CUỘC CHIẾN TRANH, HỒ CHÍ MINH ĐÁNH DÂN TỘC – P47
...
Với câu hỏi của Lâm Lễ Trinh: “Vì sao anh trở về thành? Năm nào? Bằng con đường nào? Có gặp khó khăn gì không?”. Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên trả lời rằng tin Cựu hoàng ký hiệp ước Hạ Long và thành lập chính phủ đã thúc đẩy ông và một số đồng nghiệp tìm cách rời bưng. Lại thêm lời tuyên bố gạt bỏ lương tâm người thầy thuốc của Hoàng Đình Cầu bằng cách phỉ báng lời thề Hippocrate là giọt nước đã làm tràn ly. Hơn nữa, ông phải về Hà Nội để học xong y khoa và vào Sài Gòn để trình luận án. Nguyễn Lưu Viên, người “Cựu Quân y trưởng” của Sư đoàn 320 viện cớ đi kinh lý sát vùng tề, thoát khỏi Chiến khu 3 và dinh tê bằng ngả Phát Diệm. Thương cho thân ông, biết rằng con đường “Về với Dân tộc” đầy gian nan nguy hiểm, nên ông đã thủ sẵn trong người một liều thuốc độc arsenic phòng khi bị bắt, nhưng may mắn thay, ông không phải dùng đến!
Tránh xa kẻ có bàn tay vấy máu Đồng bào
Chính Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, người thiết lập nền Đệ nhị Cộng hòa năm 1965, thì 20 năm trước, ông cũng tham gia cao trào toàn dân Kháng chiến chống Pháp. Nhờ có tài về quân sự, nên ông đã được đảm nhận chức Huyện đội trưởng, một chức vụ chỉ huy không nhỏ trong những ngày đầu kháng chiến. Nhưng rồi ông cũng từ bỏ kháng chiến mà dinh tê vì không muốn đi theo kẻ có bàn tay vấy máu đồng bào: cán bộ Việt Minh đã sát hại những thành phần đối lập và triệt tiêu Hội đồng Bô lão trong làng của ông. Ông từ bỏ chức Huyện đội trưởng của Việt Minh Cộng sản, quay trở về với Dân tộc, và trở thành một trong những sĩ quan đầu tiên của Quân đội Quốc gia Việt Nam quyết tâm ngăn chận làn sóng đỏ của Cộng sản.
Con rận cụ Hồ
Nhân đọc quyển “Vũ Đức Nghiêm, anh tôi”, sách do người em út trong gia đình là Vũ Trung Hiền viết về người anh nhạc sĩ tài hoa của mình, người viết nhặt được một “hạt kim cương lóng lánh” về dinh tê và xin được trích dẫn (Sách do Vũ Trung Hiền tự xuất bản năm 1988, tái bản lần đầu 1988 và lần hai 2005). Bên hương trà Tàu loại 313, hai anh em trong gia đình gia giáo họ Vũ, Đức Nghiêm và Trung Hiền, tâm tình và kể lại chuyện xưa… Đầu năm 1950, Vũ Đức Nghiêm 19 tuổi rưỡi, đang học lớp Đệ tam trường Nguyễn Thượng Hiền ở làng Ngô Xá, bên bờ sông Chu, Thanh Hóa. Khi một cán bộ Việt Minh đến trường chiêu mộ binh sĩ, thì Vũ Đức Nghiêm cùng với một số bạn học tình nguyện ghi tên theo học khoá 6 trường Lục quân Trần Quốc Tuấn. Có cả một cô bạn cùng lớp cũng tình nguyện ghi tên theo học ngành y tá cứu thương.
Đám tân binh cả trăm người đó đi bộ từ Thanh Hóa về hướng tây bắc, phải mất cả tháng trời, trèo đèo lội suối băng rừng mấy trăm cây số mới đến huyện Đại Từ, vùng rừng núi Thái Nguyên. Lúc đó là vào tháng 4-1950. Nhưng sau 4 tháng huấn luyện, tân binh Vũ Đức Nghiêm bỗng “ngộ”, ông nhờ “ở trong chăn nên mới biết chăn có rận”. Đây, Vũ Đức Nghiêm tâm tình với người em Vũ Trung Hiền về “Con rận cụ Hồ” như sau: “Họ chia thành phần. Những người là đảng viên, đoàn viên, được đối xử đặc biệt. Những người được coi là cảm tình viên, họ đối xử cũng tốt, tuy không bằng đối với đảng viên, đoàn viên. Nhưng với bọn anh, được coi như thành phần “quần chúng”, họ nghi kỵ, và kỳ thị ra mặt!”
Trên đường dinh tê, BS Nguyễn Lưu Viên mang theo một liều độc dược arsenic, còn Vũ Đức Nghiêm thì vừa đi vừa chạy, “vì sợ họ đuổi theo bắt lại, thì chỉ có nước tự tử nếu không muốn chết nhục”. Ngày đầu, đi suốt 13 tiếng không dám ngừng nghỉ, ông đi được bốn, năm mươi cây số. Phải mất 10 ngày đi ròng rã như vậy, ông mới về lại Thanh Hóa. Vũ Đức Nghiêm không muốn thành bộ đội cụ Hồ vì sợ bị “Con rận cụ Hồ”hút máu, nên ông phải dinh tê. Sau ông nhập ngũ khoá 1 Trừ bị Nam Định và đời binh nghiệp đưa ông đến cấp bậc sau cùng là Trung tá Quân lực VNCH với hệ lụy 13 năm 2 tháng 16 ngày trong ngục tù Cộng sản. Quân lực VNCH hào hùng đó, tuy bây giờ không còn nữa, nhưng đã phục vụ đắc lực Quốc gia Việt Nam, Đệ nhất Cộng hòa, và Đệ nhị Cộng hòa. Quân lực đó đã giúp xây dựng một nền dân chủ tuy còn non trẻ song cũng bảo đảm đủ các quyền tự do, do đó đã mang đến cho Dân tộc và Đất nước “Những ngày tháng năm tuyệt đẹp của thế kỷ!” Quân lực đó, thật xứng đáng như lời Đảng trưởng VNQDĐ Nguyễn Thái Học: “Không thành công thì thành nhân.”
Chỉ ưu đãi Thanh niên Cứu quốc
Trong thời Nam Bộ kháng chiến, Bác sĩ Trần Ngươn Phiêu ở Nam Bộ cũng có nhận xét y như cựu Trung tá Vũ Đức Nghiêm ở Việt Bắc. Trong quyển hồi ký Những ngày qua, Bác sĩ Trần Ngươn Phiêu viết rằng vào lúc đó ông là học sinh trường Petrus K ý cùng với rất nhiều thanh niên phần đông là các bạn cùng trường, tất cả tình nguyện đi học về huấn luyện quân sự ở Trường Cán bộ Thanh niên tại chiến khu Đồng Tháp. Bác sĩ Trần Ngươn Phiêu viết tiếp rằng (tr. 22 sđd):
“Rất nhiều anh em đã đi từng đợt vào khu, nhưng sau khi Mao Trạch Đông thắng được ở Trung Quốc, thì ở VN, các nhà lãnh đạo Cộng sản không còn giấu che chủ trương của họ nữa. Nhiều anh em được huấn luyện trong khu đã chán nản trở về vì ở trường chỉ có Thanh niên Cứu quốc mới được ưu đãi. Các anh em khác, hoặc là được khéo léo khuyên nên gia nhập Thanh niên Cứu quốc, hoặc là thấy nên rời bỏ trường vì cảm thấy bị nghi ngờ vì lập trường không đảng phái của họ.”
