mercredi 19 octobre 2011

Đảng Cộng Sản Việt Nam Qua Những Biến Động Trong Phong Trào Cộng Sản Quốc Tế . (9)


III. Những thời kỳ biến động lớn trong PTCSQT và ÐCSVN qua những biến động đó.

Trước khi đi sâu vào vấn đề này, người viết xin lưu ý bạn đọc vài điều nhận xét sau đâỵ
Cho đến đầu thập niên 90 thế kỷ 20, tất cả những biến động trong PTCSQT đều bắt đầu từ Liên Xô, từ cơ quan đầu não lãnh đạo toàn bộ phong trào đó, tức là từ tập đoàn thống trị cộng sản Liên Xô. Từ Liên Xô những biến động đó tạo ra những phản ứng dây chuyền đến các nước -xã hội chủ nghĩa- và các ÐCS -anh em- rồi lan ra toàn bộ PTCSQT. Ðiều này dễ hiểu, vì tập đoàn thống trị ÐCS bolshevik Nga/ÐCSLX thực tế là -cha đẻ- của PTCSQT. Chính vì thế, khi trình bày phần này chúng tôi chú ý nghiên cứu sâu hơn về tình hình Liên Xô.
Tất cả những biến động đó đều có nguyên nhân sâu xa. Thường là do những trận đấu tranh giành quyền lực trong nội bộ ÐCS, hoặc do những khủng hoảng của chế độ xã hội mà những người cộng sản đã dựng lên. Cũng lắm khi cả hai nguyên nhân cùng tác động.
Nói về đấu tranh giành quyền lực thì ở bất cứ chế độ xã hội nào cũng có, kể cả dưới chế độ dân chủ. Nhưng dưới các chế độ độc tài, nhất là chế độ độc tài toàn trị cộng sản, cuộc đấu tranh đó vượt ra ngoài mọi khuôn khổ luật pháp, bằng những phương cách bạo lực đầy sắt máu nên dễ gây biến động lớn lao.
Còn nói về khủng hoảng chế độ thì đó là một căn bệnh mãn tính (chronique) của chế độ cực quyền cộng sản, vì chế độ này được dựng lên hoàn toàn trái quy luật tự nhiên, trước hết là trái với quy luật kinh tế chung, nên không bao giờ có thể giải quyết nổi những vấn đề quan trọng nhất về kinh tế và đời sống. Khủng hoảng theo sau chế độ cộng sản như hình với bóng. Nó đã xuất hiện nặng nề ngay từ dưới thời Lenin, và chính ông ta đã phải thừa nhận điều đó tại đại hội 10 của ÐCS (1921), là đại hội đã chấm dứt đường lối tiến nhanh vào chủ nghĩa cộng sản (về sau những người cộng sản gọi đó là -chủ nghĩa cộng sản thời chiến-) và chuyển qua -chính sách kinh tế mới- (NEP), cụ thể là nới lỏng sợi dây trói cổ kinh tế tư nhân và thị trường tự do. Bệnh khủng hoảng trầm kha đó cứ thế truyền mãi từ triều đại tổng bí thư này sang tổng bí thư khác. Cứ mỗi lần căn bệnh phát ra quá nặng nề, ÐCS lại cố gắng điều chỉnh tí chút về chính sách, cố nới ra một chút sợi dây trói kinh tế tư nhân và thị trường tự do, còn khi khủng hoảng hơi dịu xuống thì lại siết chặt dây trói. Vì nguồn gốc khủng hoảng nằm trong bản chất của chế độ, nằm ở ý thức hệ, ở tư duy lý luận của những người cộng sản, cho nên mọi -sửa chữa- lặt vặt, mọi điều chỉnh- hời hợt, mọi -cải tổ- nửa vời, mọi đổi mới- không triệt để, thậm chí vờ vĩnh... đều không thể nào thanh toán tận gốc khủng hoảng chế độ cực quyền cộng sản được. Và cuối cùng, chế độ đó phải bị quy luật kinh tế và thị trường tự do cùng với phong trào dân chủ đè bẹp.
Theo chúng tôi, từ khi xuất hiện, PTCSQT đã trải qua ba thời kỳ biến động lớn sau đây:
1.Thời kỳ biến động lớn đầu tiên:
Sau khi Lenin chết, Stalin tiêu diệt đảng của Lenin, dựng lên đảng riêng và bộ máy đảng-nhà nước riêng của mình để làm công cụ cho quyền lực cá nhân vô hạn. Trong thời kỳ này các lãnh tụ cộng sản thân tín của Lenin đều bị loại ra khỏi bộ máy lãnh đạo của ÐCSLX và QTCS, bị đàn áp, thậm chí bị tàn sát bi thảm. Hàng chục triệu người bị khủng bố, tù đày, hành quyết. Riêng Trotsky, lãnh tụ đứng thứ hai sau Lenin, bị thanh trừng rồi bị trục xuất ra khỏi Liên Xô và cuối cùng bị ám sát. Khi thấy Ðệ Tam Quốc Tế (QTCS) đã bị Stalin lũng đoạn, Trotsky lập ra Ðệ Tứ Quốc Tế, do đó trong PTCSQT lại có thêm một cánh Ðệ Tứ.

2. Thời kỳ biến động lớn thứ hai:
Sau khi Stalin chết, Khrutschev vạch trần tội ác của Stalin tại đại hội 20 của ÐCSLX và đại hội đó đã đề ra đường lối chính sách mới. Nghị quyết đại hội 20 được sự đồng tình của nhiều ÐCS trên thế giới, nhưng Mao Trạch Ðông và ÐCSTQ phản đối, kéo theo lãnh tụ một số ÐCS ở Albania và vài nước Á châu, như Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Indonesia... gây ra sự chia rẽ trầm trọng trong PTCSQT, dẫn đến sự xung đột của hai nước -xã hội chủ nghĩa- lớn nhất thế giới.

