samedi 8 octobre 2011

Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch - 02

Trần Dân Tiên
Đức bị đánh bại. Chiến tranh chấm dứt. Vua Đức trốn sang Na Uy và ở đây vua làm nghề xẻ gỗ. Đảng Cộng sản Bôn–sê–vích và Lê–nin đã lãnh đạo công nông Nga nổi dậy. Cách mạng tháng Mười thành công. Những đoàn đại biểu các nước thắng trận và các nước bại trận đến Véc–xây họp Hội nghị hoà bình. Bên cạnh những đoàn đại biểu chính thức, có nhiều đoàn đại biểu thay mặt cho các dân tộc bị áp bức. Họ tới là vì nghe có 14 điểm của tổng thống Mỹ Uyn–sơn (Wilson). Có cả người Ailen, người Ấn Độ, người Triều Tiên, người Ả Rập v.v. Họ đến để yêu cầu độc lập tự do. Trong số đó, người ta thấy có ông Nguyễn Ái Quốc (tức là anh Ba).

Ông Nguyễn liên lạc với các đoàn đại biểu Triều Tiên, Ái Nhĩ Lan và các đoàn đại biểu khác. Ông Nguyễn tổ chức nhóm người Việt Nam yêu nước ở Pa–ri và ở các tỉnh Pháp. Với danh nghĩa của tổ chức này, ông đã đưa những yêu cầu ra trước hội nghị Véc–xây.

Yêu cầu gồm có 8 khoản. Những khoản chính là:

  • Việt Nam tự trị
  • Tự do hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do báo chí, tự do đi lại, đại xá tù chính trị
  • Quyền lợi bình đẳng giữa người Pháp và người Việt Nam
  • Bãi bỏ việc ép dân mua rượu và thuốc phiện. Bãi bỏ thuế đinh (người), thuế muối và sưu dịch.
Những yêu cầu ấy gửi đến cho các đoàn đại biểu đồng minh và tất cả nghị viên của Quốc hội Pháp.

Cũng nên nhắc lại ý kiến đưa yêu cầu do ông Nguyễn đề ra nhưng lại do luật sư Phan Văn Trường viết, vì lúc bấy giờ, ông Nguyễn chưa viết được tiếng Pháp. Cũng nên nhắc lại là ông Phan Chu Trinh và ông Phan Văn Trường không tán thành hoạt động của nhóm Việt Nam yêu nước, vì các ông ấy cho nhóm thanh niên là trẻ con.

Dần dần công việc của hội nghị Véc–xây tiến lên giải quyết những vấn đề thực tế thì mười bốn điểm của tổng thống Uyn–sơn cũng lu mờ không còn hình bóng gì nữa. Và nhân dân Trung Quốc cũng thất vọng chua chát. Để "giả ơn" Trung Quốc đã hợp tác trong cuộc chiến tranh, những cường quốc Âu Tây đã chia xẻ Trung Quốc và dâng Thanh Đảo cho Nhật Bản. Trước sự bất công cay đắng ấy, thanh niên Trung Quốc nổi dậy chống lại. Đoàn đại biểu Trung Quốc ở hội nghị hoà bình bị gọi về. Một phong trào chống chủ nghĩa đế quốc lan rộng khắp Trung Quốc, một phong trào vừa giải phóng dân tộc vừa cách mạng văn hoá. Đó là phong trào ngày 4 tháng 5 (1919).

Được những sự thật ấy rèn luyện, ông Nguyễn hiểu rằng những lời tuyên bố tự do của các nhà chính trị tư bản trong lúc chiến tranh thật ra chỉ là những lời đường mật để lừa bịp các dân tộc. Và muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình.

Những lời yêu cầu của ông Nguyễn cũng như của các đại biểu các dân tộc bị áp bức khác không có kết quả gì hết.

Nhưng không thể nói những lời yêu cầu ấy là không có tác dụng, bởi vì nó đã đánh dấu một giai đoạn mới trong phong trào giải phóng dân tộc.

Với số ít tiền kiếm được, ông Nguyễn sống rất nghèo khổ để có thể thuê in những bản yêu cầu ấy thành truyền đơn đem phát trong cuộc mít tinh. Do đó, một số đông người Pháp đã hiểu thêm về Việt Nam.

Ông Nguyễn phát những truyền đơn ấy cho tất cả những Việt kiều và những người Việt đi lính ở Pháp. Vì vậy mà có những vụ khám xét trong các trại lính, làm cho những người lao động và lính Việt Nam trước thờ ở với chính trị nay cũng giác ngộ.

Ông Nguyễn gửi cả những truyền đơn về Đông Dương, nhưng gửi đề tên Việt thì không đến nơi, đề tên người Pháp thì đến nơi. Bọn thực dân Pháp in truyền đơn ấy lên báo để chế giễu và yêu cầu đàn áp. Chính nhờ những tờ báo ấy mà người Việt Nam biết được toàn bản yêu cầu và từ ngày ấy phong trào cách mạng Việt Nam càng lên cao.


*


Một người quen ông Nguyễn ở Pa–ri đã cho chúng tôi nhiều tài liệu rất quý báu. Ông này nói với chúng tôi như sau:

"Lúc ấy, ông Nguyễn là một Nguyễn yêu nước quyết tâm hy sinh tất cả vì Tổ quốc; nhưng ông Nguyễn lúc đó rất ít hiểu về chính trị, không biết thể nào là Công hội, thế nào là bãi công và thế nào là chính đảng.

Trong tất cả những tờ báo Pháp, chỉ có tờ Dân chúng, cơ quan của đảng Xã hội Pháp là đã in những lời yêu cầu của Việt Nam. Ông Nguyễn đến toà báo. Chủ nhiệm báo, ông Giăng Lông–ghê (Jean Longuet), cháu ngoại Các Mác và nghị viên của Quốc hội Pháp, đã tiếp ông. Ông Nguyễn lấy làm lạ, vì chưa bao giờ ông ta được ai tiếp đón thân mật như thế. Ông Lông–ghê gọi ông Nguyễn là đồng chí thân ái. Ông nói cho ông Nguyễn rõ tất cả cảm tình của ông đối với nhân dân Việt Nam. Ông khuyến khích ông Nguyễn viết bài và ông sẽ đăng lên báo "Dân chúng" để làm cho nhân dân Pháp hiểu rõ những sự bất công xảy ra ở Việt Nam. Có thể nói rằng cuộc gặp gỡ ấy đã mở đường cho sự hiểu biết chính trị của ông Nguyễn. Nó cũng đã làm cho ông Nguyễn hiểu rõ nhân dân Pháp.

Ông Nguyễn không đủ tiếng Pháp để viết và phải khẩn khoản yêu cầu ông Phan Văn Trường viết thay. Ông Trường viết giỏi, nhưng không muốn ký tên. Mà chính ông Nguyễn đã phải ký tên những bài báo.

Nhược điểm về tri thức làm cho ông Nguyễn rất khó chịu. Nhất là ông Trường không viết tất cả những điều ông Nguyễn muốn nói. Vì vậy, ông Nguyễn bắt tay vào việc học làm báo. Thường lui tới toà báo Dân chúng, ông làm quen với những người Pháp khác trong đó có chủ bút tờ Đời sống thợ thuyền.

Cũng như ông Lông–ghê, người chủ bút này cũng rất đáng mến. Ông bảo ông Nguyễn viết tin tức cho tờ báo của ông. Biết rằng không thể nhờ ông Trường viết mãi, ông Nguyễn nói thật là mình còn kém tiếng Pháp. Người chủ bút nói: "Điều đó không ngại, có thế nào anh viết thế ấy. Tôi sẽ chữa bài của anh trước khi đưa in. Anh không cần viết dài, năm, sáu dòng cũng được". Ông Nguyễn bắt đầu viết rất khó khăn. Tin tức về Việt Nam, ông Nguyễn không thiếu, ông thiếu nhất là văn Pháp. Ông Nguyễn viết làm hai bản, gửi cho toà báo một bản, giữ lại một bản. Ông hết sức vui sướng khi thấy bài viết đầu tiên của mình được đăng lên báo. Ông đọc lại bài báo đã in, so sánh và sửa những chỗ viết sai. Ông kiên nhẫn làm theo cách ấy. Khi thấy viết đã bớt sai lầm, ông chủ bút bảo ông Nguyễn: "Bây giờ anh viết dài hơn một tí, viết độ bảy, tám dòng". Ông Nguyễn viết bảy, tám dòng.

Dần dần ông Nguyễn có thể viết cả một cột báo và có khi dài hơn. Lúc bấy giờ, người chủ bút bạn thân của ông Nguyễn khẽ bảo: "Bây giờ anh viết ngắn lại. Viết từng này hoặc từng này dòng. Không viết dài hơn".

Ông Nguyễn thấy rằng phải rút ngắn cũng khổ như trước kia phải kéo dài. Nhưng cũng hết sức cố gắng. Và ông thành công. Ông bắt đầu vào làng báo từ đó.

Về văn học, ông Nguyễn thích đọc Sếch–pia (Shakespeare) và Đích–ken (Dickens) bằng tiếng Anh, Lỗ Tấn bằng tiếng Trung Hoa và Huy Gô (Hugo), Dôla (Zola) bằng tiếng Pháp. A–na–tôn Phơ–răng–xơ (Anatole France) và Lê–ông Tôn–xtôi (Léon Tolstoi) có thể nói là những người đỡ đầu văn học cho ông Nguyễn.

Đọc những truyện ngắn của A–na–tôn Phơ–răng–xơ và của Lê–ông Tôn–xtôi, ông Nguyễn thấy hứng thú về văn chương giản đơn và tự nhủ: "Người ta chỉ cần viết điều gì người ta thấy và cảm, bằng cách nắm lấy màu sắc và hoạt động của sự vật, như thế thì viết cũng không khó lắm".

Truyện ngắn đầu tiên của ông Nguyễn được đăng trên báo Nhân đạo làm hai kỳ. Ông Nguyễn tả đời sống thợ thuyền ở Pa–ri mà cũng là đời sống của ông lúc đó. Toà báo đã trả bài này một trăm quan. Thật là một số tiền lớn lúc bấy giờ. Đó là một thành công lớn về hai mặt: văn chương và tài chính. Thành công đầu tiên này đã khuyến khích ông Nguyễn viết những truyện ngắn khác. Ngoài việc tả lại đời sống thợ thuyền Pa–ri, ông thường viết về các thuộc địa và đặc biệt là Việt Nam, không có một chút nào ông quên tổ quốc mình đang bị giày xéo và đồng bào mình đang bị áp bức. Ông Nguyễn chỉ viết một quyển sách duy nhất là quyển: Bản án chế độ thực dân Pháp; quyển này gồm những tài liệu chống thực dân Pháp, trích trong những sách của người Pháp viết để ở thư viện quốc gia.

