mardi 25 octobre 2011

CUỘC CHIẾN TRANH, HỒ CHÍ MINH ĐÁNH DÂN TỘC – P46


Cuộc trở về với Dân tộc
Có một chiến hữu như Nguyễn Bình cam tâm làm “viên đá của HCM ném vào Nam Bộ”, người hùng Bình Xuyên Bảy Viễn phải “dinh tê” vì biết không thể nào đứng chung trong hàng ngũ kháng chiến được. Đó là tình huống mà Thi sĩ Hoàng Phong Linh diễn tả bằng 2 câu trong bài thơ Tiếng chim bên dòng thác Champy để tưởng niệm hương hồn người em là chiến hữu Vũ Hoài tử nạn trên đường về phục quốc (Trong Thi phẩm mang cùng tên, tr. 18): “Anh không sợ kẻ thù trước mặt. Mà ngại tình “chiến hữu” sau lưng
Vì “ngại tình chiến hữu sau lưng”, nên biết bao nhiêu người yêu nước phải bỏ kháng chiến về thành, ngôn ngữ thời đó gọi là “Dinh tê”. Những câu chuyện về dinh tê thật nhiều, như nghệ sĩ Tạ Tỵ dinh tê một mình, nhạc sĩ Phạm Duy dinh tê với cả gia đình, còn Bảy Viễn thì dinh tê với trọn cả bộ đội. Trường hợp đặc biệt, giáo phận Phát Diệm của Đức Cha Lê Hữu Từ, tuy không dinh tê vì vẫn ở Phát Diệm, nhưng lập trường “Chống Cộng để trở về với Chính nghĩa Dân tộc” của giáo phận dứt khoát hơn, nhờ mưu kế tiếp vận võ khí của Cựu hoàng.
Cơ may của lịch sử là vào ngày 20-5-1948, hai vị Chủ tịch Hội đồng An dân ở Hà Nội và Huế là Đặng Hữu Chí và Trần Văn Lý vào Sài Gòn họp với Hội đồng Nam Bộ cùng các nhân sĩ thuộc các đảng phái quốc gia và các giáo phái. Hội nghị cấp thời nầy ký chung một Kiến nghị đặt tín nhiệm vào tướng Nguyễn Văn Xuân trong việc thành lập Chánh phủ Trung ương Lâm thời Việt Nam. Ngày 27-5-1948, Tân Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân trình diện nội các với Cựu hoàng Bảo Đại, lúc đó còn tạm trú ở Hồng Kông. Ngày 2-6-1948, Thủ tướng Xuân công bố quốc ca và quốc kỳ Việt Nam. Tất cả những điều thuận lợi nói trên nâng cao UY THẾ CHÍNH TRỊ CỦA CỰU HOÀNG và đưa đến việc ký Hiệp ước Hạ Long ngày 5-6-1948 trên soái hạm Duguay-Trouin giữa Thủ tướng Xuân và Cao ủy Pháp Émile Bollaert, dưới sự chứng kiến của Cựu hoàng. Sau đó Cựu hoàng qua Pháp để tranh đấu bằng đường lối ngoại giao khôn khéo với các chính đảng của Pháp và Cựu hoàng đã thành công. Ngày 8-3-1949, Tổng thống Pháp Vincent Auriol ký với Cựu hoàng Bảo Đại Hiệp ước Élysée nhìn nhận nền độc lập và thống nhất của Việt Nam. Sử liệu nầy vô cùng quan trọng, xin Dân tộc ghi nhớ kỹ: Chính vì uy thế chính trị của Cựu hoàng Bảo Đại cho nên Chính phủ Pháp dứt khoát với giải pháp HCM.
Ngày 17-6-1948, Bảy Viễn dẫn bộ đội về thành với Bản Tuyên bố lời lẽ thật đẹp như sau (Trích Việt Luận Xuân Bính T ‎‎ý 1996, bài Bình Xuyên - Bảy Viễn, tác giả Tiến sĩ Nguyễn Văn Trần):
Xét vì nạn độc tài đẫm máu đã lan tràn khắp Nam Bộ do bọn Nguyễn Bình cùng đảng Cộng sản gây nên,
Xét vì trong bao nhiêu năm tranh đấu anh dũng khắp chiến khu, toàn thể chiến sĩ Bình Xuyên, chẳng những không được nâng đỡ, lại còn bị thiệt thòi và ngược đãi về mọi phương diện vì không chịu mạng lệnh của đảng Cộng sản và nhứt là tên độc tài khát máu Nguyễn Bình,
Xét vì Bình Xuyên chỉ tranh đấu vì quyền lợi tối cao của Tổ quốc với nguyện vọng duy nhứt là giành độc lập và thống nhất cho nước nhà,
Xét vì bọn Cộng sản trong ba năm qua chỉ đưa nước nhà vào cảnh khổ sở lầm than tàn khốc,
Tôi, nhơn danh nhà lãnh đạo tối cao quân đội Liên khu Bình Xuyên kiêm Khu Bộ phó Khu 7 nước Việt Nam, tuyên bố:
Đứng lên cương quyết đối lập bọn Nguyễn Bình Cộng sản độc tài,
Nhìn nhận chánh phủ Trung ương Việt Nam,
Đặt hoàn toàn tín nhiệm nơi Hoàng đế Bảo Đại trong sự vận động độc lập và để đem lại tự do, hạnh phúc cho giống nòi.”
Tổng hành dinh, ngày 17 tháng 6 năm 1948
Nhà Lãnh đạo Liên khu Bình Xuyên,
Khu Bộ phó Khu 7 nước Việt Nam.
Lê Văn Viễn” (Chữ ký, kèm theo “tạm không mộc”)
Đọc lịch sử thì xin đọc cho trọn vẹn. Bài viết Bình Xuyên – Bảy Viễn của Tiến sĩ Nguyễn Văn Trần còn ghi thành tích kháng chiến của Bình Xuyên:“Chỉ trong năm 1947, Bình Xuyên thực hiện 42 cuộc hành quân, đánh lấy 16 đồn lính Tây, thu về được trên 200 vũ khí đủ loại, phá hủy nhiều cầu, 9 tàu bè võ trang và 4 đoàn xe công voa, bắt giữ 2 xà lúp, hạ tên xếp Tây nổi tiếng vùng Chợ Lớn, Trung úy Barazza.” Sau khi về thành, và quy tụ được đám thuộc hạ 900 người, Bảy Viễn lần lượt kiểm soát hết Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, phá vỡ mọi hệ thống đặc công và kinh tài của Việt Minh Cộng sản. Người dân chỉ đóng thuế có một mối và được bảo vệ an toàn, không còn lo sợ cán bộ kinh tài Việt Cộng đến sách nhiễu như trước kia. Một năm sau, Bảy Viễn chiếm lại toàn bộ chiến khu Rừng Sát. Trọn quốc lộ 15 từ Sài Gòn đi Vũng Tàu trở thành khu an toàn.
Cuộc dinh tê của tướng Bình Xuyên Lê Văn Viễn, xin được gọi bằng một từ chính xác là “Cuộc trở về với Dân tộc” để ngăn chận “Làn sóng đỏ”. Đó là cuộc chuyển hướng chính trị đúng đắn trọn đầy chính nghĩa bởi lẽ sau ba năm kể từ lúc cướp được chính quyền, HCM và bè đảng đã đang tâm sát hại biết bao nhiêu người quốc gia yêu nước. Chiêu bài “Kháng chiến chống Pháp” thật sự chỉ là chiêu bài, đã che giấu dã tâm của HCM thực hiện “Cuộc chiến tranh đánh Dân tộc” để phục vụ Cộng sản Đệ tam Quốc tế của Stalin.
Chỉ vì suy luận Xốt-Xít
Nhân cuộc dinh tê tức là “Cuộc trở về với Dân tộc” của Bảy Viễn, xin mời quý bạn xét qua vài cuộc dinh tê khác được chép lại trong thời Kháng chiến chống Pháp. Chúng ta có câu “Chuyện bé xé ra to” để diễn tả sự việc giống y như sách lược “Suy luận Xốt-Xít” của Việt Cộng. Chuyện kể trong một buổi kiểm thảo do học sinh tổ chức, một giáo sư bị nêu “hiện tượng” là đã cho một học sinh một điểm quá cao vì thế vị giáo sư đó bị kết tội theo lối suy luận xốt-xít. Câu chuyện do một hiệu trưởng trường Trung học kể cho tác giả Hoàng Văn Chí và ông ghi chép lại trong quyển Từ Thực dân đến Cộng sản (tr. 167).
Hiện tượng: Anh chấm bài anh X và cho anh ấy 1 điểm quá cao.
Suy luận: 1- Anh tâng bốc anh X để cốt ý gây chia rẽ giữa anh X và các học sinh khác trong lớp; 2- Học sinh đã chia rẽ thì chỉ lo cãi lộn, không chịu học hành; 3- Vì không lo học nên trình độ kém; 4- Trình độ học sinh kém thì phụ huynh học sinh không bằng lòng; 5- Họ sẽ bảo giáo dục dưới chế độ cụ Hồ không bằng giáo dục thời Pháp thuộc; 6- Họ sẽ cho rằng chế độ Thực dân tốt hơn chế độ dân chủ Cộng hòa; 7- Khi anh cho anh X một điểm quá cao, anh có dụng ý làm tay sai cho Thực dân Pháp.
Kết luận: Anh là tay sai đắc lực của T.dân Pháp và Đế quốc Mỹ. 
Thảm thương thay cho số phận các nhà giáo dưới chế độ cụ Hồ! Chính trị xốt-xít đã thô bạo chen vào ngành mô phạm khiến cho sự phê điểm của thầy có thể biến thầy thành tội đồ của Dân tộc. Tác giả Hoàng Văn Chí viết tiếp: “Những cuộc sỉ vả thầy giáo như vậy có thể nói là thường xuyên và không mấy thầy thoát khỏi. Vì vậy nên hồi năm 1950 - 51 vô số giáo sư bỏ hậu phương chạy vào thành”.
Bắt y sĩ làm công an
Các giáo sư bỏ hậu phương chạy vào thành vì không dám dạy “học sinh cụ Hồ”! Đến phiên các bác sĩ cũng bỏ cụ Hồ mà dinh tê. Câu chuyện cũ xảy ra trên 50 năm được Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên thuật lại cho Luật sư Lâm Lễ Trinh trong buổi Mạn đàm ngày 1-9-2001 tại Quận Cam (Trích Tài liệu của Làng Văn, số 248, tr.103). Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên thuật rằng vào năm 1951, trên 10 bác sĩ đã dinh tê về Hà Nội, ông viết: “Mùa hè năm đó, trong Đại hội Quân y Liên khu 3 và 4 tại Thanh Hoá, BS Chủ tịch Hoàng Đình Cầu, sau này là Thứ trưởng Y tế và Viện trưởng Y khoa Bắc Việt, dõng dạc chỉ thị: “Khi bạn vào một gia đình chăm sóc bịnh mà biết được gia đình này có tư tưởng phản cách mạng thì bạn phải tức khắc báo cho trạm công an gần nhất hay biết”.Vì không muốn tiếp tay làm “công an cho cụ Hồ”, các y sĩ có mặt trong buổi họp thoái thoát rằng hành động này trái với lời thề Hippocrate của họ khi ra trường, theo đó họ đã cam kết gạt bỏ mọi thành kiến khi chữa bịnh. Hoàng Đình Cầu liền phản pháo gay gắt: “Lời thề Hippocrate là một sự bịa đặt của tư bản phản động để gạt các anh. Như giọt nước làm tràn ly, Nguyễn Lưu Viên nhận xét về câu nói đó như thế. Tất cả y sĩ nhìn nhau ngao ngán và từ đó, trong thâm tâm, ai cũng tìm cách thoát thân.
Nhắc lại khi Nhật đảo chánh Pháp đêm 9-3-1945, thì Nguyễn Lưu Viên đang học năm thứ 5 trường thuốc Hà Nội. Ông cùng Tổng hội Sinh viên hăng hái phát động Phong trào Cứu đói. Sau đó, ông cùng một số sinh viên gốc Nam Bộ tổ chức về Nam bằng xe đạp. Lúc Nam Bộ kháng chiến ngày 23-9-1945, ông làm phụ tá cho BS Nguyễn An Trạch tại tỉnh nhà Trà Vinh (BS Trạch là con rể của Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm). Sau đó ông lại ra Bắc bằng ghe bầu từ Bà Rịa đến Tam Quan và đi tiếp bằng đường hỏa xa ra Hà Nội. Ông đang tập sự ở nhà thương Bạch Mai, chưa kịp trình luận án bác sĩ thì bùng nổ cuộc Toàn quốc Kháng chiến vào tháng chạp 1946. Ông cũng tham gia kháng chiến, từng là Quân y trưởng Trung đoàn 48 Thăng Long, sau cải tổ thành Sư đoàn 320, ông cũng là Quân y trưởng của Sư đoàn.