mardi 25 octobre 2011

CUỘC CHIẾN TRANH, HỒ CHÍ MINH ĐÁNH DÂN TỘC – P35
...
Với bằng Brevet Elémentaire, giá trị cao hơn bằng Diplôme, ông có thể xin vào ngạch giáo sư để dạy trường công, nhưng vì chưa đủ tuổi, nên ông lại dự thi lấy học bổng để vào Ban Trung học Bổn xứ để thi bằng Brevet Supérieur. Cuối năm đó, Tạ Thu Thâu đậu phần một và phần hai, và sang năm sau là năm 1925, lúc ông được 19 tuổi, ông đậu phần ba của bằng Brevet Supérieur. Năm đó, đề thi thật khó, bao nhiêu sĩ tử, cả Pháp lẫn Nam, rơi rụng như lá mùa thu, Tạ Thu Thâu lại đậu cao. Do đó, ông Chánh chủ khảo người Pháp tên Grandjean, thạc sĩ Sử địa, thấy Thâu có tài, học giỏi, mới khuyến dụ Thâu vào làm giáo sư chánh ngạch ở Ty Giáo huấn và hứa sẽ đỡ đầu để nhập Pháp tịch cho được lương cao.
Điểm khác biệt đầu tiên giữa Hồ Chí Minh và Tạ Thu Thâu
Theo dõi cuộc đời học sinh của Tạ Thu Thâu, ta thấy có điểm lạ là Thâu nhiều lần muốn bỏ học để đi làm phụ giúp gia đình vì nhà quá nghèo. Hai lần Thâu muốn bỏ học và cả hai lần ông Hai Sóc cha Thâu dọa sẽ tự tử nếu Thâu bỏ học. Điều lạ lùng là khi Tạ Thu Thâu đã đậu bằng Brevet Supérieur, có thể làm giáo sư chánh ngạch, lại được Chánh chủ khảo Grandjean đỡ đầu vào Pháp tịch để được lương cao, thì ông lại khước từ. Tác giả Phương Lan Bùi Thế Mỹ chỉ ghi lại rằng (trang 68 sđd): “Khuyến dụ thế nào, Thâu vẫn từ chối địa vị cao lợi ấy, để tự chọn con đường cho mình đi.”   
Cuộc đời công chức thời Pháp thuộc được hưởng cao lợi với “tối rượu sâm banh sáng sữa bò” đậm đà mùi đỉnh chung không làm mềm lòng Tạ Thu Thâu, người thanh niên 19 tuổi yêu nước của tỉnh Long Xuyên. Nhưng với Hồ Chí Minh thì khác. Nhắc lại chuyện hồi năm 1911, lúc Hồ Chí Minh còn mang tên Nguyễn Tất Thành, vừa mới đặt chân lên đất Pháp thì đã nạp đơn xin học trường Thuộc địa. Vì quá ham, nên Bác đã viết hai lá đơn gởi đến hai chỗ: một gởi cho trường và một gởi cho Tổng thống Pháp! Trong đơn Bác viết sai một lỗi chính tả tiếng Pháp, đơn không được cứu xét, Bác đành phải tìm con đường tiến thân khác. Đây là điểm khác biệt đầu tiên giữa Hồ Chí Minh theo Đệ tam Quốc tế và Tạ Thu Thâu thuộc nhóm Trotskist. Hồ Chí Minh muốn tiến thân trên con đường hoạn lộ của Chế độ Pháp thuộc nhưng không được toại nguyện. Ngược lại, con đường đó mở rộng thênh thang cho Tạ Thu Thâu nhưng ông lại không vào.
Con đường Tạ Thu Thâu tự chọn cho mình là không phục vụ chính quyền Thuộc địa. Ông đi làm giáo sư dạy các trường trung học tư thục như trường Nguyễn Phan Long và trường Nguyễn Xích Hồng (sau đổi tên lại là Nguyễn Trọng Kỳ). Ông nổi tiếng là dạy giỏi nên các trường tư cố mời cho được ông giảng dạy ở trường mình.
Vào năm 1925, khi Tạ Thu Thâu thi đậu bằng Brevet Supérieur, miền Nam vô cùng sôi động. Vốn yên lặng từ mấy chục năm qua, đùng một cái phong trào ái quốc Nguyễn An Ninh nổi lên với tờ báo tiếng Pháp La Cloche fêlée (Tiếng Chuông rè) và các cuộc diễn thuyết Cao vọng Thanh niên tại Hội Khuyến học Nam Kỳ cùng với cuộc nói chuyện của Phan Châu Trinh về Luân lý và đạo đức Đông Tây và một lần khác về đề tài Quân trị dân trị. Sau đó, thêm vụ cụ Phan Bội Châu bị Pháp bắt ở Thượng Hải giải về xử tại Hà Nội. Cả nước bùng nổ một phong trào tranh đấu quyết liệt ủng hộ và xin ân xá cụ Phan. Do đó, chính quyền Thuộc địa Pháp nhượng bộ, chỉ phê chuẩn một án treo và đưa cụ an trí ở Huế.
Qua năm 1926, cụ Phan Châu Trinh từ trần. Đồng bào toàn quốc cử hành lễ truy điệu rất long trọng. Vì lễ truy điệu cụ Phan mà nảy ra phong trào học sinh và sinh viên bãi khóa suốt từ Nam chí Bắc. Người Pháp phản ứng vụng về nên nhiều sinh viên đã bỏ học để tìm cách xuất ngoại tham gia phong trào cách mạng ở Tàu, ở Pháp, ở Nga.