Đầy hăng hái, ông Nguyễn viết cả một vở kịch Rồng tre. Đại ý vở kịch như thế này: Có những cây tre thân hình quằn quẹo. Những người chơi đồ cổ lầy về đẽo gọt thành con rồng. Nó là một đồ chơi. Là con rồng nhưng thực ra chỉ là một khúc tre. Là một khúc tre, nhưng lại hãnh diện có tên và hình dáng con rồng. Tuy vậy nó chỉ là một quái vật vô dụng.

Ông Nguyễn viết vở kịch này vào dịp vua Khải Định sang Pháp để dự triển lãm thuộc địa. Vở kịch bị chính phủ Pháp cấm, nhưng Câu lạc bộ ngoại ô Pa–ri đã đem diễn, được các nhà phê bình văn nghệ khen hay.

Trong thời gian ở Pa–ri, ông Nguyễn sống rất cực khổ. Để kiếm tiền, ông Nguyễn làm nghề rửa ảnh và phóng đại ảnh. Chính cụ Phan Chu Trinh đã dạy cho ông Nguyễn nghề này. Ông làm cả nghề sơn vẽ đồ cổ.

Ở Pa–ri, có nhiều nhà làm giả đồ cổ Trung Quốc; họ làm đồ gỗ, bình phong và những vật khác bắt chước theo kiều Trung Quốc. Họ sơn bằng sơn Nhật và vẽ hoặc viết những chữ ngoằn ngoèo giả chữ Trung Quốc. Những bà quý tộc già, những người trọc phú rất ham chuộng những vật ấy, không biết là đồ giả và mua rất đắt. Công việc sơn vẽ giả đồ cổ Trung Quốc rất dễ cho ông Nguyễn. Không may đấy chỉ là một công việc hàng năm, mỗi năm chỉ làm vài tháng.

Sự hoạt động chính trị của ông Nguyễn được cảm tình sâu sắc của những người Việt Nam yêu nước, đó là sự dĩ nhiên. Vì lần đầu tiên trong lịch sử, có một người Việt Nam tuyên bố trước toàn thế giới chủ trương giành độc lập cho dân tộc mình; lần đầu tiên trong lịch sử, có một người Việt Nam dám bóc trần những tội ác của bọn thực dân Pháp ngay ở Pa–ri và cũng chính vì vậy mà ông Nguyễn bị bọn thực dân thù ghét.

Người ta rình mò ông Nguyễn. Người ta nói xấu ông, người ta tẩy chay ông. Người ta bảo bọn chủ không nên dùng ông. Người ta cố tình mua chuộc ông, người ta kiếm cách doạ dẫm ông. An–be Xa–rô (Albert Sarraut) bộ trưởng Bộ Thuộc địa và Pi–e Pat–ki–ê (Pierre Pasquier) Toàn quyền Đông Dương mời ông Nguyễn đến nói chuyện và Tổng giám đốc cảnh sát đã thu giấy căn cước của ông Nguyễn.

Suốt thời gian Khải Định ở lại Pháp, ông Nguyễn ngày đêm bị hai tên mật thám theo dõi không rời một bước. Ông không để ý đến những việc ấy. Mặc dầu đời sống nghèo nàn, lại bị rầy rà về chính trị, ông Nguyễn vẫn không nao núng.

Mỗi buổi mai, ông Nguyễn nấu cơm trong một cái sanh nhỏ bằng sắt tây đặt trên ngọn đèn dầu. Với một con cá mắm hoặc một tí thịt. Ông ăn một nửa và để dành một nửa đến chiều. Có khi một miếng bánh mì với một miếng pho–mát là đủ ăn cả ngày. Ông trọ ở một phòng nhỏ trong một khách sạn rẻ tiền ở xóm lao động. Phòng chỉ vừa kê một cái giường sắt chật, một cái bàn nhỏ và một cái ghế. Chỉ thế thôi, không có gì khác.

Về mùa đông lạnh, mỗi buổi sáng trước khi đi làm, ông để một việc gạch vào lò bếp của khách sạn. Chiều đến, ông lấy viên gạch ra, bọc nó vào trong những tờ báo cũ, để xuống nệm cho đỡ rét.

Thường thường, ông chỉ làm việc nửa ngày, làm buổi sáng để kiếm tiền, còn buổi chiều thì đi đến thư viện hoặc đến dự những buổi nói chuyện chính trị. Tối đến, ông đi dự mít tinh ở Pa–ri. Có rất nhiều cuộc mít tinh. Chính ở đây ông đã làm quen với những người như Lê–ông Bơ–lom (Léon Blum), Bơ–rác (Bracke), nhà văn Vay–ăng Cu–tuya–ri–ê (Vaillant Couturier), giáo sư Mác– sen Ca–sanh (Marcel Cachin), nghị viên Mác Sô–nhi–ê (Mac Saugnier), bà nữ văn hào Cô–lét (Colette) v.v.

Hầu hết trong những buổi mít tinh này, ông đều phát biểu ý kiến. Vì ông là người ngoại quốc độc nhất trong những nơi này và vì ông có vẻ dễ yêu mến cho nên thính giả thích nghe ông. Ông Nguyễn khéo lái những vấn đề thảo luận sang vấn đề thuộc địa, đặc biệt là vấn đề Việt Nam. Ví dụ: có một lần bác sĩ Cu–ê (Coué) nói về thuật thôi miên. Nhiều người phát biểu ý kiến, người đồng ý, người phản đối phương pháp chữa bệnh bằng thôi miên. Đến lượt ông Nguyễn, ông kịch liệt phản đối thuật thôi miên. Lý do của ông: Thực dân Pháp đã thôi miên chúng tôi để đàn áp và bóc lột chúng tôi.

Một lần khác, hội nghị thảo luận vấn đề Ailen và Triều Tiên. Tất nhiên những nhà diễn giả Pháp đều nghiêm khắc công kích chính sách của Anh, của Nhật và bênh vực nhân dân Ailen, nhân dân Triều Tiên. Ông Nguyễn phát biểu ý kiến:

"Cũng là một dân tộc bị áp bức, tôi hoàn toàn đồng tình với những người bạn Ailen và Triều Tiên, và đồng tình với hội nghị kết án bọn thực dân Anh, Nhật. Nhưng tôi hỏi các ngài có nên kết án cả những bọn thực dân khác không? Có nên bênh vực nhân dân bị áp bức khác không? Có hay không?"

Tất nhiên mọi người đều trả lời có. Thế là được dịp ông Nguyễn trình bày vấn đề Việt Nam.

Trong những buổi hội họp nói chuyện ở Pa–ri, người ta thảo luận đến tất cả các vấn đề. Từ thiên văn, địa lý, chính trị, văn học cho đến cách trồng cải xoong và nuôi ốc sên. Trong những buổi hội họp này có tất cả các hạng người: bác học, cựu bộ trưởng, nghị viên, nhà văn, thợ thuyền, người đi buôn, người già và người trẻ. Ở đây có một không khí thân mật và dân chủ, giống như ở những câu lạc bộ Gia–cô–banh (Jacobins) thời Đại cách mệnh Pháp. Ở đây người ta có thể học nhiều chuyện và nhận xét mọi người, Thật là bổ ích.

Mặc dầu nghèo túng, ông Nguyễn luôn luôn vui vẻ. Trong những buổi thảo luận, cả đến những khi cực lực công kích bọn thực dân, ông luôn luôn bình tĩnh, luôn luôn đúng mực. Không bao giờ có một thái độ cáu kỉnh hoặc một lời quá đáng. Ông cố gắng học hỏi để hiểu biết các vấn đề. Ông tham gia Hội "Nghệ thuật và khoa học" và Hội "Những người bạn của nghệ thuật". Những hội này mỗi tuần tổ chức những cuộc đi thăm viện bảo tàng, nhà máy, phòng thí nghiệm, xưởng nghệ thuật, nhà hát, vân vân. Có những nhà chuyên môn giải thích các vấn đề ấy.

Ông Nguyễn vào cả Hội "Du lịch", một hội đưa người ta đi thăm nước Pháp và những nước lân cận với giá tiền rất rẻ. Nhờ vậy mà ông Nguyễn đi thăm nhiều nơi ở Pháp, ở Ý, ở Thuỵ Sĩ, ở Đức và cả Toà thánh Va–ti–căng.

Sau mỗi chuyến đi, ông Nguyễn kể cho chúng tôi nghe cảm tưởng của ông. Thường thường ông nói nửa đùa nửa thật:

"Trong những ngày nghỉ, không nên tiêu phí tiền bạc, mất thì giờ ở bãi biển để nhìn những người đàn bà đi tắm, mà nên đi du lịch, học hỏi được nhiều."

Ông Nguyễn kể lại, Va–ti–căng có nhiều lâu đài vĩ đại. Nhà thờ thánh Pi–e (Pierre) là một kỳ công kiến trúc. Viện bảo tàng Va–ti–căng là một cuốn sách sống về lịch sử tôn giáo. Ngoài những vật quý khác, người ta còn thấy cả bánh xe thời trung cổ. Khi nào nông dân không nộp thuế cho Nhà chung, người ta buộc chân tay người nông dân vào bánh xe vừa đánh vừa quay. Người vệ binh của Va-ti–căng mặc những bộ quần áo lộng lẫy, đội những chiếc mũ xưa và tay cầm giáo mác đời xưa. Ở trường Thánh, có độ mười giáo sĩ học sinh Việt Nam. Thành phố La–mã đẹp, nhưng khác hẳn Pa–ri, khác cả ngoài mặt cũng như trong hoạt động. Đấy là một thành phố đầy những cổ tích La–mã, nhà thờ, với nước phun và mật thám. Dọc đường, cách hai ba trăm thước có một tên mật thám của trùm phát xít Mút–xô–lội–ni.

Khắp nơi đều treo ảnh Mút–xô–lội–ni. Tên này thật là một thằng hề. Nó chụp ảnh đủ các kiểu và với đủ thứ quần áo. Với quân phục đại tướng và thống chế, với áo khoác ngoài và với áo cánh của những tên cầm đầu phát xít. Hiến binh Ý ăn bận như kiểu những đại tướng hoặc những viên hàn lâm ở các nước khác, mũ có hai sừng cắm lông, áo dài quần nẹp, đeo gươm, và mang găng trắng.

Tầng lớp trên sống một đời hết sức xa hoa. Trái lại nhân dân sống một đời nheo nhóc. Thấy ông Nguyễn là một người ngoại quốc, một vệ binh viện bảo tàng đến gần ông Nguyễn, cẩn thận nhìn chung quanh không có ai, rồi chỉ tay vào bó gậy - tượng trưng phát xít, ở đâu cũng có – và làm bộ bẻ gẫy bó gậy rồi lấy chân giậm lên, để tỏ ý căm thù phát xít.

Đời sống đắt đỏ hơn ở Pháp. Ăn một bát mì cũng phải nộp thuế.

Phụ nữ Ý hát rất hay. Tiếng hát trong như tiếng chuông. Theo ông Nguyễn thì nước Thuỵ Sĩ xinh hơn hết. Thành phố sạch sẽ. Phong cảnh rất nên thơ. Mọi người đều nhã nhặn và người nào cũng biết nói hai thứ tiếng (trong ba thứ tiếng Đức, Ý, Pháp). Đi thăm Thuỵ Sĩ không bao giờ chán. Núi non, thung lũng, hồ ao…, phong cảnh nào cũng nên thơ.

Béclin so với Pa–ri và La–mã giống như một miếng bánh mì so với bánh Ga–tô. So sánh như vậy cũng không đúng lắm, vì Béclin cũng như tất cả nước Đức đang khốn khổ vì nạn đói. Nạn lạm phát ghê gớm. Một chút gì cũng trả mấy ngàn mác (đồng tiền Đức).

Thành phố lớn và sạch sẽ. Nhưng kiểu kiến trúc nặng nề và tầm thường. Cái vườn Rếch–tát (Reichstag) tinh những tượng là tượng, giống như một cửa hàng bán tượng.

Nhân dân Đức siêng năng, thân mật, quả cảm, làm việc có kế hoạch.

Ngoài những cuộc đi xem để học, ông không thích chơi bời gì khác.

Không phải chỉ vì thích đi du lịch mà ông nhịn ăn nhịn tiêu. Điều đó cũng có, nhưng nhất là ông muốn biết những nước ấy tổ chức và cai trị như thế nào.

Ông Nguyễn bắt đầu tổ chức, hoặc đúng hơn là bắt đầu học tổ chức.

Trong những buổi mít tinh, trong những buổi đi thăm hoặc du lịch, ông đã gặp những người cách mạng An–giê–ri, Tuy–ni–di, Ma-rốc, Man–gát, v.v. Cùng với họ, ông tổ chức: "Hội Liên hiệp thuộc địa ở Pa–ri". Mục đích của Hội này là giải phóng những dân tộc thuộc địa. Hoạt động của Hội là tuyên truyền. Họ tổ chức những buổi nói chuyện, những người dân các thuộc địa và những người Pháp có cảm tình đông hơn người thuộc địa. Những người này phần lớn là công chức hoặc công nhân. Họ bị cảnh sát Pháp doạ đuổi ra khỏi nước Pháp nếu họ tiếp tục tham gia các cuộc hội họp.

Nhiều người Pháp hết sức căm phẫn khi biết được những chuyện xảy ra ở các thuộc địa: rượu, thuốc phiện, hối lộ, khủng bố v.v. Thường thường họ kêu lên: "Ô! Nhục nhã biết bao! Ô! Thật không tưởng tượng được! Tội ác thực dân tầy trời!"

Để mở rộng tuyên truyền đến các thuộc địa, ông Nguyễn và những đồng chí của ông ra tờ báo Người cùng khổ (Le Paria) do ông là chủ bút, kiêm chủ nhiệm.

Những người yêu nước Man–gát, An–giê–ri, Mác–ti–ních là những luật sư, thầy thuốc, nhà buôn hoặc sinh viên. Họ có công việc và gia đình của họ. Họ không thể để nhiều thì giờ cho tờ báo. Mỗi người chỉ có thể góp một số tiền nhỏ và một tờ bài báo mỗi tuần. Ông Nguyễn được mọi người cử ra để làm cho tờ báo chạy. Vì vậy, ông Nguyễn kiêm cả viết, chủ nhiệm, chủ bút, chữa bài, thủ quỹ, xuất bản và liên lạc.

Lúc đầu ông Nguyễn gửi bán tại những cửa hàng nhỏ. Nhưng bán không chạy lắm, vì ở Pa-ri có vô số báo, người ta không thể đọc tất cả và mua tất cả. Vì vậy ông Nguyễn tìm ra một cách mà người Pa–ri gọi là "lối D". Ông đến trong những cuộc mít tinh dân chúng. Ông phát báo, leo lên diễn đàn và nói:

"Các bạn thân mến! Báo Người cùng khổ phát không, nhưng tôi hết sức cảm ơn nếu các bạn vui lòng quyên giúp ít nhiều để giúp chúng tôi trả tiền in. Một xu, một quan, nhiều ít cũng tốt".

Những người Pháp, nhất là hạng nghèo và hạng trung thường có lòng rộng rãi. Và luôn luôn ông Nguyễn có thể thu tiền để trả những khoản phí tổn về báo và một đôi khi còn dư nữa. Việc xuất bản tờ Người cùng khổ

Những người lao động Việt Nam ở Pa–ri và các tỉnh mặc dầu số lớn không biết đọc, cũng bí mật gửi tiền quyên cho báo.

Phần lớn những sinh viên Việt Nam ở Pa–ri sợ tờ Người cùng khổ và ông Nguyễn, như người ta sợ thú rừng. Không phải vì họ ghét - nhiều người thầm lén đọc báo Người cùng khổ – nhưng vì họ sợ liên luỵ. Từ ngày có những yêu sách Việt Nam, rồi đến việc thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa, rồi đến việc xuất bản tờ Người cùng khổ, các sinh viên thuộc địa bị kiểm soát ngặt.

Một hôm, một con trai của Bùi Quang Chiêu đến toà báo, đặt lên bàn năm quan, và nói "Quyên cho báo", rồi chạy biến đi như bị ma đuổi.

Cố nhiên, ở các thuộc địa, nhất là ở Đông Dương, ai đọc Người cùng khổ đều bị bắt. Mặc dầu tất cả những sự khó khăn ấy, tờ báo vẫn tiếp tục phát triển. Đó là một luồng gió mới thổi đến nhân dân các nước bị áp bức.

Ông Nguyễn vào đảng Xã hội. Ấy là người Việt Nam đầu tiên vào một chính đảng Pháp.

Người ta hỏi ông tại sao. Ông trả lời: "Chỉ vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: Tự do, bình đẳng, bác ái."

Lúc bấy giờ, những người xã hội Pháp, già trẻ gái trai đều đang thảo luận vấn đề nên ở lại trong Quốc tế thứ 2, hay là theo Quốc tế thứ 3, hay là tổ chức một Quốc tế thứ hai rưỡi.

Người ta thảo luận rất sôi nổi. Chiều nào cũng thảo luận. Người ta thảo luận trước buổi họp, trong buổi họp và sau buổi họp. Thật là những cuộc thảo luận không ngừng, đôi khi rất kịch liệt. Từng gia đình đi dự mít tinh và tham gia các cuộc thảo luận. Đàn bà cũng hăng hái không kém đàn ông. Có khi cha không đồng ý với con, chồng không đồng ý với vợ.

Ông Nguyễn lắng nghe nhưng không hiểu rõ lắm, vì người ta thường nhắc đi nhắc lại những tiếng, những câu: chủ nghĩa tư bản, giai cấp vô sản, bóc lột, chủ nghĩa xã hội, cách mạng, không tưởng khoa học, Xi–mông, Phu–ri–ê, Mác (Saint–Simon, Fourrier, Marx), chủ nghĩa vô chính phủ, chủ nghĩa cải lương, sản xuất, luận đề, phản luận đề, giải phóng, chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa cộng sản, khách quan, chủ quan v.v.

Ý kiến rất nhiều. Báo các phái xã hội đầy những ý kiến khác nhau. Những ý kiến tán thành Quốc tế thứ 3 của giáo sư Ca–sanh, của nhà văn Cu–tuya–ri–ê và nhiều người khác, đăng trên báo Nhân đạo do Giô–rét (Jaurès) sang lập (ông đã từng bênh vực nhân dân Việt Nam); những ý kiến về thành lập Quốc tế thứ 2 rưỡi đăng trên tờ Bạn dân.

Ý kiến của Lê–ông Bơ–lom (Léon Blum), của Pôn Phơ–rơ (Paul Faure), v.v. đăng trên tờ Dân chúng là cơ quan ngôn luận của Quốc tế thứ 2.

Ngoài những ý kiến trên, còn có những lời giải thích và những lời tranh luận khác. Ông Nguyễn nhức đầu vì khó hiểu.

Một hôm, ông Nguyễn đứng lên phát biểu: "Các bạn thân mến! Các bạn đều là những người xã hội rất tốt! Tất cả các bạn đều muốn giải phóng giai cấp công nhân? Vâng. Như thể dù thứ 2, thứ 2 rưỡi, hay Quốc tế thứ 3 phải chăng cũng thế cả. Những Quốc tế ấy đều không là cách mạng cả sao? Dù các bạn gia nhập Quốc tế này hoặc Quốc tế nọ, các bạn cũng phải đoàn kết nhất trí. Tại sao tranh luận nhiều thế? Trong khi các bạn tranh luận ở đây, thì đồng bào chúng tôi đang rên siết ở Việt Nam…"

Mọi người cười, nhưng không phải là mỉa mai, mà là cười cảm tình với một đồng chí non, chưa hiểu được vấn đề.

Một nữ chiến sĩ trẻ đẹp – Rôdơ (Rose), thợ khâu, nói với ông: "Anh Nguyễn, cũng hơi khó giải thích cho anh rõ, vì anh là người mới. Nhưng tôi chắc sau này anh sẽ hiểu tại sao chúng tôi thảo luận nhiều thế, vì nó quan hệ đến tiền đồ của giai cấp công nhân".

Việc gì cuối cùng cũng phải kết thúc. Những cuộc tranh luận giữa những người xã hội cũng thế. Ông Nguyễn được nhiều người đồng tình vì ông là người đại biểu duy nhất các thuộc địa và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, một chiến sĩ Việt Nam tham gia một đại hội đại biểu của một chính đảng Pháp. Một nhà báo đã chụp ảnh ông Nguyễn và in ảnh ông lên tờ Buổi sáng. Ngày hôm sau, cảnh sát đến tìm ông Nguyễn. Nhưng nghị viên đảng Xã Hội can thiệp. Mật thám không dám vào phòng họp. Và ông Nguyễn cứ yên trí dự Đại hội.

Công việc của Đại hội kéo nhiều ngày. Các tiểu ban bắt đầu làm việc. Những nhà diễn giả có tiếng phát biểu ý kiến. Như ông Bơ–lom (Léon Blum), Phô (Paul Faure), Phơ-rốt–xa (Frossard), Ca–sanh (Cachin), Pi–ve (Marceau Pivert), Di–rôm–ki (Zyrom–sky), Cu–tuya–ri–ê (Vaillant Couturier), Bơ–rác (Bracke), Béc–tông (Andres Berton), Luy–xi (Charls Lussy) v.v. Tất nhiên ông Nguyễn không bỏ lỡ cơ hội như thế để nói về các thuộc địa, đặc biệt là về Việt Nam.