3. Thời kỳ biến động lớn thứ ba:
Sau cái chết của một loạt lãnh tụ già cỗi, từ Brezhnev, Andropov, đến Chernenko, Gorbachev lên cầm quyền ở Liên Xô, tuyên bố đường lối -perestroika-, -glasnost-, nhưng do chính sách nửa vời, do dự, không cứu được ÐCSLX và nhà nước xô-viết ra khỏi khủng hoảng trầm trọng, trong lúc đó phong trào quần chúng đấu tranh mạnh mẽ dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Ðông Âu và ngay tại Liên Xô, từ đó -hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới- tan vỡ, PTCSQT tan rã.

Trong ba thời kỳ biến động lớn nói trên đã từng gây ra phong ba bão táp trong PTCSQT, chúng tôi chỉ đề cập đến thời kỳ thứ hai và thứ ba. Sở dĩ như vậy vì trong những biến động mãnh liệt, khủng khiếp và đẵm máu ở thời kỳ đầu, thì đến năm 1930 ÐCSVN mới ra đời và lúc đó đảng hoàn toàn lệ thuộc vào tập đoàn thống trị staliniste ở Liên Xô, nên không có gì đáng nói.
Nhân thể xin nói thêm chút ít về thời kỳ đầu: trong các tài liệu lịch sử còn lưu lại ở kho lưu trữ của QTCS (hiện nay là RSKHIDNI) mà giới nghiên cứu có thể tiếp cận được, có ghi lại đôi điều về thái độ của ÐCSVN hồi đó. Nổi bật là những lời rất mạnh của Nguyễn Ái Quốc chống chủ nghĩa Trotsky và những người trotskistes, ông buộc cho họ tội -phản bội, gián điệp, tay sai đế quốc-, hoàn toàn rập khuôn lời lẽ của cơ quan tuyên truyền của Stalin. Có người cho rằng ông ta nghĩ như thế thật với lòng cuồng tín của một đồ đệ của Stalin, với lối lu loa, vu khống, sỉ nhục, thóa mạ họ một cách rất -Stalin-. Ðọc lại ba bức thư ông viết cho ÐCSVN hồi năm 1939, thấy đầy rẫy những lời chửi bới -chúng là một lũ bất lương, những con chó săn của chủ nghĩa phát xít Nhật và chủ nghĩa phát xít quốc tế-, đàn chó trotskistes-, -những kẻ đầu trâu mặt ngựa-, -những đứa không còn phẩm giá con người, những tên sẵn sàng gây mọi tội ác-,-kẻ thù của nền dân chủ và tiến bộ-, -bọn phản bội và mật thám tồi tệ nhất-, v.v... (xem -Hồ Chí Minh Toàn tập-, t.3, tr.97-100). Cũng vì đầu óc staliniste như vậy nên sau khi ông nắm được chính quyền thì hàng loạt lãnh tụ trotskistes Việt Nam (và các đảng quốc gia nữa) đã bị Việt Minh (tức là ÐCSVN) giết hại: Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Phan Văn Chánh, Trần Văn Thạch, Nguyễn Văn Sổ, Lê Ngọc, Lê Văn Hương, v.v...
Ðến năm 1948, ba người trotskites là Nguyễn Văn Linh, Lưu Khánh Thịnh, Liu Jialang (người Hoa) đã đến với chiến khu kháng chiến cũng bị Việt Minh giết rồi vu cho tội -tay sai của thực dân Pháp- (xem: Hoàng Khoa Khôi. -Về phong trào Ðệ Tứ Việt Nam- trong sách -Hồ sơ về phong trào Ðệ Tứ Việt Nam-, Paris, tr.7, 8). Nhưng cũng có người cho rằng ông ta tuyên bố như thế chẳng qua để tỏ rõ sự trung thành với Stalin, để chuộc lỗi với Stalin và đánh tan sự hiểu lầm về ông: vì hồi mới đến Liên Xô, nghe nói Trotsky là lãnh tụ thứ hai của ÐCS bolshevik, ông đã mon men cố tìm cách gần gũi Trotsky. Những người hiểu rõ ông cho biết là tính ông thường thế, rất thích gần gũi những nhân vật nổi tiếng rồi xin chữ ký và chụp ảnh để đề cao mình trước hạ cấp và lưu danh hậu thế.
Chuyện này thì sau khi Trotsky bị hạ bệ, Nguyễn Ái Quốc giấu kỹ. Mãi gần đây, hồi tháng 10 năm 1999, trên đài truyền hình Arte ở Pháp có chiếu bộ phim tư liệu quý -Niềm Tin Thế Kỷ - La Foi du Siècle- của Patrick Rotman và Patrick Barbéris trong đó có hình ảnh Lev Trotsky đứng nói chuyện với Nguyễn Ái Quốc năm 1924. Tờ Điễn Ðàn - Forum- (Paris) có viết qua về bộ phim có giá trị này trong số tháng 10/1999. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng phe cánh Stalin không hề tin cậy Nguyễn Ái Quốc, điều này biểu hiện ra trong vài lần ông bị thất sủng ở cơ quan QTCS (1934-1938) và trong cuộc đón tiếp lạnh nhạt Stalin dành cho ông khi ông đến Moskva lần đầu (1950) với cương vị chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Người viết những dòng này không có tài liệu để nhận xét, nên chỉ xin giới thiệu những ý kiến khác nhau để bạn đọc suy nghĩ.
Dưới đây, xin đề cập đến hai thời kỳ biến động lớn về sau: