mercredi 19 octobre 2011

Đảng Cộng Sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào CS Quốc Tế (15)

Thời kỳ biến động lớn thứ ba: "Prestroika" và sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới .

Ðối với thái độ bất can thiệp của Gorbachev và ban lãnh đạo ÐCSLX hồi đó, nói chung trên thế giới người ta khen nhiều hơn chê. Cũng có vài tờ báo nước ngoài tán dương Gorbachev quá mức, coi ông là "người giải phóng Ðông Âu"! Ngược lại, ban lãnh đạo ÐCSVN, thì coi ông là "kẻ phản bội" (xem: sách "Sự phản bội của Goóc-ba-trốp" của Viện khoa học công an Việt Nam do NXB Công an Nhân dân ấn hành). P. Tsvetov, phóng viên báo "Pravda" (Sự Thật) của ÐCSLX thường trú trong nhiều năm tại Hà Nội, đã cho biết thêm: "trong nhiều năm, trong ngành tuyên truyền nội bộ đảng (Việt Nam - NMC) đã lưu truyền lời nói này: "Yeltsin là tên phản bội, Gorbachev là nhân viên của CIA" (xem: "Nước Việt Nam truyền thống", Quyển 2, Moskva, 1996, bài "Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở châu Âu dưới mắt người Việt Nam" của P. Tsvetov, tr.196). Còn người viết những dòng này thi coi Gorbachev là một "con người thực tế" biết đánh giá đúng thực lực hồi đó của Liên Xô cũng như tình hình trong và ngoài Liên bang Xô-viết.

Về mặt đối nội:

Lên cầm quyền, Gorbachev bắt tay ngay vào chiến dịch chống rượu: ngày 7.5.1985, TƯ ÐCSLX ra quyết nghị "Về những biện pháp để khắc phục nạn say rượu và nghiện rượu". Cũng giống như Andropov khi lên ngôi tổng bí thư đã bày ngay chiến dịch siết chặt kỷ luật lao động, Gorbachev coi việc chống rượu là chìa khóa tăng năng suất lao động. Ai cũng biết nạn rượu ở Liên Xô gây ra vô vàn tổn thất to lớn chẳng những cho kinh tế đất nước, năng suất lao động, an ninh xã hội, đạo đức tinh thần, hạnh phúc gia đình mà ngay cả cho bản thân sự sinh tồn của con người nữa. Ðây là vấn đề rất đáng quan tâm. Nhưng chống rượu đâu phải là khâu chính để vượt qua khủng hoảng, trong khi khủng hoảng bắt nguồn từ bản chất nền kinh tế tập trung chỉ huy, từ bản chất chế độ cực quyền? Hơn nữa, Gorbachev chống rượu bằng những biện pháp hành chính, mệnh lệnh, cấm đoán theo phong cách quen thuộc của các lãnh tụ cộng sản. Hậu quả của chiến dịch chống rượu vô cùng to lớn cả về kinh tế, xã hội lẫn về chính trị. Các vườn nho quý bị đốn sạch, các vùng sản xuất rượu ở miền nam nước Nga, ở Moldavia, Gruzia (còn gọi là Georgia), Crimée... bị tàn phá, nhà nước mất đi một nguồn lợi rất lớn (hàng năm thiệt hại đến 10 tỷ rúp), dân chúng các vùng nho bị sạt nghiệp, bị thất nghiệp, lòng bất mãn ở các vùng này lên cao. Nhà nước tăng giá rượu vodka thì người dân đối phó lại bằng việc nấu rượu lậu. Số đường dùng để nấu rượu lậu năm 1987 là 1,4 triệu tấn, bằng ngân sách của cả nước Ukraina với 50 triệu dân! Ðường trở nên khan hiếm trầm trọng, nhà nước phải áp dụng chế độ tem phiếu mua đường cho toàn dân kể từ ngày 1.5.1989. Dân chúng, cả người nghiện lẫn người không nghiện, đều phản đối chiến dịch chống rượu của Gorbachev. Ba năm sau, ngày 25.10.1988, TƯ ÐCSLX ra quyết nghị kết thúc chiến dịch chống rượu!

