mardi 25 octobre 2011

 CUỘC CHIẾN TRANH, HỒ CHÍ MINH ĐÁNH DÂN TỘC – P12


...
Một ngôi trường khác cho Nguyễn Tất Thành
Như một thám tử tài ba điều tra và tìm ra thủ phạm của một vụ án giết người mà từ lâu đã bị lấp khuất, kẻ sát nhân bị lôi ra trước công lý để đền tội, và người thám tử được vinh danh. Việc tìm ra lá đơn xin nhập học trường Thuộc địa sai lỗi chính tả của Hồ Chí Minh viết hồi năm 1911 cũng được ví von như vậy. Đó là do công khảo cứu của 2 nhà sử học Nguyễn Thế Anh và Vũ Ngự Chiêu ngày 2-2-1983, và 2 người đã viết chung trong quyển Một ngôi trường khác cho Nguyễn Tất Thành.
Trong thời gian thật dài là 72 năm (từ 1911 đến 1983), lá đơn sai lỗi chính tả ấy đã nằm yên trong Văn khố của Bộ Hải ngoại Pháp quốc mà không ai biết. Tưởng rằng không ai biết, nên Bác mới tha hồ khoác lác tự đề cao rằng mình “xuất dương để tìm đường cứu nước”. Đảng cũng không biết vị Chủ tịch Đảng của mình đã từng nạp đơn để xin học trường Thuộc địa, nên mới tha hồ chưởi bới bôi lọ rằng “trường chỉ là nơi đào tạo những tên Việt gian phản động, những tên chuyên làm tay sai cho Thực dân Pháp”. Thật đúng là Chủ tịch thì gian xảo, còn Đảng thì giỏi nghề chưởi bới. Chủ nào, Đảng nấy! Thật rất đúng!
Tên Paul Thành và Paul Tatthanh
Ông vẫn làm việc dưới tàu, rày đây mai đó, khi đi Anh lúc sang Mỹ. Sau đó không lâu, ông viết thư cho Khâm sứ ở Trung kỳ để xin ban cho cha ông một việc làm như thừa biện ở các bộ hay chức huấn đạo và một thư khác xin Khâm sứ chuyển mandat 15 đồng bạc Đông Dương cho cha mình vì cha ông không thể nhận mandat trực tiếp được. Những bức thơ nầy ông đề tên Paul ThànhPaul Tatthanh. Lần nầy, ông lại ghép thêm tên Paul vào tên khai sanh của mình cho có vẻ giống Pháp, vì đấy là mốt rất thời thượng vào thuở đó. Và ông lại viết 2 chữ Tất và Thành dính lại thành 1 chữ Tatthanh theo kiểu ngôn ngữ đa âm của tiếng Pháp.
Bút danh Nguyễn Ái Quốc của ai?
Về tên Nguyễn Ái Quốc thì có nhiều nghi vấn. Trong quyển Nhà Cách mạng Tạ Thu Thâu 1906-1945 của tác giả Phương Lan Bùi Thế Mỹ (trang 87) thì tờ báo viết bằng chữ Pháp Le Paria có nghĩa là Người cùng đinh do đảng Cộng sản Pháp xuất vốn và do Nguyễn Thế Truyền hợp tác trông nom. Nguyễn Thế Truyền, người tỉnh Nam Định, có bằng kỹ sư hóa học, ở Pháp rất lâu, có vợ đầm, có hai cô con gái đặt tên là Trưng Trắc và Trưng Nhị để kỷ niệm tên hai vị nữ anh hùng Việt Nam. Ông là một đảng viên kỳ cựu trong đảng Cộng sản Pháp (trang 89 sđd). Dù là kỹ sư hóa học, nhưng không dùng bằng cấp sống với nghề nầy, trái lại Truyền lại đi theo con đường chính trị, viết báo hô hào binh vực quyền lợi người dân Việt Nam bị Pháp áp chế. Theo bà Phương Lan Bùi Thế Mỹ (bà viết lại theo lời kể của Tạ Thu Thâu, vì bà cùng nhà cách mạng Tạ Thu Thâu là người đồng hương ở tỉnh Long Xuyên và giữa hai người có giao tình nghĩa huynh nghĩa muội rất đậm đà) thì ban biên tập tờ Le Paria như sau:
“Trong nhóm của Truyền, có nhiều cây viết mạnh như Truyền, đồng ký tên chung trong mục xã thuyết là Nguyen Le Patriote tức là Nguyễn Ái Quốc, mà nhiều người cho đó là của một mình Nguyễn Tất Thành, tức là Hồ Chí Minh sau nầy. Nhưng sự thật do nhiều người đảm nhận, thay nhau viết, như Hoàng Quang Giụ, một chiến sĩ làm phụ tá cho Truyền, Hoàng Quang Bích, Văn Thu, Nguyễn Như Phong, Nguyễn Văn Tự v.v... Nhiều người viết cho một mục chung, chớ chẳng phải bút tự riêng cho một cá nhơn nào cả”.
Tác giả Phạm Quang Trình, trong quyển Chiến đấu (tr. 275), cũng đặt nghi vấn tương tự: “Có điều lạ là trong thời kỳ này, nhiều bút tích ký tên là Nguyễn Ái Quấc (lối nói của người miền Nam) chứ không phải là Quốc như lối nói của người miền Bắc và miền Trung (bản in ghi là Quốc khác với bút tích là Quấc), vậy phải chăng có hai hay một nhóm người dùng tên Nguyễn Ái Quốc mà sau này ông Hồ cố ý cầm nhầm chăng?”
Theo Phương Lan Bùi Thế Mỹ, thì quyển Kết án Thực dân Pháp (Le Procès de la Colonisation Française) do Nguyễn Thế Truyền là tác giả bán rất chạy ở Việt Nam cũng như ở Pháp (trang 90 sđd). Phạm Quang Trình cũng đặt nghi vấn về tác giả của bản văn đó như sau: “Bản án Chế độ Thực dân Pháp là tập tài liệu tố cáo chính sách đàn áp bóc lột của Thực dân Pháp đối với các Dân tộc thuộc địa ở châu Phi và ở Đông Dương, trong đó có xứ An Nam. HCMTT/Tập 2 (tức là quyển Hồ Chí Minh Toàn tập) viết rằng Bản án Chế độ Thực dân Pháp được in lần đầu năm 1925 ở Paris bằng Pháp ngữ, do Nguyễn Thế Truyền đề tựa”.Tác giả Phạm Quang Trình cho rằng trong thời gian này ông Hồ đang hoạt động ở Nga, và từ lâu, nhiều nhân vật hoạt động cũng như dư luận đều cho rằng tài liệu này do một nhóm người hoạt động ở Pháp, chủ chốt là Phan Văn Trường và Nguyễn Thế Truyền cùng một số nhân vật khác ký tên chung là Nguyễn Ái Quấc hay Nguyễn Ái Quốc. Khi sang Nga làm việc cho ban Phương Đông, ông Hồ đã lấy tên Nguyễn Ái Quốc làm tên riêng của mình và sau này cầm nhầm luôn tài liệu đó, tự cho mình làtác giả. Dư luận này đã được nhiều người chú ý và cho là khả tín.
Trong tác phẩm Chân tướng Hồ Chí Minh (trang 47), Giáo sư Cao Thế Dung cũng nhận xét về sự việc mạo nhận bút danh Nguyễn Ái Quốc như sau: “Nhóm Nguyễn Ái Quốc với cái tên chung xuất hiện trên một số báo như L’Humanité, Le Libertaire, La Vie Ouvrière cũng đều do Phan Văn Trường hay Nguyễn Thế Truyền viết. Ông Hồ cũng nhìn nhận khả năng tiếng Pháp học trò của ông, nhưng Hồ đã lanh tay lấy tên Nguyễn Ái Quốc lúc bấy giờ đã nổi tiếng trên báo L‘Humanité của đảng Cộng sản Pháp và với tên này, Hồ đi vào cộng đồng Cộng sản và Thiên tả Pháp. Hồ được Nguyễn Thế Truyền giới thiệu với các đồng chí của ông trong đảng Xã hội và từ đảng Xã hội, Hồ qua đảng Cộng sản Pháp. Sự kiện minh chính rất rõ rệt, không có Luật sư Phan Văn Trường và Kỹ sư Nguyễn Thế Truyền thì không có Nguyễn Ái Quốc. Cái danh Nguyễn Ái Quốc và Bản án Thực dân Pháp là sản phẩm của Phan và Nguyễn. Ông Hồ chỉ là một thứ chầu rìa văn chương”.
Vào thời gian đó, cũng có những bài mang bút danh Nguyễn Ố Pháp, nhưng tính quá khích nầy bị Jacques Doriot của đảng Cộng sản Pháp trách cứ.       
Hồ Chí Minh mang giả danh Nguyễn Ái Quốc cũng giống y như trong thơ ngụ ngôn có chuyện cáo đội lốt hùm để vay mượn oai vệ của chúa tể sơn lâm. Cho đến ngày 19-8-1945, khi đảng Cộng sản cướp chính quyền ở Hà Nội, thì toàn quốc không ai biết nhân vật Hồ Chí Minh là ai! Chính Cựu hoàng Bảo Đại lúc đó ở Huế cũng không biết, ngài bèn hỏi Phạm Khắc Hoè. Hoè cũng không biết, bèn đi hỏi Tôn Quang Phiệt và Đào Duy Anh, thì cả 2 vị nầy cũng không biết. Vào lúc đó, Vũ Văn Hiền vừa mới từ Hà Nội về mới cho biết Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc. Khi Cựu hoàng biết Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc thì Cựu hoàng mới nói: “Nếu quả người cầm đầu Việt Minh là Thánh Nguyễn Ái Quốc, thì trẫm sẵn sàng thoái vị ngay”. Đó là lời thuật của Phạm Khắc Hòe (Bài viết chung trong quyển Chín Chúa mười ba Vua, tác giả Tôn Thất Bình, trang 158).
Một nhân chứng ở Hà Nội là bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ cũng nhận xét về ý đồ dùng tên giả của Hồ Chí Minh như sau (Trích Hồi ký Nguyễn Xuân Chữ, tr. 327): “Tuy nhiên, xét kỹ thì một người đã mượn họ tên khác đặt vào mình trong một địa vị cao quý nhất của một nước, người ấy ắt có một tâm địa tráo trở. Vì lẽ gì đã phải giấu tên thực với quốc dân, với quốc tế? Những ngày đầu của chính quyền Việt Minh, trên mặt các báo có thấy nói đến tên Nguyễn Ái Quốc. Nhưng dụng ý là úp mở cho biết Hồ Chí Minh ngày nay tức là Nguyễn Ái Quốc trước”
Cụ Hồ Chí Minh thật là ai ?
Nhưng biệt danh Hồ Chí Minh lại cũng không phải là tên cúng cơm của Bác. Trong quyển Anh thư nước Việt từ lập quốc đến hiện đại, tác giả Phương Lan viết về một vị anh thư tham gia cách mạng vào đầu thế kỷ 20 là bà Ngô Thị Khôn Nghi như sau (tr. 238 sđd): “Bà Ngô Thị Khôn Nghi, con gái cụ Ngô Quảng, một nhà Tiền bối cách mạng, một tướng lãnh xuất sắc trong nghĩa quân Cần Vương và Quang Phục ở làng Tam Đa, tổng Vạn Trình, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Bao phen vào sanh ra tử, qua nhiều lần thất bại, cụ Ngô Quảng phải bôn tẩu qua Xiêm rồi thất lộc ở đó. Cụ qua Xiêm đặng một năm, thì cụ có được hai người con, một trai một gái. Chị gái tức là Khôn Nghi, em trai tên Ngô Chính Học, được đoàn thể cách mạng đem sang Tàu cả hai”.
Trong cái chương của sách đã dẫn, tác giả Phương Lan cẩn thận đặt phụ đề là Ngô Thị Khôn Nghi, vợ cụ Hồ Chí Minh thật và viết tiếp: “Bà Khôn Nghi qua Tàu cũng vào trường học, sau đó kết duyên cùng cụ Hồ Học Lãm. Bao nhiêu năm cụ Lãm hoạt động cách mạng VN, ở Tàu bao nhiêu năm thì bà Khôn Nghi cùng hoạt động cách mạng ở bên cạnh chồng và nhiều đồng chí khác. Nhóm làm cách mạng VN ở Tàu, không ai không biết gia đình này, từ người quốc gia cho tới người Cộng sản.”
