CUỘC CHIẾN TRANH, HỒ CHÍ MINH ĐÁNH DÂN TỘC – P40
...
Người tù thứ hai: Tạ Thu Thâu
Nhà cách mạng Tạ Thu Thâu là người tù thứ hai trong câu chuyện. Ông không tốt số như Bác vì ông là tù nhân của Thực dân Pháp. Một cách sơ lược về cuộc đời tù tội của Tạ Thu Thâu: ông bị Pháp bắt tất cả 7 lần, 30 lần ra tòa trong đó có nhiều lần ông tự biện hộ bằng tiếng Pháp thật điêu luyện, 3 lần tuyệt thực để phản đối, có lần tuyệt thực dài 12 ngày (vụ tuyệt thực của ông thánh Gandhi ở Ấn Độ chỉ dài 8 ngày), có lần bị phạt 500 quan tiền vạ. Lần ở tù sau cùng, ông bị tiêm một mũi thuốc gây cho ông mê man bất tỉnh trong hai ngày và do đó cánh tay phải của ông bị hoàn toàn tê liệt cho đến ngày chết. Tác giả Phương Lan viết về mảnh hình hài còn sót lại của Tạ Thu Thâu sau một đời làm cách mạng:
“Nhiều lần vào tù ra khám như bao nhiêu người dân yêu nước. Rồi lần ở tù chót, bị chích tê liệt cả thân người, được Pháp thả về nhà, sống với thân hình tàn phế, tay chân rút co quắp lại, sống một cách khổ sở, người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm, chỉ nằm chờ ngày chết, không còn năng lực gì nữa.”
Có một nhân chứng là Nguyễn Văn Thiệt tường thuật những giây phút cuối cùng của Tạ Thu Thâu. Lúc đó anh Thiệt đi xe lửa tới Quảng Ngãi thì phải ngừng lại nghỉ đêm. Trong lúc ngồi ở quán nước, hỏi thăm bà bán quán về người bạn tên Lê Xán là một người yêu nước theo cụ Phan Bội Châu, bị Pháp bắt đày đi Lao Bảo. Không ngờ khi Pháp thả ra, thì Lê Xán bị Việt Minh bắt lại và bị xử tử. Anh Thiệt vì muốn biết tin bạn nên cũng bị Việt Minh bắt và bị buộc tội “đến Quảng Ngãi để giải vây cho Lê Xán.” Nhờ thế, anh là chứng nhân và viết được bài Tôi thấy Tạ Thu Thâu chết (đăng trong quyển Người Việt ở Pháp 1940-1954 do tác giả Đặng Văn Long sưu tầm, trang 477). Theo lời anh Thiệt thì Ủy ban tỉnh Quảng Ngãi cũng không biết Tạ Thu Thâu bị tội gì, chỉ nhận được điện tín của Trần Văn Giàu đánh ra cho các tỉnh ra lệnh gặp Tạ Thu Thâu thì bắt. Khi Ủy ban tỉnh báo cho Trần Văn Giàu đã bắt được Tạ Thu Thâu thì Giàu ra lịnh hãy xử tử. Khi đem ra sát trường thì Tạ Thu Thâu trần tình cùng mấy người lính. Ông nói hay và đúng quá nên không ai nỡ bắn, có người còn cảm động rơi lệ nữa. Lại đánh dây thép về Sài Gòn hỏi xem có giết lầm không. Và đã hai lần như thế, Trần Văn Giàu đánh dây thép ra bảo giết. Theo lời anh Thiệt, đến lúc đó họ nhận được lệnh riêng của Cụ Hồ ở Hà Nội điện vô khiển trách Ủy ban bất tuân thượng lệnh. Nhưng đội hành quyết vẫn động mối từ tâm không nỡ bắn. Anh Thiệt thuật lại rằng anh mừng đến rơi lệ khi họ dẫn Tạ Thu Thâu về, nhưng liền sau đó “một người trai trẻ mặc áo nâu quần sọt trắng ra vẻ học trò, tuổi lối mười bảy, mười tám, hung hăng nhảy ra, rút cây dao găm dắt ở lưng đâm vào vai Tạ Thu Thâu, miệng vừa hét “Đồ Việt gian phản động”, rồi đạp Tạ Thu Thâu vào bụng cho ngã quay ra đất, đoạn đấm đá túi bụi.” Mắt anh Thiệt đẫm lệ nên không thấy được tường tận nhưng còn nhớ hình ảnh của một đám đông người bao quanh một bóng trắng đang quằn quại giữa vũng máu và nghe giọng the thé rất trong của người thiếu niên: “Các đồng chí hèn quá, một thằng Việt gian cũng không dám giết.”
