THỨ BA 10 THÁNG MƯỜI HAI 2002
3- Sự thật trên các tấm hình
Hiện nay, có ba hình ảnh liên hệ đến cổng Nam Quan được đưa lên internet, một tấm hình đen trắng và hai hình màu:
Hình 12- Đại Nam Quan, 1891
a.- Tấm hình đen trắng (hình 12) được tìm thấy trong một thư viện của Pháp trên hình có ghi chú bằng chữ "La rivière de Nam Quan à la frontière". Tấm hình này cho thấy công sự cổng hình cầu vòng bằng đá nằm giữa thung lũng hẹp. Trên cổng là một tầng lầu có tường vôi trắng với 3 cửa chính diện và một cửa hông nằm chính giữa vách. Trên tầng lầu vôi trắng này là một tầng lầu nữa, có mái ngói nhưng không có vách, có vẻ là một chòi canh gác. Từ hai bên hông cổng có tường đá xây hướng thẳng góc với vách tường lên đến đỉnh đồi hai bên. Trên đồi bên phải là một số nhà, có vẻ là đồn trại canh phòng. Đằng sau là núi non trùng điệp với thung lũng hẹp kéo dài. Tấm hình đen trắng là hình chụp của cổng Nam Quan hơn 100 năm về trước, với hình thể giống như sự diễn tả trong hai bộ sách Phương Đình Dư Địa Chí và Đại Nam Nhất Thống Chí. Có thể đó là toà công sự được Tổng Đốc Nguyễn Trọng Đang xây cất lại vào năm 1774, và Pháp trùng tu lại 117 năm sau đó theo HĐ 1887.
b.- Tấm hình thứ hai là hình màu (hình 13), được đăng trên National Geographic Magazine, không rõ năm nào, có ghi chú phía dưới: "The Porte de Chine stands at the Indo-China's Northern Frontier"; và tiếp theo với dòng chữ nhỏ hơn: "Where the old Mandarin Road enters China, it passes through the archway of the China Gate. Stone walls extend from the gate on each side to meet the hills which gird the narrow valley". Tấm hình này cho thấy công sự cũng có cổng hình cầu vòng và tường đá. Nhưng phía trên cổng chỉ có một tầng lầu thay vì hai tầng như tấm hình đen trắng. Tầng lầu này có mái ngói, tường sơn màu vàng, có một cửa hông nằm lệch qua một bên. Bức tường đá chạy lên đỉnh đồi theo sống núi, vùng đất trên đỉnh đồi chật hẹp, không có nhà cửa như tấm hình đen trắng. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, dọc các tỉnh biên giới Việt Trung có nhiều cửa ải. Riêng vùng biên giới dọc tỉnh Lạng Sơn có tới 12 cửa ải, các cửa quan trọng gồm có Binh Nhì, Cảm Môn, Nguyệt Hoa, Du Thôn, Quỷ Môn, v.v..., có vài cửa ải ghi rõ là thuộc "địa phận nước Thanh", đa số cửa khác trong đó có cửa Ải Nam Quan ghi rõ là ở địa phận nước ta. Vì không giống với tấm hình đen trắng, nên tấm hình màu đăng trên National Geographic Magazine có thể là cửa ải Du Thôn hay cửa Tân Thanh hoặc cửa ải nào khác, chứ không phải là cổng Nam Quan. Theo cả hai sách Dư Địa Chí và Nhất Thống Chí thì ải Du Thôn:
"Cách tỉnh thành (Lạng Sơn) 30 dặm về phía bắc, ở địa phận Du Thôn xã Bảo Lâm châu Văn Uyên, phía bắc giáp thôn Điếu -sách, châu Thượng Thạch nước Thanh, từ ải này đến Trấn Nam Quan đi theo đường núi, ước hết hai trống canh rưỡi, phàm việc giao tống công văn và khách buôn đi lại, đều do cửa ải này." [19]
Hình 13 - Cổng Nam Quan, National Geographic
c.- Tấm hình thứ ba cũng là một hình màu (hình 14), có vẻ mới nhất và rõ nhất, được phổ biến trên internet, có lẽ là Mục Nam Quan mà ông Lê Công Phụng đã nhiều lần nhắc đến trong các bài phỏng vấn ông ấy. Nhiều người lầm tưởng đó là cổng Nam Quan hiện nay. Sự thật không phải thế. Nếu quan sát kỹ, người ta sẽ nhận ra sự khác biệt nhau về kiến trúc và vị trí xây cất của công sự này đối với các công sự ở hai tấm hình kia. Toà công sự này có ba tầng lầu xây trên một quảng trường bằng phẳng, có cổng hình cầu vòng bằng ô xi-măng (cement blocks). Ba tầng lầu trên cổng được kiến trúc theo kiểu của người Tàu, với hành lang bên ngoài và hàng rào có chạm trổ mỹ thuật. Khác với hai tấm hình trước, cổng cầu vòng không có cánh cửa, người ta có thể nhìn thấy xuyên qua cổng cầu vòng, đàng sau là một toà nhà mái ngói đỏ tọa lạc trên một khoảng trống bằng phẳng, chứ không có núi non trùng điệp như vùng thung lũng chật hẹp của Ải Nam Quan. Trước mặt cổng cầu vòng là ba chữ "Mục Nam Quan" và trên mái là cột ang-ten, chứng tỏ một công sự thời hiện đại. Đây là công sự mới do Trung Quốc xây lên vào giữa thập niên 1960. So với vị trí đích thực nguyên thủy của cổng Nam Quan và căn cứ vào địa thế bằng phẳng không núi non, thì Mục Nam Quan nằm cách xa phía nam cửa ải, trong bình nguyên sông Kỳ Cùng. Đường biên giới mới bị lùi lại gần Đồng Đăng, chỉ còn cách Đồng Đăng vài cây số mà thôi. Đó là hậu quả của sự đồng thuận của CSVN bằng lòng nhượng toàn vùng các ải hiểm trở trong tỉnh Lạng Sơn, để đổi lấy tiếp liệu và quân trang vũ khí cho cuộc xâm chiếm miền Nam Việt Nam vào đầu thập niên 1960.
Hình 14 - Mục Nam Quan
Đối chiếu địa thế trong các tấm hình, chúng ta tự hỏi: Làm sao chỉ trong vòng 100 năm mà vùng Ải Nam Quan lại có thể bị san thành bình địa để từ đó cổng Đại Nam Quan bị biến mất đi, và cổng Mục Nam Quan được xây dựng lên từ lưu vực sông Kỳ Cùng, sát Đồng Đăng? Vùng cổng Đại Nam Quan với hai dãy núi đá hiểm trở không phải là một địa thế dễ san bằng. Theo hiệp ước Pháp Thanh, nó có công sự gồm cổng Nam Quan rất kiên cố, với đài kiểm soát của cả hai quốc gia nằm ở trên, nhà khách trọ phía VN làm bằng gạch ngói do Đốc Trấn Lạng Sơn Nguyễn Trọng Đang xây lên năm 1774, và hai cột mốc bằng đá do các nhà trắc lượng Pháp xây để đánh dấu khoảng cách 100 m đến biên giới chính thức là cổng Nam Quan. Ngoài ra, lại có trại lính trên đỉnh núi nữa, có lẽ do Pháp xây lên. Cho dù Trung Quốc có phá hủy các công sự của họ đi mà xây lại công sự mới, thì nhất định họ không thể có quyền phá hủy luôn Vọng Đức Đài do Việt Nam xây lên, nếu không có sự thỏa thuận của nhà cầm quyền Việt Nam. Vậy ai đã thỏa thuận cho vụ phá hủy một cách mờ ám các công trình phòng thủ của tiền nhân Việt Nam?