mercredi 21 septembre 2011

III. Phân tích về biên bản Hiệp Ước 1999

THỨ SÁU 13 THÁNG MƯỜI HAI 2002

1- Nhận xét về nội dung của bản văn Hiệp ước 1999

Bản văn ấn định 62 giới điểm trên 1437 cây số đường biên giới giữa hai nước. Mỗi điểm sẽ được đánh dấu vị trí bằng một cột mốc vĩnh viễn (permanent pillar). Cột mốc đầu tiên mang ký hiệu 1369, cao 2.2 m, rộng 50 cm, làm bằng đá hoa cương, được cắm tại đầu cầu Bắc Luân thị xã Móng Cái, đã được khánh thành vào ngày 27-12-01. Theo trưởng ban Biên giới bộ Ngoại Giao CSVN Trần Trung Trực, khoảng 1400 cột mốc sẽ được cắm dọc biên giới.

Trên phương diện kỹ thuật của ngành trắc lượng (surveying) và địa đồ (geographic map), thì việc ấn định đường biên giới trên bản đồ mới dựa trên bản đồ cũ phải theo một tiến trình gồm các giai đoạn sau:

(1) Thực hiện bản đồ mới có đường cao độ (elevation contours), các cao điểm (elevation points of mountain peaks), và hệ thống lưới tọa độ (coordination system) gồm kinh tuyến (longitude) và vĩ tuyến (latitude). Bản đồ mới phải có cùng tỷ lệ với bản đồ cũ. Độ chính xác có thể chấp nhận được là từ 1:50000 hoặc lớn hơn (nghĩa là mẫu số nhỏ hơn, thí dụ 1:10000 chẳng hạn).

(2) Trên một cái bàn kiếng có đèn sáng ở phía dưới, đặt bản đồ mới chồng lên bản đồ cũ, lấy đường ven biển Việt Nam, đảo Hainan, và đường chính các sông lớn để làm chuẩn. Kế tiếp, vẽ đường biên giới cũ lên trên bản đồ mới. Đường biên giới được nối với nhau bằng các đường thẳng nhỏ có các điểm góc (angle points). Các điểm góc này được gọi là "giới điểm", hay là "điểm biên giới". Dùng phép toán nội-suy (interpolation) từ các đường cao độ để tính ra cao độ (elevation) của các giới điểm. Từ một giới điểm, dùng thước đo 3 khoảng cách chính xác đến 3 đỉnh núi có cao độ ở gần giới điểm. Như vậy, một cách đảo ngược, giới điểm sẽ được ấn định bởi giao điểm của ba vòng tròn có bán kính là 3 khoảng cách đã đo. Kết quả của giai đoạn này là đường biên giới được vẽ trên bản đồ địa hình mới với đầy đủ lưới tọa độ, các cao điểm và các đường cao độ.

(3) Viết bản văn diễn tả mỗi giới điểm căn cứ trên 3 khoảng cách đã đo và con đường nối các giới điểm với nhau. Vì trên mặt đất, con đường giữa hai giới điểm khá xa nên dĩ nhiên không là đường thẳng và phải qua nhiều điểm góc phụ. Nhằm mục đích dễ nhận diện, bản văn ghi lại các dữ kiện về các điểm góc phụ giữa các giới điểm như dòng sông, sống núi, mũi đá, v.v... hoặc những cao điểm được tính từ phương pháp nội suy kể trên. Đây là biên bản được kèm theo hiệp ước, cùng với bản đồ mới, như là một phần bất khả phân của hiệp ước.

(4) Toán trắc lượng đo đạc (survey team) sẽ chấm tọa độ (coordination) của các giới điểm, rồi vẽ đường thẳng từ giới điểm đến một công sự (monument) có sẵn tọa độ ở gần đó. Đường thẳng này sẽ được tính ra bằng hướng độ và khoảng cách (bearing and distance). Toán trắc lượng sẽ đến tận nơi các công sự đã có sẵn tọa độ, căn cứ vào các đường có hướng độ và khoảng cách để ấn định và xây cột mốc các giới điểm trên đất liền. Rồi từ các giới điểm này đo đạc tiếp để tiến tới giới điểm kế tiếp, và so sánh với tọa độ đã được chấm trên bản đồ để điều chỉnh sự chính xác.

(5) Sau khi hoàn tất các cột mốc thì toán trắc lượng đã có một biên bản chi tiết (detailed record) gồm hệ thống tọa độ với hướng đi, khoảng cách, và cao độ (Coordination system with bearings, distances and elevations). Biên bản này phản ảnh địa hình thực tế của các giới điểm và đường nối các giới điểm trên bản đồ. Biên bản này cùng với bản văn ở giai đoạn 3 và bản đồ ở giai đoạn 2 là những tài liệu bất khả phân của Hiệp Ước.

Hiện nay, việc thực hiện đường biên giới Việt Trung đang ở giai đoạn số 4, nhưng còn lâu mới hoàn tất được giai đoạn này. Bản văn của Hiệp Ước 1999 mà nhà nước CSVN vừa công bố chỉ là kết quả của giai đoạn số 3. Họ lại không kèm theo bản đồ mới và cũ của giai đoạn 2, nên các chuyên gia khó mà biết thực hư giữa hai bản đồ cũ và mới khác nhau thế nào. Cho dù có bản đồ giai đoạn 2, thì hai bên vẫn có thể thông đồng với nhau để đặt cột mốc khác với bản đồ, vì vậy mà biên bản ở giai đoạn 5 cũng cần được xem là một biên bản công cộng (public record) để bất cứ ai cũng có quyền kiểm kê về sau này.

Trở lại Hiệp Ước 1999, khảo sát kỹ bản văn hiệp ước, người ta có thể nhận thấy sự diễn tả mỗi đường biên giới giữa các cột mốc rất mù mờ và mâu thuẩn. Hãy trích dẫn một đoạn:

"Từ giới điểm số 3, đường biên giới rời sông bắt vào sống núi (1), hướng Tây Bắc đến điểm có độ cao 1933, sau đó theo đường phân thủy (2) giữa các nhánh thượng lưu là các suối Là Pơ, Là Si, Á Hu, Nậm sau, ..., Nậm Pảng đổ vào lãnh thổ Việt Nam và các nhánh thượng lưu các sông Zhe Dong, Ha Luo luo Ba, ..., Jin Thui đổ vào lãnh thổ Trung Quốc, hướng chung Đông Bắc chuyển Đông Nam rồi chuyển Đông Bắc, qua các điểm có độ cao (3) 1690, 1975, 1902,...., 1800 đến điểm có độ cao 1519, sau đó theo sống núi, hướng chung là hướng Đông đến chỏm núi không tên (4), rồi theo sống núi nhỏ, hướng Đông đến giới điểm số 4...."

Sau đây là nhận xét về đoạn trên:

(1) Trên thực tế, không thể có trường hợp sống núi nằm ngay bờ sông.

(2) Không thể có trường hợp một độ cao 1933 rồi nhảy ngay xuống "đường phân thủy giữa các nhánh" của vài chục con suối của cả hai nước. Theo sự diễn tả, cho dù có sự hy hữu như thế, thì đó là một đỉnh núi trơ trọi xuất phát các khe nước nguồn gốc của các nhánh, và thường thì ngọn núi cao như thế phải có tên và chung quanh là bình nguyên cả. Điều này không thể có với rặng núi Hoàng Liên Sơn trùng điệp từ bao đời của đất nước VN.

(3) Các hướng đi Đông Bắc, Đông Nam, rồi Đông Bắc qua vài chục cao điểm trước khi đến giới điểm 4, mà chẳng có khoảng cách gì cả, thì làm sao mà 2 toán Việt và Trung có thể vẽ được một đường biên giới với độ chính xác là chỉ cách biệt nhau có 227 km2 mà thôi?

(4) Chỏm núi không tên và cũng không có cao độ thì làm sao mà kiếm được trên bản đồ hay đất liền? Sự diễn tả đó thật là vô ích khi cho vào bản văn của Hiệp Ước.

Tóm lại một bản văn có thể được dùng để vẽ đường biên giới trên một bản đồ mới nếu: (a) bản văn có ghi hệ thống tọa độ, hướng đi và khoảng cách giữa các giới điểm, (b) sự diễn tả đó là sự thật căn cứ trên bản đồ, và (c) có hiện hữu của các bản đồ ghi các cao độ và tên các địa danh trong bản văn mà hai quốc gia đã dùng. Ngược lại, vì thiếu các chi tiết cần thiết nên đường biên giới Việt Trung không thể được vẽ ra để kiểm chứng thực hư ra sao. Hiện nay nhà nước CSVN vẫn triệt để che dấu các bản đồ, mặc dù bản văn ghi rõ:

"Bộ bản đồ nói trên đính kèm Hiệp-ước này là bộ phận cấu thành không thể tách rời của Hiệp-ước."

Vậy thì vì lý do gì mà bản đồ bị dấu kín? Rồi đây những bản đồ ấy sẽ được đưa lên internet hay được phát hiện ở đâu đó hay chăng?

2- Sự thật đằng sau hai bài phỏng vấn ông Lê Công Phụng.

Trong bài phỏng vấn, ông Phụng cho biết biên bản dựa theo Hiệp Định Pháp-Thanh 1887. Đó là một tiết lộ lý thú. Sau đây là một số phân tích dựa trên bản văn và lời tuyên bố của ông Phụng cũng như của Trung Quốc:
 

> Thứ nhất, để buộc Việt Nam thuận theo một hiệp ước mới, Trung Quốc đã bác bỏ HĐ 1887 với lý do rằng nhà Thanh lúc bấy giờ (hậu bán thế kỷ 19) quá yếu nên đã chịu ký hiệp định bất bình đẳng, nhường nhiều đất đai cho Pháp, kẻ nhân danh là "chính phủ bảo hộ" của Việt Nam. Tại sao hiện nay TQ đang ở thế thượng phong đối với VN về mọi mặt, mà lại chịu chấp nhận trở lại HĐ 1887?


>Thứ hai, bao năm trường từ 1954 đến nay, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc xâm lấn công khai nước VN cũng như các quốc gia láng giềng, áp dụng những thủ đoạn giành giật lén lút, và theo đuổi các cuộc thương lượng dai dẳng. Tại sao đã tốn bao công lao như thế mà rốt cuộc Bắc Kinh lại chấp nhận được lợi có 1 km2 như ông Lê Công Phụng tuyên bố? Hiển nhiên sự nhượng bộ của CSVN phải lớn hơn 1 km2 ấy rất nhiều mới mong thỏa mãn được tham vọng của Bắc Kinh. Ông Phụng có thể tự lừa dối mình, điều đó chẳng nói làm chi, nhưng với sự dối gạt quốc dân và miệt thị những người quan tâm đến sự tồn vong của đất nước VN bằng thái độ hiềm thù, ông Phụng có xứng đáng là viên chức cao cấp ngành ngoại giao của một quốc gia hay chăng?


>Thứ ba, trong cuộc xâm lấn bờ cõi VN của Trung Quốc qua các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và Lao Cai vào năm 1979, một số cột mốc đã bị quân lính TQ dời chỗ. Sau 3 tuần lễ chiếm đóng các tỉnh trên, TQ rút về, dọc đường họ đã rải 2 triệu quả mìn trên hàng ngàn km2 dọc theo biên giới phía bên VN. Các bãi mìn đã ngăn chặn sự truy kích của quân đội chính quy CSVN được điều động từ chiến trường Campuchia về đồng thời sau này ngăn chặn cuộc hồi hương của thổ dân bản xứ về lại đất đai của họ. Năm 1993, sau khi VN hứa chịu thần phục "Bắc Triều", TQ bắt đầu gỡ mìn đồng thời lại cung cấp ngay đất ấy cho dân TQ vô gia cư đến lập nghiệp nơi đất mới. Điều này đã được gián tiếp xác nhận bởi chính ông Lê Công Phụng khi ông cho biết "một số mốc bị xê dịch", "thường xuyên xảy ra tranh chấp trên toàn tuyến biên giới", và "một số khu vực dân Trung Quốc cư trú quá đường biên giới, ở một số khu vực khác dân ta cư trú quá đường biên giới thì hai bên nhất trí duy trì cuộc sống ổn định của dân cư." Đọc câu sau cùng, ta có thể loại bỏ chuyện phi lý là "dân ta cư trú quá đường biên giới", vì không có tin tức nào cho thấy VN xâm lấn biên thùy TQ, và dân nước yếu không thể làm điều này đối với nước mạnh hơn; như vậy, đủ thấy CSVN đã nhượng bộ để yên cho dân TQ chiếm đóng lãnh thổ VN hàng trăm km2, trước khi có đàm phán để xin lại một phần lãnh thổ đã bị cưỡng chiếm.


>Thứ tư, hãy đọc lời tuyên bố của ông Phụng như sau:

"Ngay từ những năm 50 của thế kỷ trước, ta và Trung Quốc đã nhận thức rõ yêu cầu khách quan của việc chuẩn xác lại đường biên giới trên đất liền giữa hai nước. Từ giữa những năm 70, hai bên cũng đã tiến hành đàm phán về vấn đề biên giới, lãnh thổ, song chưa đi tới thỏa thuận." [6].

Căn cứ vào lời tuyên bố đó, cùng đối chiếu với các dữ kiện khác sẽ đề cập đến sau, thì ta có thể phỏng lượng là: Một phần lớn Ải Nam Quan đã mất vào cuối thập niên 1950, cùng lúc với văn thư sang nhượng Biển Đông của ông Phạm Văn Đồng, để từ đó Mao Trạch Đông cho xây cất tòa nhà mới Mục Nam Quan trong nội địa Việt Nam, với thỏa thuận ngầm giữa hai bên. Phần còn lại từ Mục Nam Quan đến biên giới mới hiện nay trên lưu vực sông Kỳ Cũng có lẽ đã được nhượng bộ vào giữa thập niên 70 như là một hành động trả nợ chiến tranh. Bởi vì nếu hai bên tranh nhau từng cây số vuông như ông Phụng kể, thì không thể có chuyện TQ viện trợ hàng tỷ cơ giới súng đạn cho VN, cả thế giới đều biết, mà không hề có tài liệu nào cho thấy VN đã trả món nợ ấy. Đã thế, sau khi Hiệp Ước 1999 được ký kết, lập tức có tin Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam 300 triệu Mỹ Kim để xây cất các dự án thủy điện lực trên các cao nguyên bắc phần, và sau khi Hiệp Ước 2000 về vịnh Bắc Việt được ký kết, lại có tin Trung Quốc viện trợ thêm 200 triệu nữa.

>Thứ năm, sau khi đã được nhượng bộ hàng trăm km2 từ giữa hai thập niên 50 và 70, bao gồm cả Ải Nam Quan, thác Bản Giốc, TQ vẫn còn đòi thêm đất đai VN với một dụng ý thâm độc khác nữa mà nhà nước CSVN cho đến nay vẫn không biết, hay biết mà đành chịu trận. Sự đòi hỏi này đã gây ra cuộc tranh chấp kéo dài từ năm 1993 đến 1999 mới tạm giải quyết xong. Chúng ta sẽ thấy sự thật được hé lộ trong phần nhận xét thứ tám, và sẽ kiểm chứng sự thật này khi toàn bộ bản đồ mới được phổ biến.

>Thứ sáu, qua việc đối chiếu các bản đồ Việt Nam từ trước đến nay như bản đồ Nha Địa Dư VNCH, bản đồ 1964, bản đồ sau năm 1975, bản đồ 1999, và bản đồ 2002, người viết không thể chấp nhận lời tuyên bố của ông Lê Công Phụng về việc phái đoàn Phân Định Biên Giới của ông chỉ nhượng bộ cho Trung Quốc 114 km2 chứ đừng nói là 1 km2! Chỉ nói riêng về hai vùng ải Nam Quan tỉnh Lạng Sơn và thác Bản Giốc tỉnh Cao Bằng thôi thì cũng thấy các con số thỏa nhượng đó quá thấp.

Căn cứ vào các bản đồ trước và sau 1964, đường biên giới tại vùng ải Nam Quan bị lùi về phía nam khoảng 5 km. Sau đó lại đối chiếu với bản đồ sau năm 1975, trước cuộc xâm lấn của TQ năm 1979, thì thấy biên giới lùi thêm về phía nam 3 km nữa đến gần ngoại ô thị trấn Đồng Đăng, tổng cộng là 8 km. Với một đường dài dọc biên giới là 22 km, VN đã mất khoảng 176 km2 trước khi hiệp ước được ký kết. Nguyên ủy của sự mất mát này sẽ được trình bày cặn kẽ hơn trong phần nghiên cứu về Ải Nam Quan ở cuối bài.

Vị trí của thác Bản Giốc vốn nằm sâu trong địa phận Việt Nam, cách biên giới nguyên thủy khoảng 3.5 km theo bản đồ 1950 của Nha Địa Dư. Chính nhà nước Miền Bắc Việt Nam trong thời đất nước còn chia đôi, đã từng phát hành tem thư thác Bản Giốc để tán dương một thắng cảnh của đất Việt (hình 5). Sách "Nước Tôi Dân Tôi" cũng đề cập đến thác Bản Giốc là một phần của tỉnh Cao Bằng, cách quận Trùng Khánh 23 km [7]. Ngoài ra, tài liệu du lịch của VN cũng quảng cáo Thác Bản Giốc là trung tâm du lịch của Việt Nam, có thể được tìm thấy trên web site với dòng quảng cáo như sau:

http://goasia.about.com/gi/dynamic/offsite.htm?site=http://home.vnn.vn/english/map/
"Ban Gioc Fall: Travelling 20 km from the district town of Trung Khanh you arrive at Dam Thuy commune. From a distance you can hear the number of water falling and see mist shrouding part of mountain and Qui Son river near by the Vietnamese-Chinese border. This is the Ban Gioc fall some 30m high. At the foot of Ban Gioc is a large river of smooth, clear water. On the banks of the river are lust green pastures dotted by wild flowers. Ban Gioc looks best during the rainy season from June to October. Inside the fall live well known delicious fish called tram huong."

Hình 5 - Tem thác Bản Giốc của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa


"Near by the Vietnamese-Chinese border" nghĩa là nằm gần biên giới Việt Trung, không thể nào "ở giữa biên giới" được! Thế mà theo sự xác nhận của ông Lê Công Phụng, thì biên giới mới nằm chính giữa dòng thác mặc dù cột mốc thì nằm phía nam dòng thác. Nghĩa là ông Phụng đã có công đòi lại được một nửa thác Bản Giốc! Sự thật, căn cứ trên sự biến đổi đường dài khoảng 16km, thì phần đất đã bị mất là 56 km2. Nguyên nhân là do lính TQ đã dời cột mốc từ biên giới cũ mang xuống để ở mé bờ phía Việt Nam rồi khi triệt thoái đã rải mìn ở nam ngạn sông Quý Sơn, khiến cho người Việt không thể về lại quê quán cũ. Năm 1993, sau khi gỡ mìn thì TQ nhất định dành chiếm độc quyền cả Thác Bản Giốc, nhưng cuối cùng trước sự đòi hỏi của thổ dân về chủ quyền của VN trước chiến tranh 1979, Bắc Kinh đành tạm thời chịu nhượng bộ phần nào, chỉ lấy một nửa thác để khai thác chung cùng với phần đất phía bắc mà thôi. Hiện nay, hình ảnh của thác Bản Giốc đã bắt đầu xuất hiện trong các băng video và các bức tranh thắng cảnh của Tàu.

>Thứ bảy, bao nhiêu đất đai VN đã bị mất vào tay Trung Quốc trước và sau Hiệp Ước 1999? Tổng cộng lại, trong khoảng đường biên giới dài gần 100 km từ Nam Quan đến Bản Giốc, ít nhất có 232 km2 đã bị dâng nhượng cho TQ trước khi có hiệp ước 1999. Đó là chưa kể sự mất mát nằm trong các vùng bị TQ rải mìn thuộc vùng Lao Cay, lưu vực Sông Hồng Hà và vùng Lai Châu ba biên giới Việt-Trung-Lào, dẫn xuống vùng Điện Biên Phủ dọc biên giới Lào. Nếu tính đường biên giới gần 1500 km mà ông Phụng cho biết là "thường xuyên xảy ra tranh chấp trên toàn tuyến biên giới", thì chắc chắn nhà nước CSVN đã nhượng cho TQ nhiều hơn 720 km2, chứ đừng nói là 114km2, hay phi lý hơn, chỉ1km2 mà thôi. Con số 720 km2 là do một đại biểu nào đó trong Quốc Hội đã lén tiết lộ cho các ông Đỗ Việt Sơn và Lê Chí Quang, để họ lên tiếng báo động với toàn dân trong và ngoài nước vào năm 2001. Cho đến bây giờ, hầu như người ta lãng quên vị đại biểu Quốc Hội đã tiết lộ các dữ kiện này. Nhân vật bí ẩn này là ai?


>Thứ tám, vì hiện nay chưa phối kiểm được mức độ khả tín và chính xác của bản đồ năm 2002 mà người Viết mới nhận được, người viết quyết định tạm thời chưa phổ biến xuất xứ của bản đồ và toàn bộ bản đồ mới. Riêng bản đồ liên hệ đến ải Nam Quan thì sẽ được trình bày ở phần sau cùng của bài này, với một dè dặt cần thiết. Tuy nhiên, cho dù chưa có bản đồ mới để đối chiếu với bản đồ cũ, người ta vẫn có thể thấy hai sự kiện sau đây:

(a) Căn cứ trên các bản đồ địa lý cũ có các đường vòng cao độ, hầu hết núi non Bắc Phần đều có đỉnh núi nằm trong nội địa Việt Nam dọc theo các tỉnh biên giới. Về phía đông bắc sông Hồng sang đến Móng Cái, các rặng núi nằm theo hình cánh quạt, trung tâm là ngọn Tam Đảo thuộc phía bắc tỉnh Vĩnh Yên. Các dòng suối giữa hai núi chạy hướng bắc xuống nam. Phía tây Nam sông Hồng đến biên giới Lào Việt là rặng Hoàng Liên Sơn cao ngất trùng điệp chạy theo hướng tây bắc - đông nam. Thế nhưng "biên bản" Hiệp Ước 1999 lại diễn tả rằng đường biên giới mới chạy theo "sống núi" hoặc theo giữa dòng. Như vậy thì chúng ta có thể ước lượng được một cách tổng quát là Việt Nam đã mất khá nhiều phần núi ở phía bắc, nhất là vùng phía Tây Bắc Việt Nam vùng Hoàng Liên Sơn và vùng châu thổ sông Hồng Hà.

(b) Theo biên giới cũ, đất Việt Nam gồm cả một số sông suối chảy về hướng đông bắc rồi qua địa phận Trung Quốc và đổ vào lưu vực sông Bằng Giang ở Long Châu, chứ không chỉ là các sông suối chẩy về hướng đông nam vào lưu vực sông Hồng Hà. Thế nhưng theo sự diễn tả các đường biên giới dựa theo sống núi và giữa dòng sông, thì hầu hết, nếu không nói là tất cả, các vùng thượng lưu và nguồn sông suối chảy về phía bắc đã thuộc về sự kiểm soát của Trung Quốc.

Hai sự kiện nêu ra là dấu hiệu của một âm mưu cực kỳ thâm độc của Trung Quốc liên hệ đến an ninh cả toàn vùng bán đảo Đông Dương. Người viết sẽ trở lại vấn nạn này trong một dịp khác khi thu thập đủ tài liệu cần thiết.