dimanche 25 septembre 2011

Aleksandr I. Solzhenitsyn Quần đảo ngục tù - 16

Ngọc Thứ Lang, Ngọc Tú dịch

4. Quanh co quần đảo

Trong cuộc đời tù đày có hình thức di chuyển nào phóng khoáng cho bằng được đi riêng rẽ, có hộ tống đặc biệt? Nhiều thằng Zek từng đi đảo hay đính chính từ đảo này sang đảo khác gần như du khách đi tự do, nhưng dù sao vẫn tối thiểu số. Riêng phần tôi trước sau được 3 lần hộ tống đặc biệt.

Phải là giới chức cao cấp mới có quyền chỉ định một vụ hộ tống đặc biệt. Xin đừng lầm với lệnh trưng tập đặc biệt. Đi trưng tập vẫn phải sinh hoạt chung một xe với đám đông, chịu chung luật đính chính như mọi người. Đến nơi mới được tách riêng để đãi ngộ đặc biệt, trong lúc di chuyển vẫn có thể gặp nhiều chuyện.

Thí dụ như kỹ sư Ans Bernsthein đang nằm trong một trại Cải tạo mạn Bắc bị trưng tập đặc biệt xuống miền Nam sông Volga gia nhập phái đoàn Canh nông. Đi dọc đường cũng phải nghiến răng chịu đựng mọi sự hành hạ cực khổ, lính hộ tống chửi mắng đánh đập, chó bẹc-giê táp như ai! Xuống ga xép Zenzevatka bỗng có một ông giám thị ra đón, không xách súng mà còn tiếp đón lịch sự. Hắn vừa che miệng ngáp vừa nói:

“Bây giờ tối rồi. Khuya nay ông ở tạm nhà tôi. Ông có thể đi dạo chơi quanh quanh ngoài phố sáng mai tôi sẽ đưa vô Trại.”

Chao ôi, “ông có thể đi dạo chơi quanh quanh ngoài phố”. Còn gì sung sướng, bất ngờ bằng! Lãnh án đi đày 10 năm, cuộc đời kể như bỏ, suốt ngày chen chúc như chó trong toa xe tù Stolypin, sáng mai sẽ lại nhập Trại, ai dám ước ao đi dạo chơi quanh quanh? Ans Bernsthein hồi hộp bước ra ngoài mảnh vườn nho nhỏ xếp ga, lắng nghe đàn gà về chuồng kêu ríu rít, đứng ngó mấy bà bạn hàng nhà quê thu dọn những hũ bơ, những trái dưa còn ế mang về nhà. Hắn ngơ ngẩn thử cất bước coi sao, một bước, hai bước, ba bước, Hắn bước đi tới bước thứ 5 mới dám tin là không bị lính gác kêu giật ngược: “Ê thường kia, đứng lại!”. Mừng mừng tủi tủi Ans Bernsthein đưa tay sờ từng nhánh xương rồng ngoài hàng rào.

Đi hộ tống đặc biệt là đặc biệt ngay từ đầu. Khỏi đi toa Stolypin, khỏi bẻ quặt tay sau lưng, khỏi ngồi bệt xuống đất đếm đầu, khỏi lột truồng ra xét. Lính hộ tống coi bộ nể vì, thân thiện. Có bắt buộc phải cảnh cáo theo thủ tục áp tải cũng chỉ nhẹ nhàng:

“Ông bạn đừng chạy hoảng nghe? Buộc lòng tụi tôi phải nổ đấy! Tụi tôi thằng nào trong túi chẳng có súng sáu lên đạn sẵn? Tụi tôi phải dặn hờ trước vậy để ông bạn đi đứng cho tử tế, tự nhiên, đừng để bà con thấy đang bị áp giải.”

Tôi đã được đãi ngộ tốt như thế đó! Vậy thì gây rối làm chi cho sứt mẻ mối liên hệ lưỡng lự giữa nhà nước và công dân?

Phải nói là cuộc đời tù tội của tôi “lên hương” sau bữa ra sắp hàng trong toán thợ mộc. Coi, mới làm thợ có ít ngày mấy ngón tay quen cầm bào đục đã muốn co quắp, duỗi ra thấy ngượng nghịu rồi! Gã cặp rằng ban mộc kéo tôi sang một bên rỉ tai: “Anh bạn, in hình có lệnh của Bộ trưởng Nội vụ thì phải.”

Tôi choáng người: Lệnh gì đây? Lúc tan hàng mấy gã Công vụ, có vai vế nhà lao bèn bu lấy tôi. Kẻ thì: “Chắc anh bị một củ nữa quá” nhưng mấy người khác nhất định: “Trả lại tự do”. Có lệnh Bộ trưởng Nội vụ, đồng chí Kruglov đâu phải chuyện chơi? Ngay tôi cũng chẳng biết mịnh sắp bị chồng thêm án, hay phóng thích nữa! Tôi quên khuấy vụ phái đoàn Trung ương tới Trại cỡ nửa năm trước chỉ thị lập hồ sơ kiểm tra. (Hồi đó chiến tranh vừa dứt, con dân quần đảo có lệnh kiểm tra hết. Trại nào cũng có chỉ thị xúc tiến gấp, nhưng đã hoàn thành thế nào được?)

Hình như trong bảng lược giải cá nhân của từng thằng Zek mục quan trọng nhất là “nghề nghiệp, chuyên môn”. Thằng nào chẳng tính toán trong đầu, xét coi nghề gì có giá nhất trong Quần đảo là tương đại vào? Nào thợ hớt tóc, thợ may, thủ kho, thợ làm bánh, Riêng tôi, sau khi nhíu mày suy nghĩ một chút, thản nhiên điền vô ô trống: Vật lý nguyên tử. Sự thực tôi có nghề này bao giờ! Mớ kiến thức nguyên tử loanh quanh “những điều nghe thấy” ở Đại học từ thời tiền chiến. Tối đa trong đầu tôi cũng chỉ có năm bảy ký hiệu nguyên tử vớ vẩn, mấy phương trình loạc choạc. Nhưng tôi cứ khai bừa vật lý học nguyên tử, vì năm ấy mới là 1946 còn cần ban nguyên tử quá mà. Vả lại tôi có đặt nặng vấn đề kiểm tra lý lịch, hồ sơ quần đảo đâu? Tôi khai nghề nghiệp rồi quên liền.

Bọn Zek tụi tôi thằng nào chẳng tin là giữa quần đảo ngục tù có những hòn đảo biệt lập vô cùng sung sướng? Chẳng hiểu những hòn đảo thần tiên đó có thực không hay chỉ là, những thiên đường trong huyền thoại. Đó là một sự thực chưa kiểm chứng nhưng cũng chưa bị ai cải chính bao giờ. Nó kín lắm, bí mật lắm. Có ai biết nó nằm đâu? Mà có biết, có ở cũng chẳng tiết lộ! Nội khoản thực phẩm ở đó cũng thiên đường. Sữa tươi, mật ngọt ê hề. Hột gà, kem tươi làm chuẩn. Chỗ ở sạch sẽ, thảnh thơi, ấm áp là cái chắc. Chẳng phải làm gì mệt nhọc. Chỉ hướng đầu óc về sự tìm tòi, phát minh – tất cả đều mật tối mật.

Những lần di chuyển đặc biệt đó tôi có cảm giác lâng lâng rõ ràng mình phải là người cõi khác mà người trần mắt thịt làm sao nhận ra. Bọn họ thấy sao nổi nhưng mình, nhìn thấy hết, biết hết! Thực vậy, tôi như chìm đắm vào một biển cả tự do ở sân ga có dịp chen vai thích cánh với những người là người, thấy tấm bảng kế bên dù chẳng liên quan gì cũng cứ ngẩn ngơ ngó. Ngồi dựa lưng trên băng xe toa hành khách, tai tôi lắng nghe những mẩu chuyện vô nghĩa, vô duyên. Nào chuyện thằng chồng vũ phu, gã sở khanh bỏ nhà. Nào chuyện nàng dâu, chuyện mẹ chồng. Những đứa ở công ốc xài điện câu trộm ở hành lang mà bước vô nhà không thèm chùi chân. Những chuyện vu vơ ở sở ấy sở nọ. Có thằng có chỗ làm ngon hơn nhiều mà phân vân không muốn dọn nhà. Nồi niêu soong chảo bao nhiêu thứ bộ mỗi lúc dọn dễ lắm sao?

Những mẩu chuyện dấm dớ lọt vào tai tôi hết. Nghe chịu không nổi, đúng là chuyện của những người trần mắt thịt, những đứa u mê bưng kín mắt, miệt mài chẳng biết gì hết. Sống như vậy mà tưởng đã là sống thiệt sao, hỡi ơi! Phải như thế này, phải như tôi mới gọi là sống.

Giữa bọn họ và tôi là cả một vực thẳm. Ngồi gần nhau trong gang tấc nhưng tuyệt nhiên không thể hoà đồng, không thể đụng chạm, cười khóc cùng. Xét ra cùng ngồi đây nhưng tôi chỉ là một hồn ma, bọn họ là người, bọn họ có thực thể!

Làm sao có thể truyền cảm với họ, cho họ biết họ thấy…? Bằng cách giao cảm, bằng huyễn ảnh, một giấc mơ chăng? Họ là người, đồng loại, đồng bào tôi đấy! Họ đang sống đấy! Này giữa đêm đen âm u, lặng ngắt những cánh cửa khám tử tù bật mở, có những con người bị nắm đâu, xách đi bắn bỏ. Giữa giây phút này, cũng đang ngồi xe lửa như thế này ở một đoạn đường nào đó, có những con người nuốt trộng mẩu cá khô, lưỡi rát bỏng thè ra liếm đôi môi khô. Có những con người cũng ngồi xe lửa giờ này đang ước gì được duỗi chân một lát cho sướng, đi cần được một cái cho thoả thuê. Này ở Orotukan đó, có những con người phải đợi hè về, cắm cúi đào lớp đất sâu 1 mét lúc ấy vừa rã băng mới chôn được những xác khô, những con người vừa ra đi trong mùa băng giá. Này phải chi được sống tự do để ngước nhìn trời xanh nắng chiếu, để uống một miếng nước hoặc được duỗi chân ra, đi lại không bị áp giải.

Như vậy đó, chùi chân hay không chùi chân có nghĩa gì? Chuyện mẹ chồng, chuyện nàng dâu là cái gì? Mà sống trên đời này để làm cái gì đã nào? Mấy người muốn nghe không? Tôi sẽ kể ngay bây giờ.