Cuối cùng đến lúc biểu quyết. Gia nhập Quốc tế thứ 3 hoặc ở lại Quốc tế thứ 2 (Quốc tế thứ 2 rưỡi bị bác bỏ).

Thiểu số do Bơ–lom cầm đầu, bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ 2.

Đa số do Ca–sanh (Cachin) lãnh đạo bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ 3.

Ông Nguyễn cũng bỏ phiếu cho Quốc tế thứ 3. Rất ngạc nhiên, Rô–sơ, làm tốc ký của Đại hội hỏi ông Nguyễn:

"Đồng chí! Bây giờ đồng chí hiểu tại sao ở Pa–ri, chúng tôi đã bàn cãi nhiều như thế rồi chứ?"

"Không, chưa thật hiểu đâu."

"Thế thì tại sao đồng chí lại bỏ phiếu cho Quốc tế thứ 3?"

"Rất giản đơn. Tôi không hiểu chị nói thế nào là chiến lược, chiến thuật vô sản và nhiều điểm khác. Nhưng tôi hiểu rõ một điều Quốc tế thứ 3 rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa. Quốc tế thứ 3 nói sẽ giúp đỡ các dân tộc bị áp bức giành lại tự do và độc lập của họ. Còn Quốc tế thứ 2 không hề nhắc đến vận mệnh các thuộc địa. Vì vậy tôi đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ 3. Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu. Đồng chí đồng ý với tôi chứ!"

Rô–dơ đồng ý, chị cười và nói: "Đồng chí đã tiến bộ."

Từ ngày lịch sử ấy, đảng Xã hội chia làm hai. Phần lớn trở thành đảng Cộng sản Pháp, thuộc Quốc tế thứ 3. Phần nhỏ là đảng Xã hội thuộc Quốc tế thứ 2.

Cũng từ đó, thực dân Pháp ở Đông Dương thêm một chữ mới. Chúng gọi những người Việt Nam yêu nước là: "Nguyễn Ái Quốc bản xứ"

là một vố đánh vào bọn thực dân. Lập tức có lệnh cấm không cho tờ báo đó vào các thuộc địa. Nhưng ông Nguyễn không chịu thua. Ông nhờ những thuỷ thủ có cảm tình chuyển báo đi các thuộc địa. Và dùng nhiều cách bí mật khác.
*


Đại hội Tua (Tours) kết thúc. Ông Nguyễn trở về với nghề rửa ảnh, với thư viện, với những buổi mít tinh…

Bọn thực dân rất muốn đuổi hoặc bỏ tù ông, vì sự hoạt động của ông làm chúng khó chịu. Nhưng chúng sợ xảy ra dư luận không tốt. Ông Nguyễn quen biết hầu hết các nghị viên và luật sư đảng Xã hội, họ sẵn sàng bênh vực ông Nguyễn. Vả lại ông Nguyễn không làm điều gì phạm pháp. Bảo vệ Tổ quốc, tố cáo tội ác của thực dân, ở Pháp điều đó không phải là phạm tội, dù ở Đông Dương đó là một tội đáng tử hình.

Nhiều người Việt Nam yêu nước đã bị chém đầu vì những nguyên cớ nhẹ hơn những việc ông Nguyễn đã làm.

Mặc dầu nguy hiểm, ông Nguyễn vẫn muốn trở về Việt Nam. Bây giờ ông Nguyễn tạm hiểu cách tổ chức và tuyên truyền. Có thể nói là ông Nguyễn suốt ngày nghĩ tới tổ quốc, và suốt đêm mơ đến tổ quốc mình.

Theo lệ thường, chiều thứ bảy, những đồng chí Sê–nê–ga–le, Ma-rốc, An–giê–ri, Man–gát v.v. đến toà báo Người cùng khổ để thảo luận về những bài viết cho số báo sau. Ngày hôm ấy, họ thấy toà báo đóng cửa. Họ gõ cửa. Không thấy trả lời. Người ta bắt đầu ngạc nhiên và bàn bạc.

"Có lẽ ông Nguyễn ốm chăng?"

"Không, nếu ông ốm thì ông đã báo cho chúng ta biết."

"Hoặc bị bắt chăng?"

"Không thể. Chúng nó không dám làm như thể ở Pa–ri."

"Có lẽ ông bận đi việc gì!"

"Ông Nguyễn sẽ để lại cho chúng ta một chữ."

"Ông Nguyễn thường làm như thế."

"Như vậy chúng ta đợi một lát."

"Không cần. Chúng ta đến nhà ông B. Chúng ta sẽ trở lại sau."

Ông B là một luật sư người Ăng–ti. Ông Nguyễn thường đến nhà ông. Bà vợ ông coi ông Nguyễn như anh em. Ông Nguyễn rất yêu hai đứa con ông, một cháu gái tám tuổi và một cháu trai bốn tuổi, cũng được chúng rất mến.

Những người bạn gặp ông B. Trong phòng khách cùng vợ và con. Hai vợ chồng có vẻ buồn. Hai đứa trẻ khóc.

"Gì thế?" - Những người bạn hỏi ông B.

Bà B. Gạt nước mắt chỉ mảnh giấy gấp để trên bàn và nói:

"Các bạn đọc đi sẽ biết."

