mercredi 19 octobre 2011

Đảng Cộng Sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào CS Quốc Tế (17)

Thời kỳ biến động lớn thứ ba: "Prestroika" và sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới .

Tình hình nội bộ của ÐCSLX ngày càng phân hóa nghiêm trọng. Trong quá trình chuẩn bị hội nghị toàn quốc lần thứ 9 của đảng (6.1988), một cuộc đấu tranh quyết liệt giữa cánh cấp tiến và cánh bảo thủ đã diễn ra trong đảng. Cánh cấp tiến đưa ra "Cương lĩnh dân chủ" và vô hình trung hình thành phái "Cương lĩnh dân chủ trong ÐCSLX" với những nhân vật rất nổi tiếng hồi đó: cựu ủy viên BCT B.Yeltsin (sau này được bầu làm chủ tịch Chủ tịch đoàn xô-viết tối cao Liên bang Nga, rồi tổng thống Nga), G. Popov(sau này được bầu làm thị trưởng Moskva), A. Sobchak (sau này được bầu làm thị trưởng Sankt Peterburg), S.Stankievich (sau này được bầu làm phó thị trưởng Moskva), Filippov (sau này được bầu làm phó thị trưởng Sankt Peterburg), Y. Afanasiev, Gdlyan, Ivanov, v.v... Họ đòi phải dân chủ hóa ÐCS và dân chủ hóa xã hội. Ðòi ÐCS phải loại bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ thay bằng nguyên tắc dân chủ. Ðòi phải tôn trọng nguyên tắc liên bang, đòi bỏ chế độ bí thư thứ hai các ÐCS các nước cộng hòa liên bang phải là người Nga do TƯ ÐCSLX trực tiếp cử về, đòi phục hồi lại tổ chức của ÐCS Nga với tính cách là một tổ chức riêng của nước Nga. Ðể đối lập với phái "Cương lĩnh dân chủ", một phái bảo thủ đưa ra "Cương lĩnh mác-xít", nhưng phái này khá mờ nhạt, cuối cùng đã chết yểu.
Dù bị cánh bảo thủ kịch liệt chống lại, nhưng hội nghị toàn quốc lần thứ 9 đã quyết định bầu cử dân chủ các cấp lãnh đạo của đảng và nhà nước. Trong hội nghị đó, Gorbachev đã chống lại đề nghị tách đảng khỏi chính quyền, mà chủ trương bí thư thứ nhất ÐCS ở các cấp phải đồng thời là chủ tịch xô-viết các cấp đó, còn ở trung ương thì tổng bí thư phải đồng thời là nguyên thủ Liên Xô. Nhưng đã xảy ra những thực tế rất bẽ bàng đối với ÐCS: có một số bí thư tỉnh ủy, quận ủy không được cử tri tín nhiệm bầu làm dân biểu xô-viết hoặc các dân biểu xô-viết không chịu bầu bí thư tỉnh ủy làm chủ tịch xô-viết! Các bí thư tỉnh ủy đã hai lần giận dữ phản đối TƯ và đòi hoãn ngay các cuộc bầu cử dân biểu xô-viết vì sợ mất "chiếc ghế" quyền lực, có bí thư tỉnh ủy nói thẳng: bầu cử để dân chúng người ta moi ra tình trạng tham nhũng, đặc quyền đặc lợi trong đảng hay sao? Trong sử sách, người ta gọi là hai "cuộc nổi loạn" của các bí thư tỉnh ủy. Nên sau đợt bầu cử đầu tiên, TƯ đã tạm hoãn đợt bầu cử tiếp theo. Còn ở cấp toàn liên bang thì hồi tháng 3.1990, Ðại hội dân biểu Liên Xô đã bầu Gorbachev làm tổng thống Liên Xô.
Do đấu tranh của quần chúng đảng viên Nga, lần đầu tiên sau trên sáu thập niên, ÐCSLX phải chấp nhận cho Ðảng cộng sản Nga (ÐCSN) có tổ chức riêng và ban lãnh đạo riêng. Nhưng, việc tái lập ÐCSN, cũng như sau này việc toàn dân bầu B. Yeltsin làm tổng thống Nga (12.6.1991) là một triệu chứng báo hiệu sự cáo chung khó tránh khỏi của chế độ cực quyền xô-viết và sự tan rã của Liên Xô, vì trên thực tế đã xuất hiện "tình trạng hai quyền lực cùng tồn tại" trong lúc sức ly tâm ở các nước cộng hòa ngày càng mạnh mà Trung tâm (chính quyền liên bang) thì ngày một suy yếu.
Gorbachev và những người chủ trương "perestroika" cố lách giữa lực lượng cấp tiến và cánh bảo thủ nhất chống lại "perestroika". Ðể chống lại áp lực mạnh của cánh bảo thủ, hồi tháng 4.1989, Gorbachev đã đưa ra khỏi TƯ ÐCSLX một lúc 110 ủy viên, phần đông là già cả, bảo thủ, nhưng vì "perestroika" cứ giẫm chân tại chỗ mãi, nên thế lực bảo thủ trong đảng ngày một mạnh thêm.
Như đã nói trên, do sức ép của phong trào dân chủ, tháng 1.1987, TƯ ÐCSLX buộc phải chấp nhận "trò chơi" dân chủ: họ quyết định lập ra một cơ chế mới gọi là Ðại hội dân biểu Liên Xô và cho tiến hành bầu cử các dân biểu Ðại hội đó vào tháng 4.1989. Họ tin tưởng là với đạo luật bầu cử dân biểu của XVTCLX do họ đã nắm chắc, thì chỉ có những người do ÐCS chọn mới trúng cử dân biểu, do đó Ðại hội dân biểu Liên Xô sẽ là một tổ chức ngoan ngoãn của đảng và chỉ có tác dụng tượng trưng. Nhưng những người dân chủ không bỏ lỡ cơ hội, đã biến cuộc bầu cử dân biểu thành một cuộc vận động dân chủ lớn lao có tác dụng thức tỉnh đại chúng. Các cử tri Liên Xô đã tỏ rõ tính tích cực chính trị rất cao: trên 172 triệu người, tức là khoảng 90%, đã đi bỏ phiếu. ÐCS tìm mọi cách để những ứng cử viên dân chủ không thể trúng cử được, nhưng một số người dân chủ đã thắng cử vẻ vang, như Yeltsin (được 92% phiếu bầu), Sakharov, Sobchak, Popov, v.v... Trong tổng số hai ngàn rưỡi dân biểu, những người dân chủ cấp tiến chỉ chiếm được khoảng 40 ghế, phần đông là những đảng viên thuộc cánh "Cương lĩnh dân chủ". Các dân biểu dân chủ tập hợp với nhau thành Nhóm dân biểu liên vùng (tiếng Nga viết tắt là MDG), gồm những nhân vật nổi tiếng, như viện sĩ Sakharov, Yeltsin, Popov, Sobchak, Afanasiev, Stankievich, Filippov, Gdlyan, Ivanov, v.v... Dù số lượng dân biểu trong MDG chỉ chiếm khoảng 1,6% trong tổng số dân biểu, nhưng họ là trung tâm phối hợp đấu tranh trong nghị trường và ngoài quần chúng, nên đã gây được tiếng vang lớn và tạo được sức ép mạnh đối với đa số bảo thủ trong Ðại hội dân biểu Liên Xô. Hơn nữa MDG ngày càng thu hút thêm những dân biểu đồng tình. Ðại hội đã buộc chấp nhận cho truyền thanh truyền hình tại chỗ toàn bộ kỳ họp đầu tiên bắt đầu từ ngày 25.5.1989. Mười ba ngày từ sáng đến tối các dân biểu họp, còn toàn dân Liên Xô chăm chú theo dõi các cuộc tranh cãi. Trên diễn đàn Ðại hội, đã phơi bày ra tất cả những tai họa của xã hội và vô số vấn đề của đất nước mà chế độ cực quyền bấy lâu cấm không được nói đến. Tính chất thẳng thắn và gay gắt của những cuộc tranh luận gieo vào lòng người dân niềm hy vọng sẽ có sự đổi thay của xã hội. Cuộc đấu tranh nghị trường căng thẳng, sự nhiệt thành cũng như lập luận có lý lẽ của các dân biểu dân chủ tương phản với thái độ ngoan cố của "cái đa số bảo thủ thầm lặng" trong Ðại hội chỉ biết bỏ phiếu theo "gậy chỉ huy" của cấp trên. Tất cả những cái đó người dân được nhìn tận mắt, nghe tận tai chính là một trường học chính trị to lớn làm thức tỉnh ngay cả những lớp người bấy lâu thờ ơ về chính tri..
Cùng với tinh thần dân chủ lên cao, ý thức dân tộc đã trỗi dậy mạnh mẽ làm bộc lộ biết bao vấn đề dân tộc trầm trọng trong Liên bang, tạo nên những nứt rạn sâu sắc của chế độ nhà nước xô-viết. Ngay người dân Nga, dân tộc đa số đã đóng góp nhiều nhất cho sự tồn tại và phát triển của Liên Xô, cũng cảm thấy bị tước mất chủ quyền và đoạt hết quyền lợi bởi tập đoàn thống trị toàn liên bang. Các cơ quan quyền lực của nước Nga chỉ có tính chất tượng trưng, nước Nga thậm chí không có ÐCS riêng. Còn các dân tộc khác không phải người Nga thì càng cảm thấy sâu sắc quyền lợi của họ bị xâm phạm. Thế mà đến cuối năm 1987, Gorbachev vẫn cứ khẳng định: "Ở nước ta, vấn đề dân tộc đã giải quyết xong". Trong lúc đó, đã xảy ra nhiều vụ đàn áp đẵm máu chống phong trào dân tộc, ở Alma Ata (tháng 12.1986), ở Tbilissi, Sumgait (hè 1989), ở Baku, Vilnus, Riga (đầu năm 1990)... Nhiều vụ xung đột dân tộc ác liệt ở vùng Caucase, ở Ferganskaya Dolina, Novyi Uzel... làm hàng trăm người chết, hàng ngàn người bị thương, hàng ngàn ngôi nhà bị cướp phá... Ðến tháng 9.1989, Gorbachev mới chịu nhận là "có những vấn đề dân tộc không giản đơn"!
Tại Ðại hội dân biểu Liên Xô, nhiều người đã đòi phải điều tra những vụ đàn áp đẵm máu các phong trào dân tộc dưới thời "perestroika", như ở Tbilissi và Sumgait, đòi phải công khai hóa Hiệp ước Robentrov-Molotov là hiệp ước đã dọn đường cho phát xít Ðức đánh chiếm Ba Lan và Liên Xô thôn tính ba nước vùng Baltic. Sau khi Moskva buộc lòng phải thừa nhận Hiệp ước Robentrov-Molotov là một hành động tội ác thì không thể phủ nhận được tính chất chính đáng của việc ba nước Baltic ra khỏi Liên Xô. Gorbachev vẫn ra sức chống chế nhưng tháng 3.1990, Lituania (tiếng Nga: Litva) chính thức tuyên bố độc lập và ra khỏi Liên Xô. Ngày 3.4.1990, Gorbachev ký đạo luật "Về thủ tục giải quyết những vấn đề liên quan đến việc các nước cộng hòa liên bang ra khỏi Liên Xô" để ngăn chặn các nước khác rút ra. Nhưng không ăn thua, tháng 5.1990, hai nước Baltic còn lại là Latvia, Estonia cũng noi gương Lituanie. Ngày 12.6.1990, nước Nga cũng tuyên bố chủ quyền quốc gia của mình nhưng vẫn ở trong Liên bang. Tiếp theo đó, các nước cộng hòa liên bang khác cũng noi gương Nga. Ý hướng ly tâm trong các dân tộc lúc này rất mạnh, tất cả các nước đều cảm thấy chật chội trong "ngôi nhà" Liên Xô được dựng lên theo những nguyên tắc tập quyền cao độ thời Lenin, Stalin. Người ta đòi phải soạn thảo lại Hiệp ước Liên bang mới, đòi phải tôn trọng chủ quyền của các nước cộng hòa, đòi thay nguyên tắc fédération (liên bang) bằng nguyên tắc confédération (hợp bang) để mở rộng quyền hạn cho các nước cộng hòa, đòi phải áp dụng nguyên tắc tự quản cho các vùng địa lý-hành chính. Gorbachev và TƯ ÐCSLX tìm mọi cách chống lại trào lưu chung đó, không chống nổi thì trì hoãn. Ðể dùng pháp lý ngăn chặn sự tan vỡ của Liên Xô, ÐCSLX bày ra cuộc trưng cầu dân ý về việc duy trì Liên bang với mấy câu hỏi rất lắt léo để cử tri phải trả lời: tán thành. Nhưng dù muốn hay không, cuối cùng Gorbachev và ban lãnh đạo ÐCSLX cũng phải đồng ý soạn thảo lại Hiệp ước Liên bang mới. Việc soạn thảo Hiệp ước này là cả một quá trình đấu tranh rất gay go. Gorbachev và BCT TƯ ÐCSLX cố giữ nguyên tắc trung ương tập quyền, nhưng các nước không đồng ý. Tình hình có khi căng thẳng đến mức tổng thống Gorbachev mời 9 người đứng đầu các nước trong Liên Xô ngày 23.4.1991 đến bàn về Hiệp ước liên bang thì 6 nước không đến họp. Trong tình thế đó Yeltsin lại cùng hợp tác với Gorbachev soạn thảo Hiệp ước Liên bang để mong cứu vãn Liên Xô khỏi tan vỡ. Ðến giữa năm 1991, dự thảo đã nới rộng quyền cho các nước cộng hòa theo nguyên tắc confédération thì 9 nước (trừ 3 nước vùng Baltic) đồng ý ký kết Hiệp ước Liên bang mới. Nhưng Gorbachev lại không tổ chức lễ ký kết ngay mà đi nghỉ hè và định vào ngày 21.8.1991 mới ký kết! Tại sao đã thỏa thuận rồi mà Gorbachev không ký ngay lại bỏ đi nghỉ hè? Ðó là một câu hỏi lớn nhiều người đã đặt ra. Theo dõi những sự kiện tiếp sau có thể giúp ta tìm thấy câu trả lời gián tiếp.
Trong lúc Gorbachev đang nghỉ cùng gia đình ở Foros (Crimée), một nhóm trong BCT TƯ ÐCSLX đứng đầu là Kriushkov đứng ra tổ chức cuộc đảo chính vào ngày 19.8.1991 (nói đúng ra, đây không phải là một cuộc đảo chính - coup d? état, mà là một cuộc âm mưu - complot) sau khi đã điều quân vào Moskva và Sankt Peterburg. Nhóm cầm đầu đảo chính mang tên là"Ủy ban nhà nước về tình tra.ngđặc biệt" (GKCHP) gồm toàn những cộng sự thân tín của Gorbachev ở trong BCT TƯ và chính phủ Liên Xô: phó tổng thống Liên Xô G. Yanaev làm chủ tịch, các ủy viên là thủ tướng V. Pavlov, chủ tịch KGB V. Kriushkov, bộ trưởng quốc phòng nguyên soái D. Yazov, bộ trưởng nội vụ B. Pugo, phó chủ tịch Hô.iđồng quốc phòng O. Baklanov, v.v... Mu.cđích chính của bọn GKCHP làđánhđổ tổng thống Nga B. Yeltsin và ban lãnhđạo dân chủ nước Nga, xóa bỏ trung tâm quyền lực thứ hai ở Moskva, nên hướng chủ công là "Nhà Trắng", trụ sở của XVTC Cộâng hòa liên bang xã hội chủ nghĩa xô-viết Nga hồiđó.
Thật ra, Gorbachev được báo trước về cuộc âm mưu đó, và việc ông làm như tuồng bị cô lập ở Foros chỉ là một màn kịch vụng về. Yeltsin và những người lãnh đạo dân chủ đã kịp thời kêu gọi dân chúng Moskva, cũng như các thành phố lớn khác khắp nước vùng dậy chống lại quân đảo chính. Khí thế đấu tranh của dân chúng bừng bừng, hàng chục vạn người ở Moskva xông lên dựng chiến lũy bảo vệ quanh "Nhà Trắng", hoặc đổ xô ra đường ngăn cản quân đội, vận động binh lính, tạo nên một chuyển biến về tinh thần trong quân đội. Tướng Shaposhnikov, tư lệnh không quân, và tướng Grachov, tư lệnh bộ đội nhảy dù tuyên bố không tuân lệnh của bộ trưởng quốc phòng Yazov. Một số chiến xa chạy sang phe dân chủ đến bảo vệ "Nhà Trắng". Có tin là chủ tịch KGB V. Kriushkov ra lệnh cho tướng V. Karpukhin chỉ huy trưởng đội "Alpha" là đội quân đặc nhiệm tinh nhuệ nhất phải chiếm "Nhà Trắng" lúc 3 giờ đêm 20.8, nhưng đội này từ chối không chịu thi hành lệnh. Thế là cuộc đảo chính nhanh chóng thất bại, các lực lượng dân chủ thừa thắng xông lên chiếm lĩnh ngay trụ sở TƯ ÐCSLX cũng như trụ sở các thành ủy, tỉnh ủy và các đảng bộ địa phương khác. Người ta niêm phong các kho lưu trữ mật, truy tìm tiền của ÐCS... Tổng thống Nga ra lệnh cấm ÐCSLX trong thời gian điều tra vụ đảo chính này và tạm thời đình bản báo Pravda. Dân chúng căm phẫn hạ tượng các lãnh tụ bolsheviks. Tượng trùm công an mật vụ F. Dzerzhinsky trên một quảng trường lớn ở trung tâm Moskva trước trụ sở KGB bị hạ trước tiên. Hàng chục ngàn đảng viên cộng sản vứt thẻ đảng. Bằng cuộc đảo chính, bọn bảo thủ trong ban lãnh đạo Liên Xô đã đẩy ÐCSLX vào con đường tự sát, điều đó dẫn đến sự sụp đổ không thể tránh khỏi của nhà nước xô-viết.
Chính lúc này, Yeltsin và những người lãnh đạo dân chủ đã phạm những sai lầm rất nghiêm trọng để lại hậu quả to lớn về sau là: sau thắng lợi của cuộc cách mạng dân chủ, họ đã không giải tán ngay cơ quan lập pháp của nước Nga (lúc đó là Xô-viết tối cao Liên bang xã hội chủ nghĩa Nga có trên 90% là đảng viên cộng sản), được "bầu" ra dưới thời thống trị của ÐCSLX theo đạo luật không dân chủ, hoàn toàn bất công cốt giành phần thắng cho ÐCS, không ra đạo luật bầu cử mới thật sự dân chủ để bầu ra một cơ quan lập pháp mới phản ánh đúng tương quan lực lượng mới và phù hợp với nguyện vọng dân chúng, đồng thời họ đã không thanh lọc triệt để hơn bộ máy nhà nước mà đã lưu lại quá nhiều phần tử cộng sản thuộc giai cấp nomenklatura cũ trong bộ máy nhà nước. Những sai lầm nghiêm trọng này đã tạo điều kiện cho ÐCS ngăn cản, phá ngầm (saboter) hầu hết các cuộc cải cách dân chủ do những người dân chủ đưa ra và tạo được tình thế bất ổn định về chính trị sau này, làm cho ÐCS có thể ngóc đầu dậy để chống lại các lực lượng dân chủ một cách mạnh mẽ. Người viết không nói đến những sai lầm khác về thời kỳ hậu cộng sản, nhưng không thể không nói đến hai sai lầm chính trị to lớn trên hồi đó.
Sau đảo chính, dù chính quyền liên bang vẫn còn tồn tại, nhưng vị thế chính trị đã giảm sút hẳn. Các nước cộng hòa liên bang đều chỉ mong có cơ hội thoát khỏi Liên Xô, không còn thiết tha với việc ký kết Hiệp ước Liên bang nữa. Ngày 1.12. 1991, toàn dân Ukraina bầu L. Kravchuk làm tổng thống. Ngày hôm sau 2.12, những người đứng đầu của ba nước dân tộc Slave là tổng thống Nga B. Yeltsin, tổng thống Ukraina L. Kravchuk và chủ tịch Xô-viết Tối cao Belorussia S. Shushkevich họp ở Belovezhskaya pusha và ký Hiệp định Belovezhskoe thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập (gọi tắt là SNG) và kêu gọi các nước khác cùng tham gia SNG. Như vậy là Liên bang Xô-viết đã cáo chung, vì thế M. Gorbachev đã từ chức tổng thống Liên Xô ngày 25.12.1991. Thế là đế quốc cuối cùng trên thế giới, đế quốc cộng sản, tồn tại trên 73 năm, được coi là "thành trì cách mạng vô sản toàn thế giới" đã sụp đổ tan tành. Ðây là chấn động cực kỳ to lớn này làm sụp đổ của cái gọi là "hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới", làm tan rã toàn bộ PTCSQT.
Cũng giống như Khrutshev trước đây, Gorbachev là một con người đầy mâu thuẫn, cả hai người - mà thế giới thường coi là "nhà cách tân" - chỉ muốn nới lỏng dây cương một tí cho dân chúng để dân chúng nai sức sản xuất, gỡ thế bí cho ÐCS và cứu vãn chế độ, nhưng lại vừa muốn duy trì đến cùng chế độ cực quyền và quyền lực của giai cấp nomenkletura. Bi kịch của hai người chính là ở đấy, chính ở thái độ không dứt khoát đi theo con đường dân chủ thật sự. Suy cho cùng, "perestroika", "glasnost" của Gorbachev cũng như những "cải cách" của Khrutshev sau đại hội 20 đều chỉ là phương sách để duy trì sự sinh tồn của ÐCS và chế độ cực quyền xô-viết. Nhưng, khác với Khrutshev, Gorbachev cầm quyền ở thời đại mà xu thế dân chủ trên thế giới cũng như phong trào dân chủ ở Liên Xô và các nước "xã hội chủ nghĩa" khác đã lên mạnh, tạo được sức ép mãnh liệt với ÐCSLX và chế độ cực quyền xô-viết, đến khi bọn bảo thủ định quay ngược bánh xe lịch sử thì phong trào dân chủ đã đánh bại ÐCSLX và làm sụp đổ chế độ cực quyền, ngược hẳn với lòng mong muốn của Gorbachev và tập đoàn thống trị Liên Xô. Dù sao chăng nữa, Gorbachev cũng đã đi vào lịch sử thế giới như một người góp phần chấm dứt chiến tranh lạnh, góp phần phát triển xu thế dân chủ hóa trên thế giới do ông - có ý thức hay không có ý thức - đã tạo điều kiện cho sự sập đổ của chế độ cực quyền cộng sản ở Liên Xô, cũng như sự tan rã của PTCSQT.