Đến năm 1927, lại xảy ra biến cố bãi khóa ở Huế. Nguyên do có một giáo sư người Pháp dạy trường Quốc học ở Huế, trong lúc la rầy một học sinh, lại chửi mắng cả Dân tộc và nhục mạ cụ Phan Bội Châu, lúc đó đang bị an trí tại Huế. Cuộc bãi khóa phản đối vị giáo sư kỳ thị chủng tộc này có tầm rộng lớn lôi cuốn học sinh hai trường khác ở Huế là trường Đồng Khánh và trường Pellerin. Nhân vụ này cũng có một số học sinh bỏ trường tìm đường xuất ngoại để tham gia cách mạng kháng chiến chống Pháp.
Từ 1925 đến 1927, Tạ Thu Thâu vừa dạy học ở các trường tư thục ở Sài Gòn, vừa đọc sách nghiên cứu và âm thầm hoạt động với nhiều anh em đồng chí. Vốn ngưỡng mộ Thánh Gandhi bên Ấn Độ với phong trào The Young India, Tạ Thu Thâu âm thầm tổ chức một đảng thanh niên lấy tên là Đảng Jeune Annam. Đảng Jeune Annam ra đời, Thâu nắm ban tổ chức, với thành phần thanh niên yêu nước bồng bột như Trịnh Hưng Ngẫu, Nguyễn Văn Số, Bùi Công Trừng, Hà Huy Giáp, Nguyễn Khánh Toàn, Trần Ngọc Danh, v.v... Theo gương Nguyễn An Ninh đã sáng lập tờ “Tiếng Chuông rè”, Đảng Jeune Annam của Tạ Thu Thâu thành lập báo Nhà quê cũng là tờ báo tiếng Pháp, cũng theo đường lối của Nguyễn An Ninh, chỉ trích mạnh, hô hào nhiều. Càng nói mạnh, càng chỉ trích, báo càng bị tịch thu và bị bắt bớ nhiều, vì thế chỉ ra có mấy số là hết vốn, phải ngưng xuất bản (trang 80 sđd).
Sau đó, Tạ Thu Thâu tìm cách xuất ngoại sang Pháp du học. Tác giả Phương Lan, trong chương Đại bàng tung cánh tường thuật như sau (trang 84 sđd): “Tạ Thu Thâu nhờ dạy kèm con cho những ông nhà giàu, họ cảm đức độ, tài học Thâu, nên họ nhờ Thâu làm người hướng dẫn, giám hộ, dìu dắt, trông nom con họ du học theo Thâu. Họ tín nhiệm Thâu, giao gần 20 đứa trẻ, cho Thâu đưa đi Pháp học. Tất nhiên sở phí đi về, ăn học, họ phải chung nhau đài thọ cho Thâu, để Thâu nhận trách nhiệm lo lắng, dạy dỗ con họ khi ở đất khách quê người.
Đến Pháp, Tạ Thu Thâu lo chỗ ăn chỗ học cho gần 20 học sinh đó, rồi mới lên Paris tìm gặp Nguyễn Thế Truyền, mà Thâu được biết tên lúc còn ở trong nước khi đọc qua những bài báo đầy tâm huyết của ông. Tạ Thu Thâu có ghi tên học chứng chỉ Toán đại cương. Ngoài giờ học, Thâu thường đến bàn luận chánh trị với Nguyễn Thế Truyền, một già một trẻ rất là tương đắc.
Người mang biệt danh “Nguyễn Văn Marx”
Theo tác giả Phương Lan Bùi Thế Mỹ, Nguyễn Thế Truyền đã theo đảng Cộng sản, nhưng nhận rõ chủ nghĩa đó không đúng sở thích và đường lối của người Việt Nam, nên Truyền ly khai, tách ra lập Việt Nam Độc lập đảng, viết tắt là P.A.I theo tiếng Pháp “Parti Annamite de l’Indépendance” (trang 90 sđd). Đến khi Nguyễn Thế Truyền về nước hoạt động cùng với Nguyễn An Ninh, ông mới bàn giao VNĐL đảng lại cho Tạ Thu Thâu lãnh đạo. Thâu lại được Hội Tiếp rước Du học sinh Việt Nam biết tiếng, nghe danh, mới mời Thâu làm đại diện cho hội tại Paris. Thâu bị cuốn hút vào chính trị cho nên bỏ học. Thâu đọc nhiều, nghe diễn thuyết nhiều, tranh luận nhiều nên rất nổi tiếng ở Paris. Có câu chuyện Thâu đến dự thính ở diễn đàn Madeleine, Paris, khoảng đầu năm 1930 (trang 120 sđd), Thâu đứng lên chất vấn nhiều vấn đề, làm cho diễn giả là nhà văn Jean Guéhenno khó trả lời thông suốt. Sự lúng túng, trả lời không chính xác của diễn giả, do những câu hỏi hóc búa của Thâu, làm cho các bạn bè Thâu hết sức ngạc nhiên, không ngờ Thâu đã thấm nhuần chủ nghĩa Marx một cách tinh vi, sâu đậm đến thế. Do đó, Thâu nổi tiếng với biệt danh là “Nguyễn Văn Marx” trong giới du học sinh, nhà văn, nhà báo và chính trị gia. Một nhà báo tên tuổi là Luc Durtain cũng đã viết về Thâu là “Nguyễn Văn Marx” trong quyển sách của ông nhan đề Dieu blanc, homme jaune. Càng lậm vào chủ nghĩa Marx, Thâu càng đả phá lý thuyết Marx. Tác giả Phương Lan đã viết về Tạ Thu Thâu và lý thuyết Marx như sau (trang 123 sđd):