mardi 25 octobre 2011

CUỘC CHIẾN TRANH, HỒ CHÍ MINH ĐÁNH DÂN TỘC – P36

...
Tánh đơn thuần, nhơn hậu, giàu tình cảm đã sẵn có trong dòng máu Thâu, từ ngày ra đời, đối với gia đình là người con chí hiếu, với bạn bè là người bạn thủy chung, đối với Dân tộc là người hết lòng binh vực, nâng đỡ, thì Thâu đâu có thể theo chủ nghĩa Marx với đường lối của Staline được. Vì những lý do đó, càng biết nhiều về Marx, Thâu càng xa đảng Cộng sản bấy nhiêu.
Trong chương Vì sao Thâu là Trotskyste, tác giả Phương Lan viết (trang 120 sđd): «Rồi vô tình, hay định mạng đưa đàng dẫn lối, nhơn vụ Yên Bái xảy ra, mười ba vị liệt sĩ bị Pháp kêu án tử hình, Thâu tình cờ đọc được một bài trong báo La Vérité của nhóm Trotskystes, một nhóm không đông, độ 10 người trông nom xuất bản, có nêu lên những lý thuyết nói về thuộc địa rất hay, hạp theo đúng lý tưởng của Thâu. Rồi Thâu thích và xin nhập đảng nầy, dù từ lâu Thâu từ chối không vào đảng Cộng sản Pháp hay sang Nga du học như phần đông sinh viên thuở ấy.
Điểm khác biệt thứ hai giữa Hồ Chí Minh và Tạ Thu Thâu
Đến đây, ta tìm thêm được một điểm khác biệt giữa Tạ Thu Thâu và Hồ Chí Minh. Thâu thấu đáo chủ nghĩa Marx đến độ được gán cho biệt danh là Nguyễn Văn Marx. Nhưng càng hiểu nhiều về Marx, Thâu càng xa đảng Cộng sản bấy nhiêu và Thâu không thể nào theo chủ nghĩa Marx với đường lối của Stalin được. Thâu cũng không gia nhập đảng Cộng sản Pháp và cũng không sang Nga du học như phần đông sinh viên thuở ấy.
Nhưng Hồ Chí Minh thì khác hẳn. Trong sách Trần Dân Tiên, Hồ Chí Minh đặt chuyện rằng có “một người quen với ông Nguyễn ở Pa-ri” thuật cho Trần Dân Tiên rằng: “Lúc ấy, ông Nguyễn (tức là Hồ Chí Minh lúc còn mang tên Nguyễn Ái Quốc) là một người yêu nước quyết tâm hy sinh tất cả cho Tổ quốc; nhưng ông Nguyễn lúc đó rất ít hiểu về chính trị, không biết thế nào là công hội, thế nào là bãi công và thế nào là chính đảng… Ông Nguyễn không đủ tiếng Pháp để viết.”Khi trả lời nữ đồng chí Rose về lý do vì sao ông tán thành gia nhập Đệ tam Quốc tế, ông đáp: “Tôi không hiểu thế nào là chiến lược, chiến thuật vô sản… Nhưng tôi hiểu rõ một điều: “Đệ tam Quốc tế rất chú ý đến vấn đề giải phóng Dân tộc.”Đã thú nhận ít hiểu biết về chính trị và kém tiếng Pháp như vậy thì làm sao đọc và hiểu được Luận cương về chủ nghĩa Dân tộc và chủ nghĩa Thực dân của Lênin? Trong bài Con đường dẫn tôi tới chủ nghĩa Lênin, Hồ Chí Minh viết: “Một đồng chí trao cho tôi đọc Luận cương… của Lênin được công bố trên tờ Nhân đạo (L’Huma-nité)… Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là thứ cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!” Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế Thứ ba. Khi bắt gặp bản Luận cương của Lênin, Hồ Chí Minh quá đỗi vui mừng! Đến bây giờ xét lại và đánh giá sự vui mừng đó, thật sự đó là sự vui mừng của riêng “ông Nguyễn” đã tìm được phương cách tiến thân cho đời mình! Thật đúng vậy, mối lợi đầu tiên là 1000 quan đảng Cộng sản Pháp cấp cho “ông Nguyễn” làm lộ phí cho ông sang Nga (Trích bài Giáo sư Tôn Thất Thiện, đăng chung với 9 tác giả trong quyển Hồ Chí Minh, sự thật về thân thế và sự nghiệp, trang 62). Số tiền đó khá lớn, một sinh viên du học có thể sống trong 5 tháng. Thế rồi như một vị khách du lịch sang trọng, với tiền do đảng Cộng sản Pháp cung cấp, “ông Nguyễn” rời Pháp sang Nga năm 1923 để học nghề làm Cộng sản, để trở thành Kominternchik, và sau đó về Việt Nam tàn phá Đất nước và giết hại Dân tộc!