Những người bạn vội vã quây quanh bàn. Bác sĩ R. Người Ma-rốc cầm bức thư và nói ngay: "Thư Nguyễn, tôi biết nét chữ của ông ta", và ông đọc to, trong khi mọi người hết sức chú ý lắng nghe:

"Các bạn thân mến,

Bao lâu nay chúng ta làm việc với nhau.

Mặc dầu chúng ta là những người khác giống, khác nước, khác tôn giáo, chúng ta đã thân yêu nhau như anh em.

Chúng ta cùng chịu chung một nỗi đau khổ: Sự bạo ngược của chế độ thực dân. Chúng ta đấu tranh vì một lý tưởng chung: giải phóng đồng bào chúng ta và giành độc lập cho Tổ quốc chúng ta.

Trong cuộc chiến đấu của chúng ta, chúng ta không cô độc vì chúng ta có tất cả dân tộc của chúng ta ủng hộ và vì những người Pháp dân chủ, những người Pháp chân thành, đứng bên cạnh chúng ta.

Công việc chung của chúng ta "Hội Liên hiệp thuộc địa" và tờ báo Người cùng khổ đã có những kết quả tốt. Nó đã làm cho nước Pháp, nước Pháp chân chính biết rõ những việc xảy ra trong các thuộc địa. Làm cho nước Pháp hiểu rõ bọn cá mập thực dân đã lợi dụng tên tuổi và danh dự của nước Pháp để gây nên những tội ác không thể tưởng tượng được. Nó đã thức tỉnh đồng bào chúng ta nhận rõ nước Pháp, nước Pháp tự do bình đẳng và bác ái. Nhưng chúng ta còn phải làm nhiều hơn.

Chúng ta phải làm gì?

Chúng ta không thể đặt vấn đề ấy một cách máy móc. Điều đó tuỳ hoàn cảnh của mỗi dân tộc chúng ta.

Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành, tự do, độc lập.

Có lẽ một vài người trong các bạn cũng phải và có thể làm như tôi. Còn các bạn khác thì tiếp tục công việc hiện thời của chúng ta: củng cố "Hội Liên Hiệp thuộc địa" và phát triển tờ báo Người cùng khổ của chúng ta.

Các bạn thân mến,

Tôi từ giã các bạn. Tôi xa các bạn, nhưng lòng tôi luôn luôn gần các bạn.

Các bạn tha lỗi cho tôi không hôn các bạn trước khi đi. Các bạn biết rằng tôi bị theo dõi ráo riết.

Khi các bạn được thư này, Nguyễn của các bạn ít nhất cũng đã xa nước Pháp hai mươi bốn giờ rồi.

Đại, người đồng hương của tôi, sẽ giao lại cho ông B. Chìa khoá của toà báo, giấy tờ và tài liệu của Hội và của tờ báo; cũng như quỹ của tờ báo. Tôi đã trả tiền thuê nhà cho toà báo đến cuối năm. Tiền in cũng đã thanh toán. Chúng ta không mắc nợ ai. Sổ thư viện để ở trong ngăn kéo bên phải. Sách cho mượn đã lấy về, trừ những sách cho những hội viên đi nghỉ mượn.

Nói tóm lại, các việc đều đâu vào đấy trước khi tôi đi.

Tôi sẽ viết thư cho các bạn. Nhưng tôi không dám hứa với các bạn, vì không phải dễ viết thư khi người ta hoạt động bí mật. Dù tôi có viết thư cho các bạn hay không, các bạn hãy tin chắc rằng lòng tôi luôn luôn yêu các bạn. Nhờ các bạn bắt tay những người Pháp của chúng ta.

Bây giờ, một vài lời với cháu trai và cháu gái.

Các cháu rất yêu chú và chú cũng rất yêu các cháu, phải không các cháu? Chú sẽ nói với những người bạn nhỏ Việt Nam là các cháu rất ngoan. Chú sẽ thay mặt các cháu bắt tay các bạn nhỏ Việt Nam.

Có lẽ rất lâu, các cháu sẽ không được thấy chú Nguyễn, không được leo lên đùi, lên lưng chú như các cháu thường làm. Và cũng rất lâu chú sẽ không thấy cô A–lít–xơ (Alice) và cậu Pôn (Paul) của chú. Khi chú cháu mình gặp nhau, có lẽ chú đã già, các cháu đã lớn bằng ba má. Điều đó không ngại gì. Chú sẽ luôn luôn nhớ đến các cháu. Các cháu luôn luôn vẫn là cô bé A–lít–xơ và cậu bé Pôn thân yêu của chú.

Các cháu ngoan. Học thuộc bài. Vâng lời cha mẹ. Đừng đánh con chó nhỏ Ma–ri–uýt (Marius) của các cháu. Khi các cháu đã hơi lớn, các cháu sẽ đấu tranh cho Tổ quốc của các cháu cũng như ba má, chú Nguyễn và những chú khác.

Các cháu nhỏ thân yêu của chú, chú hôn các cháu rất kêu. Các cháu hôn mẹ hộ chú.

CHÚ NGUYỄN”

Bác sĩ R. Ngừng đọc.

Mọi người nhìn nhau không nói. Còn bé Pôn phá tan cảnh im lặng hỏi mẹ:

"Chú Nguyễn đi đâu hở mẹ?"

"Khi nào chú ấy trở lại hở mẹ?"

Cô bé A–lít–xơ hỏi theo.

"Chú ấy sẽ trở lại khi nào nước chú độc lập" – Bà B. Trả lời và ôm chặt lấy hai con. 
Nguồn: Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 2001. Bản điện tử do talawas thực hiện.
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=9167&rb=08