mercredi 21 septembre 2011

IV. Sự thật về Ải Nam Quan (phần 1)

THỨ NĂM 12 THÁNG MƯỜI HAI 2002

Từ đầu năm đến nay, người ta thường thấy có những bài báo tranh luận về chủ quyền của ải và cổng Nam Quan. Nhận thấy sự tranh luận này khá dai dẳng, và nhân dân Việt Nam đã bị ảnh hưởng khá nhiều về những xuyên tạc, bóp méo sự thật, người viết xin trình bày dưới đây những gì mình sưu tầm được về Ải Nam Quan.

1- Sửa sai những luận điệu xuyên tạc.

Một cách tổng quát, những người ủng hộ những lời tuyên bố của Thứ Trưởng Ngoại Giao CSVN Lê Công Phụng cho rằng "Ải Nam Quan thuộc Trung Quốc" đã dựa vào một số sai lầm sau đây:

a. Lầm lẫn về hai chữ ải và cổng:

Trong thời gian đầu phát khởi cuộc tranh luận, có người đã tưởng lầm rằng Ải Nam Quan là "Cổng" Nam Quan. Sự thật, "ải" là một vùng chật hẹp giữa hai ngọn núi song song, nơi đó có một vị trí mà người xưa đã dùng để cất lên một "cổng" phân định ranh giới giữa hai nước. Điều này đã được một số sử gia chấn chỉnh và bây giờ không còn thấy vị ký giả ấy lập lại nữa.

b. Hiểu sai ý nghĩa của chữ Nam Quan:

Có người định nghĩa chữ Nam Quan là "cửa phương nam" theo như sự diễn giải của người Tàu, để rồi cho rằng cửa đó thuộc Tàu, vì nếu thuộc Việt thì phải gọi là "Bắc Quan" tức là cửa phương bắc. Đó là sự sai lầm khá căn bản, vì Nam Quan chỉ là một danh từ riêng đã có từ lâu đời, như các ải Du Thôn, Cẩm Thành, Ba Ôn, Khấu Sơn, Quỷ Môn, v.v..., dọc theo biên giới Việt Trung vậy. Nam Quan cũng là tên gọi vắn tắt của tên chính thức là Đại-Nam Quan, nghĩa là "Cửa quan của nước Đại-Nam".

c. Hồ đồ về chủ quyền của ải Nam Quan:

Căn cứ vào sách Sử Ký do sử gia Tàu viết về việc Án Sát Cam Nhữ Lai "tu bổ" lại Nam Quan rồi đặt tên cho cổng là "Trấn Nam Quan", có người đã lý luận rằng cả vùng ải Nam Quan đều thuộc về Trung Quốc nên người Tàu mới có quyền tu bổ cửa ải. Đây là sự thiếu hiểu biết cặn kẽ về sử nước ta. Sử sách VN có đề cập đến tên và chủ quyền lãnh thổ trên vùng Nam Quan từ nhiều đời trước. Điển hình là trong tập thơ "Lạc Đạo" (Con Đường Vui Thú), bài Đường thi "Vườn Phúc Hưng", Thượng Tướng Thái Sư Trần Quang Khải đã có nhắc đến "Ải Nam" sau khi đánh bại giặc Mông Cổ lần thứ 3. Hai câu cuối được Phan Huy Chú dịch như sau:

Báo giặc Ải Nam không khói lửa
Bên giường một giấc ngủ ngon lành" [8]

Câu đầu xác định quyền kiểm soát và trấn thủ toàn thể Ải Nam Quan của người Việt Nam, từ thời nhà Trần hoặc xưa hơn.

Chủ quyền ải Nam Quan cũng có ghi rõ trong lịch sử thời nhà Lê dấy nghiệp. Năm 1427, đạo quân nhà Minh từ Quảng Tây kéo đến ải Nam Quan định sang giải vây cho Vương Thông đang bị Bình Định Vương Lê Lợi vây khổn ở Thăng Long, nhưng đã bị các tướng giữ ải là Lê Lựu và Lê Bôi phục kích đánh tan [9].

d. Lẫn lộn ngôn ngữ Tàu và Việt:

Trên tất cả các loại bản đồ Việt Nam (kể cả bản đồ du lịch của nhà nước CSVN), quốc tế (Pháp, Mỹ), và Trung Quốc (theo chữ alphabetic), đều có ghi rõ ba chữ "Ải Nam Quan". Chữ "nam" là ngôn ngữ của Việt Nam chứ không phải chữ Tàu. Ngược lại, cũng trên các bản đồ đó, thì người Tàu viết các địa danh của Trung Quốc là "nan" thay vì "nam", và họ sẽ viết là "Zhen-nan guan" (Trấn Nam Quan) giống như "Hainan" (đảo Hải Nam), "Nansha" (quần đảo Nam Sa tức là Hoàng Sa của VN), và "Nanhai" (Nam Hải). Ngược lại trên các bản đồ đó, chữ "Nam" vẫn giữ nguyên. Điều này chứng tỏ chữ Nam Quan từ xưa đến nay luôn luôn là địa danh và là một danh từ riêng của người Việt Nam đặt ra.

e. Thiếu kiến thức về kỹ thuật đo đạc của ngành trắc lượng:

Có người căn cứ vào chi tiết trong bản văn Hiệp Ước Pháp Thanh, ghi rằng hai cột mốc số 25 của đoạn 2 và cột mốc số 1 của đoạn 3, trồng ở phía nam cổng Nam Quan trên đường từ Đồng Đăng đến Nam Quan, cách cổng 100 m, để kết luận rằng "cổng Nam Quan thuộc Trung Quốc". Đó là một lầm lẫn tai hại do sự thiếu hiểu biết về kỹ thuật đo đạc gây ra. Sự thật, đường biên giới chạy từ đỉnh núi dọc bức tường đá xuống thung lũng đến chính giữa bức tường của công sự Đại-Nam Quan (Tàu gọi là Trấn-Nam Quan). Đến đây, thay vì cắm mốc vào giữa công sự, các nhà đo đạc (surveyors) Pháp đã trồng hai cột mốc cách biên giới chính thức (là cổng) 100 m, nhằm mục đích đánh dấu cho việc đo đạc được liên tục. Sở dĩ đặt mốc về phía nam vì: một là phía này bằng phẳng hơn phía bắc núi đá lởm chởm khó tìm, hai là vùng phía nam thuộc quyền kiểm soát của Pháp, tránh cho chuyện quân Thanh dời chỗ hay phá hủy nó đi. Đây chỉ là một mốc đánh dấu, danh từ chuyên môn ngành trắc lượng gọi là "offset" mà các nhà đo đạc thường làm khi gặp trở ngại như tảng đá hay tòa nhà, không thể đặt mốc vào đó được. Bản văn (record) vẫn có diễn tả (description) cho các mốc đánh dấu này, chứ không viết rằng đó là đường biên giới. Bởi vì cổng Nam Quan mới là biên giới thật sự của hai nước. Điều đó quá hiển nhiên đến nổi các nhà đo đạc người Pháp khi đặt các cột mốc cách cổng đúng 100 m đã không cần ghi chú kỹ, vì không thể ngờ rằng sau này có kẻ dùng các mốc đó để giành giật chủ quyền cổng Nam Quan cũng như lấn chiếm thêm biên giới.

f. Trích dẫn sai lạc về sử sách:

Có người đã sửa đổi nguyên văn sử sách hay trích dẫn lộn xộn để xuyên tạc về chủ quyền của ải và cổng Nam Quan. Người này cho rằng cổng Nam Quan do người Tàu cất từ đời "Gia Tĩnh nhà Minh" thế kỷ 16, để từ đó lý luận rằng vì cổng được xây bởi người Tàu, nên cả vùng đất phải thuộc Tàu. Người này trích dẫn hai bộ sách cổ trên 100 năm. Một bộ có tựa đề "Phương Đình Dư Địa Chí", bộ kia là "Đại Nam Nhất Thống Chí". Tuy nhiên, nếu đối chiếu với bản scan của các bộ sách kèm theo bài viết này, thì sự thật không phải như thế; mà ngược lại, hai bộ sách đều ghi rõ Ải Nam Quan thuộc về lãnh thổ Việt Nam, cũng như cổng Nam Quan là do người Việt Nam xây lên. Các sách này ghi là cửa Nam Quan có lẽ cất vào thời Gia Tĩnh nhà Minh, chứ không ghi là do nhà Minh xây lên! Mặc dù sách "Nhất Thống Chí" có ghi nhận "Án Sát tỉnh Quảng Tây là Cam Nhữ Lai tu bổ lại" cổng, nhưng điều đó chỉ nói lên vào thời gian đó (thế kỷ 18), người Tàu có giúp tu bổ lại cái cổng biên giới giữa hai nước đã được người Việt xây dựng từ 200 năm trước rồi, tuyệt không thể chỉ vì có sự tu bổ đó mà cho rằng Trung Quốc là sở hữu chủ cả đất đai Việt Nam. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề sách cổ.

Dù sao, cho đến nay đảng CSVN cũng như vị "ký giả" và "nhà bình luận" ủng hộ các luận điệu của đảng CSVN vẫn chưa chứng tỏ bằng các chứng tích cụ thể, như các bản chụp (scan) hình ảnh hay bản đồ để thuyết phục tuyên truyền dân chúng. Họ đã lợi dụng phương tiện báo chí có sẵn cùng các xảo thuật trích dẫn để khuynh đảo dư luận hầu mong dẹp tan cuộc chống đối của các phong trào phản kháng.

g. Trí trá về sự hiện hữu của Cây Số Zero.

Có người viết bài tự thuật rằng đã được "tự do" lên thăm và chụp hình Nam Quan. Tấm hình chụp cây số Zero (0) được đưa lên internet với lời chú thích là cây số 0 ấy đã được "Thủ Tướng Phạm Văn Đồng cho lệnh trồng bên gốc cây si." Chúng ta có thể tin đây là một sự phổ biến gián tiếp của nhà nước CSVN. Như vậy, rõ ràng là sau khi ký nhượng toàn thể biển Đông, rồi đến nhượng đất biên giới, ông PVĐ đã cho xây cất cây số 0 có lẽ để đánh dấu và phòng ngừa Bắc Kinh đòi thêm về sau này. Đây là sự phòng xa "khôn mà không ngoan", vì nó thú nhận sự dâng nhượng thực sự lãnh thổ VN cho Trung Quốc. Không có lý do gì mà tự nhiên một Thủ Tướng lại ra lệnh trồng cây số 0 cho một con đường như thế!