Tháng 9.1985, Gorbachev lại tung ra một cuộc vận động nữa cũng nhằm tăng cao năng suất lao động: ông định nhen nhóm lại phong trào thi đua Stakhanov nhân dịp kỷ niệm 50 năm phong trào này. Xin nói sơ qua chuyện "anh hùng lao động" Stakhanov. Hồi năm 1935, trong đêm 30 rạng ngày 31 tháng 5, Stakhanov đã đào được 102 tấn than đá trong một ca mà tiêu chuẫn đặt ra chỉ có 7 tấn, và đến ngày 19.9, anh đã đào được 227 tấn trong một ca! Từ đó Stalin phát động phong trào Stakhanov hết sức rầm rộ. Nhưng Gorbachev không tài nào nhen lên nổi phong trào Stakhanov, bài diễn văn đao to búa lớn của ông về "những truyền thống chói lọi muôn đời của chiến công lao động" chỉ là tiếng kêu giữa sa mạc. Ðến đại hội 27 ÐCSLX (1986), người ta lại cố thổi lên lần nữa, nhưng không ai hưởng ứng. Tháng 10.1988, tờ "Komsomolskaya Pravda" lần đầu tiên dám nói sự thật: "chiến công" Stakhanov là một trò lừa bịp! Người ta đã chuẩn bị trước cho Stakhanov một hầm lò đã làm sẵn, và quan trọng hơn là người ta cho anh thêm hai người phụ việc! Thế là Gorbachev "ra quân hai trận đầu" đều thất bại.

Thế thì "perestroika" là cái gì? Lenin, Stalin cũng đã dùng từ này mỗi lần cần phải chấn chỉnh, sửa đổi công tác nào đó. Từ này có hai từ tố "pere" là "lại, tái" và "stroika" là "xây dựng", "kiến thiết"; "perestroika" có nghĩa là "xây dựng lại", "tái thiết", cũng có nghĩa là "chấn chỉnh", "chỉnh đốn", "cải tổ". Thật ra, khi đặt ra vấn đề "perestroika", chính bản thân Gorbachev và BCT TƯ ÐCSLX cũng không có ý niệm cụ thể về nội dung. Nói cho công bằng, người đầu tiên đưa ra vấn đề "perestroika" một cách nghiêm túc không phải Gorbachev mà là nữ viện sĩ Tatiana Zaslavskaya. Bà đã chuẩn bị hồi mùa thu năm 1982 một chương trình cải cách thật sự gọi là "perestroika". Báo cáo của bà được trình bày tại cuộc hội thảo (seminare) trước khoảng 50 nhà khoa học, về sau được đăng trên tờ "Washington Post" hồi tháng 8.1983 gọi là "Văn kiện Novosibirsk". Zaslavskaya nhấn mạnh đến sự cần thiết phải "perestroika" (cải tổ) hệ thống quản lý của nhà nước đối với nền kinh tế. Bà đề nghị từ bỏ những phương pháp quản lý hành chính mà sử dụng trước tiên những "kích thích" có tính đến quyền lợi, nhu cầu kinh tế và xã hội của người lao động. Gorbachev vớ lấy từ "perestroika" nhưng lúc đầu ông lại đưa ra nội dung là "uskorenie" (thúc nhanh) và "intensifikasia" (phát triển theo chiều sâu). Nghị quyết đại hội 27 ÐCSLX (1986) tập trung mọi sự chú ý vào hai vấn đề "thúc nhanh" và "phát triển theo chiều sâu" trong khi nền kinh tế đất nước đã như một con ngựa già kiệt sức giẫm chân tại chỗ! Gorbachev không hề công khai nhận sai lầm của một đường lối như thế, trái lại, nhiều lần ông khẳng định là"perestroika" đã đi đúng hướng!

