mercredi 19 octobre 2011

Đảng Cộng Sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào CS Quốc Tế (16)
 

Thời kỳ biến động lớn thứ ba: "Prestroika" và sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới .

Gián tiếp công nhận sự thất bại của những cải cách nửa vời trước đây, ngày 28.2.1990, XVTCLX lại tán thành một dự luật mới về ruộng đất, trong đó dự tính cho người dân có quyền nhận mảnh ruộng đất để "sử dụng suốt đời và có thể thừa kế", nhưng không được bán, không được cho thuê. Ruộng đất đó sẽ do các xô-viết địa phương cấp. Khó khăn chủ yếu là: về pháp lý ruộng đất thuộc về nhà nước, nhưng về thực tế lại không thuộc về nhà nước, vì ruộng đất đã chuyển giao cho các nông trang tập thể và nông trường quốc doanh "sử dụng vĩnh viễn". Vì thế cho nên các nông trang tập thể và nông trường quốc doanh có muốn giao lại cho "người cá thể" hay không là thuộc quyền của họ. Nông dân không tin cả dự luật này nữạ
Khiếp sợ bị tước mất quyền nắm giữ "nền kinh tế chỉ huy tập trung", Gorbachev cứ loay hoay mãi với việc "perestroika" công nghiệp, nông nghiệp một cách chắp vá, nửa vời và... vô vọng như vậy, trong lúc đó nền kinh tế khủng hoảng đã đến cao điểm. Gorbachev và ban lãnh đạo cộng sản nhất mực gạt bỏ bao nhiêu kiến nghị đúng đắn của nhiều chuyên gia kinh tế nổi tiếng của Liên Xô, như Shmeliev, Shatalin, v.v... không cho đụng đến vấn đề giá cả và sợ thị trường bung ra... Trong những năm 1988-1991, nền kinh tế Liên Xô hầu như suy sụp, nạn khan hiếm hàng hóa đã trở nên "toàn bộ" (total). "Không thể sống như thế này được nữa!" đã trở thành lời cửa miệng của dân chúng cả nước... Thay vì tiến hành cải cách kinh tế Gorbachev và CTÐ TƯ ÐCSLX lại quyết định đổi tiền có tính chất ăn cướp vào cuối tháng 1.1991: nhà nước không cho lưu hành đồng 50 và 100 rúp nữa, dân chúng bắt buộc phải đổi tiền trong thời hạn mấy ngày và chỉ được đổi 1000 rúp thôi. Số tiền còn lại thế là mất! Mà trước đó, khi phát lương cho công nhân, viên chức thì nhà nước lại đưa loại tiền có giá trị lớn! Người ta giải thích rằng làm thế để giáng một đòn vào bọn mafia và đầu cơ. Ðó là điều dối trá, bịp bợm, vì bọn mafia, bọn đầu cơ từ lâu không còn tích lũy rúp nữa rồi mà chỉ tích lũy vàng và đô la thôi. Kỳ thật đòn này chủ yếu đánh vào nhân dân, tước đoạt trắng trợn tiền của dân thường. Khốn khổ nhất là những người sống bằng tiền hưu, họ phải xếp hàng mấy ngày liền, chen lấn, xô đẩy nhau để được đổi 1000 rúp, nhiều người bất tỉnh, thậm chí bị nhồi máu cơ tim chết tại chỗ đổi tiền. Người viết bài này hồi đó đã về hưu nên cũng "được" nếm mùi chính sách thất nhân tâm đó của tập đoàn thống trị cộng sản Liên Xô. Ðúng là "tiếng kêu dậy đất", lòng căm phẫn lên cao độ!
Xin nói qua về "glasnost". Như đã nói trên, khi mới lên cầm quyền bính đất nước, Gorbachev thậm chí không thừa nhận có "khủng hoảng" ở Liên Xô. Nhưng giới báo chí và các nhà kinh tế vẫn nói đến khủng hoảng, người ta đòi hỏi được công khai, tự do phát hiện vấn đề cho đảng thấy, coi đó là quyền tham gia sinh hoạt của đất nước. Trong tình thế đó, tại một cuộc gặp mặt các nhà báo xô-viết, Gorbachev phải nói đến "glasnost". Chữ đó buột ra khỏi miệng tổng bí thư thì các nhà báo nắm lấy từ đó, quảng bá rầm rộ, do đó mở đầu thời đại "glasnost" ở Liên Xô và nhiều nước "xã hội chủ nghĩa".
"Glasnost" có từ căn "glas" là "tiếng nói", "giọng nói". Từ "glasnost" được dùng dưới thời cải cách của Nga hoàng Alexandre II vào những năm 60 thế kỷ 19 với nghĩa "đòi hỏi được công khai, được tham gia sinh hoạt đất nước". Từ này Lenin và Stalin cũng đã dùng, nhưng dưới thời Gorbachev nó là một đòi hỏi đối với cơ quan nhà nước phải công khai hóa việc nước để dân chúng được tham gia sinh hoạt đất nước, cho nên nó mang sắc thái đấu tranh dân chủ.
Sau khi nắm chức vị tổng bí thư, Gorbachev đặc biệt quan tâm đến việc đề cao uy tín của mình, vì thế ông cố tranh thủ cảm tình của giới ưu tú (élite) trong xã hội. Ðiều này thì chẳng có gì mới lạ, trước đây Stalin cũng làm như thế. Chẳng hạn, khi vừa lên cầm quyền, Stalin đã kiên trì lôi kéo nhà văn Maxime Gorky trở về nước. Nhà văn đã bị Lenin buộc rời khỏi nước Nga hồi mùa thu năm 1921 để đến sống lưu vong ở đảo Kapri (Ý) sau khi ông phê phán vài mặt trong đường lối chính trị của đảng bolshevik. Và hồi năm 1928, khi nhà văn trở về sau cuộc lưu vong bắt buộc bảy năm trời thì đó là thắng lợi to lớn của Stalin. Từ đó, ngôi nhà và biệt thự mùa hè của Gorky trở thành nơi gặp gỡ của Stalin với các giới nhà văn, điện ảnh và sân khấu. Ðể tác động mạnh đến giới ưu tú, Stalin thường dùng các cuộc gặp riêng hoặc gọi điện thoại với các nhân vật nổi tiếng có ảnh hưởng lớn, như với nhà đạo diễn S. Eizenshtein, nhà văn Pasternak và Bulgakov... Khi mới lên cầm quyền, Gorbachev cũng đang cần một hành động có tiếng vang lớn với giới ưu tú trong và ngoài nước, và ông đã học kinh nghiệm của Stalin. Hồi đó, các chính phủ Hoa Kỳ, Anh, Pháp và nhiều nước khác, cũng như công luận trên thế giới và trong nước đang mạnh mẽ đòi trả tự do cho viện sĩ Andrei Sakharov bị lưu đày vô thời hạn ở thành phố Gorky. Gorbachev suy tính dù muốn hay không cũng không thể giam giữ Sakharov mãi, nhất là sau vụ tuyệt thực dài ngày của viện sĩ, nhưng làm thế nào để việc trả tự do có được tiếng vang lớn. Thế là ngày 22.12.1986, Gorbachev quyết định gọi điện cho Sakharov ở Gorky và đề nghị viện sĩ quay trở lại công tác khoa học ở Moskva. Quả vậy, sau cú điện thoại đó uy tín của Gorbachev cả ngoài nước lẫn trong nước đều lên cao.
