Cộng sản Đệ tam Quốc tế đã mở bàn tay nhung ôm ấp HCM. Số tiền “một ngàn quan” chỉ là bước khởi đầu, sau đó còn biết bao nhiêu ân sủng nữa. Thí dụ như thuyền trưởng chiếc tàu chở ông đến đất Nga thấy ông bị lạnh nên mới cho ông mượn cái áo choàng bằng lông thú và bảo với ông là “cứ giữ lấy mà mặc đến khi nào không dùng nữa thì thôi”. Áo lông thú không phải là vật rẻ tiền, Trần Dân Tiên đã khoe như vậy để chứng tỏ ông là người được trọng vọng.
Nữ Tiến sĩ Quinn-Judge khi trả lời đài BBC về câu hỏi vị trí của HCM lúc ông còn là đảng viên của Đảng Cộng sản Pháp, câu trả lời của bà có thể tóm gọn “…Ông Hồ dường như bắt đầu học cách hợp tác với bất kỳ ai đang nắm quyền lực và học cách theo đuổi những quan tâm của riêng mình”. Đến đây, xin đọc bức thư của Phan Châu Trinh viết ở Marseille ngày 18-2-1922 gởi cho ông ở Paris lúc ông còn mang tên Nguyễn Tất Thành (Trích Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911-1925, tác giả Tiến sĩ Thu Trang, tr.176):
“Bấy lâu nay, tôi cùng anh và Phan (tức Phan Văn Trường) đàm đạo nhiều việc, mãi đến bây giờ, anh cũng không ưa cái phương pháp khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh của tôi… Tôi biết anh hấp thụ được cái chủ nghĩa của ông Mã Khắc Tư (Karl Marx), ông L ý Ninh (Lénine)… Cứ xem hai ông Mã, L ý mà anh tôn thờ chủ nghĩa, có ông nào dùng cái lối nương náu đất người mà làm quốc sự cho mình, như anh đâu? Bởi vậy, quả như anh tôn thờ l ý thuyết hai ông ấy thì anh nghe lời tôi mà về quảng cáo cho quốc dân đồng bào, ai nấy đều biết, có phải là cái phương pháp hay biết chừng nào”.
9 chữ “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” trong thư cụ Phan là kế hoạch 3 mặt phát triển, bồi dưỡng và chấn hưng Dân tộc trong Quốc sách Duy tân mà Đất nước cần theo đuổi để cho kịp các nước Tây Phương, nhưng HCM lại chẳng màng. Còn chủ nghĩa Mác Lê ông tôn thờ, thì ông giữ kín trong tâm không lộ cho ai biết, bề ngoài chỉ đóng vai yêu nước theo chủ nghĩa Dân tộc để lừa gạt mọi người.
Nhờ công trình nghiên cứu thấu đáo nên nữ sử gia Quinn-Judge mới biết rõ bản chất HCM, còn nhà chí sĩ Phan Châu Trinh biết là nhờ sống chung nhiều năm dưới một mái nhà ở Paris. Tóm gọn lại, hai vị đó đã cho chúng ta một nhận xét chính xác về chân tướng HCM với hai nét chính yếu: (1) ông không ưa thích cái phương pháp Duy tân của cụ Phan và (2) ông đang học cách hợp tác với những người nắm quyền lực, vào lúc đó, Lenin và Stalin là những người có uy quyền nhất. Cuộn phim lịch sử Đi tìm quyền lực ở Liên Xô của HCM được trình chiếu lại rõ ràng như sau: “Với “một ngàn quan” của Đảng Cộng sản Pháp tặng làm lộ phí, Nguyễn Tất Thành lên đường qua Nga, bỏ lại cho cụ Phan cái phương pháp “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” mà ông chẳng chút bận tâm mà còn chê là cổ hủ. Rồi vì “tham vọng chạy theo quyền lực”, và tinh ranh ôm trọn “hào quang cách mạng của nhóm Ngũ Long” vào tô điểm cho căn cước của mình, và như thế, Nguyễn Tất Thành biến thành Nguyễn Ái Quốc đi Nga để gặp Lenin!”
Bà Quinn-Judge còn nhận xét rằng HCM cũng học cách theo đuổi những quan tâm của riêng mình. Lời nhận xét nghiệm đúng vì trọn đời HCM sống bằng nghề gián điệp. Danh sách dài về nhiệm sở gián điệp HCM đã cộng tác và phục vụ như sau:
1- Là nhân viên KGB của Liên Xô theo dõi đảng Cộng sản Tàu do Mao Trạch Đông lãnh đạo ; 2- Hợp tác với Phản gián Trung Cộng để theo dõi quân Tưởng Giới Thạch ; 3- Là gián điệp của Trương Phát Khuê để giám sát các hoạt động của người Việt yêu nước trên đất Tàu ; 4- Cộng tác với cơ quan OSS (tiền thân CIA) của Mỹ để chống Nhật ; 5- Nhưng độc hại và phản phúc nhất là cam tâm cộng tác với Phòng Nhì Pháp để hãm hại những người quốc gia yêu nước như cụ Phan Bội Châu và cả những người Cộng sản vì sợ tranh quyền với mình ; 6- Còn có lời đồn ông có cộng tác với Tình báo của Anh ở Hương Cảng.
Đại họa HCM
Dân tộc Việt Nam thật vô cùng bất hạnh. Khi Thế chiến II chấm dứt, chiến tranh Triều Tiên chỉ kéo dài có 3 năm. Nhưng cuộc chiến trên đất Việt, “cuộc chiến tranh của HCM gây ra để đánh Dân tộc” kéo dài đến 30 năm, đó là “Tam thập niên chiến, 1945-1975”, sử gia Vũ Ngự Chiêu đã viết như vậy. Cuộc chiến đó tưởng đâu đã chấm dứt vào ngày 30-4-1975, nhưng không, chỉ là hết giai đoạn nóng! Vào lúc đó HCM đã chết rồi, nhưng Đảng của ông vẫn tiếp diễn cuộc chiến tiến qua giai đoạn lạnh, vẫn đánh triền miên không dứt, mà lại đánh tàn nhẫn hơn xưa. Bởi lẽ khi người lính Quân lực VNCH buông súng, không bảo vệ được ai, thì Đảng đánh tràn lan lên cả gia đình họ, đánh lên khắp cả miền Nam, không bỏ sót một kẻ buôn gánh bán bưng nào hết! Nhà mô phạm và nhà báo Nguyễn Thuyên ở Melbourne viết quyển Việt Nam điêu tàn bất hạnh, dài gần ngàn trang, chắc cũng không nói lên hết tất cả niềm đau nỗi khổ của Dân tộc!
Trong suốt cuộc chiến tranh dài, Đất nước và Dân tộc bị thiệt hại và mất mát quá nhiều! Về lãnh thổ, Đất nước đã mất quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, mất một vùng lãnh hải giàu ngư sản và dầu hỏa, mất những dải đất chiến lược ở biên giới mà Tiền nhân đã bảo toàn từ ngàn đời. Về xây dựng và phát triển kinh tế VN năm 2009, Ngân hàng Thế giới đã công bố kết quả thật đáng buồn. VN thật vô cùng tụt hậu so với các nước bạn chung quanh. Muốn theo kịp Singapore, ta phải mất 158 năm, muốn theo kịp Nam Dương, ta phải mất 51 năm, và phải 95 năm mới bắt kịp Thái Lan! Về mặt luân thường đạo đức, HCM và Đảng đã tàn phá hết cả Quốc hồn Quốc tuý mà Tổ Tiên đã bồi đắp trong 4000 năm dài! Cả những Di tích lịch sử cũng không chừa! Ví thử Dân tộc lấy lại Đất nước khỏi tay Đảng (như cuộc thống nhất tuyệt đẹp của nước Đức)! Ví thử chúng ta có một Nhà nước thật sự “của dân, vì dân, và do dân”! Ví thử chúng ta có những chính trị gia thiết tha yêu nước để hết tâm trí để “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” theo gương Cụ Phan Bội Châu, Cụ Phan Châu Trinh, Cụ Trần Trọng Kim, vân vân… (chớ không phải những Quan chức đỏ bận tâm mua quan bán nước để thành tỷ phú Mỹ kim như hiện nay). Có biết bao nhiêu điều ví thử như thế, không kể xiết! Người viết tin tưởng mãnh liệt vào Hồn thiêng Sông núi sẽ là hào quang dẫn dắt Dân tộc xây dựng lại cơ đồ Việt Nam xán lạn để tám mươi lăm triệu người con dân Việt tìm lại nhau trong nỗi vui mừng lớn của Đất nước: CUỘC ĐẠI ĐOÀN VIÊN CỦA DÂN TỘC.