mercredi 21 septembre 2011

IV. Sự thật về Ải Nam Quan (phần 2)


THỨ TƯ 11 THÁNG MƯỜI HAI 2002

2- Sự thật trong những bộ sử cổ xưa:

Những bằng cớ cho thấy Nam Quan là một phần lãnh thổ của Việt Nam có thể được tìm thấy trong bộ sách Phương Đình Dư Địa Chí của Nguyễn Văn Siêu, một danh nho vào thời nhà Nguyễn. Tác giả diễn tả khá chi tiết về Cổng Nam Quan từ trang 451 đến 453 (hình 6, 7, 8). Tác giả viết rằng:

"Ải Nam Quan ở địa phận 2 xã Đồng Đăng và Bảo Lâm châu Văn Uyên, phía bắc giáp giới châu Bằng Tường tỉnh Quảng Tây Trung Quốc, 2 bên có núi đá cao ngất, ở giữa mở một cửa quan, có cánh cửa có khóa, chỉ khi có việc sứ mới mở, tên là Nam Quan (một tên là Đại Nam quan, một tên là Trấn Di Quan, lại có tên là Trấn Nam quan." [10]

Hình 6, 7, 8 - Phương Đình Dư Địa Chí, trang 451-453






Dữ kiện của đoạn trên chứng tỏ quyền kiểm soát toàn vẹn của chính quyền nước ta vào thời đó trong việc mở và đóng khóa cửa quan. Hiển nhiên tên Đại Nam quan là danh từ riêng của Việt Nam đặt, chứ không phải do Trung Quốc đặt để ám chỉ là "cửa phía nam" như có người lầm tưởng.

Cuốn sách còn ghi lại văn bia của Đốc Trấn Lạng Sơn Nguyễn Trọng Đang, trong đó có câu mở đầu như sau:

"Khi nước ta có cả Đất Ngũ Lĩnh, cửa quan ở nơi nào không xét vào đâu được, sau này thay đổi thế nào không rõ, gần đây lấy châu Văn Uyên làm cửa quan, có Đài là Vọng Đức..." [11].

Đoạn này có ba điểm đáng chú ý:

a.- Khi xưa nước ta có cả đất Ngũ Lĩnh, nhưng nay vùng núi Ngũ Lĩnh đã nằm trong địa phận Bằng Tường của Trung Quốc rồi.

b.- Ải Nam Quan là đường rãnh hẹp giữa hai rặng núi phía nam của vùng Ngũ Lĩnh. Như vậy cửa quan vào đời Lý, Trần ngày xưa có thể nằm ở phía bắc hai rặng núi đó, nhờ vậy mà việc phục kích phòng thủ của dân tộc ta đã hữu hiệu từ cả ngàn năm trước.

c.- Các chữ "lấy đất Văn Uyên làm cửa quan" chứng tỏ quyền chọn lựa, chủ quyền lãnh thổ toàn ải, và công trình xây cất nguyên thủy cửa ải rõ ràng là do người Việt Nam chứ không phải người Tàu.

Cũng theo cuốn "Dư Địa Chí", 5 năm sau khi được bổ về làm Tổng Trấn Lạng Sơn, ông Nguyễn Trọng Đang đã cho người xây dựng lại cửa ải và đài canh gác ở trên cổng, tất cả đều làm bằng gạch. Vật dụng được cung cấp bởi 22 đơn vị dưới quyền. Nhiều công nhân xây cất được tuyển mộ và giao cho 4 trưởng toán chỉ huy. Việc xây cất mất hơn nửa năm trời mới xong. Tòa công sự được dùng làm nơi canh gác và nơi tạm trú cho các quan sứ giả của triều đình.

Chứng cớ Ải Nam Quan là đất Việt Nam còn được tìm thấy qua các bản đồ cũ trong cuốn "Đất Nước Việt Nam Qua Các Đời" của sử gia Đào Duy Anh [12]. Vào thời Hán, Quận Giao Chỉ bao gồm cả đất Quảng Đông và Quảng Tây bây giờ. Từ đời nhà Lý thế kỷ 11 đến cuối thời Lê Trang Tông giữa thế kỷ 16, biên giới Việt Nam vẫn được giữ nguyên vẹn. Cũng trong sách này, có ghi rõ các huyện của tỉnh Lạng Sơn, trong đó có Huyện Uyên với huyện lỵ có tên là Đồng Đăng (hình 9. "Thiên Hạ Quận Quốc chép cửa Pha Lũy - tức Nam Quan - là thuộc huyện Uyên". Cuốn sách của Đào Duy Anh xuất bản lần thứ nhất có cả một chương về địa giới Việt Trung, nhưng khi tái bản vào năm 1995 thì toàn bộ chương này đã bị bỏ đi, với lời chú của "Viện Sử Học Việt Nam" như sau:

