Chắc chúng ta còn nhớ ? cách đây một năm, nhiều nhóm nông dân ở khắp nơi đã kéo về Hà Nội biểu tình trong suốt tháng 12/2001. Khác với những lần trước, kỳ này họ kéo tới bao vây dinh thự của nhân vật số một chế độ là Nông Ðức Mạnh, để biểu tình một cách quyết liệt. Những người biểu tình đã nêu đích danh Nông Ðức Mạnh ra chất vấn. Sở công an Hà Nội đã phải điều động một lực lượng công an đến bảo vệ và nhân vật đầu lãnh của chế độ đã không dám về nhà, vì sợ đối diện với những người biểu tình. Vụ bao vây nhà Nông Ðức Mạnh đã diễn ra trong nhiều ngày liên tiếp, gây xôn xao trong dư luận tại Hà Nội. Trong sự kiện này, đã có những người bị bắt và bị kết án. Anh Nguyễn Khắc Toàn, người đã tìm cách hỗ trợ những người khiếu kiện chuyển các hồ sơ ra ngoài, đã bị bắt sau đó và cho đến nay Hà Nội vẫn chưa mang ra xét xử.
Chắc chúng ta còn nhớ ? Cũng vào tháng 12/2001, nhà thơ Bùi Minh Quốc đã bị bắt, khi ông đơn thân độc mã trên chiếc xe gắn máy đi tìm hiểu dữ kiện ở vùng biên giới, để chứng kiến tận mắt những phần đất mà Hà Nội đã giao nạp cho Trung Quốc. Sau 3 ngày bị tra tấn ở Hà Nội, ông bị trục xuất về Ðà Lạt và hiện đang bị quản thúc chặt chẽ. Cũng liên quan đến sự kiện biên giới, chắc chúng ta còn nhớ người đầu tiên đã nêu lên sự kiện này là ông Ðỗ Việt Sơn, trong một lá thư gởi cho giới lãnh đạo đảng CSVN vào đầu tháng 10/2001 đã quyết liệt yêu cầu nhà cầm quyền không thông qua Hiệp Ước Biên Giới Việt - Trung. Sau lá thư này, gia đình ông đã liên tiếp bị công an đến hạch hỏi, hăm dọa và khủng bố tinh thần.
Chắc chúng ta còn nhớ ? Cách đây hơn 1 năm, Linh Mục Nguyễn Văn Lý đã bị nhà cầm quyền Hà Nội kết án nặng nề, sau một phiên tòa được tổ chức một cách dấm dúi và lén lút, không dám mời nhân chứng, không cho quần chúng tham dự, không có luật sư biện hộ và chỉ diễn ra chưa tới 2 giờ, đủ để công an đọc bản cáo trạng và cán bộ tư pháp đọc bản án 15 năm tù, cộng với 5 năm quản chế. Hiện nay, Ngài đang bị giam tại nhà tù Nam Hà ở miền Bắc Việt Nam. Ba người cháu của Ngài cũng đang bị đe dọa kết án nặng nề, khi nhà cầm quyền buộc tội họ "làm gián điệp" trong một bản cáo trạng vu vơ và hạ cấp. Tuy nhiên, sự đàn áp này vẫn không làm tắt ngọn lửa đấu tranh ở Nguyệt Biều và An Truyền. Ở đó, từng ngày, từng giờ, những giáo dân của Linh Mục Lý vẫn tiếp tục đấu tranh để chống lại sự trù dập của nhà cầm quyền.
Chắc chúng ta còn nhớ ? Một trong những tù nhân lương tâm lâu nhất ở Việt Nam là giáo sư Nguyễn Ðình Huy. Sau 17 năm tù từ 1975 đến 1992, ông lại bị bắt vào tháng 11/1993 và bị giam cho đến nay. Tổng cộng là 26 năm trong lao tù cộng sản ! Mới đây tại Pháp, Tổ chức "Phóng Viên Không Biên Giới" (Reporters sans frontières) đã xuất bản một tập sách với tựa đề "Vì tự do báo chí" (Pour la liberté de la presse) có đề cập đến 10 ký giả tiêu biểu trên thế giới đang bị giam cầm chỉ vì "tội làm báo, vì tội dám có ý kiến riêng", trong số này có Giáo Sư Nguyễn Ðình Huy.
Chắc chúng ta còn nhớ tại sao Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ, Cụ Lê Quang Liêm và nhiều vị lãnh đạo tôn giáo khác đang bị quản thúc một cách chặt chẽ ? Chắc chúng ta còn nhớ tại sao những người trẻ như Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình,... đã bị bắt ? Ngoài những người này, còn vô số những người mà không ai biết đến, cũng là nạn nhân của chính sách độc tài áp bức của đảng CSVN.
Ở vào thời điểm nhân loại kỷ niệm ngày công bố bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, chúng ta nhớ đến những con người, đến những sự kiện nói trên, để nhắc nhở nhau về bổn phận tranh đấu cho Nhân Quyền trên quê hương ta. Bổn phận này, trước hết là lòng nhân đạo của người đối với người, sau đó là tình đồng bào của người Việt Nam đối với người Việt Nam. Mới đây, hàng loạt bác sĩ Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới đã cùng nhau lên tiếng bày tỏ sự quan tâm đến bệnh tình ngặt nghèo của anh Lê Chí Quang và yêu cầu Hà Nội phải cho anh được đi bệnh viện chữa trị đúng cách và thích ứng với sự phụ giúp trông nom của gia đình, vì tiếp tục giam giữ một người bệnh như vậy là vô nhân đạo, là cố tình đưa người này vào tình trạng tử vong. Ðây chính là phản ứng của lòng nhân đạo và tình đồng bào. Hẳn nhiên, phản ứng này không đủ để cứu những người đang trong tình trạng nguy kịch như anh Lê Chí Quang, nhưng nó giúp thêm nghị lực cho chính anh và gia đình, cho những người đấu tranh khác ở Việt Nam. Nó cũng tạo điều kiện để khơi nguồn cho những phản ứng của những tầng lớp quần chúng khác, vận động được sự nhập cuộc của các tổ chức nhân quyền và nhân đạo thế giới,...
Ở vào thời điểm cuối năm, khi khắp nơi đang tưng bừng chuẩn bị mừng Giáng Sinh và đón chào một năm mới, chúng ta cũng cần nhắc nhở nhau bổn phận liên đới trong công cuộc tranh đấu đưa đất nước thoát khỏi tình trạng độc tài và lạc hậu hiện nay. Những người đang đối đầu thường trực với guồng máy trấn áp ở trong nước rất cần sự liên đới này. Một lá thư thăm hỏi, một tấm thiệp chúc sức khoẻ, một ít hỗ trợ về phương tiện, tài chánh,... của người Việt hải ngoại sẽ là nguồn sinh lực lớn lao đối với họ để vượt qua những khó khăn, thử thách.
Cũng ở vào thời điểm cuối năm, chắc chúng ta còn nhớ cách đây một năm, vào ngày 27/12/2001, Hà Nội và Bắc Kinh đã làm lễ khánh thành cột mốc đầu tiên tại Bắc Luân, thuộc thị xã Móng Cáy. Ðây là biểu tượng của sự bán nước, khi đảng CSVN chấp nhận ký kết các hiệp định về biên giới và lãnh hải, nhường nhiều phần đất và biển cả cho Trung Quốc. Nhớ đến sự kiện này để nhắc nhở nhau về bổn phận bảo toàn đất tổ của mọi con dân Việt. Bổn phận này buộc chúng ta vượt lên trên mọi khác biệt để đồng tâm hiệp lực tranh đấu cho sự toàn vẹn lãnh thổ. Hy vọng rằng Hội Nghị Diên Hồng Hải Ngoại được tổ chức vào hai ngày 28 và 29/12/2002 tới đây tại Nam California, Hoa Kỳ, sẽ đạt được mục tiêu đồng thuận này, để người Việt Nam ở trong và ngoài nước cùng nhau nỗ lực đánh sập chế độ độc tài bán nước của đảng CSVN.
Nguyễn Ngọc Ðức