Cuộc Cách mạng đã bị phản bội
Tình hình chánh trị của Liên Xô sau khi Lênin từ trần và Stalin lên thay thế đột nhiên có nhiều biến chuyển to lớn. Quyển Cuộc Cách mạng bị phản bội của Leon Trotsky viết năm 1936 được Nhóm Nghiên cứu ở Pháp dịch sang tiếng Việt năm 1992 với Lời giới thiệu của Hoàng Khoa Khôi, một lão chiến sĩ Đệ tứ. Lời giới thiệu dài 10 trang sách, xin tóm lược và trích những ý chính như sau:
Cuộc Cách mạng Tháng Mười đã bị phản bội. Kể từ 1925 nền dân chủ Xô viết mà Cách mạng 1917 khai trương, không còn nữa. Lợi dụng giai đoạn thoái trào quần chúng, một tầng lớp quan liêu, do Stalin đứng đầu, đã cấu kết nhau, nhảy ra lũng đoạn các cơ quan đảng, Nhà nước, nghiệp đoàn, cùng các tổ chức quần chúng. Chúng tước đoạt quyền hành của lao động, loại trừ và giết hại các chiến sĩ cách mạng, xuyên qua những vụ án bịa đặt, đẫm máu.”
“Để thiết lập nền độc tài một đảng, quyền lực một lãnh tụ, Stalin và đẳng cấp quan liêu đã thi hành luật lệ và các biện pháp thu hẹp quyền dân chủ. Thanh niên bị tước đoạt quyền chính trị. Trí thức, văn nghệ sĩ bị bịt mồm, bịt miệng. Dân chúng bị kiểm soát từng lời nói, ý nghĩ, việc làm. Xã hội đầy rẫy những kẻ nịnh hót, tham ô, đầu cơ, trục lợi. Bọn hãnh tiến ngoi lên. Người trung thực bị trù dập. Đảng và Nhà nước lựa chọn những người đại diện cho mình, không lựa chọn theo khả năng mỗi người mà chỉ dựa trên một tiêu chuẩn duy nhất: trung thành với Stalin và với đảng. Kết cục: chỉ lựa chọn một lũ người cơ hội và giả dối.
Lời giới thiệu vừa trình bày bên trên của Hoàng Khoa Khôi cũng là Bản Cáo trạng của Trotsky tố cáo Stalin độc tài phá hư cuộc Cách mạng Tháng Mười, đồng thời nó cũng tô vẽ bức tranh xã hội bi thảm của đất nước Liên Xô dưới sự thống trị của Stalin và Tập đoàn của ông. Một xã hội Liên xô bi thảm như vậy, nếu nó cưu mang Hồ Chí Minh thì nó chỉ nuôi dạy ông thành người hãnh tiến, cơ hội, trục lợi, giả dối, và nịnh hót Stalin mà thôi. Cùng với sự thống trị của Stalin nảy sinh một danh từ mới là Staliniens. Tuy hai từ Đệ tam Quốc tếNhóm Staliniens chỉ là một thực thể, nhưng từ Staliniens có nội hàm hẹp hơn vì nó không mang ý nghĩa “quốc tế rộng rãi theo địa lý” mà nó có nghĩa thu hẹp là “Phe nhóm Stalin và Tập đoàn của ông”. Do đó ta phải hiểu rằng Đệ tam Quốc tế không thật sự là quốc tế gì cả mà chỉ là của chính Stalin mà thôi! Thật vậy, Đệ tam Quốc tế đã bị một mình Stalin quyết định khai tử vào tháng 6-1943 theo nhu cầu của Liên Xô. Vào lúc đó, Liên Xô bị Đức tấn công mãnh liệt cho nên Stalin cần Hoa Kỳ viện trợ để chống trả, cho nên phải giải tán Đệ tam Quốc tế để cho Hoa Kỳ yên tâm.
Lời trối của nhà Cách mạng Nguyễn An Ninh
Nhân nói đến từ Staliniens, thì nên tìm đọc lại Lời trối của nhà Cách mạng Nguyễn An Ninh. Nhắc lại giai đoạn cuối thập niên 30, khi Đệ nhị Thế chiến sắp sửa bùng nổ, Thực dân Pháp ra tay trước bằng cách bắt những người Việt hoạt động chính trị Đệ tam, Đệ tứ, và cả Nguyễn An Ninh đem giam ngoài Côn Đảo. Đến khi Nhật đảo chánh Pháp, thì các chính trị gia mới được tự do. Nhưng Nguyễn An Ninh đã chết ngoài Côn Đảo ngày 14-8-1943 và Tạ Thu Thâu là người huynh đệ nhỏ vừa là người thân cận nhất của Nguyễn An Ninh trong những ngày cuối của đời ông. Khi được tự do về được đất liền, Tạ Thu Thâu tâm sự với Đỗ Bá Thế tự Minh Hải là người em kết nghĩa của ông như sau (Trích Nhà Cách mạng Tạ Thu Thâu của tác giả Phương Lan, trang 324):
Lúc anh Ninh ở Sài Gòn còn mập mạnh, ra Côn Đảo vài năm sau sức khỏe anh xuống quá nhiều. Anh đau ốm liên miên. Trong lúc đó, bọn anh Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng để khủng bố tinh thần anh, chúng nó lập tiểu tổ để phê bình những người không cùng chánh kiến. Anh đây cũng bị chúng nó áp đảo tinh thần suốt mấy năm trời trong lao.”
“Đã nhiều lần anh cố khuyên anh Ninh rán chịu đựng! Nhưng sức khỏe của ảnh quá kiệt quệ, bịnh thiếu sinh tố càng làm cho ảnh xuống tinh thần nữa. Đến một hôm không còn hy vọng gì kéo dài cuộc sống tù tội, ảnh có nói một câu: “Thâu, em có về được đất liền nhờ nói với con anh, bảo chúng nó phải phòng ngừa bọn Xít-ta-liên-niên.” Ảnh chết! Chết vì quá mòn mỏi! Khi anh em chôn cất ảnh xong, anh thức gần mấy tháng trời suy nghĩ về câu nói của anh Ninh.
Lời trối của Nguyễn An Ninh “Phải phòng ngừa bọn Xít-ta-liên-niênkhông đến được với gia đình ông, thì làm sao đến với Dân tộc để Dân tộc biết mà đề phòng! Còn Tạ Thu Thâu khi bị Việt Minh Cộng sản sát hại ở Quảng Ngãi vào khoảng tháng 9 năm 1945 thì đã mang Lời trối ấy xuống tuyền đài! Bây giờ, Dân tộc còn biết được Lời trối ấy, xin tri ân tác giả Phương Lan Bùi Thế Mỹ và nhà xuất bản Khai Trí của ông Nguyễn Hùng Trương đã hoàn thành và xuất bản quyển Nhà Cách mạng Tạ Thu Thâu 1906-1945 ngày 5-1-1974 ở Sài Gòn. Thật quá trễ!
Một đoạn đối thoại lý thú
Vào năm 1930, Tạ Thu Thâu gặp Hồ Hữu Tường ở Marseille. Lúc đó, Tạ Thu Thâu là đại diện Hội Tiếp đón Du học sinh Việt Nam ở Paris và là thủ lãnh Việt Nam Độc lập đảng, còn Hồ Hữu Tường vừa đậu tú tài và ghi tên học một phân khoa ở Marseille. Làm xong công việc của Hội Tiếp đón, hai người kéo nhau ra quán cà phê “Du Chapitre” trụ sở của Hội để tâm tình. Qua mẩu đối thoại ngắn, ta biết được định hướng chính trị của hai vị đáng được gọi là “trí thức ưu thời mẫn thế” vào thuở đó, tuy họ còn rất trẻ: Tạ Thu Thâu 24 tuổi và Hồ Hữu Tường 19. Sinh viên Hồ Hữu Tường hỏi ý kiến bậc đàn anh Tạ Thu Thâu (Trích Nhà Cách mạng Tạ Thu Thâu, tác giả Phương Lan Bùi Thế Mỹ, trang 270).
        - Nếu muốn làm việc, nên đọc sách gì?
       
- Quyển “Le Matérialisme historique” (Duy vật Sử quan) của Boukharine.
        - Tôi đọc rồi.
        - Vậy thì đọc thêm “Questions fondamentales du Marxisme” (Vấn đề căn bản của chủ nghĩa Marx).
        - Tôi cũng đọc rồi.
        - Vậy thì đọc “Précis d’Économie politique” (Kinh tế chính trị yếu lược) của Ostrialow.
        - Cũng rồi nữa.
        - Thì đọc bộ “Capital” (Tư bản) của Marx.
        - Tôi đương đọc.
        - Mầy có vào đảng Cộng sản không?
       
- Không
        - Sao vậy?
        - Vì tôi nhận thấy hiện nay nước Nga tiến vào con đường khác hơn là đường lối của Marx
        - Tao cũng vậy. Tao đọc sách ít hơn mầy, song thường nghe tranh biện ở Paris hơn, tao cũng biết việc xứ Nga tiến vào một con đường khác. Vì lẽ đó tao nhận thấy hoạt động cho đảng P.A.I, cho Dân tộc, còn hơn là chui đầu vào một chiếc tàu mà mình biết không ghé cái bến mà mình trông mong.
Con đường “Bác đi” trở thành “bi đát”
Hai nhà trí thức Tạ Thu Thâu và Hồ Hữu Tường đáng được gọi là “thức thời” vào thuở đó nên không chọn con đường sang Liên Xô để theo Stalin. Nhưng Hồ Chí Minh đã chọn con đường đó. Con đường “Bác đi” trở thành “bi đát” bởi vì Bác đã đi theo “Cuộc Cách mạng đã bị phản bội”. Đến bây giờ là Mùa Bịt miệng 2007, nhìn lại con đường dẫn Hồ Chí Minh đến Lênin và Stalin, tuyệt nhiên đó không phải là con đường Giải phóng Dân tộc. Trên con đường đó, “ông Nguyễn tức Hồ Chí Minh” cho rằng đã gặp “mặt trời rực sáng soi đường dẫn lối tới thắng lợi cuối cùng, tới xã hội chủ nghĩa, Cộng sản chủ nghĩa”. Nhưng thật sự trên con đường đó, Hồ Chí Minh vào lúc chưa đuổi được hổ, thì đã rước hai con hùm vào nhà rồi. Trên con đường “Bác đi trở thành bi đát” đó, cuối cùng Hồ Chí Minh đã xây dựng được một chế độ mà Trần Độ miêu tả trong Nhật ký Rồng rắn (được viết từ ngày 14-11-2000 đến ngày 7-5-2001, tức là từ năm Canh Thìn tới năm Tân Tỵ): «Nền chuyên chính tư tưởng hiện nay ở Việt Nam là tổng hợp các tội ác ghê tởm của Tần Thuỷ Hoàng và các vua quan tàn bạo của Trung Quốc, cộng với tội ác của các chế độ Phát xít, độc tài».
Nhưng Trần Độ nào phải là một khuôn mặt xa lạ đối với Đảng ! Ông là một đảng viên kỳ cựu, gia nhập Đảng từ năm 1940. Trong quân đội ông là Trung tướng. Trong chính trị ông là Ủy viên Trung ương giữ chức Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ. Trong Quốc hội ông đảm trách chức vụ Phó Chủ tịch. Ông cũng là một nhà văn đã sáng tác Lòng tin (1953), Kể chuyện Điện Biên (1964), Nhật ký Rồng rắn (2001, bị Đảng tịch thu). Khi về hưu, tướng Trần Độ nhiều lần đề nghị đổi mới và dân chủ hoá, nhưng không được đáp ứng mà còn bị chỉ trích, vu khống. Sau cùng, Trung tướng Trần Độ bị Đảng khai trừ (1-1999). Đến khi ông qua đời (ngày 9-8-2002), Đảng vì dị ứng với ý tưởng dân chủ của ông nên mới bày trò nhục mạ vong linh ông và làm khó dễ tang gia trong việc tống táng chỉ với chủ đích răn đe và khủng bố những bạn bè thân hữu của ông đang đứng trong chiến tuyến tranh thủ tự do dân chủ cho Dân tộc. Do vậy, Đảng không những tàn bạo và dã man như Cố Trung tướng Trần Độ đã phê bình, mà còn nhục mạ vong linh ông và gây khó dễ cho tang gia, thì Đảng thật hèn hạ và thô bỉ vô cùng!
Bây giờ, xét lại chuyện cũ hơn 70 năm về trước, chúng ta mới nhận thấy nhà cách mạng Đệ tứ Trotskist Tạ Thu Thâu với biệt danh Nguyễn Văn Marx đã rất sáng suốt không gia nhập đảng Cộng sản và không đi qua Nga du học. Còn Hồ Chí Minh học lực kém, tiếng Pháp không giỏi, không được nhận vào học trường Thuộc địa của Pháp, kiến thức về chính trị thường thường bậc trung như ông đã thú nhận, ông không có gì đặc sắc trong số người Việt trên đất Pháp vào thuở đó, nên ông đã vội vàng chụp lấy cơ hội đi qua Nga học nghề làm Cộng sản để di họa cho Dân tộc không biết bao nhiêu đời. Như vậy, Hồ Chí Minh đúng là người theo “cơ hội chủ nghĩa”, chữ của Cộng sản thường dùng để bêu xấu mạ lỵ đối thủ của họ, ở đây, xin hoàn trả lại cho “Bác Hồ” của chúng!
Đệ tam và Đệ tứ “đi chung đánh riêng”
Thời điểm đầu năm 1933 ở miền Nam, sau khi mãn tù, Nguyễn An Ninh nhìn thấy cảnh “Ngao cò tranh nhau, ngư ông đắc lợi” nên mới dùng uy tín của mình để liên kết Tạ Thu Thâu và Nguyễn Văn Tạo thành một nhóm có tên là Nhóm Tranh đấu với chủ trương là “Đi chung đánh riêng”, tức là không chống đối và giết hại nhau, chỉ đánh thực dân Pháp bằng đường lối riêng của từng nhóm. Họ chung nhau xuất bản tờ báo “La Lutte” tranh đấu trong vòng hợp pháp, có xu hướng chánh trị binh vực giới nông dân thợ thuyền. Nhưng tờ báo lại là tờ báo Pháp ngữ, bài vở viết bằng tiếng Pháp vì vào thuở đó rất khó xin được giấy phép ra báo tiếng Việt. Thế là báo “La Lutte” ra đời, bán 6 xu một số, mỗi tuần ra một lần, ba nhóm cùng nhau viết bài, nhóm Đệ tam của Nguyễn Văn Tạo, Trần Văn Giàu, nhóm Đệ tứ của Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, và nhóm Quốc gia Trung hòa Tiến bộ của Nguyễn An Ninh.
Tình hình trong thế giới Cộng sản vào lúc đó thì Đệ tam Quốc tế và Đệ tứ đều coi nhau như thù nghịch, thù nghịch tới mức còn nghiêm trọng hơn giữa Cộng sản và Tư bản. Nhưng trong tác phẩm của Phương Lan về Nhà Cách mạng Tạ Thu Thâu 1906-1945, ta đọc được những dòng chữ thật đẹp về sự hợp tác của Đệ tam và Đệ tứ ở miền Nam nước Việt như sau (trang 156 sđd):
Sự thù nghịch như thế đó, đối nghịch nhau như thế đó, xu hướng khác nhau như thế đó, mà hôm nay tại cái miền Nam nước Việt nầy, hai phe thù nghịch không đội trời chung lại nhân nhượng nhau, hợp tác nhau trong một nhóm, trong một tờ báo mang tên La Lutte. Nghĩ cũng lạ thường hơn người ta. Nguyên nhân lạ thường có một không hai đó, một phần là do nơi bản chất người Việt Nam, một phần do nhu cầu cần thiết cho cả hai phe Tam và Tứ trong lúc đó đòi hỏi.
Tác giả Phương Lan còn viết thêm rằng do nơi Nguyễn An Ninh, người đàn anh cách mạng, đứng giữa hai phe, đã dùng lối trung dung, khuyến khích, làm môi giới cho hai phe cùng chung thống nhứt lực lượng chống đế quốc thực dân. Dù lâu, dù mau, nhưng giai đoạn hợp đoàn phản đế, cũng gây được tiếng vang trên thế giới. Sau rồi, khi mỗi nhóm được mạnh tiến, chia rẽ cũng chẳng làm sao. Chớ một sự hợp tác như vậy là một việc thật ngoại lệ, đặc biệt, có một không hai trong thế giới Cộng sản, trên tinh thần kỷ luật sắt của họ.
Trong tác phẩm Phan Văn Hùm, Thân thế và sự nghiệp, tác giả Bác sĩ Trần Ngươn Phiêu cũng có đôi dòng ca ngợi sự hợp tác giữa hai phe Cộng sản như sau (trang 57):
Trong chiều hướng cùng nhau tranh đấu chống kẻ thù chung của đất nước là Thực dân Pháp, Nguyễn An Ninh đã thực hiện được ở miền Nam một liên minh giữa những người Cộng sản theo xu hướng Staline và những người Cộng sản theo xu hướng Trotsky. Trong khi đó trên hầu khắp thế giới, các đảng Cộng sản theo xu hướng Staline đã được chỉ thị phải vu cáo, chửi rủa, mạ lỵ cánh Cộng sản Tả đối lập theo đường lối Trotsky. Đây là một liên minh duy nhất trên thế giới, đã được các sử gia như Daniel Hémery để tâm nghiên cứu về sau nầy. Liên minh đó đã tồn tại được ba năm. Liên minh đã thỏa thuận không đá động đến xu hướng Staline hay Trotsky, các bài báo sẽ không có ký tên tác giả, tránh bàn đến xu hướng đối nghịch, chỉ cố cùng nhau quảng bá cơ sở lý luận chung của tư tưởng Karl Marx.
Stalin chửi Trotsky, Hồ Chí Minh lặp lại
Nhưng sự hợp tác thân hữu giữa hai phe Tam Tứ ở miền Nam đất Việt không kéo dài được lâu. Sự tan rã đó lại bắt nguồn từ Mạc Tư Khoa vì sau Đại hội 7 của Liên Xô năm 1935, Stalin quyết định triệt hạ cho bằng được Trotsky và các đồng chí Đệ tứ của ông. Trong quyển hồi ký chính trị Mặt thật, tác giả Bùi Tín trích dẫn bài viết của Stalin đăng trên báo Sự thật Pravda ở Mạc Tư Khoa ngày 14-3-1937 như sau (Mặt thật, trang 113):
“Chủ nghĩa Trốt-kýt dùng phương pháp đấu tranh hèn hạ nhất, nhơ bẩn nhất, khốn nạn nhất. Nấp trong bóng tối, đàn chó Trốt-kýt tụ tập những kẻ không còn tính người, sẵn sàng gây mọi tội ác… Khủng bố cá nhân là phương pháp hành động của đàn chó săn Trốt-kýt”.
Đó là những lời Stalin chửi rủa nhóm Đệ tứ Trotskist từ Mạc Tư Khoa năm 1937. Đến năm 1939, Hồ Chí Minh ở Hoa Nam cũng đã viết lại những lời chửi rủa như trên vào trong ba bức thư gởi về Đảng Cộng sản ở Việt Nam. Hai nhà tranh đấu kiệt xuất cho Tự do, Dân chủ, và Dân quyền là Bùi Tín và Nguyễn Minh Cần đã tham khảo ba bức thư đó trong Hồ Chí Minh toàn tập (tập 3, trang 97-100). Tác giả Nguyễn Minh Cần đã viết trong quyển Đảng Cộng sản Việt Nam (trang 97) như sau:
“Nổi bật là những lời rất mạnh của Nguyễn Ái Quốc chống chủ nghĩa Trotsky và những người Trotskistes, ông buộc cho họ tội phản bội, gián điệp, tay sai đế quốc, hoàn toàn rập khuôn lời lẽ của cơ quan tuyên truyền của Stalin. Có người cho rằng ông ta nghĩ như thế thật với lòng cuồng tín của một đồ đệ của Stalin, với lối lu loa, vu khống, sỉ nhục, thóa mạ họ một cách rất “Stalin”. Đọc lại ba bức thư ông viết cho Đảng Cộng sản Việt Nam hồi năm 1939, thấy đầy rẫy những lời chửi bới: “Chúng là một lũ bất lương” - “Những con chó săn của chủ nghĩa phát xít Nhật và phát xít quốc tế” - “Đàn chó Trotskistes” - “Những kẻ đầu trâu mặt ngựa” - “Những đứa không còn phẩm giá con người” - “Những tên sẵn sàng gây mọi tội ác” - “Kẻ thù của nền dân chủ và tiến bộ” - “Bọn phản bội và mật thám tồi tệ nhất”
Đọc lại những lời Hồ Chí Minh chửi bới những người Trotskist Việt Nam như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Phan Văn Chánh… chúng ta quá ngỡ ngàng trước trận phun nhả ngôn từ vô cùng điêu ngoa, bẩn thỉu, và hèn hạ. Bác sĩ Trần Ngươn Phiêu trong quyển Phan Văn Hùm, Thân thế & sự nghiệp cũng có nhận xét tương tự (trang 354):
“Đối với một người vốn đã hấp thụ văn hóa Đông phương Khổng Mạnh như ông Hồ Chí Minh, ngôn từ quá thô được xử dụng trong ba văn kiện kể trên quả là một bất ngờ khó hiểu được, ngoại trừ phải được coi như là một ngôn ngữ dịch từ các bản văn của Stalin.”
Thật vậy, những người bị Hồ Chí Minh chửi như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch… là những người tranh đấu chống Pháp không tỳ vết, đã nêu tấm gương yêu nước trong sáng làu làu cho Dân tộc và cho các thế hệ tương lai. Họ là những vị rất xứng đáng được Dân tộc ngưỡng mộ, tôn vinh, và noi gương. Bởi thế cho nên câu “sáng Đảng mà mù tình Dân tộc” áp dụng rất đúng với Con rối Hồ Chí Minh (“Con rối” chữ của Minh Võ và Dương Thu Hương). Hiển nhiên vì sáng Đảng nên BÁC đã quá mù tình Dân tộc. BÁC thật trọn vẹn là Con vẹt của Stalin. Đã cam tâm làm Con vẹt của Stalin, BÁC còn nhẫn tâm làm Cánh tay vươn dài của Stalin sát hại Dân tộc! TẤT CẢ NHỮNG NGƯỜI BỊ BÁC CHỬI NĂM 1939, THÌ ĐẾN NĂM 1945 ĐỀU BỊ BÁC GIẾT SẠCH!