Đảng Cộng Sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào CS Quốc Tế (12)
Ib) ÐCSVN qua thời kỳ biến động lớn thứ hai từ sau đại hội 20 ÐCSLX
Ðoàn đại biểu ÐCSVN (tên chính thức hồi đó là Ðảng lao động Việt Nam) do chủ tịch Hồ Chí Minh và tổng bí thư Trường Chinh dẫn đầu dự đại hội 20 ÐCSLX. Trong và ngay sau đại hội, đoàn đã nhiệt liệt tán thành những nghị quyết của đại hội 20. Trong cuộc phỏng vấn của Ðài phát thanh Moskva ngày 3.3.1956, Trường Chinh đã đánh giá rất cao đại hội 20 ÐCSLX và bày tỏ sự ủng hộ nồng nhiệt đối với những nghị quyết của đại hội. Ông nói: "Ðại hội lần thứ 20 của ÐCSLX là một cuộc đại hội lịch sử quan trọng nhất từ khi Lenin mất đến nay" (xem: tạp chí "Học Tập", số 4, tháng 3.1956, tr.174). Ðánh giá đại hội 20 như thế có nghĩa là ông bày tỏ thái độ mạnh mẽ phê phán thời đại Stalin và dứt khoát tán thành nghị quyết đại hội 20. Nhưng khi về nước, tại hội nghị TƯ ÐCSVN (19-24.4.1956) để nghe báo cáo và bàn về nghị quyết đại hội 20, do tác động của thành phần bảo thủ thân Mao trong bộ chính trị, như Lê Duẩn, Lê Ðức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Hoan... nên thái độ của TƯ ÐCSVN có tính chất lấp lửng, ngoài mặt thì làm ra vẻ ủng hộ đại hội 20, còn bên trong thì không ủng hộ. Lúc đầu, thái độ đó được giấu kín trong phạm vi TƯ biết với nhau thôi, không phổ biến rộng ngay cả cho cán bộ cao cấp và trung cấp của đảng. Ðiều này tỏ rõ rằng trong nội bộ TƯ hồi đó đang có cuộc đấu tranh tư tưởng giữa các phe.
Tiếp sau hội nghị TƯ là cuộc hội nghị cán bộ cao cấp và trung cấp của đảng (28.4 - 3.5.1956) để nghe báo cáo và nghiên cứu nghị quyết đại hội 20 ÐCSLX. Ðược ảnh hưởng của tinh thần phê bình trong đại hội 20, hơn nữa bị sức ép của tình trạng căng thẳng trong xã hội miền Bắc hồi đó do những bạo hành trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, do sự vi phạm tự do dân chủ của ngành công an, mậu dịch, v.v... nên tại hội nghị cán bộ, lần đầu tiên bộc lộ một thái độ phê phán mạnh mẽ và thẳng thắn những sai lầm trong sự lãnh đạo của đảng. Thậm chí một số cán bộ đã đụng đến những "điều cấm kỵ", như đã dám phê phán sự sùng bái cá nhân Hồ Chí Minh, dám nói đến việc lãnh tụ đảng đã tự mình tuyên truyền cho sự sùng bái cá nhân mình. Nhiều ý kiến vạch ra tệ nạn độc tài độc đoán, thói gia trưởng trong đảng. Về mặt đường lối, chính sách thì cán bộ lôi ra những bạo hành trong cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức , những lộng hành trong quản lý hộ khẩu, quản lý thương nghiệp, v.v... BCT TƯ không lường trước một sự phê phán mạnh mẽ như vậy, nên tại hội nghị, tổng bí thư Trường Chinh đành phải nhận là "cũng đã có hiện tượng sùng bái cá nhân nhưng chưa đến mức trầm trọng" và hứa sẽ xem xét lại những việc cán bộ đã nói về cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức, quản lý hộ khẩu, thương nghiệp, "xử lý" một số trí thức văn nghệ sĩ...
Chính nhờ tiếng vang của đại hội 20 ÐCSLX, nhờ cuộc đấu tranh nôïi bộ trong đảng mới nhóm lên và sự bất bình của dân chúng đang dâng cao hồi đó (đã bùng nổ những cuộc nổi dậy mãnh liệt của nông dân ở một số nơi, như Quỳnh Lưu, Phát Diệm... đến nỗi ÐCS phải dùng quân đội đàn áp đẵm máu) mà hội nghị lần thứ 10 TƯ ÐCSVN (tháng 9.1956) phải chịu nhận đã phạm những sai lầm nghiêm trọng trong cải cách ruộng đất. Cố nhiên, như thường lệ người ta nhấn mạnh sai lầm chủ yếu ở khâu thực hiện và cố vớt vát "sai lầm tuy nghiêm trọng, nhưng thắng lợi cải cách ruộng đất vẫn là căn bản" vì "đã lấy ruộng đất địa chủ chia cho nông dân"! Ðể làm dịu bớt bầu không khí cực kỳ căng thẳng trong dân chúng, tại cuộc mít tinh lớn của nhân dân Hà Nội ở Nhà hát Nhân dân (ở khu Ðấu Xảo cũ), Võ Nguyên Giáp, ủy viên BCT TƯ ÐCSVN thay mặt chủ tịch Hồ Chí Minh và chính phủ, chính thức nhận sai lầm trong cải cách ruộng đất và hứa hẹn "sửa sai". Do sai lầm trong lãnh đạo cải cách ruộng đất, Trường Chinh mất chức tổng bí thư. Hồ Chí Minh vừa làm chủ tịch đảng, vừa kiêm chức tổng bí thư, nhưng trên thực tế Lê Duẩn, ủy viên thường trực BCT, đã nắm giữ chức vụ đó. Trong việc này có mưu đồ của Lê Ðức Thọ, ủy viên BCT, trưởng ban Tổ chức TƯ, muốn đưa Lê Duẩn lên ngôi vị tổng bí thư, gạt người có uy tín nhất hồi đó là Võ Nguyên Giáp.
Tiếp đó, ở nông thôn miền Bắc, ÐCS đã tiến hành "sửa sai", còn ở mấy thành phố lớn thì tổ chức những cuộc họp ở khu phố cho dân chúng phê bình công việc của đảng (quản lý hộ khẩu, mậu dịch...). Người ta cũng "loáng thoáng" hứa hẹn mở rộng dân chủ... Thật ra, "sửa sai" cải cách ruộng đất là một việc rất phức tạp, dù có thực tâm cũng không thể "sửa" thật sự được, không thể giải quyết được những vấn đề kinh tế xã hội đã bị đảo lộn, cũng như những bi kịch đau thương, những quan hệ tình cảm thương tổn do cải cách ruộng đất gây ra. Cho nên, lời cửa miệng của dân "càng sửa càng sai" là sự đánh giá hoàn toàn chân thật. Còn những cuộc họp ở khu phố để mở rộng dân chủ lắng nghe ý kiến của dân - chỉ có tính chất hình thức, cho dân nói cho "hả", hé soupape xả bớt hơi, rồi đâu lại vào đấy, chẳng có ai giải quyết gì, chẳng qua chỉ là cơ hội cho công an dễ dàng theo dõi những ai mạnh dạn "có ý kiến phê bình" để sau này vào "sổ đen" trù dập. Ngay như hội nghị Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, họp (tháng 10.1956) đàng hoàng, trang trọng, có đủ mặt "bá quan", với sự hiện diện của những lãnh tụ của ÐCS, như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Xuân Thủy... cũng thế, họ kêu gọi nhân sĩ, trí thức chân thành góp ý kiến với đảng, nhưng khi luật sư Nguyễn Mạnh Tường dám thẳng thắn đọc bài diễn văn nổi tiếng "Qua những sai lầm trong cải cách ruộng đất xây dựng quan điểm lãnh đạo" để góp ý kiến với ÐCS thì về sau ông bị trả thù, bị tước đoạt tự do và đày đọa suốt đờị
Những sự kiện xảy ra ở Ba Lan và Hungarie (1956) đã làm ban lãnh đạo ÐCSVN lo sợ. Họ quên ngay lời hứa hẹn mở rộng tự do dân chủ khi hội nghị TƯ nghiên cứu nghị quyết đại hội 20 của ÐCSLX, và ngày càng nghiêng theo chủ nghĩa Mao, ngày càng siết chặt nền "chuyên chính" để mở đường cho miền Bắc tiến lên "chủ nghĩa xã hội" theo nghị quyết hội nghị lần thứ 13 của TƯ ÐCSVN (tháng 12.1957).
Hành động "chuyên chính” ác liệt đầu tiên sau khi ÐCSVN tiếp quản miền Bắc là vụ án văn chương "Nhân Văn - Giai Phẩm” (viết tắt VNVGP) diễn ra từ cuối năm 1956-1960 và kéo dài mãi về sau nhằm đánh gục trí thức văn nghệ sĩ khi đảng "đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội". Khi mới trở về Hà Nội sau chiến tranh, nhiều văn nghệ sĩ, trí thức khát khao được tự do sáng tác, được sống và làm việc trong tự do dân chủ, họ đã ra những ấn phẩm mang tên "Giai Phẩm Mùa Xuân" (1956), "Giai Phẩm Mùa Thu" tập I và tập II, "Giai Phẩm Mùa Ðông" (do Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Ðạt, Văn Cao, Sỹ Ngọc, Nguyễn Văn Tý... chủ trương), báo "Trăm Hoa" (do Nguyễn Bính chủ trương), báo "Ðất Mới" (do Bùi Quang Ðoài chủ trương), báo "Nhân Văn" (do Phan Khôi, Nguyễn Hữu Ðang, Trần Duy, Hoàng Cầm... chủ trương) để bày tỏ những khát vọng, giới thiệu những sáng tác của mình, có phần nào khác với đường lối văn nghệ của đảng cầm quyền. BCT TƯ ÐCSVN đã giao cho Trường Chinh, Tố Hữu, v.v... tổ chức một cuộc đàn áp tàn bạo đối với những trí thức, văn nghệ sĩ khao khát tự do. Những ấn phẩm của họ bị tịch thu, bị cấm, báo chí bị đóng cửa, còn những văn nghệ sĩ, trí thức có ít nhiều dính dáng đến VNVGP đều bị vu khống, gán ghép "tội trạng", bị đấu đá, bị tước mất tự do, một số bị đưa về nông thôn lao động cải tạo, một số đưa ra xử án "gián điệp” bị đưa vào tù (Thụy An 15 năm, Nguyễn Hữu Ðang 15 năm, Trần Thiếu Bảo (Minh Ðức) 15 năm, Phan Tài 5 năm, Lê Nguyên Chi 5 năm), nhiều người khác tuy không bị đưa ra xử án nhưng vẫn bị giam cầm không thời hạn... Tất cả đều bị mất việc, bị khai trừ ra khỏi các hội sáng tác, bị tước quyền được xuất bản tác phẩm, thực ra là tước quyền lao động sáng tác, vợ con bè bạn đều bị vạ lây, bị phân biệt đối xử, hành hạ đủ điều. Tình trạng đó kéo dài hàng chục năm mãi cho đến gần cuối thập niên 80, khi ÐCSLX bắt đầu "perestroika", ÐCSVN tuyên bố "cởi trói" thì mới dần dần thầm lén trả tự do, trả quyền công dân cho các nạn nhân trong vụ án. Nhưng TƯ ÐCSVN vẫn từ khước công khai, đàng hoàng minh oan, phục hồi danh dự và nhân phẩm cho những người bị chà đạp trong mấy chục năm trời. (Hồi đầu thập niên 90, chúng tôi đã có dịp trình bày cuộc đàn áp khốc liệt này trong bài: "Nhân Văn - Giai Phẩm - một tư trào, một vụ án, một tội ác", nên xin được miễn viết cụ thể ở đây).
Hành động "chuyên chính” ác liệt tiếp theo là quyết định của BCT TƯ ÐCSVN dưới thời tổng bí thư Lê Duẩn đã được "chính quyền hóa” bằng nghị quyết của ủy ban thường vụ Quốc hội số 49/NQ/TVQH do Trường Chinh, chủ tịch Quốc hội Việt Nam dân chủ cộng hòa, ký ngày 20.6.1961, cho chính quyền bắt giam các công dân vào trại tập trung mà không cần thủ tục tố tụng (nghị quyết này hồi đó được coi như là pháp lệnh!). Thật ra, trước đó BCT TƯ đã có chỉ thị mật cho bí thư các thành ủy và tỉnh ủy cùng với các giám đốc sở và ty công an thành và tỉnh chuẩn bị sẵn danh sách những người ở địa phương mình phải bị bắt giam vào trại tập trung mà không cần có tòa án xét xử để khi nghị quyết đó được công bố thì có thể bắt hàng loạt người đưa đi tập trung "cải tạo" trong thời hạn 3 năm, khi hết hạn đó chính quyền có thể gia thêm hạn khác, và cứ thế kéo dài mãi.
Trong những đợt bắt bớ đầu tiên, tập đoàn thống trị chủ yếu nhắm vào những người thuộc các đảng phái khác và đặc biệt là sĩ quan, binh lính, công chức của "ngụy quân, ngụy quyền", mặc dù những người này đã chịu ở lại miền Bắc không chạy vào Nam, đã chịu quy phục chính quyền mới, và công chức "cũ" thì đã được chính quyền mới tuyên bố "lưu dụng". Rồi dần dần đến lượt những người trí thức, nhà văn, nhà báo, giáo sư, thậm chí cán bộ, đảng viên, quân nhân... là những người đã từng tham gia kháng chiến, nay có những ý kiến thắc mắc, bất đồng với đường lối chính sách của đảng, thì vẫn bị tống vào các trại tập trung theo nghị quyết phát xít số 49/NQ/TVQH nói trên. Mạng lưới trại tập trung (để tránh chữ "trại tập trung" có tính chất phát xít lộ liễu quá, người ta dùng chữ "trại cải tạo" na ná chữ "trại lao cải" của Trung Quốc) được mở rộng khắp miền Bắc. Hàng chục vạn người bị tù đày hầu như vô thời hạn, vợ con họ bị phân biệt đối xử, tình cảnh họ thật là bi thảm. Bao nhiêu người khốn khổ đã phải bỏ xác ở các trại tù. Ðây thực sự là một tội ác của tập đoàn thống trị ÐCSVN đối với dân tộc Việt Nam, và khốn thay, tội ác đó đã được lặp lại một lần nữa với quy mô còn lớn hơn, sau khi tập đoàn này chiếm được miền Nam.
Tình cảnh người dân bình thường trong chế độ "mới" thật vô cùng bi đát, trong dân gian vẫn còn truyền tụng những câu ca dao chua xót, như:
"Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Áo quần bán trước, cửa nhà bán sau
Ăn cơm thì ăn với rau
Kiêng ăn cá thịt sợ ... đau dạ dày”.
Như đã nói trên, sau hội nghị TƯ lần thứ 10 (khóa 2), Trường Chinh bị mất chức tổng bí thư vì những "sai lầm" trong cải cách ruộng đất, Hồ Chí Minh kiêm nhiệm tổng bí thư, nhưng thực tế từ đó Lê Duẩn đã nắm toàn quyền. Ðến đại hội 3 ÐCSVN (tháng 8.1960), ông được TƯ chính thức bầu làm tổng bí thư. Phái tán đồng đường lối của Mao trong BCT TƯ ÐCSVN, gồm có Lê Duẩn, Lê Ðức Thọ, Hoàng Văn Hoan, Nguyễn Chí Thanh, Trần Quốc Hoàn... ngày càng cố lái ÐCSVN theo đường lối Mao-ít. Hồ Chí Minh thì ngả nghiêng, lúc đầu cố giữ cân bằng giữa Trung Quốc và Liên Xô, nhưng rồi cũng buông xuôi cho đa số trong BCT thân Trung Quốc tự do hành động. Mao Trạch Ðông và TƯ ÐCSTQ khôn khéo lôi kéo TƯ ÐCSVN vào con đường chống ÐCSLX ngày một sâu hơn. Chín bài luận văn cơ bản nhất của Trung Quốc để đả kích ÐCSLX (dù không nêu đích danh mà chỉ gọi chung chung là "chủ nghĩa xét lại hiện đại", nhưng ai cũng biết là nhắm vào Liên Xô) lần lượt tung ra từ tháng 4.1960 thì TƯ ÐCSTQ đều có trao đổi ý kiến với TƯ ÐCSVN, điều đó chứng tỏ rằng ngay từ hồi đó hai ÐCS thực tế đã cùng đứng chung trong một mặt trận chống Liên Xô.
Ở Việt Nam hồi đó, chín bài văn này được truyền bá rộng rãi trong ÐCS như văn kiện chính thức, đã tạo nên "cơ sở tư tưởng" cho tinh thần thân Trung Quốc chống Liên Xô tăng lên ở nước ta. Còn đến năm 1962, khi Mao Trạch Ðông và ÐCSTQ chủ trương lập Quốc tế mới dưới sự lãnh đạo của ÐCSTQ, với nòng cốt là các ÐCS Albania, Indonesia, Bắc Triều Tiên, Việt Nam... thì lúc đầu BCT TƯ ÐCSVN cũng đã hưởng ứng, nên mùa hè năm1963, BCT TƯ ÐCSVN đã cử một đoàn đại biểu gồm có Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh đến Trung Quốc theo lời mời của TƯ ÐCSTQ để bàn việc lập Quốc tế mới, đặc biệt là việc chuẩn bị cương lĩnh cho tổ chức đó. Dường như trong BCT TƯ ÐCSVN không có sự nhất trí về vấn đề này, và nói chung ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam e ngại rằng nếu dứt khoát đứng chung một mặt trận với Trung Quốc để công khai chống Liên Xô thì Việt Nam khó lòng nhận được sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, cho nên họ lại chần chừ trong việc tham gia Quốc tế mới do Mao Trạch Ðông và ÐCSTQ lãnh đạo. Mặc dù vậy, do hoạt động của phái theo Mao trong BCT và trong TƯ nên tinh thần Mao-ít, thân Trung Quốc, chống Liên Xô ngày càng mạnh mẽ và lộ liễu trong ÐCSVN. Cái tinh thần đó lan rộng ra cả ngoài dân chúng do sự tuyên truyền lừa bịp của phái Mao-ít là Liên Xô sợ chiến tranh, sợ Mỹ và muốn chung sống hòa bình nên chống lại sự thống nhất Việt Nam.