mercredi 19 octobre 2011

Đảng Cộng Sản Việt Nam Qua Những Biến Động Trong Phong Trào Cộng Sản Quốc Tế . (8)


6. Xin nói thêm một chuyện "lèm nhèm" tương tự nữa: cái gọi là phong trào Xô-viết Nghê.-Tĩnh. Nếu nói đúng sự thật thì trong cuộc nổi dậy mạnh mẽ và dũng cảm của nông dân hồi tháng 8 - 9 năm 1930, không một nơi nào ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã lập ra xô-viết cả. Hồi đó, ở một số vùng nông dân nổi dậy, hào lý sợ hãi bỏ chạy, dân làng cử vài người đứng ra lo một vài việc ở xã thôn, và tùy nơi gọi đó là "xã bộ", "xã bộ nông", "thôn bộ", "thôn bộ nông" hoặc không gọi tên gì cả. Thế nhưng khi được tin nông dân nổi dậy ở Nghê.-Tĩnh, Nguyễn Ái Quốc đã vội vã báo cáo hồi tháng 11 năm đó cho QTCS và Quốc tế Nông dân (một tổ chức quần chúng "hữu danh vô thực" của QTCS) là: "Hiện nay ở một số làng đỏ, Xô-viết nông dân đã được thành lập". Từ đó, cái tên Xô-viết Nghê.-Tĩnh được tung ra và trở thành "lịch sử": sau này, ban lãnh đạo ÐCSVN cố nói lấy được là ở Nghê.-Tĩnh đã có các xô-viết, đã có phong trào Xô-viết Nghê.-Tĩnh. Trong lúc đó, chính những người viết sử của đảng đã phải thừa nhận trên giấy trắng mực đen như sau: "về chủ trương thành lập chính quyền Xô-viết thì hồi đó không đồng chí nào nhận được chỉ thị hoặc nghe phổ biến" và "khi xã bộ nông đã nắm quyền hành ở nông thôn mà vẫn chưa có quan niệm rõ là ta đã giành được chính quyền". Ðiều đó nói lên gì? Một là, ngay ở Nghê.-Tĩnh không đâu có chủ trương hay ý định lập chính quyền, chứ nói gì đến chính quyền xô-viết; hai là, chính ÐCSVN cũng không có chủ trương lập chính quyền xô-viết; và ba là, đảng viên và dân chúng ở các địa phương đó không hề có ai biết "xô-viết" là cái gì cả. Thế mà... úm ba la... lại "có" các "xô-viết"! Lại "có" phong trào "Xô-viết Nghê.-Tĩnh"! Những người viết sử đảng buộc phải xác nhận những điều thực tế nói trên trong sách "Xô-viết Nghê.-Tĩnh", lại cố gượng gạo giải thích: "Ðảng đã xác nhận rằng ở Nghê.-Tĩnh đã có chính quyền Xô-viết là căn cứ vào sự hoạt động và những chức năng của chính quyền ấy" (những câu trong ngoặc kép của cả đoạn này đều trích từ sách: "Xô-viết Nghê.-Tĩnh". Hà Nội, 1962, tr. 11, 92-93). Ðó là kiểu ngụy biện, nói lấy được muôn thuở của những người cộng sản. Thử hỏi: thế thì vì sao sau này chính quyền do ÐCS lập ra cũng có "sự hoạt động và những chức năng" đúng như vậy lại không gọi là xô-viết?
Trong việc này có thể có hai khả năng. Hoặc là hồi đó, thấy QTCS đang đề ra nhiệm vụ trước mắt cho các ÐCS là "xô-viết hóa các nước", nên Nguyễn Ái Quốc báo cáo như thế để làm đẹp lòng cấp trên. Hoặc là cán bộ QTCS gợi ý cho Nguyễn Ái Quốc báo cáo như thế để cổ động các nước khác theo gương lập ra các xô-viết. Khả năng đầu nhiều hơn, nhưng dù khả năng nào đi nữa thì đó cũng là sự lừa dối lịch sử.
