Hiện tại anh Phan văn Tuấn là một thuyền nhân được định cư ở Sydney, Úc Châu. Vào Tết Mậu Thân 1968, cậu bé Tuấn 16 tuổi đang học lớp Đệ tam trường tư thục Nguyễn Du ở Huế. Ngày mồng hai Tết (Thứ năm 1-2-1968), VC tràn ngập Huế, Tuấn bị bắt cùng với mười mấy thiếu niên khác cùng lứa tuổi với anh. Mấy ngày đầu, VC bắt họ làm dân công đi khuân vác. Sau đó, VC bắt họ đào hầm vào ban đêm ở quanh vùng Gia Hội, những hầm mà Tuấn tưởng rằng chỉ để bọn chúng ẩn núp, không ngờ đó sẽ là những hầm chôn người. Đến bây giờ, tuổi đã gần lục tuần, Phan Văn Tuấn nhớ lại chuyện xưa, thuật lại rằng những người bị VC bắt, bị trói hai tay sau lưng thành từng chùm, mỗi chùm khoảng 15, 16 người, và bị sắp đứng xoay lưng về cái hố. Một tên VC ăn mặc theo lối chính quy với nón cối đọc bản án tử hình. Rồi một tên du kích áo đen ngắn tay, quần đen ngắn, mang dép râu, đội nón tai bèo, dùng súng AK bắn một tràng vào người đầu tiên. Ông này bị trúng đạn, té ngược ra sau, và lọt xuống hố, kéo theo cả chùm người bị cột chung. Đây, lời tả chân của Phan Văn Tuấn, Nam Dao ghi lại:
“Ông té xuống, quý vị biết không, mấy người sau có trúng đạn gì đâu, cũng lăn xuống. Lăn và lộn, lộn vòng xuống, lật ngửa ra. (Tuấn khóc rống lên). Nó bắt tôi lấp! Nó kêu lấp, lấp, lấp lẹ! (Vẫn khóc). Tôi không lấp, nó đánh tôi. Tôi nhìn mấy người đó, tôi khóc, tôi khóc! Không! Người ta còn sống mà! Lấp đi! Không! Thế là nó dọng báng súng vào tôi, súng AK nó dọng, nó dọng đàng sau xương sống tôi (Vừa thở như bị ngộp, vừa khóc). Chưa được, nó quay mũi lưỡi lê nó đâm tôi, nó đâm vào sườn tôi. Trời ơi, máu me! Nó đâm! Mấy thằng bạn, thằng nào cũng khóc! Nó đánh, nó đánh! Tôi phải lấp, phải lấp. Tôi lấp đồng bào tôi (Khóc nức nở). Trời ơi, trời ơi, Thượng Đế coi này! Bây giờ tôi nhớ tôi có tội quá Tôi nhớ mấy con mắt đồng bào, mấy người dưới hố ngó tôi. Trời, trời, trời, trời ơi! VC ơi là VC! Không lấp thì nó đánh! Lấp thì bà con tôi chết! Thôi, thôi, lạy Phật, lạy Trời, lạy Thượng Đế. Chưa có thằng nào nó tàn ác như vậy… (Tiếp tục khóc).”
Người phỏng vấn Nam Dao cũng khóc theo và an ủi Tuấn: “Anh không phải là người giết đâu. Tội đó là mấy thằng Cộng sản”
Cả hai người Nam Dao và Tuấn đều khóc và người viết hàng chữ nầy đến đây cũng khóc theo, phải lau nước mắt mới viết tiếp được, và lần nào đọc lại bản thảo cũng không cầm được nước mắt, thương cho Đồng bào Huế và thương cho cả Dân tộc VN! Những lần chôn sau, Tuấn thuật tiếp, VC chỉ lấy báng súng AK dộng vào người đứng đầu cho anh ta ngã té xuống kéo theo cả dây người xuống hố, người nào ngoi lên thì VC xoay ngược cuốc đập vào đầu cho bể sọ. Tuấn thuật tiếp rằng suốt mười mấy đêm, họ đã đào mười mấy cái hố và đã chôn mười mấy lần. Đến khi phi cơ trực thăng của Quân Lực VNCH xuất hiện để truy kích, thừa lúc VC lo trốn máy bay, Tuấn cùng ba người bạn cùng xóm bỏ chạy. VC bắn theo, bắn chết một thằng chạy chậm đàng sau.