Tác giả Phương Lan Bùi Thế Mỹ cũng tường thuật tương tự như thế trong sách của bà (trang 440): “Thâu từ Huế vào Quảng Ngãi thì bị bắt tại Sông Vệ, thuộc quận Tư Nghĩa. Khi Thâu vừa để chân đến đấy, là cán bộ địa phương hay liền Thâu là thành phần Đệ tứ Quốc tế, họ báo động với nhau, và liền bủa vây bắt ngay Thâu, giải ra xã Ba Lá, ở phía bắc Sông Vệ, giao cho cấp lãnh đạo tỉnh là Tư Ty. Tư Ty ra lịnh chém.”
“Như lời các chứng nhân kể lại, Thâu binh vực mình, Thâu thuyết phục rằng mình vô tội, mình có công hơn là có tội. Không ai chịu ra tay giết Thâu cả. Có người mắt ven tròng rướm lệ là khác. Hai lần như thế, đi không về không. Tới lần thứ ba, cũng thế, đội hành quyết sững sờ đứng yên, Tư Ty phải tự tay dùng súng lục giết Thâu, một cách hèn nhát là đứng phía sau lưng Thâu bắn tới…”
Nhắc lại giai đoạn lúc Thực dân Pháp mới chiếm Nam Kỳ, có biết bao nhà ái quốc tự động nổi dậy chống Pháp, trong số đó có Nguyễn Trung Trực. Ông chỉ huy nghĩa binh đánh quân Pháp nhiều nơi, nổi bật nhất là chiến công đốt phá chiến thuyền Espérance do trung uý Parfait của Pháp chỉ huy vào ngày 11-2-1861 tại rạch Vàm Cỏ làng Nhật Tảo. Nhưng rồi thế cùng lực tận, ông bị bắt ở Kiên Giang, ông nhất quyết không chịu hàng nên bị tử hình ngày 27-10-1868. Người dân thương nhớ và ghi công ông trong câu đối được truyền tụng như sau: “Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa. Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”
Lịch sử ghi lại rằng khi đem ông Nguyễn Trung Trực ra “sát trường”, không một người lính Việt Nam nào chịu ra tay chém ông. Pháp phải ra dùng một đao phủ người Miên mới hành quyết được. Lịch sử là những biến cố thường được lặp đi lặp lại. Sau đó 77 năm, vào “Mùa thu Kách mệnh” của Hồ Chí Minh năm 1945, nhà cách mạng yêu nước Tạ Thu Thâu cũng gặp hoàn cảnh tương tự. Ba lần mang Tạ Thu Thâu ra “sát trường”, cả ba lần đội hành quyết không đành lòng ra tay giết, mà có người còn khóc vì thương ông nữa. Sau cùng, tên Tư Ty, một cán bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi mới rút súng bắn ông từ sau lưng. (Xin mở ngoặc, trong đoạn văn nầy người viết dùng chữ sát trường mà không dùng chữ pháp trường, bởi lẽ kẻ hành quyết chỉ có mục đích sát hại chứ không xử theo pháp luật nào cả).
Trên sân khấu lịch sử, tấn tuồng sát hại nhà ái quốc Nguyễn Trung Trực do Thực dân Pháp diễn xuất năm 1868, thì vào “Mùa thu Kách mệnh” năm 1945, đạo diễn Hồ Chí Minh cùng với sự cộng tác của Trần Văn Giàu cũng dàn dựng một vở tuồng y hệch như thế để giết nhà cách mạng yêu nước Tạ Thu Thâu. Trong vở tuồng mới, cũng có những đao phủ xót thương người trung nghĩa nên không chịu ra tay, cũng có tên Việt Cộng Tư Ty rất xuất sắc trong vai đao phủ người Miên ác độc, còn phản tặc Hồ Chí Minh và Trần Văn Giàu đã đóng trọn vẹn lại vai Thực dân Pháp ngày xưa! Đến đây, xin một phút mặc niệm cho nhà Cách mạng Tạ Thu Thâu bằng đôi dòng hồi tưởng của học giả Nguyễn Hiến Lê trong quyển Hồi ký của ông. Vào mùa Thu năm 1945, học giả Nguyễn Hiến Lê trên đường tản cư từ Sài Gòn về Long Xuyên, đã nghe tin Phan Văn Hùm bị giết, nên trong Hồi Ký Tập 1 ông viết (trang 318):
“Cũng ngày đó chúng tôi lại được tin Tạ Thu Thâu bị giết ở Quảng Nam trên đường từ Huế về Sài Gòn. Tôi xúc động mạnh, vì tôi rất quý ông ta. Ông gốc ở Long Xuyên, du học Pháp về, sống rất giản dị, bình dân, khắp thành phố không ai không vừa trọng vừa yêu, nhất là giới thợ thuyền. Căn nhà của ông ở gần Cầu máy, một khu lao động, tuy bằng gạch, nhưng nhỏ, hẹp, xấu xí”.
Xin nhắc lại trong vở tuồng sát hại nhà cách mạng Tạ Thu Thâu, Hồ Chí Minh và Trần Văn Giàu thủ diễn vai Thực dân Pháp rất xuất sắc. Tạ Thu Thâu hiển nhiên là nhà cách mạng yêu nước chống Pháp, nhưng ông lại bị Hồ Chí Minh và Trần Văn Giàu chống và giết hại. Tình trạng “dùi đánh đục, đục đánh săng” đó được tác giả Dennis J. Duncanson trong quyển Government and Revolution in Vietnam diễn tả bằng nhóm từ “almost anti-anticolonial”. Theo văn phong của tác giả Duncanson thì Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Đảng Cộng sản để chống những người yêu nước chống Thực dân Pháp. Dưới bàn tay ác độc của Hồ Chí Minh, những người con thân yêu của Đất nước như Tạ Thu Thâu và biết bao nhà ái quốc khác nữa bị sát hại như vậy. Suy ra, không những Hồ Chí Minh đã làm Con vẹt của Stalin, mà ông còn làm lợi cho Thực dân Pháp nữa.
Người tù thứ ba: nhà sư Tuệ Minh
Người tù thứ ba là sư Tuệ Minh, người tù của Việt Minh Cộng sản, một người tù vô cùng bất hạnh như số phận Dân tộc Việt Nam dưới chế độ Hồ Chí Minh. Xin nhắc lại Việt sử đời Tiền Lê, vua Lê Đại Hành truyền ngôi cho con thứ ba là Thái tử Lê Long Việt. Long Việt lên ngôi được ba ngày thì bị em là Long Đĩnh sát hại. Giết anh xong, Lê Long Đĩnh lên làm vua và trở thành vì vua tàn ác nhất trong lịch sử. Ông trị vì chỉ có 4 năm (1005-1009) thọ 24 tuổi. Xin trích Việt Nam Sử Lược của tác giả Trần Trọng Kim:
“Long Đĩnh là người bạo ngược, tính hay chém giết, ác bằng Kiệt Trụ ngày xưa. Khi đã giết anh rồi, lên làm vua thường cứ lấy sự giết người làm trò chơi: có khi những tù phạm phải hình, thì bắt lấy rơm tẩm dầu quấn vào người rồi đốt sống; có khi bắt tù trèo lên cây rồi ở dưới sai người chặt gốc cho cây đổ; có khi bỏ người vào sọt rồi đem thả xuống sông. Làm những điều ác như thế thì lấy làm thích chí. Một hôm lấy mía để lên đầu nhà sư mà róc vỏ rồi thỉnh thoảng giả tảng nhỡ tay bổ dao vào đầu sư chảy máu ra, trông thấy thế lấy làm vui cười.”
Một ngàn năm trôi qua nhanh. Nước ta trải qua nhiều triều đại: Lý, Trần, Lê, Hồ, Hậu Lê với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng Trong, đến nhà Nguyễn Tây Sơn ngắn ngủi và sau cùng là nhà Nguyễn Phúc của vua Gia Long. Biết bao vị minh quân tài ba đức độ, võ công hiển hách thay nhau trị vì để bảo vệ biên cương, mở mang bờ cõi, chỉnh đốn việc cai trị, phát triển Văn học…
Đến đời nhà Lý, vua Lý Thái Tổ dời đô về thành Thăng Long để được rộng rãi mà phát triển. Vua Lý Thái Tông ra lịnh cấm mua hoàng nam làm nô lệ (hoàng nam là thanh niên từ 18 tuổi trở lên). Vua Lý Thánh Tông cho lập Văn Miếu để thờ đức Khổng Tử và các bậc tiên hiền. Vua Lý Nhân Tông mở khoa thi Tam Trường và thiết lập Quốc Tử Giám và bổ những người Văn học vào dạy.
