CUỘC CHIẾN TRANH, HỒ CHÍ MINH ĐÁNH DÂN TỘC – P18
............
Đó là lời bình rất phớt nhẹ của Irina về việc Vũ Hạnh chối bỏ bài viết của mình, lời phê bình phớt nhẹ đến nỗi tưởng chừng như nó không chạm đến ai cả. Nhưng với Nguyễn Ngọc Bích thì không. Trong lời đề bạt cho quyển Bút ký Irina (Tập 1 trang 1600), ông tung ra lời phê rất sâu sát như sau. Xin mời quý bạn đọc kỹ:
“Một bài viết như vậy, nếu Vũ Hạnh có can đảm nhận lãnh trách nhiệm của mình -- như Chân Tín đã làm, như Nguyễn Ngọc Lan cũng có can đảm xác nhận -- thì ông đã chuộc được phần nào những phản phúc mà ông đã dành cho bạn bè ông khi Cộng sản vào thành. Đằng này, ngờ đâu sau khi chị Irina đã cất công dịch sang tiếng Nga cho đăng báo Nga thì Vũ Hạnh ở nhà vội phủ nhận mình là tác giả bài báo. Để cho Hà Nội có thể ngụ ý là chị Irina đã bịa đặt ra bài báo, chứ làm gì có một bài báo như vậy. (Thành thử trong Bút ký, chị đã phải cho in phóng ảnh cả tuồng chữ của Vũ Hạnh để anh khỏi chối được mãi). Thì ra, anh không hơn gì nhân vật mô tả trong Ly Thân của Trần Mạnh Hảo, chỉ giỏi nghề đón gió -- và khi thấy gió ngược chiều thì vội vã tháo bỏ hết cả nhân phẩm của mình để lộ nguyên hình là một thằng hèn.”
Chúng ta hẳn biết chỉ có một Vũ Hạnh mà thôi, nào đâu có Vũ Hạnh thứ hai là nhân vật do chị Irina tưởng tượng ra! Trong photocopy bức thơ của Vũ Hạnh gởi cho chị Irina còn có ghi cả địa chỉ của Vũ Hạnh ở Sài Gòn kia mà, này nhé: 647 Điện Biên Phủ. Q3. Thành phố Hồ Chí Minh.Trước sau chỉ có một Vũ Hạnh đó mà thôi! Đó là Vũ Hạnh, đảng viên Việt Cộng nằm vùng ở Sài Gòn trước ngày 30-4-1975. Đến khi Việt Cộng cưỡng chiếm miền Nam, đến ngày 3-4-1976, công an Việt Cộng mở chiến dịch hốt gọn các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nghệ sĩ tự do ở Việt Nam cho vào tù và nghe đâu danh sách các văn nghệ sĩ ấy là do Vũ Hạnh thiết lập. Trong hồi ký của Tạ Tỵ, quyển Những khuôn mặt văn nghệ đã đi qua đời tôi, thì danh sách ấy do Vũ Hạnh cùng thiết lập với Sơn Nam.
Bàn về ngày bi thảm 3-4-1976, ngày mà sau nầy chính thức trở thành Ngày Văn nghệ sĩ Việt Nam, nhà văn kiêm nhà báo Trần Dạ Từ viết: “Trong những trang đen tối nhất của lịch sử văn hoá nhân loại, kể cả thời vua Tần đốt sách chôn học trò ở phương Đông, Nê Rô đốt thành La Mã ở phương Tây, Mao Trạch Đông làm Cách mạng Văn hoá ở Hoa Lục, sự bách hại nhắm riêng vào giới cầm bút và nghệ sỹ, chưa bao giờ đạt tới mức qui mô như biến cố ngày 3-4-1976 ở Việt Nam, cả về tính cách lẫn thời gian.”
Xin trở lại thời gian Vũ Hạnh nằm vùng dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa, khi được lãnh tiền nhuận bút 120 ngàn đồng (giá trị bằng 8 cây vàng) cho một quyển sách, với tiền thù lao xứng đáng như vậy, Vũ Hạnh như là người đang được ăn chiếc bánh thật mà trong lòng cứ chết mê chết mệt đeo đuổi theo chiếc bánh vẽ do Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản rêu rao từ năm 1945.
Chuyện văn nô phục vụ lâm tặc: một chỉ vàng
Việt Nam Cộng hòa đang trên đà phát triển theo cùng một nhịp với Đài Loan và Đại Hàn, thì bị bức tử vào ngày 30-4-1975. Ôi thôi rồi! Những ngày tháng năm đẹp của thế kỷ 20! Công lao tranh đấu ôn hòa của Cựu hoàng Bảo Đại (sau là Quốc trưởng) để tranh đoạt Độc lập từ trong tay Pháp! Đến Đệ nhất Cộng hòa với Tổng thống Ngô Đình Diệm và Đệ nhị Cộng hòa với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Quân Dân Cán Chính miền Nam đã chẳng những can trường chống trả bộ đội Việt Cộng ở ngoài chiến trường mà còn phải lo đón đỡ những đòn đánh lén của nhóm Việt cộng nằm vùng như Vũ Hạnh ở hậu phương! Rồi còn phải hứng chịu biết bao nhiêu điều thóa mạ trên mặt trận tuyên truyền vu khống của Việt Cộng, bị mang tiếng nào là Việt gian bán nước, bồi Tây, tay sai Mỹ Ngụy, Thiệu Kỳ ác ôn…
Những ngày tháng năm đẹp của thế kỷ 20 đã sang trang nhưng đã đi vào lịch sử như một điểm son sáng chiếu để rồi bị thay thế bằng những trang sử đen tối nhất từ đấy cho đến đầu thiên niên kỷ thứ ba và kéo dài không biết đến bao giờ! Trên những trang sử vô cùng đen tối ấy, thử xem ta có thể đọc được đôi ba dòng về cuộc sống của giới văn nghệ sĩ hay không? Đây, những dòng chữ ảm đạm tác giả Bùi Ngọc Tấn cố gắng và can đảm viết thật rõ nét cho chúng ta được đọc. Trong quyển Viết về bạn bè, tác giả Bùi Ngọc Tấn thố lộ rằng vì chưa viết được về mình thì hãy viết về những bạn văn và những nhếch nhác trần ai của họ. Có ba người bạn văn của tác giả, Đình Kính và Chu Lai là hai nhà văn quân đội và Nguyễn Quang Thân là tác giả nhiều thiên tiểu thuyết một thời làm say mê độc giả ở quốc nội. Trong cảnh nhếch nhác trần ai ấy, ba nhà văn, vì muốn có tiền, chỉ còn cách dùng văn tài của mình để đi viết thuê, tức là làm văn nô, chứ không phải viết cho mình! Bùi Ngọc Tấn viết:
“Để có tiền, nói cách khác, để sống còn, thôi thì đành gác lại những trang sách vẫn nghiền ngẫm nung nấu, những tác phẩm sẽ được viết ra bằng tim gan mình. Hãy để lại sau. Để đến bao giờ chưa biết, nhưng trước mắt là kiếm sống. Đình Kính, Chu Lai, Nguyễn Quang Thân đã phải ép mình chấp nhận viết thuê cho viên giám đốc một lâm trường quốc doanh. Dĩ nhiên, họ không thể viết theo ý mình. Họ phải vận dụng ngôn từ, chữ nghĩa, kể cả những mánh lới mang tính lưu manh, để thỏa mãn ý muốn của người thuê viết, là biến Rừng Xưa Lá Úa trở thành Rừng Xưa Xanh Lá.”
“Rừng xưa lá úa. Nhưng những con người đến cùng rừng hôm nay đã thay lá cho rừng. Không phải đất trời, sự vận động của thời tiết, của bốn mùa đã làm nên điều ấy. Mà chính là con người. Con đường mới mở trong rừng đâu phải chỉ làm bằng máy móc. Trước hết, nó được làm bằng trí tuệ, bằng tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội của những người làm việc âm thầm không cần ai biết đến... Rừng thay lá. Rừng sống lại. Rừng lại hát khúc ca hùng tráng của rừng.”
“Những cây bút viết thuê nầy biết rằng họ phải bịa, cho dù phải cúi mặt vì xấu hổ với lương tâm. Nhưng biết làm gì khác hơn khi vợ con, bố mẹ và cả chính mình còn có một thứ nợ đời phải trả. Đó là nợ áo cơm. Bằng mọi giá họ phải đáp ứng đòi hỏi của người thuê là hoàn tất cuốn sách có tên Rừng Xưa Xanh Lá trong thời hạn hai tháng được nuôi ăn, và sau khi hoàn tất được trả công mỗi người đúng một chỉ vàng như đã quy định trong hợp đồng từ lúc khởi đầu.”
Dưới ngòi bút của Bùi Ngọc Tấn thì ba bạn văn của ông phải bẻ cong ngòi bút, không phải để làm bồi bút cho đảng Cộng sản, mà còn tệ hơn nữa, là làm văn nô để viết thuê cho viên giám đốc lâm trường quốc doanh vốn là phường lâm tặc. Món tiền còm nhuận bút một chỉ vàng trả công cho mỗi một người bạn văn ấy chính là tiền tên thủ trưởng lâm tặc đã phá hoại tài nguyên của đất nước mà tư túi riêng cho mình.
Xin trở lại chuyện nhà văn Vũ Hạnh. Không cần phải chờ đến thiên niên kỷ thứ ba, để ông đọc tác phẩm Viết về bạn bè của Bùi Ngọc Tấn, ông mới biết các nhà văn sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa nghèo khổ như thế nào. Theo bài Mặt đối mặt với Nhân dân của ông viết vào năm 1990, chỉ sau ngày giải phóng 15 năm, ông đã mở mắt để thấy rõ sự thất bại của xã hội chủ nghĩa và vì ông là văn sĩ với tâm hồn dễ dàng rung cảm, nên hẳn ông cũng rất thương xót cho số phận hẩm hiu của ba nhà văn xấu số kia phải sống đọa đầy trong kiếp văn nô. Tôi thiết nghĩ chắc có nhiều độc giả cũng muốn biết số phận của Vũ Hạnh như thế nào dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, có giống như số phận hẩm hiu khốn khổ của ba bạn văn của Bùi Ngọc Tấn hay không!? Thì có khác gì với những văn nghệ sĩ và trí thức Hà Nội đã bỏ thủ đô theo Hồ Chí Minh lên Việt Bắc kháng chiến chống Pháp: kháng chiến thắng lợi, trở về thủ đô Hà Nội để thấy Dân tộc bị mất tự do dân chủ và nô lệ cho Liên Sô và Trung Quốc. Họ lại đứng lên tranh đấu bằng ngòi bút của mình trong phong trào Nhân văn Giai phẩm. Nhưng họ lại bị đàn áp khủng bố, tù đày, đói rách, khốn khổ đến mức: sự thật đã có những nhà văn viết đêm, không có một tách cà phê để uống! Đã có những thi sĩ không làm thế nào mua được dăm điếu thuốc lá trong cơn nghiện! Và đã có một kịch sĩ bán chiếc đồng hồ đeo tay của mình để bồi dưỡng viết cho xong cuốn sách, nhưng in ra không đủ tiền để chuộc chiếc đồng hồ! Còn Hữu Loan, trong căn nhà nhỏ trong đêm tối, chỉ mơ ước có một ngọn đèn dầu để thức mà viết!