Tháng 5.1986, TƯ ÐCSLX và chính phủ Liên Xô ra quyết định về "nghiệm thu nhà nước", bắt buộc từ ngày 1.1.1987, tất cả các sản phẩm làm ra đều phải qua "nghiệm thu nhà nước" nghiêm ngặt. Gorbachev và ÐCSLX tin chắc là biện pháp này sẽ "tạo một bước căn bản cải tiến chất lượng sản phẩm". Nhưng... tổng kết cuối năm 1987 từ 15 đến 18% sản phẩm công nghiệp không qua được nghiệm thu và tổng giá trị số phế phẩm vứt đi hay bắt sửa chữa lại lên tới 6 tỷ rúp. Năm sau, vào tháng 1.1989, "nghiệm thu nhà nước" không nhận sản phẩm công nhiệp trị giá 1,4 tỷ rúp, tức là 8% tổng sản phẩm, riêng ngành chế tạo máy là 13,5%. Tình hình này làm giảm sút nghiêm trọng thu nhập của mọi người trong nhà máy, nên cả công nhân, kỹ sư lẫn giám đốc xí nghiệp đều chống lại. Cuối cùng đến tháng 10.1989, "nghiệm thu nhà nước" bị bãi bỏ.

Tiếp theo ÐCSLX và Xô-viết tối cao Liên Xô (XVTCLX) lại ra "Luật về xí nghiệp", nhằm mở rộng quyền cho xí nghiệp, chuyển xí nghiệp sang chế độ hạch toán kinh tế, chế độ tự hoàn vốn để đẩy mạnh sản xuất. Lần đầu tiên, cán bộ, công nhân viên được bầu cử giám đốc xí nghiệp, điều này lúc đầu cũng gây được phần nào sự phấn khởi trong các nhà máy. Nhưng sự thể không giản đơn như người ta tưởng. Dường như đạo luật đó đã cho xí nghiệp quyền độc lập rộng rãi, nhưng thật ra thì toàn bộ sản phẩm của xí nghiệp lại do các bộ đặt hàng hết. Thế là "đơn đặt hàng nhà nước" lại là một kiểu kế hoạch hóa có định hướng và có địa chỉ cụ thể không khác gì trước. Ðến tháng 9.1989,đạo luật đó đã được sửa chữa và bổ sung rất nhiều, nhưng mà 80% xí nghiệp vẫn không hài lòng. "Luật về xí nghiệp" cũng khôngđem lại kết quả gì!

Phải đến hội nghị TƯ ÐCSLX hồi tháng 1.1987, lần đầu tiên Gorbachev và những người lãnh đạo Liên Xô mới có được một khái niệm rõ ràng hơn về "perestroika". Người ta đã nhận thấy đường lối sai lầm "thúc nhanh" và "phát triển theo chiều sâu" của đại hội 27, nhưng do ý thức hệ Marx-Lenin còn nặng, người ta vẫn rất ngần ngại không chấp nhận khuyến nghị của các chuyên gia kinh tế nên cải cách giá cả để mạnh dạn bước vào kinh tế thị trường. Tuy vậy, trước sức ép của phong trào dân chủ, nhất là của báo chí và dư luận xã hội, TƯ ÐCSLX bắt đầu có những bước mạnh dạn hơn về mặt dân chủ hóa xã hội, về cách thức bầu cử dân chủ đối với các tổ chức dân cử, các tổ chức xã hội, các xí nghiệp nhà nước... Hội nghị TƯ đã chủ trương bầu cử dân biểu vào Ðại hội dân biểu Liên Xô và lần đầu tiên Gorbachev đưa ra tư tưởng mạnh dạn về tính chất đa nguyên của các hình thức sở hữu và mập mờ nói đến khả năng xóa bỏ điều 6 của Hiến pháp Liên Xô. Những người dân chủ ở Liên Xô hồi đó rất hy vọng dùng con đường nghị trường để cải biến dần chế độ cực quyền trở thành dân chủ. Chính lúc này đã có điều kiện thuận lợi để đưa lên báo chí những cuộc thảo luận sôi nổi đòi quyền tự do báo chí, tự do lập hội. Dù chưa có quyết định rõ ràng của nhà nước, những người dân chủ cũng đã bắt đầu thận trọng đưa ra các tổ chức, lúc đầu chỉ là những tổ chức văn hóa, giải trí, thể thao, xã hội, từ thiện, tương tế... thôi. Ðến khi có việc bầu cử dân biểu thì lập các tổ chức (gọi là nhóm sáng kiến) giới thiệu người ra ứng cử dân biểu, vận động cho ứng cử viên... rồi dần dần tiến lên các tổ chức chính trị. Những tổ chức này xuất hiện mà không xin phép, tiếng Nga gọi là "neformal" (tổ chức không hợp thức). Về sau khi phong trào lên mạnh, số lượng các tổ chức không hợp thức trong cả nước lên đến khoảng bốn ngàn, đứng đầu là tổ chức "Phong trào Nước Nga dân chủ". Ðến lúc này, KGB dù có muốn đàn áp cũng không đối phó nổi.