Trong cuộc nổi dậy của nông dân Nghê.-Tĩnh, lần đầu tiên trong lịch sử, những người cộng sản Việt Nam ở vùng này đã hé ra cho mọi người thấy rõ bộ mặt thật của "chuyên chính vô sản" qua những chính sách và hành động ác liệt của họ, như "Trí, Phú, Ðịa, Hào, đào tận gốc, trốc tận rễ"... Ðối tượng hàng đầu bị "đánh" là trí thức, mà trí thức ở làng xã Nghệ Tĩnh hồi đó là những ai thì độc giả có thể hình dung được, thiết tưởng không cần phải kể ra.
Nói cho công bằng, khởi đầu chỉ có vài cuộc đấu tranh tự phát, sau đó một vài người trong Kỳ bộ Trung Kỳ, chứ không phải cả Kỳ bộ, mới chủ trương phát động cuộc nổi dậy phiêu lưu này. Thường vụ Trung ương ÐCSVN ở trong nước do Trần Phú làm tổng bí thư thì hoàn toàn không hay biết gì hết về chủ trương này. Thường vụ Trung ương bị đặt trước "việc đã rồi", rất bị động, đã phê phán mạnh mẽ tính chất manh động, tả khuynh của phong trào Nghê.-Tĩnh và rất bực mình vì sự báo cáo vội vã của Nguyễn Ái Quốc với QTCS. Ðây là một trong nhiều việc khác thúc đẩy Trung ương ÐCS ở trong nước, một thời gian sau đó, đã gửi thư lên BCH QTCS nói lên sự bất bình của mình đối với Nguyễn Ái Quốc. Người viết bài này đã được đọc nguyên văn bức thư đó tại kho lưu trữ của QTCS (nay là RSKHIDNI). Ðây là nội dung một đoạn: ... "Liên lạc. Xin các đồng chí hãy viết trực tiếp cho chúng tôi, vì rằng khi Quốc (tức là Nguyễn Ái Quốc - NMC) truyền đạt thì anh ta nói quá vắn tắt và đôi khi anh ta đưa ý kiến riêng của cá nhân vào mà không xin ý kiến các đồng chí, và cũng không báo cho các đồng chí biết, dù anh ta chỉ là liên lạc viên thôi. Chúng tôi cũng viết trực tiếp cho các đồng chí. Vì sao Quốc lại cứ liên lạc với TƯ và Bắc Kỳ bộ, ở đâu anh ta cũng ra mệnh lệnh, ở đâu anh ta cũng đòi báo cáo. Tình trạng như thế làm cho chúng tôi cực kỳ khó khăn (trong nguyên văn là "khó khăn khủng khiếp" - NMC). Thậm chí các đồng chí ở các Kỳ bộ hỏi chúng tôi: "Ai lãnh đạo chúng tôi, TƯ hay là Quốc?" Chúng tôi hy vọng rằng từ nay về sau, về các vấn đề có liên quan đến đảng chúng tôi, các đồng chí sẽ liên lạc trực tiếp với TƯ và các đồng chí sẽ giải thích cho Quốc rằng tình trạng đã xảy ra vừa qua là không bình thường. Nếu Kỳ bộ phải làm báo cáo cho khắp nơi và nhận mệnh lệnh và chỉ thị từ khắp nơi, thì như vậy chúng tôi sẽ rất khó khăn trong việc cung cấp tình hình chính xác cho các đồng chí và điều đó đặc biệt gây ra nhiều khó khăn cho sự lãnh đạo của TƯ đối với toàn thể bộ máy của mình. Chúng tôi yêu cầu các đồng chí giải thích ngay cho Quốc trách nhiệm của anh ta là ở việc gì, và đòi anh ta phải chuyển giao cho các đồng chí tất cả những gì anh ta nhận từ chúng tôi (báo, truyền đơn, thông tri, v.v...). Từ nay trở đi, chúng tôi sẽ gửi trực tiếp đến các đồng chí những báo cáo và thư từ bằng tiếng Pháp, còn Quốc thì chỉ có nhiệm vụ chuyển lại các đồng chí mà không cần phải giữ lại ở chỗ anh ta và tự mình nghiên cứu"... Ðể bạn đọc thấy rõ vấn đề, người viết cố ý trích dịch từ nguyên bản đoạn có liên quan đến Nguyễn Ái Quốc trong thư của TƯ ÐCS Ðông Dương đề ngày 2.7.1931, viết bằng tiếng Nga và tiếng Pháp, có ghi chữ Tối mật, hiện lưu giữ tại RSKHIDNI ở Kho 495, Bảng kê 154, Hồ sơ 463, toàn văn bức thư ở trang 147-156, riêng đoạn đã dẫn trên đây do chúng tôi dịch ở trang 156. Có thể tin chắc rằng hồi đó, Trung ương ÐCSVN ở trong nước đã nắm được "tính cách" Nguyễn Ái Quốc cũng như "động cơ" của việc ông Nguyễn vội vã báo cáo với QTCS về các "xô- viết" tưởng tượng.
7. Với thực chất đảng-hội kín của những kẻ âm mưu, ÐCSVN đặt ra một thứ kỷ luật sắt vô cùng nghiêm ngặt theo đúng tinh thần của Stalin. Nhiều người mới vào ÐCS thường không hiểu được vì sao lại gọi là "kỷ luật sắt"? Hồi năm1929, đại hội Việt Nam cách mạng thanh niên đồng chí hội (sau này xin viết tắt là Ðồng chí hội), tổ chức cộng sản đầu tiên ở Việt Nam tự đặt cho mình nhiệm vụ "chỉ huy cách mạng Việt Nam... lập vô sản chuyên chính, làm cho cách mạng thế giới chóng thành", đã quy định hình thức "kỷ luật sắt" xử tử đối với các đảng viên phạm một trong những tội như: theo địch, làm hại đến an toàn của đồng chí, cố ý làm sai chỉ thị, mưu phá hoại hội, cố ý làm lộ bí mật (xem: "Lịch sử cận đại Việt Nam". Hà Nội 1963, t.4, tr.204). Ðiều đó chắc ít đảng viên cộng sản ngày nay được biết, cũng như không mấy ai được biết về những vụ xử án tử hình của tổ chức cộng sản đầu tiên ấy ở Việt Nam. Chẳng hạn, "vụ giết người ở đường Barbier, Sài Gòn" (nay là đường Lý Trần Quán, thuộc phường Tân Ðịnh, quận 1) hồi năm 1929 mà nạn nhân là một người lãnh đạo Kỳ bộ Nam Kỳ của Ðồng chí hội bí danh là Lang đã bị Kỳ bộ xử bí mật tuyên án tử hình vì tội "đã cưỡng ép nữ đồng chí Trần Thị Nhất bí danh là Lê Oanh 18 tuổi". Các tội phạm trong vụ giết người này là Tôn Ðức Thắng, Phạm Văn Ðồng, Nguyễn Kim Cương, Nguyễn Duy Trinh, v.v... đã bị Tòa án đại hình Sài Gòn kết án nặng ngày18.7.1930 (tài liệu sưu tầm của nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến). Hồi tháng 4.1994, người viết cũng đã được đọc về vụ án này trên một tài liệu gửi đến QTCS nhan đề "Từ bản cáo trạng của Tổng công tố Sài Gòn chống những bị cáo của vụ án ở đường Barbier" tại RSKHIDNI ở Kho 495, Bảng kê 154, Hồ sơ 564, trang 62-72, trong đó có đưa ra một chi tiết đáng nói ở đây: người bị giết tên là Tan Ðức Toang (vì phiên âm từ tiếng Nga nên chúng tôi không rõ họ Trần hay Tân và tên Toáng hay gì khác), người này đã đánh Tôn Ðức Thắng, nên bị đuổi ra khỏi đảng, sau đó anh ta lập ra tổ chức biệt phái Nam Kỳ Công hội (nếu dịch theo sát tiếng Nga là Liên hiệp nghiệp đoàn Nam Kỳ). Ðó là lý do bị giết. Cũng trên tài liệu này có ghi dòng chữ khó hiểu này: "có chú thích của M (?) - chúng tôi cho rằng cải chính điều bịa đặt của ông công tố về việc phân liệt là thừa". Dù nhìn dưới khía cạnh nào thì vụ án giết người này cũng đã xảy ra thật và những người phạm tội cũng là những con người có thật.
Nói cho công bằng thì QTCS đã gửi thư phê phán hình thức kỷ luật tử hình (thành văn) ấy trong điều lệ của Ðồng chí hội. Phê phán thì phê phán, nhưng thật ra, ngay trong ÐCS bolshevik Nga/Liên Xô thậm chí khi đã nắm quyền rồi mà hình thức kỷ luật tử hình (bất thành văn) ấy vẫn còn được áp dụng: hàng nhiều thập niên dưới thời Stalin, hàng triệu cán bộ, đảng viên đã bị hành quyết chỉ vì cái "tội" bất đồng chính kiến hoặc phê bình "lãnh tụ" hoặc chẳng có tội gì cả! Thế thì sự phê phán đó của QTCS còn có nghĩa lý gì? Chính vì thế, ở Việt Nam, trong thời kỳ ÐCS còn hoạt động bí mật đã có nhiều đảng viên chỉ vì bị lãnh đạo nghi ngờ mà bị đảng thủ tiêu. Còn trong thời kỳ ÐCS đã nắm chính quyền thì những đảng viên bất đồng chính kiến với lãnh đạo đều bị lãnh đạo "chấm dứt sinh mệnh chính trị", còn vợ con, anh em, bà con, bè bạn đều bị vạ lây. Ðó là chưa nói đến sự bắt bớ, giam cầm, tra tấn, hành hạ, quản chế, tù tội, có người chết trong tù ngục, có người chết khi bị tù tại gia. Ngoại trừ đảng phát xít và ÐCS, không một chính đảng nào với tư cách là một tổ chức xã hội trong thế giới văn minh này mà có một thứ "kỷ luật sắt" như thế. Kỷ luật sắt đó là một lưỡi gươm Damocles lơ lửng treo trên đầu mọi người bắt họ phải tuyệt đối phục tùng kẻ thống tri..
8. Là một "hội kín của những kẻ âm mưu" hoạt động trong điều kiện cực kỳ khó khăn dưới chế độ thực dân, cố nhiên, ÐCS phải coi trọng nguyên tắc bí mật để bảo vệ mình và thực hiện được ý đồ cướp chính quyền. Ðó là điều đương nhiên. Thế nhưng, khi đảng đã cướp được chính quyền rồi, nguyên tắc bí mật chẳng những không giảm bớt mà lại càng tăng cường thêm, phạm vi giữ bí mật càng rộng thêm, đối tượng giữ bí mật càng nhiều lên, các đề tài giữ bí mật được liệt kê ngày một dài ra. Ngay trong ÐCS, một chế độ giữ bí mật được "quy chế hóa" rất chặt chẽ, cực kỳ tinh vi đến nỗi chẳng những dân chúng mà cả cán bộ đảng viên cũng bị tước mất quyền được thông tin khách quan và chính xác. Có thể nói, nguyên tắc giữ bí mật trong ÐCS được thực hiện theo "chế độ khoanh vòng". Vấn đề này chỉ có vài người trong BCT được biết (vòng 1), vấn đề kia chỉ BCT được biết (vòng 2), vấn đề nọ không phổ biến ra ngoài TƯ (vòng 3). Vấn đề nào chỉ phổ biến đến bí thư tỉnh và thành phố (vòng 4) thì các ban thường vụ tỉnh và thành phố không được biết (vòng 5), vấn đề nào chỉ phổ biến đến thường vụ tỉnh ủy, thành ủy thì các tỉnh ủy viên, thành ủy viên không được biết (vòng 6), v.v... cứ thế đi xuống tận cơ sở. Khi đến đảng viên và người dân thì sự thật bị bóp méo đến chục lần rồi và trở thành điều dối trá trắng trợn! Mà thật ra những điều gọi là "bí mật" có phải là bí mật gì ghê gớm cho cam, lắm lúc đó chỉ là những thông tin mà ở các nước dân chủ đăng đầy trên các báo, ai cũng có thể đọc được! Giữ bí mật để độc quyền thông tin, độc quyền bưng bít và xuyên tạc sự thật là một trong những nền tảng của chế độ độc tài toàn trị. Và đó cũng là một đặc quyền của các đẳng cấp thống trị!

9. ÐCSVN theo nguyên tắc tập trung dân chủ, điều đó có nghĩa là: tập trung là căn bản, còn dân chủ chỉ là hình thức. Nguyên tắc này bảo đảm sự tồn tại mãi mãi của một kẻ độc tài hay một nhóm độc tài toàn quyền thao túng công việc đảng và nhà nước, độc tôn thống trị toàn xã hội. Cứ nhìn lề lối sinh hoạt nội bộ ÐCSVN cũng đủ thấy được điều đó. Chẳng hạn, nói về đại hội toàn đảng và đại hội các cấp. Vấn đề không chỉ là phải họp đều kỳ (thực ra trước đây TƯ thường lấy nê hoàn cảnh khó khăn để kéo dài khoảng cách giữa các đại hội), mà còn - quan trọng hơn - cách tổ chức thế nào để bảo đảm được chế độ dân chủ trong đảng. Khốn thay, điều quan tâm nhất của tập đoàn thống trị lại không phải là bảo đảm được chế độ dân chủ trong đảng, mà là bảo đảm địa vị thống trị lâu dài, mãi mãi của họ trong đảng-nhà nước. Thông thường khi chuẩn bị đại hội toàn quốc, BCT TƯ đưa ra một đề cương về đường lối, chủ trương, hay kế hoạch kinh tế xã hội (thường dưới dạng dự thảo báo cáo của TƯ) cho đại hội các cấp dưới thảo luận và bầu đại biểu dự đại hội. Ðề cương này được coi là chân lý, nghĩa là đại hội các cấp chỉ có thể thảo luận theo sự hướng dẫn của cấp trên để "quán triệt", "thấm nhuần", hoặc "thêm râu ria, mắm muối", chứ không thể phản bác, không thể có ý kiến khác biệt hoặc trái ngược, càng không thể đưa ra đề cương khác để cùng thảo luận, tranh luận cho ra lẽ. Những đại biểu nào ở cấp dưới tỏ ra "thông suốt", "nhất trí cao" với đề cương của TƯ thì mới được cử đi dự đại hội cấp trên. Theo lệnh của BCT TƯ, ban tổ chức TƯ phải có nhiệm vụ hướng dẫn các cấp dưới bầu đại biểu đi dự đại hội toàn quốc "đúng yêu cầu của TƯ". Làm như vậy, thì chắc chắn bảo đảm trăm phần trăm đường lối cũng như thành phần nhân sự ban lãnh đạo mới mà tập đoàn thống trị muốn sẽ được thông qua. Thậm chí, để chắc chắn đạt được yêu cầu của cấp trên, có khi tại đại hội đảng người ta còn tổ chức bầu cử thử ban chấp hành, nếu không đúng ý lãnh đạo thì lại tiếp tục "đả thông"! Ðấy, bằng cái gọi là "tập trung dân chủ" và "dân chủ có lãnh đạo" như thế, tập đoàn thống trị duy trì lâu dài quyền lực của mình trong đảng, trong nhà nước và xã hội.