Tôi kể chớ. Tôi muốn nói đừng cắm cúi chạy theo tiền tài danh vọng. Bao nhiêu tâm sức trong mấy chục năm trời chỉ cần một đêm là mất sạch. Sao không vượt ra, đứng trên hẳn cuộc đời này, để hoạ không sợ, phúc chẳng màng? Xét cho cùng hoạ hay phúc thì cũng như nhau. Chẳng hoạ mãi bao giờ cũng như phúc chẳng thừa đến tràn trề. Cuộc đời nếu lạnh không chết cóng, bụng không biết đến đói khát là đủ. Chân tay còn nguyên vẹn, cử động và đi đứng được, lưng chưa gãy gập và mắt còn sáng tai còn tỏ là đủ. Không ao ước, không thèm thuồng để tự hành hạ mình. Hãy dụi mắt và làm mới con tim: trên đời này còn gì quý bằng những người có tình cảm với mình, chỉ mong cho mình khá? Với những người ấy đừng giận dữ, trách móc, làm buồn họ. Biết đâu chừng vừa sanh sự với nhau, là mình bị bắt và cử chỉ cuối cùng của mình sẽ vươn vấn họ suốt đời?

Tôi muốn nhắn nhủ với họ như vậy nếu 2 ông hộ tống không gõ gõ báng súng sáu nhét trong túi. Tôi nhớ ra ngay nên ngồi yên lặng, ngồi đàng hoàng như hai người bạn đồng hành hai bên.

Tôi đưa tay chùi mồ hôi trán, nhắm mắt lại rồi mở ra. Vẫn lù lù trước một mặt bọn người không bị áp giải. Không thấy lính canh. Tôi thấy tối đêm rồi nằm xà lim, đêm mai vẫn xà lim. Có bóng người lù lù, nhưng chỉ là gã soát vé đi kiểm soát. “Có chứ. Vé tôi đây.”

Toa xe hôm ấy đông. Nhưng đông khách chớ không đông người nằm chui gầm ghế, người ngồi bó gối dưới sàn, người choán đường đi. Hai ông hộ tống dặn tôi ngồi đứng tự nhiên như mọi người. Tôi tự nhiên chớ sao? Rất tự nhiên tôi đứng bật dậy, mau mắn chạy tới chiếm chiếc ghế trống ngay sát cửa sổ. Tôi ngồi vào chỗ. Mấy ghế bên cạnh có người cả rồi. Hai ông hộ tống ngồi nguyên chỗ cũ, những cặp mắt âu yếm không rời tôi.

Đến ga Perebory bỗng có một ghế trống trước mặt. Một ông hộ tống nhấp nhổm tính sáng choán chỗ nhưng không kịp. Nhanh như cắt một kẻ lạ mặt đã ào vô ngồi. Khuôn mặt hắn no tròn, áo khoác da cừu, khăn choàng cổ cũng lông cừu. Hắn còn xách theo chiếc rương gỗ, giản dị nhưng chắc chắn: đúng là sản phẩm của quần đảo!

Có một chỗ ngồi rồi, hắn thở phào sung sướng. Đèn ca-bin sáng mờ mờ, mặt hắn đỏ rừng. Chắc lên xe vội vã lắm, lại nhậu khá say. Quả nhiên hắn lôi đâu ra một chai la-ve, giơ lên cho tôi coi và thân mật mời: “Có la-ve đây, làm một ly không, đồng chí?”

Làm gì tôi chẳng biết hai ông bạn hộ tống ngồi ghế bên kia đang khó chịu dữ? Tôi đâu được phép uống rượu, bất cứ một thứ rượu gì. Nhưng họ lại căn dặn “phải xử sự, đi đứng sao cho thật tự nhiên” mà. Vậy tôi phải tự nhiên. Rượu có người mời, từ chối sao tiện? Tôi bèn gật đầu: “La-ve hả? Được lắm chớ.”

(Chao ôi, la-ve! Cả một bài thơ tuyệt tác. Từ 3 năm nay tôi đâu có diễm phúc tợp một ngụm la-ve. Trời ơi, vô xà lim ngày mai tôi có quyền khoe ầm lên: “La-ve hả? Hôm qua vừa uống xong!”)

Hắn rót ra một ly mời tôi. Tôi cầm lấy, làm một hơi dài, khoan khoái đến rùng mình! Lúc bấy giờ đã tối hẳn, trong toa xe đâu có đèn điện. Bao nhiêu năm chiến tranh mà. Chỉ có một mẩu đèn cầy nho nhỏ đặt trong cây đèn cổ lỗ treo ở cửa: mỗi ca-bin có hai hàng ghế ngồi châu đầu mà 4 ca-bin mới chia nhau một cây đèn cầy. Cho nên hắn ngồi ghế đối diện mà mặt mũi ra sao tôi chỉ thấy mờ mờ. Nếu tôi nói chuyện nho nhỏ đủ nghe thì ông bạn hộ tống muốn nghe lén cũng không nổi vì tiếng bánh xe nghiến xuống đường rầy rầm rập. Ông bạn la-ve coi bộ dễ tính quá, tôi đã tính chuyện nhờ vả. Trong túi tôi có sẵn 1 bưu thiếp, ghi sẵn địa chỉ gia đình. Nhờ hắn bỏ thùng thư giùm chắc được. Hắn làm gì chẳng hiểu hoàn cảnh tù tội, coi cái rương gỗ kia là biết liền. Chưa kịp mở lời hắn đã xuề xoà cho biết:

“Gớm, hồi này khó khăn quá! Mãi mới có cái giấy đi phép thường niên. Mà hai năm chưa biết đến nghỉ phép là gì đấy! Thật không có ngành nào khổ sở khó khăn bằng!”

“Ngành nào mà ghê thế?”

“Ủa, không biết hả? Tôi An ninh Quân đội, MVD mà. Dân cầu vai xanh mà. Thấy cầu vai xanh bao giờ chưa?”

Chết cha! Giản dị vậy mà tôi không đoán ra, Ga Perebory là trạm chánh đi vô Trại Vologag mà. Thấy chiếc rương đặc biệt quần đảo là tôi phải hiểu nó ở đâu ra, chủ nó thuộc hạng người nào rồi. Kỳ lạ, ca-bin xe một thằng Zek hai ông MVD hộ tống đã là nhiều. Giờ lại có thêm một MVD nữa. Quanh đây dám có một ông thứ tư và toa này cũng dám có một thằng đang được hộ tống như tôi.

Ông bạn MVD đi nghỉ phép cứ cằn nhằn, phàn nàn luôn miệng. Cơ quan sao khó quá, hai năm trời mới biết đến tấm giấy nghỉ phép! Tự nhiên tôi thấy cần phải xỏ vô người khi không lãnh 10 năm chẳng về phép một lần thì không biết còn khổ đến chừng nào?.

Nghe tôi đụng đến địa hạt cấm kỵ hắn vội nín khe. Mãi đến sáng hôm sau cũng không nói thêm một câu. Nãy giờ đèn mập mờ chắc hắn yên chí tôi cũng lính tráng gì đây, sơ-mi nhà binh, áo nửa nhà binh nửa dân sự mà. Nhưng thực sự tôi là cái gì thì biết đâu đấy. Dám Công an nhân dân lắm. Hay nhân viên Nội An đi truy nã bọn đào tẩu không chừng. Toa xe này là thứ đặc biệt, đâu phải ai lên ngồi cũng được. Có mặt tôi sờ sờ mà hắn dám chỉ trích, phàn nàn Cơ quan thì….

Lúc bấy giờ đèn cầy vừa tàn, bấc đèn còn cháy vớt. Trên ngăn để hành lý trống trơn có gã trẻ tuổi nằm từ hồi nào. Nghe bà con trò chuyện hắn cũng lên tiếng góp, vui vẻ kể chuyện chiến trường, những mẩu chuyện chẳng đặc sắc gì nhưng không có trong sách báo. Hắn ở một đơn vị Công binh chiến trường nên mắt thấy tai nghe những gì kể lại trung thực, không đánh bóng, không tô vẽ. Vì là chuyện thực nên bà con nghe chăm chú lắm.

Phần tôi thiếu gì chuyện hay, chuyện lạ. Tôi cũng muốn kể lắm chớ. Nhưng thôi, nhắc làm chi những chuyện đã qua hẳn rồi. Đồng ý 4 năm chiến đấu thật nhưng tất cả đã tan biến hẳn. Ngay tôi cũng không ngờ có những chuyện như vậy đã xảy ra. Không muốn nhớ nữa. Hai năm quần đảo đã bôi xoá sạch, nào ký ức Chúa Trời, nào tình đồng đội tiền tuyến. Có còn gì đâu?

Thì ra nằm Trại Cải tạo 2 năm vừa có dịp ở mấy giờ giữa khối người tự do tôi đã cảm thấy lạc lõng, câm nín. Muốn nói nhưng không nên lời, tay như bị trói buộc. Đây không phải đất sống của tôi nữa rồi. Tôi muốn trở về, trở về đất cũ, về quê hương tôi nơi Trại Cải tạo!

Sáng ra tôi cố tình để quên tấm bưu thiếp ở ngăn hành lý bên trên. Thế nào chẳng có nhân viên Hoả xa lên quét dọn toa xe hàng ngày? Một mụ lao công nào đó chắc chắn sẽ lượm được nó và nếu còn là người, còn có lương tâm mụ sẽ nhặt lên, bỏ giùm vô thùng thư.

Xe lửa dừng. Chúng tôi ra ga, ga miền Bắc Mạc Tư Khoa chớ xa lạ gì. Hai ông hộ tống đâu có biết đường phố thủ đô. Tôi lại phải làm hướng đạo. Đi, tụi mình đi xe điện hạng B. Xe điện thì bến xe ở chỗ giữa Công viên kia. Giờ này buổi sáng là giờ đi làm chuyến xe nào chẳng đông? Một ông hộ tống vội bước lên, tới cạnh mụ lái xe điện chìa tấm thẻ hành sự MVD ra. Chúng tôi lên toa xe trên, nghiễm nhiên có quyền đứng sừng sững làm như nghị viên thành phố vậy. Lại khỏi móc tui mua giấy xe nữa! Toa xe này có phải ai muốn lên cũng được đâu. Già cả, què cụt cũng phải xuống toa dưới, ráng mà chen chúc.

Sắp tới ga xe điện Novoslobodskaya, chúng tôi chuẩn bị xuống. Quả thực đây là lần đầu tiên tôi được quan sát khám Butyrki từ phía ngoài. (Còn nằm khám này thì đã nằm đúng 4 lần, nhắm mắt cũng vẽ được bản đồ đầy đủ chi tiết!)

Chao, không ngờ Byturki đồ sộ đến thế! Nó chiếm trọn hai khu phố liền, vách cao sừng sững. Cửa lớn đây kia, phải nói là thấy cánh cửa thép của nó kéo vẹt sang một bên là dân Mạc Tư Khoa nhiều anh rét! Nhưng tôi thì dễ quá: Rời bỏ vỉa hè tự do bên ngoài, tôi đi thẳng vô chòi canh trấn trước cửa lớn thản nhiên như đi về nhà mình vậy. Này phần ngoài cùng, mấy cánh cửa lớn gỗ chạm kia tôi còn lạ gì. Sau đó hẳn là mục kê khai và kiểm soát lý lịch. Ai chẳng phải quay mặt vô vách nghe câu hỏi quen thuộc: “Tên gì, họ gì, tên lót, năm sinh…”

Tên tôi ư? Tôi là Hồn đi hoang ngoài vũ trụ. Xác thân bị buộc chặt rồi nhưng hồn thì bay bổng vô phương cầm giữ.

Tôi biết chứ. Vô đây là thân xác sắp trải qua một đợt thủ tục nhập môn thường lệ, đúng thứ tự. Nào phòng tạm giam, nào khám xét, nào biên nhận vật dụng ký kho, rồi ghi danh vô sổ cái, rồi tắm người, rang quần áo.

Xong ngần ấy cửa ải là vô tới xà lim. Căn phòng lớn, trần cánh cung, 2 đầu vòm cao tuốt (xà lim Byturki mà). Thế nào chẳng có hai cánh cửa mở rộng, một dãy dài bàn, hộc tủ, Đám người trong đó mặt nào chẳng khôn ngoan, săn đón, thân thiện? Có thằng mới vô thế nào chẳng có vụ tay bắt mặt mừng, giới thiệu hỏi han, rồi chuyện qua chuyện lại dứt không ra, quên cả buồn ngủ.

Mấy chén, bát được phân phát. Chiếc nào chẳng dánh dấu rành rành BU-TYUR như nhau? Ra điều vật dụng sở hữu của BUtyrskaya TYURma, tức Khám đường Byturki, nhưng riêng với chúng tôi lại là Trung tâm săn sóc sức khoẻ đệ nhất hạng. Nó nằm sờ sờ ngay giữa lòng thủ đô mà tiếc thay mấy ông lớn bệ vệ, thừa mỡ không để ý. Muốn bớt đi ít nhiều ký mỡ dư họ bày đặt đi tới Kislovodsk để uốn mình đúng một tháng trời theo phương pháp khắc khổ: Ngày ngày đi bộ đường rừng, chống tay nâng lên hạ xuống tập cốt cho đổ mồ hôi. May ra bớt được từ hai tới ba kí lô mỡ tối đa. Phải chi vô Trung tâm săn sóc Byturki thì xong ngay! Chẳng cần tập luyện theo phương pháp gì, chỉ ngồi một chỗ và trong vỏn vẹn một tuần lễ là vị nào cam đoan cũng mất được 8 kí lô thịt sắp lên.

Đó là phương pháp điều trị Byturki, từng thử thách đã nhiều và chưa bao giờ thất bại.

*

Một trong những sự thực anh học được trong tù là thế giới quá nhỏ hẹp, nỏ hẹp quả. Quần đảo ngục tù thuộc hệ thống Gulag trải rộng khắp Liên bang Xô Viết thực nhưng thưa dân hơn nhiều, làm sao bằng nổi? Dân quần đảo được bao nhiêu? Chẳng ai biết con số chắc chắn nhưng cam đoan không lúc nào dưới 12 triệu con người, xét vì một kẻ về với đất là một kẻ sẽ được Bộ Máy đưa vô trạm ngay tức khắc. [1] Trong 12 triệu tù thì tù chính trị tối đa chỉ chiếm một nửa tức 6 triệu người.

6 triệu con người bị giam vì chính trị! Thụy Điển, Hy Lạp dân số cũng chỉ ngần ấy là cùng. Lạ một điều dân quần đảo đông thế mà thiếu gì người biết nhau. Nói tên ra là nhận quen liền. Chẳng hạn như trong xà lim khám tạm dọc đường, anh vừa đặt chân vô thì sau một hồi thăm hỏi gần xa kể như chắc chắn sẽ lòi ra một kẻ từng quen biết một vài bạn anh.

Trường hợp Alexander D. mới lạ lùng. Nhốt cát-xô trên một năm, sau khi đi Sukhanovka bị đồng chí Ryumin đích thân tra tấn, nằm nhà thương ra, mới được tống vô loa Lubyanka. Vậy mà vừa vô xà lim, cho biết tên họ đã có một người chạy tới thân mật vỗ vai:

“Chà, nghe đại danh đã lâu bây giờ mới gặp mặt.”

Người lạ mặt vồn vã hỏi thăm và xưng danh F.. Với quá nhiều kinh nghiệm ở tù, Alexander thấy tốt hơn là né trước:

“Ô hay, ông bạn là ai? Tôi nhớ chưa được gặp.”

“Đúng chưa gặp! Nhưng quen thì có thể nói lâu rồi. Từ ngày…”

“Ủa, từ ngày nào?”

“Từ ngày tôi còn tự do, đọc báo thấy tên ông bạn! Alexander D. công dân Mỹ phải không? Ông bạn là người Mỹ hồi đó báo chí tư bản phản động cứ vu cáo bị Nga bắt cóc làm thông tấn xã Tass phải cải chánh mãi. Có phải Alexander D. đó không?”

“Đúng là tôi!”

Tôi chịu những lần có thêm một dân cũ nhập xà lim. Phải là dân cũ, những tay từng tù ngục quen, chớ chẳng phải một tay mơ vừa bị nắm cổ lần đầu, vô xà lim là rầu rĩ, xuống tinh thần chán chết! Chính tôi cũng còn khoái giây phút đầu tiên gia nhập xà lim mà. (Cũng may, nhờ Trời tôi không bị thêm lần nào nữa!) Miệng tươi cười, tay đưa lên chào chung: “À, anh em nhà cả!”

Lần này tôi cũng cười cởi mở và chào như thường lệ, quăng ba lô ra sàn và có lời thăm hỏi: “Thế nào, các anh em? Một năm nay mới trở lại, Byturki có gì thay đổi, có gì lạ?”

Thế là trò chuyện trao đổi. Có một tay xưng tên Suvorov, 58 tuổi. Nhìn qua thì gã có gì đặc biệt đâu? Để ý nhìn một hồi cũng vẫn không ra. Hắn nói từng nằm Krasnoyarsk, chung xà lim với Matkhotkin.

"Ủa, Matkhotkin! Phi công chuyên bay đường Bắc cực?"

"Đúng! Tên hắn được…"

"… được đặt cho một hòn đảo trong Vịnh Taimyr. Cũng bị điều 58, khoản 10 đấy. Sau bị đưa đi Dudinka."

"Đúng rồi! Sao anh bạn biết?"

Tuyệt quá! Vậy là lại biết thêm được ít chi tiết liên quan đến một nhân vật đặc biệt mà tôi chỉ nghe tên, chưa hề thấy mặt. Có lẽ không bao giờ! Nhưng cuộc đời của phi hành gia Matkhotkin thì tôi nghe kể đã nhiều. Bản án, đi đày của hắn là bản án một phần tư, tức ¼ thế kỷ, tức 25 năm, nhưng hòn đảo Matkhotkin chẳng thể vì vậy mà đổi tên được! Nó có trên bản đồ thế giới công nhận chớ đâu phải bản đồ của riêng quần đảo.

Dĩ nhiên bị đi đày Matkhotkin cũng được hưởng chế độ Sharashka và lãnh công tác chuyên môn ở Bolshino. Nhưng bị kẹt giữ một đám kỹ sư hàng không, lại không được phép bay thì phi hành gia Matkhotkin sung sướng sao được? Hắn được tách ra, gia nhập nhóm Taganrog và bị kiểm soát gắt gao. Ở Rybinsk, tôi nghe nói hắn cố xin phép được bay thám hiểm ở miền Bắc cực. Sau nghe nói hắn được phép bay. Dĩ nhiên tôi đâu cần biết tin tức Matkhotkin làm chi, nhưng nghe lời là nhớ hết! Mười hôm sau tình cờ đi tắm cùng ca với một gã tên R. nghe đâu nằm bệnh xá Byturki đã nửa năm và sửa soạn đi Rybinsk. Không quen biết R. nhưng tôi sẵn sàng kể chuyện nên chỉ 3 hôm sau anh em ở Rybinsk chắc chắn sẽ hay tin Matkhokin đi Dudinka cũng như tôi đã về nằm Byturki rồi. Ở một cấm địa như Rybinsk còn nghe tin tức ở đâu nếu không có hệ thống truyền tin đặc biệt giữa bọn Zek? Có người đi về, có người kể người nhớ là đi đày xa xôi tới đâu cũng biết hết tin tức.

Trong xà lim có một gã đẹp trai đeo kính gọng sừng và ưa đi quanh quẩn trong phòng nghêu ngao một bài ca Schbert bằng một giọng thổ dễ thương: “Và tuổi trẻ một lần nữa đè nặng lên tôi. Con đường đến huyệt còn xa biết mấy”. À, tôi nhớ ra rồi: gã đúng là Sergei Romanovich Tsaraphin!

"Này ông bạn, Ông bạn ở ngành Sinh vật học phải không? Ở Bá Linh, không chịu hồi hương chớ gì?"

"Ủa, sao biết?"

"Biết chứ! Trái đất này nhỏ quá mà! Năm 1946 tôi từng gặp Nikolai Vladimirovich Timofeyev Ressovsky…"

*

Trong phút chốc những gì đã xảy ra năm 1946 hiện rành rành trước mắt tôi. Cũng khám Bykurki. Xà lim Byturki tương đối đỡ khổ nhưng riêng xà lim 75 mà tôi bị tống vô năm đó quả là hách nhất trong cuộc đời tù tội của tôi. Lúc bây giờ là tháng 7, tôi được “triệu” từ Trại về theo lệnh của đồng chí Bộ trưởng Nội vụ. Đến Byturki vào buổi trưa, cũng qua ngần ấy thủ tục “nhập môn” nhưng 11 giờ sau mới hoàn tất chỉ vì tù quá đông. Tôi vô xà lim là, vừa đúng 3 giờ sáng.

Xà lim 75 có 2 vòm cao thì 2 ngọn đèn chiếu sáng quắc, người nằm xép lớp như cá mòi, mồ hôi nhễ nhại, hơi thở nặng nhọc vì hầm quá! Có hai cánh cửa sổ thì “đậy nút” kỹ cả hai, không khí không vào lọt nổi. Nóng quá, người nằm ngủ thiêm thiếp, nhưng đàn muỗi đói lại hoạt động hơn bao giờ hết: Tiếng muỗi bay vo ve nghe đến sợ! Nhiều người lấy khăn tay đắp kín mặt để trốn muỗi mà cũng để che bớt ánh sáng ngủ cho dễ. Có dễ đến 80 người căn phòng cổ lệ chỉ chứa 25 là tối đa.

Thảo nào hơi người hầm hập đến như vậy! Xà lim nóng bức cỡ này thì người cũng dám chín nhừ nói gì đến những thứ ăn có thể thiu thối được. Bằng cớ là từ phía trong góc kẹt hơi cầu tiêu – phân cộng nước tiểu cộng đủ thứ uế tạp – xông ra nồng nặc, gắt gao. Nhìn chung quanh chỗ nào cũng người nằm ngổn ngang: 12 giờ đồng hồ liền chưa được nghỉ ngơi tôi đã thấm mệt cùng cực mà chưa tìm thấy một chỗ trống khả dĩ ngã lưng đỡ được. Nhưng kinh nghiệm nằm xà lim quá nhiều, không lẽ tôi không thu xếp được một khoảng trống, để khỏi phải đứng sừng sững hay ngồi co ro đợi giờ điểm danh sáng.

May quá, có rồi! Xà lim Byturki nào chẳng có một cái bàn gỗ vừa dùng làm bàn vừa làm tủ đựng đồ? Nó nằm đây kia, ai đã di chuyển tuốt vo góc kẹt cầu tiêu. Dọn dẹp qua một chút, rồi đẩy nó qua một bên là tôi “xoay sở” được một diện tích vừa đủ ngả lưng! Dĩ nhiên nằm kế cầu tiêu chẳng thơm tho sạch sẽ gì nhưng trong phòng này mọi chỗ khác cũng chẳng hơn bao nhiêu. Chỉ phiền là nằm choán đường đi, ai muốn đi cầu là phải bước ngang người tôi. Khó chịu thực, nhưng giờ này bà con còn lo ngủ bằng chết!

Chợp mắt chưa được bao lâu đã nghe khẩu lệnh: “Hết giới nghiêm! Thức dậy hết.” Cả xà lim khởi sự đụng đậy, dọn dẹp. Chiếc bàn được đẩy trả về vị trí cũ là giữa hai cửa sổ.

Bà con lúc bấy giờ mới nhận diện “người mới”. Vài kẻ may mắn chạy tới thăm hỏi mà cũng để đánh giá tôi, dân mới hay Zek thâm niên. Chỉ trao đổi nhau vài ba câu chuyện là tôi đã phân tích xong: Xà lim này gồm 2 thành phần rõ! Một là đám dân mới đang chờ đợi đi trại Cải tạo lần thứ nhất. Hai là những tay Zek thâm niên đang luân lạc trong quần đảo được gọi về để chuẩn bị chia đi các trung tâm kỹ thuật để phục vụ nhà nước bằng khả năng chuyên môn. Lớp thứ hai rõ ràng toàn chuyên viên: Không Vật lý cũng Hoá học gia, không giáo sư Toán cũng kỹ sư hoạ kiểu, Biết vậy là tôi vững tinh thần chán! Ít nhất cũng không bị đồng chí Bộ trưởng kéo đầu về Byturki để dộng thêm bản án nữa.

Đúng lúc đó có một gã trung niên, vóc người to lớn nhưng gầy trơ xương, sống mũi cao bước lại gần tôi bắt chuyện. Hắn nghiêm nghị nói:

"Xin tự giới thiệu với ông bạn, Tôi là Giáo sư Timofeyev Ressovsky, đương kim Chủ tịch Hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật của Xà lim 75 này. Hiệp hội chúng tôi theo thông lệ sáng sáng sinh hoạt nội bộ sau cử phát bánh, địa điểm là dưới chỗ cánh cửa sổ. Ông bạn có đề tài hay ho gì thuyết trình xin cứ việc tự tiện. Có thể cho biết qua chủ đề chăng?"

Vẻ mặt, cung cách của Timofeyev Ressovsky cũng như danh xưng của Hiệp hội “đặc biệt” làm tôi chới với. Vả lại giữa lúc nóng bức thế này tôi lại kềnh càng “đóng” nguyên bộ đồ Bắc cực thì không lúng túng sao được? Mấy ngón tay tôi còn co quắp vì lạnh, bàn tay còn nứt nẻ nhiều chỗ mà.

Ra mấy chữ Vật lý nguyên tử mà tôi quẹt bậy vô ô trống “Nghề nghiệp, chuyên môn” trên tấm thẻ kiểm tra hồi đó không ngờ có ép phê thế đấy! Chỉ vì nó hay nhờ có nó mà tôi có mặt được ở xà lim 75 này, với danh nghĩa ghê gớm của một , nhà bác học nguyên tử!

Thôi thì đã lỡ “đi lạc” vào lãnh vực khoa học nguyên tử tôi đành phải sắm vai trò, bác học Vật lý chớ sao? Nếu Hiệp hội Khoa học Kỹ thuật xà lim 75 đã hạ cối mời đăng đàn thuyết trình một đề tài nằm trong phạm vi chuyên môn của mình là Vật lý nguyên tử thì tôi đành thuyết trình chớ sao? Nhưng tôi sẽ thuyết cái gì? Chủ đề nào?

Lúng túng một lúc cũng phải có chủ đề thiệt. Chẳng là mới đây hồi còn nằm Trại, tình cờ tôi vớ được một tập sách nho nhỏ không hiểu từ đâu lọt vô. Tôi giữ lấy đọc trong hai đêm liền Bản Phúc trình Smyth, tài liệu chính thức của Bộ Quốc phòng Mỹ, phổ biến về trái bom nguyên tử đầu tiên. Hình như tập tài liệu mới được công bố vào mùa Xuân 1946. Đối với các hội viên của Hiệp hội thì đây nhất định phải là một đề tài mới, chưa ai được coi. Mang ra làm chủ đề thuyết trình để ra mắt anh em thì tuyệt vời!

Quả nhiên về sau cử phát bánh mì sáng hôm đó, toàn thể hội viên (cỡ 10 mạng chứ mấy) hân hoan nhóm họp ở dưới khung cửa sổ bên trái xà lim 75 để nghe tôi “thuyết” chủ đề nòng cốt: Về trái bom A thứ nhất. Khỏi nói là tôi được chấp nhận làm hội viên thực thụ tức thì! Phúc trình Smyth dù sao tôi cũng còn nhớ và lỡ có quên ít chi tiết và chỉ hiểu lõm bõm một số chi tiết khác cũng chẳng sao. Đã có “đồng nghiệp” Timofeyev Ressovsky – nhân danh Chủ tịch Hiệp hội – đứng bên sẵn sàng bổ túc. Cũng nên ghi nhận là ông Chủ tịch đã nằm khám một năm và hoàn toàn mù tịt về bom nguyên tử. Vả lại tôi còn một vỏ bao thuốc lá và giấu được một mẩu viết chì. Tôi cứ việc thuyết, “đồng nghiệp” Nikolai Vladimirovich sẵn sàng dùng chúng thay bảng để rẽ ra 5, 7 cái đồ hình đồ biểu, để nối lời tôi giải thích tận đường những chi tiết kỹ thuật cần bổ túc. Phải nói là Nicolai đã trình bày và thuyết minh cụ thể và rành rẽ với một niềm tự tin, như chính hắn là một trong nhóm bác học Vật lý đã đẻ ra trái bom Alamos vậy!

*

“Chủ tịch” Timofeyev Ressovsky là một mẫu người đặc biệt. Ngành chuyên môn của hắn là Sinh vật học và có thể coi như một trong những chuyên viên về truyền giống cừ nhất thế giới (ngay khi Timofeyev bị nhà nước Xô Viết cầm tù rồi, đồng nghiệp Zhebrak còn dám viết trên một tờ báo Gia Nã Đại, đặt Timofeyev lên trên bác học số 1 Lysenko. Vì cho rằng “Timofeyev mới đích thực nhà sinh vật học lớn nhất Nga Xô Viết, không phải Lysenko” nên năm 1948 chính Zhebrak cũng bị thanh trừng. Ngoài ra, nhiều sách giáo khoa Nga cũng ghi danh Timofeyev như một nhà Sinh vật học lớn của thời đại).

Gặp Timofeyev Ressovsky, tôi có cảm tưởng cả con người hắn ta là tổng hợp của mọi thứ khoa học, quan điểm khoa học của hắn ôm đồm quá nhiều bộ môn chớ không chuyên biệt như các thế hệ khoa học gia sau này.

Sự hăng say hiểu biết khoa học của Timofeyev dễ nể ở chỗ hắn vẫn ham hoạt động, sau một thời gian điều tra dài bị bỏ đói bỏ khát! Xét về gốc gác thì phía ngoại Timofeyev thuộc dòng giống đang suy tàn Kaluga ở vùng đồng bằng sông Ressa, phía nội là hậu duệ của Stepan Razin với dòng máu chắc nịch. Càng cứng đầu thì Timofeyev càng bị điều tra viên nặng tay, do đó hắn “lãnh đủ” hơn chúng tôi nhiều.

Cuộc đời Timofeyev Ressovsky có thể gọi là lên hương kể từ 1922 khi nhà bác học Vogt gốc Đức (sáng lập viên Viện Não học Mạc Tư Khoa) yêu cầu chính quyền Xô Viết cử hai khoa học gia trẻ, lỗi lạc sang Đức để học tập dưới sự hướng dẫn của ông ta: Timofeyev đã được chọn cùng Tsarapkin. Hai mầm non bác học Nga được cử sang Bá Linh tu nghiệp, thời hạn công tác không hạn định.

Do đó, sau khi tạo nhiều công trình khoa học đáng kể dưới sự hướng dẫn của Vogt, cả Timofeyev lẫn Tsarapkin đều không chịu về nước khi bị chính phủ Xô Viết triệu hồi năm 1937.

Cả hai cùng gạt bỏ vấn đề chính trị và nhấn mạnh vì tinh thần phục vụ khoa học, họ không thể hồi hương để bỏ dở một công trình khảo cứu dài hạn theo đuổi từ 15 năm cũng như bỏ rơi đám hậu sinh đang được họ hướng dẫn trực tiếp. Dù không nói ra nhưng ai cũng hiểu là không chịu để nhà nước lợi dụng danh nghĩa bác học vào công tác tuyên truyền trên đầu hai người từ đó, dù họ ở lại Bá Linh chỉ để phục vụ khoa học thuần túy và vẫn tự coi như công dân Nga thành tâm yên nước.

Năm 1945 Hồng quân tiến chiếm vùng Buch (ngoại ô Đông Bắc Bá Linh) nơi Timofeyev Ressovsky có một cơ sở thí nghiệm Sinh vật học đồ sộ. Chính hắn ta đã đưa cả Viện ra đón mừng hoan hô đoàn quân giải phóng tiếp xúc tốt đẹp cũng như được hứa hẹn Viện sẽ được duy trì, vẫn đặt dưới quyền của Timofeyev Ressovsky.

Bỗng một hôm có phái đoàn thanh tra Xô Viết ghé thăm và ra lệnh: “Cơ sở này phải gỡ rra, đóng thùng gởi về Mạc Tư Khoa!”. Ngạc nhiên quá, Timofeyev cực lực phản động: “Đâu được. Đây là một Viện Thí nghiệm Sinh vật học, phải bao nhiêu năm mới dựng lên nổi. Sinh vật di chuyển sao được?”. Phái đoàn làm bộ ngạc nhiên: “Ủa, không được hả?”. Ngay sau đó Timofeyev và Tsarapkin bị bắt và dẫn giải về Mạc Tư Khoa. Cả hai cùng ngây thơ, cứ tưởng không có họ Viện Nghiên cứu Thí nghiệm Sinh vật chắc chắn không hoạt động được. Viện không hoạt động thì Viện đóng cửa, Đảng và nhà nước không quan tâm. Nằm trong Lubyanka hai nhà bác học lãnh 10 năm tù và riêng ông Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Kỹ thuật nằm Byturki vẫn vững tin không làm gì sai lầm.

Riêng phần tôi dù nằm chung xà lim 75 vẫn lấy làm sung sướng. Như nhà hiền triết Epicurus từng nói, ai từng trải qua một loạt những bất mãn trong đời thì có sống vô vị cũng tự lấy làm thoả nguyện chán. Ở trại tưởng như vĩnh viễn, ngày ngày cong lưng lao động 10 giờ đồng hồ dầm mưa dãi nắng và đói lạnh thì còn gì hạnh phúc bằng nằm duỗi dài ngủ cho hết ngày, khỏi phải làm mà ngày ngày 500 gam bánh mì 2 dĩa súp nóng khi lòng trâu lòng bò khi thì thịt cá voi!

Nằm ngủ thì xà lim đông nghẹt, còn chỗ nào khá hơn gầm sàn? Chỗ này quá thấp, có ai nghĩ tới ngủ chui ngủ rúc thế này? Muốn vô dĩ nhiên phải chui luồn thảy cái áo vô nhờ đứa nằm trước trải ra giùm rồi nằm sấp từ ngoài trườn mình vô! Nền xà lim tráng hắc ín dơ dáy, gầm sàn một tháng quét một lần chứa biết bao nhiêu bụi bậm rác rưởi, vụn bánh, thức ăn từ sàn trên rớt xuống. Như vậy một ngày chỉ được đi rửa chân tay đúng một lần, không có xà bông!

Ngủ chui rúc, khốn khổ như vậy vẫn còn sướng. Miễn cứ úp mặt xuống, ngủ được lúc nào là đỡ phải hành hạ con tim lúc ấy, ngày tháng rồi cũng qua mau. Ngoài đời hoạt động liên miên thì ngủ 8 giờ một ngày cũng phí thì giờ nhưng trong xà lim còn thiếu thốn trăm bề, tuyệt vô hy vọng thì ước gì ngủ nổi 14 tiếng!

Nằm xà lim 2 tháng tôi ngủ liên miên, ngủ bù lại hai năm trời thiếu ngủ. Đổi chỗ liên tiếp, từ gầm sàn lên sàn trên gần cửa sổ, từ sàn xuống nền nhà, Tôi còn ngủ nữa nếu không tham gia sinh hoạt với các anh em. Buổi sáng họp Hiệp hội, chơi cờ, đọc sách, những cuốn sách truyền tay nhau đọc, chẳng bao giờ ế khách. Còn giờ đi dạo ngoài trời, một ngày 20 phút chớ đâu phải ít, mưa to gió lớn cũng đi.

Sung sướng nhất là những buổi trò chuyện với anh em. Có Andreyevich Semyonov, một trong những cha đẻ của đập nước và nhà máy thủy điện Dnieper, kỹ sư Karpov cựu tù binh, Có Viktor Kangan, nhà Vật lý học khôn ngoan, có Voloda Klempner nhạc sĩ, Có gã tiều phu và thợ săn ở Vyatka, thâm trầm như mặt hồ. Có giáo sĩ Yevgeny Ivanovich Divnich phái Chính thống, không lo giảng đạo mà động nói là vác biện chứng ra hạ hắn tơi bời nhưng một năm tù đã mở mắt tôi nhiều thứ, hết dám mạnh miệng nói bướng, cái gì cũng: “Nói láo! Tư bản bịa đặt trắng trợn!”. Bây giờ chỉ vì thấy nhiều nên lập trường của tôi đâm yếu hẳn lúc nào không hay.

Xà lim còn nhiều bạn bè nữa chớ? Năm ấy mới là năm thứ hai, các đợt tù binh từ Âu Châu hồi hương tiếp tục vô khám, cùng các kiều bào hải ngoại từ Âu Châu về, từ Mãn châu sang. Nhờ bọn họ mới biết tình hình bên ngoài, tin tức những người quen biết. Do đó tôi mới hay tin Đại tá Yasevich đã bị xử bắn.

Chao ôi, thế giới nhỏ hẹp, quanh đi quẩn lại tôi lại gặp ông già Đức ngày nào mà tôi nhất định bắt vác va-li. Hồi đó ông ta bệ vệ lịch sự biết mấy, giờ đây ốm đau coi như xác chết. Thấy tôi làm gì ông ta chẳng nhận ra? Ông ngó tôi cười coi bộ thú vị: “Không ngờ ta lại gặp nhau đây!”. Dĩ nhiên không chấp trách cái vụ bắt làm phu khuân vác ở mặt trận Đông Phổ. Ông ta lãnh án 10 năm song chắc chẳng sống nổi hết án. Ngoài ông ta, xà lim 75 cũng còn một dân Đức còn trẻ, lớn con, suốt ngày lì lì (hắn có biết một tiếng Nga nào đâu). Khốn nạn, trên người hắn có còn một cái gì là Đức? Bao nhiêu thứ không dính vào người thì bọn kên kên đã lột bằng hết, chỉ vứt lại cho bộ quần áo trận hạng bét. Hỏi ra hắn là một phi công lỗi lạc của Đức, từng tham chiến quá nhiều. Lần thứ nhất xung phong vào trận chiến giữa Bolivia và Paraquay, lần thứ hai đánh Tây Ban Nha, lần thứ ba đánh Balan, lần thứ tu đánh Ăng-lê, lần thứ năm sang Cyprus và lần thứ sáu chống Nga. Là phi công ưu tú của Đức thì đương nhiên hắn không chừa bắn phá, sát hại cả đàn bà con nít do đó phải là “phạm nhân trước chiến tranh”, lãnh án đi đày cộng thêm năm an trí.

Trong xà lim cũng phải có tay dù tù tội vẫn trung kiên với nhà nước (như ông Công tố Kretov) để lớn họng chửi:

"Bọn chó chết phản cách mạng tụi bây phải nắm đầu bằng hết là đúng quá còn gì? Thân xác tụi bây lịch sử sẽ nghiền nát làm phân bón!"

Ức quá nhiều thằng nạt lại:

"Còn mày nữa, chính thân xác mày cũng đến phân bón chớ hơn chó gì."

“Tao khác. Tao đâu có phản cách mạng. Tao oan, nhà nước chắc chắn-sẽ xét lại…"

Thế là cả xà lim ồ lên một loạt chửi rủa để một gã tóc muối tiêu vốn là giáo sư Nga ngữ được dịp đứng phắt trên bục, xoạc chân giang tay ra làm như Đấng Christ: “Này, các con cái của ta, hãy thương yêu, hoà thuận cùng nhau, các con!”

Đấng “Cứu thế” vừa rao giảng là cả xà lim lại quay sang phía hắn ó ré om sòm. Một thằng hét lớn:

"Con cái mày ở rừng Bryansk kìa! Tụi tao cóc con cái thằng nào hết. Tụi tao là con cái quần đảo!"

Hết cơm chiều là giờ cho ra ngoài làm vệ sinh rồi bóng đêm xuống ngoài khung cửa sổ hũ nút, mấy bóng điện trơ trụi trên trần nhà bật sáng. Xà lim có lệ ngày gây gổ, cãi nhau chán, nhưng đêm về lại thân thiết như không có gì xảy ra! Từ chiều tối trở đi là hết gây lộn, tranh luận om sòm. Không trình diễn ca nhạc giúp vui thì kể chuyện đời cho nhau nghe. Chuyện nước ngoài là đề tài anh em hoan nghênh nhất va cũng là sở trường của Timofeyev Ressovsky: Hắn kể hết tối này sang tối khác về các nước Ý, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển. Bà con ở hải ngoại về thì kể chuyện nước Pháp, các xứ Balkoas, hết chuyện kiến trúc sư đại tài Le Corbusier đến chuyện tổ chức xã hội của loài ong, hay Gogol và tác phẩm.

Buổi tối là lúc tiêu thụ nhiều thuốc lá nhất. Chỗ nào cũng có khói, khói bốc nghi ngút che kín như lớp sương mù. Khói phát sặc sụa vì không có lối thoát: Có hai cánh cửa sổ thì “đậy nút” kín cả hai còn gì?

Lúc bấy giờ mới đến mục Thơ: Kostya, Kiula, một gã bằng tuổi tôi, mặt tròn cặp mắt xanh biếc hăng hái “đăng đàn” bằng cách nhảy lên trên bàn ngâm nga những bài thơ hắn vừa sáng tác trong tù. [2] Giọng ngâm thơ của Kostya xúc động làm sao! Những bài thơ mang tựa đề Giỏ thăm nuôi đầu tiên, Bài thơ gửi vợ, Thơ cho con. Những bài thơ làm trong tù, đọc trong xà lim cho anh em nghe và do chính tác giả trình bày thì còn ai để ý nghe giọng ngâm của hắn cao hay thấp, thơ sai luật hay thất vận. Những bài thơ mang dòng máu của mọi con tim chất chứa nước mắt của những người vợ, nên nghe Kostya ngâm thơ cả xà lim khóc rưng rưng.

Dĩ nhiên nằm xà lim 75 tôi cũng sáng tác ít bài thơ tù, cũng ngâm lớn những vần thơ Yesenin, những vần thơ không được chấp nhận nhưng chưa đến nỗi bị cấm phổ biến thời tiền chiến. Làm sao tôi quên nổi ánh mắt ngưỡng mộ, gần như ngơ ngẩn thất thần của chú Bubnov ngước lên, đeo dính từng vần. Bubnov cũng là tù binh Đức hồi hương sau khi bỏ học xung phong làm nghĩa vụ quân sự. Chao ôi, tuổi hắn còn quá trẻ lại không có ngành chuyên môn, đang nằm đây để chờ ngày đi nếm mùi trại Cải tạo thì chắc chắn sẽ bỏ thây ở quần đảo! Quần đảo đâu phải đất sống của tuổi trẻ hồn nhiên, trong sạch. Tôi nhìn Bubnov từ khuôn mặt, từ ánh mắt và không khỏi có cảm tưởng lớp tuổi này đang sa dần vào cõi chết vô phương cứu gỡ. Với bọn họ, xà lim 75 bất quá chỉ là một trạm dọc đường, một chỗ trú chân tạm để có dịp mở mắt nhìn đời, nhìn vào cả một thế giới đẹp xưa nay chưa hề thấy. Một niềm vui ngắn ngủi, dở dang vừa chớm biết là bước dần vào cõi chết.

Khuya dần, cánh cửa nhỏ bật mở để ông giám thị chõ miệng vô hét: “Giờ ngủ”. Chao ôi, chính tôi cũng chưa bao giờ được sống những ngày trọn vẹn có ý nghĩa, những ngày chứa chan tình cảm như những ngày sống chung với anh em trong xà lim 75 mùa hè năm ấy! Kể cả những ngày trước chiến tranh và còn tự do, ngày ngày còn cắp sách đi đến hai trường Đại học vừa dạy học tư gia để kiếm sống và đêm về còn mài miệt viết không biết mỏi.

*

Còn Tsarapkin thì tình cờ tôi đã được nghe tin hắn qua một nhân vật đặc biệt, một chú bé vừa vặn 16 tuổi đầu mà mang bản án 5 năm, về tội “tuyên truyền chống nhà nước”. Tôi vừa nhắc nhẹ đến tên Deul thì Tsarapkin vội vã hỏi:

"Ủa, anh bạn cũng biết chú Deul? Nó cùng chuyến xe với tụi tôi, đi đày Karaganda.”

“Tôi còn nghe anh bạn được đề bạt công tác đặc biệt, phụ tá chuyên viên phòng thí nghiệm, phải không? Còn Timofeyev Ressovsky thì cứ bị đi công tác không chuyên môn hoài hoài.”

“Đúng thế! Chỉ vì vậy mà kiệt sức, đuối dần. Bữa lên xe Stolypin đưa về Byturki này thì Timofeyev chỉ còn là một cái xác không hồn. Được gởi vô bệnh viện tức thời và được Đặc ban số 4 chiếu cố, săn sóc kỹ lắm. [3]

“Dĩ nhiên Đặc ban 4 cũng phải vời tới anh bạn chớ?”

“Đúng vậy. Sau 6 tháng nằm Karaganda, đặc ban có cho gọi tụi tôi lên để hỏi ý kiến liệu có thể khởi sự dựng lại Viện Khảo cứu Sinh vật học trên quê cha đất tổ.”

“Vậy thì anh bạn đồng ý là cái chắc?”

“Còn hỏi! Đã đến lúc tụi tôi nhận ra mình tinh lầm hồi đó. Vả lại họ đã tháo gỡ trọn cơ sở của Viện, đóng thùng gởi về đây không thiếu một món, khỏi cần đến tụi tôi.”

“Ra MVD cũng phục vụ khoa học ghê gớm nhỉ! Nhưng bỏ chuyện đó đi. Bây giờ anh bạn cho nghe tiếp Schubert đi…”

Không cần đợi tôi giục đến lượt thứ hai, Tsarapkin nhẹ nhàng cất tiếng ca một khúc của Schubert, bằng tiếng Đức. Vừa hát hắn vừa rầu rĩ ngước nhìn khung cửa sổ. Thấp thoáng phản chiếu trên cặp mắt kín của hắn là hình ảnh đặc biệt của khuôn cửa sổ Byturki: Phía dưới “đóng nút” bít bùng, phía trên trống trải.
Thực đơn bổ béo, có cả kem tươi và rượu chát kia mà. Nhưng theo ý tôi có chăm sóc đến mấy chưa chắc hắn đã đứng dậy nổi!”
*

Văn hào Tolstoi cho rằng chớ nên bắt tù đi lễ nhà thờ. Mấy thánh đường trong nhà giam nhỏ hẹp bỏ hết càng dư chỗ nhốt thêm ít tù. Chỉ việc cải sửa lại một chút cho thích hợp với công việc mới là xong! Riêng khám Byturki dẹp nhà thờ là có chỗ giam 2 ngàn tù. Tính trung bình một mạng vô nằm lại hai tuần lẽ thì một năm ít nhất cũng có tới 50 ngàn người vô xà lim mới, gốc nhà thờ cũ.

Vì vô Byturki 4, 5 lần quá quen rồi, biết nằm xà lim nào là tôi khỏi chần chờ, đi phăng tới, đi nhanh hơn ông giám thị, khỏi cần đợi tù thúc hối.

Tôi rảo bước về xà lim như một con ngựa đánh hơi ra ruộng lúa, khỏi cần đợi roi vụt, nhiều khi không buồn nhìn cả ngôi thánh đường vuông vắn sừng sững phía trên là toà lầu bát giác. Nó khác các khu Byturki ở chỗ cửa sổ không có “nút đậy” bít bùng mà chỉ đóng ván sơ sài, tạm bợ để khám tạm nhốt tù vừa thành án. Năm 1945 tôi đã được dịp nằm xà lim lầu 2 thánh đường cũ, sau khi Hội đồng An ninh tuyên án. Trên lầu bát giác xà lim tụi tôi chiếm trọn góc Đông Nam.

Vì là khám tạm nên ở khu thánh đường mọi tiện nghi đều thua sút: Chúng tôi chỉ là con nuôi chớ chẳng phải con đẻ Byturki! Hai trăm người chen chúc nhau, không phương tiện giải trí (sách, bàn cờ) ngay mấy cái chén, muỗng sứt mẻ, nham nhở cũng thâu lại sau bữa ăn. Lỡ kêu tên ra xe đi đày không trả lại nhà tù thì sao? Kẹt nhất là thời gian thành án chuẩn bị đi đày gia đình lại hay cố gắng lần chót để gởi vô giỏ đồ thăm nuôi, phần nhiều là thực phẩm dự trữ được như mật ong, đường, sữa, thịt sấy. Không chén muỗng, bình đựng, ca nước thì lấy gì đựng đồ? Chỉ được phép gởi những món đồ bằng nhựa dẻo nhưng nhà tù không chỉ dẫn, gia đình không biết, bao nhiêu món đồ nhôm, sứ, thủy tinh đều bị trả lại hết. Trong khi đó người nằm xà lim tha hồ rên than: Bao nhiêu món ăn quý đáng lẽ để dành ăn dần được phải ngấu nghiến nuốt hết, nếu không bốc được bằng tay, túm vào mùi xoa, vạt áo hay dựng trong lòng nón! Giữa thủ đô Mạc Tư Khoa mà phải trữ thức ăn ban khai như vậy đã đau lòng. Các thầy chú giám thị còn hối thúc trút đồ như điên, làm như sợ trễ giờ xe! Có vậy họ mới bỏ liếm láp chỗ bắt buộc phải để dư lại chớ.

Nằm xà lim thánh đường cái gì cũng có tính cách tạm thời, vì thực tế đây chỉ là một trạm dừng của những món hàng được gởi đi quần đảo. Chừng Krasnaya Presnya có chỗ trống là hàng háo sẽ được đưa đi tức thời. Tuy nhiên các con nuôi Byturki lại hơn con đẻ ở một “ưu đãi” duy nhất: Mỗi ngày có quyền thưởng thức ba tua cháo nóng, trà nóng, dù phải cử người đích thân xuống nhà bếp! Chẳng là các khu khác đều có thang máy, riêng khu Thánh đường 3 tầng lầu leo thang muốn đứt hơi cho nên các thầy chú dành cho tù quyền lo liệu lấy. Khiêng những vò lớn, nặng từ nhà bếp qua một cái sân rộng, leo 3 tầng lầu xét ra chẳng phải công tác nhẹ nhàng nhưng anh em nằm xà lim Thánh đường chẳng nề hà bao giờ, dù hầu hết đều yếu đau, mất sức. Vừa có đồ ăn nón vừa có dịp đi ra ngoài trời nghênh nóng cho đỡ buồn.

Ngoài tính cách tạm bợ, xà lim thánh đường Byturki còn có tác dụng chuẩn bị tù vừa thành án, sửa soạn họ cho thích ưng với môi trường mới là khám tạm dọc đường và trại Cải tạo sau này. Nằm đây tù có dịp tự điều chỉnh con người để nhận ra rằng bản án vừa giáng xuống là bản án thật, chẳng trò chơi chút nào, và thân phận thằng tù nó đau khổ, nhục nhã cũng đành phải chấp nhận. Trong cuộc đời tù tội muốn đạt tới mức đó chẳng phải dễ!

Đời sống tạm bợ ở đây còn nổi bật ở những di chuyển thường trực, tù đến tù đi hoài hoài bất kể ngày đêm, gần như lúc nào cũng có người đi lại ngoài hành lang và ở lối đi trong xà lim. Kết quả là luôn luôn có những mặt mới. Ở xà lim điều tra, tù giam gần nhau lâu ngày hoá quen thuộc, thân thiết như gia đình nhưng ở khu Thánh đường ít ai nằm cạnh ai đến quá 3 ngày. Tình cờ gặp một nhân vật là phải săn đón, hỏi chuyện ngay. Chần chờ là nhiều khi không bao giờ còn cơ hội gặp gỡ nữa.

Tôi đã bỏ lỡ dịp tìm hiểu một nhân vật đặc biệt là thợ máy xe hơi Melvedev. Vừa gặp hắn tôi đã nhớ ngay ra vụ Hoàng đế Mikhail! Hắn cũng bị kẹt vì tòng phạm, một trong những người đầu tiên được nghe đọc bản “Tuyên cáo” của Hoàng đế mà không đi tố cáo. Tuy nhiên Melvedev chỉ bị một bản án nhẹ hều là 3 năm. Bản án quá nhẹ vì đụng điều 58 Hình Luật mà lại bị 5 năm còn kể như bản án con nít mà? Có lẽ nhà nước nhận thấy Hoàng đế Mikhail bất quá chỉ là một thằng điên nên mấy gã tòng phạm chỉ bị “giơ cao đánh khẽ” bề nào cũng thành phần lao động! Chưa kịp hỏi thêm Melvedev thì hắn đã bị kêu xách đồ đi. Trường hợp hắn có lẽ được trả lại tự do cũng nên vì năm ấy có tin Stalin xuống lệnh ân xá.

Nằm cạnh tôi có ông già Schutzbunder người Áo bị kêu đi lẹ. Khốn nạn, dưới chế độ vô sản Xô Viết thì dân Áo lạc hậu đã có giá sẵn. Tối thiểu là 10 năm lao động cải tạo mà hầu hét chưa ở hết án đã bỏ thây trong quần đảo.

Sau đó có một gã trẻ tuổi tóc đen láng, mắt lớn hiền dịu như mắt đàn bà, nhưng phải cái mũi quá lớn làm khuôn mặt mất cân xứng, trông như hình diễu vậy! Ngày đầu tiên gã nằm suốt ngày cạnh tôi, không hé răng. Ngày thứ hai mới xích lại gần để trút bầu tâm sự. Gã thủ thỉ: “Anh bạn thử đoán tôi là người nước nào?”. Tiếng Nga gã nói làu làu nhưng nghe kỹ mới biết có đá chút giọng ngoại quốc. Vậy chắc hẳn gã ở miền sơn cước hay dân Armenia? Gã cười bảo:

“Anh bạn thấy chưa? Tôi giả làm dân miền Nam nước Nga thì ăn chắc! Chẳng ai ngờ thằng Yasha này. Tôi đi thâu nguyệt liễm cho Nghiệp đoàn và thấy mặt tôi là thiên hạ cười bò ra hết.”

Đúng vậy, tôi ngó lại và thấy gã đúng là một thằng hề, trời sinh ra để làm hề! Người lùn một mẩu, cái mũi khổng lồ làm lệch cả mặt và miệng lúc nào cũng cười toe toét. Lúc ấy gã đột nhiên không cười nữa. Khuôn mặt đanh hẳn lại, cặp mắt nheo lại, gã ngó đăm đăm làm tôi giật bắn mình. Gã gằn giọng:

“Anh bạn biết không? Tôi người Lỗ. Tôi là sĩ quan Quân báo Bộ Tổng Tham mưu, Trung úy Vladimirescu!”

Chà, vụ này kỳ quặc! Thứ gián điệp giả hay bị kết tội làm gián điệp thì tôi đã gặp cả trăm, nhưng thứ thiệt thì chưa bao giờ. Gián điệp thứ thiệt đâu phải dễ. Có dễ gì gặp được.

Nhưng Vladimirescu không những là gián điệp thứ thiệt mà còn được đào tạo để làm gián điệp, vô trường hẳn hoi từ năm lên 6 tuổi! Gia đình gã gốc quý phái, từ năm lên 3 đã quyết định chọn cho con binh nghiệp kia mà? Ở trường gián điệp trực thuộc Bổng Tham mưu Lỗ, Vladimirescu đã chọn địa bàn hoạt động sở trường là Liên Xô, một “đất làm ăn” vô cùng khó khăn vì phản gián đặt tai mặt khắp chỗ, hoạt động gắt gao và không người nào tin người nào cả!

Vì được đào luyện đặc biệt nhằm đối tượng Liên Xô xương xẩu nên gã đã hoạt động đắc lực ở Nikolayev nhiều năm trước chiến tranh và trong những công tác đạt được có thể kể vụ sắp đặt cho quân Lỗ tiến chiếm nguyên vẹn một xưởng đóng tàu. Sau đó Vladimirescu hết công tác ở Stalingrad đến Urals và dưới lốt đại diện Nghiệp đoàn gã đi thâu nguyệt liễm, ra vô tự do nhiều công xưởng và thực hiện nhiều cú táo bạo. Gã lấy làm hãnh diện về một cú lớn ở hậu cứ Liên Xô do sự điều động của một sĩ quan Quân đội báo Đức chịu trách nhiệm vùng Mạc Tư Khoa. Thông thường gián điệp hoạt động ở hậu tuyến địch ngoài phần “nghề nghiệp phổ thông” còn phải được huấn luyện chu đáo một ngành phá hoại đặc biệt. Vladimirescu chọn ngành phá hoại dù, nghĩa là chuyên môn cắt đứt phần nào dây bên trong của một chiếc dù. Gã được gởi đến Podolsk, nơi đây gián điệp Đức đã có tay trong làm đốc canh, hướng dẫn gã vào một kho chứa dù lớn, đã xếp và kiểm soát rồi.

Vladimirescu đã lọt được vào kho dù Podolsk 8 giờ đồng hồ liền. Gã bắc thang trèo lên những đống dù sắp ngay hàng, giở ra từng chiếc nhưng không làm mất dấu để mở phía trong, dùng một thứ kéo đặc biệt cắt đứt 4 phần 5 sợi dây chính. Vì được chừa lại 1/5 nên dù cũng mở như thường, nhưng sẽ đứt ở lưng chừng. Gã đã ôm ấp công tác lớn từ bao lâu nên trong 8 giờ đã thanh toán được không dưới 2.000 chiếc dù. (Mắt gã sáng lên: “Một mình tôi từng tiêu diệt gọn một Sư đoàn Dù, nghe cha.”)

Theo lời gã thì sa vào tay An ninh Xô Viết nằm Byturki 8 tháng Vladimirescu nhất định không chịu cung khai. Hỏi gã có bị tra tấn không thì gã lắc đầu: “Đời nào!”. (Thì ra chỉ đồng bào mới bị tra tấn! Đập chết đồng bào để cho bọn ngoại quốc ngán luôn, chớ gián điệp ngoại quốc bắt được là cả một kho vàng. Còn dùng để trao đổi “tù binh” được mà.)

Sau đó để thuyết phục Vladimirescu, Sở Phản gián Xô Viết đưa cho coi tờ báo đăng tin Lỗ đã đầu hàng. “Biết gì khai đi, còn giữ bí mật tổ chức làm gì?”. Gã nín thinh. Thời buổi này làm giả một tờ báo để đánh lừa đâu có khó? Gã vẫn không chịu công khai, dù được dí tận mắt bản nhật lệnh của Bộ Tổng tham mưu Lỗ, chiếu văn kiện đầu hàng ra lệnh cho các sĩ quan an ninh, các gián điệp phải chấm dứt hoạt động và đầu hàng. Nhật lệnh cũng có thể ngụy tạo lắm chớ. Vladimirescu chỉ chịu cung khai hết khi được đem đối chứng với cấp trên trực tiếp của gã ở Bộ Tổng Tham mưu Lỗ. Lúc bấy giờ có lệnh trực tiếp, gã mới làm tờ khai công tác đầy đủ, không giấu giếm bất cứ một chi tiết nào.

Do đó gã kể như chấm dứt sứ mạng chỉ còn nằm chờ ngày xử án và chẳng ngần ngại cho cả tôi biết phần nào sự thực.

“Nhưng tôi chẳng bị ra Toà xét xử, chẳng thấy tuyên án gì hết! Nghề gián điệp là thế. Có chuyên môn thì còn sử dụng được.”

“Anh bạn còn tính hành nghề nữa?”

“Chớ sao? Gián điệp thì đến chết cũng vẫn là gián điệp.”

“Nhưng anh bạn quên là đã tiết lộ công tác với tôi, anh bạn cháy rồi mà? Mình có thể còn gặp gỡ sau này.”

“Ở đây là khác! Còn sau này, ở ngoài đời, giả thử tụi mình gặp nhau anh bạn không nhận ra tôi thì còn sống. Nhận ra là bắt buộc tôi phải thủ tiêu anh bạn gấp, hoặc kiềm chế buộc phải đi với tụi tôi."

Tôi ngó qua gã. Vladimirescu thản nhiên như không có chuyện, không muốn làm mất lòng thằng bạn đồng xà lim là tôi, dù phải khẳng định: “Tôi bắt buộc phải thủ tiêu anh bạn gấp!”. Nét mặt gã trơ trơ, tuyệt nhiên không xúc động hay lên mặt. Gã chấp nhận vụ thủ tiêu một cách giản dị, coi chuyện ắt phải xảy ra, không cần thắc mắc. Tôi chắc chắn gã thủ tiêu tôi dễ như chơi, hắn bỏ hay cắt cổ người thực sự chẳng phải vấn đề với gã.

Týp người đặc biệt Vladimirescu đâu có phải dễ gặp. Tôi nhớ trong 11 năm tù đày chỉ được biết một mình gã là trường hợp duy nhất một gián điệp phe địch sa cơ. Đâu phải Cơ quan của ta đã vồ được thiếu gì gián điệp nhà nghề, cho đi tù vô khối như báo chí vẫn nhồi sọ lớp trẻ? Sự thực não nề là chỉ cần đưa mắt nhìn quanh xà lim Thánh đường Byturki cũng thấy rõ là ngược lại, đám thanh thiếu niên mới thực sự là “hàng hoá” chính của Cơ quan! Chiến tranh chấm dứt rồi, đâu cần đến chiến sĩ nữa. Nhà nước tha hồ quơ vô bất chiến sĩ thằng nào! Nghe nói khoảng 1944-1945 trong xà lim Lubyanka nằm lểu nghểu đảng viên “Đảng Dân chủ”, một đảng có quy chế đàng hoàng mà riêng đảng viên có chứng minh thư bị bắt hồi đó cũng tới 50 mạng. Lớn tuổi nhất nghe đâu là gã “Tổng thư ký” lúc bấy giờ mới học lớp 10 một trường Trung học Mạc Tư Khoa.

Năm 1945 thành phần sinh viên nằm khám khá người nhiều, ai để ý làm chi? Riêng tôi gặp hoài lớp người trẻ tuổi, dù chính tôi cũng chẳng già gì! Sự đó làm tôi ngao ngán! Thằng bạn cùng chung vụ với tôi cũng như lớp người đồng tuổi, tụi tôi đã trải 4 năm chiến tranh trong khi ở hậu phương lớp trẻ lớn lên. Những năm còn học đại học chúng tôi có cái vinh dự lớp người tiền phong, thông minh nhất nước, nhất thế giới luôn. Giờ đây lớp người trẻ tuổi bỗng xuất hiện bên cạnh tụi tôi – tuổi trẻ cao ngạo, những khuôn mặt nhợt nhạt trong ngục tù đã vượt qua tụi tôi hồi nào không hay. Họ mới là những người tiền phong, tụi tôi sẵn sàng nhường chỗ. Bây giờ chính họ mới là những người đam mê học hỏi cũng như tranh luận. Họ đã tự chọn lấy một con đường đi xứng đáng và không hề thắc mắc hay hối tiếc đã chọn lầm. Chỉ nghĩ đến những con người đầy nhiệt tình, thông minh giờ đây bị đày đoạ trong ngục tù tôi cũng đủ rởn gai ốc.

Có những khuôn mặt trẻ kiêu hãnh, hốc hác vì tù ngục bắt gặp trong Byturki khiến tôi phải nổi da gà. Làm sao quên nổi những con người như Boris Gammenov? Một tháng trước tôi phải xuống một xà lim bán bệnh xá. Vừa bước vô, chưa nhìn ra một chỗ nào nằm tạm được bỗng đụng đầu một thân hình thất thểu, trời mùa Hè mà run rẩy khoác tấm áo dạ nhà binh cũ mèm, thủng không biết bao nhiêu lỗ! Khuôn mặt xanh xao, tái mét, nhưng nét thông minh Do Thái vẫn không thể nhầm lẫn được. Boris Gammerov đấy!

Sao trên đời lại có thể có một thằng ham tranh luận đến sỗ sàng như vậy? Mới trao đổi dăm câu chuyện, biết tên tuổi nhau là sẵn sàng cãi chính trị được rồi! Chuyện qua chuyện lại với tình hình thế giới, chuyện Tổng thống Rosevelt, không hiểu sao tôi chợt nhớ một câu kinh cầu nguyện của cố Tổng thống Mỹ mà các báo Nga vừa đăng, kèm theo một câu phê bình chủ quan:

“Ôi chao, đúng là đạo đức giả!”

Có vậy thôi. Vậy mà Boris nhăn mặt, trề môi, hỏi vặn lại:

“Ủa, đạo đức giả là thế nào? Theo anh, cứ lãnh tụ lớn là không thể cầu nguyện, không thể tin tưởng Thượng Đế sao?”

Tôi thật không ngờ! Thế hệ sanh năm 1923 mà còn những thằng “duy tâm” cỡ này? Đáng lẽ tôi phải mạnh dạn đáp lời Boris ngay nhưng ở tù lâu đâm rụt rè, vả lại tôi chợt nhận ra bên trong con người chúng ta vẫn bàng bạc một cảm giác trong sạch, thanh cao, đứng hẳn ra ngoài mọi xác tín. Rõ ràng lời phê bình tôi vừa thốt ra chẳng phát xuất từ sự tin tưởng của mình mà do từ ngoài cấy vào. Đúng rồi, chính vì lẽ đó tôi không dám trả lời thẳng câu hỏi mà chất vấn ngược lại Boris:

“Bộ anh tin tưởng Thượng Đế chắc?”

“Lẽ cố nhiên.”

Hắn đáp thật bình thản. Lẽ cố nhiên, lẽ cố nhiên. Đoàn Thanh niên Cộng sản đã nắm được hết, nhưng với điều kiện Công an Mật vụ phải đi kèm kìa!

Boriss Gammerov là chiến sĩ chớ. Hắn còn là trung sĩ xuất sắc, trẻ măng trong một đơn vị lừng danh chết bỏ là đơn vị chống chiến xa. Hắn mang chiến thương ở phổi không lành nổi và thêm chứng lao phổi luôn nên được giải ngũ vì lý do sức khoẻ. Cởi bộ áo lính là trở lại ngưỡng cửa đại học ngay, Boris ghi danh ban Sinh vật, đại học đường Mạc Tư Khoa. Lập tức hắn bị giằng xé bởi một con người chiến sĩ từng phục vụ và một con người sinh viên khao khát sống và không điên đầu chút nào!

Thế là chẳng ai rủ ai, chẳng có lệnh nào, một nhóm sinh viên cũng hình thành, quy tụ những thành phần có tư tưởng và thắc mắc về tương lai. Lập nhóm thì qua mặt sao nổi cặp mắt soi bói xưa nay của Cơ quan? Lập tức ba thằng trong nhóm được tuyển lựa để tống vào khám.

(Năm 1937 thân phụ Gammerov đã bỏ mạng trong ngục thì giờ đây có hắn nối dõi. Hình như giữa lúc bị tra khảo Boris đã ung dung ngâm mấy bài thơ của hắn cho ông điều tra viên nghe chơi. Tôi hối tiếc không nhớ nổi một bài nào để cho in dưới hàng chữ này. Biết tìm đâu cho ra bây giờ?)

Cũng là tình cờ trong vòng ít tháng tôi đã được gặp cả 3 người trong nhóm sinh viên này, sau Boriss Gammerov. Người thứ nhất là Vyacheslav Di, cũng ở xà lim Byturki. Sinh viên tranh đấu và bị bắt thì bao giờ chẳng có một cậu Vyacheslav? Hoạt động hăng tinh thần sắt đá lắm nhưng lọt vô phòng điều tra là mềm xèo tức thì! do đó cái phải lãnh bản án nhi đồng 5 năm và cậu Vyacherlav còn tin rằng trước sau ông bố thế lực cũng gỡ ra được.

Cũng ở Byturki nhưng lúc đổi qua xà lim Thánh đường tôi mới gặp Georgi Ingal, già dặn, lớn tuổi nhất trong nhóm. Ở tuổi Georgi mà đã được đề bạt ra tranh cử một chân trong Hội Nhà văn Liên Xô là quá sớm và quá bảnh. Hắn viết thật mạnh dạn, bút pháp thật bén và xung sát. Phải chi đừng có “đi sai đường lối” thì văn nghiệp thanh công bảo đảm: Georgi Ingal gần hoàn thành một tiểu thuyết về Debussy kia mà. Dù có thành công sớm và tương lai tràn đầy hứa hẹn hắn cũng không chịu câm nín. Nhân dịp đưa đám ông thầy Yuri Tynyanov, học trò Geogri Ingal không ngần ngại đọc điếu văn, tố cáo Tynyanov là nạn nhân của một vụ thanh trừng, dù biết rằng nói ra là đi đày chắc! Hắn lãnh 8 năm.

Tình cờ Gammerov cũng qua xà lim Thánh đường nên trước khi đi Krasnaya Presnya, tôi có dịp nhận định lập trường cả hai người. Phải nhìn nhận đó là cả một sự khó khăn đối với tôi vì hồi đó tôi còn mắc chứng bệnh chung của thời đại là không dám chấp nhận bất cứ một sự kiện gì mới, không dám thẩm định bất cứ một tư tưởng nào mới. Phải đợi coi nó bị Đảng dán nhãn hiệu nào rút ra từ đống nhãn hiệu cũ rích đã. Phải đợi coi nó bị liệt vào hạng “sản phẩm sao chép vụng về của tư bản thối nát”, hay “đề cao tư tưởng đồi trụy của bọn trí thức lạc hậu” cái đã!

Tôi nhớ trong cuộc thảo luận Ingal và Gammerov tuyệt không đả kích Marx nhưng Tolstoi thì bị họ quay tơi bời, từ địa hạt tôn giáo trở đi. Chẳng hạn Tolstoi chối bỏ Giáo Hội? Tại sao ông ta không nhìn Giáo Hội ở vai trò tổ chức và siêu linh? Bài bác Kinh Thánh? Há chẳng biết khoa học tân tiến đâu có phủ nhận Thánh Kinh, kể cả đoạn mở đầu giải thích về nguồn gốc địa cầu? Tolstoi bác bỏ cơ chế nhà nước? Nhưng không nhà nước, hỗn loạn thì sao? Tolstoi chủ trương hồn thể hợp nhất trong đời sống con người, nhưng có cách nào đánh đồng thiên tài và khả năng? Khốn nạn, ông đại văn hào còn chối bỏ cả tư tưởng “nhân vật lịch sử vạn năng” mà chính Stalin là một điển hình cụ thể! [4] Không còn gì mâu thuẫn bằng!

Ngày đó Ingal và Gammerov đã ngâm thơ cho tôi nghe và yêu cầu tôi ngâm đáp lễ, nhưng tôi đâu đã có bài nào. Họ nói chuyện tiểu thuyết, bốc Pasternak lên tận mây xanh. Riêng tôi mới đọc qua cuốn Chị tôi nhưng không thú. Nó có giá trị nhưng quá cao, không thích hợp với đại chúng. Nghe mấy câu thơ của Trung úy Shmidt đọc trước toà, tôi lại cảm động và thấy đúng tâm sự quá chừng:


Ba mươi năm ròng nuôi dưỡng
Tình yêu đất nước quê hương
Thà chết không đòi ân xá
Van xin chúng bay tình thương.

Đó cũng là bài thơ đồng điệu của Gammerov và Ingal: Chúng tao đâu thèm xin khoan hồng. Tù cứ tù, chúng tao hân hạnh nằm tù, chớ có chết hụt trong tù đâu mà sợ? (Chao ôi, có thằng nào nằm tù không đau khổ, chết dần chết mòn?). Mới có mấy tháng Ingal được tin mất vợ. Con vợ trẻ đã chính thức từ bỏ thằng chồng phản động! Cũng may là Gammerov hăng say làm cách mạng, chưa có người yêu!). Có nằm xà lim mới thấy Chân lý sụp đổ và khắc khoải, khao khát tự do, thương cho thân phận con người: Những thân hình nằm la liệt, chui rúc đây kia không phải con người, không phải đồng bào ta sao?

“Con đường chúng ta đã đi ngang. Không cần xin bọn hay tha thứ.”

Những người trẻ nằm xà lim vì chính trị năm ấy dĩ nhiên không thuộc đám đông bình thường mà họ đã tiến xa hơn hẳn một khoảng cách. Đám đông những người trẻ tuổi còn đang dối diện một tương lai phân hoá đến ngỡ ngàng mất hướng, chán nản, chấp nhận một cuộc sống dễ dàng. Có lẽ phải đôi lúc bấy giờ họ mới khởi sự lại cuộc hành trình gian khổ vươn lên tới đỉnh hai mươi năm nữa chắc? Nhóm người trẻ tuổi nằm tù năm 1945 quả đã nhảy vọt qua được hố sâu thụ động, ù lì để ngửng đầu lên ngạo nghễ, đối diện với cái chết.

Nằm xà lim Thánh đường khám Byturki những con người trẻ tuổi vừa lãnh án, bị cô lập tất cả để sửa soạn lên đường đi đày đã làm một bài ca để cùng vụng về cất tiếng trước buổi hoàng hôn:


Ngày ba lần xuống khiêng cháo nóng;
Đêm đêm ta hát ta ca,
Lấy sợi chỉ cây kim lén lút,
Ta khâu vá hành trang đi đày.
Ta còn thiết gì thân ta,
Đặt chữ ký cho xong việc,
Đợi đi đày Tây Bá Lợi Á
Biết có ngày nào trở lại.

Tiếng hát đi đầy của những người trẻ tuổi! Bây giờ tôi mới được nghe vì có bao giờ dám ngờ? Những lúc chúng tôi gian khổ ngoài chiến trường, chân lội xình bì bõm, núp mình xuống hố tránh đạn hay bắc ống nhòm nhìn sang trận tuyến địch thì ở quê nhà một lớp người trẻ tuổi đang lớn lên, bắt đầu xông xáo. Lớp người đó gan dạ cất bước về một ngả khác, một ngả mà chúng tôi không đủ tư cách, không dám xông xáo tới! Thế hệ mới đâu có như chúng tôi hồi đó?

Thế hệ chúng tôi ở mặt trận về, những kẻ giã từ vũ khí ngực lủng lẳng huy chương và lấy làm vinh hạnh kể lại những mẩu chuyện chiến trường. Lớp người trẻ tuổi ngó chúng tôi lắc đầu thương hại: “Một đám ngu ngốc!”

Tháng 11-1974

- Hết -