Đời nhà Trần võ công thật là hiển hách. Vua Trần Thái Tông mở khoa thi Thái Học Sinh (như Tiến sĩ) và khoa thi Tam Giáo (Nho, Thích, Lão) và có công phá tan được cuộc xâm lăng lần thứ nhất của quân Mông Cổ. Đến đời vua Trần Nhân Tông, quân Mông Cổ lại hai lần đem quân sang đánh nước ta, nhưng đều bị bại dưới tay đức Trần Hưng Đạo.
Đời nhà Lê, vua Lê Thái Tổ định phép Quân Điền để lấy công điền công thổ mà chia cho mọi người từ quan đại thần cho đến những người già yếu cô quả, ai cũng có một phần ruộng khiến cho sự giàu nghèo trong nước khỏi chênh lệch lắm. Vua Lê Thái Tông cho mở khoa thi Tiến sĩ và cho khắc tên những người thi đỗ vào bia đá. Khởi đầu từ đó, các Tiến sĩ được khắc tên vào bia ở Văn Miếu. Vua Lê Thánh Tông cho lập nhà Tế Sinh để nuôi dưỡng những người đau yếu. Về việc sửa sang phong tục, nhà vua đặt ra 24 Điều Lễ Nghĩa dạy dân để chấn hưng đạo đức. Về việc canh nông, nhà vua đặt quan để trông coi việc cày cấy, tìm những đất bỏ hoang và đốc dân phu khai khẩn. Ngài lập ra cả thảy 42 Sở Đồn Điền, khiến cho dân thoát khỏi cảnh đói khổ. Nhà vua lại sai quan nghiên cứu luật pháp đời Chu, đời Đường bên Tàu và sửa chữa lại cho phù hợp với xã hội của ta làm thành bộ Lê Triều Hình Luật, tức là bộ luật đời Hồng Đức. Đây là bộ luật được các luật gia theo Tây Học ngày nay đề cao là rất cấp tiến và dân chủ: một điểm son trong Lịch Sử Tư Pháp Việt Nam.
Dưới đời Hậu Lê, ở Đàng Ngoài, chúa Trịnh Giang cho khắc bản in, in các sách phát ra mọi nơi và cấm không cho mua sách in bên Tàu nữa. Chúa Trịnh Cương cho hũy bỏ điều luật chặt các ngón tay trỏ hoặc bàn tay để đổi thành tội Đồ, tức là tội lưu đày ở các châu xa mà các tội nhân được giữ vẹn cơ thể. Chúa Trịnh Cương lại cho mở Võ Trường để dạy võ, mùa xuân mùa thu thì dạy võ nghệ, mùa đông mùa hạ thì học võ kinh. Chúa Trịnh Doanh cho lập Võ Miếu để thờ Tôn Võ Tử, Quản Tử, đức Hưng Đạo Đại Vương… , cứ Xuân Thu hai kỳ tế lễ. Đến đời nầy, đất nước ta có cả Văn Miếu lẫn Võ Miếu.
Trong khi các chúa Trịnh giữ vững biên cương ở phía Bắc, thì các chúa Nguyễn ở Đàng Trong lo mở mang bờ cõi về phương Nam, công nghiệp thật là quan trọng. Các vì chúa đã vô cùng khôn khéo trong việc chiêu mộ những người nghèo khổ ở trong nước đưa đi khai khẩn những vùng đất phì nhiêu bỏ hoang, chính sách thu phục và phong chức cho các cận thần của Chiêm Thành, và nhất là sự tiếp nhận ưu ái các thuyền nhân trung thành của nhà Minh trốn chạy sự thống trị của nhà Mãn Thanh và cho phép họ định cư ở vùng đất vừa chiếm được. Từ dinh Ái Tử ở Thuận Hóa là mảnh đất đầu tiên mà Nguyễn Hoàng tức chúa Tiên vào trấn nhậm (năm 1558), đến chín đời sau là đời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (năm 1744), thì lãnh thổ Đàng Trong gồm đến 12 dinh, trải dài đến tận Hà Tiên và Cà Mau bây giờ.