Trong thời gian 1986-1987, uy tín của Gorbachev thực sự lên cao ở Liên Xô, nhưng cũng không được lâu. Vì quá nặng nợ với ý thức hệ Marx-Lenin, với chủ nghĩa cộng sản và quá nặng tình với giai cấp nomenklatura, nên mọi chính sách của ông và ÐCS thường là nửa vời, không dứt khoát, luật nọ chống luật kia, cuối cùng chẳng đem lại kết quả thực tế. Chẳng hạn, đạo luật về hoạt động lao động cá nhân (18.11.1986) "cho phép hoạt động lao động cá nhân trong lĩnh vực thủ công nghiệp, trong phục vụ sinh hoạt dân chúng" với điều kiện "chỉ dựa trên lao động cá nhân của công dân và gia đình họ" thì lại mâu thuẫn với nghị quyết của TƯ ÐCSLX và sắc lệnh của XVTCLX về "tăng cường đấu tranh chống thu nhập không lao động" với những hình phạt nặng nề đối với "thu nhập không lao động". Chẳng những người dân mà ngay cả các nhà chức trách cũng khó lòng phân rõ đâu là "thu nhập không lao động", đâu là "thu nhập do lao động cá nhân"! Một thí dụ khác. Ngày 1.7.1988, đạo luật mới về hợp tác xã bắt đầu có hiệu lực với ý đồ biến hợp tác xã "thành một mạng lưới rộng lớn gắn liền với khu vực kinh tế quốc doanh và hoạt động lao động cá nhân của dân chúng", nhưng trước đó ba tháng rưỡi, Xô Viết Tối Cao Liên Xô đã ra sắc lệnh đánh thuế lũy tiến vào hợp tác xã với những điều khoản khắc nghiệt hơn nhiều so với thời NEP! Hai năm tồn tại của hợp tác xã cũng không đem lại kết quả gì. Trong lúc đó thì nền kinh tế "thứ hai" (người Nga gọi là "nền kinh tế trong bóng tối") ngày một phát triển.

Sau bốn năm "perestroika", tháng 4.1989, lần đầu tiên Gorbachev thú nhận với các ủy viên TƯ đảng: "...tất cả chúng ta đã không biết rõ đất nước mình, nơi chúng ta đang sống". Nhận thức được như thế, nhưng tổng bí thư không thể nào vượt qua được bức tường sắt chận đường "perestroika", đó là ý thức hệ Marx-Lenin, mà một trong những điểm chủ chốt là quan niệm về sở hữu tư nhân. Ðây là một câu nói tiêu biểu của Gorbachev thường được nhắc đi nhắc lại dưới thời "perestroika": "Sở hữu tư nhân - như mọi người biết - là cơ sở của việc người bóc lột người, mà cuộc cách mạng của chúng ta được thực hiện chính là để tiêu diệt nó và chuyển toàn bộ thành sở hữu của nhân dân". Tư tưởng này đã chỉ đạo ông trong suốt thời kỳ "perestroika" làm ông không thể tìm ra được lối thoát.