"Năm 1975 tác giả (Đào Duy Anh) có bổ sung và sửa chữ bản in lần thứ nhất, với ý định tái bản ở miền Nam. Sau khi xem lại tác giả đã bỏ chương nói về biên giới Việt Nam qua các đời vì thấy tài liệu chưa được đầy đủ. Trong lần tái bản này, chúng tôi đã thực hiện theo di cảo của tác giả lưu lại khi qua đời" [13].

Hình 9 - "Đất Nước Việt Nam Qua Các Đời", Đào Duy Anh

Thật là một điều phí phạm đáng tiếc: Cả một công trình tham khảo tài liệu đã được xuất bản, sau tác giả còn dày công bổ sung và sửa chữa, thế mà chỉ vì "tài liệu chưa đầy đủ" lại hủy bỏ đi! Theo tập quán của những nhà khoa học cũng như viết sử, khi tác giả thấy công trình của mình chưa hoàn hảo thì vẫn trình bày ra kèm theo ghi chú, để người sau tiếp nối cho đầy đủ, chứ không bao giờ lại có trường hợp hủy hoại công trình nghiên cứu dở dang của mình. Vì không có di cảo hay thủ bút của tác giả, làm sao để đời sau biết sự thật đúng như thế, hay nhà xuất bản đã đục bỏ đi theo kiểm duyệt của nhà nước?

Hình 10-11: Đại Nam Nhất Thống Chí, trang 366, 367


Bộ sách "Đại Nam Nhất Thống Chí" được Quốc Sử Quán Triều Nguyễn soạn ra bằng chữ Nho, tương tự như chữ Hán của Tàu, gồm 25 quyển, đến năm 1971 đã được dịch ra tiếng Việt [14]. Căn cứ vào tập 3, trang 366 và 367 (hình 10, 11), có những chi tiết trái ngược với sự tuyên truyền của CSVN và của hai vị "ký giả" và "bình luận gia" từng viết bài cho rằng "Ải Nam Quan thuộc Tàu". Sau đây là những chi tiết đó:

a.- Ải Nam Quan là đất của huyện Văn Uyên, tỉnh Lạng Sơn, từ thời nhà Trần đến thời Lê thịnh vẫn còn như thế.

b.- Cổng Nam Quan, cách Lạng Sơn 31 dặm (khoảng 19 km) về hướng Bắc của tỉnh lỵ Lạng Sơn. Theo văn bia của Đốc Trấn Lạng Sơn Nguyễn Trọng Đang, thì cổng, cùng với đài canh gác nằm trên cổng, đã được xây đầu tiên bởi người Việt Nam, vào thời Gia Tĩnh nhà Minh tức là cùng thời niên hiệu Nguyên Hòa của vua Lê Trang Tông (1533-1548). Tên nguyên khởi do người Việt đặt cho cổng Nam Quan là "cửa Nam-Giao" hay "Đại-Nam Quan". "Đại Nam" là tên của nước ta từ thời xưa mà về sau triều Nguyễn Minh Mạng đã dùng lại.

c.- Trong thời gian cổng Nam Quan được xây, Việt Nam có tới hai triều đại: Bắc Triều do Mạc Đăng Dung soán ngôi Lê Cung Hoàng lập ra nhà Mạc từ năm 1527. Nam Triều của vua Lê Trang Tông được Nguyễn Kim phò tá lập ra chống lại nhà Mạc. Hai bên đánh nhau đến năm 1592 thì nhà Mạc bị đánh bại, vua Mạc Mậu Hợp bị Trịnh Tùng bắt về chém bêu đầu. Tuy nhiên, nhờ có nhà Minh can thiệp nên con cháu Mạc Đăng Dung vẫn được giữ đất Cao Bằng và Lạng Sơn thêm ba đời, cho đến năm 1625 mới dứt hẳn. Như vậy, nếu lời của Nguyễn Trọng Đang chính xác, thì cổng Nam Quan có thể do Mạc Đăng Dung dựng lên tại địa thế hiểm yếu của thiên nhiên, để kiểm soát sự xâm nhập biên giới của thổ phỉ Tàu từ phía bắc.