Cụ Hồ Chí Minh thật đó, tức là Hồ Học Lãm, là con của Án sát Hồ Bá Ôn, người đã hy sinh như một Liệt sĩ Dân tộc vì đã chiến đấu đến cùng khi Pháp đánh thành Nam Định năm 1883. Hồ Học Lãm tham gia phong trào Đông Du và Duy Tân do Phan Bội Châu lãnh đạo, sang Nhật du học rồi trở về Tàu, gia nhập Quân đội Trung Hoa QDĐ, mang quân hàm trung tá, là thành viên sáng lập VNCMĐMH năm 1936. Khi Hồ Học Lãm qua đời, thì nhân vật Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc xử dụng ba chứng minh thư của Hồ Học Lãm mang tên Hồ Chí Minh để che giấu tông tích Cộng sản của mình, để tiện việc di chuyển trên đất Tàu, và chiếm luôn tên Hồ Chí Minh (vì vào lúc đó, Trung Hoa Dân quốc dưới quyền Tổng thống Tưởng Giới Thạch đã từ bỏ chính sách Liên Nga Dung Cộng nên không chấp nhận Cộng sản).
Đến bây giờ, chúng ta đã biết Hồ Chí Minh thật là Hồ Học Lãm, con của Án sát Hồ Bá Ôn, còn Hồ Chí Minh giả là con của Phó Bảng Nguyễn Sinh Huy tên Nguyễn Sinh Cung, sau đổi lại là Nguyễn Tất Thành. Biết là biết vậy thôi, nhưng giả đã biến thành thật quá lâu rồi, cho nên ta cứ đọc và hiểu rằng Nguyễn Sinh Cung là Nguyễn Tất Thành, là Nguyễn Ái Quốc, là Hồ Chí Minh, là là là... biết bao giả danh khác nữa! Nhưng biết là biết vậy thôi, cũng chưa đủ. Khi biết có hai Hồ Chí Minh, thì phải biết thêm một án mạng, nạn nhân là con gái Hồ Học Lãm, tức con của cụ Hồ Chí Minh thật. Chuyện do tác giả Nguyễn Thái Hoàng ghi chép trong bài Chân dung Hồ Chí Minh qua bài vè dân gian (Bài viết tại Hà Nội tháng 3-2006, Bán tuần báo Việt Luận đăng tải trong số 2052 ngày 17-3-2006), nguyên văn như sau: “Khi con gái ông Lãm phát hiện ra, làm ầm ĩ trước cửa Phủ Chủ tịch (Hà Nội) vào năm 1946, thì không biết Bác sai bảo ra sao mà trên đường bà này về thăm quê ở Thanh Hóa đã bị thủ tiêu bí mật”!
Bây giờ ta cứ xem những tên giả của Hồ Chí Minh như là những phép biến hóa thất thập nhị huyền công của Tôn Ngộ Không để tạo Hồ Chí Minh thành một con người muôn mặt, khi ẩn khi hiện, với hành tung kỳ bí như một nhân vật trong thần thoại. Vì thế cho nên, vào năm 1967 khi Oliver Todd, nhà văn và nhà báo Pháp, gặp Nguyễn Khắc Viện ở Hà Nội, thì Viện khoe với Oliver Todd rằng: “Bác Hồ của chúng tôi là huyền thoại sáng lập huyền thoại”. Khi nói như vậy, thì Viện chỉ làm bổn phận như một con vẹt lặp lại lời chủ, bởi vì trước đó 5 năm, vào tháng 7 năm 1962, trong cuộc phỏng vấn của Bernard Fall, chính Hồ Chí Minh đã thú nhận rằng mình là “một ông già thường thích thêu dệt một chút huyền thoại cho cuộc đời mình”.
Vào giữa năm 1923, với tư cách đảng viên đảng Cộng sản Pháp và mang tên Nguyễn Ái Quốc, ông Hồ được đảng cử đi dự Đại hội V của Đệ tam Quốc tế (Komintern) và được cấp 1000 quan làm lộ phí (vào thời đó là một số tiền lớn, một sinh viên có thể sống trong 5 tháng). Sau một thời gian ngắn tạm trú ở Đức, Hồ Chí Minh được tổ chức làm cho một giấy thông hành để đi Mạc Tư Khoa với tên Chen Vang, trong giấy ghi ngày sinh là 15-2-1895.