Xin nói đến lĩnh vực nông nghiệp là lĩnh vực Gorbachev tự coi mình là chuyên gia am hiểu nhất. Trong15 năm lãnh đạo nông nghiệp ở địa phương và trung ương, không phải ông không thấy được phần nào tình trạng trầm trọng của nền nông nghiệp xô-viết, nhưng thành kiến, thậm chí ác cảm với sở hữu tư nhân và ý muốn bảo vệ đến cùng nông trang tập thể (kolkhoz), nông trường quốc doanh (sovkhoz) làm cho mọi đường lối chính sách của ông trong lĩnh vực này hết sức hời hợt và vô hiệu. Một trong những việc "lớn" đầu tiên về nông nghiệp của tổng bí thư mới là quyết định của TƯ ÐCSLX và HÐBTLX (23.11.1985) "Về việc hoàn thiện hơn nữa sự quản lý tổ hợp công nông nghiệp". Người ta tưởng đây là "thần dược" để giải quyết vấn đề lương thực: đem nhập 5 bộ nông nghiệp và một ủy ban nhà nước (cũng là nông nghiệp) thành một "siêu bộ" khổng lồ gọi là Tổ hợp công nông nghiệp nhà nước Liên Xô (Agroprom)! Cố nhiên, cứ loay hoay về mặt tổ chức bộ máy quản lý như vậy, khi hợp vào, khi lại chia ra, nông nghiệp xô-viết không nhờ thế mà phát triển được. Ðến tháng 3.1989 thì TƯ ÐCSLX lại ra nghị quyết gián tiếp công nhận rằng những biện pháp đầu tiên đó là không đúng: TƯ quyết định bãi bỏ ủy ban (comité) nhà nước Agroprom mà thay bằng ban (commission) nhà nước về lương thực và thu mua!

Ðến đại hội 27 ÐCSLX, người ta lại tìm ra "phương thuốc" khác để tăng gia sản xuất nông nghiệp: hàng năm trong kế hoạch 5 năm sẽ quy định mức thu mua cố định cho nông trang tập thể, nếu nông trang nào vượt mức thu mua đó thì có quyền hoặc bán thêm cho nhà nước, hoặc bán ra thị trường, hoặc phân chia giữa nông trang viên với nhau. (Trước kia thì mức thu mua cố định tùy theo mùa thu hoạch, thu hoạch càng cao thì kế hoạch thu mua càng cao). Cả biện pháp này nữa cũng không giải quyết được vấn đề nông nghiệp đang trì trệ!

Ngày 16.3.1989, TƯ ÐCSLX lại ra quyết nghị "Về chính sách nông nghiệp của ÐCSLX trong điều kiện mới", Gorbachev coi đây là đường lối chung của đảng, là cải cách lớn và lại hứa hẹn "bước ngoặt" lớn. Chìa khóa để giải quyết vấn đề lương thực lần này là nhà nước cho nông dân thuê ruộng đất. Sắc lệnh của XVTCLX do Gorbachev ký ngày 7.5.1989, quy định cho thuê ruộng đất có thời hạn từ 5 đến 50 năm. Do định kiến đối với sở hữu tư nhân, nên Gorbachev và TƯ ÐCSLX không chịu cho nông dân thuê ruộng đất để sử dụng vĩnh viễn, làm cho cuộc cải cách đó có tính chất nửa vời và nước đôi rõ rệt. Mà thật ra, dù có cho thuê vĩnh viễn đi nữa, chưa chắc nông dân Liên Xô đã tin, họ còn nhớ kinh nghiệm xương máu: đạo luật ruộng đất ngày 26.10.1917 dưới thời Lenin chuyển giao ruộng đất cho nông dân sử dụng vĩnh viễn, thế mà 12 năm sau những người cộng sản lấy lại ruộng đất, lùa nông dân vào nông trang tập thể và quyền "sử dụng vĩnh viễn" tiêu biến! Nông dân Liên Xô không muốn nhận "món quà" đó của Gorbachev vì họ biết rõ trong điều kiện "xã hội chủ nghĩa", người thuê ruộng đất làm ăn riêng bao giờ cũng bị miệt thị, và cuối cùng bị dày xéo. Hơn nữa, không có thị trường, không có thương nghiệp bán sỉ, không có khả năng mua máy móc, phân bón mà phải nhờ vả vào nông trang tập thể hay nông trường quốc doanh thì - như lời nông dân nói - "chẳng khác nào quàng thòng lọng vào cổ mình cho chúng nó treo". Vả lại, nông dân đã thừa hiểu tâm địa của chính quyền cộng sản - hôm nay cho, ngày mai lấy lại.