d.- Đến đời Nguyên Hoà thứ 8, năm 1541, trước sự uy hiếp của nhà Minh, Mạc Đăng Dung phải tự trói mình cùng bầy tôi đi "qua Trấn Nam Quan đến Mạc phủ của nhà Minh dâng biểu xin hàng. Đến đây mới thấy Sử (Ký) chép tên Trấn Nam Quan." Chi tiết này chứng minh rằng cho dù trong thời bại trận, cả Ải Nam Quan lẫn cổng Nam Quan vẫn còn là lãnh thổ và tài sản của Việt Nam. Như vậy hiển nhiên họ Mạc đã dâng cho Tàu một phần của vùng khe núi Ải Nam Quan phía bắc của cổng, gồm năm động và đất Khâm Châu, còn cái cổng thì vẫn là tài sản của Việt Nam, chỉ bị Tàu đổi tên ở bảng hiệu phía Bắc mà thôi. Nói cách khác, trước khi họ Mạc đầu hàng, nguyên cả hai rặng núi song song dài khoảng 7 km cấu thành Ải Nam Quan và Suối Phi Khanh đều thuộc về Việt Nam. Ngay cả lúc hai bên chiến tranh, quân Tàu cũng không dám khinh xuất xâm phạm ải và cổng Nam Quan của Việt Nam. Sách Sử Ký của Tàu thay vì chép tên cổng là "Đại-Nam Quan", thì đổi thành "Trấn Nam Quan".

e.- Đối chiếu với bộ sách Nhất Thống Chí, sách Việt Nam Sử Lược của sử gia Trần Trọng Kim cũng nói đến chủ quyền cửa Nam Quan thuộc Việt Nam như sau:

"Năm Đinh Dậu (1537) vua nhà Minh sai Cừu Loan làm Đô Đốc đem quân đến đóng gần cửa Nam Quan rồi sai đưa người thư sang bảo Mạc Đăng Dung phải đưa sổ ruộng đất sang nộp và chịu tội thì được tha cho khỏi chết" [15].

Một đoạn khác, khi Quang Trung Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh cũng có ghi:

"Ngày hôm ấy (mùng năm tết Kỷ Dậu 1789) vua Quang Trung dốc quân đánh giặc, áo ngự bào bị thuốc súng bắn vào đen như mực. Đến trưa thì vào thành Thăng Long, sai tướng đem binh đuổi đánh quân Thanh đến cửa Nam Quan. Những dân Tàu ở gần Lạng Sơn sợ khiếp, đàn ông, đàn bà dắt díu nhau mà chạy, từ cửa ải về mé Bắc hơn mấy trăm dặm, tịnh không nghe thấy một người nào!" [16]

f.- Năm 1792, với sự yêu cầu chính đáng của Quang Trung Hoàng Đế, vua Càn Long nhà Thanh đã chấp thuận trả lại các phần đất thuộc Quảng Tây và Quảng Đông cho Việt Nam trong đó có nguyên vẹn vùng núi Ngũ Lĩnh ở Bằng Tường. [17] Tiếc thay, các vùng đất đó chưa được bàn giao lại cho Việt Nam thì Quang Trung băng hà, và từ đó Việt Nam chưa sản xuất được một vị anh hùng nào đủ hùng tài đại lược để đòi lại phần đất này.

g.- Vào khoảng tiền bán thế kỷ 17, đời vua Lê Thần Tông (1619-1643) và chúa Trịnh Tráng, thì nhà Minh bị nhà Thanh tiêu diệt. Đến năm Ung Chính thứ 3 thời nhà Thanh, (tức là đời Lê Dụ Tông thứ 20, niên hiệu Bảo Thái thứ 5, năm 1725, gần 200 năm sau khi người Việt xây cổng Nam Quan và đài canh vào thời nhà Minh), thì "án sát tỉnh Quảng Tây là Cam Nhữ Lai tu bổ lại" cổng Nam Quan. Rồi 3 năm sau đó (Ung Chính thứ 6, năm 1728) thì làm bảng để trên mặt bắc của cổng là "Trấn Nam Quan" bằng chữ Tàu. Như vậy, có thể trong thời gian này, nhà Thanh đã đề nghị tình nguyện "tu bổ" lại cổng Nam Quan để rồi sau này người Tàu lấy cớ mà giành giật chủ quyền cổng Nam Quan của người Việt.

h.- Đến đời Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng thứ 33 (năm Giáp Thìn - 1773), thì Đốc Trấn Lạng Sơn Nguyễn Trọng Đang cho khởi công trùng tu lại đài canh gác. Sau trên nửa năm xây cất, sang năm Ất Tỵ, đài mới hoàn tất và được đặt tên là Vọng Đức Đài, với tấm biển đề "Đại-Nam Quan" quay về hướng nam, đối chiếu tương đương với biển đề Trấn-Nam Quan ở mặt bắc ("việc làm phải theo thời thế, không dám làm hơn người trước"). Bấy giờ là "năm Ất Tỵ, mùa Xuân, trước ngày Vọng (vua ta) ba ngày" [18]. Lời chú trên bia của ông hàm ý ngưỡng vọng đức độ của vua Lê Hiển Tông, bấy giờ sắp kỷ niệm sinh nhật 57 tuổi, làm vua đã được 34 năm, chứ không phải "ngưỡng vọng vua Tàu" như vài người đã lầm tưởng một cách tai hại.

i.- Tuy nhiên, đến đời Càn Long nhà Thanh, năm Tân Sửu, (tức là năm 1781, khoảng 7 năm sau khi Vọng Đức Đài của Việt Nam được xây cất), nhằm vào thời Lê mạt, thì lần đầu tiên đài canh của Tàu mới được xây cất và đặt tên là "Chiêu Đức Đài" ở mặt bắc nằm trên cổng, phía bắc đài có "nhà giữ ngựa" gọi là "đình tham đường". Như vậy, trên cổng có hai đài kiểm soát, phía bắc là Chiêu Đức của Tàu và phía Nam là Vọng Đức của Việt.

j.- Căn cứ vào các tài liệu trên, thì cho đến hậu bán thế kỷ 18, vẫn còn kiến trúc đồ sộ của cổng Đại-Nam Quan và Ngưỡng (hay Vọng) Đức Đài của Việt Nam nằm trên cổng, với bên tả bên hữu đài có hai dãy hành lang dùng làm nơi nghỉ ngơi mà Đốc Trấn Nguyễn Trọng Đang đã xây lên bằng cả một công trình gạch đá mất trên nửa năm trời. Như vậy, cho đến thời gian đó, cổng Nam Quan vẫn là sở hữu của Việt Nam, và là biên giới của hai nước. Tàu chỉ góp công tu bổ cổng cũng như xây đài ở mặt bắc và sử dụng chung mà thôi, giống như hiện nay Trung Quốc đang được Việt Nam cho sử dụng chung ga xe lửa tại Đồng Đăng để kiểm soát người nhập cảnh vậy. Góp công tu bổ để được cho sử dụng chung, rồi lại lật lọng đòi luôn sở hữu chủ tài sản của lân bang, thái độ của người Tàu ngang ngược như thế đã đành, mà thái độ của đảng CSVN và một vài người Việt ra sức bênh vực cho "chủ quyền" của người Tàu thì thật là cổ kim chưa từng có.

Trên đây là những bằng chứng rõ ràng từ bộ Nhất Thống Chí và một số sách sử khác về chủ quyền VN đối với toàn ải và cổng Nam Quan. Những "viên chức ngoại giao", những "ký giả", và những "nhà bình luận" đã diễn giải trái ngược với những tài liệu lịch sử ấy, có thể vì họ đã quá vội vàng trong việc tra cứu lịch sử và các niên đại, hoặc vì họ đang có một "sứ mạng bí mật" nào đó mà phải diễn giải sai lạc như thế. Đời xưa, mỗi lần có tranh chấp biên giới với Tàu thì các vua quan nước ta cương quyết tranh cãi, nhất định không nhượng bộ một tấc đất cho ngoại bang. Đời nay thì không những viên chức ngoại giao và lãnh đạo CSVN bí mật dâng nhượng đất đai cho Tàu, không khác gì cha con Mạc Đăng Dung vì muốn bảo vệ ngôi báu mà chịu hàng phục nhà Minh, mà một số người ở hải ngoại cũng đã vô tình hay cố ý toa rập với đảng CSVN và hết lòng bênh vực cho bọn cướp nước ta. Thật chưa bao giờ đất nước và dân tộc Việt Nam mang phải đại nạn như lúc này!