mardi 25 octobre 2011

CUỘC CHIẾN TRANH, HỒ CHÍ MINH ĐÁNH DÂN TỘC – P63


Chỉ vì một ngàn quan!
Ôi! Chỉ vì một ngàn quan!”, tiếng than thống thiết của Dân tộc tám mươi triệu người! (trừ số đảng viên Cộng sản, dĩ nhiên). “Một ngàn quan”, đó là số tiền Đảng Cộng sản Pháp cấp cho đảng viên Nguyễn Ái Quốc làm lộ phí để đi Liên Xô dự Đại hội V của Komintern. Vào thập niên 1920, một ngàn quan là số tiền khá lớn. Bằng ấy tiền, một du học sinh ở Pháp có thể sống trong 5 tháng. Hãy xem thân phận của HCM lúc còn mang tên Nguyễn Tất Thành. Vào lúc đó, ở Paris có một nhóm người viết bài và truyền đơn tranh đấu bằng tiếng Pháp và ký tên chung “Pour le groupe des Patriotes Annamites: Nguyen le Patriote”(tạm dịch“Thay mặt Nhóm Người An Nam yêu Nước: Nguyễn Ái Quốc”). Nhóm viết bài đó thường được gọi là Ngũ Long gồm có Phó bảng Phan Châu Trinh, Luật sư Phan Văn Trường, Kỹ sư Nguyễn Thế Truyền, Cử nhân Luật Nguyễn An Ninh, và người thứ năm là HCM lúc đó còn mang tên Nguyễn Tất Thành, mới học xong bậc Tiểu học, đang học Đệ nhất niên Trung học thì bỏ học. Xin viết thêm, Phan Văn Trường là người Việt Nam đầu tiên đậu Tiến sĩ Luật ở Pháp năm 1918, còn Nguyễn An Ninh đã học luật ở Đại học Hà Nội, vừa sang Pháp được 4 tháng, gặp đúng kỳ thi Cử nhân Luật, ông nạp đơn thi và được chấm đậu. HCM, với học lực bậc Tiểu học thấp kém như vậy, cho nên từ lúc đặt chân lên đất Pháp năm 1911, lưu lạc ở Anh và Hoa Kỳ, rồi sau trở về Pháp, ông không làm được công việc gì vẻ vang. Dù ở nơi nào, ông cũng chỉ làm lao động tay chân như bồi tàu, giúp việc nhà (tức là làm “osin”), phụ bếp, rửa chén bát kiêm đổ rác, thợ làm bánh, cào tuyết mùa đông (chỉ làm được 1 ngày rồi bỏ việc), thợ đốt lò, rửa hình và tô ảnh phóng đại, ông lại thú nhận có nghề làm đồ cổ giả để gạ bán cho các bà đầm Pháp, một thời gian dài được ở nhờ nhà Luật sư Phan Văn Trường, số 6 Villa des Gobelins, khỏi trả tiền thuê. Với lối sinh nhai bấp bênh như vậy, số tiền “một ngàn quan” hẳn là một món quà tặng quá lớn làm chuyển hướng đời ông.
Vào thuở đó, trong số mấy ngàn Việt kiều sinh sống ở Paris, Bác Hồ chỉ là “chú Nguyễn Tất Thành” lục lục thường tài, vô danh tiểu tốt. “Chú” không làm Chủ tịch đảng chính trị nào, “Chú” cũng không làm Hội trưởng hội Ái hữu nào để được nổi bật hơn ai, như trên đã diễn tả. Nhưng trong quyển Vừa đi đường vừa kể chuyện viết dưới ẩn danh T. Lan, “Bác HCM” đã nâng cấp cho “chú Nguyễn Tất Thành” lên thành một chính khách lỗi lạc, đáng mặt thượng khách của Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp. Xin trích dẫn T. Lan và mời quý bạn đọc:
Hồi đó Bác trọ nhà Luật sư Phan Văn Trường ở Pa-ri. Buổi sáng thì đi làm nghề tô ảnh phóng đại để lấy tiền ăn. Buổi chiều thì hoạt động cách mạng. Chánh phủ Pháp cho hai tên mật thám đêm ngày theo dõi Bác… Một buổi trưa đi làm về, bà giữ nhà đưa cho Bác một bức thư. Mở thư xem thì ra của quan Thượng thư thuộc địa mời Bác đến gặp. Cách vài hôm sau, Bác đi gặp y.
Trong phòng khách của Bộ Thuộc địa, một bầy người Pháp tai to mặt lớn đang nhô nhố chờ đến phiên mình được quan thượng gọi vào. Nhưng Bác không phải chờ, vừa đến thì liền có ông già mang xiềng bằng bạc (người truyền đạt ở các cơ quan cao cấp) mời vào ngay.
Nhớ lại chuyện xưa, lúc vừa đặt chân lên đất Pháp năm 1911, Bác liền viết đơn cầu xin “quan thượng” thương tình cho vào học Trường Thuộc địa của “quan thượng. Lá đơn sai lỗi chính tả đó chưa chắc được lọt vào mắt của “quan thượng” (Xin xem lại Chương 3 HCM, kẻ mang tên giả). Ấy thế mà 9 năm sau, Bác bỗng trở thành thượng khách của “quan thượng, được “quan thượng” viết thư mời, và khi Bác đến thì được mời vào ngay. Bác không phải chờ, chỉ có “một bầy người Pháp tai to mặt lớn” đến trước Bác phải chờ mà thôi! Ôi, Bác thật có tài phịa chuyện nói phét! Nhưng bạn đọc thân mến ơi, điều tệ hại là Bác đã đi xa về khoác lác với những dân quê suốt đời không ra khỏi lũy tre làng!
Lúc đó, Bác là đảng viên đảng Xã hội Pháp do Nguyễn Thế Truyền giới thiệu gia nhập. Trong Đại hội Tours (từ 25 đến 30-12-1920), Bác bỏ phiếu gia nhập Đệ tam Quốc tế của Lenin vừa mới thành lập, do đó đảng Cộng sản Pháp được thành hình, và Bác bỗng trở thành Hội viên Sáng lập đảng CS Pháp, điều làm cho các văn nô ở Bắc Bộ Phủ rất hãnh diện. Xét cho cùng, hành động “bỏ phiếu” để xin gia nhập Đệ tam Quốc tế cũng không nặng nhọc gì! Bác cũng không tốn mồ hôi, đổ xương máu chút nào để xây dựng đảng Cộng sản Pháp. Ngược lại, Bác còn được Đảng tặng một ngàn quan! Như chiếc đũa thần của Bà tiên đã biến cô bé Lọ Lem thành nàng công chúa diễm lệ, số tiền một ngàn quan ấy cũng được ví von như vậy. Một ngàn quan đó đã đưa HCM lên đài danh vọng. Hãy đọc quyển Bác Hồ trên đất nước Lê-Nin của tác giả Hồng Hà để xem Bác thoát xác ra sao. Đang là một người lao động tay chân, Bác Hồ bỗng trở thành nhân vật quan trọng: