THỨ BẢY 14 THÁNG MƯỜI HAI 2002
Từ một năm qua, áp lực của sự chống đối mạnh mẽ của dân chúng càng ngày càng tăng đã tạo nên hậu quả là Hà Nội phải đưa ra một số biện pháp như sau:
1- Những vụ bắt giữ và hù họa.
Vào ngày 21 tháng 2, 2002, cơ quan thông tấn VNN đã đăng bản tin từ Việt Nam gởi sang, loan báo về việc nhà nước đã bắt giữ hoặc giam tại gia những người đã lên tiếng báo động về các hiệp ước Việt Trung, như các ông Lê Chí Quang, Trần Khuê, Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang, Bùi Minh Quốc, Vũ Cao Quận, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, và Nguyễn Đan Quế. Đa số những vụ bắt giữ hay quản thúc tại gia đều không có bản án, ngoại trừ trường hợp Luật gia Lê Chí Quang đã bị bắt giữ, buộc tội "tuyên truyền chống chế độ", vi phạm điều 88 Bộ Luật Hình Sự, đã bị đưa ra tòa, chỉ vì ông đã viết bài dưới tựa đề "Hãy Cảnh Giác Bắc Triều" để báo động với đồng bào về những nhân nhượng của chế độ đối với sự xâm lấn liên tục của Trung Quốc.
Ngoài những bắt bớ được tiết lộ ra hải ngoại, người ta cũng chú ý đến sự im lặng của hàng chục người khác đã từng lên tiếng hoặc ký thư chung gởi cho quốc hội và nhà nước để phản đối các bản hiệp ước. Bây giờ họ đang ở đâu? Họ đang bị chế độ trù dập thế nào? Có ai nghe thấu được lời kêu than của họ không?
2- Vụ phản luận đầu tiên của ông Lê Công Phụng.
Song song với các bắt bớ và hăm dọa, nhà nước Việt Nam cũng phát động các cuộc phản luận hầu tranh thủ dư luận.
Phần lớn các vụ phản luận xuất phát từ các viên chức nhà nước, như ông Lê Công Phụng, Thứ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam, trưởng phái đoàn thương thuyết với Trung Quốc, bà Phan Thúy Thanh, phát ngôn nhân bộ Ngoại Giao, và các bản tin đăng trên trang web của Quốc Hội.
Trong bài phỏng vấn lần đầu ngày 27-1-2002 do Thu Uyên của cơ quan VACS Orient đưa lên internet, ông Lê Công Phụng cho biết rằng mục đích của Hiệp Ước 1999 là xác định lại đường biên giới theo Hiệp Ước Pháp Thanh ký vào năm 1887. Ông Phụng đã nói một câu đáng chú ý nhất là:
"Một nhu cầu rất bức bách là phải phân định lại biên giới cho rõ ràng. Như tôi đã nói, do biến thiên về thiên nhiên, khi phân định cách đây 100 năm thì đường biên giới đi qua một quả đồi; nhưng hơn 100 năm qua, quả đồi này biến mất và lại xuất hiện quả đồi khác. Mà đường biên giới tự nhiên nó phải đi theo địa hình."
Lời tuyên bố này cho thấy tính chất phi lý trong lập luận của một viên chức cao cấp của nhà nước:
Không thế nào chỉ một trăm năm mà một quả đồi có thể ... "biến mất" một cách dễ dàng. Một quả đồi có thể bị thay đổi hình dáng do sự khai khẩn, trồng trọt lâu ngày, độ cao thấp xuống một chút, hoặc do việc khai khẩn các mỏ quý mà ngọn đồi bị đào mất đi, hoặc do sự san bằng để xây đường xá. Điều này rất khó xảy ra tại vùng biên giới trong 100 năm qua, vì trong thời gian này làm gì có các máy móc cơ giới tân tiến san núi non hiểm trở thành bình địa như thế.
