mardi 25 octobre 2011

 CUỘC CHIẾN TRANH, HỒ CHÍ MINH ĐÁNH DÂN TỘC – P17

 

 

CHƯƠNG 4

CÁI BÁNH VẼ CỦA HỒ CHÍ MINH

tiếp theo
Vũ Hạnh tác giả bài “Mặt đối mặt với Nhân dân”
Đến năm 1990, sau 15 năm dưới sự cai trị độc tài của Đảng Cộng sản, nhà văn Vũ Hạnh có viết một bài rất đặc sắc nhan đề Mặt đối mặt với Nhân dân. Bài đó được dịch ra Pháp ngữ và đăng trên tờ Nouvelles de Moscow, một tờ báo khuynh hữu ở Mạc Tư Khoa. Một phần của bài đó là bản photocopy với chữ viết tay của Vũ Hạnh được đăng tải trong quyển Bút ký Irinacủa Tổ hợp Xuất bản Miền Đông Hoa Kỳ (Tập 1, trang 48). Xin mời quý bạn đọc:
Một vài suy nghĩ về con người và xã hội Việt Nam hiện nay. Sau ngày giải phóng 15 năm, nhiều người Việt Nam đánh giá về Đảng lãnh đạo theo hai cách nhìn khác nhau: một là Đảng đã có công tập họp toàn dân chống những kẻ thù xâm lược vô cùng lớn mạnh để giành Độc lập, thống nhất cho Tổ quốc. Tuy nhiên, về mặt lãnh đạo đất nước xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng đã thất bại, làm cho đa số dân chúng nghèo đi, chịu nhiều bất công, phiền hà, đất nước thua kém các nước láng giềng từ xưa được xem là chậm tiến nhất vùng Đông Nam Á. Cách thứ hai có vẻ quyết liệt hơn nhiều khi khẳng định rằng không thể tách rời giai đoạn cứu nước với dựng nước, vì giai đoạn đầu là tiền đề cho giai đoạn sau. Sự hi sinh to lớn kéo dài suốt mấy mươi năm để chỉ đem lại nghèo đói, bất công thì hi sinh ấy có ý nghĩa gì? Bây giờ người ta bắt đầu hoài nghi chủ nghĩa xã hội, hoài nghi học thuyết Mác Lê...
Bài viết phân tích rất sâu sắc và rành rẽ cuộc khủng hoảng không lối thoát ở Việt Nam và quyết liệt đòi hỏi chế độ phải thay đổi thực sự và toàn diện, trong đó có đoạn nói: “Vì sống bằng ngụy biện, người ta (tức là đảng Cộng sản) lại dùng ngụy biện để minh chứng rằng các biểu hiện xấu chỉ là hiện tượng chứ không phải là bản chất. Nhưng hiện tượng lập lại mãi cũng là bản chất. Hoặc bảo: đó là những sự suy thoái nhất thời, nhưng cái nhất thời ấy được đo bằng suốt chiều dài chế độ. Một cách giải thích khá quen thuộc khác là do kẻ thù đế quốc phá hoại, nhưng sao lại để kẻ thù phá hoại? Và sao chúng lại phá hoại dễ dàng như vậy?
Theo dõi phong trào nhân dân các nước Đông Âu nổi lên bằng những cuộc biểu tình ôn hòa, xử dụng quyền Dân tộc Tự quyết và thực hiện cuộc Cách mạng nhung không đổ máu để xây dựng nền dân chủ và loại trừ chế độ CS, nhà văn Vũ Hạnh đã theo quan điểm duy tâm mà cho rằng: “Đó là điều cần phải xảy ra, đó cũng là lẽ nhân quả ở đời”.
Và sau cùng trong đoạn kết nhà văn viết:“Câu trả lời thực sự cho V.N. không phải ở nơi Liên Xô, Trung Quốc, hay nước Đông Âu nào khác mà là ở tại V.N. Và chỉ khi nào những người lãnh đạo V.N. thấy rõ về xã hội mình và có can đảm sửa đổi những tệ trạng gây nên cho những con người V.N. bằng những phương thức hoàn toàn phù hợp với người V.N., thì chỉ lúc ấy quần chúng mới khỏi phải dùng đến sự thô bạo để giành lấy quyền định đoạt cho số phận mình.
Vũ Hạnh chối bỏ bài viết của mình
Câu chuyện về nhà văn Vũ Hạnh bắt đầu bằng chuyến viếng thăm thành phố Sài Gòn của Irina Zisman, một phụ nữ Nga có chồng là người Việt Nam. Bà học tiếng Việt ở Mạc Tư Khoa, nói tiếng Việt thật lưu loát và viết văn Việt thật điêu luyện như bất cứ một nhà văn Việt Nam tài ba nào. Trong tác phẩm Bút ký Irina, bà kể lại rằng trong chuyến viếng thăm Sài Gòn vào cuối tháng 5 năm 1991 (xin chú ý: tác giả Irina viết là Sài Gòn chớ không viết Thành phố Hồ Chí Minh!), bà được mời đến Hội Nhà văn và đã gặp Vũ Hạnh ở đấy. Bỏ ngoài chuyện được đãi trái măng cụt và bàn luận về truyện Kiều với Vũ Hạnh, khi ra về, bà có mời Vũ Hạnh lại chỗ bà ở để nói chuyện cho được tự nhiên, nhưng ông gạt đi: “Nếu như vậy, cấp trên sẽ hiểu nhầm.
Trong một ghi chú của Irina, thì sự hiểu lầm bắt đầu từ một bài viết ký tên Vũ Hạnh đăng trên tờ báo Tin tức Mátxcơva (xuất bản bằng tiếng Anh và tiếng Pháp ở thủ đô Liên Xô). Điều đáng tiếc là chính Vũ Hạnh đã hiểu nhầm về cái tên Vũ Hạnh như thế! Về biến cố nầy, Irina viết tiếp:“Tôi nghĩ về các văn sĩ của thời đại chúng ta. Chúng ta, những người chỉ biết đọc lại các tác phẩm của những người xưa. Tôi nghĩ về tấn bi kịch của nhà văn luôn luôn giấu kín suy nghĩ của mình, về các nhà báo viết bài không phải để đăng báo. Về tấn bi kịch của các văn nghệ sĩ đã được cởi trói nhưng vẫn có cấp trên. Và về những cấp trên chuyên môn hiểu nhầm.