Đến khi Tuấn và hai thằng còn lại gặp lính của Quân lực VNCH, một cảnh vô cùng cảm động diễn ra, ngắn ngủi thôi, nhưng là bức tranh tình cảm tuyệt đẹp đủ sức nói lên tất cả Tình Quân dân như cá với nước và Chính nghĩa của Quân lực VNCH. Trong suốt “Cuộc Chiến tranh của HCM gây ra để đánh Dân tộc”, Quân đội QGVN được thành lập từ thời Quốc trưởng Bảo Đại với mục tiêu ngăn chận làn sóng đỏ của Cộng sản để bảo vệ dân. Quân đội lớn mạnh và đổi tên thành Quân lực VNCH qua Đệ nhất Cộng hòa và Đệ nhị Cộng hòa. Thành tích bảo vệ Dân tộc suốt gần ba mươi năm đó, CHÍNH NGHĨA CỦA QUÂN LỰC VNCH, xin được diễn tả hùng hồn bằng lời thuật của anh Tuấn với chị Nam Dao như sau:
“Trời ơi, tôi kể chị nghe : trong tay bọn VC mấy chục ngày, đến lần đầu tiên gặp anh lính Cộng hòa (ảnh cầm khẩu súng, ảnh ngoắc ngoắc tới). Trời ơi, tôi tới tôi ôm ảnh đó chị! Trời ơi, giống như mẹ đi chợ về! Tôi ôm ảnh tôi khóc, khóc nức nở. Ba thằng ôm ảnh khóc nức nở, không bảo nhau gì hết. Tự nhiên cái lòng thương người lính VNCH, một người mà mình thấy có sự bảo vệ… Tôi ôm ảnh khóc! Ảnh vuốt đầu nói: “Không sao đâu! Không sao đâu! Không sao đâu em!” Bắt đầu tôi kể từ đầu đến cuối. Ảnh dắt vô cho ăn. Phía sau có nước, ảnh cho tắm…”
Tàn cuộc, trong số mười mấy thiếu niên Huế bị VC bắt đi đào hầm và chôn người trong chiến trận Tết Mậu Thân đó, chỉ có Tuấn và 2 người chạy thoát. Số còn lại bị VC dẫn theo và bắn chết hết khi chúng rút lui khỏi Huế! Mấy ngày sau, khi tìm đặng xác, “Trời ơi, đứa nào cũng lỗ chỗ trên đầu!”, anh Tuấn vừa kể vừa khóc.
Sau đây là câu chuyện nói lên “thành tích đuổi dân đi vùng kinh tế mới” để cướp đoạt nhà cửa ở Sài Gòn. Câu chuyện về một người mẹ trẻ bị đưa đi vùng Kinh tế mới đã tự thiêu và ôm chặt 2 đứa con để cùng chết chung với mình. Thời điểm: người tường thuật là người tù học tập cải tạo Uyên Thao không nhớ rõ mùa đông năm 79 hay 80. Vào lúc đó, Uyên Thao ở Trại tù K6 trên đồi Phượng Vĩ dưới chân núi Chứa Chan, tiếp giáp với khu Kinh tế mới của người mẹ trẻ. Gần đấy có chợ Ngã Ba Đồn. Ba tuần lễ trước đó, Uyên Thao lao động phác cỏ và gặp người thiếu phụ cũng đang dọn đất gần đó. Người mẹ cuốc cỏ và cào cỏ lại, thằng bé 5 tuổi và con chị nó không lớn hơn nó bao nhiêu giúp mẹ ôm những bó cỏ vào góc bờ. “Tôi ở quận Năm, lên đây hơn hai năm rồi. Mười tám tháng nay, ba mẹ con tôi chưa biết hạt gạo là gì. Tội nghiệp thằng bé mới năm tuổi”. Đó là tâm sự của người mẹ, Uyên Thao chỉ nghe được như vậy, chưa kịp nói lời an ủi, thì cán bộ quản giáo võ trang phát hiện khoảng cách quá gần giữa họ nên ôm súng đi tới!
“Sự nghiệp giải phóng biến miền Nam thành địa ngục trần gian” hoà hợp hoà giải với “thành tích đuổi dân đi vùng Kinh tế mới” đã đến “trình độ” 3 tuần lễ sau đó. Buổi tối đó, cán bộ giảng dạy về lập trường đấu tranh cách mạng và chỉ trích thói hư tật xấu trong nếp sống cũ của người dân miền Nam. Một điều bất ngờ và cực kỳ hi hữu trong các Trại học tập cải tạo của VC, người thiếu phụ mà chồng không biết lưu lạc phương nào đó, người mẹ trẻ có hai con còn quá nhỏ bị bỏ cho đói khát và thất học đó, người cư dân ở quận Năm Sài Gòn bị Đảng đuổi đi để cướp nhà, “người con gái Việt Nam da vàng” mà Đảng ác nhân đã dồn đến đường cùng đó, chính Người thiếu phụ can cường đó vụt đứng lên giữa lớp học và nói như hét vào mặt người cán bộ: “Tôi khỏi cần nghe ai dạy dỗ. Tôi bị lùa tới cái xó rừng nầy là quá đủ rồi. Tôi chẳng biết Đảng với Cách mạng của các ông là những thứ gì. Bây giờ tôi phải về lo cho mấy đứa con tôi”.
Khuya hôm ấy, cơn hoả hoạn nhỏ bùng lên, thiêu rụi túp lều của ba mẹ con. Cả khu Kinh tế mới đều chạy đến túp lều để cùng đứng chết trân nhìn ngọn lửa hoành hành. Giữa đống tro tàn, xác người mẹ trẻ cháy đen tay còn vòng ôm chặt hai đứa con cũng cháy đen như mẹ. Lời giải thích tìm ra dễ dàng: người mẹ “về lo cho mấy đứa con” đã nổi lửa hoả thiêu và ôm chặt hai đứa con để cùng chết chung với mình!
Câu chuyện ba mẹ con chết thiêu cứ ám ảnh nhà văn Uyên Thao mãi. Câu hỏi cứ dai dẳng đeo theo anh: “Do đâu mà người mẹ lại tìm cho chính những đứa con của mình cái kết thúc kinh hoàng đó?” Đem chuyện bàn với người bạn tù già là Luật sư Vũ Đăng Dung, từng là cựu Thủ lãnh Luật sư Đoàn ở Huế, cụ Dung lắng nghe, rồi cũng lắc đầu thở dài! Nhưng trong bài viết súc tích của Uyên Thao, tác giả nhớ và viết lại vài dòng trong Nhật k ý của Đặng Thùy Trâm: “Bọn Mỹ như những con quỷ khát máu… Bao giờ đuổi được hết chúng ra khỏi đất nước Việt Nam, lúc đó máu mới ngừng chảy…”
Vào lúc “Thảm nạn ba mẹ con tự thiêu” xảy ra, tức là vào mùa đông năm 79 hay 80 gì đó, thì không còn “bọn Mỹ” nào trên đất Việt nữa, đúng như ước vọng của nữ Bác sĩ Đặng Thùy Trâm! Nhưng điều kinh hoàng nhất đã đến với Dân tộc, khi Đảng làm chủ trọn vẹn cả Đất nước, thì Đảng đã “giải phóng” VN thành Nhà tù khổng lồ và cuộc sống người dân thành cảnh Địa ngục trần gian. Người mẹ trẻ trong câu chuyện của Uyên Thao, chỉ vì quá thương con, nên muốn hai đứa con mà mình đã mang nặng đẻ đau được thoát khỏi “cảnh sống đáng sợ hơn cõi chết”, Uyên Thao đã viết như vậy (Trích bài Từ thơ tới những mảnh đời, Btb Việt Luận đăng tải trong số 2174 ngày 15-6-2007).
Văn phong Uyên Thao tuyệt vời! Nhà văn đã viết, xin lặp lại, “người mẹ trẻ vì quá thương con, nên muốn hai đứa con của mình thoát khỏi “cảnh sống đáng sợ hơn cõi chết!”. Bạn đọc thân mến ơi! Có “Cảnh sống” nào lại đáng sợ hơn “Cõi chết” hay không?! Thật không có nơi nào trên thế giới, không có thời nào trong lịch sử mà lại có “Cảnh sống đáng sợ hơn cõi chết” như vậy. Chỉ có ở miền Nam khi Quân lực VNCH không ngăn chận được Làn sóng đỏ của Cộng sản từ phương Bắc! Dân tộc thân thương ơi! Viết đến đây, người viết không ngăn được xúc động, cứ thả lòng thương cảm cho Dân tộc bất hạnh, thương cảm người mẹ trẻ tự thiêu với hai đứa con của mình, và thương cảm cho nữ Bác sĩ Đặng Thùy Trâm hy sinh đời xuân xanh của mình không phải vì Dân tộc, tuyệt nhiên không, mà chỉ để giúp cho Làn sóng đỏ tràn ngập miền Nam! Và trong LÀN SÓNG ĐỎ đó, ẩn hiện những kẻ cai trị tham lam, tàn ác, gian xảo, đểu cáng, và hèn hạ nhất trong lịch sử loài người!
Chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam có những thi sĩ văn nô ca ngợi đấu tố đày đọa giết người như Tố Hữu và Xuân Diệu. Chưa bao giờ Đất nước thân yêu có những tên đồ tể chôn sống người vô tội một cách man rợ như cảnh Tết Mậu Thân ở Huế. Chưa bao giờ xã hội bốn ngàn năm văn hiến của Việt Nam lại thoái hoá biến thành “Cái cảnh sống mà đáng sợ hơn cõi chết” như vậy. Tất cả những nghịch cảnh đau lòng đó xảy ra vì Đất nước bất hạnh đã nảy sinh Đại Văn nô Trần Dân Tiên viết sách để ca ngợi và thần thánh hoá Đại Đồ tể HCM thành “Cha già Dân tộc”.
Nhưng Đại Văn nô Trần Dân Tiên và Đại Đồ tể HCM chỉ là một. Đó là một “kẻ đã đi hết biển”, đã đặt chân lên đất Liên Xô và Trung Quốc nhiều lần, và khi trở về cố hương để “làm việc”, đã mang Xã hội chủ nghĩa của Mác Lê Xít Mao, như con rắn cực kỳ độc ác, đem về để giết hại gà nhà. Thảm kịch của Đất nước trong thế kỷ 20 bắt đầu từ đó. Một tay Trần Dân Tiên - HCM đã đào tạo biết bao nhiêu Tiểu Văn nô và Tiểu Đồ tể tung ra khắp Đất nước để “làm việc” thay cho mình. Cái “cảnh sống đáng sợ hơn cõi chết” của ba mẹ con ở đồi Phượng Vĩ dưới chân núi Chứa Chan chỉ là một cao điểm trong toàn bộ Cuộc chiến tranh của HCM đánh Dân tộc.
Chúng ta đã biết Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Anh Ba - Nguyễn Ái Quốc - Lý Thụy - C.B. - Trần Dân Tiên vân vân… chỉ là một người, là một “kẻ đã đi hết biển” và khi về nước “làm việc” thì lại mang tên HCM. Đó là một người duy nhất trong lịch sử khi đi mang tên nầy, lúc về lại mang tên khác. Nhưng việc thay tên đổi họ chỉ là việc nhỏ. Điều bất hạnh cho Dân tộc VN là HCM đã gây những vết nhơ vô cùng ghê tởm trong Lịch sử nước nhà, không thể nào tẩy xóa. Ông đã mang chủ nghĩa Mác Lê về gây cảnh nồi da xáo thịt, và gây cuộc chiến tranh tương tàn giữa lòng dân tộc và phá hoại đất nước!
Nhưng người Việt không phải thế! Dân tộc Việt Nam không phải thế! Có biết bao nhiêu người Việt Nam “đã đi hết biển”, đã mang cái hay cái đẹp của nước ngoài về tô điểm cho quê hương. Những chuyện Sứ thần của Việt Nam từ thời xa xưa là những dẫn chứng hùng hồn.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire