ hủ, phản văn hóa, phản tiến bộ. Hoạt động văn hóa được xem như đồng nghĩa với tuyên truyền, văn nghệ sĩ trở thành cán bộ văn hóa. Những “công nhân văn hóa”, “cần phải hết sức nỗ lực đoàn kết các tầng lớp nhân dân thành một khối ủng hộ chính phủ, với niềm tin vững vàng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, không chùn bước trước mọi khó khăn gian khổ”.[55] Việc giải quyết các vấn đề văn hóa tư tưởng được xem như điều kiện tiên quyết cho chiến thắng quân sự và phát triển kinh tế. Bởi vậy, tư tưởng có ý nghĩa then chốt; thế giới được tạo dựng mới từ tinh thần.
Một phần lớn các văn nghệ sĩ trong quân đội được đào tạo trong các trường học thuộc địa của Pháp trước khi kháng chiến bùng nổ tháng 12 năm 1946. Họ chấp nhận kỷ luật và cuộc sống khắc khổ trong cuộc kháng chiến do Việt Minh lãnh đạo và biện minh cho lựa chọn của mình bằng cái mà chính họ cũng như lịch sử chính thống gọi bằng “chủ nghĩa yêu nước”, chủ nghĩa mà họ đã du nhập thêm các giá trị Pháp vào như là những giá trị riêng của họ. Nhiều người đã tham gia kháng chiến nhân danh Jean-Jacques Rousseau, nhân danh Cách mạng Pháp 1789, nhân danh quyền con người và quyền công dân, nhân danh nền cộng hòa và nền dân chủ. “Ils se sentent en parfaite communion avec la masse qui se reveille et qui lutte”, Đặng Thai Mai đã viết như vậy năm 1961,[56] và đây là một ví dụ thú vị cho nỗ lực của nhà tư tưởng mác-xít xuất thân Pháp học họ Đặng trong việc đơn cực hóa và chuyên chính hóa diễn ngôn cũng như việc diễn giải lịch sử dân tộc và lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam. Như đã nói ở trên, chí ít là đến cuối những năm 1940, Giáo sư Đặng Thai Mai đã tham gia tích cực vào đời sống văn hóa ở Khu IV và có quan hệ gần gũi với tướng Nguyễn Sơn – tuy nhiên Đặng Thai Mai có chịu ảnh hưởng tư tưởng của Nguyễn Sơn hay không là điều chỉ có thể phỏng đoán. Những thi sĩ nổi tiếng những năm đầu 1940 như Huy Cận và Xuân Diệu (1916 – 1985) – kẻ lãng mạn mất mình trong việc phụng sự cái Tôi và sự tìm kiếm giải thoát – giờ đây được tái sinh nhờ có Đảng, Việt Minh và Cách mạng, đã tham gia vô điều kiện vào xã hội mới đang được tạo dựng.[57]
Nhưng không phải tất cả trí thức đều như vậy: Nhà thơ Hoàng Cầm (sn. 1922), Trần Dần (1924–1997) và Lê Đạt (1929–2008) hoặc các học giả như Phan Khôi (1887–1960), Đào Duy Anh (1904–1988), Nguyễn Mạnh Tường (1909–1994) và Trần Đức Thảo (1917–1993) chưa bao giờ chỉ là những con rô-bốt của Đảng, những người chỉ biết soạn thảo, tiếp thu và truyền bá những quan điểm của Đảng một cách vô điều kiện và không phê phán. Cho dù ở một thời điểm nào đó, họ cũng đã không chống lại sự cuồng tín tập thể trong kháng chiến, nhưng họ vẫn luôn là những con người trăn trở, phức tạp, những người luôn giữ được cái Tôi của mình.