Đời nhà Nguyễn Tây Sơn tuy ngắn ngủi (1788-1802) nhưng võ công thật là hiển hách. Công cuộc đại phá quân Thanh của vua Quang Trung Nguyễn Huệ, một chiến công vô cùng oanh liệt trong Việt sử được sánh ngang hàng với chiến công của Đức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn hai lần đánh thắng quân Mông Cổ và cuộc Lam Sơn Khởi Nghĩa trong mười năm đánh đuổi giặc nhà Minh của Bình Định Vương Lê Lợi. Tấm lòng Cầu Hiền của vua Quang Trung khiến nhà vua thân đến núi La Sơn nhiều bận để thỉnh cầu La Sơn Phu tử là vị ẩn sĩ Nguyễn Thiếp ra giúp nước thật là một tấm gương sáng đáng cho các lãnh tụ đời nay noi theo.
Vua Gia Long triều đại Nguyễn Phúc có công thống nhất Đàng Trong và Đàng Ngoài, một cuộc Thống nhất thật đẹp. Nhà vua xuống chỉ tha dân một vụ thuế, phong tước cho con cháu nhà Lê, nhà Trịnh, cấp cho ruộng đất và trừ giao dịch cho dòng dõi hai họ ấy để giữ việc thờ cúng tổ tiên. Ngài chỉnh đốn việc cai trị, sửa sang phong tục, nghiêm dụ quan lại không được sách nhiễu dân. Ở ngoài thì ngài lo giao hiếu với nước Tàu, nước Xiêm, nước Chân Lạp, khiến cho đất nước lúc bấy giờ trong ngoài đều được yên trị. Từ xưa đến nay, chưa bao giờ từng thấy một nước Việt Nam “cường đại” như thế (“cường đại” chữ của sử gia Trần Trọng Kim).
Đọc lại lịch sử một ngàn năm tự chủ, qua nhiều triều đại, biết bao nhiêu nét đan thanh rực rỡ, biết bao nhiêu vị minh quân đức độ cùng bầy tôi lương đống, trong nề nếp văn hóa vàng son, thật xứng đáng làm mẫu mực cho Dân tộc noi gương và tự hào. Tuyệt nhiên chỉ có một hôn quân (xin lặp lại chỉ có một) là vua Lê Long Đĩnh còn gọi là Lê Ngọa Triều là vì vua tàn ác, lấy sự hành hạ giết hại dân kể cả những bậc tu hành, làm trò vui thú để tiêu khiển. May mắn thay, trong một ngàn năm đó, tuyệt nhiên chỉ có MỘT vì vua Lê Ngọa Triều mà thôi. Mãi cho đến 1945, Đất nước không còn vua nữa, nhưng lại quá bất hạnh, nảy sanh CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, tự xưng là “Kách mệnh”, mà lại tàn ác nham hiểm giết hại dân lành gấp trăm gấp nghìn lần hơn vua Lê Ngọa Triều.
Trong Việt Nam Sử Lược, sử gia Trần Trọng Kim đã viết: “Long Đĩnh là người bạo ngược, tính hay chém giết, ác bằng Kiệt Trụ ngày xưa”. Cựu tướng Trần Độ, người Cộng sản lão thành tận tụy phục vụ đảng gần 60 năm, sau cùng đã phản tỉnh và trước khi qua đời, ông đã viết trong Nhật ký Rồng rắn đại ý rằng cái chế độ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam hiện nay, nó tàn bạo hơn cả chế độ của Tần Thủy Hoàng và dã man của chủ nghĩa phát xít Hitler. Nhưng ai đã xây dựng cái chế độ xã hội chủ nghĩa dã man tàn bạo đó, chính là Hồ Chí Minh chứ còn ai khác.Cho nên lời phê bình của Cựu tướng Trần Độ chủ ý nói rằng Hồ Chí Minh là kẻ tàn bạo hơn Tần Thủy Hoàng và dã man hơn Hitler! Nói tóm lại, trong lịch sử Việt Nam, trong thời gian dài 1.000 năm từ 1005 đến 1945, độc ác và sát hại dân chỉ có HAI: Vua Lê Long Đĩnh và Chủ tịch Hồ Chí Minh!
Triều vua Lê Long Đĩnh chỉ có 4 năm ngắn ngủi, còn Chế độ Hồ Chí Minh kéo dài cho đến bao giờ? Thật khốn khổ thay cho Dân tộc và Tổ quốc Việt Nam!
Chúng ta đã đi qua một chặng dài 1.000 năm đẹp của lịch sử trước khi đến cảnh Ngục tù do Hồ Chí Minh xây dựng để tìm gặp nhà sư Tuệ Minh bất hạnh bị giam cầm và tra tấn ở đấy cho đến chết! Nhà sư là nhân vật xuất hiện ở chương chót trong tác phẩm Địa ngục sình lầy của tác giả Trần Nhu. Tác giả cũng là một người tù bất hạnh, bạn đồng tù với nhà sư Tuệ Minh. Sau đây là đôi dòng về tác giả Trần Nhu, trích trang bìa sau quyển Địa ngục sình lầy:
“TRẦN NHU sinh năm 1938 tại Tiên Lãng, Hải Phòng, Bắc Việt Nam. Trước 1958 đi học và sáng tác Văn học. Năm 1958 bị tù vì vượt biên qua Lào quốc và sáng tác Văn học. Ra tù năm 1960. Bị bắt lại năm 1961 vì tranh đấu cho nhân quyền. Ra tù 1978. Vượt biên cuối 1981. Định cư tại Hoa Kỳ 1982.”
Như thế đó, phải vượt thoát khỏi đất Việt và đến tuổi ngũ tuần, Trần Nhu mới được Nữ thần Tự do trao cây viết lại để anh hoàn thành tác phẩm Địa ngục sình lầy. Quyển sách được xuất bản năm 1990 lúc tác giả 52 tuổi!
Trong Lời nói đầu, ta đọc được tâm tình thật cảm động của tác giả:
“Tôi viết để làm dịu đi những gay gắt, cam go ác liệt, để làm nhẹ vơi đi niềm ô nhục, làm yên ổn lương tri bị hành hạ của hàng triệu con người. Tôi viết để gột rửa trong đáy mắt những bà mẹ dòng lệ xót. Tôi viết cho hàng triệu nạn nhân đã chết, tôi viết cho những người còn sống nhưng không được quyền ăn nói, tôi viết cho quê hương đã bị vắt kiệt, tôi viết về quê hương đang bị đè nặng bởi những cái bóng vĩ đại, những cái bóng đã xô đẩy cả Dân tộc tôi xuống vực thẳm, đã đổ bóng tối lên cả một vùng trời”.
Thật đẹp vô cùng, sứ mạng của cây viết Trần Nhu! Như đã trình bày ở trên, Vũ Thư Hiên cũng giống như Trần Nhu, hai người cùng một cảnh ngộ, một số phận hẩm hiu như nhau trong “Thiên đường mù”. Vũ Thư Hiên cũng phải đào thoát khỏi Việt Nam, sống lưu vong ở Pháp, không bị công an bịt miệng, mới hoàn thành xong Đại hồi ký Đêm giữa ban ngàyđể làm món quà trân quý trao tặng cho thế hệ tương lai.
Xin trở lại chuyện người tù là nhà sư Tuệ Minh. Một buổi chiều cuối hạ năm 1965, khi Trần Nhu chuyển từ trại Xuân Giang đến trại Hoàng Xu Phì ở đông bắc tỉnh Hà Giang, thì đã gặp sư Tuệ Minh bị giam ở đấy không biết từ năm nào. Trại Hoàng Xu Phì thật xứng đáng là Ngục tù mẫu mực của Chế độ Hồ Chí Minh. Ở Cổng Hậu sát bìa rừng có Nhà Xác, địa điểm được chọn lựa quá khéo rất thuận lợi cho việc kéo xác tù đi chôn. Nhà Xác lại đối diện với Nhà Giáo Dục, lại một thiết kế rất khôn ngoan. Trong Nhà Giáo Dục bày ngổn ngang những dụng cụ tra tấn như kìm búa, dùi sắt, dùi tre, mũ gò bằng tôn sắt, loại tôn dày, vài cuộn dây rừng, v.v… Về mùa nóng cũng như mùa lạnh, nhà này có một lò than luôn luôn cháy đỏ, dùng để nung dùi và mũ sắt. Mũ này người tù ở trại gọi là “mũ cụ”. Mũ gõ bằng loại tôn sắt giống như chiếc mũ cối của bộ đội, mũ được nung đỏ, rồi trói tù lại chụp lên đầu, làm cho người tù kêu rú, rống lên. Theo tiếng rú khiếp đảm của những người tù xấu số, lũ chuột rừng kéo vào hàng đàn chạy lăng xăng qua lại giữa Nhà Giáo Dục và Nhà Xác chờ được thưởng thức bữa tiệc thịt người do Quản giáo Việt cộng thết đãi!
Trong văn phong của Trần Nhu, nhân dáng hình hài của sư Tuệ Minh còn sót lại sau những năm dài trong ngục tù của chế độ Hồ Chí Minh như sau:
“…Chợt tôi thấy một cảnh vệ và hai tù nhân trong ban Trật tự của trại, nhưng họ ở bên hình sự, lôi kéo xền xệt trên mặt đất, một người gầy nhom, bẩn thỉu, tanh hôi vào cửa buồng và giao cho Buồng trưởng. Người tù bò bốn chân, quần để tuột xuống hẳn ống cẳng chân, làm cả khoảng bụng, đít phơi trần truồng. Manh áo nhuộm máu đã khô, che không kín lưng, phía dưới để hở rõ bộ xương sườn xám đét, khô đầu trơ sọ tráng loét xuống tận cổ, hai tai bị cắt cụt, đôi mắt trũng sâu như lỗ đáo, dòi bọ bò lêu nghêu khắp thân thể. Tự nhiên một cảm giác ớn lạnh luồn vào cơ thể chạy suốt chân. Tôi nhìn người tù, không còn ra hình dáng con người nữa, nó méo mó biến dạng một cách khủng khiếp.”
Nhưng thật lạ! Ở nhà sư Tuệ Minh, thân thì “những vết rạch ngang dọc trên đầu, trên mặt, cổ và bộ ngực. Tai không còn nghe rõ, miệng không còn đọc kinh niệm Phật, thân thể không còn nguyên vẹn như xưa, lột hết cả áo tu hành, con người trần trụi.”Ở nhà sư Tuệ Minh, ở bộ xương còn biết cử động ấy, dường như có một dấu hiệu lạ, toát ra một phong độ kiên hùng, vững chắc. Trần Nhu thuật tiếp rằng sư Tuệ Minh bình tĩnh tưởng như không có chuyện đau đớn thể xác, không rên xiết, hoàn toàn không. Rồi những ngày sống kế tiếp, Sư lẳng lặng ngồi tư thế tụng niệm của đức Phật, vẫn không một tiếng rên xiết, tuyệt nhiên không.Trần Nhu hỏi một lão tù già về sư Tuệ Minh, qua giọng thều thào như nghẹt ở cuống họng, lão kể lể từng câu, ngừng năm, mười phút, rồi thuật tiếp, chuyện kể luôn đứt đoạn, câu nghe được cũng rất khó hiểu: “Sư khừ khừ… bị a… khừ khừ… a… kỷ luật a… vì a… khừ khừ… nghỉ ngày a… Phật đản a… Rồi a… Ban Giám thị a… khừ khừ a… cắt tai… khừ khừ… gọt đầu a… khừ khừ… sư… khừ khừ… bằng mảnh chai a… khừ khừ… dùi nung đỏ a… khừ khừ… sư… a… sư!”
Nhà sư Tuệ Minh chết trong trại giam Hoàng Xu Phì. Mãi sau này, Trần Nhu mới biết rõ pháp danh ngài là Tuệ Minh, quê Thiện Hóa, thuộc xứ Thanh. Ngài xuất gia đầu Phật lúc tuổi mười lăm, với sư cụ Thích Thiện Hòa tại chùa Thiên Phúc bên dòng sông Đáy tỉnh Sơn Tây, nơi mà ngày xưa Thiền sư Từ Đạo Hạnh đắc đạo. Nhắc lại lúc Cách mạng Mùa thu 1945, sư Tuệ Minh có mặt trong đoàn Đại biểu tỉnh Sơn Tây, đến Hà Nội ngày 2-9-1945 để tham dự buổi mừng Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh. Ngài tham gia phong trào Phật tử Yêu nước theo truyền thống của tiền nhân, theo Tự tình Dân tộc.
Rồi nhà sư Tuệ Minh bị kết tội “lừa dối nhân dân, tuyên truyền phản cách mạng” và bị bắt giam ở trại Hoàng Xu Phì cho đến chết. Rất cần nhắc lại lúc Cách mạng Mùa thu 1945, sư Tuệ Minh tháp tùng Phái đoàn Yêu nước tỉnh Sơn Tây đến Hà Nội trong Ngày Lễ mừng Độc lập 2-9-1945 để nghe Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Vườn Hoa Ba Đình. Đến bây giờ là Mùa Bịt miệng 2007, không còn thời “Đêm giữa ban ngày” nữa, Dân tộc đã rất “rạch ròi trong những khái niệm”(chữ của Vũ Thư Hiên), Dân tộc biết rất rõ rằng “ngoài miệng Hồ Chí Minh Cha già Dân tộc” thì tuyên bố những ngôn từ đẹp đẽ như quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, bình đẳng về quyền lợi v.v… như những công dân các nước Anh, Pháp, Mỹ được hưởng. Nhưng khốn khổ cho Dân tộc, “trong tâm địa Hồ Chí Minh Quốc tế ủy Kominternchik” thì toàn là những vô gia đình, vô tôn giáo, vô tổ quốc, cải cách ruộng đất, đấu tranh giai cấp sắt máu… Chính Hồ Chí Minh mới là kẻ lừa dối Nhân dân, tuyên truyền phản cách mạng, chứ không phải nhà sư Tuệ Minh.
Cùng phát biểu y như trên, tác giả Trần Nhu, người tù nhân 20 năm của Việt Cộng, viết trong đoạn kết luận cho quyển Địa Ngục Sình Lầy của ông với lời văn như sau:
“Ngày ấy, sư Tuệ Minh mang ý niệm tôn kính cụ Hồ như những bậc vĩ nhân yêu mến loài người. Khi cụ nói:
- Mọi người đều được dựng lên “bình đẳng” trong đó có quyền sống, quyền được hưởng tự do, quyền tín ngưỡng, và dĩ nhiên không thiếu sót một thứ quyền nào cả.
Với lời lẽ trịnh trọng như một Washington, cụ hỏi:
- Tôi nói đồng bào nghe rõ không?
Tất cả xúc động, đồng thanh:
- Thưa cụ, rõ!
Nhưng lời hứa… Đó chỉ là lời hứa! Còn phải có thời gian… Rồi thời gian trôi đi. Mười năm sau. Đốt kinh, phá chùa, bắt tăng ni… cũng vẫn bộ mặt ấy! Vẫn ông cụ ấy! Vẫn thằng chọ chọe ấy! Bá ngọ, thằng cuội xứ Nghệ!”
- Mọi người đều được dựng lên “bình đẳng” trong đó có quyền sống, quyền được hưởng tự do, quyền tín ngưỡng, và dĩ nhiên không thiếu sót một thứ quyền nào cả.
Với lời lẽ trịnh trọng như một Washington, cụ hỏi:
- Tôi nói đồng bào nghe rõ không?
Tất cả xúc động, đồng thanh:
- Thưa cụ, rõ!
Nhưng lời hứa… Đó chỉ là lời hứa! Còn phải có thời gian… Rồi thời gian trôi đi. Mười năm sau. Đốt kinh, phá chùa, bắt tăng ni… cũng vẫn bộ mặt ấy! Vẫn ông cụ ấy! Vẫn thằng chọ chọe ấy! Bá ngọ, thằng cuội xứ Nghệ!”
Đó là nguyên văn Trần Nhu viết để kết luận cho quyển Địa ngục sình lầy. Sách được viết xong ngày 8-7-1988 và tác giả tự xuất bản năm 1990. Bây giờ, người viết cũng xin mượn đoạn văn trên của tác giả Trần Nhu để kết luận cho chương “Hồ Chí Minh, Con vẹt của Stalin” này.
Người viết chỉ xin thêm: “Miệng lưỡi Hồ Chí Minh Cha già Dân tộc” thì thật HOÀN TOÀN TRÁI NGƯỢC với “Tâm địa Hồ Chí Minh Quốc tế Uỷ Kominternchik, Con vẹt của Stalin”!
Nếu Stalin phá hoại cuộc Cách mạng Tháng Mười của Liên Xô, thì Hồ Chí Minh, Con vẹt của Stalin, đã làm hư cuộc Cách mạng Mùa thu 1945 của Dân tộc. Chính vì vậy mà sinh ra Đại họa Hồ Chí Minh, cơn Quốc nạn của Dân tộc Việt Nam!