mardi 25 octobre 2011

CUỘC CHIẾN TRANH, HỒ CHÍ MINH ĐÁNH DÂN TỘC – P34

...
Vũ Thư Hiên đã nói: “Tôi đã thích chủ nghĩa Cộng sản”, rồi liền sau đó anh nói tiếp: “Rồi tôi không thích nó nữa, cái chủ nghĩa Cộng sản mà tôi đã thấy trong thực tế.” Vũ Thư Hiên đã thích chủ nghĩa Cộng sản rồi anh lại không thích, đã yêu rồi lại ghét, nhưng anh không mâu thuẫn với chính anh. Không, hoàn toàn anh không mâu thuẫn, bởi vì cái thứ Cộng sản anh đã thấy trong thực tế hoàn toàn không phải là lý tưởng Cộng sản chủ trương công bình xã hội, phân chia miếng cơm manh áo đồng đều cho tất cả mọi người. Cái thứ Cộng sản mà Vũ Thư Hiên không thích là cái anh đã thấy trong thực tế ở miền Bắc đau thương. Đó là sự tàn bạo khoác áo nhân từ. Là sự cưỡng đoạt với bộ mặt cho của bố thí. Là sự đạo đức giả trơ trẽn. Đó chính là cái Chế độ Cộng sản mà Hồ Chí Minh đã dùng tất cả sự xảo trá gian dối cùng mưu đồ sách lược từng giai đoạn để mang về thực thi cho bằng được trên đất Việt thân yêu của chúng ta!
Hoàng Khoa Khôi xuất hiện
Thời điểm Vũ Thư Hiên nhận xét “trong thực tế” rằng có hai thứ Cộng sản khác nhau, một thứ anh thích và một thứ anh không thích, là cuối thập niên 60, như thế thì cũng đã quá trễ! Hơn hai mươi năm trước, vào đầu thập niên 40, lúc Hồ Chí Minh vừa về nước “làm việc”, thì ở trên đất Pháp có gần 20 ngàn người Việt Nam làm lính thợ và lính chiến phục vụ nước Pháp trong Đệ nhị Thế chiến. Cộng đồng người Việt đó, nhờ ở trên đất Pháp được thông tin đầy đủ và được hướng dẫn đúng định hướng, nên đã sớm biết phân biệt Cộng sản. Xin đọc nhận xét của Hoàng Khoa Khôi, một lão chiến sĩ Đệ tứ Trotskist đã 80 tuổi, viết trong Lời giới thiệu (trang XXIII) cho quyển Người Việt ở Pháp 1940-1954, do tác giả Đặng Văn Long sưu tầm và xuất bản ở Paris năm 1997:
“Ngày nay, sau khi bức tường Berlin sụp đổ, chế độ Liên Xô và Đông Âu băng hoại, có ai biết cách đây năm mươi năm, trong cộng đồng người Việt ở Pháp, có một đoàn thể đã sớm biết đánh giá Stalin là kẻ độc tài có bàn tay đẫm máu những người vô tội, trong lúc dư luận thế giới coi ông ta như một nhà lãnh tụ “vĩ đại”? Có ai hay những người đó đã biết nhận định những gì diễn ra ở Liên Xô và các xứ Đông Âu không phải là chế độ xã hội chủ nghĩa mà chỉ là những chế độ ngụy tạo?”
Theo Hoàng Khoa Khôi, đoàn thể đó là công chiến binh, tức là những lính thợ và lính chiến nói trên, và phong trào công chiến binh đã chấp nhận chủ nghĩa Mácxít là chủ nghĩa của mình, được giảng dạy và thảo luận thấu đáo, và họ đã ấn hành được bộ sách gồm 3 tập để làm sách gối đầu lưu hành trong các căn trại (Ghi chú thêm: sau ngày nước Pháp được giải phóng, tức 1944, giấy mực vô cùng khan hiếm, có tiền cũng không mua được, cho nên việc ấn hành một bộ sách 3 tập đó là một cố gắng và hy sinh phi thường). Kính thưa anh Vũ Thư Hiên, chủ nghĩa Mácxít mà phong trào công chiến binh ở Pháp quý trọng như vậy, phải chăng đúng là thứ lý tưởng Cộng sản mà anh đã thích. Hoàng Khoa Khôi viết tiếp thêm rằng:
“Nó hoàn toàn không phải là thứ chủ nghĩa Mácxít của đảng Cộng sản Việt Nam! Mácxít của công chiến binh là Mácxít nhân bản, tôn trọng dân chủ và nhân quyền, chứ không hề là thứ Mácxít bị xuyên tạc, bị pha trộn bởi chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao.”
Hoàng Khoa Khôi cho rằng chủ nghĩa Mác của công chiến binh là chủ nghĩa Mác nhân bản, tôn trọng dân chủ và nhân quyền và phát biểu thêm: “Có ai biết Nhóm Đệ tứ Việt Nam khi thành lập (năm 1943) mới có 6 đảng viên, thì con số đó đã trở thành 519 vào năm 1952 và họ đã tham gia tích cực và đắc lực, cùng các đại biểu quốc gia khác, vào việc điều khiển và bảo vệ các tổ chức công chiến binh.” 
Như vậy thì Cộng sản cũng có ba bảy đường Cộng sản khác nhau. Qua những điều vừa trình bày thì chủ nghĩa Mác nhân bản tôn trọng dân chủ và nhân quyền của Vũ Thư Hiên và của nhóm Công chiến binh hoàn toàn khác xa với Chế độ Cộng sản của Stalin, tức là thứ Cộng sản ngụy tạo thừa kế từ đảng Bolshevik của Lênin mà tên rất thông dụng là Đệ tam Quốc tế (Komintern), và một tên khác nữa là nhóm Staliniens. Nó cũng hoàn toàn khác xa với thứ Cộng sản do Hồ Chí Minh vận dụng tất cả sự xảo trá và mưu đồ sách lược từng giai đoạn để thực thi cho bằng được trên Đất nước thân yêu của chúng ta. Vào thập niên 40, nhóm Công chiến binh ở Pháp đã chọn đúng định hướng trên con đường Cộng sản là nhờ sự lãnh đạo của Nhóm Đệ tứ. Trước đó khoảng hơn 10 năm, vào thập niên 30, ở miền Nam nước Việt xuất hiện hai nhóm Cộng sản: nhóm Đệ tam là Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Bạch Mai,… còn nhóm Đệ tứ Quốc tế còn gọi là Tả đối lập, là những người Cộng sản theo đường lối cách mạng của Trotsky, do Tạ Thu Thâu lãnh đạo cùng với Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch… Trong thời gian đó, Hồ Chí Minh còn mang tên Nguyễn Ái Quốc và vẫn “cứ khư khư cái phương pháp ngọa ngoại chiêu hiền, đãi thời đột nội”, như nguyên văn bức thơ của Phan Châu Trinh đề ngày 18-2-1922gởi cho ông để khuyên ông về Việt Nam hoạt động.
Hồ Chí Minh không nghe theo lời khuyên của Phan Châu Trinh, ông không về nước vội. Cộng nghiệp bất hạnh của Dân tộc phối hợp với Định mệnh khắc nghiệt của cá nhân ông đã đưa bước chân “Kách mệnh” của ông đi sang Nga, sang Tàu, xuống Xiêm, lại về Tàu, về Nga, rồi lại sang Tàu, về Việt Nam “làm việc” ở hang Pắc Bó tháng 2 năm 1941, lại sang Tàu, rồi sau cùng mới về Việt Nam. Hơn hai mươi năm dài, ông đã học hỏi kinh nghiệm để trở thành một người Cộng sản chuyên nghiệp, đã dự nhiều khóa huấn luyện của KGB và chính ông cũng là huấn luyện viên để đào tạo biết bao nhiêu là cán bộ, nên khi Hồ Chí Minh trở về Việt Nam thì ông đã là tên Cộng sản số một, là Quốc tế ủy của Đệ tam Quốc tế, tức là Kominternchik của Komintern. Cho nên bộ hạ ông thường hãnh diện cho rằng cấp bậc của ông trong hàng ngũ Quốc tế Cộng sản cao hơn Chủ tịch Mao Trạch Đông ở Trung Quốc!
Nhìn lại ba thập niên 20, 30, và 40, một vấn đề vô cùng quan trọng đặt ra là Dân tộc có tìm đúng định hướng trên con đường tranh thủ độc lập cho Đất nước hay không? Đến bây giờ là Mùa Bịt miệng 2007, Dân tộc đã thấu rõ Con đường Bác đi theo Đệ tam Quốc tế, theo Lênin, theo Stalin, và sau cùng theo Mao là Con đường vô cùng bi đát. Chúng ta thử xem định hướng của nhóm Đệ tứ và những hoạt động của lãnh tụ Đệ tứ là Tạ Thu Thâu như thế nào trên con đường cứu quốc.
Cuộc đời nhà cách mạng Tạ Thu Thâu
Tiểu sử của nhà cách mạng Tạ Thu Thâu, từ lúc đi học đến khi làm cách mạng tranh đấu chống Pháp, khi tổ chức biểu tình chống Pháp ở Paris hay khi làm báo ở Sài Gòn được tác giả Phương Lan Bùi Thế Mỹ tường thuật trong quyển Nhà cách mạng Tạ Thu Thâu, 1906-1945.
Tạ Thu Thâu sinh năm Đinh Mùi, nhằm ngày mùng 5-5-1906, tại xã Tân Bình, quận Lấp Vò, tỉnh Long Xuyên, trong một gia đình lao động, nghèo nàn, đông con (sáu anh em cả thảy). Cha ông là Tạ Văn Sóc, làm nghề thợ mộc. Ông thợ mộc Hai Sóc thường đi vắng nhà ba bốn tháng, để lãnh đồ làm ở quanh vùng gần đó (trang 24 sđd). Nhà rất nghèo, nhưng Tạ Thu Thâu rất thông minh và học rất giỏi. Kỳ thi sơ học, Thâu đậu hạng 1 và lãnh hết 8 phần thưởng của tỉnh nhà.
Nhờ sự khuyến khích và lo thủ tục nạp đơn thi cùng quà tặng 20 đồng bạc Đông Dương làm lộ phí của ông Tổng thơ ký Hội Khuyến học Long Xuyên là Nguyễn Quang Lạc, Thâu mới có phương tiện lên Sài Gòn để thi. Ông Lạc làm việc ở Bưu điện Long Xuyên và số bạc 20 đồng vào thuở đó bằng nửa tháng lương của ông. Thâu đã đậu hạng 3 vào trường Bổn quốc (sau là trường Chasseloup Laubat và đến Đệ nhất Cộng hòa đổi tên lại là Lê Quý Đôn).
Trong suốt thời gian ông học trung học ở Sài Gòn, cha ông chỉ cho ông 2 đồng mỗi tháng, nhưng ông Lạc đều đều gởi giúp, khi thì 3 đồng khi 5 đồng. Ông đã viết thơ cảm tạ ân nhân của mình và chỉ xin gởi 3 đồng là nhiều lắm rồi, đừng gởi 5 đồng (trang 44 sđd).
Ông học ở trường Bổn quốc 2 năm rồi được đưa sang trường Sư phạm gần Sở thú. Ở miền Nam không phải đến thập niên 50 mới có phong trào «học nhảy», tỷ như một học sinh đang học lớp Đệ ngũ ở trường công, có thể ghi tên học song song lớp Đệ tứ ở trường tư. Cuối năm nếu anh ta thi đậu bằng Trung học Đệ nhất cấp, anh ta có thể ghi tên học lớp Đệ nhị để thi Tú tài phần một, như vậy anh ta nhảy được 2 lớp Đệ tứ và Đệ tam và rút ngắn được 2 năm. Đọc sách xưa mới biết ở thập niên 20 đầu thế kỷ, Tạ Thu Thâu cũng đã học nhảy như vậy. Trường hợp của Thâu, ông đã nhảy lớp 4è Année tức là lớp Đệ tứ. Cuối năm 3è Année, lúc ông được 17 tuổi, đi thi chung với những thí sinh lớp 4è, ông đã đậu bằng Tốt nghiệp Diplôme và đậu luôn cả bằng Brevet Elémentaire.