Vào thời gian này thì "glasnost" đã lan rất mạnh. Gorbachev và ban lãnh đạo cộng sản rất e ngại, luôn luôn cố đóng khung "glasnost" trong mức độ cho phép, nhưng họ không thể ngăn cản nổi đà tiến của "glasnost" được nữa. Các nhà báo, nhà văn dân chủ cầm cờ "glasnost" đi tiên phong. Trên báo chí cả loại chính trị xã hội, văn học nghệ thuật lẫn loại khoa học nhân văn, khoa học kỹ thuật... đều đua nhau phơi bày "những vết trắng" (tiếng Nga nghĩa là những vấn đề bị che giấu) của lịch sử, đua nhau bàn luận về những vấn đề của đất nước. Những tờ báo và nhà xuất bản nào càng thể hiện được "glasnost" bao nhiêu, thì càng được dư luận xã hội ủng hộ mạnh mẽ bấy nhiêu. Sự ủng hộ này biểu hiện ở số lượng phát hành. Chiếm kỷ lục là tờ tuần báo "Argumenty i fakty" (AiF - Luận chứng và sự kiện) năm 1979 phát hành chỉ có 10 ngàn số, đến đầu năm 1989 tăng lên 22,5 triệu số, đầu năm 1990 - trên 30 triệu số. Tờ "Trud" (Lao động), nhật báo của hội đồng các công đoàn Liên Xô - 20 triệu số. Những tạp chí có khuynh hướng dân chủ được coi là "hải đăng của glasnost" như "Ogoniok" (Ngọn lửa nhỏ), "Moskovskie Novosti" (Tin tức Moskva), "Novyi Mir" (Thế giới mới), "Znamya" (Ngọn cờ) dẫn đầu về số lượng đặt mua. Ngay cả báo chí và các nhà xuất bản của ÐCSLX cũng phải chạy đua "đổi mới tư duy", để có được số lượng phát hành cao. Còn các "Samizdat" (Tự xuất bản) lúc này phát triển khá mạnh đã tranh thủ thời cơ tung ra thị trường nhiều tác phẩm bấy lâu bị cấm... Thế là trên thị trường sách báo xuất hiện tác phẩm bị cấm chẳng những của các nhà văn, nhà chính trị trong nước, như A.Platonov, M.Bulgakov, B.Pasternak, V.Grossman, N.Bukharin, L.Trotsky..., mà cả của các nhà văn ngoài nước, như Artur Kestler, Georges Orwell... nữa.
Hoảng sợ trước phong trào dân chủ, từ năm 1987, trong các hội nghị của TƯ ÐCSLX đã vang lên tiếng nói đòi "lập lại trật tự" (nói thẳng là bóp nghẹt tự do) trong ngành báo chí và xuất bản. Gorbachev và ban lãnh đạo ÐCSLX lại thực hiện những bước thụt lùi: đóng cửa tờ "Glasnost" "bất hợp pháp" của nhà tranh đấu cho nhân quyền Grigoryans, bắt giam ông này và một số nhà báo "bất hợp pháp" khác, rồi ăn cướp tên của tờ báo vừa bị đóng cửa để ra tờ "Glasnost" của ÐCS; cuối năm 1988, ÐCSLX ra quyết định hạn chế số lượng báo chí được đặt mua để giảm bớt ảnh hưởng của những tờ đi tiên phong trong cuộc vận động dân chủ. Bị dân chúng phản đối kịch liệt, cuối cùng ÐCS lại phải hủy bỏ quyết định đó. Cũng trong thời gian này, đạo luật về mít tinh và biểu tình được công bố, trong đó có nhiều điều khoản hạn chế, dân chúng lại phản đối và dần dần phớt lờ những điều khoản đó. Ngày 23.10.1989, HÐBTLX ra nghị định cấm tổ chức hợp tác xã xuất bản, nhưng khi đó phong trào dân chủ lên mạnh rồi thì hầu như không còn ai quan tâm đến nghị định đó nữa. Báo chí, các cơ quan truyền thanh và truyền hình cũng như các dân biểu và các tổ chức dân chủ còn phải đấu tranh khó khăn lắm thì đến năm 1990 Luật về báo chí mới được ban hành, lần đầu tiên chính thức thừa nhận quyền tự do báo chí. Ðó là thắng lợi rất lớn của phong trào dân chủ ở Liên Xô.
Năm 1989, Gorbachev có lần đã bất bình tuyên bố: "Trong một số cuộc tranh luận, người ta đã nêu vấn đề dường như cái khung xã hội chủ nghĩa đối với "perestroika" là hẹp. Người ta ngấm ngầm đưa ra tư tưởng về đa nguyên chính trị, về đa đảng và thậm chí về quyền sở hữu tư nhân nữa". Bất chấp sự chống cự của ban lãnh đạo ÐCS, những tư tưởng đó vẫn thâm nhập vào ý thức xã hội để trở thành sức mạnh lớn đẩy lùi từng bước các thế lực bảo thủ trong ÐCSLX. Khi điều kiện cho phép, các tổ chức dân chủ, báo chí, các nhà trí thức và dân biểu dân chủ đã đồng loạt đòi xóa bỏ điều 6 trong Hiến pháp Liên Xô quy định vai trò lãnh đạo độc tôn của ÐCSLX. Dư luận quần chúng hưởng ứng nhiệt liệt đòi hỏi này. Gorbachev và BCT TƯ ÐCSLX họp bàn nhiều lần, trước đây Gorbachev đã có lần mập mờ nói sẽ xóa bỏ điều 6 , nhưng lần này ông và BCT TƯ lại quyết định bảo vệ đến cùng điều 6 bằng... "kế hoãn binh". Ngày 20.11.1989, Gorbachev nói trong cuộc họp BCT: "Ðành phải chiến đấu giữ cho được điều 6 của Hiến pháp. Phải giữ quan điểm: đó không phải là vấn đề cứu hỏa, không phải là tình trạng đặc biệt..." (xem: APRF. Bản ghi chép phiên họp BCT ngày 20.11.1989. Tờ 409). Hai tuần sau BCT lại bàn "kế hoãn binh". Gorbachev nói: "... chúng ta sẽ nói tại Ðại hội 2 các dân biểu Liên Xô rằng: "Sắp đến đại hội đảng. Tại đó chúng ta sẽ bàn và đưa ra đề nghị sau" (Như trên. Bản ghi chép phiên họp BCT ngày 8.12.1989. Tờ 529). Ở đây nổi bật con người Gorbachev: nói thì hay ho nhưng không làm. Khi thấy rằng vấn đề điều 6 của Hiến pháp trước sau rồi cũng phải xóa bỏ, BCT TƯ ÐCSLX đã ra nghị quyết đặc biệt "Về một số biện pháp bảo đảm về mặt pháp lý cho sinh hoạt và hoạt động của đảng". Như vậy là ÐCS và giai cấp nomenklatura đã phòng xa, họ lo trước phải làm sao bảo đảm lâu dài về mặt vật chất cho ÐCS và cho họ trong tương lai. Theo nghị quyết đó, nhiều cơ sở có tính chất của toàn dân, như nhà in, kho lưu trữ, thư viện, nhà an dưỡng... bây giờ làm lại thủ tục để chuyển thành tài sản của đảng. Trong đó có nói mơ hồ đến hoạt động tài chính của đảng (xem: SKHSD - Trung tâm bảo quản tài liệu hiện đại. Biên bản phiên họp BCT 87 ngày 28.5.1990. Tờ 1-5). Chính ở đây là nguồn gốc của vấn đề bí ẩn gọi là "tiền của đảng" mà chính phủ dân chủ của Nga sau này không thể nào moi ra được, mặc dù ai cũng biết ÐCSLX đã đánh cắp một số tiền lớn của nhân dân để tuồn ra nước ngoài. Do đó, cho đến nay, ÐCS Liên bang Nga là tổ chức chính trị giàu có nhất ở Nga.