Hầu hết các nhà ly khai sau này đều từng là đảng viên hoặc công tác ở những chức vụ cao liên quan mật thiết tới Đảng và giới lãnh đạo Đảng. Từ 1949 đến 1951, Lê Đạt là một trong những thư ký riêng của Tổng Bí thư Trường Chinh và chịu trách nhiệm về lĩnh vực văn hóa–văn nghệ. Từ 1952 ông là thư ký Ban tuyên huấn của Đảng.[58] Năm 1951, Lê Đạt tham gia tổ chức các khóa chỉnh huấn trí thức. “Anh ấy (Lê Đạt) đã truyền đạt chủ nghĩa Mao cho chúng tôi”, Nguyễn Đình Thi kể lại nhiều thập kỉ sau đó.[59] Hoàng Cầm, dù chưa bao giờ là đảng viên, đã tổ chức nhóm nghệ sĩ kháng chiến năm 1951/52 dưới quyền của tướng Chu Văn Tấn. Tháng 6 năm 1952, Hoàng Cầm được tướng Nguyễn Chí Thanh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội kiêm Chủ tịch Hội Thanh niên Việt Nam, phong làm Trưởng ban Văn nghệ Quân đội gồm hơn 200 người.[60] Thế là suốt hai năm sau đó, cứ đều đặn hai ngày trong tuần, vào lúc 2 giờ chiều, vị tướng lừng danh lại có buổi gặp Hoàng Cầm và một số bạn bè văn nghệ[61] để được bổ túc thêm kiến thức về văn học nghệ thuật, những kiến thức mà ông cho rằng mình còn thiếu hụt ở vị trí lãnh đạo cao của ông.[62]
Nhà văn Phùng Quán (1932–1995) làm cán bộ giao liên giữa các đơn vị quân đội dưới quyền tướng Hà Văn Lâu. Người đồng nghiệp Trần Dần, người luôn quyết liệt và hăng hái, vốn được bạn bè hồi đó gọi đùa là “tướng cướp”,[63] thoạt tiên công tác tại một ban tin tức của Việt Minh trước khi gia nhập quân đội năm 1948. Trần Dần đã công tác tại nhóm văn nghệ đầu tiên của Quân đội Việt Nam.[64] Không lâu sau đó, vào khoảng năm 1950/51, trước khi trở thành Tổng Biên tập tạp chí Văn của quân đội – nơi ông làm việc cùng Vũ Cao và Từ Bích Hoàng – Trần Dần từng đảm nhận việc lãnh đạo một chiến dịch chỉnh huấn trí thức bằng công việc chân tay.[65]
Trong kháng chiến, một loạt trí thức thành thị đã kết hôn với những phụ nữ xuất thân từ tầng lớp nông dân nghèo (cốt cán).[66] Lê Đạt và Hoàng Cầm là những người như vậy. Bằng cách đó, họ muốn chứng tỏ sự cống hiến hết mình cho cách mạng và quần chúng nông dân – vì cá nhân, dân tộc và chính trị đã không còn khác biệt nữa mà đã hòa làm một với ý thức hệ và bầu nhiệt huyết của thời đại, biến thành cuộc phiêu lưu sôi động của tuổi trẻ. Sự hiến dâng cho Đảng soi đường không phải khi nào cũng tránh được những biểu hiện có tính lên đồng. Người ta muốn hòa mình làm một với quần chúng lao động – những người được cho là còn giữ được hồn cốt của văn hóa Việt Nam. Bởi vậy việc kết hôn với phụ nữ nông dân được xem như một hành động chính trị đầy tính biểu tượng, một sự biểu dương tinh thần yêu nước và yêu cách mạng. Thông qua “ba cùng” (cùng ăn, cùng sống, cùng làm) với nông dân, những trí thức thành thị sẽ vươn lên từ vũng lầy của nền giáo dục tư sản-thị dân để trở thành những nguồn lực mạnh mẽ của công cuộc canh tân và giải phóng dân tộc.
Nhà báo kiêm chính trị gia Nguyễn Hữu Đang, người sống độc thân suốt đời, người được Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ tổ chức Lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9.1945, đã lãnh đạo việc tổ chức Hội nghị Văn hóa Toàn quốc lần đầu tiên tại Hà Nội tháng 11 năm 1946 (Hội nghị đã bị rút ngắn do Toàn quốc kháng chiến sắp bùng nổ).[67] Sau đó Nguyễn Hữu Đang đã được Trường Chinh giao nhiệm vụ, thông qua Hội Văn hóa Cứu quốc (tồn tại đến năm 1948), lôi kéo trí thức đi theo kháng chiến. Rồi ông trở thành người tổng giám sát chương trình giáo dục quốc dân. Trong cương vị này, ông đã lãnh đạo phong trào xóa nạn mù chữ và phổ cập chữ Quốc ngữ.[68]
Họa sĩ Phan Kế An (sn. 1923), con trai của vị khâm sai Bắc Kỳ cuối cùng, lại là một ví dụ khác. Năm 1948, ông được Tổng Bí thư Trường Chinh giao nhiệm vụ sống cùng Hồ Chí Minh vài tuần tại Chiến khu Việt Bắc để vẽ chân dung Chủ tịch. 52 năm sau, Phan Kế An đã kể về cuộc gặp gỡ này với Hồ Chí Minh như một hoạt cảnh thần thoại mà ở đó, chàng họa sĩ trẻ tìm thấy sư phụ của mình – một người thầy về đạo đức, về lối sống giản dị và tính khiêm nhường.[69]