Một cuộc đấu súng kiểu “Bang bang”
Chuyện quốc gia đại sự, nhưng thực chất lại xảy ra y như chuyện đấu súng kiểu “Bang bang” trong bản “Khi xưa ta bé, bang bang”nhạc ngoại quốc, lời Việt của Nhạc sĩ Phạm Duy. Chỉ vì lịch sử xảy ra y như vậy, nên người viết xin qu ý độc giả lượng thứ. Chuyện do Cựu hoàng Bảo Đại kể trong quyển Con rồng VN (tr.386) rằng“Cựu hoàng nhận được một bức thư cầu cứu của Đức Cha Lê Hữu Từ”. Lúc đó Đức Cha Lê Hữu Từ ở giáo phận Phát Diệm có nhiều mối lo âu cũng như Đức Cha Phạm Ngọc Chi ở Bùi Chu, bởi lẽ (tr.387 sđd) “VM bắt đầu đè nặng lên hai giáo xứ mỗi ngày một chặc chẽ thêm. Nhiều đám thủ tiêu, ám sát, mặc dầu bọn tự vệ đã hoạt động mạnh, nền an ninh cứ mất dần”.
Nhận được thư cầu cứu của Đức Cha, Cựu hoàng tổ chức cho Nguyễn Văn Vĩ, vào lúc đó là đại úy, nhảy dù xuống Phát Diệm, trá hình làm một nông dân, và vào gặp Đức Cha để bàn kế hoạch.Vài ngày sau, đó là ngày Chúa nhật 16-10-1949 vào khoảng 8 giờ sáng, đại úy Nguyễn Văn Vĩ chỉ huy 2 đại đội Nhảy dù (toàn người Việt) nhảy xuống vùng nghĩa địa Lưu Phương nằm giữa Yên Mô và Phát Diệm. Tự vệ quân của Phát Diệm ra ngăn cản đoàn quân của đại úy Vĩ ở bên kia sông. Theo mật ước, cả hai toán quân cùng nhau chĩa súng bắn lên trời, tự vệ quân của Phát Diệm “đóng vai thua trận” phải để cho quân Dù của Đại úy Vĩ vào chiếm Phát Diệm, và toán quân Pháp của tướng Alexandri tiến theo sau. Quân Dù của đại úy Vĩ “phải chịu” để cho dân chúng Phát Diệm mắng chửi là “Việt gian”, nhưng cũng theo mật ước, tự vệ quân của Phát Diệm nhận được nhiều võ khí tiếp tế.
Cựu hoàng kết luận rằng (tr. 388 sđd): “Đó là mở đầu một loạt xoay xở, nay Sở nay Tề, khi đầu khi đánh, nhưng các giáo khu miền Bắc dần dà đi sâu vào sự chống lại VM. Thật vậy, theo gương các giáo phận Phát Diệm và Bùi Chu, các giáo dân ở nơi khác đều trang bị và phát động phong trào Thánh chiến gọi là Liên tôn diệt Cộng”.
Tình chiến hữu sau lưng
Chiến sĩ Võ Đại Tôn tức thi sĩ Hoàng Phong Linh đã diễn tả “Tình chiến hữu sau lưng” trong 2 câu thơ: “Anh không sợ kẻ thù trước mặt. Mà ngại tình chiến hữu sau lưng”. Trong thơ văn thì nhà thơ khéo dùng chữ “ngại” rất nhẹ nhàng, nghe như ta chỉ cần chú tâm đề phòng là được. Nhưng “Chiến hữu sau lưng” hoàn toàn không phải là kẻ gian rình ăn cắp gà hoặc kẻ xấu đâm heo thuốc chó láng giềng của ta. Thật sự, trong toàn cảnh “Cuộc chiến tranh của HCM đánh Dân tộc”, “Tình chiến hữu sau lưng” có nghĩa là “Mời đi họp rồi thủ tiêu” hoặc “Liên hiệp trước mặt sát phạt sau lưng” gây ra cảnh máu chảy đầu rơi, xương tan thịt nát. Sau đây là những câu chuyện minh chứng “Tình chiến hữu sau lưng” với chiến hữu Nguyễn Bình trong thời Nam Bộ kháng chiến.