mardi 25 octobre 2011

CUỘC CHIẾN TRANH, HỒ CHÍ MINH ĐÁNH DÂN TỘC – P15

 

CHƯƠNG 4

CÁI BÁNH VẼ CỦA HỒ CHÍ MINH

Trong Cuộc chiến tranh của Đảng Cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh lãnh đạo đánh Dân tộc, cuộc chiến thường được gọi là cuộc tranh chấp Quốc Cộng, thì phe Quốc gia Dân tộc chịu thiệt thòi vô cùng phải ở thế hạ phong dẫn đến thất bại ngày 30-4-1975. Một trong những nguyên nhân là vì trong hàng ngũ Quốc gia Dân tộc có quá nhiều kẻ ăn cơm Quốc gia thờ ma Cộng sản, những kẻ đâm sau lưng chiến sĩ Quân lực Việt Nam Cộng hòa, những kẻ nằm vùng theo những sách lược địch vận của Cộng sản như: trí vận, tôn giáo vận, văn hóa vận, sinh viên vận, học sinh vận, phụ nữ vận, binh vận… nhiều vô số không thể nào kể hết, và sau ngày 30-4-1975 lại có thêm kiều vận nữa. Nào là bà Ngô Bá Thành hợp cùng ni sư Huỳnh Liên với Phong trào Phụ nữ đòi Quyền sống xuống đường gây rối, nào là Phong trào Phản chiến với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cứ chĩa mũi dùi về phía Quân lực Việt Nam Cộng hòa trong khi Bộ đội Cộng sản hung hăng đòi tiêu diệt hết các nước tư bản chủ nghĩa để tiến tới Thế giới Đại đồng thì lại được nhạc sĩ binh vực! Lại còn thêm những trí thức ưu tú của miền Nam, tự nhận là Thành phần Thứ ba đứng trung lập, nhưng lại do Cộng sản giật dây điều khiển.

Chuyện Giáo sư Châu Tâm Luân

Có một trường hợp bây giờ thuật lại nghe giống như chuyện tiếu lâm. Đó là chuyện giáo sư Tiến sĩ Châu Tâm Luân. Ông được học bổng đi Mỹ học và đậu bằng Tiến sĩ kinh tế nông nghiệp. Khi về nước, ông dạy ở các trường Nông Lâm Súc. Trên bục giảng Đại học trước các sinh viên, ông thường phê bình: “Chế độ Sài Gòn như một cái áo rách nát đến nỗi không còn có thể vá, cách duy nhất là xé bỏ và may một chiếc áo mới”.

Rồi lời ước muốn của ông hóa thành sự thật. Ngày 30-4-1975 Sài Gòn thất thủ, Việt Cộng chiến thắng, giáo sư Luân được sống với Việt Cộng, nhưng ông lại không muốn cái áo mới màu đỏ của Việt Cộng nên bỏ trốn đi vượt biên! Có người hỏi tại sao ông không ở lại phục vụ mà lại vượt biên thì ông đáp: “Họ tàn ác lắm! Hở ra một chút là họ giết liền!” Ở miền Nam trước kia, có không biết bao nhiêu người như giáo sư Châu Tâm Luân, nhiều không thế nào kể xiết! Sau đây, xin mời bạn đọc chuyện văn sĩ nằm vùng Vũ Hạnh, một chuyện điển hình với đầy đủ chi tiết hơn.

Chuyện ông Khai Trí và nhà văn Vũ Hạnh 

Vũ Hạnh là một cán bộ văn hóa vận của Việt Cộng nằm vùng ở Sài Gòn thật lâu. Ông là một văn sĩ có tài. Tác phẩm Người Việt cao quý của ông xuất bản ở Sài Gòn và được tái bản 3 lần sau đó. Có một giai thoại thật đẹp giữa văn sĩ Vũ Hạnh và nhà xuất bản Nguyễn Hùng Trương, chủ nhân của nhà sách Khai Trí. Câu chuyện xảy ra vào khoảng cuối thập niên 60. Chuyện kể khi văn sĩ Vũ Hạnh mang bản thảo của mình đến thương lượng với nhà xuất bản Nguyễn Hùng Trương thì hai bên ưng thuận với giá 100 ngàn đồng (theo thời giá, số tiền ấy có thể mua được 5 hoặc 6 cây vàng). Nhưng đến ngày thanh toán tiền bản quyền, nhà văn nhận bao thơ, mở ra đếm thì thấy đến 120 ngàn. Nhà văn ngạc nhiên, bèn hỏi nhà xuất bản có nhầm lẫn không. Ông Nguyễn Hùng Trương, mà ai cũng gọi là ông Khai Trí, điềm nhiên trả lời: “Không, tôi không trả lộn đâu. Trước kia, chúng ta ưng với giá 100 ngàn vì tôi chưa đọc bản thảo. Nhưng sau khi đọc xong, tôi thấy giá trị của nó đến 120 ngàn, cho nên tôi phải trả đúng theo giá trị của nó”.
Thưa quý độc giả, lúc đó chúng ta đang ở vào một thời điểm của Đệ nhị Cộng hòa với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, khoảng cuối thập niên 1960. Ông Nguyễn Hùng Trương, tức là ông Khai Trí, vui lòng và tự ý trả thêm cho văn sĩ Vũ Hạnh 20 ngàn đồng cho xứng đáng với giá trị của tác phẩm, điều quá bất ngờ cho tác giả Vũ Hạnh. Hai mươi ngàn đồng từ trên trời rơi xuống?! Không phải! Từ trái tim và khối óc của một nhà xuất bản thành công, trong một nền kinh tế thị trường thành công, và trong một chế độ dân chủ khá ổn định! Mối giao hảo giữa nhà văn và nhà xuất bản mà đẹp đến thế thì ít có nơi nào trên thế giới sánh bằng! Chúng ta đã có một nền kinh tế thị trường khá hoàn hảo và nhất là chúng ta đã có một nhà xuất bản tuyệt vời biết quý trọng các nhà văn và nền Văn học Nghệ thuật. Với nền kinh tế thị trường về sách báo đẹp như vậy, tuy chế độ dân chủ của Việt Nam Cộng hòa ở phương Nam còn non trẻ, nhưng chế độ đã cung cấp cho văn nghệ sĩ khá đầy đủ tự do và phương tiện để họ xứng đáng là Văn nghệ sĩ chân chính phục vụ Nghệ thuật chứ không phải là Văn nô bồi bút nịnh bợ Đảng để ăn lương như xã hội miền Bắc của Hồ Chí Minh.

Nhạc sĩ Xuân Tiên đem yêu thương về cho phương Bắc

Vào thời gian đó, sau hơn 10 năm định cư ở miền Nam, một triệu đồng bào miền Bắc di cư đã ổn định cuộc sống và vững vàng với sự nghiệp đã được tạo dựng lại. Tình nghĩa đồng bào đậm đà thắm thiết trên mảnh đất lành của phương Nam được nhạc sĩ Xuân Tiên cảm đề với lời ca tuyệt vời trong bản Khúc hát ân tình, bài nhạc mà ai ai cũng gọi bằng tên rất thân thương là bài Tình Bắc duyên Nam. Lời ca đẹp và hiền hòa như tấm lòng Người Mẹ chung của trăm con với tình yêu thương bao la chan hòa cho tất cả:
Người từ (là từ) phương Bắc đã qua dòng sông (sông) dài
        Tìm đến phương này, một nhà thân ái
        Ôi! Tình Bắc duyên Nam (là duyên) tình chung muônđời ta đắp xây
        Gặp nàng (nàng) là thôn nữ mắt duyên cười say
        môi hồng tình ngát đôi lòng mộng vàng chung bóng
        Ôi! Mạch đất dâng hương (là hương) cần lao chung đời vai sát vai
        Cùng góp bàn tay thương yêu nhau rồi
        Ngô khoai hai mùa ngát một niềm vui (chung vui)
        Cho thơm hương đời lúa vàng tình ơi
        Ngày mai hạnh phúc nơi nơi reo cười
        Quê hương thôi đau sầu ngăn sông cách núi
        Ta đem yêu thương về cho phương Bắc
        Ôi! Đời sống yên vui (là vui) Dìu nhau đi vào chung bóng mơ.

Lời phát biểu huênh hoang của Lê Duẩn

Nói chung, người dân miền Nam lúc đó có cuộc sống sung túc, có bát ăn bát để, và được hưởng một nền tự do dân chủ khá cao so sánh với các nước Đông Nam Á. Nhưng than ôi! Hạnh phúc không được hưởng trọn vẹn vì chiến cuộc đang leo thang gây đổ nát tang tóc khắp nơi nơi và khắp mọi nhà. Cuộc chiến trong khoảng thời gian đó, giới truyền thông Tây phương thường gọi là cuộc Chiến tranh Đông Dương thứ hai, là một cuộc chiến tranh không cần thiết, do Đảng Cộng sản gây ra để nuốt trọn miền Nam sau khi đã chiếm miền Bắc, một cuộc chiến tranh mà Tổng bí thư Lê Duẩn đã huênh hoang phát biểu (Trích Đêm giữa ban ngày, tác giả Vũ Thư Hiên, trang 422): Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa và cả nhân loại, đánh cho cả bọn xét lại đang đâm vào lưng ta!
Dân tộc hãy đọc thật kỹ lời phát biểu trên. Đúng là lời nói của kẻ đâm thuê giết mướn. Hiển nhiên là như vậy, vì đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, v.v… chứ nào có đánh cho Dân tộc đâu? Rõ ràng Lê Duẩn đã nói thế kia mà! Trong một bài nói chuyện nội bộ, Lê Duẩn đã huênh hoang như vậy và Chế Lan Viên lấy hứng làm chủ đề cho bài thơ ca ngợi hòa bình: “Hỡi những con thỏ hòa bình. Đang tìm nơi gặm cỏ. Súng ta nổ cũng là vì ngươi đó...” Than ôi! Nhà thơ đòi nổ súng giết ai để bảo vệ hòa bình?!
Trong khi Lê Duẩn tự hào về việc đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô và đánh cho Trung Quốc, thì Dương Thu Hương, người nữ đảng viên một thời đã hăng say trong chiến dịch Tiếng hát át tiếng bom bên cạnh các bộ đội tiền tuyến, đã tỉnh cơn say Đảng và tàn giấc mê Hồ, để ngộ rằng đó chỉ là cuộc bắn giết giữa anh em Nam Bắc một nhà. Người nữ sĩ, mắt đẫm lệ, ngồi ở lề đường của Sài Gòn vừa được mang tên mới là thành phố Hồ Chí Minh, đã ân hận nhận ra rằng “Cuộc chiến tranh chống Mỹ là cuộc chiến tranh ngu xuẩn nhất trong lịch sử Dân tộc”. Không ngu sao được nếu ta nhìn sang nước Phi Luật Tân láng giềng được độc lập ngày 4-7-1946. Đáng lý ra Phi Quốc phải được độc lập đúng một năm trước đó, tức là ngày 4-7-1945, theo tinh thần ước kết 10 năm trước giữa hai nước Mỹ và Phi.

Phi được độc lập đúng ngay ngày Quốc khánh của Hoa Kỳ

Nhắc lại lịch sử tranh thủ độc lập của Phi Luật Tân, trong quyển Giải thể chế độ Cộng sản, tác giả Luật sư Nguyễn Hữu Thống viết (trang 180): “Đầu thập niên 1930, Luật sư Quenzon, lãnh tụ đảng Quốc gia Phi Luật Tân đã tới Hoa Thịnh Đốn để vận động Quốc hội Hoa Kỳ ban hành quy chế tự trị và độc lập cho Phi Luật Tân. Năm 1934, Quốc hội Hoa Kỳ biểu quyết thông qua Luật Tydings-McDuffie Act công nhận Phi Luật Tân là quốc gia tự trị (dominion) từ 1935. Trong đạo luật này có khoản quy định rằng, 10 năm sau, đúng ngày Quốc khánh Hoa Kỳ (4-7-1945), Phi Luật Tân sẽ được hoàn toàn độc lập.
Tại sao Phi Quốc phải bị độc lập trễ một năm? Vì lẽ Phi còn bị quân đội Thiên hoàng Phù tang chiếm đóng cho nên Đại tướng MacArthur phải điều động quân đội Mỹ đổ bộ lên đất Phi ở điểm Lingayen, một thành phố nhỏ phía Bắc Manila, để giải phóng toàn bộ nước Phi, và trong nội địa Phi, lực lượng Quốc gia Phi còn phải thanh toán những ổ kháng cự lẻ tẻ của Nhật.
Và tại sao là ngày 4 tháng 7? Khi Hồ Chí Minh chôm chỉa lời hay ý đẹp trong bài Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ để viết bản Tuyên ngôn Độc lập của mình - chỉ để lường gạt Dân tộc Việt Nam - và tuyên đọc ở quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945, ông có biết rằng ngày 4 tháng 7 là ngày Quốc khánh của Mỹ Quốc hay không? Hồ Chí Minh có biết rằng Mỹ Quốc trao trả Độc lập cho Phi Quốc đúng vào ngày Quốc khánh của mình vì một nghĩa cử cao đẹp muốn Dân tộc Phi cũng được hạnh phúc mừng Độc lập cùng một ngày với Dân tộc Hoa Kỳ hay không? Hồ Chí Minh và Đảng có biết chăng Mỹ đã thực hiện một cuộc đổ bộ đầy đảm lược (mà cường độ về quân số tham chiến chỉ kém có cuộc đổ bộ ở miền Bắc nước Pháp) để đất nước Phi được hoàn toàn giải phóng trước khi trao trả lại cho Dân tộc Phi? Nước Phi có diễm phúc như thế là vì Phi có đảng Quốc gia chứ không phải như Việt Nam có cái đảng ăn hại và dối trá mang đủ thứ tên như đảng Cộng sản Đông Dương, hội Nghiên cứu Mác Lê, đảng Lao Động, có lúc lại giải tán đảng, rồi sau cùng khi chiếm đoạt hết cả nước mới tự nhận là đảng Cộng sản Việt Nam! Dân tộc Phi được may mắn là nhờ định hướng chính trị đúng của Luật sư Quenzon đã đến ngay Quốc hội Hoa Kỳ để tranh thủ nền tự trị và độc lập cho nước mình. Trái lại, Dân tộc Việt Nam thì quá bất hạnh vì Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian đó còn đang chăm lo học nghề làm Cộng sản với Sư phụ Stalin ở thủ đô Mạc Tư Khoa của Liên Xô!
Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản có biết chăng Phi nhận nền độc lập từ tay Mỹ mà không đổ một giọt máu, không tốn một nhân mạng? Nước Mỹ hành xử đẹp như thế đối với Phi thì Mỹ nào đâu có lòng tham, muốn xâm lăng chiếm cứ đất đai của ai, tại sao Hồ Chí Minh cứ tuyên truyền và phát động cuộc chiến tranh Chống Mỹ cứu nước sát hại và gây thương tật biết bao nhiêu triệu người cả Bắc lẫn Nam? Xử dụng đến cạn kiệt xương máu của Dân tộc để dồn cho chiến trường miền Nam, riêng tỉnh Thanh Hóa đã động viên tới 450 ngàn bộ đội, nhiều xã không còn bóng dáng thanh niên. Lê Duẩn đã quyết tâm rằng nhân dân ta dù có mặc quần xà lỏn, đốt đuốc cũng đánh Mỹ tới cùng. HCM trước khi chết cũng nhắn nhủ “các cháu của Bác” là dù có cháy cả dải Trường Sơn cũng phải chiến đấu đến cùng. Tội ác gây ra cuộc chiến tranh nầy, nếu không phải HCM, thì ai chịu trách nhiệm?

Chuyện nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Trước khi viết về Trịnh Công Sơn, chúng ta nên biết qua về hai nhạc sĩ đàn anh tài hoa là Phạm Duy và Văn Cao. Nhạc sĩ Phạm Duy tham gia kháng chiến rất sớm, ngay từ những ngày tháng đầu tiên năm 1945. Ông đã tham gia kháng chiến ở Nam Bộ, ông đã có mặt ở Liên khu 4 Thanh Nghệ Tĩnh, và có mặt ở chiến khu Việt Bắc. Ở khắp nơi ông đã trình diễn và sáng tác những bài ca nêu cao tinh thần kháng chiến chống Pháp. Đến khi ông sáng tác bài Bên cầu biên giới thì Đảng không chấp nhận và ra lịnh cho ông phải khai tử bản nhạc. Quyền tự do sáng tác bị xâm phạm, một trong những lý do khiến nhạc sĩ Phạm Duy dinh tê và sau đó vào Nam (năm 1951). Thật may cho nhạc sĩ, nhưng may mắn cho Dân tộc thì lớn lao vô cùng! Như cá gặp dòng nước trong bơi lội nhởn nhơ và hóa thành rồng, với thiên tài về nhạc, hồn nhạc trong ông bay lượn trong bầu không khí tự do của miền Nam, và với sức sáng tác phi thường, nhạc sĩ Phạm Duy đã cống hiến cho Dân tộc cả một kho tàng âm nhạc vô giá. Đến bây giờ là Mùa Bịt miệng 2007, đọc lại chuyện xưa, mới thấy rằng nền Tự do của VNCH ở Miền Nam vào thuở đó thật đáng quý!
Nhạc sĩ Văn Cao là tác giả bài Tiến quân ca mà Đảng Cộng sản dùng làm Quốc ca. Ông không dinh tê như nhạc sĩ Phạm Duy. Năm 1952, ông được Đảng cho đi Liên Xô tham quan như một chuyến hành hương về Đất tổ để chiêm ngưỡng XHCN của nước Cộng sản Liên Xô đàn anh. Chuyến đi làm ông thất vọng. Trở về Hà Nội, ông ngẩn ngơ như người mất hồn! Chợt đến phong trào đấu tranh Nhân văn Giai phẩm, ông bị khai trừ khỏi hội văn và hội vẽ. Ông chỉ còn ở trong hội nhạc nhờ là tác giả của bài Quốc ca nhưng cũng chỉ làm vì.
Theo nhà phê bình Văn học Nguyễn Mạnh Trinh trong bài Văn Cao, thơ của những giấc mơ, ta đọc được dòng chữ u buồn: “Suốt mấy chục năm, Văn Cao phải lặng lẽ sống âm thầm sáng tạo trong đớn đau, trong cảnh túng quẫn. Dường như ông không viết bài hát nữa mà chuyển vào những tiểu phẩm nhạc không lời “Hàng dừa xa”, “Sông tuyến”, “Biển đêm”, ông dằn lòng viết những câu thơ không in, vẽ minh họa để kiếm chút “tiền còm” bởi thúc bách của đời sống thường nhật”. Kết luận: thiên tài của nhạc sĩ Văn Cao bị mai một trong chế độ XHCN của Hồ Chí Minh!
Chợt đến thập niên 60, ngôi sao âm nhạc Trịnh Công Sơn rực sáng! Nhạc Trịnh Công Sơn sáng tác đáp đúng thị hiếu của thanh thiếu niên, nên bài nhạc nào cũng được đón nhận nồng nhiệt, nhất là những bản phản đối chiến tranh thường được gọi là nhạc phản chiến. Nhạc sĩ được tự do sáng tác, không bị Chế độ miền Nam bắt phải khai tử bản nhạc nào như trường hợp nhạc sĩ Phạm Duy phải khai tử bài Bên cầu biên giới khi sống với Đảng! Cũng vào thời điểm đó, vào khoảng tháng 9 năm 1963, trong dịp đi nghỉ mát ở Quảng Châu, Hồ Chí Minh gặp Chu Ân Lai và Trần Nghị và phát biểu về quyết tâm chiến đấu ở miền Nam như sau: “Đừng nói phải đánh 5 năm, 10 năm, dù có 20 năm, 30 năm, thậm chí 50 năm cũng phải đánh.
Trích câu phát biểu đầy sắt máu của Hồ Chí Minh, người viết xin tri ân tác giả Minh Võ đã nghiên cứu Hồ Chí Minh, biên niên tiểu sử để tô vẽ thật rõ nét bộ mặt hiếu chiến hiếu sát của Hồ Chí Minh cùng sự dàn dựng bộ máy chiến tranh để tàn phá phần Đất nước ở phương Nam. Vào lúc đó, hai nước Đức Quốc và Hàn Quốc cũng bị phân chia làm hai như Việt Nam. Nhưng chính quyền Cộng sản lãnh đạo Đông Đức và Bắc Hàn không chủ trương đánh phá Tây Đức và Nam Hàn như Bắc Việt của Hồ Chí Minh đã làm! Do đó Tây Đức và Nam Hàn được thanh bình để chăm lo phát triển vùng đất của mình, và chẳng bao lâu sau, Tây Đức thành cường quốc kinh tế bậc nhất ở Âu Châu và Nam Hàn thành một trong 9 nước tân tiến đứng đầu về kỹ nghệ cơ khí. Còn Hồ Chí Minh đã làm gì? Ông đã đưa cả triệu thanh niên miền Bắc, kể cả những người “lính cái” (chữ của Dương Thu Hương), phải sanh Bắc tử Nam gây ra cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn sát hại và gây thương tật hàng triệu người cả hai bên chiến tuyến!
Lãnh tụ Hồ Chí Minh là thủ phạm dàn dựng thật tỷ mỷ trọn vẹn bộ máy chiến tranh đánh chiếm Miền Nam với ý chí sắt đá “dù cho cuộc chiến dài 10 năm, 20 năm, 30 năm, thậm chí 50 năm cũng đánh”. Dàn dựng con cờ bù nhìn Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam chưa đủ, tên đại mưu sĩ Hồ Chí Minh còn thiết lập thêm một chính đảng bù nhìn cho Mặt trận là đảng Nhân dân Cách mạng Miền Nam cho trọn bộ sậu. Đúng ra Hồ Chí Minh chỉ chẻ đảng Cộng sản ra làm hai, những đảng viên ở miền Nam, ông cho hóa trang và cho mặc áo Nhân dân Cách mạng Miền Nam, thế thôi. Bởi thế cho nên tất cả những hành động phản đối chiến tranh, tuyệt thực và xuống đường đòi hòa bình, viết bài phản chiến, đặt nhạc phản chiến mà không nhắm vào thủ phạm Hồ Chí Minh, không nghiêm khắc kết tội ông, thì có khác nào là đồng lõa với ông, giúp ông đoạt được chính nghĩa mà đáng lý ra ông không có!
Cùng một ý tương tự, tác giả Sắc Không, trong Nguyệt san Làng Văn trang 101, đã viết như sau: “Miền Nam, trước 1975, những loại thơ văn nhạc “phản chiến” chỉ phản chiến được với phía tự vệ, không phản chiến với phía gây chiến. Cộng quân vẫn tiến ào ào”.
Nhân đây xin nhắc lại lời tuyên bố của Trotsky trước Nghị viện Amsterdam khoảng năm 1932 (Trích Lời giới thiệu của Vũ Huy Quang cho quyển Hồ sơ Đệ tứ tập 3, của nhóm Đệ tứ Việt Nam tại Pháp, xuất bản năm 2004, trang 15). Lời tuyên bố của Trotsky về phản chiến như sau:  “Viết bài trên báo, đi biểu tình, tuyên dương hòa bình bằng l ‎‎ý sự luân lý để chống chiến tranh… mà không biết guồng máy phát động… chỉ là những tiếng be be của bầy cừu trước con dao đồ tể”.
Những chiến sĩ của Quân lực VNCH đem xương máu ngăn chận Làn sóng đỏ để bảo vệ tự do, dân chủ, và nhân quyền cho miền đất đẹp ở phương Nam tất nhiên không mấy hài lòng về tính chất phản chiến của nhạc Trịnh Công Sơn! Tuy nhiên, nhạc của ông hay vô cùng!
Cần viết thêm rằng sau khi Đảng chiếm đoạt miền Nam, Đảng ra lịnh cấm không cho hát bài Gia tài của mẹ của Trịnh Công Sơn, cùng với vô số bài nhạc khác của các nhạc sĩ miền Nam! Một hành động thật hạ cấp vô văn hóa và ngu xuẩn chỉ để cho Dân tộc thương tiếc ngẩn ngơ khoảng thời gian vàng son khi không có Đảng! Khi Đảng ra đời, thì Dân tộc mất tất cả!