mercredi 19 octobre 2011

Đảng Cộng Sản Việt Nam Qua Những Biến Động Trong Phong Trào Cộng Sản Quốc Tế . (4)


Cần nói thêm về sự kiện này, vì nó là nguyên cớ cho trận đại khủng bố nói trên. Tại đại hội 17 của đảng (tháng 1-2.1934), một số cán bộ kỳ cựu của đảng Lenin đã cố làm một hành động, mà nhiều nhà sử học coi như là trận đánh quyết định chống Stalin và phe cánh: một nhóm đại biểu trong đại hội, do B.Sheboldaev và I.Vareikis thay mặt, đã đề nghị S.Kirov ra ứng cử vào chức vụ bí thư TƯ đảng, họ đề nghị bỏ chức vụ tổng bí thư và chuyển Stalin vào chức vụ chủ tịch Hội đồng dân ủy. Theo lời của A.Mikoyan kể lại tại đại hội 20 (1956), Kirov đã thẳng thắn báo trước chuyện đó cho Stalin, mặc dù vậy Stalin càng thêm nghi ngờ Kirov. Tại đại hội 17, Stalin và phe cánh đã dùng OGPU (tên của cơ quan công an mật vụ thời đó - NMC) để theo dõi đại hội đảng. Ðến khi bầu các cơ quan lãnh đạo thì Stalin là người bị phiếu chống nhiều nhất. Cũng theo lời Mikoyan, khi kiểm phiếu thấy thế, chủ tịch ban kiểm phiếu là Zatonsky lo lắng, đến báo cáo ngay với Kaganovich, ủy viên BCT là tay chân của Stalin. Kaganovich cương quyết ra lệnh chỉ được ghi ba phiếu chống Stalin mà thôi. Theo lời của Mikoyan và Shatunovskaya, một phần số phiếu đã bị Kaganovich lấy mất, không còn trong hồ sơ đại hội nữa. Sau đại hội 20, ủy ban điều tra của BCT báo cáo là trong hồ sơ đại hội thiếu mất 166 phiếu, như vậy chứng tỏ là có kẻ muốn phi tang việc gian lận phiếu bầu. Một số đại biểu hồi đó còn sống sót khai rằng đại hội đã dành sự tín nhiệm cao nhất cho Kirov. Rõ ràng đây là sự gian lận trắng trợn nhất trong lịch sử các ÐCS, chứng tỏ tên độc tài đã coi ý chí của đại hội - cơ quan cao nhất của đảng - chẳng ra cái gì cả!
Một vấn đề cấp bách đặt ra cho kẻ độc tài - muốn nắm giữ quyền lực thì phải trừ ngay kẻ cạnh tranh. Ngày 1.12.1934, Kirov bị ám sát ở Leningrad. Kẻ sát nhân trực tiếp bắn vào Kirov là Leonid Nikolaev bị bắt và xử tử. Vợ, anh em, bạn bè của y cũng bị giết sạch. Kẻ thủ mưu vụ này thì... không ai biết được! Vụ này mãi mãi vẫn còn là một „mảng tối“ của lịch sử. Tuy nhiên, điều rõ ràng là Stalin đã lợi dụng ngay vụ ám sát này để dựng lên một loạt „vụ án“ chính trị, đem xử công khai hàng loạt ủy viên BCT, ủy viên TƯ và cán bộ cao cấp dưới thời Lenin, dựa trên những hồ sơ và bằng chứng giả mạo. Stalin cho phép tra tấn để lấy khẩu cung, lập hồ sơ, rồi tự mình phê duyệt án tử hình đối với các ủy viên BCT, như Zinoviev, Kamenev, Radek, Piatakov, Bukharin, Rykov, Tomsky (ông này đã tự tử trước), v.v..., hai chủ tịch và nhiều ủy viên BCH QTCS, nhiều „đại công thần“ của chế độ xô-viết, nhiều tướng lĩnh (ba nguyên soái là Toukhachevsky, Blucher, Egorov, nhiều đại tướng, như Alknis, Bielov, Kachirin, Kork, Ouborevitch, Eideman, Feldman, Primakov, Putna, v.v... nhiều đô đốc hải quân, như Orlov, Viktorov, Sivkov, v.v...) và nhiều cán bộ cấp cao khác của đảng-nhà nước và quân đội. Họ đều bị ghép tội „phản cách mạng“, thậm chí „gián điệp“, „tay sai của nước ngoài“. Hàng triệu cán bộ, đảng viên, những nhà trí thức, nhân sĩ, nhiều sĩ quan cao cấp, các quân nhân, những người bình thường đã bị bắt bớ, bắn giết hoặc bị quẳng vào các trại tập trung giăng khắp Liên bang xô-viết, gọi là GULAG. Ðấy, Stalin đã trả thù việc đại hội 17 định phế truất ông ta như vậy đó.
Trong bản báo cáo bí mật tại đại hội 20, Khrutshev đã cho biết: „Cuộc điều tra cho thấy: 98 người trong số 139 ủy viên TƯ chính thức và dự khuyết do đại hội 17 bầu ra, tức là 70%, đã bị bắt và bị xử bắn (phần lớn vào những năm 1937-38)“... và: „Không những các ủy viên TƯ, mà đa số đại biểu dự đại hội 17 của đảng cũng chịu chung số phận. Trong số 1961 đại biểu chính thức và dự bị thì 1108 người bị bắt và ghép tội phản cách mạng, tức là hơn một nửa số đại biểu đại hội (tính chính xác là 56,5% - NMC). Sự kiện này tự nó vạch rõ tính chất kỳ quái và ngược đời của những lời buộc tội „phản cách mạng“ gán cho đa số đại biểu đại hội“. Khrutshev đã cho biết là 80% đại biểu đại hội 17 đã vào đảng trong thời kỳ bí mật, trước tháng 10 năm 1917, đã tham gia nội chiến, nghĩa là trước năm 1921, còn về nguồn gốc xã hội thì 60% là công nhân, lao động. Trên thực tế, Stalin đã tiêu diệt ÐCS của Lenin và dựng lên ÐCS của mình.
Sau cuộc „đại khủng bố“ 1937-1938, ÐCS đã hoàn toàn trở thành một công cụ ngoan ngoãn trong tay của Stalin. Từ đó, chúng ta càng thấy rõ thái độ trịch thượng, coi thường của kẻ độc tài đối với ÐCS. Nếu trước đây, Stalin thấy cần thiết họp đại hội, họp TƯ đảng hay BCT tương đối đều kỳ chẳng qua chỉ để dựa thế vào cái „cơ chế dân chủ trong nội bộ đảng“ nhằm đè bẹp và tiêu diệt những địch thủ của mình, còn bây giờ cái gọi là „sinh hoạt dân chủ“ của ÐCS không còn cần thiết cho ông ta nữa: ông đã là chủ của ÐCS rồi. Ðây là một ví dụ rất dễ thấy. Khoảng cách giữa đại hội 14 và 15 là 2 năm (1925-1927), giữa đại hội 15 và 16 là 3 năm (1927-!930), giữa đại hội 16 và 17 là 4 năm (1930-1934), giữa đại hội 17 và 18 là 5 năm (1934-1939), giữa đại hội 18 và 19, đại hội cuối đời của Stalin, là 13 năm (1939-1952). Và hội nghị TƯ đảng thì rất ít họp, đặc biệt từ hội nghị TƯ tháng 2.1947 bàn về nông nghiệp mãi đến 5 năm sau, tháng 8.1952 mới có hội nghị TƯ tiếp theo để bàn về đại hội 19 của đảng (xem: D.Volkogonnov. „Stalin“, t.2, tr. 614). Còn BCT thì hầu như không khi nào họp đủ thành phần. Những quyết nghị của BCT được thực hiện chủ yếu bằng cách lấy chữ ký các ủy viên dưới văn bản dự thảo do Stalin sai người chuẩn bị sẵn. „Dân chủ“ kiểu này thì ai mà dám không „tán thành“ ý kiến của „lãnh tụ“!
Ðấy, ÐCS theo quan niệm của Marx cuối cùng đã biến hóa (metamorphose) thành „công cụ“, „kẻ đầu sai“ trong tay tên độc tài thực tế đã ngồi chồm hổm trên đầu ÐCS. Còn chế độ cộng sản mà Marx và Engels mô tả và Lenin khẳng định là „một triệu lần dân chủ hơn các chế độ dân chủ tư sản“ thì hóa ra là một chế độ độc tài chuyên chế nhất trong lịch sử mang nặng tàn dư phong kiến, chế độ nông nô, thậm chí chế độ chiếm hữu nô lệ! Người viết không nói ngoa tí nào. Xin các bạn cứ nghĩ xem, việc ướp xác lãnh tụ để tôn thờ, có phải là thứ văn hóa pharaon thời cổ đại không? Việc bắt hàng 5 triệu người, có năm lên đến 7 triệu (ở đây, người viết dẫn số liệu „thận trọng nhất“ của các sử gia Nga, còn các nhà nghiên cứu nước ngoài thì cho số liệu cao hơn, thấp nhất là 8 triệu, cao nhất là 15 triệu, còn theo báo cáo của chính phủ Anh tại Hội đồng Kinh tế và Xã hội của LHQ ngày 15.8.1950 thì 10 triệu - xem: M.Geller và A.Nekrich. „Lịch sử nước Ngă1917-1995)“, t.2, tr.54) nhốt vào các trại tập trung để khai thác triệt để lao động không công của những tù nhân này, có phải là hình thức bóc lột của chế độ chiếm hữu nô lệ không? Việc tổ chức các tòa án chính trị hồi những năm 30, có phải là áp dụng mẫu mực của các tòa án giáo hội (inquisition) thời Trung cổ không? Việc Stalin không cho nông dân được có giấy thông hành (tiếng Nga là passport) để buộc chân nông dân, không cho rời khỏi nông thôn có phải là chế độ nông nô không? Cái kiểu tôn ty trật tự trong ÐCS và chế độ xô-viết với những đặc quyền đặc lợi quái gỡ nhất, có phải là tàn dư của văn hóa phong kiến hay không?
Hồi đầu thế kỷ 20, Plekhanov đã từng cảnh báo những người cách mạng Nga rằng trong điều kiện nước Nga còn lạc hậu, nền công nghiệp chưa phát triển cao, giai cấp vô sản công nghiệp chưa trưởng thành mà đòi làm cách mạng vô sản thì nhất định không tránh khỏi đưa đến một chế độ độc tài không hạn chế. Lời cảnh báo linh nghiệm biết bao đã bị Lenin và những người bolsheviks gạt bỏ!
Ðối với QTCS và PTCSQT:
Càng ngày Stalin càng thấy rõ „tiên đoán thiên tài“ của Lenin về cách mạng vô sản thế giới sắp bùng nổ là chuyện vớ vẩn, viễn vông. Nhưng ông ta cũng còn cần mạng lưới tay sai ở các nước, cho nên vẫn gắng gượng duy trì QTCS trong chừng mực cần thiết cho đường lối chính trị của ông. Vì thế, tiền, vàng, châu báu đổ ra để cấp cho tổ chức này tuy vẫn tiếp tục như trước, nhưng khối lượng ngày càng giảm bớt. Hơn nữa, Stalin e ngại tổ chức này có thể là „hang ổ“ cho những lực lượng đối lập chống lại ông, vì hai chủ tịch BCH QTCS là Zinoviev (1919-1926) và Bukharin (1926-1929) và nhiều cán bộ QTCS đã bị ông hành quyết, nên ông cũng muốn sớm kết liễu tổ chức này. Không phải Stalin không còn ý định chinh phục thế giới nữa, nhưng ông tính làm việc đó bằng cách khác, thông qua cơ quan công an mật vụ, mạng lưới gián điệp, cùng với sự liên hệ trực tiếp với các nhóm khủng bố, các ÐCS đã hình thành trên các nước và được Liên Xô nuôi dưỡng, đào luyện. Chính Dimitrov, chủ tịch cuối cùng của BCH QTCS cũng cảm thấy thái độ lạnh nhạt của Stalin đối với tổ chức mà ông đang phụ trách, nên cũng „tự nguyện“ đề nghị giảm bớt „chức năng“ của QTCS đi. Ðến năm 1943, Stalin vin cớ cần làm yên lòng các nước đồng minh để mở rộng mặt trận chống phát xít, đã tự ý tuyên bố giải tán QTCS mà chẳng thấy cần phải tuân theo „nghi thức dân chủ“ của một tổ chức quốc tế „độc lập“. Còn Dimitrov, chủ tịch BCH QTCS, thì được chuyển sang làm trưởng ban đầu tiên của Ban quốc tế của TƯ ÐCSLX (xem: „Sự tan rã. Nó đã chín muồi như thế nào trong „hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới“, tác giả V. Medvedev, nguyên ủy viên BCT, bí thư TƯ ÐCSLX thời Gorbachev, M.1994, tr.19). Trong cung cách Stalin giải tán QTCS, ta thấy rõ toàn bộ tính chất bù nhìn, bung xung, đầu sai của tổ chức nàỵ
Ðến năm 1947, Stalin thấy cần có một tổ chức quốc tế để phối hợp lực lượng cộng sản thế giới dưới sự chỉ huy của ÐCSLX, hơn nữa ông ta muốn các ÐCS cầm quyền, nhất là ở Ðông Âu, đều thống nhất (unification) chế độ của mình theo một mẫu mực chung, nên mùa thu năm ấy một tổ chức bao gồm 9 ÐCS Âu châu (Liên Xô, Nam Tư, Bulgaria, Rumanie, Hungaria, Ba Lan, Tiệp Khắc, Pháp và Ý) gọi là „Cục thông tin quốc tế“ (Kominform) đã được lập ra. Có thể nói, Kominform có tham vọng trong chừng mực nào đó kế tục sự nghiệp của QTCS (Komintern).
Cái mẫu mực chung mà Stalin muốn phổ biến cho các nước dưới quyền cai trị của các ÐCS cố nhiên là mô hình xô-viết. Nhưng Tito và một số lãnh tụ ÐCS ở Ðông Âu ngay từ đầu đã cảm thấy không thể rập khuôn theo mô hình chế độ xô-viết được. Gomulka hồi đó đã nói đến „con đường Ba Lan“ tiến tới chủ nghĩa xã hội; những người cộng sản Bulgaria cũng nói khéo nước họ là „cộng hòa nhân dân“ chứ không phải là „cộng hòa xô-viết“; nhà hoạt động Hungarie Rivai nói: ở Hungarie mà tính chuyện thành lập nông trang tập thể (kolkhoz), tức là „việc làm của bọn khiêu khích và phá hoại“... Một điều nên nhắc lại là sau thế chiến thứ hai, uy tín của Tito và ÐCS Nam Tư (tên chính thức là Liên minh những người cộng sản Nam Tư)ø rất lớn, chỉ đứng sau Stalin và ÐCSLX mà thôi. Vì ÐCSNT dưới sự lãnh đạo của Tito đã kiên cường „đơn thương độc mã“ chiến đấu chống quân phát xít Ðức-Ý và tự mình giải phóng đất nước. Cho nên lúc đầu trong Kominform ảnh hưởng của ÐCSNT khá lớn. Ðiều đó, cố nhiên, không làm Stalin thích thú. Hơn nữa, Stalin muốn ép Nam Tư rập khuôn theo mẫu mực xô-viết của mình và gặp phải sự chống đối của Nam Tư. Ðó là nguồn gốc sâu xa của những xung đột giữa Stalin và Tito, giữa hai ÐCS và hai nước Liên Xô và Nam Tư. Tháng 6.1948, dưới sự đạo diễn của Stalin, Kominform đã họp ở Bucarest gồm đại biểu 8 ÐCS (Nam Tư không đến họp) để buộc tội những người lãnh đạo ÐCSNT là theo „chủ nghĩa dân tộc“ và khai trừ ÐCSNT ra khỏi Kominform. Về sau Stalin còn mở một chiến dịch lớn bôi nhọ „bè lũ xét lại Nam Tư đứng đầu là Tito“, thậm chí vu khống Tito là „gián điệp“, „tay sai của đế quốc“. Hầu hết các ÐCS trên thế giới đã hùa theo Stalin và Kominform để chống Tito và cô lập Nam Tư. Thế nhưng, Nam Tư vẫn tồn tại, còn Kominform, một tổ chức bị bại liệt bẩm sinh, không có sức sống, nên lần hồi đã lặng lẽ chết không kèn không trống (xem: „Lịch sử Liên Xô“ của sử gia người Ý nổi tiếng Giuseppe Boffa, t.2, bản tiếng Nga, tr. 361-363).
Dù QTCS không còn nữa mà Kominform thì èo uột, nhưng Stalin vẫn dựa vào uy lực cá nhân của mình cũng như sức mạnh quân sự của Liên Xô để điều khiển các ÐCS „đàn em“ và cố sức mở rộng phạm vi ảnh hưởng của đế quốc cộng sản. „Bàn tay Moskva“ đã can thiệp vào việc nội bộ và nhen nhóm các cuộc nội chiến ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, v.v... đã dựng lên cái gọi là „chế độ dân chủ mới“ với những chính phủ bù nhìn ở Ðông Âu, Bắc Triều Tiên, đã giúp chủ nghĩa cộng sản bành trướng ở Trung Quốc, Việt Nam, v.v...
Cũng nên nhắc đến mưu đồ của Stalin và Mao Trạch Ðông gây ra chiến tranh Triều Tiên hồi năm 1950 với mưu đồ thôn tính Nam Triều tiên đã gieo rắc biết bao tang tóc, xương máu cho người dân. Ðó là chưa nói đến việc Stalin hồi đầu thập niên 50 đã có một kế hoạch chuẩn bị tấn công „giải phóng“ châu Âu mà nhà sử học Tiệp Khắc Karel Kaplan đã phát giác trong sách „Dans les Archives du Comité Central. Trente ans de secret du Bloc soviétique“ (tr.165-167). Cuối những năm 40, Stalin nhận định tình hình thế giới và đi đến kết luận: nửa đầu thập niên 50 sẽ là thời điểm thuận lợi nhất để giáng một đòn quyết định vào châu Âu tư bản chủ nghĩa và thiết lập ở đấy chế độ xã hội chủ nghĩa. Ðể thực hiện âm mưu này, cần phải kiềm chế được Hoa Kỳ, và Liên Xô ra sức chạy đua võ trang trong lĩnh vực nguyên tử, đến năm 1949 Liên Xô đã có được bom nguyên tử. Theo tài liệu bí mật lưu trữ ở ÐCS Tiệp Khắc mà Kaplan công bố thì hồi tháng 1.1951, Stalin, Molotov đã họp bí mật với lãnh tụ và chỉ huy quân sự cao cấp những nước cùng phe ở Ðông Âu bàn về việc chuẩn bị trong vòng 3-4 năm thực hiện kế hoạch tấn công „giải phóng“ châu Âu (xem: M.Geller và A.Nekrich. „Lịch sử nước Nga (1917-1995)“, t.2, tr.67, 68). Về điều phát giác của Kaplan thì kẻ viết bài này không đủ điều kiện để xác minh, nhưng cũng xin nói rõ là: căn cứ theo tài liệu lịch sử thì đúng là hồi tháng 1.1951, đã một cuộc hội nghị quan trọng có mặt các tổng tham mưu trưởng và bộ trưởng quốc phòng các nước „dân chủ nhân dân“ Âu châu mà Stalin đã tự thân tham dự để kiểm điểm tình trạng sẵn sàng chuẩn bị của lực lượng võ trang các nước này, và tại hội nghị đó Stalin đã khẳng định là chỉ có thể có được một thời kỳ „tạm nghỉ“ 3-4 năm mà thôi để chuẩn bị cho trận chiến đấu mới, vì ông cho rằng cuộc chiến tranh Triều Tiên mới chỉ là cuộc thử sức đầu tiên của hai địch thủ. Trước khi kết thúc hội nghị, người ta đã ký một hiệp định bí mật, theo đó khi xảy ra chiến tranh, các đồng minh của Liên Xô có trách nhiệm phải chuyển giao quân đội của mình dưới quyền chỉ huy trực tiếp của bộ chỉ huy xô-viết. Ðồng thời, người ta cũng đã duyệt lại một cách căn bản các kế hoạch kinh tế của các nước „dân chủ nhân dân“ nhằm tăng cường phát triển hơn nữa công nghiệp nặng và công nghiệp quân sự (chính việc này đã gây ra sự mất cân đối trầm trọng sau này trong nền kinh tế của các nước này, nhất là đối với nông nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng). Công việc đang khai triển thì đến tháng 3.1953, Stalin chết, nếu không thì những kế hoạch phiêu lưu của kẻ độc tài sẽ còn gây thêm biết bao núi xương và sông máu nữa cho nhân loại để thực hiện mục tiêu cuối cùng của PTCSQT.
E. "Cống hiến" của Mao Trạch Ðông vào việc xây dựng ÐCS
Sau những trận tranh quyền quyết liệt trong nội bộ ban lãnh đạo, cuối cùng Mao Trạch Ðông đã giành được quyền lực trong ÐCS hồi năm 1935. Việc đầu tiên họ Mao nghĩ đến là làm sao nắm chắc được „công cụ đảng“ trong tay mình. Sống trong hoàn cảnh một nước Á châu không có chút truyền thống dân chủ nào mà mang nặng văn hóa phong kiến, Khổng giáo, Mao và phe cánh hiểu được sự cần thiết phải khai thác triệt để đầu óc sùng bái và tuân phục của thần dân đối với „thiên tử“, cho nên đã đặc biệt coi trọng việc „tẩy não“ và „nhồi sọ“ trong đảng, quân đội và trong dân chúng. Ðiều đó họ gọi là „công tác tư tưởng“, với mục tiêu làm cho mỗi đảng viên cộng sản, cũng như mỗi thần dân trong chế độ „xã hội chủ nghĩa“ mất hết cá tính, mất hết năng lực và thói quen tư duy độc lập, làm cho toàn ÐCS, toàn dân Trung Quốc sùng bái, thần thánh hóa đến độ cuồng tín để biến trên 600 triệu người sẽ trở thành một „công cụ“ dễ bảo, một cái „đinh ốc bé tí“ trong tay họ Mao và ÐCS. Ðể đạt được cái mục tiêu đó, Mao và phe cánh đưa ra một phương pháp gọi là „chỉnh phong“. Qua quá trình „chỉnh phong“, đảng (và cả công an mật vụ) nắm được „tư tưởng“ của đảng viên, đoàn viên, cán bộ, quân nhân... để tiến hành „đấu tranh tư tưởng“ và „cải tạo tư tưởng“ cho những người bất đồng chính kiến. Thông thường những cuộc chỉnh phong đều kèm theo những cuộc đấu đá, xỉ vả, lăng nhục, đày ải cán bộ, trí thức về nông thôn để „lao động cải tạo“ hay thậm chí bắt bớ, tù đày cán bộ, trí thức trong các „trại lao cải“, một kiểu GULAG made in China. Chỉnh phong là „cống hiến“ độc đáo nhất của họ Mao vào „kho tàng chủ nghĩa Marx-Lenin“ mà nhiều ÐCS châu Âu, châu Mỹ không thể nào hiểu nổi và học nổi!
Họ Mao còn có một „sáng kiến“ nữa là khi cầnđấu tranh giành và giữ quyền lực, ông ta không ngần ngại huyđộng quần chúng cuồng tín chống lại ÐCS: khi phátđộng làm „đại cách mạng văn hóa“ ôngđã cho „hồng vệ binh“ „tạo phản“ nã súng bắn vàođảng mà ông ta gọi là „bộ tham mưu xét lại, hữu khuynh“. Về thực chất cũng như hậu quả, cuộc „đại cách mạng văn hóa“ của Mao không khác mấy cuộc „đại khủng bố“ 1937-1938 của Stalin.