Nhưng hiện tượng quả đồi khác "xuất hiện", thì tuyệt đối không thể xảy ra được, ngoại trừ trường hợp động đất. Nếu không động đất thì phải mất cả ngàn năm mới có được sự biến đổi như thế.
Đã thế, biên bản mới lại căn cứ vào các ngọn đồi mới mà cắm mốc, như vậy nhà nước không sợ sau 100 năm thì các ngọn đồi ấy lại "biến mất" và lại phải sử dụng các ngọn đồi khác nằm sâu trong nội địa Việt Nam để cắm mốc nữa hay sao?
Không thể có luật lệ quốc tế nào áp dụng kiểu "đường biên giới tự nhiên nó phải đi theo địa hình". Lý luận này chứng tỏ không những ông Trưởng Đoàn Phân Định Biên Giới thiếu kiến thức về khoa địa hình, mà còn không đọc kỹ biên bản Hiệp Ước 1999. Điều V (5) của Hiệp Ước 1999 ghi rõ:
"Bất kỳ sự thay đổi nào có thể xảy ra đối với sông suối biên giới đều không làm thay đổi hướng đi của đường biên giới, không ảnh hưởng đến vị trí của đường biên giới Việt - Trung đã được xác định trên thực địa cũng như sự quy thuộc của các cồn, bãi, trừ khi hai bên ký kết có thỏa thuận khác."
Những người có chút kiến thức về khoa địa hình học (Geography) đều biết rằng bản đồ địa hình (geographic maps) được vẽ bằng hệ thống tọa độ (coordinate system) gồm kinh độ (longitude) và vĩ độ (latitude). Ngày nay, các bản đồ loại này còn được kiến tạo qua hệ thống GPS (Global Positioning System) chụp từ satelites, vẽ ra các đường cao độ (elevation contours) khá chính xác với khoảng cách (interval) 10 mét cho loại bản đồ có tỷ lệ 1:50000.
Biên bản Hiệp Định Pháp-Thanh ký vào năm 1891, sau khi hoàn tất việc cắm mốc biên giới căn cứ theo bản văn HĐ 1887, chỉ diễn tả khái quát về vị trí đối chiếu với đỉnh núi hay địa danh, để giúp người ta dễ dàng tìm ra cột mốc đã đóng, chứ không có mục đích căn cứ vào biên bản mà vẽ bản đồ. Tuy nhiên, biên bản 1891 đã ghi rằng có ba bản đồ đã được các Ủy Viên ký tên và niêm phong:
"Mỗi bản đồ có bốn bản sao, 2 bản sao do các nhà địa hình học Trung Hoa thực hiện, 2 bản sao do các nhà địa hình học Pháp thực hiện. Một bản sao của Trung Hoa đã được Chủ tịch Trung Hoa giao lại cho Chủ tịch Pháp và một bản sao của Pháp đã được Chủ tịch Pháp giao lại cho chủ tịch Trung Hoa. Biên bản được làm bằng tiếng Pháp và tiếng Hoa, mỗi ủy ban sẽ giữ các bản sao bản đồ và biên bản để làm tin" [5].
Các bản đồ đó mới chính là các tài liệu để ấn định đường ranh giới. Khi một cột mốc bị dời đi hay phá hủy, thì bản đồ sẽ được dùng để dựng lại cột mốc mới theo tọa độ ghi trên bản đồ. Như vậy, muốn vẽ đường biên giới trên bản đồ mới thì chỉ cần đi tìm các bản đồ cũ của HĐ Pháp - Thanh lưu trữ trong các thư khố của các nước Trung Quốc và Pháp (và có lẽ tại Hà Nội). Nói một cách khác, các bản đồ địa dư của Việt Nam thực hiện trước năm 1954, chẳng hạn như bản đồ của Nha Địa Dư thời Pháp thuộc để lại cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (kế thừa chế độ Quân Chủ của triều Nguyễn) chắc chắn đã được sao lại hay dựa theo bản đồ biên giới mà Pháp đã ký kết. Nếu theo phương pháp đó, thì việc vẽ lại đường biên giới theo HĐ Pháp Thanh trên các bản đồ hiện đại không còn khó khăn nữa. Và để thực hiện các cột mốc mới, vì các mốc cũ đã bị lính Trung Quốc dời chỗ năm 1979 mất rồi, thì chỉ cần theo tọa độ của các dấu thập trên bản đồ mà mướn các chuyên gia trắc lượng (surveyors) quốc tế đi đánh dấu trên đất liền là xong. Đất đai của quốc gia là vấn đề tối hệ trọng, dù có tốn tiền mướn chuyên gia giỏi để làm việc cho đúng và giá trị lâu dài, thì cũng đáng lắm.
Trong bài phỏng vấn 27-1-2002, ông Lê Công Phụng đã xác nhận đường biên giới căn cứ vào Hiệp Định 1887, nghĩa là ban Phân Định Biên Giới của ông đã có các bản đồ Pháp-Thanh vẽ ra vào năm 1891. Vậy chỉ cần scan và đưa các bản đồ ấy lên internet là đủ rồi, không cần giải thích. Các chuyên gia về địa hình sẽ căn cứ vào các dấu thập trên bản đồ cũ để vẽ lại đường ranh giới trên các bản đồ mới với các dữ kiện về địa hình chi tiết hơn. Đường biên giới sẽ bao gồm các yếu tố sau: (1) tọa độ của các cột mốc, (2) hướng đi (với những con số chính xác độ, phút, giây), và (3) khoảng cách giữa hai cột mốc. Như vậy đường biên giới theo hệ thống lưới tọa độ toàn cầu sẽ hoàn toàn độc lập với địa hình như núi non, sông suối. Dù sau này sông núi có biến đổi thì đường biên giới vẫn còn nguyên, vì nó dựa trên hệ thống lưới tọa độ. Có được các chi tiết này, các toán trắc lượng sẽ dễ dàng đánh dấu trên mặt đất hoặc hai bên bờ nước nếu đường biên giới cắt ngang dòng. Việc đơn giản và khoa học như thế mà tại sao cho đến nay đảng CSVN vẫn triệt để dấu kín các bản đồ mà họ nói là đã có?
3- Lời tuyên bố của bà Phan Thúy Thanh.
Bà Phan Thúy Thanh, phát ngôn nhân bộ Ngoại Giao, trong cuộc tiếp xúc với báo chí vào ngày 6 tháng 2, 2002, đã tuyên bố rằng "việc phân chia biên giới được thực hiện trên nguyên tắc công bằng". Tuy nhiên, bà Thanh đã không đưa ra một dẫn chứng cụ thể hay tài liệu nào để cho thấy nguyên tắc phân chia biên giới ra sao, có lẽ vì đó không thuộc phần hành của bà. Vì vậy, những lời tuyên bố của bà Thanh không hữu ích gì cả cho công việc đi tìm dữ kiện về biên giới, và không cần sự phân tích.
4- Bản tin trên trang web Quốc Hội CSVN ngày 3-4-02.
Theo bản tin do Quốc Hội chính thức phổ biến, ngày 2 tháng 4 là ngày chót của kỳ họp thứ 11, Quốc Hội khóa 10, có đầy đủ các viên chức lãnh đạo tối cao của đảng và nhà nước CSVN tụ họp để nghe Ngoại Trưởng Nguyễn Dy Niên tường trình về hai Hiệp Ước 1999 và 2000. Căn cứ theo bản tin thì hoàn toàn không có thảo luận gì đối với một vấn đề tối quan trọng của quốc gia và dân tộc, cũng như chẳng có ai được phép chất vấn gì về nội dung của Hiệp Ước 1999. Như vậy, theo tin tức tài liệu ngoại quốc, ngoài Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội đã phê chuẩn vào ngày 9-6-00, còn toàn thể đại biểu đoàn thì vẫn chưa được biết nội dung. Ngược lại, Nghị Quyết 36/2000/QH10 ngày 9-6-2000 thì ghi là Quốc Hội đã phê chuẩn Hiệp Ước. Một bản văn quan trọng như thế mà dân không được biết, đại biểu Quốc Hội không được phóng bản để nghiên cứu trước khi "biểu quyết", thì sao gọi là có tính dân chủ được?
5- Hệ thống tuyên truyền trí vận của CSVN tại hải ngoại.
Hiện nay, Hà Nội đang chỉ thị cho hệ thống trí vận hải ngoại của đảng ra sức tuyên truyền về những lợi ích của Hiệp Ước 1999. Điển hình là câu nói hầu như thuộc lòng của những nhà ngoại giao VN, như sau:
"Việc ký hiệp ước biên giới trên đất liền với Trung Quốc đã góp phần tạo môi trường thuận lợi chung quanh Việt Nam, tăng cường sự tin cậy và quan hệ hợp tác toàn diện với Trung Quốc theo khuôn khổ đã được xác định là "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai."
Mặt khác, họ cũng ra sức tuyên truyền về nguồn gốc của người Việt vốn xuất phát từ Trung Hoa. Điển hình là tờ truyền đơn (hình 4) dán trên vài khu thương mại người Việt tại Toronto, nhân dịp người viết đến thuyết trình về "Nghĩa Vụ Bảo Vệ Bờ Cõi Việt Nam" vào tháng 4, 2002.
Hình 4 - Trích dẫn từ tờ truyền đơn tại Toronto, tháng 4, 2002
Song song với các phản luận chính thức của nhà nước CSVN, người ta thấy một vài nhân vật tại hải ngoại sử dụng "bút hiệu" để viết một số bài với luận cứ hỗ trợ cho luận điệu của nhà nước CSVN. Nhiều người cho rằng các nhân vật đó đã thi hành theo một kế hoạch trí vận của CS tại hải ngoại. Người viết không có đủ phương tiện tìm hiểu xem sự cáo buộc đó chính xác ra sao, hay là các tác giả đó chỉ hành động vô ý thức và vô tình nằm trong quỹ đạo của CSVN. Vì vậy, người viết không thể nêu đích danh hoặc bút hiệu của những tác giả, cũng như tựa đề của các bài viết hỗ trợ cho luận điệu của Hà Nội, mà chỉ xin tóm lược một vài dữ kiện để dư luận phán xét.
Trước hết là một "nhà bình luận thời cuộc", dùng tên họ người Tàu làm bút hiệu, viết một bài tham khảo với những ngôn từ khá nghiêm túc, đăng trên một website, được lồng trong hình thức "thu thập dữ kiện" mà tác giả cho là "khả tín" với nhiều tài liệu do nhà nước CSVN phổ biến, để dẫn chứng cho luận cứ của mình. Bài báo có những đặc diểm sau đây:
Nêu nghi vấn về dữ kiện để từ đó lập luận cho rằng các bài viết lên án chế độ CSVN là "thiếu trung thực" và không đáng tin.
Biện luận để tạo sự tin tưởng đối với các lời tuyên bố của ông Lê Công Phụng nhưng lại tránh né sự phân tích tính cách giấu giếm trong lời nói của ông Phụng mà nhiều người vạch ra.
Nêu nghi vấn về các con số "trên 700 km2" và cho các dữ kiện của ông Lê Công Phụng có độ chính xác cao hơn.
Trích dẫn những "đối thoại" giữa những cán bộ CS từng bị nhà nước khai trừ, về sự chính xác của diện tích tranh chấp là 224 km2 giữa Bắc Kinh và Hà Nội.
Nhân vật thứ hai sử dụng nhiều bút hiệu, trong số đó cũng có bút hiệu của người Tàu, và viết nhiều bài báo hơn. Hầu hết các bài viết có đặc tính sau:
Tác giả cho ông Lê Công Phụng được hưởng đặc quyền khả tín (benefit of the doubt) của một viên chức nhà nước. Theo tác giả này, trong khi chưa có ai đưa ra được bằng cớ chứng minh ông Phụng sai chỗ nào, thì những lời nói của ông Phụng mặc nhiên phải có mức độ chính xác cao.
Mặt khác, tác giả lại đả phá các bài viết báo động về việc làm của Hà Nội, chỉ vì các bài này chưa có được các tài liệu mà Hà Nội đang cố giấu như hiệp ước, bản đồ, v.v...
Tác giả trích dẫn phiến diện sử sách xưa để lập luận rằng cả vùng Ải Nam Quan và Cổng Nam Quan luôn luôn là của Trung Quốc chứ chưa hề là của Việt Nam.
Tác giả dùng mọi biện luận để chứng minh Ải Nam Quan "thuộc Tàu"; điển hình nhất là định nghĩa chữ "Nam Quan" là "cửa nam" và từ đó cho rằng nếu cửa đó là của Việt Nam thì phải gọi nó là "Bắc Quan"!
Điểm khác biệt với tác giả thứ nhất là vị thứ hai còn kèm vào các bài viết của mình những ngôn từ mỉa mai, miệt thị, khinh bạc, đả phá các phong trào ái quốc hải ngoại, đồng thời dẫn dụ dư luận vào các cuộc tranh biện về sự mất còn của Ải và Cổng Nam Quan. Tuy tuyên bố mình "tôn trọng pháp lý và sự thật" nhưng vị này lại nỗ lực lập luận kiểu "cưỡng từ đoạt lý", và trích dẫn sai lạc tài liệu cũ về Ải Nam Quan mà không đính kèm các bản sao, cho dù đã bị người khác thách thức trên internet.
Trong một thời khoảng nào đó, hai tác giả nói trên đã tạo nên những hoài nghi đối với công cuộc đấu tranh chung của dân tộc. Họ, cũng như bộ phận trí vận của CSVN tại hải ngoại, sẽ ảnh hưởng về lâu về dài như thế nào? Họ có thể dẹp tắt được cuộc tranh đấu không? Viễn ảnh này tùy thuộc vào sự sáng suốt của những nhà tranh đấu trong việc tranh thủ dư luận quốc tế cũng như việc hướng dẫn, thông tin trung thực cho đồng bào trong và ngoài nước.
Rất nhiều người đã lên tiếng phản kháng lại các luận điệu sai lầm của hai kẻ đã viết bài bênh vực cho đảng CSVN. Người viết đặc biệt chú trọng đến hai vị với các tài liệu có mức độ xác tín cao và trùng hợp với những tài liệu mà người viết có được.
Tác giả thứ nhất là GS Nguyễn Phúc Liên, với một bài đăng trên các diễn đàn nghị luận của người Việt, trong đó ông cho biết đã về VN năm 1995, thăm viếng và chụp hình tận nơi. Ông cũng đăng lên một bức hình của Nha Địa Dư VNCH, ấn hành năm 1956, theo bản đồ Việt Nam của thời Quân Chủ để lại. Đáng tiếc là có lẽ vì không rõ, bản đồ này đã bị sửa chữa một chút, khiến các chữ thập nhỏ biểu thị đường biên giới ở Đồng Đăng bị lõm quá sâu vào nội địa Việt Nam. Sự thật, đường biên giới trên bản đồ của Nha Địa Dư cắt ngang Quốc Lộ 1 tại đầu chữ "Ải Nam Quan". Lúc bấy giờ Hiệp Ước 1999 chưa được ký kết, tuy nhiên, những nơi mà GS Liên đã đến có lẽ không phải là vị trí nguyên thủy của Ải Nam Quan 100 năm về trước. Đó chỉ là biên giới mới, cách biên giới cũ khoảng 6-8 km về phía nam, phản ảnh hậu quả của hai cuộc xâm lấn của Trung Quốc: Lần đầu do Hà Nội đã thỏa thuận với Bắc Kinh trong khoảng thời gian 1956 đến 1960, để đánh đổi vũ khi xâm chiếm miền Nam; lần sau là sự lấn chiếm của Trung Quốc sau khi gỡ mìn từ 1993 - 1995, vì vậy mà cả vùng mang sắc thái mới được khai hoang như các tấm hình của ông cho thấy. Rất tiếc trong số những tấm hình ông chụp được lại không mang hình ảnh nào của lịch sử, như cổng Nam Quan, Mục Nam Quan, hay các bờ đá trên đỉnh núi. Điều này cũng dễ hiểu vì các vị trí lịch sử lúc đó đã thuộc cả về địa phận của Trung Quốc rồi.
Vị thứ hai lấy bút hiệu là T-54, đã viết một bài phân tích dưới hình thức email trên các diễn đàn. Tuy nhiên, sự hiểu biết lịch sử Việt Nam của vị này khá chính xác, chứng tỏ một khả năng sưu tầm tỷ mỷ và một hệ thốnglậpluận khá thuận lý (logical). Những chi tiết mà người viết đồng ý là chính xác nhất là:
Các vị trí của cửa ải Nam Quan trước và trong thời Pháp thuộc nằm giữa hai rặng núi dài 7 km, phía nam vùng Pingxiang (Bằng Tường). Vùng này chưa xuất hiện trên bản đồ Nha Địa Dư (làm khoảng 1950, in lại năm 1956), nhưng có tên trong bản đồ USGS 1967.
Vị trí của cổng Hữu Nghị nằm sâu về phía nam, bên ngoài hai rặng núi, gần Đồng Đăng. Làng "Hữu Nghị" trước cuộc chiến 1979 còn thuộc về VN nhưng hiện nay đã thuộc về Trung Quốc.
6- Vụ phản luận thứ hai của ông Lê Công Phụng
Dưới áp lực ngày càng gia tăng của quần chúng, ngày 29-8-02, nhà nước đã đưa lên trang web của Nhật Báo Nhân Dân một bản văn và công bố như là "nguyên văn" bản "Hiệp Ước Về Biên Giới Trên Đất Liền Việt Nam - Trung Quốc". Rồi tiếp theo, cũng trên trang web đó, lại xuất hiện một bài phỏng vấn ông Lê Công Phụng lần thứ hai, đăng từ ngày 13 đến 15 tháng 9.
Đọc bản văn và bài phỏng vấn, hầu như tất cả các học giả đều không thể đồng ý với những điều ông Phụng đã nói. Nhiều người đã cho rằng nhà nước CSVN vẫn còn tiếp tục che dấu những gì mà đồng bào đều muốn biết: Sự thật ở đâu?
Trước khi phân tích bản văn và bài phỏng vấn, chúng ta hãy ghi nhận tổng quát như sau:
Bản văn Hiệp Ước 1999 được công bố sau 2 năm 8 tháng kể từ ngày hai bên ký kết. Sự "tiết lộ" chậm trễ này cùng với sự thiếu vắng bản đồ chứng tỏ chế độ đang ra sức che dấu sự thật càng lâu càng tốt.
Bài phỏng vấn không những chứa toàn là những biện bác, mà còn có những lời lẽ công kích, miệt thị, và lên án những ai đã lên tiếng phản kháng hành động sai trái của chế độ. Cả người phỏng vấn lẫn ông Phụng đều gọi những người phản kháng là "bọn phản động".
Ngược với thái độ thù hận đối với những người cùng nòi giống, ông Lê Công Phụng lại không tiếc lời ca ngợi người bạn tốt Trung Quốc, xưng tụng "tình hữu nghị muôn đời bền vững". Thái độ này chứng tỏ: một là kiến thức của ông Phụng quá kém cỏi nên không biết rằng lịch sử Việt Nam là một chuỗi dài chống đỡ các cuộc xâm lăng liên miên của "kẻ thù phương bắc", hai là ông Phụng dư biết sự thật đó nhưng không đủ sức đề kháng mà phải nói theo lệnh của cấp lãnh đạo đảng.