mardi 25 octobre 2011

CUỘC CHIẾN TRANH, HỒ CHÍ MINH ĐÁNH DÂN TỘC – P54

Ông Petrus Trương Vĩnh Ký sanh ngày 6-12-1837 tại Cái Mơn thuộc tỉnh Trà Vinh ngày xưa. Ông nổi tiếng thần đồng từ thuở nhỏ. Năm 11 tuổi, ông được đưa đi học ở Chủng viện Pinhalu, gần thủ đô Nam Vang. Ông là chủng sinh nhỏ nhất, nhưng lại thay thầy thông dịch bài giảng tiếng La tinh sang tiếng Nhựt, tiếng Tàu, tiếng Thái cho các bạn học. Một năm sau, ông nói thêm được tiếng Lào, tiếng Miên, và tiếng Ấn độ. Ông đỗ đầu lớp và được đưa đi học ở chủng viện Penang, Mã Lai. Ở chủng viện Penang, ông cũng nêu cao tên tuổi người Việt. Trong khóa học nầy gồm 300 chủng sinh khắp châu Á, ông đã đỗ thủ khoa. Trong cuộc thi viết về 3 đề tài tôn giáo, văn chương, và khoa học bằng tiếng La tinh, ông cũng đoạt giải nhất và được Toàn quyền Penang thưởng 100 bảng Anh. Ông Petrus Trương Vĩnh Ký đã nêu danh thật rạng rỡ xứng với câu “Mang chuông đi đánh xứ người” không hổ danh là người nước Nam. Khi học xong, ông về nước với 11 thùng sách gồm đủ loại triết, sử, địa, khoa học, ngôn ngữ, văn chương, tôn giáo… Ông cũng đã mang về nước những hạt giống các loại cây ăn trái như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, và bòn bon mà sau nầy đã nuôi sống biết bao “nhà vườn” ở đất Nam Kỳ Lục Tỉnh.
Chuyện ông Bùi Viện. Tác giả thi sĩ Huy Lực Bùi Tiến Khôi trong bài Ông Cao tổ của chúng tôi: Bùi Viện (do Nguyệt san Tự do Nhân bản, số 36 ngày 1-12-1988 tr. 95) đã viết như sau. Ông Bùi Viện sinh năm 1839 tại Thái Bình, Bắc Việt, đỗ cử nhân năm 1868 dưới triều vua Tự Đức. Trong chiến dịch dẹp loạn Cờ Vàng, Cờ Trắng, Cờ Đen, nhờ chiến thuật tấn công chớp nhoáng trong chức Tham tán quân vụ, ông đã giúp Hình bộ Thượng thư Lê Tuân tiễu trừ bọn giặc đem lại an ninh cho lãnh thổ Bắc Phần. Nhờ chiến công này, ông được cử đi mở mang cửa biển Ninh Hải, và ông đã biến làng đánh cá nghèo nàn Ninh Hải trở thành hải cảng phồn thịnh Hải Phòng ngày nay.
Ông lại được vua Tự Đức cử đi sang Hoa Kỳ 2 lần vào năm 1873 và 1875 để vận động với chánh phủ Hoa Kỳ để xin viện trợ chống Pháp xâm lăng. Lần đầu vì không mang quốc thư của vua, lần thứ nhì ông trở lại với quốc thư, nhưng chính sách Hoa Kỳ đã thay đổi. Trong 2 chuyến công du đó, ông đã thu thập những điều tiến bộ và đệ trình vua Tự Đức những Bản Điều trần để canh tân xứ sở. Năm 1876, vua Tự Đức phong ông chức Chánh Quản đốc Nha Tuần tải và Thương chính. Trong thời gian ngắn, ông xây dựng được lực lượng tuần dương hùng hậu gồm 200 chiến thuyền lớn và 2000 thủy quân được huấn luyện thiện chiến để tiễu trừ bọn giặc biển, bảo đảm an ninh cho thương thuyền, và thiết lập một hệ thống thương điếm ở khắp các tỉnh ven biển. Nhờ vậy việc thương mãi được phồn thịnh phát đạt.
Ông Ngô Đình Khả cũng là người tiếp nhận rất sớm nền học thuật Tây phương. Ông chánh quán Đại Phong, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, miền Trung Việt Nam. Sinh trưởng trong một gia đình nho phong, ông được hấp thụ một cách thâm sâu nền nho học Khổng Mạnh, sau đó học thêm tiếng Pháp và cổ ngữ La tinh ở chủng viện. Ông lại được chọn đưa qua học ở Tổng chủng viện của Hội Thừa sai Paris tại đảo Pinang, Mã Lai. Nơi đây, ông đã tiếp xúc với chủng sinh các nước Tàu, Nhật, Thái… Vào thời đó, ông là một học giả hiếm có thông suốt hai nền văn hóa Đông Tây lại thêm những hiểu biết và kinh nghiệm về tình hình thế giới qua những năm du học. Năm Thành Thái thứ 8, tức là 1896, trường Quốc học được thành lập ở Huế. Ông Ngô Đình Khả được nhà vua giao phó điều khiển trường trong chức vụ Chưởng giáo (tức là Hiệu trưởng bây giờ). Ông giữ chức Chưởng giáo được 2 năm thì vua Thành Thái, nhà vua trẻ lúc đó 20 tuổi, vì mến phục tài đức và lòng cương trực của ông và cũng vì muốn dễ dàng tiếp xúc với ông, nên phong ông làm Thượng thư Phụ đạo Đại thần. Cho đến nay, Đất nước trải qua lắm cuộc bể dâu, nhưng với truyền thống tôn sư trọng đạo, Dân tộc sẽ mãi ghi nhớ Ngô Đình Khả là vị Hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường trung học cố cựu nhất nhì ở Cố đô Huế của nước Việt Nam theo tân học. Lẽ nào chúng ta lại không tôn vinh ông!?
Liên Xô, thiên đường giả dổm của HCM
Có rất nhiều người thiết tha với tiền đồ Dân tộc cứ mãi hối tiếc giá mà Trường Thuộc địa của Pháp ở Paris thu nhận Nguyễn Tất Thành làm học viên để ông trở thành viên chức Thuộc địa Đông Dương và nhất là Đảng Cộng sản Pháp không tặng cho Nguyễn Ái Quốc 1000 quan để ông làm lộ phí đi Mạc Tư Khoa dự Đại hội lần thứ nhất Quốc tế Nông dân (Krestintern) và dự Đại hội V của Đệ tam Quốc tế (Komintern), và còn biết bao điều hối tiếc khác nữa… Nhưng lịch sử khắc nghiệt lại không chìu lòng người Quốc gia yêu nước! HCM với tiếm danh Nguyễn Ái Quốc đã có phương tiện đến Liên Xô để chuyên tâm học nghề làm Cộng sản, học chủ nghĩa Mác Lê, học nghề tình báo cùng những phương pháp xách động chính trị, v.v… ở Đại học Phương Đông, trường Lenin và Học viện Stalin!
HCM đã đến Liên Xô cả thảy ba lần, lần đầu 1923-1924, lần hai 1927-1928, và lần thứ ba 1934-1938. Lần sau cùng, ông lưu lại đó hơn 4 năm. Khoảng thời gian 4 năm đó cũng nằm trong đối tượng nghiên cứu của tác giả Sheila Fitzpatrick trong quyển Everyday Stalinism (tạm dịch Cảnh thường ngày dưới chế độ Stalin). Bà Sheila là giáo sư giảng dạy môn sử hiện đại nước Nga ở Đại học Chicago. Là học giả uyên thâm có thẩm quyền về sử nước Nga trong giai đoạn đó, bà còn là tác giả quyển Cuộc Cách mạng của Nga, những nông dân của Stalin (The Russian Revolution, Stalin’s Peasants) và nhiều bài và sách khác nữa viết về nước Nga. Hãy xem xã hội Nga tệ hại như thế nào và HCM đã học hỏi được gì trong một xã hội thối nát như vậy! Trước hết xin đọc lại Lời giới thiệu của Lão tướng Đệ tứ Hoàng Khoa Khôi viết cho quyển Cuộc Cách mạng đã bị phản bội của Trotsky (Xem lại Chương 6: HCM, Con vẹt của Stalin). Ở đây, xin chép lại ít nhiều: “Để thiết lập nền độc tài một đảng, quyền lực một lãnh tụ, Stalin và đẳng cấp quan liêu đã thi hành luật lệ và các biện pháp thu hẹp quyền dân chủ. Thanh niên bị tước đoạt quyền dân chủ. Trí thức, văn nghệ sĩ bị bịt mồm, bịt miệng. Dân chúng bị kiểm soát từng lời nói, ‎‎ý nghĩ, việc làm. Xã hội đầy rẫy những kẻ nịnh hót, tham ô, đầu cơ, trục lợi. Bọn hãnh tiến ngoi lên. Người trung thực bị trù dập. Đảng và nhà nước lựa chọn những người đại diện cho mình không lựa chọn theo khả năng mọi người mà chỉ dựa trên một tiêu chuẩn duy nhất: trung thành với Stalin và trung thành với Đảng. Kết cục: chỉ lựa chọn một lũ người cơ hội và giả dối”.   
Về mặt chính trị, đó là một xã hội không có tự do dân chủ như trên đã diễn tả. Về mặt xã hội, trong quyển Cảnh thường ngày dưới chế độ Stalin dầy 288 tr., Sheila đã diễn tả một xã hội đốn mạt, đầy thói hư tật xấu như sau (tr. 40): “Thời Nga Xô Viết trong thập niên 1930, người dân cố gắng sống bình thường trong thời đại bất bình thường, một thời đại quái lạ đến phi thường. Đó là một xã hội mà những từ “mua, bán” đã biến mất trong ngôn ngữ hàng ngày. Thí dụ: Một người con nói với mẹ: “Mẹ ơi, hôm nay con chụp được một ổ bánh mì!”. Một người khoe với bạn: “May quá! Tao vừa vớ được một gói đường!” Hoặc là: “Sáng hôm qua tao xớt được một t í bơ!” Có khi phải sắp hàng suốt đêm trước cửa hàng mậu dịch, để sáng hôm sau tới giờ mở cửa, mới giật được một cái áo! Người dân đi ngoài đường luôn mang theo một giỏ lưới, khi gặp thiên hạ sắp hàng chờ mua thì vội đứng nối đuôi, hỏi thăm người đứng trước: “Họ liệng ra, họ quăng ra, họ tống ra cái thứ gì vậy?”.
Trong kho tàng thần thoại nước Nga ngày xưa có chuyện “Chiếc khăn trải bàn mầu nhiệm”. Chiếc khăn ấy có phép mầu nên mỗi khi trải khăn lên bàn, lập tức món ngon vật lạ cùng rượu qu ý hiện ra như yến tiệc linh đình đúng theo ý muốn của chủ nhân. Đó là chuyện cổ tích đời xưa. Nhưng đến thời xã hội chủ nghĩa Liên Xô, chúa tể Stalin đã ban phát cho các Quan chức đỏ, những đàn em của ông, mỗi người được một “Khăn trải bàn mầu nhiệm” như vậy (Chương 4, tr.89 sđd). Ý sử gia Sheila muốn nói đến những đặc quyền đặc lợi mà Stalin đã ban phát cho phe đảng, làm cho hố cách biệt giàu nghèo càng sâu thêm và phá nát tinh thần dân chủ và bình đẳng của Cách mạng Tháng Mười! Hãy xem dưới thời Stalin, những “kolkhozniks” (tiếng Nga là “nông dân”) đối phó ra sao với bánh mì là món ăn quan trọng hàng ngày. Xin trích dẫn (tr.43 sđd): “Từ thị trấn Penza, một người mẹ thư cho con gái: “Chuyện bánh mì ở đây thật hỗn loạn quá sức. Nông dân phải ngủ hàng trăm hàng ngàn ngoài cửa hàng suốt đêm, có người ở thật xa 200 cây số cũng mò tới, thật không thể diễn tả nổi. Trời lạnh dưới không độ, có bảy người ôm bánh mì về nhà mà chết cóng dọc đường”. Trong nhật k ý của một công nhân ở Urals: “Muốn có bánh mì bạn phải sắp hàng lúc 1 hay 2 giờ khuya, đôi khi còn sớm hơn thế nữa, và rồi phải đứng đó chờ 12 tiếng đồng hồ”. Năm 1940, ở thị trấn Alma-Ata, có bản tường trình của CA rằng: “Trước các cửa hàng bánh mì, người ta sắp hàng dài khủng khiếp trọn cả ngày và trọn cả đêm nữa. Bao giờ cũng nghe tiếng la hét, cãi cọ, than khóc. Ấu đả luôn luôn xảy ra!”   
Đó là một xã hội không tạo được hạnh phúc cho từng gia đình nên “số vợ chồng ly dị xảy ra nhiều đến độ thành cơn dịch, Dịch ly dị (tr.139 sđd), và vì gặp cơn khan hiếm nhà cửa, nên có những cặp vợ chồng đã ly dị rồi mà phải ép lòng chia nhau sống chung trong căn phòng cũ. Do đó mà đấm đá luôn xảy ra!” Tác giả Sheila viết thêm (tr. 151 sđd): “Vì gia đình tan nát, nên số trẻ em bụi đời phạm pháp tăng quá nhanh đến mức báo động, gây tệ nạn xã hội trầm trọng. Klim Voroshilov, Ủy viên Chính trị Bộ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, đã báo động như vậy và đặt câu hỏi: “Tôi không hiểu tại sao chúng ta không bắn bỏ những đứa du thủ du thực đó đi cho rồi! Chúng ta đâu có cần phải chờ cho chúng lớn lên thành những tướng cướp nguy hiểm!” Stalin đã nhất trí với Voroshilov và đã ban hành sắc luật ngày 7-4-1935 cho phép xử trẻ em 12 tuổi như người lớn! Như thế, chúng ta phải hiểu trẻ em vị thành niên mà phạm tội thì cũng có thể bị tử hình y như những người trưởng thành!”. Đấy, lòng ưu ái của Stalin đối với nhi đồng Liên Xô!
Bất cứ người Nga nào sống qua thập niên 1930 đều có những ký ức hãi hùng về giày: nào đi mua sắm giày, nào mang giày đi sửa hay tự sửa tại nhà, hay bị mất giày! Tác giả Sheila tường thuật (tr. 45): “Do sự sát hại hàng loạt trâu bò trong thời gian tập thể hoá nông nghiệp cho nên da đóng giày khan hiếm. Năm 1931, nhà nước ra lịnh cấm tư nhân, tức là những thợ khéo, không cho họ chế tạo giày. Nhân dân phải mua giày của công ty nhà nước. Mua được giày đã là vất vả rồi, phẩm chất giày lại xấu, có khi giày mới mang lần đầu đã bị bung! Có tờ trình của Mật vụ NKVD: “Tại một cửa hàng mậu dịch ở khu trung tâm Leningrad, số người chờ mua giày quá đông đến 6000 người làm tắt nghẽn giao thông và kính cửa hàng bị đập vỡ!”
Giày người lớn đã thế, chuyện giày trẻ con còn tệ hại hơn nhiều! Trong sách của Sheila (tr. 138) có một bức hí họa nội dung rất “hàm súc”. Bức hí họa vẽ cảnh “một người cha đang đi đôi giày “há mồm lòi hàng đinh lởm chởm” dẫn đứa con đi chân đất. Dọc đường gặp bạn, người cha chỉ chiếc giày há mồm của mình và phân trần: “Đấy, đi mòn cả ba đôi rồi đấy, mà cũng không tìm đâu ra giày cho thằng bé!”   
Bạn đọc thân mến ơi, chuyện “Thiên đường Xã hội chủ nghĩa của Liên Xô” ra sao thì ra, thế nào thì thế, mặc kệ họ, đó là chuyện của người Nga, can chi đến người Việt mình, chúng ta đâu có cần đếm xỉa tới! Nhưng khốn thay! “Cha già Dân tộc HCM” đã sống trên đất Nga nhiều năm, “đã đi hết biển, và khi trở về cố hương “làm việc”, đã dùng miệng lưỡi Trần Dân Tiên rao bán “Món hàng Thiên đường Xã hội chủ nghĩa của Liên Xô” cho Dân tộc. Đây, lời rao hàng của “Bác”, miệng lưỡi của “Cha già Dân tộc” (sách Trần Dân Tiên, tác giả Minh Võ trích lại trong HCM, Nhận định tổng hợp, tr. 167):
“Lúc mới đẻ, mỗi đứa trẻ (ở Liên Xô) được giúp tiền may quần áo, được uống sữa lọc trong chín tháng không mất tiền. Mỗi tuần thầy thuốc đến thăm nhiều lần… Những đứa trẻ ngoài chín tháng có thể gửi ở những vườn trẻ, có thầy thuốc chăm sóc… Có thể gửi trẻ vào vườn cho đến tám tuổi. Đến tám tuổi, trẻ em bắt đầu đi học. Học sinh mỗi buổi sáng được một bữa ăn uống không mất tiền. Ngoài trường học thì có đội thiếu nhi chăm sóc các em… Nói tóm lại, cái gì tốt nhất đều để dành cho trẻ em. Nếu nước Nga chưa phải là thiên đường cho tất cả mọi người thì nước Nga đã là thiên đường của trẻ con…”
Như thế, HCM đã rao bán món hàng “Thiên đường Xã hội chủ nghĩa Liên Xô” cho quá nhiều người! Nhưng đó chỉ là hàng giả! HCM đã dối gạt cả Dân tộc, dối gạt cả thế giới, dối gạt cả những văn nô thân cận nhất của mình! Trong sách Quốc văn Giáo khoa thư lớp Sơ đẳng ngày xưa (tức là Lớp Ba trường Cấp một bây giờ) có truyện Anh Nói Khoác mà người viết thấy cần phải chép lại nguyên văn với hy vọng nối được nhịp cầu thông cảm giữa những người thuộc lớp tuổi của Vũ Thư Hiên, Bùi Diễm, hay Nguyễn Chí Thiện với những bạn đọc thế hệ trẻ sau nầy. Các bạn trẻ ơi, câu chuyện Anh Nói Khoác trong sách xưa như sau:
“Tí và Sửu đi qua một đám ruộng bí. Tí chợt trông thấy quả bí to, nói rằng: “Chà! Quả bí đâu mà to như thế kia!” Sửu có tính hay nói khoác, cười mà bảo rằng: “Thế đã lấy gì làm to. Tôi đã từng thấy những quả bí to hơn nhiều. Có một bận, thật mắt tôi trông thấy một quả bí to bằng cả một cái nhà ở trước mặt ta kia kìa”. Tí nói: “Thế đã lấy gì làm lạ. Tôi còn nhớ một bận tôi trông thấy cái xanh đồng (tức là nồi đồng) to vừa bằng cả cái đình làng ta ấy”. Sửu hỏi: “Cái xanh ấy dùng để làm gì mà to quá như thế?”—“À, bác không biết à! Cái xanh ấy dùng để luộc quả bí của bác vừa nói ấy mà”. “Sửu biết Tí chế nhạo mình, mới nói lảng ra chuyện khác”. “Nói điều gì phải cho đúng với sự thật, chớ nên bịa đặt ra mà người ta chê cười”.